Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

Nhân dịp tổng thống Nicolas Sarkozy chúc Tết năm Nhâm thìn 2012, thử nhìn lại vị trí cộng đồng người Việt tự do trong sinh hoạt chính trị của Pháp


Chiều 3-2-2012 mặc dù thời tiết lạnh giá - 7°. Khoảng 1000 người gồm các cộng đồng Tàu, Việt Nam, Miên, Lào, đã đến điện Elysée, dinh Tổng Thống Pháp dự tiệc trà mừng Xuân Nhâm Thìn 2012 « Nouvel an Chinois et Vietnamien » do Tổng Thống Pháp Sarkozy mời. Được biết Tổng Thống Sarkozy thực hiện buổi chúc Tết từ 3 năm qua, mỗi cộng đồng quốc gia được mời tối đa 200 người, Việt Nam tham dự khoảng 100 người. Cộng đống Miên và Lào không nhiều, thế nhưng người Tàu lại rất đông hơn con số ấn định, có thề do dân số người Tàu trên một tỷ người. Dịp này Tổng Thống Pháp Sarkozy đã đọc diễn văn chào mừng và ngỏ lời Chúc Mừng Năm mới đến đồng bào Pháp Quốc gốc Á Châu.
Sau diễn văn và chúc năm mới 2012 đến các cộng đồng hiện diện trong phòng khánh tiết .Tổng Thống Sarkozy đã xuống bắt tay thân mật cũng như chúc mừng năm mới . Buổi tiệc trà chúc mừng năm mới của Tổng Thống Pháp Sarkozy tại Điện Elysée chấm dứt vào lúc 20 giờ 30 .

* ĐINH LÂM THANH *


Năm nay, Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy chúc Tết Nguyên Đán người Pháp gốc Việt và Tàu năm Nhâm Thìn vào lúc 18.00 giờ ngày thứ Sáu 04.02.2012 tại điện Élysée, số 55 đường Faubourg Saint-Honoré, 75008 Paris. Có lẽ kinh nghiệm cảnh chen lấn theo thói quen của người Tàu năm vừa qua, cảnh sát yêu cầu tất cả sắp hàng theo thứ tự thành nhiều nhóm trước cổng vào… và thủ tục gởi áo manteau cũng được tổ chức lại nhanh chóng hơn.



Có nhiều chuyện lạ cũng như không lạ trong lần chúc Tết nầy :



Chuyện không lạ :



- Chuyện không lạ trước tiên : người Tàu vẫn đông. Trên 1000 khách mời thì người Tàu chiếm khoảng 800, mặc dù trên nguyên tắc, mỗi xứ được mời chừng 200 người. Sở dĩ người Tàu đi đông vì họ tính với chính quyền Pháp cộng đồng của họ gồm nhiều ‘bang’ và nhiều người có gốc địa phương khác nhau để xin giấy mời. Có đi dự rồi mới thấy xấu hổ chung cho người gốc Á Châu : nghe chúc Tết của một Tổng Thống mà chen lấn trong phòng khánh tiết như cảnh đi chợ và nói chuyện ồn ào qua điện thoại cầm tay… hình ảnh nầy gây bực mình cho người Pháp và những khách mời quan trọng khác. Không lạ nữa là cảnh tranh nhau đứng chụp hình trước bục của Tổng Thống nói chuyện cũng như giành nhau để được bắt tay Tổng Thống khi ông chấm dứt chúc Tết và xuống bục đi một vòng trong phòng khách ! Ngoài ra, vẫn như năm trước, một số người Pháp gốc Lào và Cao Miên cũng có mặt với những bộ y phục cổ truyền thật đẹp chen lẫn giữa những chiếc áo dài quý phái của Việt Nam. Sau chúc Tết, một bữa ăn nhẹ với champagne cùng nhiều loại nước ngọt và món ăn ngon hơn năm vừa qua.



Chuyện không lạ kế tiếp là, Tổng Tống Sarkozy nói chuyện khoảng 18 phút, Ông chỉ nhắc đến hai chữ Việt Nam 1 lần và ba chữ Việt-Miên-Lào 2 lần. Trong suốt thời gian ông đều đề cập đến, như một hình thức ca tụng về việc đóng góp kinh tế, liên hệ thương mãi cũng như mối tình bang giao tốt đẹp giữa Pháp và Tàu ! Chắc Tổng thống Pháp nghĩ rằng người gốc Á Châu tại Pháp hoàn toàn là người Tàu, Ông nhìn đâu cũng chỉ thấy Tàu và chỉ có người Tàu mới có khả năng giúp Ông cũng như đảng cầm quyền UMP trong suốt nhiệm kỳ bốn năm qua. Tôi nghĩ rằng Ông đã quên hẳn những hoạt động cố hữu như ở lậu, nhập lậu người, nhập lậu hàng hóa độc và trốn thuế thường xảy ra trong cộng đồng mà ông đang nhấn mạnh để chúc Tết !!! Do vậy người ta không ngạc nhiên khi thấy Tổng Thống Sarkozy o bế người Tàu với hy vọng kiếm một số phiếu quan trọng trong cuộc bầu cử sắp đến. Nếu nghĩ vậy thì Tổng Thống Sarkozy đã lầm, xin đưa ra vài điểm chứng minh ở phần sau.



Chuyện không lạ cuối cùng là Tổng Thống Sarkozy và đảng cầm quyền UMP gần như xem nhẹ cộng đồng người Việt trong guồng máy xã hội nước Pháp. Người Pháp gốc Việt là một cộng đồng lớn hơn tất cả các sắc dân khác gốc Á Châu, là những công dân tốt, chiếm nhiều địa vị lớn trong các ngành nghề và lãnh vực khác nhau. Ngoài ra cộng đồng người Việt Tự Do cũng đã đóng góp công sức xây dựng và bảo vệ nước Pháp, nhất là cung cấp rất nhiều, từ chất xám đến các hoạt động văn hóa, kinh tế cũng như thi hành bổn phận thuế vụ đầy đủ cho guồng máy xã hội Pháp.



Bây giờ đến chuyện lạ :



Chuyện lạ trước hết : So với năm vừa qua, chỉ có chừng hơn một chục người Việt Tự Do được mời đến tham dự. Nếu cộng chung với thành phần cộng sản, việt kiều yêu nước, du sinh, công an và vệ sĩ thì cũng lên tới gần 100 người Việt. Nhưng trái lại năm nay, người Pháp gốc Việt Tự Do tham dự rất đông, đúng 200 người theo danh sách, trong lúc đó thì số việt cộng, ‘việt kiều yêu nước’, du sinh ít hơn năm ngoái. Trong số 200 người thuộc nhóm Người Quốc Gia được chia ra như sau : 188 người Việt Nam (trong nầy có 55 người da trắng gồm dâu rể của những gia đình người Việt Quốc Gia tại Paris, người Pháp thân hữu trong giới chính trị cũng như những vị cố vấn của các đoàn thể trẻ VN tại Paris và các vùng phụ cận). 12 người còn lại trong số 200 là người Hoa Quốc Gia Chợ Lớn trước năm 1975. Ngoài ra có thể đếm trên đầu ngón tay khoảng chừng hơn một chục tên công an cộng sản đi theo hộ vệ đại sứ của chúng.



Chuyện lạ kế tiếp : Đại sứ Việt cộng năm nay không gắn cái ‘pin’ cờ máu thật lớn trên cổ áo và nghênh ngang qua lạ bắt tay mọi người trong phòng khánh tiết như năm vừa qua, đồng thời chịu lép vế đứng đàng xa, không dám gần bên cạnh đại sứ đàn anh Tàu cộng như năm trước ! Trong lúc đó năm nay, trong số những người Việt Quốc Gia đi dự có 2 vị người mang cà vạt Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ và ba người gắn Cờ Vàng Quốc Gia trên cổ áo, hình ảnh nầy gây nhiều chú ý đối với quan khách trong buổi chúc Tết. Có thể nói rằng, nhờ vào số người Việt đông nên năm nay chúng ta xem như ‘lấn át sân chơi’ phòng khánh tiết : một phần người Việt Quốc Gia tập trung ngay giữa, đối diện với bục thuyết trình của Tổng Thống, hình thức nầy chia Tàu cộng ra làm hai đám và đẩy nhóm người của Việt cộng vào góc bến trái hội trường. Sau phần lễ chúc Tết, số người Việt ở lại đông đủ ăn bánh uống rượu thoải mái, không còn bị yếu thế như trường hợp của mấy người Việt Tự Do bị xô đẩy trong năm vừa qua !



Và chuyện lạ cuối cùng : Trong buổi chúc Tết, Tổng Thống Nicolas đã gắn một huy chương cao quý của Pháp (Chevalier de la Région d’Honneur) cho một người Tàu ! Rất tiếc vì tình trạng ồn ào nên không ghi nhận được tên của người Hoa nầy. Chỉ nghe giới thiệu rằng ông ta là bạn của Tổng Thống. Tôi chưa biết ông ta là Tàu Cộng hay Tàu Đài Loan. Nhưng dù cộng hay Quốc Gia gì đi nữa thì tôi cũng thấy phí và tội nghiệp cho cái huy chương của Pháp. Chuyện tư nhân, dù quen thân với một Tổng Thống và nếu thương mến ái mộ thì mời nhau một bữa ‘nhậu cung đình’ cho thoải mái, sao lại lấy huy chương cao quý nhất của Pháp để làm quà tặng cho bạn bè ???



Bây giờ xin qua phần vị trí và vai trò của cộng đồng người Việt Quốc Gia trong lãnh vực chính trị đối với nước Pháp.



Tổng thống Nicolas Sarkozy biết rằng ông đang đứng trước nhiều khó khăn của một cuộc chạy đua vào điện Élysée khi các tổ chức thăm dò dư luận phổ biến số điểm ủng hộ của ông xuống quá thấp so với địch thủ là ông François Holande thuộc đảng Xã Hội. Vậy Ông Sarkozy phải lợi dụng cơ hội chúc Tết đầu năm để mời một số lượng lớn khách gốc Á Châu đến dự, không ngoài dự tính thu phục nhân tâm đồng thời để kiếm phiếu. Tổng Thống Sakozy biết rằng số người Pháp gốc Á Châu thật lớn, nếu tính những người có quyền đi bầu trong các cộng đồng gốc Á Châu thì có thể đến gần 500.000 phiếu, trong lúc đó kinh nghiệm cho biết, chỉ cần chênh lệch vài chục ngàn trong đợt bán kết và vài ngàn phiếu trong vòng chung kết để được đắc cử, thì số lượng phiếu của người gốc Á Châu có thể là yếu tố quyết định cho một tổng thống tương lai.



Đến mùa bầu cử Tổng Thống Cộng Hoà Pháp sắp đến, lãnh tụ các đảng chính trị có giá nhất đã xuống đường ngữa mũ xin phiếu, nghiêng mình cười tình và bắt tay thân mật chẳng những với cử tri Tây mà còn với các cộng đồng Tàu, Việt cũng như các xứ khác. Vậy muốn được ăn cỗ, nghĩa là có cơ hội đối thoại và yêu cầu một điều gì với chính phủ tương lai của Pháp, cộng đồng người Việt Quốc Gia phải lội nước đi trước, chứ không thể bình chân bất động hoặc lẽo đẽo theo sau các cộng đồng người Tàu, Lào và Cao Miên cũng như người Phi Châu hay Á rập ! Chúng ta phải thành thật nhận lấy sự thiếu sót lớn lao nầy, vì chưa làm được gì thiết thực trước các cơ hội tốt mà các lãnh tụ đảng chính trị lớn Pháp đang trở thành những nhân vật dễ thương, hiền như con chi chi và sẵn sàng ký kết trao đổi với chúng ta nhiều quyền lợi cho cộng đồng người Việt Quốc Gia. Nhưng ai có thể đảm trách được những việc nầy (đã có một hai cá nhân xuất hiện trong trường hợp nầy nhưng chưa đạt được kết quả khả quan gì). Thế thì chúng ta phải tự hiểu, tại sao cộng đồng người Việt Tự Do bị người Pháp và giới chính trị Pháp gạt ra ngoài tầm quan trọng đối với họ !



Một điều nên ghi nhận rằng, các đảng chính trị Pháp không quan tâm bao nhiêu đến chuyên viên trí thức gốc người Việt đã, đang và sẽ phục vụ cho xã hội Pháp trước kia hiện nay cũng như tương lai. Họ không cần biết có bao nhiêu giáo sư Việt đang giảng dạy trong các trường đại học, bao nhiêu kỹ sư, bác sĩ, luật sư, công chức cao cấp, bao nhiêu nhà thông thái gốc Việt đang cống hiến chất xám cho nước Pháp. Ngoài ra các đảng chính trị Pháp cũng không cần mất thời giờ để biết thế hệ trẻ con em của chúng ta, sẽ là một phần tử lãnh trọng trách điều hành và xây dựng nước Pháp đang ngồi đầy các trường đào tại công chức và nhân tài. Suy nghĩ của họ cũng bình thường vì đối với trào lưu chính trị chụp giựt hiện nay, họ không cần mất thời giờ để nhìn xa, miễn làm thế nào, trước mắt là phải đạt cho được nhiều phiếu để đắc cử. Đây là một chuyện thật phủ phàng, dù đảng nào, dù xứ nào, chế độ nào đi nữa thì ai cũng cần biết độc nhất là lá phiếu trong các dịp ứng cử của họ. Đó là lý do tại sao các đảng chính trị và chính quyền Pháp thường vuốt ve các cộng đồng ‘ve chai’, ‘hột vịt muối’, các cộng đồng ‘ăn vạ’, ‘phá làng phá xóm’ và ‘đẻ con hưởng trợ cấp’ ? Đối với vấn đề nầy, tôi có thể trả lời đơn giản : chính những cộng đồng nầy biết lợi dụng lá phiếu cử tri như một điều kiện để cầu cạnh, bắt chẹt và trao đổi.



Để thấy được tầm quan trọng lá phiếu của người Pháp gốc Á Châu nói chung, và Việt Nam nói riêng. Xin xem những dữ kiện dưới đây.



Dưới đây là những con số được cung cấp không chính thức nhưng có độ chính xác khá cao. Vì chúng ta khó biết được con số chính thức của bộ nội vụ Pháp. Nhưng nếu căn cứ vào thống kê của các cộng đồng, bang tộc người Hao, người Lào, người Cao Miên thì chúng ta có thể tạm dùng những con số nầy để có một suy nghĩ khả dĩ dễ dàng chấp nhận. Riêng đối với người Việt Nam Tự Do thì đành chịu, vì không có một tổ chức nào biết được trong quận, thành phố mình định cư có bao nhiêu gia đình người Việt và có bao nhiêu người thường đi bầu trong các dịp tranh cử Tổng Thống cũng như Hạ Viện ! Vậy có thế tạm căn cứ vào con số chính phủ Pháp cho người Việt vào định cư chính thức theo diện tỵ nạn kể từ sau 1975 là 300.000 người lớn nhỏ. Có thể tính đổ đồng là 100.000 gia đình và đến nay, cứ mỗi gia đình thêm con cháu, thêm dâu rễ, thêm người đoàn tụ thì con số lên đến trên 800.000, trong đó có khoảng 300.000 người đủ điều kiện đi bầu. Với con số nầy thì cộng đồng người Việt Tự Do có thể đủ khả năng và sức mạnh để nói và đề nghị bất cứ gì với đảng nào hay với nhà cầm quyền nào của Pháp. Trên đây tôi có nói rằng Tổng Thống Sarkozy đã sai lầm vì ông o bế các cộng đồng để kiếm phiếu, nhưng lại nhầm vào một số đối tượng trong đó đa số người chưa phải là dân Tây cũng như thành phần ở lậu không có giấy tờ chính thức…thì làm sao họ đi bầu !!!



- Người Việt Nam tại Pháp : từ 750.000 đến 800.000 người, trong số khoảng 300.000 người đủ điều kiện đi bầu.

- Người Lào : 150.000 người.

- Người Cao Miên : 400.000 người. Theo con nầy, người Miên đông vì họ cũng là thuộc địa của Tây, nhiều người nói rành tiếng Pháp, thích qua Tây và được Pháp ưu tiên cho nhập cảnh.

- Người Tàu : Đài Loan và một số Tàu Đỏ có dân Tây : 100.000 người.

- Người Tàu Đỏ Trung cộng : 150.000 người (tạm trú và nhập lậu)

- Người Tàu không hoặc chưa có dân Tây : 150.000 người.

Tổng cộng Tàu có 250.000 người, trong đó 150.000 không hoặc chưa có dân Tây.



Vậy Việt Nam là một cộng đồng có một thực lực chính trị lớn nhất so với các cộng đồng người Pháp gốc Á Châu khác tại Tây. Nhưng tại sao dưới mắt người Pháp, họ xem người Tàu là đại đa số nắm một phần quan trọng kinh tế thương mãi của Pháp ? Ra đường gặp người Á châu thì người Pháp cứ in trí và gọi là Chinois ? Vậy thử đề cập những điểm dưới đây xem có đúng không ? Nếu đúng, thì người Pháp gốc Việt phải thay đổi vài vấn đề cần thiết để giành lại ưu thế của một tập thể đa số, đang sống giữa xã hội Pháp cũng như sẽ đóng một vai trò chính trị quan trọng đối với chính quyền.



Trở về quá khứ một chút, người Việt Tự Do tại Pháp trước đây đã được chính phủ Pháp cấp cho hai địa điểm đủ tiện nghi để làm nơi sinh hoạt cộng đồng, làm nhà giải trí cho đồng hương cao tuổi, nhưng cũng vì ganh ghét, nghi kỵ và vì tổ chức cũng như quản trị yếu, do đó chúng ta đã mất tất cả. Đau nhất là cao ốc làm nơi sinh hoạt cộng đồng tại trung tâm Paris 13 đã bị chính quyền Pháp lấy lại cấp cho cộng sản để họ biến thành Trung Tâm Văn Hóa Đỏ !!!. Lỗi ai ? Phải nói rằng lỗi của chúng ta hoàn toàn vì chúng ta đã làm mất niềm tin của tất cả mọi người, nhất là đối với chính quyền Pháp. Bây giờ nếu chúng ta xin một nơi làm trụ sở cộng đồng để chào cờ, hội họp và tổ chức các dịp lễ thì ai và hội đoàn nào có đủ khả năng để đứng tên xin và đảm trách quản trị việc cơ sở nầy ? Và ai và hội đoàn nào có đủ tư cách pháp nhân và uy tín để nói chuyện với chính quyền Pháp ? Văn Phòng Liên Lạc Các Hội Đoàn Người Việt Tự Do tại Pháp chỉ là một tổ chức tư, do các hội đoàn bầu ra và hoạt động theo từng định kỳ hai năm, không có tư cách pháp nhân cũng như quyền hạn để đảm trách công việc trọng đại trên.


Ông Mai Quốc Minh là một người thuộc thế hệ trung niên, có khả năng và thiện chí nhưng chưa thể làm gì khác hơn ngoài việc tổ chức chào cờ và kêu gọi biểu tình…vì thường bị một số người chuyên nghề chống đối canh chừng, kèm cựa và phản bát bất cứ lời nói hành động nào của ông đưa ra. Trước đây không lâu, trong một buổi họp hàng tháng, ông TTK/VPLL có gợi ý lời kêu gọi mọi người ngồi chung lại để thành hình một tổ chức mới với nòng cốt là thành phần trẻ lớn lên, trưởng thành và tốt nghiệp tại Pháp đứng ra chủ động. Những người lớn tuổi, với kinh nghiệm tranh đấu sẽ chống đở sau lưng để tổ chức mới nầy trở thành đại diện cho tập thể người Việt tại Pháp nhằm có thể chính thức đối thoại với các cộng đồng bạn, chính quyền Pháp cũng như các tổ chức quốc tế. Nhưng khi ông TTK vừa mở đầu vài câu, chưa kịp trình bày sơ qua kế hoạch và chương trình thì đã bị một hai người có mặt trong buổi họp lớn tiếng phản đối theo thói quen và chủ trương của họ. Như vậy làm thế nào để tập thể người Việt Quốc Gia tại Pháp có đủ khả năng đứng lên góp mặt trong môi trường chính trị Pháp cũng như Quốc tế.



Vậy để vực dậy khí thế của tập thể người Việt trước dư luận và tạo một thế đứng vững vàng trong đời sống chính trị của Pháp, tôi đề nghị hai điểm :



1. Xét lại tinh thần hợp tác và bảo vệ quyền lợi chung giữa nội bộ người Việt Quốc Gia với nhau.



Đừng nghĩ rằng chính quyền Pháp không hay biết gì về các hoạt động có tính cách cộng đồng chúng ta. Cảnh sát an ninh và các cơ quan tình báo, phản giá đang theo sát từng hoạt động của các tập thể cũng như cá nhân để lập thống kê, báo cáo định kỳ (hay đặc biệt) về các hành động của các sắc dân tạm hoặc định cư…từ lãnh vực kinh tế cho đến khuynh hướng chính trị. Hơn nữa những thống kê sau mỗi lần bầu cử lớn nhỏ đều được chính quyền trung ương để mắt đến. Tôi có dịp đến commissaire de police để trình nạp bằng cớ hăm dọa tính mạng, thì chừng 15 phút sau, họ cầm trong tay một hồ sơ và nói cho biết rằng, họ có đủ toàn bộ lý lịch và tài liệu của người hăm dọa để trấn an trước khi tôi ra về. Vậy đối với một tổ chức, một cộng đồng không có gì có thể qua mặt được chính quyền Pháp. Hơn nữa, qua mỗi kỳ bầu cử, thống kê giúp cho họ biết bách phân người ghi danh, số đi bỏ phiếu để đánh giá sức của các cộng đồng trong việc tham gia bầu cử. Đó là việc mà các ban vận động bầu cử của các đảng lớn cần phải biết để đánh giá thực lực của từng cộng đồng, sắc dân đang định cư trong lãnh thổ nước Pháp. Hơn nữa, chuyện tranh giành, ganh ghét, đấu đá nhau bằng cách rỉ tai, hăm dọa hoặc tung lên internet những trò bỉ ổi bôi xầu nhau, dù chuyện giữa cá nhân nhưng cũng không thoát khỏi những cặp mắt của phòng nhì Pháp.



Một điều cần phải thành thật nhìn nhận, người dân cũng như chính quyền Pháp đang đánh giá thấp tập thể chúng ta. Họ nghĩ rằng chỉ một nhóm người nhỏ mà những việc nội bộ trong cộng đồng không giải quyết được với nhau thì làm sao có thể nói đến chuyện đại sự để đóng góp cho nước Pháp.



Nhưng đối với một xứ tự do, chúng ta có nhiều cơ hội, trong đó tham gia bầu cử là một dịp thật tốt để chúng ta vừa làm bổn phận công dân vừa chứng tỏ khả năng, đồng thời xem đây như một phương tiện để đặt vấn đề về lá phiếu của cộng đồng người Việt Quốc Gia trong lãnh vực bầu cử, ứng cử.



a. Tổ chức, cộng đồng nào cũng có những xáo trộn và bất đồng ý kiến nội bộ, nhưng họ biết đóng cửa nói chuyện với nhau, người ngoài không ai hay biết. Trong lúc cộng đồng chúng ta bị một số nhỏ núp trong bóng tối, chỉ vì ganh ghét hoặc bất đồng ý kiến mà bóp méo sự thật hoặc tạo ra những chuyện không tưởng rồi đội tên giả, đánh phá trên hệ thống internet, đồng thời gởi mail thông báo đến hàng trăm diễn đàn cũng như những người lạ chưa bao giờ quen biết ở Châu Mỹ, Châu Âu cũng như Châu Úc. Kết quả trò ‘méc bu’ bỉ ổi nầy không làm tổn thương một ai nhưng kẻ ném đá giấu tay bị phản ứng ngược, họ tự đào hố chôn mình đồng thời lột áo cộng đống cho cả thế giới xem lưng. Vì những lý do nầy, ngưòi dân cũng như giới chính trị Pháp bây giờ không còn xem trọng người Việt Nam như ngày trước. Và đây cũng là những điều có lý đối với họ.



b. Bộ mặt tranh đấu bên ngoài của cộng đồng người Việt Quốc Gia đối với dư luận và các đảng chính trị Pháp là những cuộc biểu tình trước công chúng. Thật vậy, Trước đây đã có nhiều cuộc biểu tình gây chấn động dư luận cũng như chính giới Pháp như những lần xuống đường với hàng ngàn người do cộng đồng tỵ nạn tổ chức. Ngoài ra phải kề đến hai cuộc biểu tình, thứ nhất, trong đó sinh viên tại Paris đội khăn tang trên đầu và mang băng trắng trên tay áo do Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tổ chức dưới thời Anh Hùng Trần Văn Bá, ngay sau ngày mất nước 30.4.1975, và cuộc biểu tình thứ hai, ‘Paris kỷ niệm 60 Cờ Vàng’ với hơn một ngàn người tham dự cùng Cờ Vàng, cũng do Tổng Hội Sinh Viên phối hợp với VPLL tổ chức ngày 06.7.2008, tập trung và đi từ trước mặt chợ Tăng Frère đến sân Tòa Thị Chính quận 13. Những hình ảnh nầy đã làm chấn độn Paris cũng như thế giới, trong đó nhiều người Pháp cho biết, lần đầu tiên họ mới thấy và biết sơ qua lịch sử Cờ Vàng Quốc Gia Ba Sọc Đỏ của người Việt Tự Do chúng ta.



Nhưng thật đau buồn cho những năm gần đây, có những lần xuống đường lẻ tẻ do một vài hội đoàn từ tỉnh lên Paris tổ chức biểu tình tại Trocadéro thiếu phối hợp hay vì một lý do nào đó, đếm đi đếm lại chỉ vỏn vẹn chừng trên một chục người tham dự. (Giấy mời trên internet ghi tên trên vài chục hội đoàn lớn đứng ra tổ chức nhưng chỉ có 12 người, kể cả tôi, với vài ba Cờ Vàng tại công trường Nhân Quyền Trocadéro). Cá nhân tôi có tham dự và đã chụp vài tấm hình nhưng không dám viết bài cũng như đưa những tấm hình thảm thương nầy lên trên hệ thống truyền thông toàn cầu.



Xin tất cả ghi nhận, biểu tình là một phương thức tranh đấu rất hiệu nghiệm, nhưng cũng là con dao hai lưỡi, nếu tổ chức hấp tấp, thiếu chuẩn bị, thiếu người tham dự và thiếu phối hợp với địa phương…thì không những không đem lại lợi ích cho việc tranh đấu chung mà còn tự tố cáo tình trạng chia rẽ, yếu kép đối với người tổ chức, đồng thời gây ảnh hưởng xấu cho tập thể người Việt Quốc Gia tại Paris. Đây cũng là bài học cho tất cả mọi ngưởi và cũng là một phần trách nhiệm của Văn Phòng Liên Lạc Các Hội Đoàn Tại Pháp (Đề nghị đưa vào chương trình họp hàng tháng để chấn chỉnh vấn đề nầy)



c. Pháp là hang ổ của cộng sản, thành phần có mặt chính thức thông qua tòa đại sứ thì chúng nó đã giàu lại được hưởng đặc quyền ngoại giao. Chúng luôn luôn o bế người dân cũng như chính quyền Pháp. Người Pháp cũng đau đầu giữa hai khối chống đối nhau, tuy nhiên cán cân tình cảm của người quốc gia bao giờ cũng nghiên hẳn vế phía chúng ta. Tuy vậy chúng ta cần phải biết ‘gìn vàng giữ ngọc’ cho tập thể người Tỵ Nạn để giành cảm tình với người địa phương trong lúc khối cộng đang có mặt đầy dẫy trên lãnh thổ nước pháp. Ngoài ra, với phương tiện truyền thông ngày nay, những gì vừa xảy đến thì người trong nước đã hay biết, đôi khi còn đi trước so với đa số người ở hải ngoại. Vậy hãy cẩn thận đừng làm mất niềm tin của những người sống dưới chế độ cộng sản tại quê nhà, họ đang trông chờ và hy vọng vào chúng ta.



Chỉ vì ba điểm (a), (b), (c) ở phần 1 trên đây, cộng đồng người Việt Tự Do tại Pháp nói chung, và Paris nói riêng, đã làm nản lòng đa số người Việt Quốc Gia thầm lặng, đồng thời những những người thường ném đá giấu tay đã vô tình vạch áo cho nguời xem lưng về việc tinh thần thiếu đoàn kết, nội bộ chia rẽ cũng như thực lực yếu kém đối với dư luận và chính giới Pháp.



2. Mọi người cần xử dụng chính đáng quyền công dân cũng như dấn thân vào đời sống chính trị Pháp.



a. Đi bầu : Luật của Pháp không bắt buộc công dân phải đi bầu, nhưng đối với người Pháp gốc Việt thì vấn đề đi bầu phải xem là quan trọng, vì chính điểm nầy chúng ta mới chứng tỏ được sức mạnh của tập thể người Việt tự Do tại Pháp. Nhiểu lần được hỏi về chuyện di bầu thì có người trả lời với tôi rằng : ‘Ông bà nào làm tổng thống cũng vậy. Có bầu hay không cũng chẳng thay đổi được gì cho chúng ta’. Nghe câu nầy tôi nhớ lại lời của nhiều người sau ngày mất nưóc : ‘Mình là dân bình thường thì đối với cộng sản cũng chẳng đến nổi nào mà phải lo sợ’ ! Bây giờ thì chính những người dân nầy mới bật ngữa ra ‘nỗi nào mà phải lo sợ’ với chế độ cộng sản !



Chúng tôi vừa trình bày ở phần trên, sau mỗi lần kiểm phiếu, các đơn vị bầu cử lớn nhỏ phải làm thống kê cho bộ nội vụ số người ghi danh, số đi bầu… trong đó có phần ghi chủng tộc nguyên thủy của từng cử tri một. Như vậy, dựa vào bản thống kê, tân chính phủ biết rõ số lượng và thành phần nào đã đi bấu để có thái độ thân thiện hay thờ ơ đối với các sắc dân đang định cư tại Pháp. Vậy một khi người Pháp gốc Việt đi bầu đông đủ là đã tạo được một thế đứng chính trị đáng kể cho cộng đồng chúng ta trước dư luận và làm cho giới chính trị phải quan tâm đối với chương trình hậu thuẩn của họ trong các cuộc vận động bầu cử sắp đến. Đây là một việc quá dễ dàng cho tất cả mọi người : thẻ cử tri làm sẵn và gởi đến tận nhà và danh sách đã lên trong một đơn vị bầu cử sát bên chỗ ở. Chúng ta chỉ cần bỏ ra chừng 30 phút đến phòng phiếu để làm bổn phận của một công dân tốt.



b. Một công việc khác cũng dễ tạo crédit cho công đồng người Việt bằng cách tham gia vào các ban vận động bầu cử. Đây là một hành động thực tiễn và có lợi, vì khi sinh hoạt chung với các ủy ban vận động bầu cử thì tiếng nói của chúng ta sau đó sẽ ảnh hưởng lớn nếu chúng ta đề bạt một vấn đề gì có lợi cho tập thể người Việt chúng ta.



c. Chào cờ Pháp : Có lẽ là một thiếu sót của cộng đồng trong việc chào cờ Quốc Gia Pháp. Hơn nữa, đây cũng là một hình thức chứng tỏ sự hội nhập, biểu lộ tình yêu và bổn phận đối với quê hương thứ hai. Dù là tạm bợ, nhưng nơi đây, người dân cũng như chính phủ Pháp đã cưu mang đùm bọc để cho chúng ta, con cháu và gia đình sống tự do hạnh phúc…đồng thời được hưởng đủ mọi quyền lợi như những người Pháp chính cống. Chúng ta thử đặt trường hợp chúng ta vào vị trí người Pháp, có lẽ cũng thấy khó chịu khi những kẻ mang quốc tịch Pháp, định cư trên lãnh thổ của họ lại lờ đi vấn đế chào cờ Pháp trong lúc chúng ta trân trọng chào Cờ Vàng Quốc Gia Việt Nam tại những nởi công cộng.



d. Tham gia vào các chức vụ dân cử…bắt đầu từ hạ từng cơ sở tại các đơn vị quận và thành phố để làm nấc thang bước lên. Những bạn trẻ trưởng thành và tốt nghiệp tại Pháp, nếu thích hợp với khả năng và nguyện vọng thì hãy chuẩn bị dấn thân vào con đường dân cử để làm bàn đạp cho việc tiến thân, nhằm nâng cao hình ảnh của người gốc Việt Tỵ Nạn mà trước đây dân địa phương đã đánh giá chúng ta như những thành phần tỵ nạn kinh tế !



Để kết luận, cộng đồng người Việt Tự Do tại Pháp là một thực lực chính trị đáng kể đối với nước Pháp. Nếu 300.000 người Việt Tự Do tại Pháp cùng đi bầu đông đủ và cùng dồn phiếu cho một ứng cử viên nào đó thì chúng ta có thể làm nghiêng cán cân kết quả bầu cử.



Tóm lại, nếu người Pháp ‘nghĩ’ rằng cộng đồng người Hoa đã đóng góp sức mạnh kinh tế-tài chánh cho họ, thì chúng ta phải làm thế nào để cho người Pháp ‘thấy’ được khả năng chất xám và sức mạnh của cộng đồng người Việt Tự Do chúng ta.



Đinh Lâm Thanh

Paris, 08.02.2012



Nguồn : Hội Văn Hóa Người Việt Tự Do – http://www.hvhnvtd.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét