Phạm Tín An Ninh
Tôi gặp anh trong buổi tiệc họp mặt mừng xuân của Hội Biệt Động Quân Nam Cali. Khi nghe giới thiệu, anh đến tìm tôi. Anh cầm tay hỏi lại tên tôi rồi nức nở với hai hàng nước mắt. Tôi ngạc nhiên, đứng dậy, im lặng xúc động nhìn anh khóc. Anh mặc bộ đồ bay màu đen, cao lớn, bô trai. Hàm râu mép vừa tăng vẻ cương nghị oai phong vừa đượm nét hào hoa lẫn một chút phong trần của những người đã từng một thời đi mấy về gió. Tôi vội vã cố lục lọi trong ký ức, nhưng không thể nhớ anh là ai, và đã từng gặp nhau chưa. Có thể là ngày xưa chúng tôi đã cùng tham dự một cuộc hành quân phối họp nào đó. Lúc ấy tôi là lính bộ binh, tham gia nhiều cuộc hành quân trực thăng vận, hoặc được L-19 bao vùng, Hỏa Long soi sáng hay được cận yểm bởi các oanh tạc cơ, mà chúng tôi xem như những chàng dũng sĩ, cứu tinh trong giờ phút lâm nguy.
Tôi có dịp quen biết một số phi công, nhiều nhất là ở các Phi Đoàn trực thăng, nhưng không nhận ra chàng pilot vẫn còn đầy phong độ, đang đứng trước mặt mình.
Tôi có dịp quen biết một số phi công, nhiều nhất là ở các Phi Đoàn trực thăng, nhưng không nhận ra chàng pilot vẫn còn đầy phong độ, đang đứng trước mặt mình.
Khi bớt xúc động, anh đưa tay lau nước mắt và tự giới thiệu:
- Xin lỗi anh, gặp anh tôi xúc động quá, vì nghĩ tới anh tôi. Tôi là em của anh Phạm văn Thặng.
Bây giờ tôi mới hiểu ra. Đúng là tôi chưa gặp anh bao giờ. Sở dĩ anh biết tôi, vì mới đây trong một ký sự về chiến trường xưa, tôi có nhắc lại những trận đánh tại Kontum, và trong đó có kể lại cái chết can trường của người phi công anh hùng Phạm văn Thặng, khi anh đang bay một phi vụ yểm trợ cho chính đơn vị của tôi.
Tôi cảm động, ôm lấy vai anh và mời anh ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh. Chỉ nói chuyện được một lúc, vì cả hội trường đang bừng lên với những bài hùng ca trên sân khấu. Anh cho tôi địa chỉ, số điện thoại và mong được gặp tôi tại nhà anh vào cuối tuần sau. Anh muốn biết tường tận hơn về cái chết của người bào huynh khả kính, cố Trung tá Phạm văn Thặng.
Qua tâm tình, tôi biết anh có một cái tên khá đẹp: Phạm Vương Thục. Trước 75 từng là phi công trực thăng võ trang của một Phi Đoàn kỳ cựu, tiếng tăm Vùng I: Song Chùy - 213. Đọc trên Cánh Thép, tôi còn biết anh từng là Lead Gun (trưởng toán trực thăng võ trang), tham gia trong suốt cuộc Hành Quân Lam Sơn 719. Một trận chiến mà địch quân tập trung hỏa lực phòng không mạnh mẽ nhất từ trước tới nay. Gây thiệt hại không nhỏ cho các đơn vị không quân Hoa Kỳ và Việt Nam tham chiến. Nhờ tài năng, phán đoán nhanh nhẹn cùng với sự bình tĩnh và can trường, anh đã vẫy vùng trên bầu trời trận mạc, bao lần vượt qua cái chết trong đường tơ kẻ tóc để yểm trợ hữu hiệu, cứu nguy cho các lực lượng chiến đấu cũng như cho chính những người bạn trong Phi Đoàn. Có lần phi cơ trúng đạn, anh đã phải đáp khẩn cấp xuống Căn Cứ Hỏa Lực Đồi 30, trong khi Đồi 31 đã bị thất thủ.
Cuối tuần, trước khi đến anh, tôi báo cho anh biết, là tôi vừa gặp người bạn cùng tù thân thiết, là một sĩ quan Lôi Hổ thuộc Nha Kỷ Thuật, vào năm 1972 đồn trú tại căn cứ B-15 ở Kontum. Và cũng là người trưởng toán, chỉ huy việc lấy di thể của anh Phạm văn Thặng từ chiếc oanh tạc cơ bị bốc cháy bên bờ sông Dakbla ngày ấy. Anh Thục rất vui mừng và mong được gặp người bạn Lôi Hổ này sẽ cùng đến với tôi.
Chúng tôi không mấy khó khăn khi tìm đến nhà anh, dù lúc trời đã tối và đang vần vũ một cơn mưa. Chưa kịp bấm chuông là anh đã mở cửa, vui mừng mời chúng tôi vào. Ngôi nhà khá đẹp, bày biện trang nhã. Điều làm chúng tôi bất ngờ cảm động là ở một góc của tầng trên là bàn thờ trang trọng với tấm ảnh chân dung lớn của cố Trung Tá Phạm văn Thặng, một số bạn bè không quân của anh đã hy sinh, năm vị tướng và một số sĩ quan khác đã tuẫn tiết vào giờ thứ 25 cuộc chiến. Chúng tôi đứng nghiêm trước các bức chân dung, lòng ngâm ngùi thương tiếc, cùng cảm kích tấm lòng của anh, người phi công dũng cảm hào hoa vẫn luôn giữ trọn tình với quê hương, chiến hữu.
Chị Thục từ dưới bếp chạy lên vui vẻ chào chúng tôi. Đúng là vợ phi công. Chị rất hiếu khách, bặt thiệp. Sau đó, khi nhìn trên bàn thờ gia đình, thấy tấm ảnh chân dung của Đại tá Trịnh Tiếu, tôi mới biết chị Thục là em gái của vị Trưởng Phòng Nhì Quân Đoàn mà tôi đã vài lần được gặp ở Kontum. Sau 75, Ông từng bị tù đày, tra tấn hành hạ nhiều năm, sức khỏe hao gầy, bệnh hoạn, nên vừa mới qua đời tại hải ngoại. Tấm ảnh của ông mới nhất trong số các bức ảnh chân dung khác trên bàn thờ. Anh Thục kể lại chuyện hai người tình cờ quen nhau, khi anh chỉ huy một phi đội vào Quảng Ngãi tham gia hành quân với Sư Đoàn 2BB. Buổi chiều, trước khi bay về Căn Cứ Phi Đoàn ở Đà Nẳng, anh được BTL/SĐ chuyển lại lời yêu cầu của Đại Tá Trịnh Tiếu (khi ấy là Trung Tá). Thục đã nhận lời chở quan tài của thân sinh đại tá Tiếu từ Quảng Ngãi ra Hội An an táng, và trong “phi vụ” đặc biệt này anh đã quen và làm xiêu lòng cô em gái xinh đẹp của ông, tháp tùng trên chuyến bay.
Trong bàn ăn, chúng tôi kể lại những chuyện vui buồn trong thời lính chiến ngày xưa. Anh Thục cho biết anh được tin máy bay anh Phạm văn Thặng lâm nạn tại Kontum vào lúc 5.30 giờ chiều ngày 26.5.72. Ngay sáng hôm sau Sư Đoàn 1 KQ cho một phi cơ A37 đưa anh từ Đà Nẵng vào phi trường Pleiku. Phi công của chiếc A37 này lại là người em cột chèo của anh, Thiếu Tá Trịnh Đức Tự (sau này đã anh dũng hy sinh tại chiến trường Quế Sơn). Nhưng khi đến Pleiku, anh được cho biết tình hình ở Kontum rất nặng nề, chưa thể tìm được anh Thặng nhưng sự sống sót rất mong manh, không còn chút hy vọng nào. Thục đã bay trở lại Đà Nẵng trong ngày. Đến tối, anh được BTL/KQ cho biết là thi thể anh Thặng đã được đưa về Tử Sĩ Đường ở Tân Sơn Nhất.
Khi anh cùng người anh cả vào nhận xác, thấy đầu anh Thặng không còn, nên quyết định cho tẩm liệm ngay, không muốn cho gia đình biết thêm điều đau đớn này Anh đã tột cùng xúc động khi quá thương tiếc người anh khả kính đã từng có với mình cả một trời kỷ niệm tuổi thơ, đặc biệt khi còn ở miền Bắc. Anh Thặng là người con thứ sáu và anh Thục là người con thứ tám của gia đình. Năm Thục vừa tròn 12 tuổi và anh Thặng 16, đã cùng gia đình di cư vào Nam, sống và lớn lên ở thành phố Huế. Không chỉ là anh em, hai người còn là đôi bạn thân thiết, cùng theo học trường Pellerin nổi tiếng do sự giúp đỡ tận tình của các Linh mục và Sư huynh, trước khi chia tay vào quân ngũ. Vài ngày trước khi hy sinh, như là điềm báo trước, anh Thặng gọi điện thoại về Đà Nẵng thăm anh và hỏi han khá nhiều về mọi người trong gia đình.
Tôi kể lại hành động can trường của anh Thặng mà tôi đã được chứng kiến từ khi anh lên vùng cho đến lúc hy sinh, và người bạn tù Lôi Hổ của tôi kể lại việc lấy xác của anh sau khi lâm nạn. Anh Thục ngồi nghe và khóc sụt sùi. Trước khi chia tay, anh xin địa chỉ e-mail của bạn tôi, bảo sẽ báo tin này cho cô con gái lớn của anh Thặng, hiện định cư ở Đức để cháu cám ơn người đã giúp lấy xác ba cháu. Hai ngày sau, người bạn chuyển cho tôi bức điện thư với lời lẽ rất lễ phép, cảm động dễ thương của cháu Phạm Hồng Phương, con gái lớn của anh Thặng.
Vào tối ngày 29.4, được thư mời của anh Thục, chúng tôi đến nhà hàng Paracell tham dự một Chương Trình Tưởng Niệm do cá nhân anh phối họp với người bạn thân, chiến hữu Đặng Thành Long, một cựu SQ Hải Quân, tổ chức. Anh đón chúng tôi trước cửa Nhà Hàng, nơi có bàn thờ nhiều vị Tướng Lãnh và Sĩ Quan VNCH đã hy sinh tại chiến trường hay tuẫn tiết trước giờ mất nước. Buổi Tưởng Niệm được tổ chức thật chu đáo, và nhiều ý nghĩa, trong không khí tôn nghiêm và cảm động. Tất cả tiền thu được dành hổ trợ những người đấu tranh trong nước đang bị tù đày khốn khổ. Cũng trong đêm nay, tôi được hân hạnh gặp bác sĩ Ngô Thế Khanh, một cựu y sĩ Không Quân tại Pleiku, một người lúc nào cũng trọn tấm lòng với anh em.
Cái tình chiến hữu anh đã dành cho làm tôi cảm động. Tôi cũng được gặp một số các anh phi công khác. Tất cả đều có một thời oanh liệt, ngang dọc trên bầu trời quê hương và hào hùng trên đầu quân địch. Đêm nay cũng có người phi công mà tên anh có lẽ người cựu lính nào cũng biết. Bởi những bài ký sự chiến trường, mà ai đọc qua cũng phải ngưỡng mộ anh, không những cảm phục về tài bay bổng mà còn có một trí nhớ thật phi thường. Người hùng Vĩnh Hiếu, Lead gun của Phi Đoàn Thần Tượng 215. Phi Đoàn mà đơn vị tôi có nhiều gắn bó nhất, lúc còn hoạt động ở khu vực Sông Mao, và khi ấy người anh cả cuối cùng của Phi Đoàn, Trung Tá Khưu văn Phát còn là Đại úy Trưởng Phòng Hành Quân. Đêm nay, đã trải qua 35 năm dâu bể, nhưng Vĩnh Hiếu vẫn rất trẻ trung, với đôi mắt sáng, hàm râu mép hào hoa, nụ cười rạng rỡ, với những cái bắt tay thật chặt ân tình và những chuyện chiến trường, chuyện đồng đội sôi nổi dường như không muốn dứt. Như vậy đó, mà anh đã từng là một phi công trực thăng võ trang gan dạ hào hùng trên khắp chiến trường Vùng 2 khói lửa năm nào. Ngồi nói chuyện với anh, tôi thầm nghĩ, nếu bây giờ trở lại chiến trường, Thần Tượng Vĩnh Hiếu này cũng vẫn là một Lead Gun hào hùng(và hào hoa) như thuở trước.
Qua anh Thục, hôm sau tôi liên lạc được một người bạn phi công anh hùng khác. Người mà tôi đã từng chứng kiến và ngưỡng mộ về tài năng và sự can đảm phi thường. Thiếu Tá Hàn văn Trung. Năm 1973, khi ấy Hàn văn Trung còn mang cấp bậc Đại Úy, giữ chức vụ Trưởng Phòng Hành Quân của Phi Đoàn 235 Sơn Dương ở Pleiku.
Hôm ấy, tôi nhận lệnh Đại Tá Bùi Hữu Khiêm, TMT Sư Đoàn 23BB, cùng bay trên chiếc C&C của Phi Đoàn 235, để bốc khẩn cấp số thương binh, trong đó có Thiếu Tá Cang, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 2/44 ra khỏi căn cứ Võ Định. Căn Cứ nằm phía Bắc Kontum khoảng 15 cây số, bên cạnh QL 14 trên đường đi Dakto, trên ngọn núi trọc, với một cao điểm có khả năng chế ngự các vùng chung quanh. Đặc biệt, ngay phía dưới là con sông Dak La. Bên kia sông trở về hướng Bắc là vùng địch chiếm từ cuối tháng 4/72, sau khi BTL/ SĐ 22BB tại Tân Cảnh bị tràn ngập và vị Tư Lệnh đã lẫm liệt hy sinh, vùi thân nơi chiến địa. Căn cứ này đã trải qua nhiều trận chiến, bao lần bỏ đi rồi chiếm lại, nên bây giờ chỉ còn là một ngọn đồi xám xịt, hoang tàn loang lổ dấu đạn bom.
Thiếu Tá Nguyễn Hữu Cang, tốt nghiệp khóa 17 Võ Bị Đà Lạt, nguyên là Sĩ Quan Nhảy Dù. Trong một cuộc hành quân trực thăng vận tại Đông Hà, anh bị thương nặng ở chân phải. Xụất viện, với một thanh sắt vĩnh viễn nằm trong cái chân khập khiễng, được lệnh thuyên chuyển ra khỏi Nhảy Dù về BTL/Quân Đoàn II, giữ một chức vụ tại Trung Tâm Hành Quân. Chỉ một thời gian ngắn, anh khẩn khoản xin ra đơn vị tác chiến, mặc dù Phòng Tổng Quản Trị từ chối vì tình trạng sức khỏe của anh. Anh tiếp tục xin vị Tư Lệnh, và cuối cùng được toại nguyện, bổ nhiệm về nắm Tiểu Đoàn 2/44, mà vị Trung Đoàn Trưởng trẻ tuổi thao lược, lại là người bạn cùng khóa: Trung Tá Ngô văn Xuân.
Đầu năm 1973, vài ngày trước khi có Hiệp Định Paris (Ngưng Bắn Da Beo), Tổng Thống Thiệu ra lệnh các đơn vị cố gắng mở rộng tối đa vùng kiểm soát, đặc biệt chiếm lấy những vị trí quan trọng để cấm ngọn cờ chủ quyền. Tiểu Đoàn 2/44 nhận lệnh phải chiếm bằng được căn cứ Võ Định, cao điểm trọng yếu tận cùng phía Bắc Kontum.
Với sự yểm trợ hỏa lực mạnh mẽ, hữu hiệu của Không Quân và Pháo Binh, Tiểu Đoàn 2/44 của Thiếu Tá Cang được trực thăng vận bất ngờ xuống ngay vùng địch, đánh một trận khá đẹp, nhanh chóng tiêu diệt lực lượng địch án ngữ phía dưới và dễ dàng chiếm lĩnh căn cứ trên ngọn đồi Võ Định. BCH Tiểu Đoàn, Đại Đội CHYT và một Đại Đội tác chiến trách nhiệm phòng thủ căn cứ. Các Đại Đội còn lại bung ra hoạt động các vùng lân cận. Một toán Công Binh được thả xuống ngay sau đó để tu sửa lại hệ thống phòng thủ, nhất là vị trí dành cho một trung đội pháo binh 105 ly sẽ được thả xuống nay mai. Ngày N+1 tình hình hoàn toàn yên tĩnh, nhưng sáng sớm hôm sau, pháo địch từ bên kia sông thi nhau ập xuống. Địch đã có sẵn các yếu tố tác xạ và sử dụng tối đa các loại pháo, liên tục và chính xác. Những công sự phòng thủ chưa kịp tu bổ xong đã bị phá hủy. Thiếu tá Cang và một số sĩ quan và binh sĩ bị thương, kể cả anh Sĩ Quan trưởng toán Công Binh.
Ngày hôm sau, tình hình trở lại yên tĩnh trong không khí căn thẳng nặng nề. Sau khi Sao Mai 09, (phi cơ quan sát L-19) hướng dẫn hai phi tuần đánh bom vào các điểm nghi ngờ vị trí đặt pháo của địch, hai chiêc trực thăng tản thương, được yểm trợ bởi các gunships, đáp xuống căn cứ để bốc thương binh. Riêng Thiếu Tá Cang tình nguyện ở lại cùng đơn vị. Nhưng khi chiếc thứ nhất vừa đáp, hằng loạt pháo địch lại thi nhau rót xuống. May mắn chỉ có người co-pilot bị thương nhẹ, nhưng máy bay bị trúng đạn, không cất cánh được. Chiếc thứ nhì quyết không bỏ đồng đội, đáp xuống bốc phi hành đoàn trong tiếng nổ và khói lửa mù trời của pháo địch.
Sau khi nghiên cứu kỹ tình hình, BTL Sư Đoàn quyết định rời bỏ căn cứ Võ Định để tránh tổn thất do trận địa pháo của địch. Tiểu Đoàn 2/44 rút về Căn Cứ Eo Gió, nằm phía Nam Võ Định khoảng bốn cây số. Nhưng phải giải quyết số thương vong và anh Tiểu Đoàn Trưởng không thể di chuyển theo đoàn quân bộ chiến được. Tôi được vị Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn giao cho trách nhiệm tháp tùng trên chiếc C&C của Phi Đoàn 235 thi hành nhiệm vụ khá gay go nhưng rất khẩn cấp này.
Đến bãi đáp B15, tôi gặp người chị huy hợp đoàn trực thăng hôm ấy. Rất vui mừng khi gặp lại Đại Úy Hàn văn Trung, Trưởng Phòng Hành Quân Phi Đoàn 235. Tôi đã từng bay đổ quân với anh vài lần, thích bản tính vui vẻ và thầm thán phục về khả năng chỉ huy và bay bổng của anh. Sau khi nghe tôi trình bày tình hình và mục tiêu, cũng như lời dăn dò của vị TMT /SĐ, Đại Úy Trung gọi các phi công lại để bàn kế hoạch. Tôi lên chiêc C&C do Trung điều khiển, cất cánh trước cùng với hai trực thăng võ trang. Sau một vòng bay để quan sát kỹ lưỡng địa thế, anh Trung bay vòng lại và gọi tất cả phi cơ còn lại lên vùng. Tôi thấy anh cho một số phi cơ bay tản ra nhằm đánh lạc hướng địch, để hai trực thăng khác bất ngờ đáp xuống căn cứ. Nhưng không tránh được sự quan sát của địch. Chiếc trực thăng vừa can đảm xuống thấp và lấy hướng an toàn bay vào, thì pháo địch đã nổ ngay trên bãi đáp. Đại Úy Trung cùng hai trực thăng võ trang liền xuống thấp yểm trợ, và cùng lúc ra lệnh cho chiếc trực thăng này bay ra theo hướng an toàn nhất, chiếc thứ hai bay từ hướng khác tìm cách bất ngờ xuống bãi đáp. Nhưng pháo địch tiếp tục ập xuống. Nhìn chiếc trực thăng bay lên từ trong một vùng khói lửa, chúng tôi ai cũng căng thẳng, hồi họp lo âu. Đại úy Trung ra lệnh cho cả hợp đoàn bay về Kontum lấy xăng.
Sau gần một giờ nghỉ ngơi và nghiên cứu một kế hoạch khác, Đại úy Trung gọi các phi công lại, thảo luận kế hoạch và phân chia nhiệm vụ. Lần này anh sẽ đích thân lái chiếc C&C đáp xuống bốc thương binh. Dường như Trung vừa mới quyết định một điều bất thường, ngoại lệ, nên tất cả mọi người đều tròn mắt nhìn anh ái ngại. Anh nổ máy, đích thân điều khiển phi cơ. Anh bay thật thấp dọc theo con suối chảy dài phía bên trái quốc lộ 14, trong khi hai gunships bay hai bên và tác xạ trước vào các điểm nghi ngờ. Hơp đoàn còn lại bay theo phía sau xa. Anh bay thấp đến nỗi các hàng lau sậy nằm rạp xuống ngay dưới bụng máy bay, nước dưới suối bắn tung lên. Đã từng rất nhiều lần ngồi trên trực thăng, nhưng chưa bao giờ tôi bị “bay” rất nhanh với một độ thấp như thế. Mấy lần tôi suýt thét lên, khi chợt thấy phía trước là một cây cao hay một tảng đá, nhưng anh đã tài tình lách qua tránh khỏi. Tôi có cảm tưởng chiếc trực thăng như là một món đồ chơi nhỏ bé trong tay anh.
Con suối khá dài, dẫn tới triền đồi Võ Định. Anh Trung tiếp tục bay sát theo ngọn đồi. Tôi có cảm giác như chiếc trực thăng đang bò lên căn cứ. Địch quân không hề hay biết. Nhưng khi anh bất ngờ đáp xuống, bụi mù bốc lên, địch mới phát hiện và pháo bắt đầu nổ. Cát, sạn, và có thể có cả mảnh đạn nữa, bay rào rào vào thân và kiếng phi cơ. Nắm chặt khẩu M-18, tôi chưa biết xử trí thế nào, thì thấy anh Trung bảo người co-pilot giữ cần lái, rồi mở cửa máy bay nhảy xuống. Tôi nhảy theo anh, chạy về hướng hầm chỉ huy đốc thúc, phụ lực khiêng và dìu thương binh ra phi cơ. Thương binh khá đông, có tới trên 10 người. Thiếu Tá Cang nhìn chúng tôi lo lắng, nhưng đại úy Trung rất bình tĩnh ra dấu cho tất cả lên máy bay. Đạn pháo vẫn tiếp tục rót xuống, một vài thương binh lại bị thêm ít mảnh đạn. Trung là người cuối cùng bước lên tàu khi anh co-pilot điều khiển cho phi cơ quay đầu lại và bay nhanh xuống đồi.
Đáp xuống bãi đáp B-15. nhìn thấy trên thân và kiếng phi cơ lỗ chỗ nhiều vết đạn, Thiếu Tá Cang và tôi đã ôm chầm lấy Trung và người co-pilot. Giọt nước mắt biết ơn và cảm phục đã lăn xuống gò má của tất cả những người lính bộ binh vừa được Trung và phi hành đoàn bốc ra từ cõi chết.
Trở về Trung Tâm Hành Quân Sư Đoàn ở căn cứ B-12, tôi gặp hai ông Đại tá Tư Lệnh Phó và TMT Sư Đoàn. Kể lại phi vụ đặc biệt của Phi Đoàn 235, tôi hết lời ngợi ca và xin đề nghị tưởng thưởng cho đại úy Trung một Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu, và các anh còn lại của phi hành đoàn mỗi người một ngôi sao vàng. Hai ông đại tá hứa sẽ làm theo đề nghị của tôi( Nhưng không biết sau này kết quả ra sao). Một vị Trung tá KQ ngồi cạnh anh Sĩ Quan Không Trợ, mà khi vừa mới bước vào tôi không để ý, quay sang nhìn tôi cười:
- Tay Trung này thì có tài và liều lĩnh lắm, nhưng cũng là một tay coi trời bằng vung. Nó đùa giỡn với chiếc máy bay như là một món đồ chơi. Thích biểu diễn kiểu nào là nó làm ngay, và dù có bị “ký củ” hơi nhiều, vẫn cứ cười tỉnh bơ. Vì vậy nên có thừa tài năng và can đảm, nắm Trưởng Phòng Hành Quân mà vẫn chưa mang Thiếu tá được!
Tôi không còn nhớ rõ là đó là Trung Tá Quang hay Trung Tá Vĩnh Quốc. Nhưng tất cả mọi người trong TTHQ đều cười và thán phục. Sau này Thiếu Tá Cang nhận Trung là người anh em kết nghĩa. Sau một cuộc hành quân trở về, hai chàng lại gặp nhau, bù khú ngay trong căn cứ dã chiến của Tiểu Đoàn. Mùa hè 2010, gặp lại anh Cang trong Buổi Họp Mặt Khóa 17 VBĐL tôi báo cho anh biết là tôi vừa nói chuyện với Hàn Văn Trung trong điện thoại. Mắt anh Cang sáng lên. Mừng như sắp được gặp lại người tri kỹ.
Trong cuộc chiến Việt Nam, những chàng pilot nổi tiếng hào hoa ở thành phố. Là thần tượng của các cô con gái đẹp. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng, những chàng trai trẻ ấy lại là những chiến sĩ rất hào hùng trên khắp các chiến trường. Bao phen xem cái chết tựa lHCMng. Địch quân khiếp sợ. Không có chiến tích nào mà thiếu sự tham dự của các chàng trai hào hoa ấy. Với những người lính bộ binh như chúng tôi, các Bạn luôn là những cứu tinh, là niềm hy vọng khi đơn vị bị lâm nguy, hay gặp khó khăn trên con đường tiến quân vào vùng địch. Các Bạn cũng là ân nhân của bao nhiêu thương binh và gia đình tử sĩ. Không có sự can trường, sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy của các Bạn, có biết bao chiến binh đã phãi vĩnh viễn nằm lại tại chiến trường, ở một vùng núi rừng lạnh lùng vô danh nào đó. Tôi đã từng theo dõi những phi vụ tản thương của Phi Đoàn 243 Mãnh Sư, từ căn cứ Phù Cát đã phải bay lên Cao Nguyên trong những đêm khuya gió mưa tầm tã. Có chiếc lạc vào những đám sương mù dày đặc, và rớt trên đỉnh núi cùng với số thương binh của chính đơn vị tôi vừa mới được bốc lên. Tôi đã đứng nghiêm trong TTHQ để đưa tay chào vĩnh biệt!
Các Bạn đúng là những cánh én đã từng mang lại bao mùa Xuân cho đồng đội, cho quê nhà. Những cánh én ấy, giờ đây, dù đã phải trải qua bao thăng trầm nghiệt ngã, dù tan tác chia lìa khắp muôn phương, nhưng vẫn luôn khát khao vẫy vùng trên bầu trời xưa cũ. Tiếc rằng, chúng ta đã phải trải qua một mùa Đông quá dài. Dài hơn cả đoạn đời đẹp đẽ nhất, khi các Bạn còn bay bổng trong bầu trời xanh, trong lửa đạn, mà vẫn vui đùa trước lằn ranh sống-chết nhiều khi còn mỏng hơn sợi tóc.
Mãi mãi các Bạn vẫn là những cánh én hào hùng. Cho dù những cánh én ấy đang phải ẩn mình để chờ đợi một mùa Xuân.
Phạm Tín An Ninh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét