Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Cuộc chiến bốn mươi năm trước: Mùa hè đỏ lửa (1972)

An Lộc
Mùa hè đỏ lửa là tên một quyển bút ký chiến tranh của nhà văn Phan Nhật Nam, ghi lại những trận đánh khốc liệt vào mùa hè năm 1972. Hôm nay, bốn chục năm sau, xin sơ lược trở lại những trận đánh ghi dấu một thời oanh liệt của quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).
1. NGUYÊN NHÂN
Tháng 5-1971, bộ Chính trị đảng LĐ Bắc Việt Nam đưa ra “quyết định thế tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam, đánh bại chính sách Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ, giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trong thế thua.” (Bộ Quốc Phòng CHXHCNVN, Lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1975), Hà Nội: Nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2005, tr. 644).

Ngoài lý do đã được tiết lộ trên đây, nguyên nhân việc CSVN mở cuộc tấn công năm 1972 có thể phỏng đoán là:
Thứ nhất, sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân thất bại, CSVN phải ra nghị quyết 9 cho quân đội CS ở trong Nam nghỉ dưỡng và tránh đụng độ với quân đội VNCH. (Nguyễn Kỳ Phong, “Hành quân Lam Sơn 719: Nguồn gốc và khuyết điểm”, điện báo Talawas ngày 12-6-2008). Trong khi đó quân đội VNCH mở những cuộc hành quân lớn đánh qua Cao Miên (4-1970 đến 2-1971) và Hạ Lào (1971), nắm thế chủ động trên chiến trường.
Sau khi đưa thêm nhiều sư đoàn để bổ sung lực lượng ở trong Nam, CSVN quyết định tái phát động hành quân, nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường. Tháng 12-1971, Nicolai Podgorny, chủ tịch nhà nước Liên Xô, đến Hà Nội và hứa hẹn gia tăng viện trợ không hoàn lại các loại võ khí hạng nặng. Đầu năm 1972, Liên Xô gởi qua các chiến xa T-54, T-55, PT-76, đại bác 130 ly, 150 ly, đại bác phòng không 57 ly, hỏa tiễn chống chiến xa AT-3 Sagger, hỏa tiễn địa không SA-7 Strela. (Nguyễn Đức Phương, Chiến tranh Việt Nam toàn tập, từ trận đầu (Ấp Bắc – 1963) đến trận cuối (Sài Gòn – 1975), Toronto: Nxb. Làng Văn, 2001, tr. 550.)
Thứ hai, về phương diện quân sự, CSVN thất bại trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, nhưng về phương diện chính trị, CSVN đã gây chấn động lớn đến dân chúng và chính trường Hoa Kỳ trong năm bầu cử tổng thống 1968. Tổng thống Lyndon Johnson phải bỏ cuộc, không ứng cử tổng thống lần thứ hai. Richad Nixon, ứng cử viên đảng đối lập đánh bại ứng cử viên đảng đương quyền, lên làm tổng thống. Ngày 24-6-1970, thượng viện Mỹ bãi bỏ “Nghị quyết vịnh Bắc Việt”, giới hạn quyền của tổng thống gởi quân ra nước ngoài. (John S. Bowman, The Vietnam War, Day by Day, New York: Mallard Press, 1989, tr.166.) Đây là thời cơ thuận tiện để CS mở cuộc tấn công, nhất là sau cuộc họp giữa Kissinger và Chu Ân Lai vào tháng 7-1971, CSVN được biết thêm tin chắc chắn người Mỹ sẽ rút quân, bỏ rơi VNCH.
Năm 1972 cũng là năm bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ. Vấn đề Việt Nam rất nhạy cảm với cử tri Mỹ. Có thể vì vậy, CSVN tung đại quân tấn công VNCH nhằm tạo ra một chấn động mới, thúc đẩy dân chúng Hoa Kỳ đòi hỏi chính phủ Hoa Kỳ chẳng những nhanh chóng rút quân mà chấm dứt hẳn sự can thiệp vào Việt Nam.
Thứ ba, CSVN mở các chiến dịch 1972 nhằm tăng cường uy thế của phía CSVN trong hòa hội đang tiếp diễn tại Paris. Trong hòa hội Paris, CS đòi giữ nguyên trạng sau khi ngưng bắn. Vì vậy, CS mở cuộc tấn công nhằm lấn đất giành dân. Cũng trong dự thảo hiệp định Paris, CSVN đòi hỏi quân đội và võ khí nước ngoài không được nhập vào VNCH sau khi hiệp định được ký kết. Vì vậy CSVN tìm cách hủy diệt các đơn vị cũng như quân nhu quân dụng quân đội VNCH, để VNCH yếu hẳn sau khi ngưng bắn. Trái lại, toàn khối CS bí mật tiếp tục viện trợ cho Bắc Việt qua đường bộ ở biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc, mà không ai có thể kiểm soát được.
2.- DIỄN TIẾN CHIẾN CUỘC
Theo quyết định của bộ Chính trị đảng LĐ, quân đội CSVN mở chiến dịch đại quy mô, tấn công ở cả bốn quân khu VNCH: Quảng Trị và Thừa Thiên ở Quân khu I (từ 30-3-1972); Kontum ở Quân khu II (từ 30-3-1972 ); Bình Long ở Quân khu III (1-4-1972); Định Tường, Kiến Tường ở Quân khu IV (10-6-1972). Cộng sản đặt tên cho các cuộc hành quân trên đây lần lượt là: chiến dịch Trị Thiên, chiến dịch Bắc Tây nguyên, chiến dịch Nguyễn Huệ, và chiến dịch Đồng bằng sông Cửu Long. Phía VNCH, gọi chung cuộc chiến năm 1972 là “mùa hè đỏ lửa”, phát xuất từ tên quyển ký sự chiến trường là Mùa hè đỏ lửa, của nhà văn Phan Nhật Nam. Về phía Hoa Kỳ, thì cuộc chiến năm 1972 được gọi là Easter Offensive.
Mặt trận Quảng Trị ở Quân khu I (từ 30-3-1972): CSVN gọi đây là chiến dịch Trị Thiên. Lực lượng CS gồm ba sư đoàn Bộ binh (304, 308, 324), hai trung đoàn độc lập (27 và 48), bốn tiểu đoàn BB Quân khu Trị Thiên, Đoàn đặc công 126 và 10 tiểu đoàn đặc công, hai trung đoàn xe tăng (202, 203), bảy trung đoàn pháo binh, ba sư đoàn pháo phòng không (365, 367 và 377), bốn tiểu đoàn tên lửa, phòng không và lực lượng võ trang địa phương. (Trung Tâm Tự Điển Bách Khoa Quân Sự, Tự điển bách khoa quân sự Việt Nam, Hà Nội: Nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2004, tr. 202.)
Đối đầu với lực lượng hùng hậu nầy, về phía VNCH có hai sư đoàn Bộ binh là Sư đoàn 1 đóng ở Huế và Sư đoàn 3 (thành lập tháng 10-1971) đóng ở Quảng Trị, hai lữ đoàn TQLC (147, 258), ba thiết đoàn (20, 11, 17), một số tiểu đoàn Địa phương quân, một số đơn vị Pháo binh, và về sau tăng cường thêm hai lữ đoàn Dù (1 và 2). Chiến cuộc tại vùng Quảng Trị có thể chia thành ba giai đoạn:
Thứ nhất: Mở đầu, ngày 30-3-1972, CSVN xua quân vượt vĩ tuyến 17, xâm phạm vùng phi quân sự, tấn công các căn cứ tiền đồn dọc đường số 9, chiếm căn cứ Carroll ngày 2-4-1972. Trung tá Phạm Văn Đính, trung đoàn trưởng Trung đoàn 56 BB, thuộc Sư đoàn 3 BB, đầu hàng địch tại căn cứ nầy.
Cũng ngày 2-4-1972, tổng thống Nixon ra lệnh cho Hạm đội 7 oanh kích những nơi quân đội Bắc Việt tập trung tại vùng phi quân sự, vừa bằng phi cơ vừa bằng chiến thuyền đậu dọc duyên hải Quảng Trị. Ngày 6-4-1972, hai oanh tạc cơ Mỹ bị hòa tiễn SAM-2 bắn rơi. SAM-2 là võ khí Liên Xô mới trang bị cho Bắc Việt. Khi đến Đông Hà, CSVN bị chận đánh dữ dội. Trước tình hình căng thẳng, bộ Tổng tham mưu VNCH tăng phái thêm ba liên đoàn BĐQ 4, 5, 6 cho Quân đoàn I.
Thứ hai: Ngày 26-4, CSVN tiếp tục tấn công, chiếm Đông Hà ngày 28-4, áp lực nặng nề Quảng Trị. Ngày 30-4, chuẩn tướng Vũ Văn Giai, tư lệnh Sư đoàn 3 BB, họp cùng các sĩ quan chỉ huy, quyết định chuyển quân khỏi Quảng Trị, nhưng trung tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh Quân đoàn I ra lệnh tử thủ Quảng Trị. Lệnh tử thủ đến sau khi các đơn vị thuộc Sư đoàn 3 đã chuyển quân. Trong khi đó, CSVN đưa một cánh quân khác tiến qua A-Shau (A Sao), bao vây các căn cứ Bastogne và Checkmate, đe dọa Huế. Ngày 1-5-1972, CSVN chiếm thành phố Quảng Trị, tiến quân tới bờ bắc sông Mỹ Chánh. Thành phố Huế hoảng loạn. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu liền cử trung tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh Quân đoàn IV, ra giữ chức tư lệnh Quân đoàn I, thay trung tướng Hoàng Xuân Lãm. Tướng Trưởng tái lập an ninh thành phố Huế, tái phối trí lực lượng phòng thủ.
Thứ ba: Ngày 8-6-1972, các lữ đoàn TQLC cùng các lữ đoàn Dù vượt sông Mỹ Chánh, phản công ra hướng bắc, mở đầu giai đoạn thứ ba của cuộc chiến Quảng Trị. Từ ngày 13-9, quân VNCH tái chiếm Quảng Trị, và treo cờ lên cổ thành Quảng Trị ngày 16-9-1972. Quân đội VNCH tiếp tục tảo thanh quân CS. Tuy chống cự mãnh liệt, quân CS dần dần rút lui, nhưng vẫn chiếm giữ vùng phía bắc sông Thạch Hãn. Sau biến cố Quảng Trị, thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh được đề cử thay thế chuẩn tướng Vũ Văn Giai, chỉ huy Sư đoàn 3 BB-VNCH.
Mặt trận Kontum ở Quân khu II (từ 30-3-1972 ): CSVN gọi cuộc hành quân nầy là chiến dịch Bắc Tây nguyên. Lực lượng CS gồm hai sư đoàn Bộ binh (320 và 2), bốn trung đoàn BB (24, 28, 66, 95), hai trung đoàn pháo binh, trung đoàn đặc công 400, sáu tiểu đoàn pháo phòng không, một tiểu đoàn xe tăng, một đại đội tên lửa, cùng lực lượng võ trang địa phương. (Trung Tâm Tự Điển Bách Khoa Quân Sự Hà Nội, sđd. tr. 157.) Phía VNCH, tại Quân khu II lúc đó, có hai sư đoàn Bộ binh (22 và 23), hai lữ đoàn Dù, 11 tiểu đoàn BĐQ Biên phòng và Địa phương quân.
Chiến cuộc Kontum có thể chia thành hai giai đoạn. 1) Vào đầu tháng 4-72, quân CS uy hiếp các căn cứ phía bắc Kontum. Ngày 11-4, quân CS tấn công căn cứ Charlie. Trung tá Nguyễn Đình Bảo, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11 Dù tử trận. Ngày 21-4, CS tràn ngập căn cứ Delta. Charlie và Delta là hai căn cứ hỏa lực nằm về phía tây của căn cứ Võ Định. Căn cứ Võ Định cũng không giữ được. (Võ Định nằm trên quốc lộ 14, phía bắc Kontum và phía nam Tân Cảnh.) Ngày 24-4, quân CS chiếm các căn cứ Tân Cảnh và Daktô II ở phía bắc Võ Định. Quân CS tiếp tục tấn công các căn cứ khác ở vùng nầy, nhưng không chiếm được căn cứ Ben Het do các tiểu đoàn 72 và 95 BĐQ trấn giữ. Ngày 10-5-1972, thiếu tướng Nguyễn Văn Toàn, phụ tá hành quân Quân đoàn I, được cử làm tư lệnh Quân đoàn II, thay thế thiếu tướng Ngô Dzu. 2) Từ 14-5-1972, quân CS tập trung tấn công vào Kontum. Có khi quân CS chiếm được trại Ngọc Hồi ở Kontum, hậu cứ của Thiết giáp và căn cứ tiếp vận, nhưng đã bị đẩy lui ngay. Sư đoàn 2 Sao Vàng bị B52 gây thiệt hại nặng, sau đó phải giải thể. Vào cuối tháng 5-1972, mặt trận Kontum yên tĩnh trở lại. Quốc lộ 14 giữa Kontum và Pleiku được khai thông.
Sau Kontum, CSVN tấn công Bình Định cũng thuộc Quân khu II vào đầu tháng 6-1972, chiếm các quận Tam Quan, Hoài Nhơn và Hoài An, Tuy nhiên, vào cuối tháng 7-1972, quân đội VNCH tái chiếm ba quận nầy.
Mặt trận An Lộc (Bình Long) ở Quân khu III (1-4-1972): CSVN gọi cuộc hành quân nầy là chiến dịch Nguyễn Huệ. Lực lượng CS gồm ba sư đoàn Bộ binh (5, 7, 9), ba trung đoàn BB (24, 71, 205), trung đoàn đặc công 429 (7 tiểu đoàn), 1 trung đoàn và 1 tiểu đoàn pháo binh, 2 tiểu đoàn xe tăng thiết giáp, 4 tiểu đoàn pháo phòng không, 20 tiểu đoàn và 63 đại đội bộ đội địa phương. (Trung Tâm Tự Điển Bách Khoa Quân Sự Hà Nội, sđd. tr. 186.)
Phía VNCH, Quân khu III có ba sư đoàn Bộ binh 5, 18 và 25, một lữ đoàn Dù, năm liên đoàn BĐQ, một lữ đoàn Thiết kỵ, Liên đoàn 81 Biệt cách Dù, và các đơn vị Địa phương quân. Phòng thủ chính bên trong An Lộc là sư đoàn 5 BB do đại tá Lê Văn Hưng chỉ huy. (Đại tá Hưng lên chuẩn tướng tại mặt trận An Lộc. Ông đã cam kết: “Khi nào tôi còn, An Lộc còn.”)
An Lộc là tỉnh lỵ tỉnh Bình Long, nằm trên quốc lộ 13, án ngữ giữa Sài Gòn và mật khu 708 của CSVN trên đất Cao Miên. Cộng sản dự tính đánh chiến An Lộc để làm lễ ra mắt chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam vào ngày 20-4-1972. (Nguyễn Đức Phương, sđd. tr. 569.) Nhằm tạo thế nghi binh, từ 1-4-1972 một số đơn vị CS tấn công các căn cứ phía bắc Tây Ninh. Ngày 4-4-1972, sư đoàn 5 CS tiến về Lộc Ninh (tỉnh Bình Long), phía bắc An Lộc, và chiếm được Lộc Ninh ngày 8-4-1972.
Sau khi chiếm Lộc Ninh, quân CS tiến xuống phía nam, đe dọa An Lộc. Cuộc chiến An Lộc kéo dài từ 8-4-1975 đến ngày 12-6-1972. Ngoài sư đoàn 5 CS, một cánh quân khác của CS, sư đoàn 7 CS xuất phát từ biên giới Cao Miên, đi vòng qua An Lộc, phong tỏa quốc lộ 13 phía nam An Lộc. Trong khi đó, sư đoàn 9 CS cũng từ biên giới Cao Miên, đánh thẳng vào phía tây An Lộc. Như thế cả 3 sư đoàn CS đánh kẹp An Lộc vào giữa. Quân CS vừa pháo kích dữ dội, vừa sử dụng xe tăng T-54 và BTR-60 dẫn đầu, tiến chiếm phía bắc thành phố An Lộc, đồng thời chiếm các căn cứ trên quốc lộ 13, phía nam An Lộc, để chận đường tiếp tế của quân đội VNCH.
Quân đội VNCH dàn ra đối phó với hai trận tuyến của CS. Một mặt quân phòng thủ An Lộc chiến đấu anh dũng, chận đứng và đẩy lui các cuộc xung phong của quân CS ngay tại An Lộc. Một mặt các đơn vị VNCH khác cương quyết giải tỏa quốc lộ 13, nhằm tiếp ứng An Lộc. Ở cả hai mặt trận, hai bên giằng co từng tấc đất, từng ngôi nhà. Quân CS sử dụng chiến thuật “tiền pháo hậu xung”, pháo kích dữ dội trước khi xung phong. Quân VNCH biết rõ cách đánh nầy, nên sau mỗi đợt CS pháo kích, liền chuẩn bị sẵn sàng để nghênh chiến.
Bên cạnh đó, Không quân đã yểm trợ tích cực cho Bộ binh VNCH chiến đấu. Ngoài việc oanh kích các nơi tình nghi quân CS trú đóng, Không quân VNCH phụ trách chuyển vận quân đội, thả tiếp liệu (lương thực, nước uống, quân nhu, quân dụng), tải thương binh. Vừa vì thời tiết xấu, vừa vì bị súng phòng không của CS bắn phá, việc tiếp liệu có khi ít hiệu quả, một số kiện hàng không đến tay quân đội VNCH mà lọt vào tay quân CS. Hơn nữa, vì bị bắn phá dữ dội, các trực thăng tải thương hoạt động rất khó khăn, và nhiều trực thăng bị bắn rơi. Trong khi đó, những phi vụ B-52 Hoa Kỳ liên tiếp dội bom nặng nề xuống chiến trường, giúp đánh tan các đơn vị CS chung quanh An Lộc, phá vỡ các kho võ khí do CS mới chuyển từ miền Bắc Việt Nam.
Riêng tại thị trấn An Lộc, kể từ 8-4-1972, quân CS tấn công tất cả 7 lần. 1) Trong lần đầu, ngày 13-4-1972, quân CS dùng chiến xa T-54 tiến vào An Lộc. Dù đã bắn cháy 7 chiếc, quân VNCH phải lui về phòng thủ phía nam thị trấn. 2) Ngày 14-4, quân CS xung phong lần thứ hai. Quân VNCH ẩn nấp trong các cao ốc, hầm trú ẩn, sử dụng súng M72, súng B40 và B41 (hai loại nầy tịch thu được của quân CS), chống trả và gây hư hại nặng các loại xe tăng CS. Ngày 16-4, Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù được đưa đến An Lộc, tăng cường lực lượng phòng thủ ở đây. 3) Ngày 18-4, quân CS tấn công An Lộc lần thứ ba. Nhờ sự yểm trợ của Không quân, nhất là B-52, quân CS bị chận đứng. 4) Sáng sớm 21-4-1972, CS pháo kích 2,000 trọng pháo đủ loại vào thị trấn và mở 4 mũi tấn công. Đêm 22 rạng 23-5, quân CS gia tăng tấn công, nhưng bị đẩy lui khi các chiếc xe tăng của CS bị bắn cháy. 5) Sáng 11-5-1972, quân CS tấn công An Lộc lần thứ 5, với chiến xa T-54 dẫn đầu. Hai bên cận chiến. Suốt ngày 12-5, quân đội VNCH đẩy lui lần nữa cuộc tấn công của CS. 6) Chỉnh đốn lại đội ngũ, ngày 14-5, CS tấn công tiếp ở các mặt đông bắc, tây và nam. Trong ba ngày giao chiến, số binh sĩ cả hai bên tử trận lên đến 600 người. Các chiến sĩ Biệt cách Dù phải lập một nghĩa địa bên cạnh chợ An Lộc để an táng. (Sau khi An Lộc được giải tỏa, trước nghĩa trang nầy có hai câu đối: “An Lộc địa, sử ghi chiến tích / Biệt cách Dù vị quốc vong thân.”) 7) CSVN dự tính tấn công ngày 19-5 để kỷ niệm sinh nhật Hồ Chí Minh, nhưng bị B-52 dội bom chận đứng. Ngày 23-5, quân CS mở bốn đợt tấn công vào phòng tuyến quân đội VNCH ở phía nam thị trấn An Lộc. Lần nầy, những cuộc tấn công của CS yếu ớt nên đều bị đẩy lui.
Từ đây vòng đai bảo vệ An Lộc mở rộng dần, trong khi quân đội VNCH ở ngoài cũng dọn được đường vào An Lộc. Ngày 8-6-1972, quân bên trong và bên ngoài An Lộc bắt tay được với nhau. Ngày 12-6-1972, chuẩn tướng Lê Văn Hưng tuyên bố trên đài phát thanh: “An Lộc hoàn toàn giải tỏa.”
Mặt trận các tỉnh ở Quân khu IV (10-6-1972): CSVN gọi cuộc hành quân nầy là chiến dịch Đồng Bằng Sông Cửu Long. Lực lượng CS gồm 2 sư đoàn Bộ binh (5 và C30b), 3 trung đoàn Bộ binh chủ lực thuộc Quân khu 8 (1, 88, 320), 1 trung đoàn và 2 tiểu đoàn pháo binh, ba tiểu đoàn đặc công, 7 tiểu đoàn và 14 đại đội địa phương. (Trung Tâm Tự Điển Bách Khoa Quân Sự Hà Nội, sđd. tr. 170.) Về phía VNCH, có hai sư đoàn BB (7 và 9), một liên đoàn BĐQ, hai trung đoàn Thiết giáp, một liên đoàn Đặc nhiệm Hải quân, năm đại đội Tuần Giang và Địa phương quân.
Cuộc tấn công của CS tại đồng bằng sông Cửu Long lần nầy diễn ra trong ba giai đoạn: 1) Quân CS tấn công căn cứ Long Khốt (thuộc tỉnh Long An) và thị xã Mộc Hóa (thuộc tỉnh Kiến Tường). Tấn công nhiều lần nhưng thất bại, quân CS phải rút lui ngày 14-6. 2) Trong tháng 7-1972, quân CS tấn công phía bắc và nam đường số 4 thuộc hai tỉnh Kiến Tường và Mỹ Tho. 3) Từ 6-8 đến 10-9, quân CS tấn công Bến Tre, Chợ Gạo, Gò Công, nhưng đều bị đẩy lui.
KẾT LUẬN
Tính đến tháng 9-1972, thiệt hại về nhân mạng về phía quân đội CSVN lên đến khoảng 100,000 quân; và phía VNCH khoảng 50,000 quân. Một số thống kê khác cho thấy CSVN thiệt hại 70,000 quân trong khi VNCH 30,000. (Nguyễn Đức Phương, sđd. tr. 587.) Người ta ghi nhận thêm sau khi CSVN thất bại trong các chiến dịch 1972, ở Bắc Việt, đại tướng Võ Nguyên Giáp bị người phụ tá là đại tướng Văn Tiến Dũng thay thế, nắm thực quyền trong bộ Quốc phòng Bắc Việt Nam.
Các cuộc tấn công của CSVN vào năm 1972 nói chung không thành công, và bị quân đội VNCH đẩy lui ở khắp bốn mặt trận. Những trận đánh vào mùa hè đỏ lửa cho thấy khi còn được trang bị đầy đủ, dầu số quân ít hơn, quân đội VNCH cũng đủ sức để đẩy lui những cuộc tấn công vũ bão của đối phương. Trong cuộc chiến vào mùa hè nầy, cộng sản chỉ gây được tiếng vang về chính trị trên thế giới để đẩy mạnh cuộc vận động ngoại giao.
Trần Gia Phụng
(Toronto, 19-02-2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét