Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

Về Tình trạng Kinh Tế Tài Chính “giẫy chết” ở Việt Nam?

Ngày Thứ Hai mùng 1 tháng 10 vừa qua, Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đã bắt đầu buồi họp bí mật ước định sẽ kéo dài hai tuần - tức là dài bằng hai lần bình thường - để giải quyết một số vấn đề hệ trọng đang làm điên đầu những quan chức thuộc “triều đình Cộng Sản Việt Nam” gồm 14 vị “quan lớn” trong ban chấp hành trung ương đảng, cơ quan chính trị đầu não của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Theo Carl Thayer, một giáo sư Úc hiểu biết nhiều về tình hình Việt Nam thì đây là một sự đối đầu giữa Nguyễn Tấn Dũng và những kẻ chống đối ông, hai ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng và Trương Tấn Sang, chủ tịch nước – hai ông Trọng và Sang muốn giới hạn bớt quyền hành của ông Dũng và nếu được, đẩy luôn ông này ra khỏi cái ghế Thủ tướng, lý do là những thất bại liên tiếp của Thủ tướng Dũng và thuộc hạ gây tai tiếng cho Đảng và Nhà Nước và gây sự phẩn uất của nhân dân. Cùng một ý tưởng, Rajiv Biswas, kinh tế gia hàng đầu về Á Châu Sự Vụ của công ty cố vấn IHS Global Insight cho rằng trong tình hình kinh tế đang gặp phải những khó khăn căn bản như hiện nay thì ông Dũng có thể sẽ mất chức thủ tướng và những tay chân của ông sẽ bị Trương Tấn Sang cho ra rià. Nhưng trái lại một số quan sát viên khác lại cho rằng khó mà có thể bẩy được ông Dũng, một người dạn dầy chính trị, đã trải qua nhiều cơn sóng gió chính trị mà không hề hấn gì.
Sở dĩ có chuyện Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam làm áp lực đối với Thủ tướng Dũng là vì tình trạng kinh tế suy đồi, đi đôi với các tệ nạn lạm phát gia tăng, hối lộ tham nhũng và nhất là biến động mới đây của các ngân hàng đã làm cho công chúng ngày càng bất mãn, thể hiện qua sự tăng gia phản đối của người dân. Gần đây những bài viết trên các blogs và những phương thức phổ biến tin tức khác trên Internet như Facebook, Twitter, Linkin, v…v.. chỉ trích đích danh Thủ tướng Dũng, có người còn ra mặt đòi công khai đối chất với ông. Chính phủ độc tài Hà Nội vẫn đang cố gắng che đậy sự căm giận và bất mãn của người dân và mới đây Thủ tướng Dũng đã ra lệnh bắt tất cả những người viết blogs chống lại chế độ, đưa họ đi tù dài hạn. Nhưng bất kể những bản án khắc nghiệt đó, số người viết blogs lên án chế độ thối nát bất tài vô luơng vẫn không những tồn tại mà lại còn gia tăng nhiều hơn đến độ hệ thống kiểm duyệt của nhà nước không còn có thể triệt tiêu được họ. Một viên chức trong đảng đã phải lên tiếng, “Chưa bao giờ một thủ tướng lại bị tấn công trước công chúng mạnh mẽ như vậy vì những tệ hại kinh tế và nạn tham nhũng thối nát tầy trời. Đấy là một cuộc đụng độ ngay trong đảng giữa hai phe, một phe có tiền và một phe có quyền hành và vấn đề nêu lên là làm thế nào để giải trừ nạn tham nhũng, làm thế nào để có thể tẩy uế hàng ngũ đảng viên….”
Cái gì đã thúc đẩy người dân bất mãn tới độ dám cô ng khai “lên án” thủ tướng Dũng? Về mặt nổi đó là những vụ xì căn đan liên tiếp, khởi đầu từ vụ Vinashin xẩy ra vào năm 2010 cho tới những vụ phá sản thụt két làm ăn bậy bạ gian lận, và những vụ tai tiếng liên hệ tới những cơ sở kinh tế công khổng lồ khác do nhà nước làm chủ và những ngân hàng mà chủ nhân là những cận thần của thủ tướng Dũng. Về mặt chìm đó là tình trạng kinh tế tệ hại, chậm tăng gia và nhất là nạn lạm phát gây ra sự phá giá đồng tiền và sự tăng giá của hàng hóa làm đời sống của đa số người dân đã khốn cùng lại khốn khổ thêm. Nói chung tình trạng kinh tế tái chánh suy thoái bất ổn đã tới độ cơ quan đánh giá Moody’s phải hạ thấp mức độ tin cậy (credit rating) vào nền kinh tế tài chánh Việt Nam xuống hạng B2, một thứ hạng thấp nhất từ trước đến nay.
Mới hai năm trước đây tình thế còn sáng sủa, nàng thống đốc Christine Gregoire của tiểu bang “củ khoai Tây” Washington State còn hớn hở, tưởng vớ được món bở khi cùng cùng với 50 đại diện của tiểu bang đi sang Việt Nam thăm viếng và ký kết những thỏa hiệp thương mại và kỹ nghệ với cái xứ sở xưa kia là thù địch của Hoa Kỳ. Nàng thống đốc đã tới dự lễ cắt băng khánh thành công cuộc xây cất khu cảng vùng biển sâu tại Cái Mép – còn được gọi là cảng Thị Vải thuộc tỉnh Vũng Tàu Bà Rịa. Theo kế hoạch thì cảng Cái Mép với tổng diện tích là 27 hec ta được thiết kế để tiếp nhận tàu chuyên chở containers (thùng thép lớn chứa hàng hóa) có trọng tải lên đến 80.000 DWT (deadweight tonnage) với công suất thông qua đạt 600.000-700.000 TEU - đơn vị đo của một container 20 ft × 8 ft × 8,5 ft - mỗi năm. Chiều dài bến là 600 m với tổng diện tích lên tới 48 hecta. Cảng Thị Vải cũng sẽ tiếp đón tàu hàng tổng hợp có tải trọng lên đến 75.000 DWT - và công suất thông qua cảng sẽ có thể lên tới từ 1,6 tới 2 triệu tấn mỗi năm. Nghe thì ngon lành như vậy, như “nói dzậy không phải dzậy” hay là nói để bịp mà thôi -.
Công cuộc xây dựng cảng Cái Mép được thực hiện qua sự ký kết giữa Công ty Carrix’s SSA Marine unit có bản doanh đặt tại thành phố Seattle và Cảng Saigon, một bộ phận của một đại công ty do Nhà Nước làm chủ mang tên là Vietnam National Shipping Lines, thường được gọi tắt là Vinalines. Sáu năm sau ngày được nàng Thống Đốc Gregoire làm lễ khai mạc công cuộc xây dựng và sau khi SSA Marine Unit đổ vào đó $160 triêu mỹ kim, người ta chưa thấy đâu ra đâu, lý do đơn giản là vì tình hình kinh tế đã ngày càng tồi tệ và nạn gian lận tham nhũng ngày càng tác oai tác quái – hai yếu tố này tất nhiên không chỉ ảnh hưởng đến công trình xây dựng cảng Cái Mép, chúng còn là nguyên tố phá hoại mọi công trình xây dựng hay làm ăn của những công ty khác do Nhà nước quản lý.
Thêm vào đó, khốn nạn thay, tình hình kinh tế suy đồi trên toàn thế giới cũng đã làm áp lực thêm, càng gây khó khăn cho hoạt động của Vinalines, thu hoạch cùa cảng Cái mép và hai cảng khác do sự ký kết làm ăn chung giữa những công ty ngoại quốc và Nhà Nước Việt Nam đã xụt xuống quá phân nửa khả năng dự tính làm cho Vinalines gần xụp đổ vì mang những món nợ khổng lồ và nhất là vì vụ biển thủ to lớn gây tai tiếng khắp thế giới, đưa tới sự kiện thủ tướng Dũng phải ra lệnh truy nã và bắt giam tên chủ tích Vinalines là Dương Chí Dũng – tên này đã bỏ trốn sang Campuchia nhưng sau ba tháng đã bị cơ quan cảnh sát quốc tế Interpol tìm ra và bắt được, đưa về Việt Nam – và sáu bộ hạ khác của tên này.

Việt Nam vốn có nhiều lợi điểm về mặt kinh tế - đa số người dân trong tuổi lao động và có khả năng chữ nghĩa khá cao, có nhiều tài nguyên thiên nhiên, về phương diên canh nông có khả năng tự túc, có bờ biển trải dài trên 2 ngàn cây số và có một vị trí chiến lược vì nằm trên những đường giao thông hàng hải quốc tế - nên trước đây các nước đổ tiền đầu tư vào Việt Nam đã có hoài vọng rằng đất nước này sẽ trở thành một con hổ trong vùng Đông Á và họ đã nghĩ họ vớ được món bở, công cuộc làm ăn sẽ ngon lành nhưng chao ơi, nay tiền mất tật mang, họ đã thất vọng chua cay. Mảnh đất Việt Nam phì nhiêu nhưng lại chất chứa vô số những tên vừa gian hùng vừa dốt nát, tham lam thấy tiền là mắt sáng lên muốn hưởng mà không muốn làm. Vì thế mà đã xẩy ra bao nhiêu vụ đổ bẻ, tai tiếng, bao nhiêu tên gian tham đi tù.
Bây giờ thì các quan sát viên kinh tế mới vở lẽ ra rằng bọn Cộng Sản không có khả năng quản lý, làm ăn với họ chỉ có vỡ mặt. Nay thì họ nói xấu về Việt Nam. Họ dùng những cụm từ như “basket case” (Vietnam is now looking increasingly like a basket case) - một người bị cụt tứ chi ám chỉ không thể làm ăn gì được, chơi với Việt Nam chỉ có lỗ – hay “poster child for mismanagement” (Vietnam, in short, has gone from global investment darling to poster child for mismanagement) - biểu tượng cho sư thiếu khả năng quản lý. Thật ra không phải Việt Nam như thế. Chỉ có Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản mới vậy! Bằng cớ là thứ nhất: Khả năng quản lý của Miền Nam Việt Nam (trước 1975) không thua kém gì khả năng cuả các nước tiên bộ ở Á Châu ngày nay như Đại Hàn, Đài Loan, Singapore, Hong Kong… Thứ hai khả năng quản lý của người Việt Quốc Gia ở Hải ngoại cũng không thua kém khả năng của những người bản xứ nơi họ cư ngụ.

Rõ ràng rằng những nhà quan sát phương Tây bây giờ đã “ngộ”. Bây giờ họ đã thấy rõ rằng số tiền đầu tư trực tiêp khổng lồ của nước ngoài vào Việt Nam đã bị lạm dụng. Năm 2007, năm Việt Nam được gia nhập Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế số tiền đầu tư trực tiếp của ngoại quốc vào Việt Nam nhiều hơn cả tổng số tiền đẫu tư vào Nam Dương, Phi Luật Tân, Thái Lan và tất cả các nước còn lại trong vùng – theo số liệu của Ngân Hàng Quốc Tế - và Việt Nam đã không thể cai quản số tiền khổng lồ đó gây ra tình trạng xài tiền không đúng chỗ (capital misallocation) – nói cho đúng ra không phải là những tên Cộng sản gộc xài tiền không đúng chỗ mà là xài tiền ở những chỗ nào có lợi cho chúng, những chỗ mà chúng có thể chấm mút được. Ruchir Sharma, người đứng đầu ngành chứng khoán của những công ty đầu tư vào những nước mới mở mang (emerging-market equities) tại Morgan Stanley tuyên bố rằng “những người cầm quyền ở Việt Nam đã không chuẩn bị tinh thần cũng như không có khả năng quản lý số tiền đầu tư của nước ngoài đổ vào Việt Nam trong thập niên vừa qua” (“Its rulers were neither prepared nor competent to handle the huge inrush of foreign capital in the last decade.”)
Lúc ban đàu khi ngoại quốc bắt đầu đổ tiền vào Việt Nam thì số tiền đầu tư còn được xử dụng vào việc thiết lập những hạ tầng cơ sở tạm được coi là hữu dụng như đường xá cầu cống và những hải cảng nhưng sau đó tiền được đổ vào việc xây dựng những cao ốc và nhà ở loại sang đắt tiền, xử dụng tư bản đầu tư một cách phung phí, vì cho đến nay nhiều toà nhà xây lên quanh thành phố Hồ Chí Minh vẫn để không, nhiều cái lại còn để dỡ dang chưa xây cất xong thì bỏ đó. Rồi lại có không biết bao nhiêu khu vực kỹ nghệ (industrial parks) được lập ra bừa bãi ở vùng ngoại ô các thành phố để cho các các công ty ngoại quốc thuê mướn ăn lời nhưng không tính toán kỹ nhu cầu nên phần lớn cũng bỏ không. Những khu kỷ nghệ này chiếm đất canh tác làm hàng mấy chục ngàn gia đình nông dân mất nhà mất cửa, mất đất sống, trên 3645 hec ta riêng chỉ trong vùng đồng bằng sông Cửu Long để rồi chỉ xử dụng hết có 810 hec ta! (tính cho tới tháng 7 năm 2012). Chưa kể đến vô số những nhà máy luyện thép đã bị phá sản và những cửa hàng buôn lớn (retail stores) của nguời Việt hiện đang chịu sự cạnh tranh của những cửa hàng ngoại quốc không biết có sống còn hay không. Cũng vậy các nhà đầu tư bất động sản Việt giờ đang phải giảm giá để tranh giành khách thuê cả cửa hàng lẫn nhà ở và khách sạn.
Tình trạng kinh tế lụn bại này kéo theo những khủng hoảng tài chính. Theo những con số nghiên cứu đưa ra bởi HSBC thì trong sáu năm vừa qua số tài khoản vay mượn đã tăng lên tới bốn lần hơn mà phần lớn những tài khoản tài trợ của ngân hàng đổ vào những công ty nhà nước không biết làm ăn như Vinalines, những công ty cầm đầu bởi những thành viên có thế lực trong đảng hay tay chân của bọn này, cả bộ máy thối nát tham nhũng ăn hại, sống xa hoa bằng công quỹ nhà nước. Tổng số 100 công ty nhà nước lớn nhất hiện đang ôm một số nợ lên tới 50 tỷ mỹ kim – tương dương với 1/3 tổng sản luợng của Việt Nam – và nay chỉ cần một trong số những công ty đó phá sản là cả một cuộc khủng khủng hoảng ngân hàng sẽ xẩy ra.

Hiện giờ không phải chỉ có Ngân hàng Thương Mại Á Châu do tên đầu sỏ tỷ phú Nguyễn Đức Kiên (tên này đã bị bắt mới đây về tội rất “vớ vẫn” là “làm ăn trái với pháp luật” - cầm đầu mà tất cả những ngân hàng khác ở Việt Nam cũng đang ở trong cùng một tình trạng làm ăn mập mờ gian lận và bấp bênh. Tuy Thống Đốc Ngân Hàng Trung Ương tên Nguyễn văn Bình tuyên bố rằng hiện có 9 phần trăm những món nợ cho vay bất khả hoàn – con số chính thức nhà nước đưa ra có 4%! - nhưng những ngân hàng ngoại quốc ước luợng rằng con số chính thức còn cao hơn rất nhiều: những chuyên viên phân tích tại Fitch Ratings cho rằng con số đó phải là 15% trong khi một bản báo cáo của Barclays mới đây thì nêu lên con số 20%, với con tỳ lệ này thì tổng số nợ bất khả hoàn lên tới 16 tỷ mỹ kim tức là bằng gần 12% của tổng sản lương quốc gia! Để cứu những ngân hàng ra khỏi con nguy khốn tài chính này ùy ban kinh tế của Quốc Hội ước định cần 12 tỷ mỹ kim nhưng các quan sát viên quốc tế cho răng con số đó chì mới là con số cần lúc khởi đầu mà thôi. Vậy mà theo Cơ Quan Tiền Tệ Quốc Tế thì tổng số tiền dự trữ của Việt Nam chỉ có 14 tỷ mỹ kim thì dễ gì mà thoát khỏi cơn nguy ngập tài chính? Giải pháp duy nhất là in thêm tiền, nhưng nếu làm vậy thì đồng tiền Đồng sẽ bị phá giá, lạm phát sẽ gia tăng. Hơn nữa sau bao nhiêu năm lạm phát và tiền cho vay bừa bãi, Việt Nam bây giờ đã ở vào một thời kỳ ngân hàng không còn dám cho vay tiền, gây ra tình trạng các thương gia không có tiền để đầu tư. Kết quả là kinh tế ngày càng lụn bại, mà kinh tế càng thêm khó khăn thì các công ty càng không kiếm được tiền để trả nợ. Thêm vào đó những người có tiền để trong ngân hàng, vì sợ mất tiền nên đã xếp hàng dài để rút tiền về tạo nên tình trạng thiếu ngân khoản để cho vay! Vì thế ngân hàng cứ phải tăng lãi xuất để thu hút tiền của tư nhân. Thật là một vòng luẩn quẩn.

Cũng trong cái vòng luẩn quẩn này là chuyện đầu tư trực tiếp ngoại quốc. Kinh tế xa sút làm cho những nhà kinh doanh ngoại quốc ngại không còn muốn đổ tiền vào Việt Nam làm ăn như trước, đấy là chưa nói đến chuyện một số không ít những doanh gia ngoại quốc đang đầu tư ở trong nước đã và đang tìm cách rút chân ra khỏi Việt Nam, họ muốn chuyển hoạt động của họ tới những quốc gia như Mã lai Á và Nam Dương là những nơi không khí làm ăn trong sạch hơn. Người ta tự hỏi tại sao lại có tình trạng này? Tại sao trước đây khoảng 10 hay hơn 10 năm những nhà đầu tư ngoại quốc lại nhiệt tình xông vào làm ăn ở Việt Nam mà bây giờ thì lại ngại ngùng e dè như thế?
Câu trả lời thật đơn giản: Đó là bởi vì tại Việt Nam tình trạng kinh tế không ổn định, và hơn nữa những nhà đầu tư ngoại quốc bây giờ đã ranh mãnh hơn, họ đã biết hết cả những mưu mô gian lận làm tiền của chính quyền và không còn dễ bị lừa nữa. Trong vụ Vinashin, nhà nước Việt Nam lưu manh đã tính quỵt nợ làm cho nhiều chủ nợ nắm giữ công trái, trong đó có công ty đầu tư Elliot Associates ở Nữu Ước, đã phải thưa kiện ra toà. Lại nữa trong vụ tranh chấp về tiền bạc mới đây giữa công ty International Textile Group (ITG) của Mỹ với công ty Phong Phú, một bộ phận của công ty quốc doanh Vinatex, thay vì nội vụ phải đưa ra trước cơ quan trọng tài quốc tế ở Singapore để được giải quyết cho công bình thì Chính phủ Việt Nam lại đưa nội vụ ra trước toà án Việt Nam để công ty Phong Phú được có lợi, gây tồn hại cho đối phương, vi phạm qui ưóc trọng tài đã được ký kết giữa hai bên(Việt Nam vẫn còn khoái chơi luật rừng! Hỏi như thế làm sao những nhà đầu tư quốc tế còn có thể tin tưởng được nơi nhà nước Cộng Sản Việt Nam?)

Kết Luận:

Rõ ràng những khó khăn mà Trung Ương Đảng họp để tìm biện pháp giải trừ - loại trừ thủ tướng Dũng và tẩy uế hàng ngũ đảng viên – đều không giúp gì cho hiện tình bế tắc của nền kinh tế tải chính của Việt Nam. Lý do đơn giản là vì dù có loại được Dũng này thì cũng lại thay thế bằng một “Dũng” khác và làm sao có thể tẩy uế được hàng hàng lớp lớp đảng viên trong khi chính những “quan to mặt lớn” trong đãng lại còn “tầy trời” hơn ai hết? Bỏ tù một vài tên đảng viên gian manh ăn hại thì được, làm sao bỏ tù chính mình và bỏ tù gần bốn triệu đảng viên? Đãng Cộng Sản còn thì đảng viên còn, đảng viên còn thì thối nát còn.
Còn giải pháp tìm đủ tiền ( 12 triệu mk? 16 triệu mk? ) để giúp các ngân hàng thoát khỏi tình trạng hiện tại, giúp tái lập trật tự kinh tế, tái lập sinh hoạt sản xuất thì thứ nhất lấy đâu ra tiền? thứ hai dù có nhờ Hoa Kỳ giúp “thoát nợ” (bail-out) bằng cách vay tiền của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) – như giải pháp những quan sát viên tài chánh quốc tế đưa ra – thì cũng chỉ là một giải pháp tạm thời, vài năm sau lại xẩy ra tình trạng như thế này, làm sao thoát được cái vòng luẩn quẩn (vicious circle) khi mà cơ sở, khi mà bản chất của nên kinh tế tài chánh không cho phép làm khác hơn?
Vậy có giải pháp lâu dài hay không? Làm sao thoát khỏi con đường bế tắc này? Làm sao để có thể quản lý nền kinh tế tài chính hữu hiệu để quốc gia phồn thịnh, dân chúng no ấm hạnh phúc?
Đầu tiên là phải có một chính sách làm ăn minh bạch, sáng suốt, công bình, công khai theo đúng luật pháp, không ăn gian nói dối, không lừa bịp để ngoại quốc tin tưởng, sẵn sàng đầu tư trở lại vào nước ta.
Thứ đến phải diệt cho hết và tận gốc nạn tham nhũng hiện đang lan tràn trên quê hương, phải có luật khắt khe đối với những kể phản quốc, làm hại đến đất nước, phải khắt khe xét xử bọn gian ác đó, nếu cần đưa bọn chúng ra “pháp trường cát” phải bỏ tù chúng không thương tiếc. Phải tịch thu tài sản - khổng lồ - của chúng, quốc hữu hóa những cơ sở làm ăn mà bọn chúng đang có, phải theo dõi chúng nếu chúng tẩu tán tài sản tiền bạc, trốn đi ra nước ngoài, nhờ Interpol truy nã, nhờ quốc tế truy hồi tài sàn mà chúng ăn cắp của nhà nước…
Phải có một chính sách đền bù công lao xứng đáng để không còn ai phải gian tham, ăn cắp để mà sống, rồi ăn cắp để được ngày càng sung sướng hơn, vì muốn ăn cắp mà phải phản quốc làm tay sai cho kẻ thù, bán nước không hối hận. Phải gây dựng lòng tin của dân, lòng yêu nước, tinh thần phục vu quê hương, tinh thần hy sinh vì tổ quốc. Phải lành mạnh hoá xã hội, phải tái lập một xã hội nhân bản dựa trên công bình bác ái, trên tinh thần dân chủ độc lập tự do, tinh thần tuân thủ luật pháp. Phải xây dựng lại những hệ thống luật lệ dựa trên sự công bằng giữa con người và con người, sự công minh chính đại, phải có một bản hiến pháp tiến bộ bảo vệ quyền của người dân, những quyền tự do mà quốc tế nước nào cũng công nhận, quyền được sống hạnh phúc, quyện tự do tư tưởng ….

Hơn nữa phải có một hệ thống giáo dục tiến bộ đề xậy dựng những lớp công dân có đủ tinh thần, khả năng phục vụ đất nước, đáp ứng nhu cầu của sản xuất, của phát triên kinh tế, thương mại, có kỹ năng khoa học kỹ thuật, quản trị ... để Việt Nam từ từ có thể tự mình lo cho việc phát triển đất nước về mọi mặt, không còn cần đến sự hiện diện của nước ngoài trên lãnh thổ của quê hương. Phải huấn luyện những lớp thầy cô có tinh thần “lương sư hưng quốc” đủ giỏi để dạy học sinh và sinh viên thành những con người và những chuyên viên có khả năng trong mọi ngành nghề. Phải xây dựng những cơ sở giáo dục tân tiến phải thiết lập những chương trình dậy dỗ huấn luyện tiến bộ, phải ưu tiên dành mọi phương tiện và tiền bạc cho giáo dục, v.. v…

Và còn biết bao nhiêu cái "phải" mà ngưởi viết không đủ khả năng để nêu ra đây, vả lại phạm vi của bài này không cho phép liệt kê hết ra… Tuy nhiên ai cũng biết rằng muốn làm được những chuyện trên thì việc đầu tiên là phải tạo hoàn cảnh chính trị thuận lợi, tạo một môi trường trong sạch, nói cách khác là phải có một cuộc thay đổi toàn diện, phải có một cuộc cách mạnh lật đổ chế độ hiện tại, thiết lập một thế chế mới, một chính thể quốc gia dân chủ tự do, trong một môi trường nhân bản, một con đường tự lập, tự do, không lệ thuộc vào bất cứ ngoại bang nào. Chỉ khi nào lịch sử của nước ta xoay vần thì mới hy vọng có một tương lai tươi sáng.
 
Hướng Dương txđ
Ngày 6 tháng 10 năm 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét