...Romney mắc cái tội nhiều tiền và Gingrich mắc cái tội nhiều vợ...
Cách đây một tháng, thiên hạ nhìn vào đảng Cộng Hòa là nhìn thấy hình ảnh một đảng ển ển xìu xìu, với một lô ứng viên nhạt hơn nước lã, đứng đầu bởi một người có vẻ chính trị gia chuyên nghiệp cổ điển, với những bài diễn văn hấp dẫn như những liều thuốc ngủ, vận động tranh cử có thể nói toàn thời từ hơn bốn năm nay, mà vẫn không thu hút được hơn một phần tư đảng viên. Đa số dân Mỹ thất vọng với TT Obama và muốn có sự thay đổi, nhưng nhìn vào khối đối lập Cộng Hòa thì gần như… mất hứng.
Thế rồi tình hình bất ngờ chuyển biến. Qua các cuộc tranh luận liên tục như bất tận, các ngôi sao của đảng nổi lên rồi lặn như chong chóng. Con thuyền Cộng Hòa với gần một tá bến nước trước mặt vẫn lơ lửng tìm chỗ thả neo. Nhưng dường như cho đến giờ, sau cuộc bầu sơ bộ tại Florida, chỉ còn lại hai nơi có thể ghé bến.
Ứng viên đầu đàn, ông Mitt Romney, là người từ trước đến giờ vẫn được coi là người cuối cùng rồi sẽ chiến thắng, bây giờ phải trực diện với một ứng viên lúc đầu chỉ có được khoảng 1% hậu thuẫn trong chính nội bộ đảng, ông Newt Gingrich.
Tại Florida, ông Romney đè bẹp ông Gingrich với tỷ số 46% - 32%, lớn hơn mọi dự đoán. Lẹt đẹt tuốt phiá sau là ông Santorum có vẻ tranh cử kiếm ghế phó và ông Paul gàn gàn dở dở không chịu bỏ cuộc. Hai ông đồng chí, đồng đảng Romney và Gingrich thì không thể nào khác biệt nhiều hơn. Như mặt trời mặt trăng.
Ông Romney là người có lập trường tương đối cấp tiến, rồi chuyển qua bảo thủ ôn hoà. Là thống đốc tiểu bang, sau trở thành doanh gia giàu sụ. Ông gần như là hiện thân của sự điềm tĩnh, chính chắn, hoàn hảo, kỷ luật, luôn cân nhắc tính toán mọi hành động cũng như lời nói. Ăn mặc lúc nào cũng chỉnh tề, đầu chải mướt không một cọng tóc nào phất phơ ra ngoài. Ăn nói nhạt phèo, buồn ngủ nhất, thỉnh thoảng lên cơn nói hăng hái thì lại... nói hớ bị đối thủ khai thác chết thôi. Ông theo đạo Mormon, một tôn giáo trước đây chấp nhận đa thê và bị coi như tà đạo, nhưng lại là người có đời sống gia đình gương mẫu nhất. Ông được coi như thuộc giai cấp quý tộc vùng Đông Bắc. Mặc dù chưa bao giờ đặt chân đến Hoa Thịnh Đốn, nhưng ông lại là người được hậu thuẫn đồng loạt của guồng máy và cấp lãnh đạo của đảng.
Trong khi đó, ông Gingrich lại là hình ảnh trái ngược.
Ông này không phải là doanh gia mà là chính trị gia chuyên nghiệp. Cách đây gần hai thập niên, đã lãnh đạo sự phục hồi của khuynh hướng bảo thủ và giúp đảng Cộng Hoà chiếm lại được cả hai viện quốc hội sau bốn thập niên thống trị của đảng Dân Chủ. Ông cũng là người với đời sống riêng tư gây ra tranh cãi không ngừng, bị mang tiếng –thật hay oan- về tiền bạc, lạm quyền. Về tính tình thì ông cũng là người nổi tiếng bốc đồng, nói năng hùng hổ mạnh bạo, gần như bất chấp hậu quả, rất là thiếu kỷ luật tự chế. Ông là công giáo, coi như là phe chính đạo, nhưng lại có tới ba đời vợ, mà mỗi lần đổi vợ lại là một vụ xì-căng-đan. Ông này được coi như thành phần redneck –nôm na ra là Mỹ ruộng- của miền Nam (tiểu bang Georgia).
Ngược ngạo thay, ông cả đời hoạt động chính trị tại thủ đô, chủ tịch Hạ Viện, quen biết mật thiết với hầu hết nghị sĩ dân biểu và cấp lãnh đạo đảng, mà bây giờ lại bị cả guồng máy đảng chống.
Trong chính trị Mỹ, mặc dù cả hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ đều tuyển lựa đại diện theo phương thức phổ thông đầu phiếu trong khối đảng viên trên tất cả năm chục tiểu bang, trên thực tế, kết quả thường khác nhau xa.
Đảng Cộng Hoà bảo thủ có khuynh hướng tuyển chọn những ứng viên trong tôn ti trật tự, có nghĩa là lấy những người đã hoạt động lâu năm cho đảng, có vai vế lãnh đạo hay uy tín lớn trong đảng, được guồng máy của đảng chấp nhận. Từ tướng Eisenhower, đến phó tổng thống Nixon, lãnh đạo Hạ Viện Ford, thống đốc Reagan, chủ tịch đảng Bush (cha), chủ tịch thượng viện Dole, thống đốc Bush (con), thượng nghị sĩ thâm niên McCain.
Đảng Dân Chủ trái lại, hễ đưa ra những nhân vật lớn có uy tín hay thâm niên trong đảng như các phó tổng thống Humphrey, Mondale và Gore, hay thượng nghị sĩ McGovern, Kerry thì đều bị thảm bại dưới tay Cộng Hoà. Chỉ thành công khi tuyển chọn những nhân vật mới lạ, từ ngoài đột kích vào bên trong đảng và được hạ tầng đưa lên. Từ các thống đốc vô danh của các tiểu bang nhỏ như Carter, Clinton, đến một người tuyệt đối không ai biết, không có thành tích hay uy tín gì là Obama. Cả ba ông đều phải tranh đấu chống lại guồng máy đảng, để rồi thắng được guồng máy đảng và cả đảng đối lập Cộng Hòa luôn.
Nói rõ ra, muốn thắng trong Cộng Hoà phải là người được lãnh đạo đảng tấn phong, trong khi muốn thắng bên Dân Chủ phải là người từ hạ tầng đưa lên, chống lại guồng máy của đảng.
Trong truyền thống đó, thì ông Romney đã là người mà guồng máy đảng Cộng Hòa coi như đã tấn phong. Ông được cựu TT Bush cha, và các cựu ứng viên tổng thống McCain, Bob Dole, mạnh mẽ ủng hộ. Nhưng lần này, ứng viên của đảng bị khó khăn bất ngờ với ông Gingrich. Nhiều người đã cho rằng sự nổi bật bất ngờ của ông Gingrich phản ánh một cuộc nổi loạn trong nội bộ đảng, nổi loạn của thành phần hạ tầng đảng viên chống lại cấp lãnh đạo đảng.
Cuộc nổi loạn này là của khối hạ tầng bảo thủ chẳng những bất mãn với những sắp xếp trước của cấp lãnh đạo đảng, mà hơn thế nữa, còn cực kỳ bất mãn với chính sách sưu cao thuế nặng của TT Obama, nhất định chống TT Obama bằng mọi giá, trong khi lãnh đạo đảng Cộng Hòa lại hậu thuẫn một ứng viên nửa mùa, cấp tiến không cấp tiến, bảo thủ cũng chẳng bảo thủ, chưa chống đối TT Obama một cách rõ ràng.
Ông Gingrich với lập trường cực đoan hơn, đả kích TT Obama mạnh hơn, và nhất là đã đưa ra được một bức tranh bảo thủ rõ ràng khác biệt với mô thức Obama, đã gãi đúng chỗ ngứa của khối đảng viên hạ tầng, nên được hậu thuẫn mạnh của họ. Họ cũng nhìn thấy cách ông Gingrich đối đáp với các nhà báo trong các cuộc tranh luận và thấy là có người dám mạnh miệng với truyền thông cấp tiến ăn phải bả của TT Obama. Thông điệp của hạ tầng đảng không thể không rõ ràng hơn: họ muốn một người chống TT Obama một cách rõ ràng, trắng ra trắng đen ra đen, mạnh mẽ, không cần biết người đó có hành trang chính trị hay cá nhân nặng đến cỡ nào. Đặc biệt là các cựu ứng viên bảo thủ như thống đốc Perry, doanh gia Herman Cain, sau khi rút lui, đã lên tiếng ủng hộ mạnh ông Gingrich. Cũng như cựu thống đốc Alaska bà Sarah Palin.
Đối với nhiều người, ông Romney có thể là người ít cực đoan, ít sai lầm, nên dễ thắng TT Obama nhất, nhưng khối bảo thủ cực đoan nghĩ khác. Trước hết họ muốn một người thực sự phản ảnh quan điểm bảo thủ của họ, sau đó, họ nghĩ là cần phải có một người có quyết tâm đánh mạnh như ông Gingrich mới thắng được TT Obama, chứ một người ôn hòa nửa chừng xuân – gần như rất hiền hòa lịch sự- như ông Romney thì không thể thắng được.
Đây chính là quan điểm tiêu biểu của dân cao bồi Mỹ: thắng bằng công thật mạnh, chứ thủ thì chỉ thua thôi.
Ở đây, ảnh hưởng của nhóm cực đoan Tea Party cũng được thể hiện rõ ràng. Sau khi chứng minh sức mạnh của mình trong cuộc bầu cử giữa mùa tháng Mười Một 2010, nhóm Tea Party lại chứng minh rõ ràng họ vẫn còn là một sức mạnh dài hạn trong chính trường Mỹ có thể nổi loạn chống cả đảng Cộng Hòa luôn, so với ảnh hưởng có tính “phiến loạn chống lung tung” vô tổ chức và không có ảnh hưởng chính trị của nhóm Occupy Wall Street.
Ngay sau khi ông Gingrich đại thắng tại South Carolina, người ta thấy phản ứng rất mạnh của ông Romney cũng như của cấp lãnh đạo đảng. Những tấn công hướng về ông Gingrich trở nên mạnh bạo hơn nhiều. Hai ông McCain và Dole không phải chỉ lên tiếng ủng hộ ông Romney mà còn công khai đả kích ông Gingrich là người có tính cực đoan, phiêu lưu và nguy hiểm, một việc làm thật hiếm thấy trong hàng ngũ các bậc “trưởng thượng” trong đảng.
Mặc dù những cái thói hư tật xấu của ông Gingrich chẳng là bí mật gì, tất cả mọi người đều biết và vẫn chẳng có tác hại gì cho ông Gingrich tại South Carolina, nhưng phe ông Romney đã quyết định ra tay mạnh hơn nữa, đả kích mạnh hơn nữa, đưa đến kết quả ông Gingrich thua đậm tại Florida sau khi leo lên ngang ngửa với ông này ngay sau khi kết quả tại South Carolina được công bố.
Trong một tháng tới đây, cuộc chiến hứa hẹn sẽ có phần sôi nổi hơn. Những tuần tới, sẽ có bầu sơ bộ tại những tiểu bang phiá Tây và phiá Bắc, thân thiện với ông Romney, bảo đảm thắng lợi cho ông này. Nevada và Colorado là những tiểu bang có nhiều người theo đạo Mormon. Michigan là tiểu bang mà ông bố của ông Romney trước đây là thống đốc, trong khi Minnesota là tiểu bang hàng xóm, cả hai đều là những bang cấp tiến dĩ nhiên là ông Gingrich không có chút hy vọng nào. Nhưng qua đầu tháng Ba thì lại có bầu tại những tiểu bang miền Nam, như Georgia, Tennesse, Virginia..., địa bàn của ông Gingrich.
Một cách thú vị, ta thấy Cộng Hoà hình như đang trong tình trạng giống như đảng Dân Chủ năm 2007-08, khi toàn thể guồng máy đảng nằm trong tay bà Hillary và ủng hộ bà, mà đảng viên hạ tầng lại nhất loạt hậu thuẫn ông Obama. Bà Hillary đã đánh ông Obama những đòn chí tử, như cái quảng cáo gọi là “Ba giờ khuya” để nhắc nhở mọi người ông Obama chỉ là tay mơ, trong khi ông Obama thì chỉ trích hai vợ chồng Clinton là kỳ thị da đen. Obama sau khi đắc cử ứng viên Dân Chủ đã từ chối không nhận bà Hillary làm phó vì chê ông Clinton quá nhiều hành trang, thuộc loại ngựa chứng không kiểm soát được. Trong cuộc chiến này, phải đợi đến giữa mùa hè 2008, sau khi bà Hillary thua liên tục và mất hết hy vọng thắng ông Obama, bà Hillary nhìn nhận đã thua, thì guồng máy đảng Dân Chủ mới chịu quay qua chấp nhận và hậu thuẫn ông Obama.
Nhưng giữa cuộc chiến Obama-Hillary và Romney-Gingrich, có hai khác biệt rất lớn ngoài chuyện hậu thuẫn của guồng máy đảng: tiền và tổ chức. Trong khi Obama vận động được cả mấy trăm triệu tiền của cử tri để đánh nhau với bà Hillary, thì ông Gingrich cho đến nay vẫn gần như là tay trắng, không tiền và không tổ chức, trong cuộc chiến chống Romney. Ông sau này có tiền, có tổ chức trên khắp 50 tiểu bang, và hậu thuẫn của guồng máy đảng khắp nơi. Bức tường trước mặt ông Gingrich rất là cao.
Thế đang lên của ông Gingrich cũng sẽ đặt ông Romney vào thế khó xử. Muốn chiến thắng, ông Romney bắt buộc phải tấn công ông Gingrich mạnh hơn nữa, tức là gây mâu thuẫn với hạ tầng đảng viên bảo thủ hơn nữa. Mặt khác, lại phải tìm cách lấy điểm với khối bảo thủ này bằng cách chứng minh mình bảo thủ hơn, hay ít nhất cũng bảo thủ không thua gì ông Gingrich. Một cách đu dây thật khó. Nhất là khi ta biết ông Romney chưa bao giờ chứng tỏ mình là một người có tài vận động thu hút quần chúng kiểu như Obama được.
Nhìn chung, có nhiều triệu chứng cuộc chiến Romney-Gingrich sẽ tiếp diễn lâu dài và ngày càng hung hãn. Chỉ có ngư ông Obama là đang ung dung thủ lợi, lâu lâu đổ tý dầu vào lửa. Chuyện đổ dầu này không có gì khó lắm khi ông Romney mắc cái tội nhiều tiền và ông Gingrich mắc cái tội nhiều vợ.
Đi xa hơn cuộc chạy đua Romney-Gingrich, có nhiều người cho rằng đây đúng ra là một cuộc chiến ý thức hệ trong đảng Cộng Hòa chứ không là một cuộc tranh chấp cá nhân. Trên căn bản, Cộng Hoà vẫn là đảng bảo thủ, nhưng đang loay hoay phản ứng lại chính sách thiên tả của TT Obama. Một khuynh hướng chống TT Obama theo lối tương đối ôn hoà, với mục đích thu hút khối độc lập bất mãn với chính sách của TT Obama, và một khuynh hướng bực mình cao độ muốn bằng mọi giá chống và đánh Obama đến cùng. Người ta thấy trong đảng Cộng Hoà, khuynh hướng bảo thủ cực đoan, dưới ảnh hưởng của nhóm cực đoan Tea Party, càng ngày càng lớn mạnh.
Dường như đảng Cộng Hoà đang tìm hướng đi lâu dài, và trong cuộc tìm kiếm đó, vấn đề tranh chấp cá nhân Romney-Gingrich không là chủ điểm. Ngay cả chuyện thua hay thắng TT Obama có lẽ cũng không quan trọng bằng vì dù sao thì cũng chỉ là chuyện ngắn hạn so với viễn ảnh dài hạn của đảng. Cuộc chiến Romney-Gingrich thật sự là cuộc chiến về viễn ảnh lâu dài của đảng, khác xa cuộc chiến Obama-Hillary là cuộc tranh dành giữa hai cá nhân.
Nói trắng ra, trong khi đảng Dân Chủ dưới sự lãnh đạo của TT Obama càng ngày càng đi về phía tả, thì đảng Cộng Hòa, như là một phản ứng tự nhiên, càng ngày càng đi về phía hữu. Hay nói cho đúng hơn, đang cân nhắc là phải đi về phía hữu tới đâu.
Điều trớ trêu nhất là trong khi ứng viên Obama tranh cử và đắc cử dưới chiêu bài đại đoàn kết dân tộc, thì bây gìờ tổng thống Obama lại là vị tổng thống tạo phân hoá lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Đây chính là nhận định của hai nhà báo cấp tiến viết trên báo phe ta là Washington Post ngày 30 tháng Giêng, 2012 (Obama: The most polarizing president. Ever.) Nhận định của Washington Post thật ra hơi muộn, chỉ xác định một chuyện mà thiên hạ chẳng còn lạ gì từ lâu rồi. Chỉ có dưới sự lãnh đạo của TT Obama người ta mới thấy sự ra đời của các tổ chức cực đoan như Tea Party và Occupy Wall Street. (5-2-12)
Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng mỗi Thứ Ba trên Việt Báo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét