VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG
TÁM MƯƠI NĂM UẤT HẬN, CẢM KHÁI VÀ NGẬM NGÙI
Cung Nhật Thành
TÁM MƯƠI NĂM UẤT HẬN, CẢM KHÁI VÀ NGẬM NGÙI
Cung Nhật Thành
(Tưởng nhớ anh linh các đảng viên VNQDĐ đã tranh đấu cho Tự Do và hương hồn thân phụ, cụ Cung Thúc Vấn - đảng viên VNQDĐ từ những năm 1930.)
Ngày chủ nhật 04 tháng 12 năm 2011 tại Chùa Liên Hoa, Houston, VNQDĐ tổ chức Đại Lễ Truy Điệu 325 Đảng Viên và 200 anh hùng dân tộc khác trong các cuộc khởi nghĩa chống Pháp từ đầu thế kỷ 20, đã chịu bản án chung thân biệt xứ và chết trong uất hận không bao giờ được nhìn thấy lại quê hương đất nước.
Khi cuộc khởi nghĩa VNQDĐ tan vỡ, Lãnh Tụ Nguyễn Thái Học và 12 đảng viên lãnh đạo đã hy sinh tại Yên Báy năm 1930, phần lớn đảng viên bị bắt, bị giới cầm quyền Pháp tại Việt Nam lúc đó nhốt tù ở đảo Côn Sơn. Dù bị đầy đọa khổ sai tại Côn Sơn, các anh hùng Việt Quốc vẫn tranh đấu, nổi loạn trong tù, một số đảng viên vượt ngục, vượt biển về đất liền tiếp tục chống Pháp.
Khiếp sợ giòng máu anh hùng quả cảm, năm 1931, Pháp tuyên án chung thân khổ sai biệt xứ và lưu đầy 525 chiến sĩ, trong đó có 325 Việt Quốc từ Côn Sơn sang French Guyana, vùng đất nằm giữa hai nước Venezuela và Brazil, cũng là một thuộc địa của Pháp, cách xa Viêt Nam hơn nửa vòng trái đất. Guyana cũng là nơi Henri Charrière đã bị giam giữ, sau này ông vượt ngục và viết cuốn truyện “Papillon Người Tù Khổ Sai”, nổi tiếng trong những năm 1970.
Những tưởng không còn ai nhớ đến những vị anh hùng này, vì ngay cả đến gia đình thân bằng quyến thuộc, cũng không thể nào liên lạc và biết được tin tức của họ. Rồi sau đó, trong bốn thập niên kế tiếp, từ 1940 cho đến 1970, đất nước bất hạnh lại đắm chìm trong cuộc chiến tranh đấu giành tự do với Cộng Sản.
Những tưởng không còn ai nhớ đến những vị anh hùng này vì sau năm 1975, khi Việt Công tạm chiếm Việt Nam, người Việt tự do vượt thoát ra ngoài nước, tuy sống xa quê hương nhưng vẫn không ngừng tìm cách trở về giành lại đất nước như các anh hùng Trần Văn Bá, Mai Văn Hạnh, Võ Đại Tôn...
Do đó, ngày 25 tháng 1 năm 2011, phái đoàn Việt Quốc do Lão Đồng Chí Thanh Sơn từ Canada và Tổng Bí Thư Lê Thành Nhân dẫn đầu, bao gồm cả gia đình Việt Quốc từ Đức và Pháp đến Guyana để dựng Bia Tưởng Niệm các vị anh hùng… Chuyến đi cảm động được tường thuật trong trang nhà Gia Đình Việt Quốc http://vietquoc.org. Tài liệu quý giá nhất mà phái đoàn đã thu thập được trong chuyến đi này là trọn vẹn danh sách, tên tuổi vợ con của 525 Anh Hùng bị lưu đầy chung thân biệt xứ từ 1931. Ngoài các đảng viên VNQDĐ, còn có những anh hùng sa cơ lỡ bước bị Pháp bắt từ 1910 trong các cuộc khởi nghỉa của Hoàng Hoa Thám, Thủ Khoa Huân, Phan Bội Châu, v.v...
Tiếp theo là Lễ Cầu Siêu do Hòa Thượng Thích Huyền Việt, Trụ trì Chùa Liên Hoa, phụ trách Tổng Vụ Thanh Niên, Giáo Hội PGVN Thống Nhất Văn Phòng II Viện Hóa Đạo đứng chủ lễ với GĐPT Chùa Liên Hoa và hơn 50 GĐPT Chùa Từ Bi từ Arlington, không quản ngại đường xa hơn 300 miles đến tham dự. Tên từng vị anh hùng, 525 vị, lần lượt được Hòa Thượng Thích Huyền Việt xướng danh vang vang trong không gian, nhắc chúng ta người xưa đã xả thân, đem nước mắt và máu xương trả nợ non sông.
Duyên nào mà họ đã đứng lên tham gia khởi nghĩa tranh đấu cho tự do của dân tộc và nghiệp nào đã ràng buộc họ chết trong uất hận tù đầy? Ai trong chúng ta cũng có gia đình cha mẹ, anh chị, vợ con và họ cũng không hơn không khác. Vậy mà họ đã vì nghĩa cả phải xa lìa thân tộc ruột thịt, chịu đầy đọa chung thân biệt xứ. Ai trong chúng ta cũng muốn sống yên ấm gần gũi làng xóm phố phường và họ cũng không hơn không khác. Vậy mà họ đã vì nghĩa cả bỏ thân nơi rừng sâu núi thẳm, chết trong nghẹn ngào uất hận không bao giờ được nhìn thấy lại quê hương đất nước.
Xin cảm ơn Gia Đình Việt Quốc đã không bao giờ quên các đồng chí tiên liệt, cám ơn đồng hương đã tham dự, tưởng nhớ các anh hùng đã vì nước quên mình. Đã có, đang có và sẽ còn có biết bao nhiêu người khác nữa, noi gương tiền nhân, chịu tù đầy, hy sinh thân mình, đứng lên tranh đấu với Cộng sản tham tàn, để xã hội Việt Nam có chính pháp, đất nước Việt Nam có độc lập và Dân tộc Viêt Nam được tự do.
Cung Nhật Thành
Tháng 12, 2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét