Người mình bình thường rất hay nhạy cảm với cụm từ „ làm chính trị „ tôi chợt
nhớ tới ba tôi khi còn sống, người cũng thường có những hành vi gọi nôm na là làm chính
trị tâm lý chiến nhất là sống giữa hai lằn ranh Quốc Cộng trong thời chiến tranh.
Năm
đó hình như là trước Tết Mậu Thân năm 1968.
Tôi còn nhớ mang máng như vậy vì lúc ấy khu nhà trong Thất Cao Đài của
gia đình tôi chưa sập vì bom đìa, tất cả vẫn còn nằm trong nỗi nhớ như
sự việc mới xảy ra hôm qua. Thời ấy chiến tranh bùng nổ dữ dội từ các
tỉnh miền Trung đến các tỉnh miền Tây nam phần. Năm đó có
nguyên một sư đoàn bộ binh đóng quân sau mảnh vườn dừa của chúng tôi,
vườn giáp ranh với đất ruộng của hàng xóm, đại khái là hai mảnh đất nằm
sát nhau, chỉ cách một con lạch nhỏ. Từ trong bóng đêm thanh tịnh nhưng
đầy hiểm nguy đó bỗng bên phía khu vườn cây rậm có một tên VC cảm tử lẻn
bò qua, tay anh ta cầm quả lựu đạn tính bò tới gần để ném phá tung ổ
súng đại liên của sư đoàn 7 đang đóng. Họ có giao liên hay sao mà hắn
biết rành là ổ đại liên nằm ngay chỗ đó mà mò tới phá? Nghe tiếng sột
soạt khả nghi, chi huy trưởng sư đoàn ra lệnh nả súng xối xả về phiá gây
ra tiếng động, âm mưu tấn công của VC bị bại lộ. Hai bên bắn xáp lá cà,
phía VNCH mạnh mẻ hơn, làn đạn bay vèo vèo sau vườn, xuyên qua mành
mành cửa sổ thấy đạn xẹt tóe lửa, ánh hỏa châu chợt rực sáng trên bầu
trời đang tối thẩm che phủ bởi tàu lá dừa.
Sống trong cảnh
chiến tranh đã quen, nhưng chưa lần nào chứng kiến hai bên đụng độ sát
bên nhà mình như lần này. Mẹ
tôi lẹ lẹ giục đàn con chui hết xuống hầm trú ẩn. Cái hầm thời
đó ba tôi cho thợ xây kiên cố, hầm có bốn bức tường hình chữ nhật, mỗi
tường dày
độ chừng nửa mét, giữa tường có lỗ rỗng để đổ thêm cát vào đầy ắp, trên
mặt
hầm là bộ ván gỗ dày, trên mảnh gỗ đó là 4 tấm nệm mút chất chồng cao
nghệu lên nhau. Nghĩa
là hầm đã được chôn sâu dưới lòng đất còn được bọc bởi tường xi măng và
cát chung quanh, bảo đảm viên đạn vô tình nào đó có muốn chui ngang cũng
phải chừa chúng tôi ra. Tôi yên chí nghĩ thế và hãnh diện về ba mình.
Trong
khi cả nhà đang trốn dưới hầm
thì chị tôi len lén bò ngược trở lên, chị là con gái mới lớn đang biết
yêu, chị lo cho người yêu của mình
đang trực diện với hiểm nguy, với giặc thù sau vườn, chị lết nhè nhẹ tới
cạnh cửa sổ nhìn ra, mím môi ráng kéo cái chốt cửa sổ định hé hé ngó ra
sau hè coi, đơn giản là chị muốn nghe
ngóng xem động tĩnh ra sao, có ai chết ai bị thương, vì tò mò. Bỗng có
tiếng anh lính nào đó quát lớn ra lệnh:
- Để yên ! Mở cửa là ta bắn liền !
Một trong các anh lính oai hùng ngoài ấy là người yêu của chị tôi. Họ
mới quen
trong thời gian sư đoàn bộ binh đóng quân tại khu này. Thời gian cũng
khá lâu để tình quân dân
nẩy nở. Ban ngày thì những anh lính ấy là bạn của gia đình tôi, của dân
chúng, sau những cuộc hành quân quay về nấu nướng, chuyện trò với bà
con trong tình quân dân thắm thiết. Trông các anh lính mặt trẻ măng non
choẹt thấy thương, nhưng đêm tối về khi hai bên đụng trận tự dưng chỉ
cần một tiếng động khẽ cũng làm các anh cảnh giác ngờ vực. Tự dưng nghe
tiếng người đàn ông lạ quát lớn, mẹ tôi sợ hãi nhìn quanh quất đếm từng
đứa một, mới hay thiếu chị tôi. Mẹ lồm cồm bò ra khỏi hầm kéo chị tôi
xuống trở lại, khi
ấy chị mới độ chừng 16 tuổi, lôi chị xuống hầm xong, mẹ còn cú vào đầu
cho mấy
cái, bảo:
- Đồ ngu nè, may là chưa ăn đạn nghe
con !!
Phe địch rút lui thật lẹ, nhường lại sự yên tĩnh cho khu vườn dừa hiền
lành để bình minh của một ngày mới lại về trong tinh thần hoang mang. Kết
qủa là sáng sớm ngày hôm sau trong vườn nhà
tôi hiện ra một cảnh tượng điêu tàn, mấy cây dừa dây chuối bị thương đổ
ngã nghiêng. Lũ nhóc ngây thơ thì mừng
rỡ vì hai bên đã hết đánh nhau, chúng được chạy giỡn nô đùa ngoài sân,
con nít rất mau quên miễn sao đừng ép
chúng trốn hoài trong hầm ngộp thở là chúng khoái rồi. Tôi cũng chạy
tung tăng
theo đám con nít hàng xóm, chợt thấy bên lề đường bà con đang bàn tán
nhốn nháo, người ta bu coi đông nghẹt, bởi óc tò mò tụi con nít cũng xúm
lại coi, bỗng một thằng hét lớn, vừa hét vừa bịt mồm:
- Ui cha mẹ uiii - rồi nó co rúm vai lại,
ôm lấy miệng, mặt tái mét chạy đi chỗ khác ói: « Đó là một cái xác VC
chết tụi bây ơiii, chạy lẹ hổng thui ổng đứng dậy đuổi theo mình bi
giờ á! «
Đám
con nít tụi tôi mặt mày xanh lét lánh ra xa xa không dám tới gần, mặc
dù rất muốn tới để nhìn tận mặt "Việt Cộng" coi nó nhìn ra làm sao.
Người ta chỉ nghe hai chữ VC chứ chưa biết Việt
cộng là ai, ra sao mà ghê quá vậy ! Đám đông người lớn khi nảy còn tụ
năm tụ bẩy bàn tán về vụ đụng độ đêm qua, các anh lính Bộ binh Quân lực
VNCH đứng canh gác trong tư thế phòng thủ, trong khi những người bán
hàng trong chợ, anh phu quét chợ, dần
dần tản mát, tuy họ cố gắng trở lại đời sống thường ngày nhưng không thể
nào bình an như cũ vì cái xác chết vẫn còn nằm trơ trơ bên mé lộ cái.
Cái
xác đó
là tên Việt Cộng nằm vùng đêm qua dám
to gan
bò vào định phá ổ đại liên của sư đoàn đang đóng sát con kênh. Hắn bị
trúng đạn xuyên ngay tim nên bị mất máu và chết tại chỗ, sáng ngày hôm
sau mặt mày trở nên xanh lè. Người
anh ta ốm nhom. Mặt xương xẩu, còn trẻ măng, non choẹt, mặt anh VC trông
chẳng khác gì các anh lính phe Quốc gia mình. Bộ chỉ huy an ninh quân
đội chưa cho di tản xác anh ta vội, họ muốn để thây VC đấy
nhữ xem thân nhân trong phường ai ra nhận xác, nhưng chờ mãi không thấy
thân nhân
nào ra nhận, đến xế chiều nắng tắt, ba tôi ngoài chợ về tới, với tư cách
chủ đất, con của ông
cũng là sĩ quan trong quân đội, ba tôi nói:
- Thôi các anh cho ba « xin" cái xác này đem đi chôn, để xác nằm lây
lất ruồi bu không tốt, để ba gọi người đem chôn, rồi mọi sự hậu tính.
Mấy
ông Sĩ quan ưng thuận vì nễ tình với ba tôi. Ba liền gọi bác Hai
Lũy, người quản gia tin cậy lâu năm của gia đình, bác Hai lấy chiếu cuốn
xác anh VC lại, vài người phụ khiêng bỏ anh ta vô hòm gỗ, rồi lấy xe
đẩy bốn bánh kéo về trên Bình Nguyên, chôn cất tạm bợ đơn sơ trong nghĩa
trang của gia đình. Mộ phần của anh VC trẻ nằm sát hàng rào kẽm gai.
Tôi chỉ còn nhớ mang máng như thế, và hình như sau này nghe người nhà kể
lại, hàng rào kẽm gai ấy bị cắt, và có một người đàn bà nửa đêm lén vào
nghĩa trang chong đèn đào mồ lên ăn cắp
xác con mình rồi đem đi mất, không để lại dấu vết gì.
Ký ức về tuổi thơ của tôi chỉ còn nhớ mài mại như thế cũng đủ làm tôi
buồn khi nghĩ tới một người mẹ đau khổ nào đó khóc vì mất con, phải chờ
đêm tối âm thầm vào nghĩa địa
cướp xác con mình về.
Ngẫm thật là buồn ! Ôi chiến tranh Nam Bắc Việt Nam ơi, thân phận nước tôi!
Dân
mình dưới quê vừa nghèo lại ít học, có ai
ham làm Chính trị. Họ cũng chẳng hiểu Chính trị là cái gì đâu! Ai là
người chủ mưu tuyên truyền khiến bao nhiêu người dân hy sinh thân mình
cho một lý tưởng cộng sản hảo huyền, đòi giải phóng miền Nam, anh em bắn
giết lẫn nhau, rồi quên đi tình đồng bào quyến thuộc?
Các anh trai của tôi cũng như đông đảo con trai miền Nam trước biến cố
75 đã từ bỏ
áo trắng thư sinh nhập ngủ cầm súng gìn giữ Quê Hương vì lý tưởng bảo
vệ quốc gia, bảo vệ sự xâm lăng của quân đội Miền Bắc. Biết bao nhiêu
người lính trẻ
miền Nam đã trở thành tàn phế thân thể cũng vì cuộc chiến vô nghĩa của
anh em một nhà. Sau Tháng Tư năm 75, cộng sản miền Bắc thắng cưỡng chiếm
miền Nam thì các anh lính MN này bị họ bắt giam trong tù cải tạo, người
thì chạy thoát thác xuống biển tìm Tự do. Đâm đầu vào chỗ chết tìm sự
sống. Hành động đó có gọi là Chính trị không nhỉ?
Đã xa Quê Hương rồi,
thay vì sống vui hưởng, nhưng họ muốn làm một cái gì đó để vuốt ve an
ủi người còn ở lại,
tại hải ngoại khối NVTN tập
họp tổ chức Đại Nhạc Hội gây quỹ cứu trợ giúp người dân còn nghèo khổ
trong nước. Không ngừng nghỉ năm này tháng nọ họ kiên nhẫn tràn xuống
đường biểu tình đòi chính quyền CSVN thả tự do cho các nhà Lãnh đạo Tinh
thần, những người
dân yêu chuộng Tự do Dân chủ không cùng chính kiến đang bị bắt bớ tù đày
trong nước. Hành động yêu nước đó có phải là hành động Chính trị
không? Họ làm cho ai? Hay
là người ngồi viết lại những trang lịch sử đau thương của quá khứ để
tìm về thời ấu thơ thịt đổ xương rơi như tôi đang làm đây cũng là
hành vi Chính trị đáng bị cấm đoán sao? Chính trị là gì mà ghê thế nhỉ?
Sao các ông độc tài quá? Cái gì các ông cũng cấm.
Võ thị Trúc Giang Lúa 9
Trích: Thà như giòng nước chảy ( 2007 )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét