Đỗ Bình
Võ Thị Trúc Giang Lúa 9 là bút hiệu ghép của Võ Thị Tường Vi, một thiếu nữ
đầy tính đam mê lãng mạn, yêu văn chương từ thuở học trò, sau thành một cô giáo
đứng trên bục giảng hồn vẫn mộng nơ. Sau biến cố năm 75, giã từ cây cầu tre,
phố thị, Tường Vi làm một cánh chim lưu lạc xứ người mang theo cả màu trời quê
hương với bao hoài niệm. Có lẽ những hoài niện đong đầy tình yêu đã vỗ về nỗi
cô đơn kết tạo thành những chất liệu của tâm hồn nên đã thôi thúc Tường Vi phải
viết ra những điều trăn trở ẩn dấu trong lòng. Sự chân thành và dòng cảm xúc
dạt dào đã mở đường cho Võ Thị Tường Vi thành văn sĩ, có lẽ thế tác giả đã thực
hiện tập truyện đầu tay, mang tính tùy bút có tựa là: Tình Yêu Nuôi Tôi Lớn. Sự
hoài niệm tình quê hương đã thể hiện qua bút hiệu: Trúc Giang tên một giòng
sông quê hương tác giả. Lúa 9 được ghép vào từ khi Tường Vi dọn qua Pháp sống
tại làng nhỏ tên là Neufgrange. Neufgrange là 9-vựa-lúa.
Với một tâm hồn đầy chất đồng quê, miệt vườn đã thấm vào văn phong của Trúc
Giang Lúa 9 nên hương văn ngọt ngào thơm mùi lúa chín, trong đó có lẫn chất
triết lý nhân sinh. Trong tác phẩm có những đoạn diễn tả thân phận con người về
hạnh phúc và đau khổ, phải chăng do những nỗi buồn của quê nhà, những quay quắt
ở xứ người mà tác giả có những ý tưởng trên ? Tác giả viết :Cuộc sống không
thể thiếu Tình Yêu, nhật ký ngày 24 tháng 3 năm 2006.
Thuở còn đi học Trúc Giang thích nhạc trịnh Công Sơn, yêu thơ Nguyễn Tất
Nhiên, thơ nhạc đã thấm vào hồn. Trong tác phẩm Thà Như Dòng Sông Chảy có đoạn:
Để gió cuốn đi, âm hưởng dòng nhạc họTrịnh :«Sống trong đời sống cần có một
tấm lòng… để gió cuốn đi…».Trúc Giang vẫn lạc quan yêu đời vì mọi chuyện
rồi sẽ qua. Tâm hồn nghệ sĩ thì mênh mông như thế, nhưng chắc gì gió có thể
cuốn đi hết những vui buồn của cuộc đời ? Nếu thế thì đời chẳng còn tiếng thở
dài ? Tình yêu quả phức tạp ! Nhà văn Trúc Giang Lúa9 thổ lộ : « Có người
yêu thì hạnh phúc; có người yêu thì đau khổ. Nhưng dùđau khổ hay hạnh phúc thì
con người vẫn muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại. Con người không thể sống mà
không yêu....»( TCS )
Cũng trong lãnh vực tình yêu của khung trời văn nghệ, vào năm 1970 thi sĩ
Nguyễn Tất Nhiên viết bài thơ Khúc Tình Buồn, được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành
nhạc và đã đổi Tụa là: Thà Như Giọt Mưa, đã trở thành một ca khúc nổi tiếng và
nhờ đó công chúng biết đến bài thơ. Lời thơ mang chút triết lý nhân sinh, nhưng
ý thơ lại diễn tả một mối tình tuyệt vọng : «Thà như giọt mưa vỡ trên tượng
đá, thà như giọt mưa khô trên tượng đá, có còn hơn không ?... » Giọt mưa
vốn đã mong manh, nếu rơi trên đường sẽ biến vào không gian, nào ai biết ?
Nhưng giọt mưa trong thơ là khối tình được ẩn dụ qua hình tượng như giọt thủy
tinh rơi vỡ trên tượng đá tan thành trăm mảnh. Phải chăng thà là cứ yêu để tình
tan vỡ, như thế vẫn còn được quyền yêu dù tình đơn phương ? Chẳng biết yêu hay
không có quyền yêu thì thật là đau khổ !Do đó ý nghĩa của câu : «Có còn hơn
không» đối với những kẻ đang yêu thật là giản dị, chẳng triết lý cao xa, nhưng
lý giải lý lẽ tình yêu lại là một triết lý ?
Trong những đoạn tùy bút của Trúc Giang người đọc không khỏi thắc mắc: Có
thật một Trúc Giang ngoài đời đầy lãng mạn, đam mê, đa cảm như trong tiểu
thuyết ? Văn tức là người. Tôi may mắn gặp lại vợ chồng và bà chị củaTrúc Giang
cùng một số bạn văn sĩ ở Paris hè năm ngoái 2011, và có lần giới thiệu Trúc
Giang trong buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật: Tác Phẩm và Tác Giả do Câu Lạc
Bộ Văn Hóa Paris tổ chức chủ đề Thu Tao Ngộ năm 2009 cùng với các bạn văn nghệ
sĩ khác đến từ Mỹ,Canada, Âu Châu. Trúc Giang ngoài đời rất nhiệt thành, chân
tình với bằng hữu, rất ngoan trong gia đình qua lời của chị và chồng. Trúc
Giang may mắn được gặp một người chồng tri kỷ hiểu mình khuyến khích Trúc Giang
sáng tác. Bên một người thông thông minh, đẹp trai, galăng và thành đạt nhưng
Trúc Giang vẫn tìm cho mình một mẫu người trong tưởng tượng để sáng tác và nặn
ra một con người mà ngay chính mình cũng không hiểu ? Nhiều khi trong tác phẩm
của Trúc Giang có hình ảnh người tình thuở học trò, người chồng và bằng hữu.
Những ráp nối hìn hảnh của kỷ niệm trong tiềm thức, cùng với nguồn cảm xúc dạt
dào tuôn chảy theo con chữ mà không dấu diếm nên đã tạo thành tác phẩm. Có lẽ
thế, văn thơ của chị có một chỗ riêng đó là hình ảnh quê hương mang đậm nét
giòng sông Trúc Giang và cánh đồng lúa chín.
Trúc Giang đã có những bài thơ tình hay, những bài thơ tình làm sau này tứ
thơ cũng chỉ lập lại ý cũ, nhưng Trúc Giang họa thơ tình thì đặc sắc. Trúc
Giang đã nhập vào hồn thơ, hóa thân thành người tình trong thơ, đôi khi bài họa
lại lãng mạn sướt mướt hơn bài xướng, vì lạc vào ý mới. Về Thơ Xướng Họa,
thường làm những bài thơ họa mà hay hơn bài thơ xướng rất ít, phải có tài và là
thi sĩ mới họa những bài hay. Nhưng trong thế giới « ảo » sự vay mượn cảm xúc
khó tìm ra dấu vết cuộc tình thật ! Những bài thơ tình vang bóng một thời về
những mối « tình dang dở » sẽ thêm một lần đau !
Thà Như Giòng Nước Chảy, mãi mãi là bài tình ca ẩn hiện trong tâm hồn lai
láng của Võ ThịTrúc Giang.
Đỗ Bình
Paris 27.07.2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét