Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Quyền lực: Ăn gian và ăn cướp

Nguyễn Hưng Quốc

Bản chất quyền lực của con người là tương đối. Chỉ có quyền lực của thiên nhiên, và sau thiên nhiên, theo niềm tin của nhiều người, Thượng Đế, mới tuyệt đối.

Nhưng những người có quyền bao giờ cũng nuôi tham vọng tuyệt đối hóa quyền lực của mình, giống như Thượng đế, nên, ngay từ xưa, đã biết ăn cắp quyền lực của Thượng đế, bằng triết lý về thiên mệnh, xem vua chúa như những đấng con Trời, thay Trời mà hành đạo. Sau, với sự phát triển của văn minh và khoa học, tư tưởng thần quyền, và cùng với nó, ý niệm thiên mệnh, càng lúc càng yếu. Con người chỉ còn đối diện với con người. Quan hệ giữa con người là một thứ quan hệ tương tác, do đó, cần có sự thỏa hiệp. Mà thỏa hiệp là tương đối hóa quyền lực. Khi sự thỏa hiệp ấy được thiết chế hóa, nó biến thành dân chủ.


Tuy nhiên, không phải ai cũng chấp nhận sự thay đổi ấy. Nhiều người vẫn khư khư theo đuổi tham vọng tuyệt đối hóa quyền lực. Có điều, không thể sử dụng tư tưởng thiên mệnh được nữa, người ta lại chơi trò ăn gian với khái niệm sứ mệnh.

Ai giao cho sứ mệnh ấy? Câu trả lời: Lịch sử.

Nhưng lịch sử là gì? Tự bản chất, lịch sử bao giờ cũng là một trò ăn gian, hoặc nếu không, cũng chứa đựng đầy nguy cơ ăn gian.

Trên lý thuyết, người ta cho lịch sử là những thực tế đã xảy ra. Nhưng ở đây là có hai điều:

Một, không có ai có khả năng bao quát toàn bộ hiện thực, toàn bộ những gì đã xảy ra cả. Người ta phải chọn lựa. Mà chọn lựa là chủ quan: khi chọn lựa, người này dùng tiêu chí này, người khác dùng tiêu chí khác. Bởi vậy, có khi, nếu không muốn nói là nhiều khi, cùng một hiện thực và trong cùng một giai đoạn, nhưng “lịch sử” của người này hoặc nhóm này với “lịch sử” của người kia hoặc nhóm kia khác hẳn nhau.

Hai, cái gọi là lịch sử không phải chỉ bao gồm các sự kiện, ngay cả tổng số các sự kiện. Lịch sử còn bao gồm cả ý niệm về xu hướng vận động. Cái xu hướng ấy không có sẵn. Nó là một sự diễn dịch. Những cái gọi là biện chứng pháp lịch sử, từ xã hội nguyên thủy đến chế độ phong kiến rồi chế độ tư bản và, sau cùng, chế độ cộng sản cũng chỉ là một sự diễn dịch. Bất cứ sự diễn dịch nào cũng là của con người, với hai đặc điểm chính: một, nhằm phục vụ cho con người, cụ thể hơn, một nhóm người nào đó; và hai, hàm chứa những nguy cơ bất toàn và sai lầm của con người.

Bởi vậy, nhân danh sứ mệnh lịch sử để tuyệt đối hóa quyền lực bao giờ cũng là một sự ăn gian đồng thời là ăn cướp: ăn cướp phần quyền của người khác; và ăn gian với khái niệm sứ mệnh cũng như khái niệm lịch sử.

Trong một thời gian khá dài, những trò ăn gian và ăn cướp như vậy tồn tại một cách mạnh mẽ ở nhiều nơi. Dưỡng tố của chúng chính là huyền thoại. Hết huyền thoại giải phóng giai cấp đến huyền thoại giải phóng dân tộc và, cuối cùng, lớn hơn, huyền thoại giải phóng nhân loại. Những huyền thoại ấy giúp vỗ béo một số người trong khi đẩy vô số người khác xuống tận đáy của sự cùng khổ và thống khổ. Nhưng huyền thoại, dù được nuôi dưỡng khéo léo đến mấy, cuối cùng cũng tan vỡ. Sự tan vỡ ấy xảy ra, trên phạm vi thế giới, một cách đồng loạt và ào ạt vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990.

Nhưng vẫn chưa hết ăn gian và ăn cướp. Năm ngoái, 2011, một trận bão cách mạng, một lần nữa, lại quét sạch một số bọn ăn gian và ăn cướp ở Trung Đông và Châu Phi. Một số kẻ đã đền tội.

Tiếc, những làn sóng ấy chưa lan đến Việt Nam, nơi vẫn còn đầy những bọn ăn gian và ăn cướp.

Ở đây, tôi chỉ nói nói đến chuyện ăn gian khái niệm và ăn cướp quyền lực. Chúng ta chưa nói đến những thứ ăn gian và ăn cướp khác. Thật ra, khi đã ăn gian và ăn cướp khái niệm và quyền lực, người ta có thể ăn gian và ăn cướp mọi thứ khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét