Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

Chuyện về một tập thơ


Lê Phan


Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, tác giả của tập thơ Hoa Ðịa Ngục đã mới qua đời hôm đầu tháng. Tôi chỉ gặp thi sĩ có một lần nhưng ở một khía cạnh nào đó chúng tôi vừa tình cờ vừa nhân duyên đã là kẻ giúp thi sĩ tìm lại tập bản thảo cũ.

Trong lần gặp duy nhất đó, khi thi sĩ còn bị một số thành phần ở hải ngoại tấn công, nói ông không phải là ông, Nguyễn Chí Thiện có nhờ chúng tôi viết về liên hệ của chúng tôi với nguyên tác của tập thơ mà câu chuyện kể ngày càng sai sự thật.

Viết về nguồn gốc làm sao tập thơ này xuất hiện ở hải ngoại, Wikipedia Việt ngữ đã viết “Tập thơ Hoa Ðịa Ngục của ông xuất hiện ở hải ngoại vào năm 1980 sau khi tác phẩm này được lén đưa vào tòa đại sứ Anh tại Hà Nội và được Giáo Sư Patrick J. Honey thuộc Ðại Học Luân Ðôn (University of London), nhân chuyến đi Việt Nam năm 1979, mang được ra ngoài nước để phổ biến.” Chuyện đó thực ra là một chuyện tam sao thất bản của liên hệ giữa tập thơ đáng kính phục này với Giáo Sư P.J. Honey và chính phủ Anh.

Tiếc là lúc đó đang bận rộn nhiều việc khác, tôi chưa có thì giờ viết lại câu chuyện về tập bản thảo của tập thơ này. Nay xin viết ra sự thật, một là để đính chính những sai lầm, và hai nữa như là một nén hương lòng phúng điếu người đã ra đi.

Số là vào những năm cuối của thập niên 1990, nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến đến thăm vợ chồng chúng tôi ở Luân Ðôn. Chuyến viếng thăm có mục đích là một chuyến đi nghiên cứu. Tưởng cũng xin nói thêm là nhà báo Như Phong cũng còn là một nhà nghiên cứu nổi tiếng về chính trị nội bộ của đảng Cộng Sản Việt Nam. Chính trong vai trò này, ông Như Phong đã quen biết Giáo Sư P.J. Honey. Trong nhiều năm trước năm 1975, ông Như Phong đã có những bài đóng góp cho Tập san China Quarterly của trường Ðông Phương và Phi Châu Học (School of Oriental and African Studies - SOAS) mà Giáo Sư Honey là chủ bút, bàn về những vấn đề bên trong nội bộ đảng Cộng Sản Việt Nam.

Trong thời gian lưu lại ở Luân Ðôn, ông Như Phong đã yêu cầu chúng tôi đưa xuống Devon ở vùng bờ biển phía Nam của nước Anh là nơi Giáo Sư Honey đã về hưu để thăm lại người bạn cũ. Trước khi ra về, Giáo Sư Honey nói với ông bạn Như Phong là ông có một món quà cho ông Như Phong và đưa cho ông Như Phong một phong bì trong đó có tập bản thảo của những bài thơ của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện.

Khi được hỏi tại sao giáo sư lại có tập bản thảo này thì ông kể lại là sau khi Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện ném tập thơ vào tòa đại sứ, một hành động khiến ông đã bị chính quyền bắt lại vào tù, thì tập thơ này đã được lưu trữ vào hồ sơ của tòa đại sứ. Một photocopie của tập thơ được gửi đến cho Giáo Sư Honey và cho bà Judy Stowe, trưởng ban Việt ngữ đài BBC. Chính qua đài BBC tập thơ này đã được phổ biến ra cho thế giới.

Nguyên bản của tập bản thảo viết tay sau cùng đã được tòa đại sứ đưa về Anh và cất vào hồ sơ lưu trữ. Một thời gian sau, khi hồ sơ được kiểm soát lại, Bộ Ngoại Giao Anh không cảm thấy tập thơ này có giá trị gì cho Anh Quốc để phải lưu trữ ở văn khố quốc gia. Nhưng vì không muốn vứt đi một tài liệu vô giá như vậy, bộ đã hỏi Giáo Sư Honey, vốn là cố vấn của chính phủ Anh về tình hình Việt Nam, là ông có muốn giữ hay không. Giáo Sư Honey đã nhận lời giữ tập bản thảo đó. Ông nói với ông Như Phong là ông tặng lại tập bản thảo này vì lúc đó ông đã về hưu và không muốn lưu trữ những tài liệu về Việt Nam nữa. Ông cũng có tặng cho ông Như Phong thêm một số tài liệu nữa.

Khi ông Như Phong trở lại Hoa Kỳ, vì số tài liệu ông thu thập được nhiều quá, ông Như Phong đã để lại một tập tài liệu khá dày trong đó có tập bản thảo và nhờ chúng tôi giữ hộ. Sau đó ông Như Phong qua đời. Tập tài liệu đó tiếp tục nằm ở nhà chúng tôi. Một hôm, trong cơn dọn dẹp những tập tài liệu ngày càng nhiều vì nhà tôi lúc đó đang làm luận án, chúng tôi đã tìm cách dẹp số tài liệu của ông Như Phong sang một chỗ khác. Trong khi di chuyển, tôi chợt thấy trong tập tài liệu này có tập bản thảo. Lúc ấy thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã đến Hoa Kỳ nên trong một lần ghé thăm miền Nam California, chúng tôi mang tập bản thảo theo và nhờ một người bạn trao lại cho thi sĩ bởi tác phẩm đó là của ông, chúng tôi không có lý do gì lưu giữ lại.

Một trong những điều đã gây nên thắc mắc là bản thảo không đề tên, vậy ai là người viết nó. Bộ Ngoại Giao Anh không nghi ngờ gì về danh tánh của tác giả. Họ đã thấy ông ném tập thơ vào tòa đại sứ và đã chứng kiến cảnh ông bị công an bắt mang đi. Những đồn đãi về một Nguyễn Chí Thiện giả chưa bao giờ được chính phủ Anh đặt ra. Tưởng cũng xin nhắc lại là trong nhiều năm các chính khách Anh đã hết lòng vận động cho việc trả tự do cho thi sĩ kể cả Thủ Tướng John Major.

Ngày nay thi sĩ đã ra người thiên cổ nhưng ngay sau khi thi sĩ qua đời lại thấy xuất hiện những cáo buộc thi sĩ không phải là Nguyễn Chí Thiện. Còn có những lý luận kỳ lạ hơn như một số người còn tin ông là một kẻ mạo danh có liên hệ với chính quyền Hà Nội!

Tuy chỉ gặp Nguyễn Chí Thiện có một lần, tôi cảm thấy sự chân thành và niềm uất hận trong tâm hồn ông. Mặc dầu sống trên đất tự do nhưng con mắt của ông vẫn còn đầy ám ảnh của đến gần 30 năm tù. Cũng đã từng ở tù, dầu là một thời gian ngắn hơn nhiều, tôi hiểu tâm sự đó.

Hôm nay thi sĩ đã nằm xuống. Viết vài dòng này chính là để giữ lời hứa với người quá cố là sẽ trình bày nguồn gốc tại sao tập bản thảo của tập thơ này đã được trao cho thi sĩ và trong hoàn cảnh nào. Ngày nay cả Giáo Sư Honey, nhà báo Như Phong, và Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đều đã ra người thiên cổ nhưng hẳn các ông sẽ gặp nhau để bàn tiếp chuyện tội ác của chế độ cộng sản.

Người ở lại bùi ngùi thương nhớ và xin thắp nén hương cầu sớm siêu thoát.


Ý kiến của người post bài:

Tác giả Lê Phan viết:

Trong lần gặp duy nhất đó, khi thi sĩ còn bị một số thành phần ở hải ngoại tấn công, nói ông không phải là ông, Nguyễn Chí Thiện có nhờ chúng tôi viết về liên hệ của chúng tôi với nguyên tác của tập thơ mà câu chuyện kể ngày càng sai sự thật.
và:

Tiếc là lúc đó đang bận rộn nhiều việc khác, tôi chưa có thì giờ viết lại câu chuyện về tập bản thảo của tập thơ này. Nay xin viết ra sự thật, một là để đính chính những sai lầm, và hai nữa như là một nén hương lòng phúng điếu người đã ra đi.
Than ôi, ông Nguyễn Chí Thiện lúc sống bị bầy sói xúm lại cắn xé, thậm chí người bênh vực ông cũng bị chúng tung phân bẩn vào người bằng những ngôn từ cựa kỳ hạ cấp, tiếc thay, một người có tài liệu chính thống:

Khi được hỏi tại sao giáo sư lại có tập bản thảo này thì ông kể lại là sau khi Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện ném tập thơ vào tòa đại sứ, một hành động khiến ông đã bị chính quyền bắt lại vào tù, thì tập thơ này đã được lưu trữ vào hồ sơ của tòa đại sứ. Một photocopie của tập thơ được gửi đến cho Giáo Sư Honey và cho bà Judy Stowe, trưởng ban Việt ngữ đài BBC. Chính qua đài BBC tập thơ này đã được phổ biến ra cho thế giới.

Nguyên bản của tập bản thảo viết tay sau cùng đã được tòa đại sứ đưa về Anh và cất vào hồ sơ lưu trữ. Một thời gian sau, khi hồ sơ được kiểm soát lại, Bộ Ngoại Giao Anh không cảm thấy tập thơ này có giá trị gì cho Anh Quốc để phải lưu trữ ở văn khố quốc gia. Nhưng vì không muốn vứt đi một tài liệu vô giá như vậy, bộ đã hỏi Giáo Sư Honey, vốn là cố vấn của chính phủ Anh về tình hình Việt Nam, là ông có muốn giữ hay không. Giáo Sư Honey đã nhận lời giữ tập bản thảo đó. Ông nói với ông Như Phong là ông tặng lại tập bản thảo này vì lúc đó ông đã về hưu và không muốn lưu trữ những tài liệu về Việt Nam nữa. Ông cũng có tặng cho ông Như Phong thêm một số tài liệu nữa.


Bộ Ngoại Giao Anh không nghi ngờ gì về danh tánh của tác giả. Họ đã thấy ông ném tập thơ vào tòa đại sứ và đã chứng kiến cảnh ông bị công an bắt mang đi. Những đồn đãi về một Nguyễn Chí Thiện giả chưa bao giờ được chính phủ Anh đặt ra. Tưởng cũng xin nhắc lại là trong nhiều năm các chính khách Anh đã hết lòng vận động cho việc trả tự do cho thi sĩ kể cả Thủ Tướng John Major.
Nếu khi sống mà ông được những lời xác nhận như thế này thì những ngày cuối đời ông cũng được an ủi biết mấy, khi chết cũng không bị những cái mồm độc ác vu cáo là "Vì biết ông Thiện có tội ăn cắp thơ nên bạn ông là Trần Phong Vũ mới xin cha rửa tội để được Chúa cứu", và những người lăn xả vào đính chính giúp ông cũng không bị bầy sói cắn xé bằng những từ ngữ cực kỳ mất dạy như "chủ động điếm", "con chó gác cửa động điếm", ... vân vân ... thôi, không nỡ gõ những lời bẩn thỉu của quân lưu manh mà tội nghiệp cái keyboard !!!

Tuy đã quá trễ, đã sống những ngày cuối đời khốn khổ nhục nhã vì bị vu oan giáng họa, dù sao muộn còn hơn không, linh hồn ông đã gớm tởm với cái thế giới loài người độc ác này mà bay cao, bay xa tít rồi, nhưng ít ra những người bạn thân thiết của ông còn sống, đọc bài trên cũng bớt phần uất hận, cảm ơn tác giả còn có lương tâm mà đem sự việc ra ánh sáng.

VH


http://www.vietfreefun.com/forum/showthread.php?150187-Nh%C3%A0-th%C6%A1-Nguy%E1%BB%85n-Ch%C3%AD-Thi%E1%BB%87n-qua-%C4%91%E1%BB%9Di-th%E1%BB%8D-73-tu%E1%BB%95i/page2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét