Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

Vết Thù Hằn Trên Lưng Ngựa Hoang

Trước năm 1975, miền Nam có 2 nhà Văn viết truyện tuổi thơ và du đãng hay nhất là Duyên Anh và Nguyễn Thụy Long.
Duyên Anh, tên thật Vũ Mộng Long, bút hiệu khác: Thương Sinh, sinh ngày 16 tháng 8 năm 1935 tại Thái Bình, mất ngày 6 tháng 2 năm 1997 tại Paris, Pháp. Cuốn truyện đầu tay làm Ông nổi tiếng trong lãnh vực này là Điệu Ru Nước Mắt, với nhân vật Trần Đại (Đại Cathay). Những tác phẩm nổi tiếng khác của Duyên Anh là: Hoa Thiên Lý, Luật Hè Phố, Dzũng Đakao, Ngày Xưa Còn Bé, Lứa Tuổi Thích Ô Mai, Dấu Chân Sỏi Đá...
Nhân vật Đại Cathay đã tạo dựng chỗ đứng của mình trong giới giang hồ thật khác biệt. Ở đó sự liều lĩnh không được đánh giá cao bằng lối sống "Tình nghĩa" đáng để suy ngẫm. Đại tuổi thìn (1940), cha là 1 tay Anh hùng hảo hán ở Cầu Muối, sau năm 1945, tham gia kháng chiến, trở thành lính của “Mười ban tự vệ công tác thành”, sau đó bất mãn, bỏ vào chiến khu rừng Sát đầu quân vào bộ đội Bình Xuyên của thủ lĩnh Ba Dương. Mồ côi Cha, Đại không thể sống với Dượng ghẻ, bỏ học, sang vườn hoa Cầu Mống đánh giày, bán báo tự nuôi thân.
Khu vực làm ăn của Đại là xung quanh ngã tư Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) – Nguyễn Công Trứ. Tại đó có 1 rạp chiếu bóng tên là Cathay, nên đàn em đặt tên là Đại Cathay. Vào tù ra khám như cơm bữa, ở các trại Đại Cathay đã làm quen với những Của Gia Định, Lâm Chín Ngón, Hắc Quảy Quảy, Hòa Áo thun… những chiến hữu đắc lực sau này trên chốn giang hồ. Say này Đại Cathay thâu tóm luôn địa bàn của Tám Lâu, Bảy Si (anh vợ Năm Cam – ông trùm sòng bạc sau này)... Chỉ năm năm sau ngày khởi sự ở khu Da Heo, Đại Cathay đã trở thành một ông trùm không đối thủ, được toàn giới giang hồ kiêng dè, sợ hãi.
Có tiền, có quyền, có thế, Đại Cathay quyết định bành trướng xuống Chợ Lớn, lãnh địa của Tín Mã Nàm, ông trùm giới Hắc Đạo người Hoa, xưa nay vẫn được coi là bất khả xâm phạm.
Sự ngang ngược coi thường luật pháp của Đại Cathay khiến cảnh sát hết sức tức tối, nhiều lần tống cổ Đại vào khám. Nhưng bắt cóc bỏ đĩa, chẳng lần nào cảnh sát đủ bằng chứng để giam giữ hắn lâu, đành phải thả. Dùng luật không xong nhiều quan chức tìm cách mua chuộc hắn, rồi cũng thất bại.
Năm 1966 một chiếc xe “be” chở gỗ không rõ xuất xứ đã đụng nát chiếc xe của Đại úy Cảnh sát Trần Kim Chi trên đường đi công vụ trên xa lộ. Đại úy Chi và viên lái xe chết tại chỗ, chiếc xe gây tai nạn bỏ chạy mất tăm, “không nhận dạng được biển số”. Giới giang hồ đều cho rằng chính Đại Cathay đã sát hại Trần Kim Chi. Tháng 8.1966, với tội danh “Du đãng đặc biệt”, Đại Cathay lại bị tóm cổ. Cùng với một loạt du đãng khác, ngày 28.11.1966, Đại Cathay bị tống lên máy bay vận tải C47 đưa ra giam giữ tại đảo Phú Quốc.
Tháng 1 năm 1967 Đại Cathay trốn trại rồi mất tích luôn.


Nhà văn Nguyễn Thụy Long thì còn trẻ hơn, sinh năm 1938, người Bắc di cư vào Nam, trước 75 phục vụ trong Binh chủng Không quân, tác giả tiểu thuyết nổi tiếng Loan Mắt Nhung. Ông mất ngày 3/9/2009, tại Sài Gòn.
Trong: Vài Hàng Gởi Đại Ca Nguyễn Thụy Long, Nhà Văn Chu Tất Tiến viết: " Thật rất khó để tìm được một danh xưng thích hợp khi phải gửi vài lời thô thiển đến một nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Thụy Long, tác giả mà tôi vẫn ngưỡng mộ từ những năm mà tuổi thanh niên của tôi quay cuồng trong các cơn bão thời loạn, những chuyển biến chính trị sôi động, và sự ngược đãi của cuộc đời trên chính bản thân tôi. Hồi đó, tôi mê mải đọc những tập truyện có tính thời sự, mạnh bạo nhưng không kém phần chua chát của ông. Tôi thích giọng văn đầy “du đãng tính” ấy, mê những khung cảnh nháp nhúa, phía sau những tòa nhà tráng lệ, nơi mà con người sống thực rất “con người”, nghĩa là không tô son điểm phấn, “có sao nói vậy, người ơi”. Ðọc truyện của ông, tôi không thể dừng được giữa chừng, mặc dù đói, buồn ngủ, hay mệt, vì những nhân vật trong truyện của ông gần gũi với tôi quá, tưởng chỉ giơ tay ra ngoài trang sách, là có thể bắt tay được một người nào đó, một tay anh chị, “cao bồi, lựu đạn” hay một thiếu nữ hiền lành, ông già trệu trạo hay chú Ba đầu ngõ. Bởi vì thời gian đó, tôi cũng là một thành phần bị bỏ rơi, đứng ngoài lề xã hội, cũng đói, cũng rách, cũng bất cần đời, cũng quẩn quanh với mấy cô gái ăn sương, mấy thằng bạn du đãng. Tiếng “xực tắc” buổi tối làm tôi chảy nước bọt, làn khói bốc lên từ đĩa bánh cuốn nóng Viễn Ðông làm tôi lảo đảo, mùi phở đầu đường Pasteur khiến chân tôi run rẩy. Sách vở lúc ấy là đồ xa xỉ, học đường là giấc mơ, thầy giáo là những thiên thần đã trốn về Thiên Ðường hết, bỏ lại tôi chơ vơ trên trần thế với bạo lực, sa đọa, lừa gạt, đĩ điếm, và lưu manh. Như thế, tôi mê văn của Nguyễn Thụy Long, của Duyên Anh, của Lê Tất Ðiều, và Nhật Tiến. Văn chương của họ như những ánh sao rơi, từ trên trời cao, xẹt vào hồn tôi, đánh thức những giấc mơ thơ ấu, cho tôi can đảm để chiến đấu với sự thật phũ phàng, với lòng yếu đuối chỉ muốn nằm lăn ra bên cạnh các cô gái trụy lạc, hít vài hơi bạch phiến, để quên hết cuộc đời đen bạc...".

Bản Nhạc Vết Thù Hằn Trên Lưng Ngựa Hoang xuất xứ từ tác phẩm cùng tên của nhà Văn Duyên Anh.

Nhân vật chính trong tác phẩm này mang tên là Hoàng, đờn guitare rất giỏi nên có biệt danh là Hoàng guitare, Hoàng là một thành viên cốt cán của một băng du đãng thời bấy giờ, sau đó muốn hoàn lương, về mở lớp dạy đàn, nhưng đồng bọn cũ không muốn vậy, vẫn muốn lôi kéo anh vào những việc bất chính. Và để rồi một hôm, đẻ giải quyết một vài khó khăn trong cuộc sống, Hoàng đã nhận lời làm một vụ cuối cùng và bị lộ, những phát đạn oan nghiệt cắm sâu vào lưng Hoàng như những vết thù đời không bao giờ xoá được và cũng chấm dứt kiếp ngựa hoang.


Trước đây, bài hát Ngựa Hoang (Nhạc sĩ: Phạm Duy) được làm Nhạc nền cho phim, do tài tử Việt Nam là Trần Quang đóng, (Còn em út của Trần Đại do hề râu Thanh Việt đóng vai phụ). Câu chuyện phỏng theo nhân vật Trần Đại - biệt danh là Đại Cathay, trùm du đãng Sài Gòn - có lần đụng độ với Thiếu tá Long, cảnh sát trưởng Sài Gòn - Gia Định (sau này Ông lên Trung Tá và tự sát trước tượng đài TQLC đúng ngày 30/4/1975). Đại Cathay rồi cũng bị bắt và đày đi Côn Đảo, mất tích luôn.

Có thể bài hát Vết Thù Hằn Trên Lưng Ngựa Hoang cũng được viết để đề cập đến tay anh chị trùm du đãng Mã Thầu Dậu ở Chợ Lớn (Vì họ Mã cũng là ngựa?). Ngày xưa, có rất nhiều tay anh chị như Dzũng ĐaKao, tướng cướp Bạch Hải Đường,... bắt chước Anh hùng Lương Sơn Bạc, hay Robin Hood, họ là những Anh hùng cô thân độc mã, hào hoa, giang hồ mã thượng, lấy của người giàu chia cho người nghèo... Họ lúc nào cũng ra tay nghĩa hiệp (Nên nhớ là Đại Cathay, Bạch Hải Đường...không có trấn lột, cướp giựt, buôn lậu, xì ke - ma tuý, á phiện...), đa số là con nhà giàu, trừ Đại Cathay xuất thân nghèo khổ, ghét đi lính, sống nhờ tiền bảo kê ở các nhà hàng, sòng bạc, vũ trường...

Chuyện khác lại kể rằng Bạch Hải Đường một lần đi hút thuốc phiện thì gặp một nhà Thơ. Bạch Hải Đường đã kể về cuộc đời hắn cho nhà Thơ nghe. Nghe xong chuyện của hắn nổi hứng làm luôn một bài thơ Ngựa Hoang. Vì bài thơ đó hay và lạ cho nên Nhạc sỹ Phạm Duy phổ nhạc và lấy tên là Ngựa Hoang (Thân hữu hỏi N/s Phạm Duy chắc biết rõ).

Sáng nay, NNS xin Chia sẻ cùng Thân Hữu bản Nhạc: Vết Thù Hằn Trên Lưng Ngựa Hoang và đọc một truyện ngắn tiêu biểu của Duyên Anh: Hoa Thiên Lý.

Tình Thân,
Kính.
NNS

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét