Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

Thế Giới và Nạn Đói


Thế gian buồn nhiều hơn vui, gian nguy nhiều hơn an ổn... Bởi vậy, Lão Tử mới nói rằng trời đất bất nhân, xem vạn vật như là chó rơm. Đúng vậy, nếu có ông Trời, thì phải nói rằng Trời già cay độc, chẳng hề yêu thương loài người tí nào; thí dụ, chỉ một trận động đất là có thể chết nhiêù ngàn người. Trong khi động đất là những gì chúng ta có thể thấy được để sợ hãi, cõi này vẫn có những sát thủ giết nhiều lần hơn mà mắt người không thấy, hoặc là khó thấy: nạn đói và suy dinh dưỡng.
Báo Independent hôm 15-2-2012 đã đăng một bài viết của Paul Vallely, nhan đề “The Hungry Generation” -- Thế Hệ của Nạn Đói. Sau đây là các thông tin từ bản phúc trình này.

Hiện nay đang có một phần tư trẻ em thế giới bị suy dinh dưỡng quá nặng để không thể trưởng thành thích đáng, và cứ mỗi giờ đồng hồ lại có 300 trẻ em chết vì suy dinh dưỡng, theo một bản phúc trình mới khảo sát về tác động của khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Hiện đang có 170 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị còi cọc vì suy dinh dưỡng, vì không có đủ lương thực cho các em và các bà mẹ đang cho các em bú, và tình hình đang ngày một tệ hại thêm, theo cuộc nghiên cứu của hội từ thiện Save the Children.
Tại Pakistan, Bangladesh, Ấn Độ, Peru và Nigeria – các nước đang là nơi cư trú của phân nửa trẻ em còi cọc của thế giới -- những màn tăng giá lương thực toàn cầu mới đây lại buộc các bậc ba mẹ các trẻ em suy dinh dưỡng phải cắt giảm lượng thức ăn và kéo trẻ em ra khỏi trường để về nhà lao động.
Bản phúc trình có nhan đề “A Life Free from Hunger: Tackling Child Malnutrition” (Một Đời Sống Xa Lìa Nạn Đói: Giải Quyết Nạn Suy Dinh Dưỡng Trẻ Em), có tới 1/3 bậc phụ mẫu được thăm dò nói rằng các con của họ thường xuyên than phiền là các em không ăn đủ no.
Một phần sáu bậc ba mẹ không có khả năng tài chánh để mua thịt, sữa hay rau.
Có tới 6/10 trẻ em tại Afghanistan không có đủ dưỡng chất để thoát nạn còi cọc.
Justin Forsyth, giám đốc điều hành của hội này, nói, “Nếu không có hành động phối hợp thực hiện, sẽ có nửa tỷ trẻ em bị còi cọc về thể chất và tinh thần trong 15 năm tới.”
Trong 5 năm qua, giá lương thực đã tăng khắp thế giới vì thời tiết bất lợi, vì nhiều trang trại chuyển sang trồng loại mễ cốc dùng làm năng lượng, vì nạn đầu cơ giá lương thực và vì khủng hoảng tài chánh toàn cầu. Những người nghèo, những người xài phần lớn lương để mua thực phẩm, là bị thiệt hại nặng nhất.
Một phần tư bậc ba mẹ tại các nước được khảo sát buộc phải cắt giảm lương thực cho gia đình. Có 1/6 gia đình có con phải bỏ học để giúp ba mẹ lao động.
Tại Ấn Độ, có tới phân nửa trẻ em bị còi cọc vì suy dinh dưỡng, và ¼ trẻ em thường phải nhịn đói.
Tại Afghanistan, giá lương thực tăng 25%, mức trung bình tăng của toàn cầu trong năm 2011.
Nhưng tại những nơi như Kenya, lương thực tăng giá 40%.
Hội Save the Children mô tả suy dinh dưỡng như một sát thủ thầm lặng vì thường không được ghi là nguyên nhân cái chết trên giấy khai tử, làm cho thiếu phản ứng hành động từ thế giới đang phát triển.
Nếu can thiệp sớm, tình hình còi cọc thể lực và tinh thần trọn đời vì nạn đói có thể được giảm bớt, giúp cho mọi người có thể phát triển đầy đủ.
Tại phía bắc Afghanistan, em bé Mohammed Jan chỉ nặng có phân nửa sức nặng lẽ ra em có thể có vào lúc 7 tháng tuổi, bởi vì mẹ của bé quá nghèo tới nổi bà không có đủ ăn để có bầu sữa nơi ngực. Cậu bé Jan trượt dần vào cõi chết, nhưng may mắn được gặp một nhân viên cứu trợ thiện nguyện và cậu bé được đưa vào Bệnh Viện Khu Vực Khulm gần Mazar-e-Sharif.
Bản phúc trình viết, đa số các em bị suy dinh dưỡng ở các nước như Ấn Độ, Nigeria và Bangladesh không may mắn như thế.
Bản phúc trình viết, suy dinh dưỡng là một nguyên nhân tàng ẩn của 1/3 toàn bộ cái chết của trẻ em, nhưng nó lại không bao giờ nhận được sự vận động và đầu tư để chống lại khi so với các nguyên nhân làm trẻ em chết như bệnh sốt rét, bệnh đậu mùa, hay bệnh HIV/AIDS.
Viện trợ tập trung vào các bệnh đó đã có kết quả. Trẻ em chết vì sốt rét đã giảm 1/3 kể từ năm 2000, nhưng trẻ em suy dinh dưỡng ở Phi Châu chỉ giảm chưa tới 0.3% mỗi năm so cùng các khoảng thời gian tương tự.
Hội Save the Children nói, nếu không tập trung lớn hơn để chống nạn đói, các trường hợp như bé Mohammed Jan đang gặp một tương lai bi thảm.
Forsyth, người vừa trở về từ Afghanistan, nói, “Có hơn 30,000 trẻ em chết mỗi năm ở Afghanistan vì suy dinh dưỡng, và một trận hạn hán nặng nề ở phía bắc đã làm cho nhiều ngàn em nữa bị đói nguy ngập.”
Hầu hết trẻ em suy dinh dưỡng, khoảng 85%, không chết nhưng là còi cọc, cả thể chất và tinh thần. World Bank ước tính là nạn còi cọc làm giảm tổng sản lượng GDP của các nước đang phát triển từ 2% tới 3%. Trẻ em bị còi có thể có chỉ số thông minh IQ thấp 15 điểm hơn so với các em bình thường.
Forsyth nói, “Hiển nhiên như thế là tác hại cho việc giaó dục và khả năng phát triển của cả nước.”
Thập niên vừa qua đã có cải thiện lớn về sức khỏe trẻ em trong thế giới đang phát triển. Những cái chết của trẻ em không cần thiết đã giảm từ 12 triệu em/năm để còn 7.6 triệu em. Khủng hoảng lương thực thế giới bây giờ laị đe dọa làm ngưng tiến trình đó.
Save the Children đang áp lực Thủ Tướng David Cameron hãy kêu gọi họp thượng đỉnh về nạn đói thế giới khi các nguyên thủ tới London dự Thế Vận năm nay. Save the Children ước tính rằng, nếu can thiệp bằng khối viện trợ 10 tỷ đôla, thì 2 triệu trẻ em sẽ được cứu mạng mỗi năm, và thêm 60 triệu trẻ em thoát nạn còi cọc.
Bản phúc trình cho thấy 450 triệu trẻ em sẽ bị ảnh hưởng vì nạn còi cọc trong 15 năm tới, nếu đà này tiếp diễn.
Bản phúc trình trên chỉ nói chung, không phân tích về thể chế chính trị ảnh hưởng tới nạn đói và còi cọc. Thêm nữa, hội Save the Children hình như không được phép hoạt động trong các nước vinh quang xã hội chủ nghĩa như Bắc Hàn, Việt Nam, Cuba... nên các thông tin trên như dường còn bất cập.
Riêng trường hợp Việt Nam, may mắn nhờ Việt Kiều bơm tiền về gần 10 tỷ đôla mỗi năm, nên đỡ biết là bao nhiêu. Bởi vì, nếu không gửi tiền, mà giả sử Việt Kiều cho nhà nước Hà Nội vay 100 tỷ đô để kinh doanh, cũng không chắc gì kiếm ra khoản lợi tức 10 tỷ đô như thế mỗi năm, đó là chưa kể các công ty quốc doanh sẽ rủ nhau rút ruột, moi tiền ra các sân sau.
Không phá rừng, không vét biển, không lao động cực nhọc... tự nhiên có gần 10 tỷ đô tiền tươi mỗi năm, nếu không đưa được đất nước tiến theo kịp người, quả nhiên nặng tội là do ‘lỗi hệ thống’ vậy. Thế mà vẫn mặt dày bám lấy ngàn năm xã hội chủ nghĩa.
Nguồn: vietbao.cpm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét