Tâm Thanh (Na-Uy)
Người
tỵ nạn ra đi không mang theo hành lý nào ngoài chút di sản tinh thần,
trong đó có ngôn ngữ. Trong gia đình, ta vẫn nói tiếng Việt, suy nghĩ
như người Việt, và vì lý do nọ lý do kia, vẫn tiếp xúc với tiếng Việt
nơi quê cũ. Người yêu tiếng Việt và để ý một chút các hiện tượng ngôn
ngữ, sẽ đau lòng thấy tiếng Việt nơi đất Việt xuống dốc thê thảm, thấy
10 người làm văn hóa tại Việt Nam tươi cười
giữa màu đỏ chói cách mạng dưới khẩu hiệu “bánh trưng.” Một lỗi chính tả
như thế
trước hằng trăm (hay ngàn?) con mắt mà không ai thấy, tố cáo sự ngu dốt,
nhưng ngu dốt không phải là một tội lỗi. Coi thường di sản tinh thần
dân tộc mới là tội lỗi. Ráng vận động cho Vịnh Hạ Long được liệt vào
hàng kỳ quan thế giới, trong khi bỏ bê tiếng mẹ đẻ, là phô trương cái
cành mà hủy lấp cái gốc của văn minh - tiếng nói. Họ cử cán bộ ra ngoại
quốc mở lớp Việt ngữ cho con em “Việt kiều,” trong khi cán bộ nói tiếng
Việt sai, ngọng, chứng tỏ họ không định bảo tồn tiếng Việt, mà chỉ để
đầu độc con nít.
|
Mục
đích của bài này là trình bày sự bê bối của tiếng Việt tại Việt Nam bây
giờ; sau đó, đặt vấn đề nên ứng xử như thế nào, trong đó tôi chủ trương
“chiêu hồi” - không vất bỏ những chữ ta quen đóng dấu là “từ Việt
cộng,” mà trả chúng về vị trí ngôn ngữ nguyên thủy của chúng, và sử dụng
chúng một cách đúng đắn.
Nhưng trước hết những chữ nào đã bị đóng dấu lầm?
1). Những từ ngữ bị đóng dấu lầm
Tôi
chọn bảng “Ðối chiếu từ ngữ VC và từ ngữ VNCH” (trong bài Nỗi buồn
tiếng Việt sau 1975, Diễn đàn Ðiện tử Việt Nam) của tác giả Trần Văn
Giang, làm khởi điểm bàn luận, vì nó phong phú nhất, tác giả là người
nghiên cứu và viết nhiều về văn hóa, chính ông đã kêu gọi góp ý cho bảng
đối chiếu công phu của ông.
Ðôi
khi tôi bắt chước ông, dùng chữ “VC” và “VNCH.” Nhưng tôi thích ý niệm
“miền ngôn ngữ” hơn - để chỉ một bên là tiếng Việt, bên kia là đặc ngữ
XHCN. Tôi cũng xin cáo lỗi trong phần chú thích ngoại ngữ tôi dùng tiếng
Na-uy là tiếng quê hương mới của tôi, nhưng để độc giả ở xứ khác cũng
thông cảm, tôi thêm tiếng Anh là tiếng tôi biết lõm bõm.
Trong hơn 200 cặp từ ngữ của ông TVG, tôi trích 25 cặp gồm 10 cặp đầu tiên, sau đó nhặt tình cờ.
Từ ngữ VC
|
Từ ngữ VNCH
| |
ấn tượng
|
đáng ghi nhớ, đáng nhớ
| |
bác sỹ, ca sỹ
|
bác sĩ, ca sĩ
| |
bang
|
tiểu bang
| |
bảo quản
|
che chở, giữ gìn
| |
bài nói
|
diễn văn
| |
bèo
|
rẻ tiền
| |
bóng đá
|
túc cầu
| |
bổ sung thêm,
|
bổ túc
| |
bồi dưỡng (hối lộ?)
|
nghỉ ngơi, săn sóc, chăm nom, ăn uống đầy đủ
| |
bức xúc
|
dồn nén, bực tức
| |
bất ngờ
|
ngạc nhiên
| |
cách ly
|
cô lập
| |
cảnh báo
|
báo động, lưu ý
| |
chất xám
|
trí tuệ, thông minh
| |
chế độ
|
quy chế
| |
động thái
|
động lực
| |
động não
|
vận dụng trí óc, suy luận, suy nghĩ
| |
hoành tráng
|
nguy nga, tráng lệ, đồ sộ
| |
huyện
|
quận
| |
lý giải
|
giải thích (explain)
| |
nâng cấp
|
nâng hoặc đưa giá trị lên
| |
nhà khách
|
khách sạn
| |
nhất quán
|
luôn luôn, trước sau như một
| |
thị phần
|
thị trường chính xác
|
Nhận xét:
“Ấn tượng”:
tiếng của hai miền. Từ hồi còn nhỏ, tại Sài Gòn, tôi đã đọc, nghe
“trường phái ấn tượng, ấn tượng còn đậm trong trí cô Tư, bản nhạc gây ấn
tượng quê hương.” Cái khác là ngày nay trong nước dùng “ấn tượng” vừa
như danh từ vừa như động từ. Ngày xưa ta nói “Bản nhạc gây ấn tượng,”
ngày nay người trong nước nói “Bản nhạc ấn tượng,” chỉ bớt đi chữ “gây”!
“Ðáng ghi nhớ, đáng nhớ” không phải là tiếng Việt tương đương cho “ấn
tượng.”
“Bác sỹ”:
viết y dài là sai, nhưng - cũng như trường hợp “bánh trưng” - không
phải nhà cầm quyền chủ trương như vậy. Cứ giở sách báo hai miền ra đọc,
ta sẽ thấy cả hai miền đều nhiều người viết đúng, ít người viết sai.
“Bang”:
Ta quen nghe “tiểu bang” khi nói về state của Mỹ, nên thấy không thuận
tai khi nghe người Hà Nội gọi tắt là “bang.” Nhưng “bang” (đứng một
mình) đã được dùng ngay từ thời Trạng Trình - “Sấm động Nam bang/Vũ quá
Bắc hải.”
“Bảo quản”:
Việt Nam Tự điển Lê Văn Ðức, “bảo-quản đt (Pháp): Bảo thủ và quản xuất,
giữ sổ bộ, đăng ký, điền thổ, cải chính và cấp phát bản sao.”
“Bài nói”:
Tôi gặp “bài nói chuyện, bài tham luận, bài phát biểu” ở cả hai miền,
mà chưa gặp “bài nói” đứng một mình bao giờ (nhưng tôi tin rằng tác giả
TVG có gặp nên mới chép vào bảng đối chiếu). Ngược lại, chữ “diễn văn”
tôi thấy nhan nhản trên báo chí Việt cộng, VNCH và hải ngoại. Như vậy
“diễn văn” là chữ Việt thông dụng ở mọi miền.
“Bèo”
là nói tắt thành ngữ dân gian “rẻ như bèo,” tiếng lóng, chưa thấy trong
văn bản chính thức của CS. Và tất nhiên “rẻ” được dùng rộng rãi ở cả
hai miền ngôn ngữ.
“Bóng đá”:
Ðào Ðăng Vỹ, trong Pháp Việt Từ điển, dịch football là: môn bóng tròn,
túc cầu, đá bóng, đá banh. Vậy nói “bóng đá” không sai, nhưng ngày nay
trong nước dùng thay cho “túc cầu.”
“Bổ sung”
ta cũng dùng rất thường trong Nam - “bổ sung quân số,” “lần tái bản này
đã được bổ sung.” Vậy “bổ sung” và “bổ túc” được dùng ở cả hai miền
ngôn ngữ.
“Bồi dưỡng”
được dùng ở cả hai miền (Miền Nam, xin coi Việt Nam Tự điển Lê Văn Ðức,
chẳng hạn). Cán bộ CS nói “kỳ hè giáo viên đi bồi dưỡng” nghe kỳ cục,
nhưng nếu nói “bồi dưỡng chính trị” thì về phương diện ngữ pháp, không
có gì sai cả. Tác giả TVG có lý khi cho rằng “tẩm bổ” là từ tương đương;
những chữ còn lại (nghỉ ngơi, săn sóc, chăm nom, ăn uống đầy đủ) là mô
tả chi tiết chứ không phải danh từ tương đương với “bồi dưỡng.”
“Bất ngờ” và “ngạc nhiên” đều được dùng ở cả hai miền. Nhưng hai chữ có ý nghĩa khác nhau hoàn toàn.
“Bức xúc”
là tiếng đặc thù trong xã hội VN bây giờ. Nhưng ông TVG đưa hai chữ
“dồn nén” và “bực tức” làm chữ tương ứng của VNCH, thì không đúng.
“Cách ly”
và “Cô lập” đều được dùng ở cả hai miền ngôn ngữ. Việt Pháp Từ điển Ðào
Ðăng Vỹ: “cách ly, cách biệt: séparé l'un de l'autre.” “Cách ly” và “cô
lập” không đồng nghĩa hoàn toàn với nhau, thí dụ trong câu sau, còn
nghịch nhau là đàng khác: “Cần cách ly bệnh nhân này, nhưng đừng cô lập
họ.”
“Cảnh báo” và “báo động”
được dùng ở cả hai miền. Thí dụ Miền Nam: Việt-Pháp Từ điển Ðào Ðang Vỹ
viết “Cảnh báo” : signaler, avertir. Tân Ðại Tự điển Việt Anh Nguyễn
Văn Tạo: “Cảnh báo: alarm.” Chính xác hơn, cảnh báo là báo trước nguy cơ
có thể tới để đề phòng; báo động là báo khi nguy cơ bắt đầu xảy ra để
tránh thoát.
“Chất xám”
vẫn được dùng tại Miền Nam (môn vạn vật lớp đệ tứ và đệ nhị) với cả
nghĩa đen lẫn nghĩa bóng (trí thông minh) Cả hai đều được dùng tại VNCH.
Bảo “chất xám” chỉ được VC dùng, là sai.
“Chế độ” và “quy chế”:
cả hai được dùng tại Miền Nam, với ý nghĩa khác nhau. “Chế độ”: thể chế
chính trị, ăn theo chế độ, chế độ cũ/mới, chế độ thuế khóa. “Quy chế”:
quy chế công chức, quy chế nghiệp đoàn. Không hiểu căn cứ vào đâu mà bảo
rằng chữ “chế độ” của VC có nghĩa tương đương với “quy chế” của VNCH.
“Ðộng thái” và “động lực”
hoàn toàn khác nhau, nhất là trong lãnh vực tâm lý, một đàng biểu lộ
ra, một đàng tiềm tàng bên trong. “Ðộng thái” hay “tác phong”: (Anh:
behavior, Na-uy: atferd): hành vi biểu lộ ra bên ngoài quan sát được; ta
có chữ “trường phái tâm lý học động thái/ tác phong” (behaviorism).
Ðộng lực: (Anh: motive; Na-uy: motiv) là sức ngầm thúc đẩy hành vi. Td:
“Cảnh sát chưa tìm ra động lực của vụ giết người.” Cả hai chữ đều được
dùng tại Miền Nam;
nếu chúng không được phổ biến, là vì chúng thuộc lãnh vực chuyên môn
chăng.
“Ðộng não”
cũng là danh từ quen thuộc tại Miền Nam (ít nhất trong môn tâm lý sư
phạm). “Vận dụng trí óc” gần đúng với “động não,” nhưng không phải là
chữ của Miền Nam thay cho “động não.” Còn “suy luận, suy nghĩ” đều được
dùng ở cả hai miền, với nghĩa hơi khác với “động não.”
“Hoành tráng”
theo Tự điển Lê Văn Ðức đồng nghĩa với “hoành lệ” nghĩa là “rộng lớn,
đẹp đẽ” (đúng như ông TVG hiểu). Như vậy “hoành tráng” thuộc kho tàng
ngữ vựng Việt Nam, không nên hiến cho VC độc quyền. (Tại sao ta có
khuynh hướng dị ứng với chữ này và nhiều chữ khác, tôi sẽ có vài dòng
giải thích ở phần hai).
“Huyện” và “quận”
là danh từ chỉ đơn vị hành chánh qua bốn thời đại, Pháp, Quốc gia (Bảo
Ðại), VNCH và VN XHCN. Thời Pháp huyện nhỏ gọi là “huyện” (đứng đầu là
tri huyện), huyện lớn gọi là “phủ” (đứng đầu là tri phủ hay đốc phủ sứ).
Thời Bảo Ðại, tương tự. Thời VNCH tất cả đều gọi là “quận,” không phân
biệt lớn hay nhỏ, thành thị hay nông thôn, đứng đầu là “quận trưởng.”
Ngày nay dưới chế độ CS, ở thành thị đơn vị hành chánh này gọi
là “quận,” ở nông thôn gọi là “huyện.”
“Lý giải” và “giải thích”:
Cả hai đều được dùng từ lâu ở cả hai miền. Hai chữ có nghĩa khác nhau.
Giải thích là cắt nghĩa. Lý giải là giải nghĩa tường tận cho ra lẽ.
“Nâng cấp”
đúng là từ ngữ riêng của VC và phần nào có nghĩa là “nâng/ đưa giá trị
lên” như tác giả TVG nói. Nhưng chữ tương đương phía Việt Nam thì tùy
trường hợp - nếu VC nói “nâng cấp cái ô tô” ta nói “trùng tu cái xe
hơi”; VC nói “nâng cấp đường sá,” ta nói “tu bổ đường sá”; VC nói “nâng
cấp khuôn mặt” ta nói “sửa mặt.” Tóm lại linh động là một đặc tính của
tiếng Việt; máy móc là một đặc tính của tiếng VC.
“Nhà khách”
đối với “khách sạn”: điều này tôi miễn bàn, độc giả tự nhận thấy ngày
nay còn bao nhiêu hotel tại VN được gọi là “nhà khách.” Hơn nữa, theo
qui ước ngành du lịch, “nhà khách” hay “nhà trọ” có tiêu chuẩn thấp hơn
“khách sạn.”
“Nhất quán”
không phải là từ ngữ riêng của VC, và “luôn luôn, trước sau như một”
không phải chữ tương ứng của VNCH. Ông Lê Văn Ðức định nghĩa rất chính
xác, gọn mà thâm thúy: “Nhất quán: một lẽ mà suốt cả mọi lẽ. Thí dụ: lý
thuyết nhất quán.” Chữ “nhất quán” quý lắm, không thể bán rẻ cho VC
được!
“Thị phần”
theo các nhà kinh tế trong nước ngày nay là bách phân mà VN chiếm được
trên thị trường thế giới, thí dụ họ nói “Cà phê Việt Nam có thị phần rất
nhỏ trên thị trường thế giới.” Theo sự hiểu biết nông cạn của tôi, VNCH
không có chữ “thị phần.” Còn chữ “thị trường” được phổ biến ở cả hai
miền.
“Xác tín”
là tin chắc , “chính xác” là đúng y, hai chữ không liên quan gì tới
nhau, và được dùng đề huề ở cả hai miền (thậm chí có thể Miền Nam dùng
“xác tín” nhiều hơn Miền Bắc).
Miền Nam còn dùng “thâm tín” nữa.
Kết luận: Rất nhiều từ ngữ mà chúng ta cho là của VC, thực ra là của Việt Nam. Vậy tiếng nào là tiếng VC?
|
|
2). Ðặc trưng ngôn ngữ XHCN
Nhiều
vị coi đảo ngữ là một đặc tính của ngôn ngữ XHCN. Tôi không đồng ý, bởi
vì cụ Nguyễn Du đã đảo ngữ (“Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng”); Tự
lực Văn đoàn đảo ngữ nhiều hơn; Sáng Tạo đảo ngữ nhiều và độc đáo. Tác
dụng của đảo ngữ là thay đổi nhịp điệu và cả ý tứ nữa. Không hoàn toàn
giống nhau giữa “đơn giản” và “giản đơn,” giữa “bảo đảm” và“đảm bảo,”
giữa “thành hình” và“hình thành,” giữa “mến yêu” và “yêu mến.” Trong khi
đó “Úc Châu” hay “Châu Úc” không khác nhau lắm về tác dụng ngữ học (tôi
đoán họ viết Châu Úc vì cho rằng trong
tiếng Việt, chủ ngữ đứng trước thuộc ngữ. Còn ta viết ngược lại là theo
trật tự Hán Việt). Tôi cũng không thấy người cộng sản nói tắt nhiều hơn
chúng ta. Họ nói “căng” thay vì “căng thẳng,” ta cũng nói “gay” thay cho
“gay go,” “ganh” thay cho “ganh tị.” Cũng không phải vì thấy một số
người trong nước viết “Mỹ” thành “Mĩ” mà ta khẳng định viết i-ngắn là
VC! Y-dài i-ngắn còn trong vòng tranh cãi chưa ngã ngũ ở cả hai miền, ta
tạm gác qua.
Tóm
lại, i-ngắn y-dài, đảo ngữ và nói tắt, không còn là tiêu chuẩn thực sự
phân biệt ngôn ngữ hai miền. Vậy cái gì có thể giúp ta nhận ra những dấu
hiệu của ngôn ngữ xã hội chủ nghĩa?
Phát xuất từ chủ nghĩa xã hội
Những
danh từ sau đây là chính cống cộng sản, nhưng nhiều chữ không bị đóng
dấu vì người ta coi là một đương nhiên - khi nói về chủ nghĩa xã hội thì
phải dùng từ ngữ kinh điển XHCN:
Ðấu
tranh giai cấp, bóc lột, giá trị thặng dư, tư bản, tư sản, phong kiến,
tích cực, tiêu cực, tồn tại, đề cương, phương án, phương tiện sản xuất,
làm chủ tập thể, cải tạo công thương nghiệp, tập trung cải tạo v.v.
Cộng
sản chủ nghĩa cũng mượn nhiều ngữ vựng từ Hegel như biện chứng, đề,
phản đề, hợp đề, tư duy... và thay đổi đi, thí dụ duy vật biện chứng.
Chữ “quá độ” là đặc biệt nhất của cộng sản. Nó bao hàm cái gì hơn chữ “giao thời” hay “chuyển tiếp” mà ta quen dùng.
Chữ “vong thân” là một đặc ngữ cộng sản. Rất may nó xuất hiện trong danh từ triết học từ trước, nên nó là Việt.
Chữ
“giải phóng” là một trong những chữ bị lạm dụng nhiều nhất. Tôi không
nói sự lạm dụng chính trị, vì “giải phóng” kiểu Quốc tế Cộng sản, tự nó
là một sách lược (trong đó chiêu bài và phỉnh lừa coi như vũ khí tất
yếu), như “giải phóng Miền Nam.” Tôi muốn nói họ máy móc dùng “giải
phóng” cho cả những thứ lặt vặt. Ðĩa cứng trong máy vi tính đầy quá, ta
“xóa bớt,” họ gọi là “giải phóng”; ta nói “giải tỏa một khu gia cư để
làm đường,” họ nói “giải phóng...”; bớt việc cho một công nhân để họ đi
tăng cường cho chỗ khác, họ gọi là “giải phóng lao động cơ
hữu...”
* Trên đây là chữ XHCH chính cống, không nhầm lẫn vào đâu được. Có bao nhiêu ngàn chữ loại này, tôi không rõ.
Lai Tầu
Hồ
Chí Minh ôm tập Luận cương của Lenin về vấn đề dân tộc và dân tộc thuộc
địa, mà khóc tại Paris, được huấn luyện tại Nga, nhưng thực tập áp dụng
tại Tầu. Trọn bộ chữ nghĩa như đấu tố, quy thành phần, xét lại, trăm
hoa đua nở, cách mạng văn hóa, hộ khẩu, hộ chiếu, biên chế, điểm và
diện, tam cùng, cục, phân cục, chủ nhiệm, sự cố, khắc phục v.v. đều là
sao chép chữ tiếng Tầu.
Ðến
một lúc họ nhớ mình là người Việt, bớt chữ Hán. Nhưng họ chỉ Việt hóa
những chữ liên quan tới “địch,” như “máy bay lên thẳng,” “lầu năm góc,”
“Nhà Trắng.” Ngược lại, trong nội bộ đảng thì ngôn ngữ càng ngày càng lệ
thuộc Trung Quốc vỹ đại nhiều hơn.
Sự ấp úng giữa tiếng Tầu và tiếng Việt đưa tới hiện tượng ngôn ngữ lai căng - “cơ cấu lại vốn,” trong đó “cơ cấu” là Hán, “lại” và “vốn” là Nôm.
Cùng
ý niệm kinh tế này, miền Nam đã dùng năm âm tiết toàn Hán, nhưng quen
thuộc, “tái tổ chức tư bản.” Miền Nam lại theo nguyên tắc tự do, cả
trong ngôn ngữ, do đó một ý niệm có thể có nhiều cách phát biểu, như có
thể nói “xếp đặt lại vốn liếng,” ai cũng hiểu cả.
* Vậy một đoạn văn tràn ngập chữ Tàu, là dấu hiệu đáng nghi văn Việt cộng.
Lai Tây
Các
học sinh Marie Curie hay Jean-Jacques Rousseau, khi gặp nhau, xổ tiếng
Tây, là chuyện thường. Các ký giả, trí thức gặp nhau bên tách cà phê,
nói “toa toa moa moa” cũng là thường. Nhưng tại miền Nam ít khi ta viết
tiếng Tây trên sách báo. Trái lại báo chí và cả sách giáo khoa cộng sản
VN đầy dẫy đầu Ngô mình Sở:
-
Lô-gích (tiếng Pháp logique = luận lý): “Cơ cấu lại nền kinh tế:
Lô-gích hành động và cách tiếp cận” (trích báo trong nước). Viết như vậy
để lòe thiên hạ chứ không phải để cho người ta hiểu.
-
Gu (tiếng Pháp goƯt = khiếu): “Thử thách gu thẩm mỹ style mix trùng họa
tiết” (trích báo trong nước). Ba đế quốc Tầu, Tây, Mỹ hiện diện trong
một câu... thần chú, người thường không hiểu gì cả.
- Mô típ (tiếng Pháp motif = đối tượng): “Mô típ trong nghệ thuật kiến trúc Chăm” (trích báo trong nước)
- Boa (tiếng Pháp pourboire = tiền tặng, tiền thưởng): “Xù tiền boa, khách nhậu bị đâm đứt cổ” (trích báo trong nước)
- Sô vanh nước lớn (Chauvin: tên người lính “yêu nước” của Napoléon)
-
Ðixcua (Pháp: discours, có hai nghĩa 1: lời, 2: bài diễn văn): các nhà
ngữ học VN XHCN lấy nghĩa thứ nhất để nói về ý niệm “câu đơn.”
Có
vẻ như ở VN, ai không nhét vào bài viết của mình được một vài tiếng Tây
bồi, không phải trí thức xã hội chủ nghĩa. Nhưng tôi ngạc nhiên tại sao
họ không viết thẳng discours? Kỳ cục hơn nữa, tên riêng họ cũng phiên
âm mà không kèm theo chữ gốc, Thấy một bản văn có “Humphây, Xitavit,
Xtôntenbe, Cặctơ” ta chẳng biết ai vào ai, nhưng ta biết ngay ai là tác
giả.
Biến chứng của căn bệnh lai Tây là... dịch!
Ðiển hình nhất là chữ “kịch tính” dịch từ “dramatic.”
Nhân
mùa bầu cử tổng thống Mỹ, một tờ báo Việt Nam viết: “Cuộc tranh cử đầy
kịch tính giữa Clinton và Obama.” Hai chữ “kịch tính” khiến ta hình dung
ra hai tay hề lố bịch trên sân khấu chính trị. Tiếng Việt trong sáng sẽ
nói “cuộc tranh cử gay cấn...,” đâu có cần dịch một cách nô lệ chữ
dramatic của Tây Mỹ.
Nhân
Ngày Giới trẻ Thế giới 2008, Giám Mục Bùi Văn Ðọc, trả lời phỏng vấn
của Vietcatholic, mô tả ÐGH Benedicto XVI là, “Ngài không xuất hiện
trước giới trẻ một cách đẹp đẽ và kịch tính như vị Giáo hoàng trước,
nhưng...” Tội nghiệp, ÐGH Gioan Phaolô, tuy hồi còn trẻ thích kịch nghệ,
viết kịch và đóng kịch, nhưng không bao giờ ngài mang bộ mặt kịch tính
với bất cứ ai. Cái nguy hiểm là một người nói sai, cả nước nói sai theo,
cả đài BBC cũng nói sai theo. Một trận đấu bóng đá sôi động quý ông bà
Ban Việt ngữ BBC cũng nói “đầy kịch tính”!
* Viết như me tây đầu thế kỷ 20 là một dấu hiệu ngôn ngữ XHCN.
Nói phét
Nói phét - hay hoa ngôn - là bệnh của từng cá nhân cán bộ, chung của đảng, lan sang dân, làm hỏng ngôn ngữ:
“Siêu sao chân dài,” “bánh đa siêu mỏng,” “máy siêu cao kỹ,” “tầu siêu tốc.”
Tiếng
Việt có nhiều chữ để diễn tả sinh hoạt lý trí: trí khôn, thông minh,
tinh thần, trí tuệ. Trí tuệ là trình độ cao nhất. Phật giáo coi trí tuệ
là bước tới tuệ giác. Người cộng sản đại ngôn, cái gì cũng choảng trí
tuệ vào.
“Chủ nghĩa Mác Lê-nin đỉnh cao trí tuệ loài người”
“Trò chơi trí tuệ tại Hội chợ Ðà Lạt”
“Con chó trí tuệ”
“Game trí tuệ”
- Muốn diễn tả cái gì siêu việt hơn nữa, bắt buộc họ phải leo lên Trời (nơi họ không tin là có)
“Ðảng thần thánh”
“Cuộc chiến đấu thần thánh của nhân dân ta”
-
Tôi muốn nói hơi dài về chữ “hoành tráng.” Nó đã bị đóng dấu oan. Thực
ra nó là Việt Nam rặt. Như phần một đã nói, “hoành tráng (như hoành lệ)
là rộng lớn đẹp đẽ.” Bình thường hoành tráng thích hợp cho một dãy núi
hùng vĩ, một cảnh hoàng hôn rực rỡ, lâu đài Taj Mahal diễm lệ. Nhưng tại
sao quý vị và tôi cảm thấy khó chịu khi nghe hai chữ đó? Ðơn giản lắm -
vì nó được dùng bừa bãi trong nhu cầu khoa trương, thí dụ một câu quảng
cáo thương mại “Hoành tráng trong chiếc váy đầm”! Người nói tiếng Việt,
cao hứng lắm, cũng chỉ dám nói “lộng lẫy” là
cùng.
-
Trước khi Ðảng Cộng Sản ra đời, nhiều nhà cách mạng đã viết: “Toàn dân
tranh thủ độc lập.” Chữ “tranh thủ” không phải do các ông Minh Ðồng Giáp
chế ra. Nhưng người nói tiếng Việt cảm thấy tức cười khi nhận được một
thư xin tiền từ Việt Nam mở đầu, “Cháu tranh thủ viết thư thăm chú
thím.”
-
“Digital signal processing” mà dịch là “xử lý tín hiệu số,” không phải
là dở. Nhưng chữ “xử lý” trở thành lố bịch khi người ta bỏ nó vào tô
phở. Người chạy bàn trong một tiệm phở tại Hà Nội đã hô cho nhà bếp như
sau: “Xử lý hai bát phở tái nước trong! Khẩn trương lên!”
-
Chữ “bức xúc” không lai Tàu, không lai Tây, tượng thanh, tượng hình, có
thể là một chữ hay. Nhưng nó đã “hư” ngay từ khi người ta nói: “Ai bức
xúc thì khẩn trương đi ỉa.” Ðây là một chữ thượng thời đại, loại như
“nổi cộm,” “trăn trở.”
Nhiều
chữ khác mà người Việt hải ngoại chúng ta nghe thấy khó chịu, thật ra
đã xuất hiện trước khi mấy anh du kích cộng sản biết nói. Nhưng ta khó
chịu vì họ dùng sai chỗ và dùng dao mổ trâu giết ruồi.
*
Tóm lại, khắc phục, bồi dưỡng, tranh thủ, động viên, đột xuất, khẩn
trương, tự giác v.v. nguyên thủy là tiếng Việt Nam thuần túy và hay ho,
bỗng biến thành lố bịch, bỗng nhiên làm người Việt bình thường chừng mực
ngại dùng. Ðây là loại từ ngữ thượng hạng VC.
Nói sảng
-
Trong học thuyết cộng sản có hai ý niệm đối nghịch “chất” (quality) và
“lượng” (quantity). Ai đi tù cải tạo đều phải học câu mác-xít “Lượng
biến thành chất.” Nay người cộng sản ghép “chất” và “lượng” để nói về
“phẩm chất” (quality). Một củ khoai lang ngon ta nói “củ khoai ngon,”
người trong nước nói “củ khoai chất lượng.”
-
“Lợi nhuận” đúng ra là “lợi tức trừ chi phí,” còn gọi là “lợi tức
thuần” hay “lợi tức ròng” (Quỳnh Lâm, Từ điển chính trị, hành chánh,
kinh tế, pháp luật). Nhưng từ ngày cộng sản chiếm trọn nước, người ta
dùng “lợi nhuận” để chỉ lợi tức. Họ thường nói, “Chế độ tư bản chỉ biết
chạy theo lợi nhuận.” Nhưng tư bản xanh hay đỏ đều chạy theo lợi lộc,
chứ có bao giờ vừa chạy vừa làm tính trừ chi phí đâu!
-
“Biện lý” có nghĩa là bảo vệ công lý; “Biện lý cuộc” hay “công tố viện”
là cơ quan thay mặt xã hội truy tố người vi phạm luật pháp. Hai danh từ
luật pháp đầy đủ ý nghĩa như vậy của Chính quyền Quốc Gia (Bảo Ðại) và
VNCH, đã bị thay thế bằng chữ “viện kiểm sát nhân dân.” Hai chữ “kiểm
sát,” trong ngữ cảnh luật pháp, không nói được gì cả.
-
“Heo dân tộc”: tránh nói “heo mọi” là một cố gắng đáng khen, nhưng nhắm
mắt lấy công thức “người dân tộc” để áp dụng cho con heo núi, là xúc
phạm đồng bào thiểu số thượng du.
* Trong khi tật đại ngôn làm mất giá những chữ hay sẵn có, thì sự dốt nát sanh ra những chữ mới vô nghĩa.
Nói vẹt
Học
thuộc lòng và lập lại như con vẹt là chiến lược sống yên trong xã hội
cộng sản. Lá bùa “Nhờ ơn Bác và Ðảng” ngày nay không còn được dán nhiều
trên cửa miệng người dân, nhưng vẫn gián tiếp lấp lóe trên các cơ quan
tuyên truyền. Nhưng còn nhiều công thức khác rất vô nghĩa:
- Kinh tế tương đối (có tiền)
- Có trình độ (trình độ học thức cao)
-
Nói chung: câu mở mồm của 90% người Việt trung bình trong nước. Câu
buồn cười nhất mà tôi được nghe và đã cho vào một truyện ngắn là “Nói
chung tôi không có cha mẹ”
- Nhất định (nào đó): “khả năng nhất định”
- Hạn chế (thiếu sót): “năm ấy bộ đội Bác Hồ còn hạn chế”
-
Chủ yếu (chính) “Bữa ăn cải thiện chủ yếu là khoai mì”; “Chủ tịch Nước
tham quan Châu Âu chủ yếu là Pháp”; “Bà ta lấy chồng ngoại, chủ yếu để
đi nước ngoài.”
Nói đểu
Dưới
một bề mặt bình yên giả tạo, Việt Nam ngày nay thực chất là một xã hội
đại loạn - loạn chính, loạn pháp, thương luân bại lý và loạn ngữ. Nói
nhẹ nhàng là nói đểu.
Ghi
nhận một phong thái ĂN và NÓI dưới chế độ cộng sản. Nói đểu, nói xách
mé, chửi thề, nói tục tĩu và nói dối... tuy không phải do chỉ đạo công
khai từ Trung ương Ðảng, nhưng Ðảng - “người lãnh đạo độc nhất và thần
thánh” - có trách nhiệm hoàn toàn về sự sa đọa ngôn ngữ của đảng viên và
toàn dân. Trên thế giới không một dân tộc nào suốt ngày đem mẹ ra mà
đụ, địt liên miên, trong công sở, ngoài đường, ngoài chợ, trong trường
học, như xã hội Việt Nam ngày nay. Không một nước nào mà con người - từ
đứa bé bán vé số tới tổng bí thư đảng và cơ
quan truyền thông, báo chí - có thể nói trắng thành đen, nói đen thành
trắng, như tại VN.
Chữ
đểu cáng nhất trong ngôn từ cộng sản là chữ “ngụy.” Trong chiến tranh
hai bên có thể chửi mắng nhau thậm tệ - Tổng Thống Ngô Ðình Diệm gọi Mặt
Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam là “Mặt trận côn đồ,” ngược lại Hà Nội
gọi Việt Nam Cộng Hòa là “ngụy.” Nhưng khi chiến tranh chấm dứt, người
cộng sản đã báo thù “nợ máu” bằng tước bỏ quyền công dân, hành quyết,
giam cầm, đày ải, tịch thu tài sản, cướp vợ, hiếp con người chiến bại,
nhân danh bản án “ngụy”; thế là đểu, cái đểu của những tên ăn cướp. Nay
họ rêu rao chính sách hòa hợp hòa
giải, nhưng vẫn coi người của chế độ VNCH là “ngụy”; mỗi ngày 30 tháng 4
họ lại khơi dậy tinh thần thù ghét “ngụy.” Mà “ngụy” là gì? Là theo Mỹ.
Bây giờ họ cầu cạnh Mỹ hơn VNCH - thế có phải chữ “ngụy” là đểu ngay từ
đầu không?
* Dùng ngôn ngữ như khí cụ che đậy chân lý hoặc lừa đảo, là đặc tính tệ hại nhất cùa văn hóa và ngôn ngữ cộng sản.
3. Thái độ của những người yêu tiếng mẹ
Phục hồi vốn ngữ vựng bị dùng sai
Gia
tài của tiền nhân để lại, không lẽ ta để cho CS phá hoại? Vậy trước hết
đừng né tránh những chữ người cộng sản dùng sai, mà phải sửa lại và
dùng đúng hơn họ.
Người cộng sản (rồi bây giờ cả nước) dùng các chữ khẩn trương, động viên, khắc phục, tranh thủ, yêu cầu... một cách lệch lạc:
- Họ viết sai: “Các yêu cầu của một nền kinh tế bền vững.”
Ta sửa lại: “Các điều kiện của một nền kinh tế bền vững.”
Và ta viết lại chữ “yêu cầu” trúng cách: “Yêu cầu Nhà Nước ngưng bán nước!”
- Họ viết đại ngôn, “Khẩn trương đi cầu xí.”
Ta sửa lại, “Mau mau đi cầu!”
Và ta viết lại chữ “khẩn trương” trúng cách: “Tình hình Trường Sa Hoàng Sa rất khẩn trương!”
Hãnh diện vì kho ngữ vựng phong phú của dân Việt và VNCH
Chúng
ta biết chắc điều này: về phương diện ngôn ngữ và văn hóa, Miền Nam
Việt Nam là dòng chính. VNCH giữ sự liên tục từ Chữ Nôm đến chữ Quốc
Ngữ, từ Alexandre de Rhodes tới Trương Vĩnh Ký, tới Tự Lực Văn Ðoàn, tới
Sáng Tạo, Bách Khoa, những viện đại học, những viện nghiên cứu độc lập,
những tổ chức văn hóa, ngôn ngữ, hằng chục tờ báo ngày độc lập, hằng
trăm tập san... Và trên hết, nền tự do tư tưởng và ngôn luận. Trong khi
đó Bắc Việt độc tôn Stalin-Mao, trù dập trí thức, bách hại Nhân Văn Giai
Phẩm, phủ nhận công lao Alexandre de Rhodes, cấm đoán Tự
Lực Văn Ðoàn, vào Nam đốt sách giam học trò. Ngày nay họ đã cho in lại
TLVÐ để kiếm tiền và nhận vơ, mở lại trường Luật, nhưng lỗ hổng văn học
lớn còn đó, văn hóa và ngôn ngữ trước sau vẫn chỉ là khí cụ tuyên
truyền. Trí thức miền Bắc nhiều người lần đầu tiên đọc Nhân Văn Giai
Phẩm là khi vào Nam sau năm 75!
Trên
5000 danh từ chuyên môn luật pháp, chính trị, kinh tế, tài chánh của
Miền Nam đã được một nhóm cựu luật sư và thẩm phán chế độ cũ thu thập
thành cuốn Từ Ðiển Pháp Luật (Nhà XB KHXH Hà Nội, 1992).
Sau
25 năm không có hoạt động tư doanh, không có đại học tự trị, không có
phân khoa luật, không có nghề luật sư và thẩm phán chuyên nghiệp... Muốn
xây dựng một quốc gia (ít nhất bề ngoài) có quy củ, họ phải dùng lại
toàn bộ ngữ vựng của VNCH.
Một vài thí dụ trong số trên 5000 danh từ nói trên:
- “Cảnh sát” thay thế “công an”
-
“Trương mục” đã được xếp trước “tài khoản” trong tự điển và sử dụng
nhiều hơn trong thường nhật. Nhưng dường như họ không phân biệt, “trương
mục” là một cái túi vô hình trong ngân hàng để ta bỏ tiền, trong khi
“tài khoản” là số tiền nằm trong đó; tài khoản còn là số tiền dành cho
một khoản chi/thu trong ngân sách.
- “State” (Mỹ) được dịch là “tiểu bang” trong tự điển tuy báo chí vẫn dùng “bang.”
-
Trong cơ cấu tổ chức chính quyền, họ vẫn dùng “Viện Kiểm Sát Nhân Dân,”
nhưng ý niệm “công tố” đã được khôi phục trong từ điển nói trên.
- Dần dần trong nước đã dùng “bảo hiểm” thay cho “bảo hành.”
Ngoài các danh từ chuyên môn về luật pháp, kinh tế, hành chánh, ngôn ngữ thường nhật cũng đổi giọng:
- “Máy bay trực thăng” đã thay thế “máy bay lên thẳng.”
- “Hàng không mẫu hạm” được dùng song song với “tàu sân bay.”
-
“Hoa Kỳ” thay “Mỹ.” Người cộng sản lạ lắm - thời Thế Chiến II, khi cần
nịnh Mỹ thì họ gọi “Hoa Kỳ” (“đèn Hoa Kỳ” là dấu tích một mở màn bang
giao không thành giữa Mỹ và Việt Minh); khi thù ghét thì họ gọi “Mĩ”;
bây giờ một điều “Hoa Kỳ” hai điều “Hoa Kỳ.” Trong chế độ cộng sản, chữ
nghĩa thay đổi theo bạn thù, mà bạn thù thay đổi theo quyền lợi Ðảng,
chứ không phải quyền lợi Tổ Quốc hay nhân dân.
Không phải mọi chữ mới đều là chữ VC
Vào
năm, 1975 cả miền Nam chỉ có dăm ba máy vi tính (một tại Phủ Thủ Tướng,
một tại Bộ Tổng Tham Mưu, một của USAID, một của hãng IBM. Có thể nhiều
nơi khác có, tôi không biết). Giới hữu trách chuyên môn có soạn ra một
cuốn ngữ vựng Anh-Việt, nhưng chỉ giải thích ý niệm, không tạo từ nhiều.
Các chuyên viên và nhân viên làm việc trao đổi với nhau bằng tiếng Anh,
tiện hơn.
Ngày
nay, vì nhu cầu giáo dục, người ta cố gắng tạo từ. “Người ta” đây có
thể là các chuyên gia trong nước, có thể là các chuyên gia người Việt ở
hải ngoại, đã và đang chế ra các danh từ chuyên môn. Dù lúc đầu bỡ ngỡ,
ta nên công minh xét, chữ nào hay và đúng, ta dùng, chữ nào sai ta điều
chỉnh. Tôi thấy không có gì sai hay lố bịch, thí dụ, trong các chữ dao
diện, hiển thị, kích hoạt, phần cứng, phần mềm... Liên quan tới danh từ
kỹ thuật, tôi lấy thí dụ “thông số” hay “biến số” (variables) là hai chữ
có từ trước, nhưng “biến số” được dùng nhiều
trong sách giáo khoa Miền Nam nên trở thành quen thuộc hơn. Ngày nay
trong nước dùng “thông số”; nếu bảo là “từ VC” thì oan cho nó.
Trong
trào lưu toàn cầu hóa, danh từ chuyên môn hay là chữ nào có nội dung
chính xác (lột ý), nhưng hình thức của nó giúp ta đoán ngay được tiếng
tương đương trong Anh, tiếng Pháp, tiếng Na-uy.
“Cứng/mềm”
hay “cương/nhu,” chữ nào giúp ta liên tưởng tới“hard/soft” nhanh hơn?
Tùy người. Nhưng chữ Việt và chữ Hán cũng là một yếu tố cần cân nhắc.
Danh từ chuyên môn dài lòng thòng cũng không tiện.
Có
người cho “nguyên tử” là chữ Việt, “hạch tâm” là chữ VC. Tôi cho rắng
cả hai là chữ Việt, “nguyên tử” để dịch “atomic,” “hạch tâm”: “nuclear.”
Có đủ danh từ Việt tương đương với từng danh từ quốc tế, là một điều
cần thiết cho việc giao dịch, trao đổi, giảng dạy và dịch thuật.
Chữ
“căn hộ” Trường Sinh ngữ Sài Gòn trước 75 đã dùng rồi, nhưng không phổ
biến rộng, vì ta không có nhu cầu (hình thức gia cư này chỉ hạn chế ở
vài nơi như Cư xá Thanh Ða, Chung cư Nguyễn Văn Thoại, Chung cư Nguyễn
Thiện Thuật). Nay chúng ta nghe “căn hộ” thì cho là “từ VC,” nhưng có lẽ
chúng ta chưa có chữ nào hay hơn để dịch “apartment.” “Căn chung cư”
không ổn vì có nhiều apartment không nằm trong chung cư. “Căn nhà” càng
không ổn, vì đã được dùng để chỉ “house” tiếng Anh, “hus” tiếng Na-uy.
Chữ
“thông tin” không mới mẻ gì và được dùng ở cả hai miền. Nhưng ở hải
ngoại nhiều người dị ứng với chữ thông tin trong câu sau: “Muốn biết
thêm thông tin xin liên lạc với Sở Di Trú.” Bề ngoài ta lý luận rằng
“thông tin” là động từ, không được dùng như danh từ. Nhưng nguyên do
thực là ta không thích dùng cái gì Việt cộng mó tay vào. Thông dịch viên
đành sửa lại. “Muốn biết thêm chi tiết...” hoặc “Muốn biết thêm tin
tức...” Nhưng trong bụng anh thông dịch viên nghĩ rằng chữ nào phải ra
chữ đó - details: chi tiết, news: tin tức và information: thông tin. Anh
ta cũng dư biết rằng chữ thông tin có thể vừa dùng làm danh từ vừa làm
động từ.
Trước khi bác bỏ một chữ dở, nên đề nghị một chữ hay hơn
Cloning
là một lãnh vực khoa học mới mẻ. Trong nước dịch cloning: nhân bản vô
tính. Thật khó hiểu, phải ngồi phân tích một hồi mới vỡ lẽ ra là: làm ra
nhiều bản sao, không qua đường truyền giống. Nhưng có lẽ các nhà chuyên
môn trong nước sao chép chữ Tầu, nên bốn chữ thành tối om, chưa kể
nhiều người giật mình khi nghe nhóm chữ “nhân bản vô tính người.” Vì chữ
“nhân” trong tiếng Việt có ít nhất hai nghĩa: người và làm ra nhiều,
người hán không rộng phải bỡ ngỡ mấy phút tự hỏi - lấy con người làm gốc
mà lại không có tính người, là thế nào? Một chữ
gây bối rối không cần thiết là một chữ không đạt.
Khi
cảm thấy một chữ dịch không hay, tôi thường thử tự dịch lại trước khi
phê bình. Trường hợp cloning, tôi dịch thử là “sao sinh vật.” Từ đó ra
“human cloning: sao người,” Dolly là một con “cừu sao - cloned sheep.”
Hiện trên thế giới chưa có “người sao” vì chưa được phép “sao người.”
“Processing”
(Na-uy: behandling) là một chữ tôi chịu thua không dịch được nếu không
dùng chữ “xử lý.” Text processing: trong nước dịch “xử lý văn bản,” chưa
có chữ nào hợp hơn. Có người đề nghị “soạn thảo văn bản,” nhưng soạn
thảo là viết ý ra lời, còn đưa lời lên chữ và trình bày trên máy vi
tính, là việc khác. Vấn đề phức tạp hơn nữa khi ta cần diễn tả bằng một
danh từ chung cho cả một tiến trình – lấy thí dụ nghề mộc – bào, đánh
bóng, quang dầu một tấm ván mà tiếng Na-uy gọi là behandle và tiếng Anh
treat, thì có lẽ không tránh được chữ
“xử lý.” Một số tự điển dịch là “chế biến,” tôi thấy có lúc hợp, có lúc
không. Không hợp trong trường hợp “Inmate Processing Center” không thể
dịch là “Trung tâm chế biến tù nhân” được.
Cá
nhân tôi đã dùng chữ “xử liệu” thay cho các trường hợp phải dùng “xử
lý” (như khoa học, cơ khí, hành chánh). Còn thường ngày, chữ “liệu” là
tuyệt nhất, thí dụ vợ nói với chồng, “Anh cứ lo đưa con đi học đi, cơm
để em liệu.”
Một
chữ khác, “kế toán sự nghiệp” trong nước dùng để chỉ kế toán của các tổ
chức bất vụ lợi. Tôi thấy khó hiểu nhưng không hiểu ý chữ “sự nghiệp”
muốn nói gì, nên không dám phê bình.
Thái độ với tiếng lóng
Cũng
cần vài hàng cho tiếng lóng. Mỗi thời, mỗi môi trường xã hội có cách ra
dấu riêng với nhau, vì thế có tiếng lóng. Vài tiếng lóng điển hình của
thời đại kinh tế tư bản theo định hướng xã hội chủ nghĩa là: đại gia, đồ
khủng, hàng độc, đồ đểu, chân dài (lấy cái cẳng để đo toàn diện nhan
sắc - một điều vô lý, nhưng tiếng lóng không có lý luận, nó được quăng
vào một môi trường, thích hợp thì tồn tại), máu (mê), phết (ra phết),
bèo (rẻ như bèo). Với tiếng lóng, ta không cần khen chê, bởi vì không có
tiêu chuẩn khách quan.
“Bảo tồn tiếng Việt - không dùng chữ VC”
Tôi
hoàn toàn tán đồng vế thứ nhất - bảo tồn tiếng Việt là một sứ mạng cao
cả của những người may mắn được hưởng tự do tư tưởng và phát biểu. Chính
ta phải tránh những cái sai của người cộng sản, viết và nói một thứ
tiếng Việt chuẩn và đẹp. Quảng bá sách vở và tư tưởng truyền
thống Việt Nam và thế giới nhân bản. Cho con em học tiếng Việt nơi
trường lớp Việt Nam. Tránh xa những sinh hoạt do cơ quan lãnh sự Việt
cộng chủ trương (ta không lường được tác hại của một lớp tiếng Việt, một
khóa học làm đèn trung thu hay một trại hè do Ðại Sứ Quán Việt
cộng tổ chức).
Nhưng
tôi muốn cẩn thận với vế thứ hai: hầu hết những chữ ta tưởng là chữ
XHCH đều là tiếng Việt thuần túy. Ta không nên tránh né những tiếng họ
đã dùng sai, mà cần “chiêu hồi” những ngôn từ ấy.
Ðó là một hành vi yêu nước trong tầm tay của chúng ta.
Oslo, mùa Ðông 2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét