Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Văn nghệ ngày xưa - Văn nghệ ngày nay

Vẫn chuyện cuối tuần ở San Jose.

Chuyện tuần vừa qua đã kể rồi, nhưng tôi vẫn còn chuyện để thưa cùng quý thân hữu xa gần.
Trước hết là chuyện đọc sách.  Đọc vừa hết trang cuối cuốn biên khảo của tác giả Thụy Khuê gần 1000 trang. Đọc cả tuần mới hết. Sách về chuyện Nhân Văn Giai Phẩm 60 năm về trước. Rất thú vị khi đọc đến cuộc phỏng vấn nhà thơ Hoàng Cầm và bài thơ Bên kia sông Đuống. Kế tiếp là chuyện bà dân biểu Zoe Lofgren viết thư giới thiệu cơ quan IRCC để gọi là giúp cho việc quảng bá viện bảo tàng. Chuyện đáng khoe khoang này chắc phải trình bầy riêng. Và chuyện thứ ba là tôi có dịp đi xem văn nghệ với các danh ca của Hà Nội hiện đã định cư tại California.
Chuyện sau này viết ra có thể cũng có chút phiền phức nhưng cuộc sống đã thực sự như thế thì cũng phải phơi bày cho đủ.Xin bắt đầu như sau.

Con sông Đuống của Hoàng Cầm.

Trên Radio bên Pháp cũng như trong tác phẩm phát hành, bà Thụy Khuê có dịp hỏi chuyện văn chương và nhà thơ Hoàng Cầm kể rõ về hoàn cảnh sáng tác bài Bên kia sông Đuống. Dường như mỗi thi sĩ hay nhạc sĩ đều có duyên nợ với các dòng sông. Con sông Lô   của Văn Cao đã trở thành bài trường ca nổi tiếng. Quang Dũng khi hành quân Tây Tiến thì gầm gừ với con sông Mã. Khi yêu đương thì vuốt ve con sông Đáy lạnh đôi bờ. Phạm đình Chương thì kết hợp cả 3 con sông thành hội Trùng Dương. Nhưng riêng cái con sông Đuống nhỏ bé của Hoàng Cầm quả thực là đặc biệt. Chỉ có nhà thơ đất Bắc Giang mới có thể cho cả con sông nằm nghiêng. “Sông Đuống một dòng lóng lánh, nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”.

Tác giả cho biết là đến dự 1 đêm báo cáo hành quân của đơn vị đánh Pháp. Chia xẻ những đau thương tổn thất, ngậm ngùi vì cả một vùng đất mẹ bên kia sông đã bị giặc chiếm.

Sau đó 2 giờ sáng trở về đơn vị bắt đầu làm thơ. Những câu đầu tiên dành cho tình yêu:
 “Em ơi, buồn làm chi, anh đưa em về sông Đuống”.
Để rồi câu cuối cùng.
Bao giờ về bên kia sông Đuống. Anh lại tìm em, em mặc yếm thắm, em thắt lụa hồng. Em đi trẩy hội non sông”.
Đó là đoạn mở đầu và phần kết luận của bài thơ nổi tiếng. Ở đoạn giữa là binh đao chinh chiến.
Hồi ký Phạm Duy viết rằng bài nầy bộ đội chép tay cho vào ba lô ngâm nga lúc dừng quân. Và ca sĩ Phạm Duy đem đi ngâm trên khắp các miền đất nước. Chuyện đó quả có thực. Thời tản cư, tôi là cậu bé Nam Định chạy về quê ngoại ở làng Bình Hải, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.
Đứa bé mới trưởng thành, đội trưởng thiếu niên xã được phụ trách kiếm củi đốt lửa trại cho đêm Liên hoan của bộ đội. Đó chính là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi xem văn nghệ.
Hai bài thơ của Hoàng Cầm dược diễn ngâm là Đêm Liên Hoan và Bên kia sông Đuống. Vợ Hoàng Cầm là kịch sĩ và có thể cô con gái Kiều Loan còn trong bụng mẹ.
Văn công hát trường ca Sông Lô (Sông Lô, sông ngàn Việt Bắc, cháy bờ lau thưa, núi rừng âm u...)và Phạm Duy hát Nhạc Tuổi Xanh. (Một mùa Thu năm qua, cách mạng tiến ra…) Phải thành thực nói rằng mãi sau này bạn cũ nhắc lại tôi mới biết lúc đó mình đã gặp các văn nghệ sĩ xuất sắc nhất của lịch sử kháng chiến chống Pháp.
Đó là thời kỳ giao thời của thập niên 40-50. Đảng Cộng sản Đông Dương giải tán để chính phủ tuyên truyền vận động toàn dân đánh giặc.Cuộc kháng chiến vẫn còn đang khốc liệt nhưng đêm văn nghệ ở đình làng Bình Hải đã ghi dấu trong lòng cậu thiếu niên mãi mãi không quên. Văn nghệ hết sức quyến rủ, hết sức xúc động. Không hề có hệ thống âm thanh. Không có ban ánh sáng. Chỉ có lời thơ, tiếng ca tha thiết và hùng tráng giữa canh thâu. Văn nghệ ngày đó đã mở chân trời mới cho khán giả trẻ trung bước vào cuộc đời. Tuổi 15 ngày đó bây giờ đã ở tuổi 80.

Cỗ bài tam cúc.
Tuy nhiên, đối với riêng tôi, thơ chiến đấu của Hoàng Cầm đã hay nhưng quả thực chưa thấm. Bài thơ sông Đuống vẫn chưa dũng mãnh bằng bài thơ Em bé lên sáu khi tác giả viết để chống lại vụ cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ. Các bạn còn nhớ câu thơ bất hủ Hoàng Cầm. “Những cái lưỡi không xương, nói toàn điều lắt léo. Những con mắt bé tẻo, chẳng nhìn thấy chân trời”.
Nhưng tôi lại thấm thía nhất với Cỗ bài tam cúc. Thời kỳ thơ ấu, tản cư về quê mẹ. Trải ổ rơm, đánh bài tam cúc là những kỷ niệm êm đềm. Bài thơ bất hủ với lời thơ ẩn dụ, tốt đen tốt đỏ, tượng điều, đi đêm, để sau cùng chị đi lấy chồng, em gái nhìn theo, em nhớ chị, em nghĩ đến thân phận mình, em thẫn thờ, em gọi Đôi (Cây).  Các bạn đồng tuế Bắc kỳ của tôi. Hy vọng các ông bà hiểu được ngôn ngữ thần tình của thi sĩ. Tôi muốn đăng lại cả bài thơ như sau:
Cỗ bài tam cúc mép cong cong.Rút trộm rơm nhà đi trải ổ. Chị gọi đôi cây. Trầu cay má đỏ. Kết xe hồng đưa Chị đến quê Em. Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm. Em đừng lớn nữa Chị đừng đi. Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa. Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì. Đứa được, chinh chuyền xủng xoẻng.Đứa thua, Đáo gỡ ngoài thềm. Em đi đêm tướng điều sĩ đỏ. Đổi xe hồng đưa Chị đến quê Em. Năm sau giặc giã. Quan Đốc đồng áo đen nẹp đỏ. Thả tịnh vàng cưới Chị võng mây trôi
Em đứng nhìn theo, Em gọi đôi.

 
Cuộc đời của nhà thơ.
Hoàng Cầm là một thi sĩ tài hoa, rất nhiều tác phẩm. Kịch thơ Hận Nam Quan trong Nam học sinh thường trình diễn và thuộc lòng. Danh tiếng của kịch thơ Kiều Loan cũng là tên con gái vang dậy một thời.
Nhưng phần lớn tác phẩm của ông phải ba bốn chục năm sau mới được ra mắt. Một phần các tác phẩm của nhóm Nhân Văn lại được phổ biến tại Sài Gòn trong khi ngoài Bắc  các tác giả bị tù đầy. Riêng cuộc đời ông dù không trực tiếp tù tội lâu dài nhưng phải chịu trận 30 năm không được cầm bút.
Tôi phải ngưng ở đây để ghi thêm một chút riêng tư của gia đình thi sĩ. Sau khi sáng tác kịch thơ Kiều Loan, chuyện cô gái điên yêu nước, đại hội văn nghệ tại miền Bắc, Tố Hữu lên án kịch thơ, Hoàng Cầm phải treo cổ tác phẩm. Nhưng sau đó, bà Tuyết Khanh sinh con gái, ông đặt tên là Kiều Loan. Đầu thập niên 50, vợ thi sĩ đem Kiều Loan về Hà Nội, cùng thời với gia đình Phạm Duy bỏ kháng chiến. Hoàng Cầm ở lại. Năm 1954, bà Tuyết Khanh vào Sài Gòn, thi sĩ của con sông Đuống về Hà Nội. Vụ Nhân Văn nổi loạn, tên tuổi Hoàng Cầm vang dậy cả 2 miền Nam Bắc. Năm 1975, một lần nữa bà Tuyết Khanh di tản qua Mỹ.
Tại San Jose, khoảng 15 năm trước, cô Kiều Loan dựng lại vở kịch thơ bất hủ của ông già. Trong vai cô gái điên, Kiều Loan làm sống lại tác phẩm của Hoàng Cầm với mẹ Tuyết Khanh làm khán giả. Bà ra đi cách đây 3 năm tại thung lũng hoa vàng Mỹ quôc. Tiếp theo ông qua đời năm ngoái, dưới bầu trời hoa sữa ở Hà Nội.
Nữ kịch sĩ Kiều Loan, là người cộng tác lâu năm với IRCC và Dân Sinh tại San Jose đã về Hà Nội chịu tang thân phụ. Phạm Duy là bạn lâu năm lội ruộng đến bên phần mộ. Các bạn bè và người ngưỡng mộ nhà thơ đi đưa rất đông. Người Việt từ ngoại quốc về thăm quê hương, khi phi cơ nghiêng cánh, đã chỉ trỏ mà nói rằng phía dưới có dòng sông nhỏ hẳn là con sông Đuống.
Người Bắc Giang nói rằng con sông Đuống đang nằm nghiêng đã ngồi dậy tiễn đưa Hoàng Cầm.
Trong khi đó người bạn thân nhất của nhà thơ là ông Phạm Duy, mấy năm nay trở về cố hương tìm lá Diêu Bông của Hoàng Cầm, nhưng dường như vẫn chưa thấy.

Văn nghệ ngày xưa, văn nghệ ngày nay.
Giữa khoảng cách văn nghệ Liên Hoan của đầu thập niên 50 cho đến năm nay là 10 năm sau của thế kỷ 21 tôi vẫn là khán giả của những bài ca Việt Nam. Khán giả ngày đó và khán giả ngày nay có 65 năm cách biệt.
Tại San Jose lâu nay vẫn có nhiều chương trình văn nghệ và tôi hết sức tò mò đã đi dự một đêm vừa qua tại CPA. Văn nghệ này toàn là ca hát, không có ngâm thơ, không có vũ, không có nhạc kịch. Tất cả là đơn ca, song ca và tam ca. Hai nam ca sĩ Bằng Kiều và Tuấn Ngọc. 5 nữ ca sĩ Mỹ Linh, Hồng Nhung, Nguyễn Hồng Nhung, Trần Thu Hà, và Thanh Lam. MC là Kỳ Duyên và Thanh Tùng. Sân khấu lớn của thành phố có chừng 2000 chỗ dưới nhà. Họ bán ra 7 loại vé từ 25 đồng đến 125 đồng và còn hạng siêu VIP có thể là 150 hay 200 đồng. Ban tổ chức thì nói là đầy rạp 2000 người nhưng thực sự vẫn còn vài trăm hàng ghế trống.
Với giá vé như thế và gần đầy rạp quả thực là một buổi tổ chức thành công. Tôi phải kể ra như thế vì dường như bạn bè thân hữu độc giả và thính giả của tôi thường không dự các chương trình như thế này. Nên báo cáo để quý vị rõ. Dù rằng tôi thực sự chẳng hề biết và cũng không phải là thính giả của ca sĩ trình diễn. Chỉ nghe nói cô Mỹ Linh, Diva của Việt Nam là người trình diễn chính. Cô hát mở màn đầu và màn hai chừng 10 bài. Trừ anh Tuấn Ngọc tạm gọi là ca sĩ Saigon, còn lại tất cả đều là ca sĩ nổi tiếng Hà Nội và ngày nay coi như đã định cư tại Hoa Kỳ. Phần lớn hát nhạc vàng Saigon cũ chen lẫn 1 vài bài nhạc tình Hà Nội.
Khán giả có vẻ rất hiểu biết về ca sĩ và yêu mến thần tượng của họ. Suốt 5 giờ đồng hồ, mọi người ngồi nghiêm chỉnh để nghe hát. Tôi nghĩ rằng các ca sĩ hát rất chuyên nghiệp nhưng nói năng thì không chuyên nghiệp. MC không phải làm việc nhiều. Chỉ xuất hiện vài lần rất tượng trưng và chuyên nói chuyện tiếu lâm hơi dung tục. Nhưng khán giả rất vui vẻ để nghe những lời ẩn dụ bình dân về các hoạt động phía dưới lưng quần.
Cơ quan IRCC chúng tôi đã từng tổ chức vài lần tại CPA San Jose. Thú thực là rất vất vả để tìm được đủ khán giả cả trên lầu và dưới nhà 2700 chỗ. Sân khấu càng về khuya, quả thực không cón đủ bằng hữu để mời đầy một rạp hát lớn như vậy. Tôi tò mò đến xem để tìm hiểu ngay ở thế giới bên cạnh chúng ta, thiên hạ họ tổ chức ra sao và khán giả là những ai. Không thấy các bạn bè cựu chiến sĩ. Không thấy các thân hữu của cộng đồng. Không thấy các bạn cao niên thường gặp. Ca sĩ cũng hát nhạc vàng, cũng vỗ tay cho tình yêu nhưng quả thực như là từ một thế giới khác.
Các bạn bè và thân quyến cùng đi với tôi cũng chịu khó ngồi trong rạp để theo dõi buổi trình diễn. Phần tôi nhiều lúc bước ra ngoài. Không phải để hút thuốc, mà để nhìn thành phố về đêm. Phía bên tay trái của CPA San Jose là khu công viên cờ trắng. Đây là vườn tưởng niệm chiến binh đệ nhị thế chiến.
Trên 70 cột cờ lụa trắng bay bay trong canh khuya tĩnh mịch. Trong rạp vẳng ra tiếng hát véo von của cô Diva Việt Nam: Buồn trông con nhện giăng tơ.Em ơi hãy ngủ, anh hầu quạt đây.. Từ buổi văn nghệ Việt Nam của thế kỷ 21, tôi nhớ về đêm văn nghệ của tuổi hoa niên gần 70 năm trước ở làng Bình Hải, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Ngọn đèn măng xông lúc tỏ lúc mờ. Bài thơ Bên kia sông Đuống được đọc một lần rồi ngâm lại một lần. Giữa canh khuya, không có hệ thống âm thanh, không có chuyên viên chiếu đèn. Nhưng bài thơ và lời nhạc đã nằm sẵn trong đầu mỗi khán giả. Cũng như con Đáy lạnh đôi bờ, con sông Đuống ngằm nghiêng trong kháng chiến trường kỳ. Những chàng trai đã đứng lên đáp lời sông núi đó ngày nay ở đâu. Trải qua bao nhiêu cuộc chiến. Đánh Pháp rồi quốc cộng phân tranh từ 46 đến 54. Đất nước chia đôi, rồi quốc cộng và chiến tranh Nam Bắc trở lại từ 62. Tiếp tục đánh Mỹ đến 73. Sau cùng là tổng tấn công chiến thắng miền Nam. Giữa những ngày tháng đó, biết bao nhiêu là đêm văn nghệ từ Hà Nội đến Sài Gòn dưới những mầu cờ khác biệt. Sau cùng, trên sân khấu của đại hý viện San Jose như đêm nay, những cô ca sĩ thời danh của Hà Nội không hát Trường Sơn. Họ trình diễn toàn nhạc Vàng tiểu tư sản. Những sản phẩm thể hiện tinh thần mà ngảy xưa Nhân Văn Giai Phẩm đã điêu đứng cả cuộc đời.Những suy tư của tôi, chìm đắm trong kỷ niệm bây giờ chẳng còn ai chia xẻ. Ngày xưa, người ta ngâm thơ của Hoàng Cầm, lúc đó cô Kiều Loan của San Jose hôm nay vẫn còn nằm trong bụng mẹ.
Những khán giả của đêm Liên Hoan đình làng Bình Hải, chắc bây giờ chẳng còn ai. Là khán giả của đêm văn nghệ được coi là nổi tiếng của San Jose nhưng tôi chợt cảm thấy mình lạc lõng. Khi đệ nhị thế chiến chấm dứt, đất nước tiếp tục chém giết nhau từ 45 đến 75 vừa đúng nửa thế kỷ. Bây giờ thêm gần 40 năm lưu vong. Cuộc tương tàn trở thành vô nghĩa. Thắng bại cũng như không. Tiếng hát tiếp tục với nhạc Vàng Sài Gòn thánh thót bay cao nhưng tôi nghe như ở nơi rất xa.
Có thể tôi đã thuộc về một thế giới khác. 

Vũ Văn Lộc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét