Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Việt Nam có dân chủ? Còn Lâu


Phát xít và cộng sản giống nhau ở chỗ đâu đâu cũng có nạn nhân diệt chủng của chúng. Hiện nay nhân dân Việt Nam ít nhiều vẫn đang là lò than hồng cho “nhà” ngồi trên sưởi ấm. Nhưng chẳng bao lâu nữa lò than này sẽ cháy bùng thành ngọn lửa và thiêu “nhà” ra tro bụi nếu “nhà” vẫn khư khư bám giữ những chính sách phản động quan liêu, phi dân chủ, ăn chơi phè phỡn và sa đọa trên lưng những người dân lành.

“Rốt cuộc còn lại một điều
Họ từng đã sống và từng dám chơi
Dám chơi là đã được rồi
Dầu vàng đặt cược mất toi bao lần…”
Bài đọc suy gẫm: “Việt Nam có dân chủ? Còn lâu” hay ” Một cuộc lùng bắt tại Đông Âu” – bài viết của một kỹ sư du học và “hợp tác lao động” tại Bulgaria tên Phạm Văn Viêm chỉ vì dịch cuốn sách “Chế Độ Phát Xít” của Tổng Thống J.Jeliev, mà ông đã bị cộng sản lùng bắt trên đất Bulgary mang về nước giam giữ và hiện tại rất cần người người khắp nơi gióng lên tiếng chuông báo động để can thiệp.

Câu hỏi rất hay được đặt ra là: khi con người phạm tội thì có luật pháp, khi chế độ phạm tội thì lấy ai để xử?” (Blog 12 bến nước).  Hình ảnh chỉ có tính cách minh họa.
Phát xít và cộng sản giống nhau ở chỗ đâu đâu cũng có nạn nhân diệt chủng của chúng. Hình ảnh trại tù của phát xít Đức và lò thiêu xác người.
Tháng 6 năm ngoái 1990, tôi viết cho người yêu: “Nếu tháng 10 này anh vẫn chưa về, anh mong em hãy tự quyết định lấy cuộc đời mình”. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không giải thích nỗi vì cớ gì mà tôi lại chọn đúng tháng 10. Phải chăng linh tính đã báo trước sự kiện mà tôi sẽ kể cho bạn nghe sau đây?
Hồi đó chúng tôi mới chuyển đến Liên Hiệp Xây Dựng Varna (CMK). Tình hình “hợp tác lao động” Bun-Việt đang ở vào giai đoạn chót, chẳng còn gì là hấp dẫn nữa. Tôi mới sang Bulgarie được vài tháng, nhưng đã muốn xin về. Tôi đã nói chuyện này với giám đốc CMK Vlado. Ông hứa sẽ giúp đỡ, nếu có đợt giảm biên.
Sự kiện xảy ra vào ngày 23-10-1990 đã làm thay đổi mọi dự định của tôi. Hôm trước tôi vừa đọc xong truyện Vanga (truyện về một bà tiên tri người Bun, hiện đang sống tại thành phố Petrich). Đối với tôi câu chuyện thật hấp dẫn. Vài năm gần đây tôi vẫn có linh cảm về một thế giới phi vật chất xung quanh mà ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Những con chó nghe được âm thanh ở tần số cao, mà tai của chúng ta không hề cảm thấy. Biết đâu con mắt của chúng ta cũng như vậy? Những cái mà chúng ta không nhìn thấy, không nghe thấy, thì không có nghĩa rằng chúng không tồn tại, mà chỉ đơn giản là ta không cảm giác được sự tồn tại của chúng.
Tôi gần bị những mẫu chuyện trong bộ sách thôi miên. Tôi còn nhớ, lúc đó tôi đang ngồi ngoài ban công. Buổi sáng mùa thu vắng lặng và se lạnh. Cả tầng hình như chỉ còn lại mình tôi. Anh em trong đội đi làm hết. Tôi có việc phải đưa một người đi khám bệnh, nên không vào nhà máy. Khi tôi đang đọc những trang cuối cùng, thì một con bọ dừa nhỏ xíu, co cái vòi dài, bay đến, đậu trên mặt sách. Tôi vốn tôn trọng mọi sự sống, dù nhỏ nhoi, nên chăm chú quan sát vị khách tí hon. Tôi có cảm giác là con vật cũng đang nhìn tôi như thế. Nó lúc lắc cái vòi dài, còn tôi hiểu đó là lời chào. Tôi chào lại và thầm nhắc một câu hỏi: “Anh bạn muốn nói với tôi điều gì chăng? Như loay hoay như tìm phương hướng. Rồi nó đứng im, cái vòi giơ cao hẳn lên, vẩy về một hướng xác định, như có ý bảo: “Hướng này này”, 3 lần nó làm như thế, cái vòi đều chỉ về một hướng như trước. Sau đó con bọ cất cánh bay đi, nhưng nó va phải mặt kính, ngã sống soài trên sàn ban công. Tôi nhặt con bọ lên, thả ra ngoài. Lần này thì nó bay đi được. Tôi kinh hãi, đánh dấu cái hướng con bọ chỉ trên trang sách rồi vội lấy bản đồ ra so. Cái hướng dó trùng lập hoàn toàn với hướng từ Varna đi Petrich! Bên tai tôi văng vẳng như tiếng người bảo: “Hãy đến với ta!” Tôi nhìn quanh: không có ai cả, căn phòng hình như vắng lặng hơn lúc thường. Tôi rùng mình, một cảm giác ớn lạnh xuyên suốt từ đầu đến chân. Tôi đã quyết định là làm theo tiếng nói vô hình đó, sẽ đi chuyến tàu tối từ Varna. Và chắc chắn là tôi đã làm như thế, nếu như không có chuyện tài chính: lúc đó trong túi tôi chỉ còn vài đồng bạc, phải 4 ngày nữa mới có lương, còn đi vay thì ngại … Chiều hôm đó tôi như dứt được cơn mê. Thậm chí còn cười mình là nông nổi. Tuy nhiên, tôi vẫn định là lĩnh lương xong sẽ cố gắng dến thăm bà Vanga, nhân thể qua Sofia hỏi thăm có nhà xuất bản nào nhận in bản dịch “Chế độ Phát Xít”. Tôi đã trả giá đắt cho việc trì hoãn này.
Đêm hôm đó giấc ngủ đến với tôi một cách khó khăn, lòng nôn nao, nóng như có lửa đốt. Bên ngoài gió lạnh gầm rú, như có ma quỷ nô đùa. “Có điều gì đó không lành”- tôi tự bảo.
Sáng ngày 23-10-1990, khi tôi đang mơ màng thì nghe tiếng gõ cửa gấp gáp. Tôi vùng dậy, mắt nhắm mắt mở đi ra phía cửa, hỏi: “Ai gọi đấy?” Có giọng xứ Nghệ pha Bắc cười đáp: “Ngủ gì ghê thế?” Té ra là anh Nghĩa, đội trưởng – bí thư đảng bộ. Tôi loay hoay tìm chìa khóa và hỏi: “Có việc gì đây?” Một giọng xứ Nghệ đặc sệt ồm ồm trả lời: “Viêm, mở cửa ra!” Tôi nhận ra giọng của đơn vị trưởng, đảng viên Hân.
Tôi mở cửa, 2 người ập vào phòng. Hân bảo tôi:
- Mặc quần áo khẩn trương! Có sứ quán hỏi chuyện thằng Hồng và thằng Tuấn.
Hồng và Tuấn là 2 người trong đội của tôi. Mấy hôm trước có tin 2 người này cùng mấy người khác nữa bị công an biên phòng Bulgarie bắt ở biên giới vì định vượt biên.
Tôi bảo 2 người: “Sao sớm thế!” và liếc nhìn đồng hồ, mới hơn 6 giờ sáng.
Tôi mặc vội quần áo. Đang buộc dở dây giày thì 4 người nữa ập vào phòng. Tôi biết 2 người: Đề, trưởng vùng – đảng ủy viên, và Ngọc, bí thư chi bộ. Một người nữa tôi quen mặt nhưng không biết tên, sau đó mới rõ là bí thư đảng ủy Cường (Cường bạc). Người cuối cùng tôi chưa gặp mặt bao giờ.
Đơn vị trưởng Hân mời người lạ mặt ngồi xuống cái ghế độc nhất trong phòng và giới thiệu:
- Đây là anh Kim, bí thư thứ 3 của Đại sứ quán.
Tôi đã từng nghe tiếng người này. Anh ta là đội trưởng đội an ninh. Tôi ngó nhìn nhà chức trách quan trọng: da ngăm đen, môi thâm, mắt một mí, con ngươi đục ngầu, sắc mặt u ám. Một kẻ nham hiểm – tôi thầm kết luận.
- Thế này, anh Viêm nhé! – Người tên Kim hằng giọng nói – Chúng tôi vừa ở chỗ anh Hồng đến. Anh Hồng khai là anh tổ chức vượt biên, vì vậy chúng tôi đề nghị anh cho được khám nhà.
Anh ta nhấn mạnh 2 chữ “đề nghị” như có ý bảo: “Nói thế cho nó lịch sự thôi, chú mày ạ!”
Tôi cãi:
- Tôi không có tổ chức vượt biên. Còn khám nhà thì mời các anh cứ tự nhiên.
Tôi không lạ gì những hành động phi pháp của các “nhân viên an ninh”, nên cũng không buồn hỏi lệnh khám nhà. Họ cần gì đến lệnh! Họ lại có tới 6 người, ai nấy đều “đằng đằng sát khí”, nhất là bí thư đảng ủy Cường, mặt trắng dã, môi mím chặt, hằn học. Khuôn mặt anh quá nghiêm trang, đến mức tôi suýt phì cười. Chống cự hay hạch sách thật vô ích. Thôi thì “mời” cho lịch sự. Vả lại tôi vẫn nghĩ là tôi không liên quan gì đến chuyện vượt biên của Hồng và họ sẽ không tìm được gì cả.
Tôi đã lầm. Đó chỉ là cái cớ để họ khám nhà, còn nguyên nhân thực sự là việc tôi dịch “Chế độ Phát Xít”, có kẻ nào đã tố giác.
Thật ra tôi đã dịch tác phẩm này một cách công khai, không hề giấu diếm. Anh em trong đội đều biết tôi đánh máy chữ đến tận khuya.
Chẳng lâu la gì họ đã tìm ra được cái họ cần: 2 cuốn sách “Chế độ Phát Xít” nguyên bản, bản dịch viết tay, 2 bản dịch tiếng Việt đã đánh máy cẩn thận, vài lá thư của người yêu của tôi. Và thậm chí cả những tờ giấy nháp mà tôi viết lung tung, không ra đầu ra đũa gì cả, đến tôi cũng khó mà đọc, có lẽ họ nghi là “tài liệu mật”.
Tuy nhiên, bí thư Kim vẫn yêu cầu các đệ tử của mình kiểm tra kỹ hơn lần nữa, trong khi anh tranh thủ “tâm sự” với tôi. Anh hỏi bằng một giọng thật nhẹ nhàng, “thân tình”:
- Viêm quê ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa phải không?
- Vâng – Tôi đáp.
- Mình cũng là người Thanh Hóa – anh nói ra chiều thông cảm.
Trên phương diện “đồng hương”, tôi chỉ khâm phục những người Nghệ Tĩnh, họ quý nhau thực sự. Nhưng người Thanh Hóa không có được đặc tính này, tuy rằng chúng tôi “xóm giềng” với những người Nghệ Tĩnh. Tôi chẳng mảy may xúc động trước tình quê hương của nhân vật quan trọng này, tuy vậy tôi cũng hỏi anh:
- Anh ở huyện nào ạ?
- Mình ở Đông Sơn – Anh đáp.
Anh cầm bản đánh máy “Chế độ Phát Xít” xoay xoay trên tay, nhìn tôi với ánh mắt của con rắn đang thương hại con mồi mà nó sắp nuốt tươi, anh bảo:
- Làm thế này chắc là vất vả lắm nhỉ! Chắc là phải thức đêm, thức hôm?
Tôi bảo anh là tôi chỉ dịch và đánh máy chủ yếu vào ban ngày, còn ban đêm thì nhiều lắm đến 12 giờ, rằng tôi không hề giấu diếm việc làm của mình.
Anh quay lại nhắc nhở các đệ tử:
- Các anh nhớ kiểm tra thật kỹ cho tôi!
Các đệ tử sốt sắng làm việc. Quần áo, sách vở, chăn đệm của tôi đều bị bới tung. Cũng may cho họ là tôi không có mấy đồ đạc. Bí thư đảng ủy Cường còn bươi cả các sọt rác sau nhà, mà hình như đã rất lâu tôi quên không đổ. Giá tôi biết trước được là anh chịu khó ngửi cả cái mùi không lấy gì làm mát mẻ đó, thì chắc đã dọn vệ sinh trước để khỏi thất lễ. Đề khôn ngoan hơn, anh chỉ lởn vởn nơi này nơi kia, tránh những chỗ “bẩn thỉu”. Quả là có học cũng có khác.
Chừng hơn 1 tiếng đồng hồ “làm việc cần mẫn”, lần giở từng trang sách, lục tung túi áo, túi quần, “kiểm tra” từng kẽ hở trên nền nhà, nhưng họ không tìm được gì hơn. Có gì đâu mà tìm!
Bí thư Kim chỉ các “tang vật” trên bàn, bảo:
- Chúng tôi sẽ thu những thứ này. Đề nghị anh Hân lập biên bản.
Tôi định hỏi lý do tại sao lại thu, nhưng chợt nghĩ có hỏi cũng vô ích, tốt nhất là im lặng. Tôi chỉ bảo:
- Đề nghị các anh đừng thu những lá thư của người yêu tôi, vì đấy là chuyện riêng tư của mỗi người.
Kim ra hiệu. Bí thư chi bộ Ngọc mở các lá thư, lướt đọc một cách tự nhiên, cứ như chính lá thư gửi cho anh ta vậy. Không hiểu anh có tìm được điều gì “quan trọng” không, nhưng anh đã làm hiệu cho Kim.
Tôi bảo họ:
- Tôi nói vậy thôi. Nếu các anh tôn trọng thì đừng thu, còn nếu không thì tùy.
Họ không hiểu ý tôi, hoặc cố tình giả vờ không hiểu. Trong biên bản ghi chú: “Anh Viêm có xin lại những lá thư của người yêu, nhưng sau khi xem xét, ban kiểm tra vẫn quyết định thu.”
Bí thư Kim hỏi tôi:
- Anh có ân hận gì với những việc anh làm không?
Thật là một câu hỏi ngớ ngẩn! – Tôi thoáng nghĩ, nhưng vẫn bình tĩnh bảo anh:
- Không – Và hỏi lại anh – Tại sao tôi phải ân hận?
Anh không trả lời, quay sang bảo Hân:
- Anh ghi vào biên bản cho tôi!
- Ghi thế nào? – Hân hỏi.
- Ghi thế này: Anh Kim hỏi anh Viêm có ân hận gì về những việc đã làm không? anh Viêm trả lời là không.
Thật rõ ràng đến tận chân tơ kẽ tóc! Biên bản được đọc lại cho tất cả mọi người cùng nghe. Bí thư Kim bảo tôi ký. Tôi ký, sau đó cả “phái đoàn” lần lượt ký.
Kim đứng dậy khỏi ghế. Anh suy nghĩ giây lát rồi bảo: “Thế này, anh chuẩn bị theo tôi lên sứ quán!”
Tôi nhã nhặn hỏi:
- Bao giờ thì đi anh?
- Chưa biết được, để tôi còn chuẩn bị – Kim đáp, và nói thêm:
- Đề nghị anh Nghĩa và anh Ngọc ở lại đây với anh Viêm!
“Lịch sự quá!” – Tôi nghĩ. Sau đó họ ra khỏi phòng, mang theo các “tang vật”. “Trụ sở” của họ ở tầng 5, phòng Hân.
Còn lại 3 người, Nghĩa có vẻ như thương tôi. Trong các đội trưởng ở nhà máy này, tôi và anh thân nhau hơn cả, dù anh hơn tuổi tôi rất nhiều. Anh ái ngại bảo tôi:
- Chuẩn bị nhanh lên, “ông ấy” sẽ bắt taxi đi luôn đến Sofia đấy. Mang ít áo ấm đi, trên Sofia rét hơn ở đây. Đồ đạc để tí nữa tôi mang về phòng giữ hộ cho. Đi biết bao giờ mới về?
“Có thể không bao giờ còn về – tôi nghĩ thầm – cũng là cái số. Giá đêm qua đi Sofia thì có thể đã thoát khỏi chuyện này rồi”.
Tôi thay quần áo. Lòng buồn khôn tả. Thật là tai bay vạ gió, chưa làm nên tích sự gì thì đã bị bắt! Tôi buộc chặt dây giày, nghĩ cách trốn. Nửa đùa nửa thật, tôi cười bảo Nghĩa và Ngọc:
- Xin các anh cho em đi rửa cái mặt cho sạch sẽ.
Quả tình là tôi chưa kịp đánh răng, rửa mặt trước khi các nhà chức trách thi hành công vụ. Nghĩa bảo tôi:
- Đi đi!
Tôi lấy bàn chải, khăn mặt. Định mặc thêm cái áo khoác ngoài, nhưng sợ các “quý anh” sinh nghi, nên thôi. Tôi mở cửa phòng, đi về phía nhà tắm. Liếc về phía sau, thấy Ngọc đã lẽo đẽo đi theo, cách tôi vài mét.
Tôi đánh răng, rửa mặt xong, quay ra vẫn thấy Ngọc đứng cạnh cửa nhà tắm. Tôi đi trước, anh theo sau. Tôi bèn nhanh trí rẽ vào toa-lét cạnh đấy. Thì cũng phải đi… một cái chứ! Trước khi vào, tôi quay lại nhìn Ngọc cười cợt, cố ý bảo: “Đứng cạnh người đi, đẹp mắt chưa!” Hình như anh hiểu điều đó, vì tôi thấy anh cúi xuống, có vẻ như thẹn. Tôi vẫn xếp anh vào loại không đến nỗi nào.
Nhưng tôi chỉ đi … “nhẹ” thôi. Tôi ra khỏi toa-lét, giả vờ đi về phía phòng ở. Lần này Ngọc đi trước tôi. Tôi mừng thầm: “Quý anh” mà tinh ý đi sau tôi thì hỏng bét!
Tôi cố tình đi chậm lại để kéo dài khoảng cách giữa tôi và “đối tượng”. Ngọc không hiểu ý, vả lại hình như anh xấu hổ với việc “canh phòng” vừa rồi. Anh đi nhanh về phía phòng tôi ở. Tôi bước qua vị trí cầu thang vài bước, thì Ngọc đã đến trước cửa phòng tôi. Anh mở cửa đi vào, nhưng vẫn cẩn thận ngoái lại nhìn xem tôi đã đến đâu. Chừng như đã chắc chắn là tôi không thể “biến” được, anh khép hờ cửa lại, cho tôi vào sau. Chỉ chờ có thế. Tôi quay người và nhảy 3, 4 bậc thang một, phi mạnh xuống dưới (tôi sống ở tầng 8).
Một kế hoạch rất nhanh vụt thoáng trong đầu tôi. Tôi không thể núp vào các phòng có người Việt sống, vì sẽ dễ dàng bị bắt lại. Tôi vừa đến đây có vài tháng, hầu như không quen biết anh em các đội khác, còn đội tôi thì ở hết trên tầng 8. Thấy tôi “biến”, các “quý anh” nhất định sẽ lùng sục tất cả các tầng và trước sau cũng phát hiện ra. Tôi cũng không thể thoát theo cửa chính của khu nhà vào lúc này, vì họ từng đã là những “anh bộ đội cụ Hồ” dày dặn. Vả lại họ có thể dùng xe của sứ quán đuổi theo. Khi đó thì dù tôi có cánh cũng khó mà bay thoát. Vậy là đành nấp lại trong khu nhà này, chờ thời cơ thuận tiện.
Nhưng nấp vào đâu? Tầng 3 có bộ phận thiết kế của xí nghiệp làm việc. Tôi có quen vài người trong đó, thậm chí đã nhờ họ giải thích cho một số từ trong khi dịch bộ “Chế độ Phát Xít”. Tôi chạy vào đó, nhưng thật không may. Còn sớm quá, chưa có ai đến làm việc, tất cả các cửa đều đóng, đành lánh tạm vào toa-lét vậy.
Tôi đứng ở chỗ nấp chừng 20 phút. Thời gian dài lê thê, thật hồi hộp. Chỉ sợ có người vào toa-lét hay các “quý anh” tìm đến. Rồi có tiếng khóa cửa lách cách, tiếng người Bun trò chuyện với nhau. Tôi hiểu những người trong ban thiết kế nhà máy đã đến làm việc.
Tôi rời chỗ nấp, bước nhanh qua hành lang. Không có người nào đứng ở hành lang cả! Thật may mắn, vì tôi phải giữ bí mật tuyệt đối. Tôi gõ cửa phòng 309, mở cửa bước vào sau khi nghe rõ tiếng “Đa” của người bên trong.
Mùa xuân năm 1940, 22 ngàn sĩ quan Balan bị SítaLin, và một số tên trùm cộng sản Nga ra lệnh xử bắn tập thể tại rừng Katyl. Hình các ngôi mộ được khai quật lại để điều tra.
Năm 2010, quốc hội Nga đã ra nghị quyết về vụ thảm sát Katyl với mục tiêu “loại bỏ sự gian trá về Katyl”.  Hình Tổng Thống Medvedev và Thủ Tướng Nga Putin đang cúi đầu trước đài  tưởng niệm với vòng hoa muộn màng. Link Diêt Chủng
Trong phòng chỉ có một người đàn ông, tôi biết tên anh. Tôi chào X , anh chào lại và mời tôi ngồi. Tôi ngồi xuống ghế, từ tốn trình bày hoàn cảnh. X là một trong những người đã từng giúp tôi dịch bộ “Chế độ Phát Xít” nên anh hiểu ngay ra vấn đề. Tôi không phải giải thích nhiều. Tuy nhiên, anh rất ngạc nhiên hỏi tôi: “Tại sao Đảng Cộng Sản Việt Nam lại hành động phi pháp và ngớ ngẩn như vậy?”
Lát sau, một người nữa đến làm việc. Phòng này có 2 người. Chúng tôi làm quen với nhau, vì tôi chưa biết người ấy. Anh thật đẹp trai, tên là R. Anh là kỹ sư công nghệ dân dụng, cùng nghề với tôi, nghĩa là chúng tôi cùng học một trường. Anh học sau tôi 2 năm. X nói tóm tắt hoàn cảnh của tôi với R. Anh nhìn tôi thông cảm, pha chút ái ngại.
Tôi ngồi trong phòng nói chuyện tầm phào với 2 người. Mỗi khi có ai gõ cửa, tôi lại nấp vào trong cái tủ đứng. Vì vậy ngoài R và X, không ai biết tôi ở đây. Tương đối ổn – tôi nghĩ – các “quý anh” chắc không thể ngờ tôi trốn trong này. Vả lại đây là nơi làm việc của người bản xứ, họ không dám tự tiện xông vào. (Sau này tôi được những người trong đội kể lại là khi thấy tôi biến mất, các “quý anh” nháo nhác đi tìm. Họ lùng sục khắp các khu nhà. Kim, Cường, Đệ còn đánh xe tức tốc đến khu sinh viên, vì nghi tôi “tẩu” sang đó. Bản thân Ngọc phải ngồi canh một cái tủ bị khóa đến tận chiều, vì cho rằng tôi ở phía trong. Họ không dám phá tủ, vì sợ anh em vu cáo cho là ăn cắp).
Bây giờ tôi mới thực sự lo lắng. Trốn đi đâu? Sống thế nào? Trong túi tôi lúc này chỉ có vỏn vẹn 15 Lêva, không đủ mua một vé tàu đi Sofia. Những người bạn Bungari cùng học thời sinh viên thì đã lang bạt khắp nơi. Tôi không có tin tức gì về họ. Còn một vài anh bạn người Việt sống rải rác ở các thành phố của đất nước này. Nhưng đi đến những chỗ đó thì không xong, chẵng khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”. Vả lại có thể vì tôi mà họ phải liên lụy, tôi không muốn như thế.
R. bảo tôi: “Tại sao anh không đến thẳng Phủ Tổng Thống xin bảo trợ? “Chế độ Phát Xít” là tác phẩm của Tổng Thống Z. Zhelev, ông ta chắc sẽ giúp anh”
Tôi ngần ngại, vì ý thức được rằng mình chỉ là một kẻ vô danh. Đến một nơi tôn nghiêm như thế với mục đích cầu cạnh theo kiểu ăn vạ, thì thật không đẹp chút nào. Vả lại chắc gì họ đã tin những việc tôi làm. Tôi không có bằng chứng gì cả. Biết đâu họ chẳng sẽ nghĩ tôi là kẻ điên rồ!
Nhưng suy đi tính lại vẫn không còn tìm được cách nào hơn. Thôi thì đã liều, ba bảy cũng liều, cùng lắm là chết. Nếu họ không đồng ý cho tôi sống tỵ nạn, tôi sẽ tìm một cánh rừng nào đó để … chết cho khỏi phiền hà đến người đời! Nào ai biết cuộc đời ta sẽ kéo dài bao nhiêu! Thà chết còn hơn để “quý anh” tóm được, đưa về “nghỉ mát” trong các nhà đá, các trại tập trung.
Buổi trưa, X mua thức ăn cho tôi. Tôi gửi tiền, nhưng anh nhất định không nhận. Nhìn qua cửa sổ, thỉnh thoảng vẫn thấy bóng các “quý anh” lảng vảng quanh khu nhà. X và R hỏi tôi kế hoạch “phá vòng vây”. Tôi bảo họ: “Đêm xuống, tôi sẽ có cách thoát”. Khoảng 4 giờ chiều, X về trước. Anh bắt tay tôi: “Chúc may mắn!” Tôi cảm ơn anh và bảo: “Tôi sẽ không bao giờ quên ơn anh”.
Một lát sau R đi ra ngoài. Khi anh trở lại, tôi mới rõ là anh đi mua thức ăn cho tôi: cả bữa chiều và cả thức ăn dự trữ cho tôi mang theo.
Anh đun nước chè, mở hộp thịt, cắt bánh mì, rồi bảo tôi dùng bữa. Xong anh lục ví tiền của mình, đưa hết số tiền còn lại trong ví cho tôi, bảo:
- “Tôi không mang theo nhiều tiền, ở đây chỉ còn 13 đồng, anh cầm lấy mà mua vé tàu”.
Tôi cảm động đến suýt ứa nước mắt, vì không ngờ lại được đối xử tốt như vậy. Thế là tôi có 28 đồng, thừa tiền mua vé đi Sofia.
Trước khi ra về, anh bảo tôi: “Anh phải cẩn thận. Chúc may mắn”. Tôi chào anh, khóa trái cửa lại. Chỉ còn lại một mình trong căn phòng xa lạ. Hoàng hôn dần buông sau dãy núi xa. Không gian vắng lặng, thoảng hoặc mới có người qua lại phía sau nhà.
Rồi màn đêm phủ trên vạn vật. Thành phố lên đèn. Phía ngoài vẫn thấy bóng các “quý anh” lảng vảng. Kế hoạch phá vòng vây hình thành trong đầu tôi. Tất nhiên là phải chờ lúc bất ngờ nhất, khi các “quý anh” đã chán việc canh phòng và đã ngon giấc. Bên ngoài lạnh lắm, tôi hy vọng là dù với tinh thần Cộng Sản các “quý anh” cũng không dại gì đứng mãi bên ngoài để chết rét. Họ sẽ cho là tôi đã cao chạy xa bay. Và một giấc ngủ trong chăn ấm sẽ mạnh hơn cái tinh thần Cộng Sản nửa vời. Trong phòng này chỉ có 2 lối thoát: qua cửa ra vào và qua ban công. Tôi ngẫm nghĩ cả hai phương án để chọn cái tối ưu. Phương án nào cũng có ưu, có nhược. Nếu đi qua cửa ra vào, tôi sẽ không thể theo lối cầu thang thoát ra cửa chính, vì ban đêm cửa này bị khóa. Như vậy tôi chỉ còn có thể đi theo hành lang phía đông, mở cánh cửa sổ ở đây và nhảy xuống khu trường học một tầng kề đấy. Hồi chiều, R đã quan sát và chỉ cho tôi lối đi này. Anh cho rằng đây là lối thoát duy nhất, nhưng anh bảo: Từ tầng 3 đến mái khu một tầng còn rất cao, hơn 3 mét, phía dưới lại có nhiều mảnh kính vỡ, nhảy xuống đó rất nguy hiểm.
Phương án thứ hai là dùng dây buộc vào thành lan can để tụt xuống đất. Lối này tương đối an toàn, nếu các “quý anh” nhỡ may có nhìn thấy qua cửa sổ, thì khi họ xuống được dưới đất, chắc chắn tôi cũng đã cao chạy xa bay. Ban đêm họ khó mà lùa được tôi và lối này không có đường xe chạy, họ không thể dùng ô tô để đuổi theo… Nhưng tôi lại không có dây nhợ gì cả. Trong phòng này không có gì có thể làm dây, trừ tấm phong che bằng vải mỏng. Nhưng tôi không thể sử dụng nó cho mục đích của mình, vì như thế thật là không phải đối với những chủ nhân tốt bụng của căn phòng này. Tôi quyết định xé cái áo đang mặc trong mình, buộc lại làm dây. Nhưng có mỗi một cái áo mà làm thành sợi dây dài gần 5 mét thì thật mong manh. Tôi thở dài nhìn sợi dây yếu ớt vừa tạo ra. “Chọn làm phương án phụ thôi” – tôi thầm bảo và buộc chặt nó vào chân lan can.
Thời gian dần trôi. Bên ngoài mỗi lúc một lạnh hơn. Các “quý anh” đã thôi không lảng vảng nữa. Có lẽ họ đã đi ngủ, hoặc chỉ còn đứng trong nhà nhìn qua cửa sổ canh chừng. Tuy nhiên, vẫn phải chờ lúc thuận tiện nhất. Chỉ cần sơ xuất hay vội vàng là công sức và hy vọng sẽ tan thành mây khói. Tôi quyết dịnh sẽ hành động vào tầm ba – bốn giờ sáng, khi con người ta đang ngon giấc nhất.
Tôi nằm xuống nền nhà, định chợp mắt một lát, nhưng không tài nào ngủ được. Tiếng bước chân đi lại ngoài hành lang nghe rõ mồn một trong đêm vắng. Rồi tiếng động lắng dần, mọi người đi ngủ hết. Không gian như được trải rộng, mênh mông. Cả thế giới chỉ có một mình tôi đang thức! Tôi ngồi dậy quỳ trên nền nhà, tập trung tư tưởng vào một điểm vô hình, lắng nghe nhịp thở đều đều của thời gian. Cô đơn quá! Cả hai phương án thoát thân đều nguy hiểm. Tôi cầu nguyện.
Đây là lần thứ 2 tôi cầu xin Đức Chúa Trời một cách thành kính nhất mà tôi có thể! Trước đây đã có một lần chúng tôi bị lâm vào cảnh dở sống dở chết dở, và tôi đã cầu nguyện. Tôi cầu Đức Chúa Giêsu, không phải vì tôi có sẵn đức tin, mà vì tôi chỉ biết rõ nhất về Người. Tôi có nghe nói về Đức Phật, về đạo Hồi, v.v… nhưng chưa đọc về những tôn giáo này. Tân Ước là cuốn kinh thánh duy nhất mà tôi đã đọc qua một cách tình cờ. Mẹ tôi theo Phật giáo, nhưng chỉ theo chứ không hiểu gì, còn cha tôi không có đạo. Tôi ở giữa, không ra duy tâm mà cũng không ra duy vật. Tuy nhiên, ngày nhỏ theo mẹ đi chùa, tôi có cảm giác rờn rợn thế nào đấy. Nhà chùa âm u và buồn tẻ quá. Còn sau này mỗi khi có dịp bước vào nhà thờ, tôi thấy ấm lòng và dễ cảm nhận hơn. Nơi đây cao ráo, thanh thoát, mà vẫn có gì đó thật linh thiêng, thật khó tả. Lần đó tôi đã thoát nạn một cách ngẫu nhiên. Nhưng sau đấy tôi vẫn giữ tâm trạng bán tính bán nghi, vừa cho là “quý nhân phù trợ”, vừa nghĩ có thể do may mắn.
Giờ đây tôi lại cầu xin Đức Chúa Giêsu. Ta có thể làm gì khác hơn là cầu Chúa của lòng ta, khi đứng trước bước đường cùng? Tôi cầu thế này: “Chúa ơi, hãy cứu con thoát khỏi cảnh này, dù con đầy tội lỗi”. Quả là tôi đầy tội lỗi và đã phạm muôn vàn lời răn của Chúa. Tôi nhắc đi nhắc lại nhiều lần lời cầu nguyện, cho tới khi có cảm giác là nó đã thấu đấng thần linh. Bất chợt bên tai tôi văng vẳng như có tiếng người bảo: “Trước đây ngươi đã nói Chúa không chỉ là lòng tốt. Tại sao giờ lại xin cứu giúp?” Tôi giật mình, quả tình cách đây một vài tháng tôi có viết cho người yêu: “Cuộc đời này cần có Chúa, nếu không nó sẽ hết sức vô nghĩa. Nhưng theo anh, Chúa không đơn giản chỉ là lòng tốt”. Tôi lẩm nhẩm trong đầu: “Chúa ơi, con chỉ là một kẻ ngu si, nông nổi như mọi người đời, tránh sao khỏi suy nghĩ và hành động sai lầm”. Bên tai tôi lại âm vang giọng nói uy quyền: “Ngươi phải nhớ, Chúa, đó là lòng tốt!”… Tôi làm dấu thánh giá, cảm thấy lòng thanh thản, yên tâm hơn, dù lối thoát vẫn không rõ ràng.
Tôi chợp mắt được một lát trên sàn lạnh. Có tiếng động cơ ô tô vang đến. Tôi giật mình tỉnh dậy, nhìn qua cửa sổ về phía đường cái: xe ô tô buýt. Có nghĩa là lúc này đã gần 5 giờ sáng. Phải hành động gấp.
Tôi tra chìa khóa vào ổ, định mở cửa, nhưng không tài nào mở được. Tôi thử một lần, hai lần, ba lần, vẫn thế! Cứ như đây không phải là chìa khóa của ổ khóa này vậy. Thật quái lạ! Hồi chiều tôi đã mở thử một vài lần rồi kia mà!
Trên đường xe cộ qua lại mỗi lúc một nhiều. Không còn chờ được nữa, đành phải theo phương án phụ vậy.
Một số hình ảnh năm Mậu Thân cộng sản Việt Nam thảm sát đồng bào vô tội tại Huế qua các báo chí ngoại quốc. Các nhân chứng, tài liệu đầy.  Bao giờ thì họ mới nhận tội như người Nga? Link Blog16
Tôi mở cửa hướng ban công. Gió hây hây thổi. Sương đêm giá lạnh. Tôi nhìn sợi dây mỏng manh trên tay, nhìn độ cao chóng mặt. Từ tầng ba đến mặt đất cao khoảng hơn 7 mét, lòng ngao ngán. Nhưng còn cách nào đâu. Lạy Chúa! Tôi làm dấu thánh giá. Một, hai, ba! Lấy hết can đảm, tôi bám dây, tụt xuống. Tôi đã tụt xuống ngang sàn tầng 2. Chỉ còn vài sải tay nữa là tôi đã ở vị trí an toàn. Bỗng tay tôi nhẹ hỗng. “Dây đứt”!” – tôi thoáng nghĩ, miệng kêu: “Chúa ơi!”.
Tôi rơi xuống đất nhẹ một cách không ngờ và đã mừng thầm trong một giây ngắn ngủi. Nhưng khi nghiêng vai để giữ thăng bằng và đứng thẳng dậy, tôi bỗng nghe tiếng “rắc” khô khan nơi cổ chân trái.
Không hề thấy cảm giác đau, nhưng rõ ràng là chân trái tôi lết đi hết sức khó khăn. Cần phải nhanh chóng biến khỏi nơi này. Tôi tập tễnh bước đi, men theo bức tường về phía hàng rào trước mặt. Hàng rào này thấp, tôi leo qua tương đối dễ dàng. Nếu chân tôi không gãy, tôi có thể chạy qua khu vườn này, sau đó đi men theo bờ tường của khu nhà máy điện là ra được đến đường cái. Nhưng tôi không chạy được, mà lối này đèn sáng rực. Chỉ cần một “quý anh” “lo việc nước”, không ngủ được, đứng trên nhà nhìn xuống là tôi sẽ bị phát hiện và không thể nào thoát với cái chân tập tễnh này. Đành phải vượt qua hàng rào bên trái, qua khu trường máy vậy. Tôi chưa đi lối này bao giờ, mà chỉ mới nhìn từ trên tầng cao xuống. Lối này phải qua nhiều hàng rào, nhưng ở đây ít bóng điện hơn, an toàn hơn.
Tôi leo lên hàng rào sắt. Hàng rào này khá cao. Chân tôi lúc này đã bắt đầu đau. Nhưng tôi đã vượt được hàng rào, bước lần đi dưới các bóng cây. Tôi sa xuống một rãnh nước. Rãnh nước này không sâu lắm. Giá chân tôi không gãy thì chắc tôi đã giữ được thăng bằng khỏi bị ngã sống soài. Tôi lồm cồm bò dậy, tiếp tục lần đi. Lại một hàng rào sắt. Lúc này tôi leo trèo đã rất khó khăn. Mỗi khi sử dụng đến bàn chân trái tim tôi co thắt lại. Đau ghê gớm, cứ như có ngàn mũi kim đâm vào tủy xương nơi cổ chân trái vậy. Đành phải cắn răng chịu: một là chịu đau, hai là đứng lại để bị bắt. Tôi chọn cách thứ nhất, rồi tôi cũng vượt qua được hàng rào. Lại tập tễnh lần đi, trên mặt đất thì không đau như khi trèo hàng rào. Lại tiếp tục một hàng rào, rồi lại hàng rào nữa, trán tôi vã mồ hôi, cổ chân đau đớn.
Nhưng rồi tôi cũng vượt được hàng rào sau cùng. Từ đây đến đường cái còn hơn 500 mét, nhưng đã dễ dàng hơn vì chỉ cần đi theo một lối con bên bờ con suối cạn. Chân bước mỗi lúc khó khăn, nhưng tôi vẫn lết được.
Vậy là không còn có thể đi Sofia – tôi nghĩ – ta có thể làm gì ở Sofia với cái chân gãy này? Tôi quyết định sẽ đi về Tolbukhin. Đội tôi làm việc ở thành phố này 3 tháng trước khi chuyển đến Varna. Ở đó tôi có một anh bạn người Bun, tuy không thân lắm. Tôi hy vọng anh sẽ giúp tôi, hoặc ít ra tôi có thể nương náu vài tuần.
Tôi leo lên một chiếc xe buýt. Không cần nhìn số xe – tất cả xe buýt chạy tuyến này đều qua trung tâm thành phố. Tôi định xuống đó, mua vé ô tô đi Abela, rồi từ đó đi Tolbukhin, thay vì từ bến chính tại Varna, vì biết đâu các “quý anh” chẳng cho người đứng canh tại các bến xe, bến tàu. Bến xe đi Abela là bến “xe xép”, ít ai để ý.
Xe dừng ở trung tâm. Tôi bước xuống. Nhưng Chúa ơi, sao thế này? Tôi không thể bước được nữa! Mỗi khi đến lượt chân trái làm trụ để bước đi, để chỉ chực ngã. Đau ghê gớm, thậm chí chỉ cần nhấc nhẹ bàn chân phải lên là đã không chịu nổi.
Tôi dùng chân phải nhảy lò cò đến bên một ghế đá. Hồi bé tôi chơi chọi gà vào loại khá. Nhưng tôi thuận chân trái. Giá mà gãy chân phải thì tôi đã nhảy lò cò không đến nỗi nào! Tôi ngồi xuống ghế đá để thở, vì kiểu đi bằng một chân này thật dễ mệt. Tôi nhìn cái chân trái tội nghiệp của mình, lắc đầu: hết phương cách.
Trên hè đường đã có nhiều người qua lại. Phía đông bình minh đã ửng hồng, mặc dù nơi đây vẫn còn tranh tối tranh sáng.
“Không còn đi Tolbukhin được nữa. Với cái chân đau này ta chỉ còn có thể ngồi một chỗ mà thôi. Sáng ra là các “quý anh” có thể đến rước đi ngay” – tôi nghĩ, lòng buồn khôn tả.
Nhưng trước mặt tôi là nhà thờ trung tâm của thành phố Varna, sừng sững uy nghiêm giữa đất trời. Trong buổi sáng ảm đạm đó, nhà thờ quả như một tia hy vọng duy nhất còn sót lại của cuộc đời tôi. Tôi chợt nghĩ: “Hay là Đức Chúa lòng lành đã dẫn tôi đến đây?” Tôi không biết. Nhưng rõ ràng là tôi không còn có thể tự đi khỏi vị trí này.
Tôi nhảy cò cò, men theo đường, vòng về phía cửa chính của nhà thờ. Tôi gõ cửa và chờ đợi, nhưng vẫn không có ai trả lời. Lại gõ, lại chờ đợi, vẫn không có dấu hiệu gì khả quan. Thật ngao ngán!
Trời mỗi lúc một sáng dần. Lúc này đã có thể nhìn tương đối rõ mặt khách qua đường. Tôi hết kiên nhẫn, lấy hết sức đấm mạnh một hồi vào cánh cửa lim. Tay tôi đau ê ẩm, mà bên trong vẫn im lặng như không có người. Tôi bảo thầm: “Chúa ơi, Chúa bỏ con mất rồi!”. Hết hy vọng, chỉ suýt nữa là tôi phát khóc. Bỗng tôi như nghe văng vẳng một giọng nói bên tai: “Hãy gõ cửa ngôi nhà bên trái”.
Bên trái cách nơi tôi đang đứng 15 mét có một ngôi nhà. Nhưng tôi không biết đó là nhà ai ở. Tôi lại nhảy cò cò về hướng đó. Tôi ấn vào tất cả các nốt bấm chuông điện phía ngoài, bên cạnh cửa. Vẫn không có ai mở cửa, tôi thất vọng ê chề. Nhưng chừng 5 phút sau thì có một người đàn ông đi đường đến bảo tôi: “Có người gọi anh đằng kia!”. Ông ta chỉ tay về phía một cánh cổng sắt cách đó một đoạn.
Tôi lại nhảy cò cò đến đó. Phía sau cổng sắt, một bà già phúc hậu hỏi tôi bằng một giọng thật êm ái:
- Tại sao anh lại bấm chuông?
Tôi trình bày vắn tắt hoàn cảnh, nhưng bà già không hiểu. Bà không hề biết gì về tác phẩm “Chế độ Phát Xít”. Bà nhìn tôi nghi hoặc. Dễ thường bà nghĩ tôi là một tên lưu manh, bị đánh què chân trong khi làm “phi vụ” cũng nên. Tôi bảo bà:
- Nếu bà không cho tôi vào nhà, người ta sẽ bắt tôi. Mong bà hãy vì Chúa mà làm điều thiện.
Bà thoáng ngần ngại, nhưng rồi bà bảo: “Hãy đi lại đằng kia, ta sẽ mở cửa cho anh”.
Khi tôi đã vào trong nhà, bà già bảo tôi tháo giày, đặt bàn chân trái lên một cái chai. Bà nói như thế sẽ đỡ đau hơn.
Rồi bà bảo tôi kể lại tình tiết mọi chuyện cho bà nghe. Tôi kể, lần này thì bà hiểu tôi hơn, mặc dù vẫn không biết “Chế độ Phát Xít” là như thế nào. Bà chỉ hiểu là tôi đang gặp nguy hiểm và cần người giúp đỡ, và tôi không phải là kẻ lưu manh. Tôi nói với bà là tôi đã gõ cửa nhà thờ, nhưng không có ai mở cửa. Bà bảo rằng ban đêm không có ai ở đó cả, và rằng ngôi nhà này cũng thuộc của nhà thờ, bà là người phục dịch, ở đây cũng có một vị linh mục nhưng ông ta đang ngủ. Bà định đánh thức vị linh mục ngay lúc đó. Tôi can bà, vì còn sớm. Vả lại ngồi đây là tôi yên tâm lắm rồi.
Bà tên là Mariana.
Đoạn Kết
Từ hôm đó đến nay nửa năm đã trôi qua, cả một mùa thu lá vàng và một mùa đông tuyết lạnh. Những ngày xuân tươi trẻ đã đến với xứ này. Tôi đã sống với tình thương yêu trong các gia đình những người con của Chúa. Họ đã dành cho tôi nơi ở tốt nhất, trong nhà của họ, ngồi cùng bàn ăn, cho tôi quần áo mặc, chữa chạy vết thương cho tôi dù Bungari đang ở vào thời kỳ đói kém và khó khăn nhất. Chân tôi đã khỏi, tôi đã đi lại và chạy nhảy bình thường. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn vô hạn của tôi đối với những người Bun, bình dị, khiêm nhường, đã coi tôi – một người Việt Nam xa lạ, lạc lõng, đang bị những phần tử Cộng Sản bảo thủ vô cớ săn đuổi – như người thân thiết của họ. Nhưng tôi thấy lời nói lúc này thật vô nghĩa và không thể nào diễn tả được hết lòng tôi. Bên tai tôi âm vang giọng nói uy quyền: “Con hãy sống vì lòng tốt. Đó là cách cám ơn tốt nhất!”.
Tháng trước tôi gặp một người quen tên là H, anh bảo tôi: “Hôm nọ sứ quán cử bọn em đi lùng bắt anh. Họ nói: “Hắn (tức tôi) là phản động, nếu bắt được hắn thì riêng tiền thuê xe taxi hết một vài nghìn đối với sứ quán không có nghĩa gì, cứ lên đây thanh toán…” Bọn em đi vì nhiệm vụ nhưng lương tâm thì không nỡ nào. Nếu có gặp, cũng chỉ bảo anh trốn cho kỹ hơn thôi…”
Thật như có phép mầu! Tôi đang là người bình thường, đang vui buồn cùng các bạn, không làm gì nên tội, vậy mà đánh đùng một cái trở thành “phản động”. Lỗi chỉ vì dịch bộ “Chế độ Phát Xít”. Nhưng đây là tác phẩm lên án tội ác của các chế độ phát xít và vạch trần bản chất vô nhân đạo của chúng! Những người Cộng Sản Việt Nam bảo thủ lại đi bao che và bênh vực cho bọn Phát Xít thì kể cũng kỳ quặc. Hay là quả đúng như lời nói đầu của tác giả cho tác phẩm này, rằng: “… Mặc dù trong tác phẩm không làm những so sánh không cần thiết, nhưng trên cơ sở tài liệu sử dụng và phương pháp xây dựng, người đọc tự nhận ra một sự thật kinh hoàng rằng giữa chế độ Quốc Xã và Cộng Sản không chỉ là không có những khác biệt đáng kể, mà giá có những điểm như thế thì điều đó chỉ không có lợi cho chế độ Cộng Sản”. Cổ nhân nói “Nàng Tây Thi nước Việt, ai khéo chê cũng không che lấp được cái đẹp. Nàng Vô Diệm nước Tề, ai khéo khen cũng không che lấp được cái xấu”. Cứ cho là với việc dịch bộ “Chế độ Phát Xít” tôi có ý đồ bôi nhọ chế độ đi nữa, nhưng nếu chế độ ta thực sự tốt đẹp thì việc gì những người Cộng Sản bảo thủ phải lo ngại? Sự thật tồn tại khách quan, không phụ thuộc vào những lời khen chê.
Hành động của những phần tử Cộng Sản bảo thủ, đối với cá nhân tôi và biết bao người có tư tưởng tự do khác, cho thấy một điều, rằng cái “dân chủ” hiện tại ở VN chỉ là đồ rởm, chỉ là lời tuyên truyền. Những việc làm của họ mâu thuẫn hoàn toàn với miệng lưỡi ngọt ngào, chà đạp thô bạo và vô liêm sĩ lên nhân quyền, đạo lý. Không rõ những kẻ mặt người này có bao giờ để mắt tới Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền, hoặc có đôi chút khái niệm nào về những quyền như thế không?
Hiện nay tôi được biết là mọi thư từ của tôi đều được “đồng chí bí thư đảng ủy” (Cường bạc) thu nhận và mở đọc một cách tự nhiên. Nhưng thôi, nói làm gì đến những kẻ không hiểu thế nào là xấu hổ.
Nghe đâu “nhà” đã điện sang, lệnh cho sứ quán phải tìm bắt và đưa tôi về nước, “nếu không sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm!”. Một lần tôi đem chuyện này nói với một anh bạn Bungari. Anh bèn vào nhà trong lấy ra một khẩu súng săn đã cưa ngắn nòng và một túi đạn. Anh đưa súng đạn cho tôi và bảo:
- Tôi tặng anh. Anh hãy bắn tan xác những kẻ nào định bắt anh!
Tôi bảo anh:
- Nhưng Chúa có 3 điều cấm kỵ cơ bản: không nói dối, không ăn trộm và không giết người. Vả lại những người đó không có lỗi, lỗi do bọn chóp bu. Họ chỉ làm theo lệnh.
- Đừng hiểu sai lời Chúa. Chúa chỉ bảo anh đừng giết người, chứ không bảo anh đừng giết những kẻ định giết anh, vì những kẻ định giết ta thì không còn là người nữa.
Tôi từ chối không nhận súng, đạn. Anh nhìn tôi chăm chú, rồi kết luận:
- Còn lâu Việt Nam có dân chủ!
Tôi không rõ là anh bạn người Bun nghĩ gì khi nói vậy. Dù sao tôi cũng thật cảm động trước “sự quan tâm” của “nhà” và của sứ quán. Nhưng xin phép là tôi sẽ về muộn hơn chút đỉnh.
Hiện nay nhân dân Việt Nam ít nhiều vẫn đang là lò than hồng cho “nhà” ngồi trên sưởi ấm. Nhưng chẳng bao lâu nữa lò than này sẽ cháy bùng thành ngọn lửa và thiêu “nhà” ra tro bụi nếu “nhà” vẫn khư khư bám giữ những chính sách phản động quan liêu, phi dân chủ, ăn chơi phè phỡn và sa đọa trên lưng những người dân lành.
Phạm Văn Viêm, Bulgary.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét