Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2012

Hoàng Sa và Trường Sa qua thư tịch cổ Trung Quốc

Để chứng minh và đi đến kết luận về chủ quyền Trung Quốc trên hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam), các học giả Trung Quốc đã dựa vào các nguồn tài liệu không phải chính sử. Một số tài liệu đã đưa ra nhiều kết luận “hùng hồn” rằng có rất nhiều “sự thật lịch sử”, trong đó có sự hiện diện của các di chỉ khảo cổ, “chứng tỏ đầy đủ rằng”, Trung Quốc là người đã phát hiện, kinh doanh, khai thác và thực hiện việc cai quản đầu tiên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ “hàng nghìn năm nay”.
Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, TP. Đà Nẵng Đặng Công 
Ngữ trả lời phỏng vấn báo chí về bảo vệ chủ quyền huyện đảo Hoàng Sa. 
(express)
Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, TP. Đà Nẵng Đặng Công Ngữ trả lời phỏng vấn báo chí về bảo vệ chủ quyền huyện đảo Hoàng Sa. (Vnexpress)

Bài viết này, chúng tôi tổng thuật những khảo cứu về thư tịch cổ do chính người Trung Hoa ghi lại trong chính sử Trung Hoa, trong suốt 22 thế kỷ, từ thời nhà Tần (năm 221 tr. CN), nhà Hán (năm 202 tr. CN) đến sau Thế chiến thứ II đã thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
 Hoàng Sa và Trường Sa không được đề cập trong các sách lịch sử và địa lý Trung Quốc
Theo chính sử Trung Hoa, trong suốt 22 thế kỷ, từ thời nhà Tần (năm 221 tr. CN), nhà Hán (năm 202 tr. CN) đến sau Thế chiến thứ II, không thấy tài liệu nào, hay nói rõ hơn, không có câu chữ nào ghi rằng Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải) với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Trong khi đó, không ít thư tịch cổ Trung Hoa, do chính người Trung Hoa ghi lại trong lịch sử đã thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trở lại lịch sử của Trung Quốc 22 thế kỷ trước, năm 221 tr. CN Tần Doanh Chính sau khi thống nhất Trung Quốc lên ngôi hoàng đế với hiệu Tần Thủy Hoàng, đánh dấu sự ra đời của triều nhà Tần. Năm 218 tr. CN, Tần Thủy Hoàng tiến hành chinh phục phương Nam và năm 214 xâm lược Văn Lang - Âu Lạc. Cuộc chiến đấu của nhân dân Văn Lang - Âu Lạc kéo dài từ năm 214 tr. CN đến năm 208 tr. CN giành thắng lợi vẻ vang. Cuộc chiến đấu đó chỉ diễn ra ở phía Bắc lưu vực sông Hồng của lãnh thổ Văn Lang – Âu Lạc. Vì vậy, thời kỳ này quân Tần chưa thể đặt chân đến lãnh thổ Văn Lang - Âu Lạc ở vùng Nam sông Hồng nên không thể vượt biển để đến Hoàng Sa, Trường Sa.
Năm 202 tr. CN, Lưu Bang đã lập nhà Tây Hán thay nhà Tần thống trị Trung Quốc. Do lo củng cố quyền lực triều đình, mãi đến đời Vũ Đế (141 - 87 tr.CN), vua nhà Hán mới lo đến việc mở rộng đất về phương Nam. Trong 2 năm từ 112 đến 111 tr. CN, quân Hán đánh chiếm Nam Việt; năm 110 tr. CN, quân Hán chinh phục Mân Việt. Mặc dù chiếm được các nước Việt, song, các chiến thuyền của nhà Tây Hán chưa xuống quá Quảng Châu.
Đến đời Đông Hán (năm 25 đến năm 220 sau CN) Dương Phù soạn sách  Dị vật chí  nói về những điều lạ của xứ Giao Châu (Việt Nam), mô tả địa danh Trướng Hải như sau: “Tại Trướng Hải Kỳ Đầu nước cạn nhưng nhiều đá nam châm, thuyền lớn đi ngoài cõi, dưới thuyền gắn lá sắt sẽ bị nhổ ra”. Đến thời Tam Quốc (năm 220 - 265), Vạn Chấn viết cuốn Nam Châu dị vật chí có mô tả về các đảo đá và cát trên Biển Đông, có đoạn mô tả chỗ nước nông và có đá nam châm khiến cho tàu thuyền qua lại nguy hiểm, dễ bị chìm. Đây là những cuốn sách ghi chép những điều lạ ở nước ngoài, chứ không phải là điều lạ ở Trung Quốc. Điều này đã khẳng định quần đảo Hoàng Sa thuộc về Giao Châu xưa (nay là Việt Nam).  
Một góc đảo Trường Sa lớn. (Ảnh: M.Đ.L)
Một góc đảo Trường Sa lớn. (Ảnh: M.Đ.L)
Dưới thời nhà Đường, từ năm 785 đến 805, Giã Đam làm sách Tứ di lộ trình ghi đường biển từ Quảng Châu đến Một Lai (Malabar), không thấy đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đến đời Nam Tống, cuốn Lĩnh ngoại đại đáp của Châu Khứ Phi cũng xác nhận: “Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) tọa lạc tại Giao Chỉ Dương”. Chư phiên đồ đời Tống cũng xác định giới hạn lãnh thổ của Trung Quốc với các nước khác ở Giao Dương (tức Giao Chỉ Dương). Giao Chỉ Dương hay Biển Giao Chỉ là vịnh Bắc Bộ ngày nay, trong khi Hoàng Sa và Trường Sa lại cách xa vịnh Bắc Bộ hàng trăm dặm về phía nam.
Đến thế kỷ XII,  sử gia Triệu Nhữ Quát đời nhà Tống trong cuốn Chư phiên chí đã xác nhận nhiều sự kiện lịch sử quan trọng từ thời nhà Hán. Theo đó, năm 111 tr. CN, sau khi thôn tính Nam Việt, Hán Vũ Đế sai quân vượt biển sang chiếm đất của địch quân (Nam Việt) và đặt ra 2 quận Châu Nhai và Đạm Nhĩ (đảo Hải Nam). Sách Chư phiên chí cũng cho biết vùng quần đảo Hoàng Sa (Vạn Lý Trường Sa) là nơi nguy hiểm, tàu thuyền Trung Hoa không nên đến gần vì chỉ đi sai một tí là có thể chìm đắm. Nhan đề sách là Chư phiên chí, có nghĩa là chép chuyện các phiên quốc, nước ngoài. Vạn Lý Trường Sa nằm ở phiên quốc, có nghĩa là không thuộc về Trung Hoa mà thuộc về  phiên quốc Giao Châu, Giao Chỉ.
Như vậy, các thư tịch cổ Trung Hoa từ đời nhà Tây Hán đến nhà Tống đã cho thấy Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc về Trung Quốc mà thuộc về nước khác mà Trung Quốc gọi là phiên quốc hay Giao Châu, Giao Chỉ.
Đầu thế kỷ XV, Minh Thành Tổ cử Đô đốc Thái giám Trịnh Hòa chỉ huy những đoàn thám hiểm đến Ấn Độ Dương và biển Ả Rập nhằm thiết lập bang giao với trên 30 quốc gia duyên hải, triển khai Con đường tơ lụa tại Ấn Độ, Phi châu và Trung Đông. Trong những chuyến đi này, Phí Tín và Mã Hoan được tháp tùng với nhiệm vụ “đi đến đâu thì ghi đến đấy”. Phí Tín làm sách Tinh tra thắng lãm, Mã Hoan làm sách Doanh nhai thắng lãm. Khi đoàn qua vùng biển Hoàng Sa gọi là Thất Châu dương vì có 7 hòn đảo nổi trên mặt nước. Vùng biển Côn Lôn (ngày xưa Côn Lôn bao gồm cả Trường Sa) gọi là Côn Lôn dương. Vì vậy, mới có câu cách ngôn hàng hải: “Thượng phạ Thất Châu, hạ phạ Côn Lôn” được lan truyền rộng rãi.
 Phí Tín miêu tả Côn Sơn như sau: “Kỳ sơn tuyết nhiên doanh hài chi trung, dữ Chiêm Thành cập Đông, Tây Trúc đỉnh trỉ tương vọng. Sơn cao nhi phương, căn bàn quảng viễn, Hải nhân danh viết Côn Lôn dương. Phàm vãng Tây dương thương phiến chi bạc, tất đãi thuận phong, thất trú dạ khả quá”. (“Núi đứng sừng sững giữa vùng biển rộng, cùng Chiêm Thành và các đảo Đông, Tây Trúc nhìn nhau như thế chân vạc. Núi cao mà vuông, gốc lan xa rộng, người biển gọi là Côn Lôn. Phàm các thuyền đến Tây dương buôn bán, phải đợi gió thuận, bảy ngày đêm mới qua khỏi”).
 Đoàn thuyền của Trịnh Hòa không chỉ đi qua một vùng biển bao quanh đảo Poulo Condore (Côn Lôn hay đảo bầu bí, theo tiếng người biển Orang lot Mã Lai) mà phải dọc Biển Đông qua vùng biển “Vạn lý thạch sàng” (giường đá vạn dặm) đã được miêu tả trong Chư phiên chí để qua khai phá Ấn Độ Dương. Trạm trú chân duy nhất của đoàn trong khu vực này là Đồ Bàn (Chaban) thủ phủ Chiêm Thành bấy giờ. Trong các cuốn sách của Mã Hoan, Phí Tín không thấy có một câu nào, một chữ nào nói đến việc Trịnh Hòa dùng tên mình để đặt cho vùng đảo san hô mà người phương Tây sau này gọi là Tizard cả.
Cũng dưới triều nhà Minh, trong cuốn Vũ bị chí của Mao Nguyên Nghi,  Biển Đông được gọi là Giao Chỉ Dương. Trên các bản đồ Trịnh Hòa hạ Tây dương, Trịnh Hòa hàng hải đồ cũng không thấy ghi chép các danh xưng Hoàng Sa, Trường Sa trong các lộ trình và hải đạo của Trịnh Hòa sau 7 lần đi qua Biển Đông để khai phá Ấn Độ Dương (Tây Dương). Nhiều tài liệu chính sử nhà Minh cho biết, từ thế kỷ XV, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nguyên là địa bàn ngư nghiệp của Chiêm Thành đã trở thành lãnh thổ của Đại Việt. Bởi lẽ, từ năm 1427 Lê Lợi đã đánh thắng quân Minh để giành lại chủ quyền cho Đại Việt bị Minh Thành Tổ chiếm đoạt từ 20 năm trước (1407).
Đời nhà Thanh, trong cuốn Hải ngoại ký sự được viết vào năm 1696, Thích Đại Sán, một nhà sư thời Khang Hy đã đến đất Thuận Hóa của chúa Nguyễn ngày 29 tháng Giêng năm Ất Hợi (13 - 3 - 1695) thuật lại chuyến hải hành này và đã mô tả vị trí Vạn Lý Trường Sa là “cách Đại Việt bảy ngày đường, chừng bảy trăm dặm. Thời Quốc vương trước, hàng năm sai thuyền đánh cá đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền hư tấp vào”. Đây là sự ghi nhận chủ quyền của Đại Việt trong việc chiếm hữu, kiểm soát và khai thác vùng Biển Đông nơi tọa lạc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ít nhất là từ thế kỷ thứ XVII, bởi lẽ, hải ngoại ký sự là do người Trung Quốc viết về những điều biết được ở nước ngoài, chứ không phải viết về Trung Quốc.
Vào thế kỷ XVIII, trong cuốn Hải quốc văn kiến lục của Trần Luân Quýnh (1744), vùng biển của Việt Nam tại Biển Đông được ghi bằng các danh xưng Việt Hải và Việt Dương.
Đến thế kỷ XIX, trong bộ Hải quốc đồ ký, cuốn Hải lục của Vương Bỉnh Nam (1820 - 1842) chép: “Vạn lý Trường Sa (Hoàng Sa) là dải cát dài ngoài biển được dùng làm phên dậu che chắn mặt ngoài bờ cõi nước An Nam”. Như vậy, tư liệu này của Trung Quốc đã thừa nhận quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ trên biển của Việt Nam.
Trong vụ ngư dân đảo Hải Nam cướp tàu chở đồng bị đắm tại quần đảo Hoàng Sa những năm 1895-1896, để trả lời văn thư phản kháng của Chính phủ Anh, Tổng đốc Lưỡng Quảng Trung Hoa đã phủ nhận trách nhiệm với lý do: “Hoàng Sa không liên hệ gì tới Trung Quốc”.
(Còn nữa) 
-----

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét