Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

Người Việt không bị Hán hóa

Ngô Nhân Dụng

Cả tuần nay người Việt trong và ngoài nước kháo nhau về chuyện 5 sao với 6 sao. Ông Mao Trạch Ðông đặt ra cờ 5 sao có ý nói đảng cộng sản của ông ta (sao lớn) lãnh đạo bốn giai cấp xã hội (4 sao con).

Có người lại nói 5 ngôi sao đó tượng trưng 5 chủng tộc: Hán (sao lớn), và Mãn, Mông, Hồi, Tạng (4 sắc dân nhỏ). Giải thích như thế để suy ra là khi cho trẻ con Việt Nam cầm cờ 6 sao đi đón ông Tập Cận Bình, ông Nguyễn Phú Trọng muốn nói Trung Quốc có 6 chủng tộc; ngôi sao thứ sáu mới thêm vào là giống dân Việt! Ví thử lúc ông Bush hay ông Obama sang Việt Nam mà thấy các học sinh cầm lá cờ Mỹ vẽ 51 ngôi sao thì chắc người mình cũng tha hồ suy diễn đùa cợt như vậy! (Cờ nước Mỹ có 50 ngôi sao, cho 50 tiểu bang).


Nhưng không phải ông Mao (hay ông Tôn Trung Sơn) đã gom bốn sắc dân nhỏ vào với dân Hán. Việc gom góp này có từ đời nhà Thanh. Ai tới các đền đài cung điện ở Bắc Kinh đều thấy những tấm bảng viết bằng 5 thứ chữ, ngôn ngữ của 5 giống dân. Vì các ông vua nhà Thanh gốc người Mãn Châu; họ cần biện minh tại sao họ lại được ngồi trên đầu người Hán. Biện minh bằng lý luận rằng Thiên hạ là của chung; có 5 giống dân, người giống nào lên làm thiên tử cũng được.

Vì tham vọng của các ông hoàng Mãn Thanh cho nên bây giờ dân Mãn Châu bị mất gốc rễ (những người nói thông thạo tiếng Mãn hiện nay gần xuống lỗ hết; ông vua sau cùng là Phổ Nghi không nói thông thạo tiếng mẹ đẻ!) Người Mãn cũng như người Mông Cổ trước họ, đã đánh Ðông dẹp Bắc, cuối cùng chỉ “làm cỗ sẵn” cho người Hán xơi. Cuối cùng dân Hán đã đồng hóa hết các đám dân “Di, Ðịch!”


Nhưng thành công lớn nhất của người Hán không phải là đã gom các sắc tộc ngoài biên ải vào một nước Trung Hoa. Công trình lớn lao quan trọng hơn nữa là họ đã đem nền văn minh sông Hoàng, sông Hoài từ miền Bắc xuống “giáo hóa” và “đồng hóa” đám dân miền Nam sông Dương Tử (Trường Giang). Dân hai miền vốn gốc gác khác hẳn nhau. Người miền Bắc thuộc giống Mông Cổ, cao lớn, da nhợt nhạt hơn, mũi cao hơn, và ngôn ngữ thuộc họ Hoa-Tạng. Dân miền Nam da ngăm ngăm, ngôn ngữ vốn gốc Nam Á, Thái. Người Quảng Ðông, Phúc Kiến có họ hàng gần với người Việt, người Ðông Nam Á hơn so với người Hoa phương Bắc. Sau vài ngàn năm, các sắc dân phía Nam Trường Giang đã tự coi họ là người Hán, người Trung Hoa. Trừ đám dân Việt Nam bướng bỉnh tới bây giờ vẫn chưa bị đồng hóa - dù người ta biểu diễn cờ 5 sao hay 6 sao cũng mặc!


Nhờ đâu người phương Bắc thành công trong việc Hán hóa những sắc dân ở Hoa Nam? Sức mạnh quân sự không đủ để đồng hóa người khác. Bằng cớ là quân Mông Cổ đã từng chiếm từ Á Châu sang Ðông Âu, đến tận núi Ural; nhưng chính họ lại bị đồng hóa bởi các nền văn minh khác.


Người Hán thuần hóa được miền Hoa Nam nhờ “Sức Mạnh Mềm,” nói kiểu bây giờ, “Soft Power.” Họ tạo ra một tổ chức chính quyền rất hiệu quả trong việc thu thuế và bắt lính. Và họ nắm trong tay một dụng cụ thông tin là chữ viết. Các quan cai trị phải học chữ thông thạo trước khi được bổ nhiệm vào guồng máy thư lại, “bureaucracy.” Guồng máy đó vẫn sử dụng cho đến bây giờ, thí dụ chế độ “”hộ khẩu” đã áp dụng từ thế kỷ thứ ba trước Công nguyên. Nhờ chính sách của Tần Thủy Hoàng bắt dân bốn phương phải dùng chung một thứ chữ viết, dù nói tiếng khác nhau, nên việc cai trị một đế quốc rộng lớn trở nên dễ dàng hơn. Thứ chữ đó cũng chuyên chở Hán tộc tràn xuống phương Nam lập thành nước Trung Hoa bây giờ.


Chữ viết đã được phát minh ở các vùng Sumer, ở Ai Cập hay Mexico sớm hơn ở Trung Quốc. Nhưng trong các xã hội cổ sơ đó, việc học và sử dụng chữ viết bị giới hạn. Chỉ một số thư ký giữ kho cho ông vua, hay các thầy cúng tế trong đền thờ, là học đọc và viết chữ. Khi không được sử dụng nhiều, việc phát triển, cải thiện và gia tăng số chữ viết để diễn tả nhiều thứ khác nhau cũng chậm chạp. Ở Trung Quốc, các trường tư đã xuất hiện từ thời Xuân Thu, việc học đọc, học viết trở thành phổ cập từ hơn 2000 năm trước. Ít nhất 500 trước Công nguyên, Khổng Tử đã sống bằng nghề dạy học. Trường tư của Quỷ Cốc Tử dạy rất nhiều môn, không khác gì một đại học tổng hợp bây giờ. Nhờ nhiều người dùng nên chữ viết được hoàn thiện và nhiều chữ mới liên tục được đặt ra từ đời này sang đời khác để diễn tả những khái niệm mới nghĩ ra, các hiện tượng mới quan sát.


Có lẽ một phong trào đặt các chữ mới, bày ra cách viết mới đã “bùng nổ” vào thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, giống như các mạng blog bây giờ! Phong trào đó có thể là một động cơ khiến bộ tham mưu của Tần Thủy Hoàng thấy nhu cầu phải quy định các tiêu chuẩn thống nhất. Ít nhất, tránh trường hợp các “blogger” viết ra những bản văn mà các quan đọc không được! Thống nhất chữ viết giống như đặt ra một bức tường lửa, hay là bắt tất cả các blogs phải dùng chung một “máy server” vậy! Ðám quan lại được đào tạo trong nghề cai trị đã mang thứ khí cụ chữ viết này theo trong các cuộc chinh phục, thứ vũ khí nhẹ và dễ mang trong đầu nhưng lại có sức mạnh vô cùng lớn! Dần dần, ở cõi Giang Nam, những ai đã học đọc, học viết, tay cầm quyển sách, miệng ê a mấy câu chữ Hán, đã trở thành những mẫu người tiến bộ, bảnh nhất trong làng xóm; không khác gì hình ảnh những người ôm một cái iphone hay ipad đang đi trên đường phố ở khắp thế giới bây giờ!


Các giống dân ở phía Nam Trường Giang tự thấy mình “chậm tiến” hơn các quan cai trị, họ chịu thỏa hiệp, họ muốn học hỏi, muốn bắt chước lối sống của lớp người đã tiến bộ, văn minh đó. Những người “hội nhập nhanh” sẽ hãnh diện khi đọc được sách Khổng Mạnh. Học chữ Hán là một phương tiện thăng tiến trong xã hội! Những người biết chữ Hán chắc cũng bắt đầu tập nói tiếng phương Bắc. Cứ như thế, nhiều người bị đồng hóa, tự nhận là “Hán Tử,” hay “Hảo Hán,” thành phần tiến bộ hơn những người đồng chủng. Khi nhiều người cùng thay đổi theo thời thượng, thứ tiếng nói của tổ tiên họ lùi dần lại thành một tiếng thiểu số, một “patois” như người Pháp gọi thổ âm miền Provence đang chết dần.


Ở miền Nam Trung Quốc trong hai ngàn năm Hán hóa, những nông dân không biết đọc biết viết thì vẫn nói thứ ngôn ngữ cũ của cha ông; vì họ không cần tiếp xúc với các quan thứ sử, các tiết độ sứ. Cho nên đến bây giờ ở Hoa Nam vẫn còn những nhóm người nói các thổ âm tiếng Hẹ, tiếng Tiều, tiếng Phúc Kiến, vân vân, nhiều người vẫn từ chối không nói tiếng phổ thông (quan thoại). Nhưng dù vẫn tiếp tục nói tiếng địa phương, họ cũng chịu ảnh hưởng gián tiếp của chữ viết, khi bắt đầu thay đổi cách nói năng, thay đổi văn phạm theo lối mới. Hiện tượng tiếng nói bị đồng hóa này có thể diễn ra trong hàng ngàn năm chưa dứt.


Dòng sông Hán hóa cuốn hút các sắc dân Phúc Kiến, dân Tiều, dân Hẹ giống như con sông Hoàng Hà “Bôn lưu đáo hải bất phục hồi,” đi luôn không quay ngược lại nữa. Riêng tại Việt Nam thì người Việt vẫn giữ được tiếng nói riêng, dù có học, biết dùng chữ Hán. Tiến trình Hán hóa ngưng lại, không tiến xa hơn được. Không biết hiện tượng này diễn ra từ 2000 năm trước, vào thời Hai Bà Trưng, hay vào thế kỷ thứ năm (Lý Bôn xưng đế), thứ mười (Ngô Quyền lập quốc). Ðó là một hiện tượng khó hiểu, đáng kinh ngạc.


Tại sao giống dân Việt cũng được các thái thú người Hán “khai sáng” với cùng một hệ thống thư lại và thứ chữ viết mang từ phương Bắc xuống, trong hơn một ngàn năm, y như dân các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Ðông và Vân Nam; mà họ không chịu chung số phận biến thành người Trung Hoa? Người Việt Nam giải thích đó là do sức đề kháng quật cường của dân tộc mình, một điều huyền bí, thiêng liêng nhưng không thể chối cãi được. Ngôn ngữ, tín ngưỡng, có thể đã giúp dân Việt tự đứng lên vững chãi đương đầu.


Nhưng nếu nhìn với con mắt khách quan hơn, có thể thấy còn những yếu tố trong thiên nhiên đóng góp vào khả năng đề kháng suốt một ngàn năm đó.


Khí hậu, thủy thổ có thể là một “đồng minh” của dân tộc Việt Nam trong quá trình đề kháng. Các quan cai trị phương Bắc quen phong thổ miền khô, không khí lạnh lẽo. Ðất Giao Châu nóng và ẩm; cư dân ở đó sống chen chúc mấy ngàn năm đã sinh ra những bệnh thời khí, những vi khuẩn của riêng của một vùng. Thể xác người phương Nam đã phát triển được những kháng thể, di truyền để lại từ hàng ngàn năm. Người phương Bắc không có sẵn trong mình những kháng thể chống lại những vi trùng và vi khuẩn đó. Họ còn bị các ký sinh trùng miền nhiệt đới tấn công. Các loài vi khuẩn tìm được những “mảnh đất mầu mỡ” trong những “khách” từ phương xa lại. Những giống ruồi, muỗi ở phương Nam hỗ trợ sức bành trướng và sinh sôi nẩy nở của các loại vi trùng. Các di dân từ phương Bắc phải lựa chọn; hoặc bị tiêu diệt vì bệnh tật, hoặc phải quay về phương Bắc. Nhiều người phương Bắc sẽ nghĩ rằng nếu học cách ăn uống, cách sinh hoạt theo lối dân địa phương, chịu thờ phượng các thần thánh địa phương; họ hy vọng sẽ chống lại được các căn bệnh do đất, nước, mưa gió, thời tiết, ma quỷ bản địa gây ra, những người ở lại phải tập sống theo lối người địa phương. Cho nên mới có những ông Triệu Ðà, ông Sĩ Nhiếp tập nhiễm cách sinh hoạt của người phương Nam.


Phải nêu lên những điều kiện khách quan về địa dư, phong thủy đó để giải thích tại sao người Giao Chỉ, Cửu Chân không biến thành người Trung Hoa, như các giống dân láng giềng ở mấy tỉnh phía Bắc biên giới. Nhưng nói đến các yếu tố thiên nhiên đó không phải là để hạ thấp giá trị tinh thần quật cường của dân Việt; đó mới là yếu tố quyết định giữ được hồn tính, bản sắc của người Việt Nam. Vì tinh thần quật cường bướng bỉnh đó, chúng ta khỏi cần lo nước mình biến thành ngôi sao thứ sáu trên lá cờ Trung Quốc. Bộ Ngoại Giao Hà Nội giải thích rằng ngôi sao thứ sáu là do lầm lẫn kỹ thuật khi đi in cờ; một lời giải thích không mấy ai tin.


Câu chuyện 5 sao, 6 sao cũng mua vui được một vài trống canh. Nhưng không ai nghĩ rằng nước Việt Nam lại có thể trở thành một ngôi sao nhỏ trên lá cờ nước khác, dù là cờ 5 sao hay 50 ngôi sao!



Người Việt Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét