Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

Tại sao tổng thống Obama lo thất cử trong cuộc bầu nhiệm kỳ hai tháng 11.2012 ?

(có âm thanh)Bs Trần Xuân Ninh
tamthucviet.com
February 7, 2012
Nghe
Tải xuống để lưu giữ 


Trong quá khứ, khi tình hình chính trị kinh tế Mỹ tương đối ổn định thì tổng thống mãn nhiệm sẽ tiếp tục thắng khi quyết định tái tranh cử, nghĩa là làm đủ hai nhiệm kỳ hiến định. Những tổng thống đương nhiệm mà không tiếp tục được nhiệm kỳ thứ hai là vì những lý do đặc biệt. Tổng thống Lyndon Johnson làm tổng thống một nhiệm kỳ vì ông quyết định không ra tranh cử để có thể tiếp tục chính sách chiến tranh Việt nam mà không bị các áp lực phản chiến. Tồng thống Nixon làm tổng thống 1 nhiệm kỳ vì ông bị dính vào vụ Watergate tai tiếng nghe lén. Tổng thống Ford một nhiệm kỳ vì ông là một tổng thống không có bản lãnh, may mắn mà giữ chức tổng thống thay cho Nixon từ chức.

Tổng thống Carter một nhiệm kỳ vì bị lao đao bởi chuyện Hoa kỳ mất mặt tại Iran vì cuộc cách mạng lật đổ chế độ vua Shah thân Mỹ và tình hình thiếu hụt săng dầu. Tổng thống Bush bố làm tổng thống một nhiệm kỳ vì lập trường chống Do Thái lập các trại định cư trên các vùng đất Palestine khiến các tổ chức vận động chính trị Do Thái đổ dồn vào ủng hộ Clinton, thổi mạnh ông này lên vào phút chót, mặc dầu ông đầy tai tiếng về những vụ lăng nhăng tình ái. Tổng thống Obama sắp mãn nhiệm kỳ, là một người lưu loát, đã lôi kéo được giới trẻ và trí thức, đã tạo hy vọng to lớn nơi đông đảo quần chúng muốn thay đổi để mà thắng ngoạn mục liên danh Cộng hoà thượng nghị sĩ kỳ cựu John McCain và thống đốc Alaska Sarah Palin, thì tại sao lại có lo ngại sẽ không thắng cử chỉ sao 3 năm tại chức? Bởi vì tỷ lệ các thăm dò cho biết số người ủng hộ ông rất cao, là 69% khi mới làm tổng thống đã đi xuống đáng sợ, thấp hơn mọi tổng thống tiền nhiệm, là 39%, vào tháng 10/2011 và hiện nay ở mức 45%, so với ông Ford cùng giai đoạn tháng giêng năm tái ứng cử 1976, được 46%.
Có nhiều lý do để mà sự ủng hộ Obama đi xuống như vậy. Các nhà bình luận chuyên nghiệp cho rằng là vì tình hình kinh tế hồi phục chậm, và số thất nghiệp cao, nhưng đây chỉ là một cách đổ tội tiện lợi mà không chính xác, vì rằng cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh là bắt đầu từ thời ông Bush. Cuộc khủng hoảng này không do Obama mà là do bản chất của sự khai thác làm giầu vô trách nhiệm của giới tài phiệt. Ông Obama hay ai làm tổng thống thì cũng không thay đổi gì được nếu giới tài phiệt không đồng ý. Một lý do quan trọng khiến sự ủng hộ Obama đi xuống là vì ông đã hoàn toàn lùi bước, kể như đảo ngược các chủ trương của ông khi vận động tranh cử, khiến giới trẻ và trí thức là thành phần tích cực nhất vận động cho ông cách đây bốn năm đã bỏ đi. Những giới quần chúng mong muốn có sự thay đổi đã thất vọng vì ông Obama đã không tạo được gì đáng gọi là thay đổi, mà chỉ thấy ông là một nhà chính trị thoả hiệp mà cũng không có được thoả hiệp. Ông đã nhấn mạnh và ca tụng thành tích của quân đội tại Iraq là phi thường, và không quên nhắc lại rằng chính ông đã cho lệnh hành quân đặc biệt giết chết Osama bin Laden để nhận công, nhưng không làm mấy ai thán phục. Thực sự, người ta biết rằng ông đã cho rút quân khỏi Iraq bởi vì không thể không thực hiện hứa hẹn này của tổng thống Bush con, dù rằng tình hình an ninh Iraq không khá bao nhiêu. Bằng cớ là các cuộc nổ bom đã gia tăng sau khi quân Mỹ rút và tình hình chính trị Iraq thì là một mớ bòng bong, chứ không phải là một mẫu mực dân chủ như tổng thống Bush con tuyên bố khi mở cuộc xâm lặng vào xứ này cách đây gần một thập niên. Luật cải tổ chăm sóc sức khoẻ mà ông ký thoạt tiên đã được thổi lên là một thành quả lớn nhưng điểm then chốt trong chủ trương có một cơ quan công lo vấn đề sức khoẻ cạnh các hãng bảo hiểm tư để tránh không cho các hãng này độc quyền thao túng đã bị vất đi. Luật này do đó đã vừa không có sự tán trợ nồng nhiệt của quần chúng vừa bị phe Cộng hoà chống đối Vì thế, ông đã không nói đến bao nhiêu trong bài tường trình hàng năm mới đọc trước quốc hội. Về chính sách Trung đông, ông đã bỏ chủ trương chống xây dựng các khu định cư mới của Do Thái trên đất Palestine sau khi làm tổng thống vài tháng. Ông cũng đảo ngưọc chủ trương thảo luận với Syria và Iran, để đi theo lập trường của Do Thái quyết liệt chống hai nước này. Không nói thêm về nhiều điều khác không thực hiện, chỉ riêng một vấn đề kinh tế tài chính suy trầm không có mấy hy vọng chấm dứt đã làm ông Obama ở cương vị đương quyền mà phải lâm vào thế hứa hẹn, hay là ra những biện pháp hình thức tượng trưng, như thông báo việc thành lập một ủy ban công tố đặc biệt điều tra truy tố những tài phiệt lạm dụng sự cho vay vô trách nhiệm dẫn đến vụ khủng hoảng bất động sản và tài chính năm 2008, và tình trạng chính phủ phải bỏ tiền ra giúp cho các đại công ty đầu tư vì lý do “quá lớn cho nên không thể để sập”. Việc này, nếu ông làm khi mới nhậm chức thì tác dụng đã là khác hẳn. Bài diễn văn tường trình tình hình liên bang, do đó đã không còn được kể như là gây hứng khởi, tin tưởng thay đổi sắp tới, như những bài diễn văn tranh cử trước đây. Bởi vì 65% dân chúng trong các cuộc thăm dò cho biết họ cảm thấy chính phủ đi sai đường, nghĩa là không hài lòng với nhà hùng biện Obama nữa.
Chỉ  với vài dữ kiện trên, cộng với tình hình kinh tế èo uột, đủ là những lý do để làm cho bài trường trình tình hình liên bang hàng năm của ông Obama mang tính quảng cáo thụ động và ít thuyết phục, không dấu nổi sự lo ngại thất cử.
BS TXN
Ngày 6 tháng 2 năm 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét