Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Cái lưỡi của ông cựu Đại sứ Bùi Diễm

Hàn Giang Trần Lệ Tuyền

“Lịch sử như ánh mặt Trời”; và những sự thật lịch sử cận đại của đất nước Việt Nam, như qua hai bài viết của tác giả Minh Võ: Hai lời khen; một tiếng chê dành cho tác giả “Gọng kìm lịch sử”, thì quả thật, cái lưỡi của nhà ngoại giao Bùi Diễm, là một cái lưỡi đa năng. Nó đa năng đến mức độ có thể sử dụng vào bất cứ vào lúc nào, khi thấy cần cũng đều đắc dụng cả.
Người viết đã đọc cả hai bài viết của tác giả Minh Võ, nên mới biết được trong cuốn “Gọng kìm lịch sử”, ông Bùi Diễm đã không giấu diếm, mà đã công khai thành tích của mình trong cuộc đảo chính “hụt”: 11/11/1960. Người viết xin phép tác giả Minh Võ để lược trích lại như sau:
 
 “Khi chính phủ Ngô Đình Diệm bị một số nhà trí thức trong nhóm Caravelle chống đối, thì chính ông Bùi Diễm là người đã giúp soạn thảo bản tuyên bố (bản tiếng Anh, trang 94) gọi là “bản tuyên ngôn Caravelle (the Caravelle Mannifesto”..
Ông đã viết rằng: năm 1946 vô số đồng chí của ông đã bị Việt cộng tàn sát trong thời gian ông Hồ Chí Minh bận sang Pháp thương thuyết. Thế mà ông không nhắc gì đến những nạn nhân này, và sự ám hại dã man của đàn em ông Hồ ra sao. Khi nêu lên sự việc tay chân của ông Hồ tàn sát… trong lúc ông Hồ ở ngoại quốc, có phải ông Bùi Diễm muốn chạy tội cho ông Hồ không, mà trong cả cuốn sách chỉ thấy ông nhắc qua tên Hồ Chí Minh có mươi lần, và lại không hề có một lời tố cáo tội ác của ông ta, chỉ có một câu nhẹ nhàng rằng : “ông Hồ đóng kịch giỏi và sau này sẽ không thiếu thủ đoạn” (bản Việt ngữ, trang 68).Đó là trong bản Việt ngữ xuất bản năm 2000, chứ còn trong bản Anh ngữ, thì rõ ràng ông Bùi Diễm đã phục lăn ông Hồ rồi. Đây là nguyên văn bản Anh ngữ:
“But I thought to myself nevertheless that this was a truly capable man relaxed and unflappable – a consumate politician.”  (Nhưng tuy nhiên, tôi tự nghĩ trong thâm tâm rằng ông này quả thực là người có khả năng, bình thản, không có gì có thể làm cho bị lung túng, đúng là một chính trị gia tài giỏi tuyệt vời).
Tại sao lại có chuyện thay đổi từ chỗ ca tụng lên đến mây xanh thành phê bình nhẹ nhàng như vậy nhỉ?
 
… Quan trọng nhất, đáng nói nhất, mà các sử gia sẽ không thể nào coi thường, là việc ông Bùi Diễm đã bắt được Thượng tọa Thích Trí Quang đem nhốt ở Sài Gòn, mà đại sứ Cabot Lodge đã không can thiệp, để che chở như thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Lúc đó, ông Lodge cũng là đại sứ, thì, lại cho Thượng tọa Thích Trí Quang “lánh nạn an toàn” ở trong tòa Đại sứ Mỹ.
Ông Bùi Diễm nói: “Tiến trình dân chủ hóa, thì tiến chậm, cần thời gian”, ngụ ý kêu gọi nhân dân “kiên nhẫn”. Nhưng nhân dân ở trong nước đang trong cảnh dầu sôi, lửa bỏng, đói khổ, bị áp bức trăm bề, có kiên nhẫn được như nhà ngoại giao hãnh tiến đang an hưởng thành quả cả đời mình, chung quanh toàn những người bạn Mỹ giàu sụ hay không?!
Ai trả lời được câu hỏi của ông Bùi Diễm và ông Mc Govern không thể trả lời?
 
Nơi cuối chương 36, bản Việt ngữ, đầu trang 583 (bản Anh ngữ chỉ có 35 chương). Tiếc rằng sách không có mục lục, nên việc tra cứu và đối chiếu khó khăn!) tác giả “Gọng kìm lịch sử” có nêu lên câu hỏi của một người bạn cũ của ông phê bình thái độ của người Mỹ vào cuối năm 1974:
“Khi họ (người Mỹ) muốn đến, thì cứ đến, khi họ muốn ra đi, thì họ ra đi. Chẳng khác gì một người láng giềng đến nhà mình, gây tan hoang rồi bỗng nhiên bỏ ra về. Tại sao một cường quốc có thể trả lời làm như thế được”.
Rồi ông Bùi Diễm bảo, ông không thể trả lời được câu hỏi đó, và còn bảo một nhân vật như ông Mc Govern cũng chịu. Nhưng, người dân Việt Nam bình thường lại thấy câu trả lời quá dễ:
 Là vì một người có đủ cương nghị và lòng yêu nước, lòng tự trọng, có đủ uy dũng không cho người Mỹ “muốn đến, thì cứ đến, muốn đi là cứ ra đi thoải mái, thì đã bị giết chết mất rồi; và trong số đó, có những “nhà trí thức” thân Mỹ coi trọng quyền lợi của cá nhân trên cả Chủ Quyền của Quốc Gia, sẵn sàng để cho người Mỹ làm như vậy. Người ấy, chính là cố Tổng thống Ngô Đình Diệm”.
- Trong bản tiếng Anh, ông Diễm viết là ông Ngô Đình Diệm chỉ tin dùng người trong gia đình (trang 88). Nhưng trong bản tiếng Việt, thì ông thêm mấy chữ: “hay một vài người thật thân cận với ông” (trang 149). Có lẽ trong vòng 13 năm đó, ông đã nghe ai đó trưng dẫn sự việc Tổng Tống Ngô Đình Diệm đã dùng nhà Bác học duy nhất của Việt Nam lúc ấy, là giáo sư Bửu Hội, không phải người trong gia đình, cũng không phải là người đồng đạo; đó là, chưa kể các Đại sứ Hà Vĩnh Phương, Nguyễn Duy Toản… hay các ông Nguyễn Ngọc Thơ, Quách Tòng Đức, Đoàn Thêm, Võ Văn Hải, Đại úy Đỗ Thọ, giáo sư Tôn Thất Thiện… Chỉ nguyên ở Phủ Tổng thống, đã có từng ấy người không phải là đồng đạo hay trong gia dình, họ hàng gì của “nhà Ngô”. Và ngay chính người thân cận nhất của ông Ngô Đình Nhu là Trung tá Phạm Thư Đường, Chánh văn phòng của cố vấn, cũng là một Phật tử, và không phải là người Trung, hay người của gia đình họ Ngô. Đặc biệt là ông Cao Xuân Vỹ, phụ tá cho ông Ngô Đình Nhu trong chức Tổng thủ lãnh Thanh Niên Cộng Hòa, người đã lăn vào chỗ chết để tìm đường thoát cho hai ông Ngô Đình Diệm và Ông Ngô Đình Nhu vào lúc dinh Gia Long và Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Phủ Tổng Thống bị tấn công vây hãm nguy kịch nhất. Đại tá Nguyễn Hữu Duệ, Đại úy Đỗ Thọ cũng là những Phật tử sùng đạo, chẳng có liên hệ gì đến họ Ngô, tại sao cũng trung thành với “nhà Ngô” cho đến phút chót ??? Một người chỉ huy binh sĩ của Lữ đoàn chiến đấu cho đến khi được lệnh ngưng bắn, một người tình nguyện đi theo Tổng thống cho đến khi bị bắt, và đã viết nhật ký thổ lộ hết lòng cảm phục và thương mến một vị Tổng thống, mà còn xem như cha đẻ. Và còn rất nhiều lắm lắm, làm sao kể cho hết những người trong chính phủ, trong quân đội, và các Tổng Giám đốc, Giám đốc được chính phủ Tổng Thống Ngô Đình Diệm trọng đãi, mà đâu phải là người trong gia đình của họ Ngô. Có lẽ vì nhiều người đã viết, đã nói như thể phê bình những kẻ xuyên tạc rằng “ông Diệm chỉ tin dùng người trong gia đình”, cho nên, 13 năm sau, ông Bùi Diễm đành phải thêm mấy chữ: “hay một vài người thật thân cận với ông”. Nguyên cả câu của ông Diễm, trong bản tiếng Việt, trang 149 như sau:
“Ngoài những người trong gia đình ông hay một vài người thật thân cận với ông, ông không tin và cũng không cần tới ai”.
Trên đây, là những dòng của tác giả Minh Võ đã “dành cho tác giả “Gọng kìm lịch sử”, đã cho mọi người được biết đến cái lưỡi của “nhà ngoại giao” Bùi Diễm. Cái lưỡi đa năng ấy, nó từng ủng hộ Thích Trí Quang và đã đứng sau lưng nhóm Caravelle để soạn thảo “tuyên ngôn”…
Thế nhưng, vào mùa hè 1966, khi Thích Trí Quang chủ xướng cuộc bạo loạn đem bàn thờ Phật xuống đường để bên cạnh những đống rác và các cống rãnh, để cản trở những đoàn quân viện của quân đội Việt Nam Cộng Hòa vào những nơi đang có những trận giao tranh ác liệt với Cộng quân, để chiếm giữ và thành lập “Chính phủ miềm Trung”, thì cũng chính nhà ngoại giao Bùi Diễm, lại đứng sau lưng của tướng Nguyễn Cao Kỳ, trong việc bắt giữ Thích Trí Quang, khiến cho “cuộc đấu tranh” của “khối Ấn Quang” hoàn toàn thất bại.
Nhưng chưa hết, vì mới đây, vào ngày 19/6/2012, trong một cuộc phỏng vấn trên đài SBTN, ông cựu Đại sứ Bùi Diễm đã “ngôn” rằng: Cuộc đảo chính ngày 01/11/1963, đã đưa đất nước Việt Nam Cộng Hòa phải bị rơi vào tay của Cộng sản Hà Nội, và không có ai muốn có cuộc đảo chính ấy xảy ra. Không có ai muốn… ; như thế, cái kẻ nào đã đứng đàng sau lưng của Thích Trí Quang và đã soạn thảo ra cái “Tuyên ngôn” của nhóm Caravelle, như chính tác giả “Gọng kìm lịch sử” đã viết một cách công khai, kể cả về cuộc đảo chính vào ngày 01/11/1963, do những tay đâm thuê, giết mướn, đã nhận tiền của ngoại nhân để sát hại cả gia đình của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, để cùng lúc giết chết nền Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa ?
Cái lưỡi của ông cựu Đại sứ Bùi Diễm nó đa năng, vì đã từ ca tụng “ông Hồ Chí Minh”, đến cố tình xuyên tạc mọi phương diện về cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Nhưng mới đây, ngày 19/6/2012, thì cũng chính cái lưỡi của ông Bùi Diễm đã trả lời phỏng vấn trên đài SBTN, là không có ai muốn có cuộc đảo chính ngày 01/11/1963 xảy ra; bởi vì chính cuộc đảo chính này đã làm cho mất nước!
Trên chính trường, người ta thường nói đến hai chữ: “Thức thời”, hay một cách khác theo cụ Nguyễn Du, thì “… Hễ thấy hơi đồng thì mê”. Vì thế, có lẽ ông cựu Đại sứ Bùi Diễm cũng thế, nên cần phải biết “thức thời”, để thủ lợi, cũng như phải luôn canh chừng và đánh hơi từng giây, từng phút, để lần tìm theo cái hướng có “hơi đồng…”.
Và ông cựu Đại sứ Bùi Diễm cũng đã nói: “Tiến trình dân chủ hóa, thì tiến chậm, cần thời gian”, ngụ ý kêu gọi nhân dân “kiên nhẫn”.
Người viết không biết khi “kêu gọi” như thế, thì cặp mắt của ông Bùi Diễm có đui mù, và đôi tai của ông có điếc hay không, vì nếu mắt còn sáng, tai còn nghe, thì làm sao với hệ thống thông tin toàn cầu, mà ông Bùi Diễm không biết được trên đất nước Việt Nam đã và đang bị lũ giặc Tầu chiếm cứ ở khắp mọi nơi, và vô số những cảnh ngộ đau thương của đồng bào, đang phải chịu sống trong thống khổ tại quê nhà, mà ông lại bảo đồng bào hãy cứ “kiên nhẫn, chờ đợi, tiến trình dân chủ hóa, thì chậm, cần thời gian”.
“Cần thời gian”, thì mới có dân chủ. Nhưng ông Bùi Diễm cần phải biết:
 
Ba mươi bảy năm dài đã rôi qua rồi. Kể từ ngày đất nước Việt Nam cộng Hòa đã bị rơi vào tay của Cộng sản Hà Nội, ông Bùi Diễm đã chạy sang xứ sở của ông Cabot Lodge, để sống một cuộc đời ấm êm, sung túc, thì làm sao biết được những thảm cảnh của quý vị Quân-Cán-Chính Việt Nam Cộng Hòa, có vị đã “chết theo thành” , còn đa số phải bị vào các nhà tù “cải tạo”, bỏ lại những người vợ yếu đuối, và những đàn con thơ dại bơ vơ ở đầu đường, xó chợ, nơi gầm cầu hay nghĩa trang, hoặc đã chết vì đói, vì kiệt sức, vì căn bệnh sốt rét rừng trên những “vùng kinh tế mới”; và cho đến hiện nay, thời điểm của năm 2012, mà đa số đồng bào tại quốc nội vẫn đói khổ triền miên, ông Bùi Diễm vì quá vô tâm, hay đồng lõa với bọn giặc Tầu, nên đã không hề biết cảm thương những cảnh đời khốn khổ của các nạn nhân, là công nhân Việt, họ đã bị bọn chủ giặc Tầu ngược đãi, đánh đập, từ trọng thương cho đến chết. Ông Bùi Diễm làm sao thấu được nỗi khiếp đảm của một cô gái Việt, khi bị tên chủ Tầu đã trừng phạt, bằng cách đã dùng keo dán giày để đổ tràn lên đôi bàn tay, rồi buộc cô gái phải chập hai bàn tay lại, khiến cho cô gái phải ngất xỉu, khi được đưa vào bệnh viện, thì các bác sĩ đã phải lột hết da của đôi lòng bàn tay, thì mới mở được đôi tay của cô gái, vì đang dính chặt vào nhau bởi keo dán giầy!
Ngoài những cảnh ngộ ấy, đồng bào ta đã từng bị những tên công an đánh đập cho đến chết ở ngay trong đồn công an, và ở khắp mọi nơi khác. Và những ngày Tết Nhâm Thìn, 2012, trong lúc ông Bùi Diễm đang sống trong chăn ấm, nệm êm, thì tại quốc nội, có gia đình của anh em ông Đoàn Văn Vươn đã lâm vào những cảnh tù đày, còn vợ con của họ, thì phải chịu cảnh lạnh lẽo giữa gió mưa, trong một chiếc lều dựng tạm, vì nhà cửa đã bị Công an đập phá hết!
Những cảnh khốn khổ của đồng bào, thì không biết phải nói, phải viết đến bao nhiêu cho vừa. Như thế, mà ông cựu Đại sứ Bùi Diễm lại bảo cứ chờ, vì “Tiến trình dân chủ hóa thì chậm, cần thời gian”… Phải chăng ông Bùi Diễm đã cố tình “câu giờ” để kéo dài sự cai trị của đảng Cộng sản Hà Nội, càng lâu, càng tốt, và phải “cần thời gian”, để cho lũ giặc Tầu hoàn tất những mưu đồ Hán hóa người dân Việt qua các “dự án”, từ cái gọi là “Học viện Khổng Tử” cho đến các chương trình dạy tiếng Tầu ngay từ bậc tiểu học; và phải “cần thời gian” để các thế hệ sau này, chỉ còn biết nói tiếng Tầu, và chỉ biết vẽ chữ Bùa; và đó, là cái “Tiến trình dân chủ hóa thì chậm, cần thời gian… “ qua cái lưỡi của ông cựu Đại sứ Bùi Diễm là vậy.
 
Kết luận:
Vì khó có thể nói cho hết về sự đa năng của cái lưỡi ông Bùi Diễm. Bởi vậy, nên người viết, phải nói một cách ngắn gọn và dễ hiều là như thế này:
Từ thuở hồng hoang, tất cả nhân loại chưa có cái bát, cái ly để uống nước; nên con người phải dùng đôi bàn tay của mình chụm lại, để vục nước từ dưới những giòng suối, rồi kề cả môi miệng vào mà uống. Nghĩa là con người mỗi khi uống nước đều cần phải có đôi môi và cả miệng thì mới uống được. Vì thế, cho nên những người vì một lý do nào đó, mà thiếu môi, thì không uống nước trực tiếp bằng miệng được, mà phải dùng đến ống hút.
Nhưng, riêng ông cựu Đại sứ Bùi Diễm, thì không cần phải làm như tất cả mọi người như vậy; bởi vì, ông cựu Đại sứ đã có cái may mắn là sở hữu một cái lưỡi đa năng. Bởi vậy, cho nên, nếu đất trời có đổi thay đến một mức độ nào chăng nữa, và nếu phải sống trong một hoàn cảnh hoàn toàn không có những tiện nghi tối thiểu, như không có cả một chiếc ly uống nước, thì riêng ông cựu Đại sứ Bùi Diễm sẽ không cần đến đôi bàn tay để vục nước, mà bất cứ lúc nào, ông cũng đều uống nước được một cách trực tiếp, bằng chính cái lưỡi đa năng của nhà ngoại giao Bùi Diễm.
Pháp quốc, 18/7/2012
Hàn Giang Trần Lệ Tuyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét