Quỳnh Chi, phóng viên RFA
Tải xuống âm thanh |
Kính thưa quý vị,
Kính thưa quý thân hữu, quý chiến hữu cùng quý Niên Trưởng,
Trong cuộc họp báo hôm thứ sáu vừa qua, phát ngôn nhân bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lương Thanh Nghị khẳng định “Tại Việt Nam, không ai bị bắt vì lý do bày tỏ chính kiến”.
Source danlambao
Bà Minh Hằng với biễu ngữ: "Phản đối đàn áp người ủng hộ Quốc hội ra luật biểu tình", trước khi bị bắt.
Bà Minh Hằng với biễu ngữ: "Phản đối đàn áp người ủng hộ Quốc hội ra luật biểu tình", trước khi bị bắt.
Tuy nhiên, làm thế nào để phân biệt bày tỏ chính kiến với các hành động có thể bị cho là vi phạm pháp luật Việt Nam là một câu hỏi mà không phải ai cũng có thể trả lời được.
Hậu quả của việc bị đặt dưới sự lãnh đạo của một đảng duy nhất trong một thời gian dài là một đại bộ phận người dân trở nên thụ động và dần lơ là với việc nói lên quan điểm của mình. Thêm vào đó, việc các nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam bị bắt giam cũng khiến nhiều người dễ có ác cảm với việc bày tỏ ý kiến và cho rằng nó gây xáo trộn xã hội.
Nhưng thực tế việc bày tỏ ý kiến, bao gồm cả ý kiến giống hoặc khác, ủng hộ hoặc không ủng hộ, thậm chí cả chỉ trích... không hẳn lúc nào cũng nhằm chống đối hoặc tiêu cực. Ngược lại, mục tiêu chính của việc bày tỏ ý kiến vẫn là mang tính xây dựng vì chỉ có bày tỏ ý kiến thì sai sót mới được phát hiện. Cho nên, việc tôn trọng tự do bày tỏ ý kiến là hoàn toàn cần thiết và phù hợp với nguyện vọng người dân.
Không có ai bị bắt vì bày tỏ chính kiến tại Việt Nam
Công an áp giải TS Cù Huy Hà Vũ đến tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sáng ngày 4-4-2011. AFP photo.
Nhìn một cách tích cực, lời phát biểu của ông Lương Thanh Nghị về việc cho rằng “không có ai bị bắt vì bày tỏ chính kiến tại Việt Nam” là việc khẳng định Việt Nam là một nhà nước pháp quyền, nơi tôn trọng một trong những quyền căn bản của người dân là quyền tự do ngôn luận. Lời phát biểu của người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam cũng gián tiếp khẳng định với thế giới việc tôn trọng những công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết. Nếu những tuyên bố trên phản ánh đúng thực tế tại Việt Nam, thì phát biểu của ông Lương Thanh Nghị chính là “lá bùa hộ mệnh” cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người bất đồng chính kiến.
Tuy nhiên, theo luật gia Lê Hiếu Đằng, khẳng định của ông Lương Thanh Nghị không đúng với tình hình thực tế tại Việt Nam:
“Bộ Ngoại giao Việt Nam phát biểu là tại Việt Nam không có ai bị bắt vì lý do bày tỏ chính kiến là không thực tế. Thực tế là ông Cù Huy Hà Vũ bị bắt và bị xử án. Hay là trường hợp bà Bùi Thị Minh Hằng bị bắt vào trung tâm giáo dục. Thực ra bà Hằng cũng không phải bị bắt vì bày tỏ chính kiến mà vì bà biểu tình chống Trung Quốc. Tôi nghĩ việc Bộ Ngoại giao nói như thế như một cách tránh né. Thực tế đã có nhiều người bị bắt vì lý do bày tỏ chính kiến”.
Thực tế là ông Cù Huy Hà Vũ bị bắt và bị xử án. Hay là trường hợp bà Bùi Thị Minh Hằng bị bắt vào trung tâm giáo dục.
Luật gia Lê Hiếu Đằng
Nếu nhìn vào thực tế sau khi đất nước thống nhất, một người khách quan nhất cũng dễ dàng nhìn thấy nhiều trường hợp gặp rắc rối về luật pháp vì liên quan đến việc bày tỏ ý kiến. Nhẹ thì thẩm vấn, theo dõi, giữ giấy tờ tùy thân... nặng thì giam giữ. Mặc dù họ bị bắt không phải vì lý do bày tỏ ý kiến. Nhưng họ được biết đến vì bày tỏ ý kiến. Đó là những luật sư, những blogger hay những người có tư tưởng cấp tiến nhìn thấy những bất cập… đã chia sẻ quan điểm của mình trên mạng internet hay báo chí nước ngoài.
Chính thực tế này đã làm nhiều người quan ngại và cho rằng cần nhìn vào hành động thiết thực hơn là phát biểu của giới lãnh đạo. Blogger Lê Khánh Duy cho biết:
“Theo tôi thì có thể đó (lời phát biểu của ông Lương Thanh Nghị) là một cách đối phó với dư luận. Cũng như bao lần khác, họ nói mà không làm. Cái căn bản là phải cho người dân thấy họ làm gì chứ không phải nói gì”.
Nhưng sẽ bị bắt với nhiều lý do khác
Không ai khẳng định bày tỏ chính kiến là vi phạm pháp luật nhưng những người bày tỏ chính kiến thường bị bắt với nhiều lý do, chủ yếu là bị cho vi phạm điều 258 BLHS VN (Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước); điều 88 BLHS VN (Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam) và điều 79 BLHS VN (Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân). Việc này làm rộ lên quan ngại làm thế nào để phân biệt tự do bày tỏ chính kiến với những hoạt động có thể bị cho là vi phạm những điều luật trên. Ông Lê Hiếu Đằng cũng bày tỏ quan ngại của mình:
Nhưng rất tiếc là từ những lý do đó thì họ bị cho là vi phạm điều này điều nọ.
Luật gia Lê Hiếu Đằng
“Vấn đề là nằm ở chỗ đó. Tôi xem lại một số trường hợp vì bị bắt thì thấy họ không phải muốn chống phá hay lật đổ nhà nước mà là có ý thức xây dựng. Nhưng rất tiếc là từ những lý do đó thì họ bị cho là vi phạm điều này điều nọ. Tôi nghĩ đó là những cái không nên tồn tại trong một xã hội dân chủ hiện nay.
Việt Nam đang hội nhập với thế giới thì cũng phải tôn trọng những cam kết quốc tế trong vấn đề quyền con người. Những quyền biểu tình, quyền tự do phát biểu ý kiến về tình hình đất nước là quyền của công dân, miễn là họ không dùng bạo lực hay làm rối loạn xã hội”.
Mập mờ, không rõ ràng
Nếu đem câu hỏi “Làm thế nào để phân biệt tự do bày tỏ chính kiến với lợi dụng quyền tự do dân chủ hay tuyên truyền và hoạt động nhằm lật đổ chính quyền?” thì không phải ai cũng có một giải thích thỏa đáng. Một phần là do sự mập mờ, không rõ ràng của các qui định này mà các tổ chức quốc tế như Amnesty International, Human Rights Watch và một số dân biểu Hoa Kỳ trong đó có bà Loretta Sanchez đã nhiều lần lên án. Luật sư Hà Huy Sơn, người đại diện của bà Bùi Thị Minh Hằng, cũng cho biết mình khó lòng xác định khi nào thì được gọi là tự do bày tỏ ý kiến:
“Tôi cũng không bình luận được thế nào là bày tỏ chính kiến và dưới góc độ một luật sư thì tôi đối chiếu theo những gì pháp luật Việt Nam qui định. Và tôi chỉ biết rằng quyết định của chủ tịch UBND Tp. Hà Nội đưa bà Bùi Hằng vào cơ sở giáo dục là trái với pháp luật Việt Nam”.
Theo blogger Lê Khánh Duy, những sự mập mờ, quá chung chung trong điều 258, điều 79 và điều 88 của BLHS VN chẳng những làm người dân không phân biệt được ranh giới giữa phạm tội và không phạm tội mà còn khó lòng thuyết phục người dân lấy pháp luật Việt Nam làm thước đo cho các hoạt động xã hội. Anh nói:
“Bây giờ tôi sẽ căn cứ vào những công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết. Vì những điều luật chính quyền đưa ra rất mù mờ và nếu căn cứ theo nó thì không có gì là rõ ràng được”.
Các công ước nhân quyền quốc tế Việt Nam đã phê chuẩn, ký kết và thông qua bao gồm Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị 1966 (nêu ra các quyền dân sự và chính trị của từng cá nhân); Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa 1966 (cam kết trao các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa cho các cá nhân); và Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền 1948 (liệt kê các quyền cơ bản mà mọi cá nhân được hưởng).
Vì những điều luật chính quyền đưa ra rất mù mờ và nếu căn cứ theo nó thì không có gì là rõ ràng được.
Blogger Lê Khánh Duy
Một khi ngày càng có nhiều người dựa vào các công ước quốc tế - được Việt Nam tham gia ký kết - để tự bào chữa cho quyền phát biểu của mình thì rõ ràng lòng tin của người dân vào luật pháp đã yếu đi.
Nếu quyền tự do bày tỏ ý kiến đã được qui định trong hiến pháp thì việc nhầm lẫn giữa tự do bày tỏ ý kiến với các tội hình sự là sự sai lầm ở khâu thực hiện pháp luật. Một ví dụ của việc này là mặc dù quyền biểu tình được qui định tại điều 69 Hiến pháp Việt Nam 1992, nhưng UBND Hà Nội vẫn có văn bản yêu cầu "chấm dứt mọi hoạt động tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát của người dân". Ông Lê Hiếu Đằng cho biết ý kiến của mình như sau:
“Theo tôi, hệ thống pháp luật Việt Nam tuy còn thiếu nhưng không phải là không có những điều khoản bảo đảm cho người dân. Nhưng vấn đề tai hại ở đây là việc thi hành luật. Luật có nhưng không được thi hành hoặc thi hành sai hoặc vận dụng một cách tùy tiện thì sẽ gây thiệt hại cho công dân. Vấn đề ở đây là thi hành luật như thế nào. Cho nên những cơ quan giám sát như quốc hội hoặc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải thực thi quyền của mình”.
Tự do bày tỏ ý kiến không phải là một điều có thể gây hại cho đất nước vì nếu nó có những mặt tiêu cực thì không thể trở thành một trong những quyền cơ bản cần được tôn trọng trong các tuyên ngôn nhân quyền. Điều gây hại cho đất nước chỉ có thể là những gì đi ngược lại ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Không thể phủ nhận việc nói rằng tôn trọng quyền bày tỏ ý kiến tại Việt Nam là một điều tích cực, nhưng việc còn lại là thực hiện nó như thế nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét