Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2012

Mỹ tạm hoãn việc triển khai phi cơ vận tải tại Nhật

Phi cơ MV-22 (Osprey) bay thử nhân dịp phái đoàn Nhật viếng thăm Lầu năm góc (Reuters)
Phi cơ MV-22 (Osprey) bay thử nhân dịp phái đoàn Nhật viếng thăm Lầu năm góc (Reuters)

Hôm qua 03/08/2012, hai bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Nhật đồng ý tạm duy trì máy bay trực thăng vận tải Osprey trên bộ để làm sáng tỏ về mức độ an toàn trước khi triển khai loại phi cơ này đến căn cứ quân sự Futenma. Quyết định trên được đưa ra sau 2 chiếc Osprey bị nạn gần đây.

Họp báo sau khi tiếp đồng nhiệm Nhật Bản Satoshi Morimoto tại Lầu Năm Góc hôm qua, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Leon Panetta tuyên bố : « Trước những lo ngại từ phía chính quyền Nhật Bản về mức độ an toàn của phi cơ MV-22 Osprey, trước mắt Hoa Kỳ tạm ngưng kế hoạch triển khai các phi vụ với loại trực thăng vận tải này (…) Nhật Bản là một đồng minh lâu đời của Mỹ, Washington luôn luôn tôn trọng quan ngại của Tokyo để đôi bên cùng tìm ra những giải pháp thỏa đáng ».
Tuy nhiên, đây chỉ là quyết định tạm thời trong khi chờ đợi báo cáo về mức độ an toàn của phi cơ Osprey. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định ông hoàn toàn tin tưởng vào mức độ an toàn của máy bay vận tải Osprey. Cho dù vào tháng 6 vừa qua, một chiếc Osprey đã gặp tai nạn tại bang Florida làm 5 phi hành đoàn bị thương. Hai tháng trước đó một chiếc MV-22 Osprey cũng đã bị rơi tại Maroc làm 2 lính thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tử vong. Trên nguyên tắc, trong tháng này Hoa Kỳ sẽ thông báo với phía Nhật Bản kết quả điều tra của hai tai nạn kể trên.
Gần đây; Hoa Kỳ đã đưa 12 máy bay vận tải MV-22 Osprey đến căn cứ hải quân Mỹ tại sân bay Iwakuni gần Hiroshima, đảo Honshu. Theo dự kiến, đội ngũ phi cơ nói trên sẽ được triển khai tại căn cứ quân sự Futenma trên đảo Okinawa. Đây là nơi một nửa lực lượng quân sự Mỹ tại Nhật Bản đang đồn trú và cũng là một địa điểm chiến lược. Kế hoạch gửi phi cơ Osprey đến Futenma đã bị dư luận Nhật phản đối vì lo ngại nguy cơ xảy ra tai nạn tại một vùng có đông dân cư ngụ.
Bất đồng về kế hoạch triển khai phi cơ Osprey là mối căng thẳng mới trong đối thoại quân sự Mỹ -Nhật vào thời điểm mà chính quyền Obama đang tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại Châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng theo bộ trưởng Quốc phòng Nhật, điều đó không cấm đôi bên thảo luận về những hướng hợp tác mới trong lĩnh vực quân sự, trong đó, có việc đẩy mạnh các cuộc tập trận chung hay cùng nghiên cứu để phát triển loại phi cơ không người lái.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét