Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

Mahathir Mohamad nói Tới lúc châu Âu phải học hỏi châu Á?

Justin Rowlatt
Chương trình Business Daily, BBC World Service
 - thứ ba, 7 tháng 2, 2012


Ông Mahathir Mohamad đã lãnh đạo Malaysia trong hai thập niên tăng trưởng
Trong nhiều thập niên, Phương Tây đã chỉ bảo Phương Đông làm thế nào để quản lý nền kinh tế nhưng chuyện đó không còn phù hợp nữa.
Bây giờ các nền kinh tế đang lên của châu Á kể như một mô hình cho chính sách ổn định, nhất quán và tăng trưởng bền vững trong khi Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản đang ngập trong nợ nần và hết sức vất vả trong đà phát triển chậm, nếu không muốn nói là không có tăng trưởng chút nào.


Vậy thì phương Tây có thể học hỏi gì từ phương Đông?
Theo cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, thông điệp là đơn giản nhưng mạnh mẽ: châu Âu phải đối mặt với thực tế kinh tế mới.
"Châu Âu ... đã mất rất nhiều tiền và do đó châu Âu sẽ trở nên tương đối nghèo so với quá khứ," ông nói với chương trình Business Daily của BBC World Service.
"Và ở châu Á người ta đang sống trong những gì người ta có. Vì vậy, khi người ta nghèo thì sống như người nghèo, tôi nghĩ rằng đó là một bài học mà châu Âu có thể học hỏi từ châu Á," ông Mahathir Mohamad nói.
Thực ra Tiến sĩ Mahathir là người hội đủ kiến thức và kinh nghiệm để đưa ra lời phán xét.
Nếu có nhà lãnh đạo châu Á nào có thể kể công đã đã đặt nền móng cho việc phát triển kinh tế của đất nước mình thì ông là người như vậy.
Trong suốt hai thập niên nắm quyền, tiến sĩ Mahathir đã giúp đưa Malaysia từ một thuộc địa cũ trì trệ thành một con hổ kinh tế.

"Đừng in tiền"

Khủng hoảng tại khu vực dùng euro đang là thách thức lớn cho khối này.
Nhưng lời khuyên của ông sẽ gây chướng tai gai mắt tại thủ đô các nước châu Âu.
Tiến sĩ Mahathir tin rằng giới lãnh đạo châu Âu đang ở trong tình thế từ chối chấp nhận thực tế.
"Người ta từ chối xác nhận là đã bị mất tiền và do đó trở nên nghèo," ông nói.
"Và người ta không thể khắc phục điều đó bằng cách in tiền được. Tiền không phải là cái gì đó lúc cần thì in ra. Nó phải được hỗ trợ bởi một cái gì đó, hoặc là nền kinh tế tốt hoặc là có vàng."
Tiến sĩ Mahatir có thể là đã 86 tuổi, nhưng ông vẫn giữ quan điểm rất sắc bén.
Ông đặc biệt tin rằng Châu Âu và Phương Tây phải bắt đầu quá trình mất nhiều thời gian cơ cấu lại nền kinh tế của họ để giảm sự phụ thuộc của họ vào khu vực tài chính.
"Tôi nghĩ người ta nên quay lại làm những gì mà tôi gọi là kinh doanh thực sự - sản xuất hàng hoá, cung cấp dịch vụ, kinh doanh không chỉ là chuyện thay đổi các con số trong sổ sách ngân hàng, mà là những gì người ta làm ra".
"Tiền không phải là cái gì đó lúc cần thì in ra, tiền tệ không phải là một mặt hàng"
Điều ông ám ảnh nhiều nhất chính là hoạt động kinh doanh tiền tệ. Tiến sỹ Mahathir tin rằng hoạt động này đã làm thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế Malaysia trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990.
"Tiền tệ không phải là một mặt hàng", ông nói.
"Người ta bán cà phê ... cà phê có thể xay xát được và pha được thành một tách cà phê".
"Nhưng tiền tệ, bạn không thể nghiền nó và làm ra bất cứ gì. Tiền tệ chỉ là số liệu trong sổ sách của ngân hàng và có thể giao dịch với số liệu trong sổ sách của các ngân hàng mà thôi.
"Có phải là một cái gì đó vững chắc để trao đổi, mua bán, tức là lúc đó thì mới làm ra tiền thực sự."
Thông điệp mạnh
Nhưng ngay cả khi châu Âu nghe lời khuyên của ông, Tiến sĩ Mahathir tin rằng sẽ không thể đưa sức khỏe nền kinh tế trở lại như trước nhanh chóng.
"Để khôi phục sự giàu có của mình, người ta phải làm việc trong nhiều năm để xây dựng lại năng lực, để sản xuất hàng hóa và dịch vụ để bán cho thế giới, để cạnh tranh với các nước phía đông," ông nói.

Kuala Lumpur: một đô thị năng động của vùng Đông Nam Á
Người làm công ăn lương châu Âu được trả lương quá cao và không hiệu quả, Tiến sĩ Mahathir nói.
"Tôi nghĩ rằng người ta đã trả tiền nhân viên quá nhiều tiền cho khối lượng công việc quá ít tại Phương Tây", ông nói.
"Vì vậy, người không thể mong đợi để sống ở mức giàu có khi không sản xuất bất cứ gì có giá trị trên thị trường."
Thông điệp của ông là khắc nghiệt, ông thừa nhận, trước khi nở nụ cười: "Chúng tôi thường nhận các thông điệp khắc nghiệt từ Phương Tây trước đây mà, quý vị còn nhớ đấy chứ?"
"Và bây giờ, kết quả là gì ư? Đôi khi người ta làm tổn hại tới đồng tiền của mình và người ta trở nên rất nghèo. Cũng là điều học hỏi lẫn nhau mà thôi. Chúng ta từng đánh giá cao các giá trị châu Âu, thì nay tôi nghĩ cũng nên ngả theo châu Á một chút."
Quả là một thông điệp mạnh mẽ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét