Cuộc
cãi vã về biển đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản không phải chỉ là một
cuộc tranh chấp về vài hòn đảo không có người ở. Và cuộc tranh chấp này
sẽ không chấm dứt nhanh chóng.
Cuộc tranh chấp đang sôi sục
về một cấu hình đá nằm xa xôi trong biển Hoa Đông, được người Nhật gọi
là Đảo Senkaku và người Trung Quốc gọi là Đảo Điếu Ngư, không phải chỉ
là một cuộc cãi vã ngoại giao giữa hai trong những nền kinh tế lớn nhất
thế giới. Nó đã bóc đi cái vỏ ngoài mong manh của sự hợp tác giữa hai
anh khổng lồ châu Á, một tinh thần hợp tác mà hầu hết các nhà quan sát
tưởng rằng đã đến độ chín muồi khi hai nước ngày càng gắn bó nhau về mặt
kinh tế. Nó cũng nhắc nhở rằng những tranh chấp lãnh thổ tại châu Á vẫn
còn gay gắt và rằng giữa các nước mà vết thương của các cuộc xung đột
trước đây chưa lành hẳn thì ít có sự tin cậy lẫn nhau. Mặc dù khả năng
xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và Nhật Bản về quần đảo Senkaku là
không đáng kể, nhưng cuộc khủng hoảng hiện nay báo hiệu một cuộc chiến
tranh lạnh kéo dài nhiều năm tới, nếu không nói nhiều thập kỷ tới. Hậu
quả sẽ là một châu Á bị chia ra từng mảnh, không khắc phục được gánh
nặng hành trang của dĩ vãng, một châu Á trong đó bóng ma của các cuộc
xung đột tình cờ vẫn luôn luôn ẩn hiện.
Đây không phải là tình hình mà
cặp bài trùng quan trọng nhất châu Á muốn thấy diễn ra. Có lẽ ngay cả
lãnh đạo của cả hai nước đã không hiểu hết sự kiện này: hai cường quốc
đã trở nên lệ thuộc lẫn nhau về kinh tế hơn bao giờ cả kể từ khi Trung
Quốc lao vào tiến trình tự do hóa thị trường và giai đoạn cải tổ trong
những năm cuối của thập niên 1970. Đầu tư của Nhật Bản tại Trung Quốc đã
lên đến 6,5 tỷ Mỹ kim trong năm 2005, bất chấp quan hệ ngoại giao tồi
tệ lúc bấy giờ giữa hai nước, khiến một viên chức cao cấp của Tổ chức
Ngoại thương Nhật Bản phải nhìn nhận rằng quan hệ kinh tế của Nhật Bản
và Trung Quốc đủ bức thiết và trưởng thành để vượt qua các xung đột
thỉnh thoảng lại bộc phát.
Thái độ lạc quan này cũng
chính là sự hí hửng đã khiến nhà chính trị và ký giả Anh Norman Angell
tuyên bố năm 1909 rằng sự hội nhập kinh tế giữa các nước châu Âu đã phát
triển đến mức độ đảm bảo rằng chiến tranh giữa họ là không thể xảy ra.
Chỉ 5 năm sau, lịch sử đã chứng minh rằng Angell sai lầm một cách thê
thảm. Do đó, sự lạc quan của viên chức thương mại Nhật Bản từ năm 2005
cũng phải được nhìn tương tự, dưới một quan điểm tỉnh táo hơn, tiếp theo
sau những cuộc biểu tình bài Nhật đông đảo và trở thành bạo động đến
nỗi chính phủ Trung Quốc phải ra lệnh cấm. Mối nguy ở đây rõ ràng là,
chính trị sẽ đè bẹp kinh tế trong cuộc chiến tranh lạnh châu Á mới mẻ
này.
Những âm vang từ cuộc va chạm
gần đây nhất về quần đảo Senkaku tiếp tục lan rộng. Kể từ khi chính
quyền của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tuyên bố vào tháng Chín là
họ sẽ mua 3 trong 5 hòn đảo từ một tư nhân Nhật Bản, những cuộc biểu
tình bài Nhật đã làm chấn động Trung Quốc. Tình hình nguy hiểm đến mức
đã khiến cho hai hãng Honda vàToyotaphải ngưng hoạt động sản xuất tại
Trung Quốc, và chuỗi cửa hàng thuộc Tập đoàn Aeon của Nhật phải đóng cửa
(Ba công ty vừa nói đã hoạt động trở lại). Hãng hàng không Nippon
Airways đã công bố vào cuối tháng Chín rằng 40.000 chỗ ngồi trên các
chuyến bay Trung Quốc-Nhật Bản đã bị hủy bỏ, mặc dù ngày Quốc khánh
Trung Quốc thường lôi cuốn hàng ngàn du khách sang thăm viếng Nhật Bản.
Vào thời điểm mà các hậu quả
kinh tế đã trở nên hiển nhiên và khi các nhà bình luận Trung Quốc đang
công khai kêu gọi chiến tranh với Nhật Bản, Thủ tướng Noda đã leo thang
trong các tuyên bố của mình, công khai bác bỏ luôn ý niệm tương nhượng
(compromise) sau khi Dương Thiết Trì, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc,
tuyên bố các đảo đang tranh chấp là “lãnh thổ thiêng liêng” của Trung
Quốc. Cuộc khẩu chiến có lúc tưởng chừng có thể trở thành một cuộc chiến
bằng súng đạn, khi 70 tàu tuần dương của cả hai nước đối đầu căng thẳng
trong lãnh hải gần quần đảo Senkaku.
Cuộc khủng hoảng sẽ trở nên
tồi tệ thêm bao nhiêu nữa và hai bên sẽ làm gì để giảm bớt căng thẳng?
Hiện nay đã có những dấu hiệu cho thấy lãnh đạo của hai nước đang tìm
cách làm nguội tình hình. Vào ngày 1 tháng Mười, Noda đã cải tổ nội các
của ông, trong đó có việc bổ nhiệm cựu Ngoại trưởng Makiko Tanaka, một
người có quan hệ gần gũi với Bắc Kinh, vào một chức vụ trong Chính phủ.
Về phần mình, giới lãnh đạo Trung Quốc có vẻ đang tìm cách ngăn chặn các
cuộc biểu tình bài Nhật công khai.
Nhưng ngay cả khi hai bên đều
lên giọng cứng rắn, vào tuần trước Noda đã đi ra ngoài thông lệ của cuộc
tranh chấp với Trung Quốc. Thủ tướng Nhật đã thẳng thừng cảnh báo Bắc
Kinh rằng Trung Quốc sẽ mất mát nhiều hơn Nhật Bản trong việc tiếp tục
xung đột hay dấn thân vào một cuộc chiến tranh. Noda còn tiên đoán rằng
giới đầu tư nước ngoài sẽ xa lánh Trung Quốc, một nước được coi là một
hiểm hoạ quốc tế, chuyên hà hiếp các quốc gia láng giềng. Bản tuyên bố
của Noda được đưa ra tiếp theo sau 9 tháng liền, trong vòng 10 tháng,
đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc tiếp tục suy giảm, làm tăm tối thêm một
bức tranh kinh tế vốn đã ảm đạm.
Lời đe dọa của Noda có lẽ đã
tạo đủ lý cớ cho giới lãnh đạo Bắc Kinh tìm cách xuống thang lập trường
cứng rắn mà họ đã theo đuổi trước đây về quần đảo Senkaku. Với cuộc
chuyển giao quyền lực vào tháng Mười một, vốn đã bị chao đảo nghiêm
trọng do việc khai trừ ra khỏi Đảng cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai và
việc người kế vị Chủ tịch nước Tập Cận Bình vắng bóng vào đầu tháng
Chín, giới lãnh đạo Trung Quốc không còn muốn thấy thêm một tình trạng
bấp bênh và bất ổn nào nữa. Việc sử dụng Nhật Bản như một con ngoáo ộp
để nhen nhúm ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa và xả xì những dồn nén bất mãn
trong nước là một chiến thuật lâu đời của nhà cầm quyền Trung Quốc,
nhưng cuộc khủng hoảng đối ngoại hiện nay đã cho thấy rằng thủ đoạn này
có thể gây ra một phản ứng dây chuyền có khả năng vượt ra ngoài vòng
kiểm soát.
Cho đến nay, vẫn chưa có tổn
thất nhân mạng trong vùng biển gần quần đảo Senkaku hay trên đường phố
Bắc Kinh. Nhưng nếu có một tử vong, hay do một tính toán sai lầm nào đó,
thì cuộc khủng hoảng này có thể trở nên nghiêm trọng hơn nhiều, đưa hai
nền kinh tế lớn thứ nhì và thứ ba thế giới vào một cuộc xung đột thực
sự. Điều này sẽ gây tổn thất to lớn cho cả hai nền kinh tế, làm mất ổn
định thị trường thế giới, đồng thời buộc Mỹ phải đặt mình vào những lựa
chọn cực kỳ khó khăn, là liệu có nên tôn trọng hiệp ước phòng thủ hỗ
tương với Nhật Bản và đặt mọi quan hệ với Trung Quốc trước nguy cơ hay
không. Nhưng cho dù không có sự can thiệp của Mỹ đi nữa, thì sự kiện
Trung Quốc có nhiều tranh chấp biển đảo với các nước láng giềng cũng làm
cho Bắc Kinh khó rêu rao rằng mình chỉ là một nạn nhân, chịu nhiều
thiệt thòi.
Như vậy, đối với mọi quan sát
viên bên ngoài, rõ ràng là, một cuộc xung đột vũ trang về vài hòn đảo
nhỏ không có dân cư, dù có vị trí chiến lược đi nữa, sẽ không nằm trong
lợi ích tốt nhất của Trung Quốc. Nhưng đối với giới lãnh đạo đang bị cô
lập của Trung Quốc, phải kinh qua những biến động trong mấy tuần qua, họ
mới thấy rõ được vấn đề. Ngay từ khi vừa bước ra khỏi mấy tháng tranh
chấp lãnh thổ tại biển Nam Trung Hoa/biển Đông Việt Nam, đáng lẽ Bắc
Kinh có thể chơi một nước cờ cao với Tokyo, bằng cách đưa ra một nghĩa
cử cao đẹp nhằm duy trì ổn định tại châu Á và tuyên bố rằng Trung Quốc
sẽ chấp nhận nguyên trạng (the status quo) và không còn phản đối quyền
kiểm soát hành chánh của Nhật Bản trên quần đảo Senkaku. Nhưng liệu điều
này có phải là một ước mơ hảo huyền hay không, thì lại còn tùy thuộc
vào hai yếu tố mà những kẻ ở ngoài hành lang quyền lực của Trung Nam Hải
không thể nào biết được: đó là, khả năng tính toán của giới lãnh đạo
Trung Quốc là như thế nào, và liệu họ đang bị con cọp dân tộc chủ nghĩa
Trung Quốc cỡi trên lưng mình hay chính họ đang cỡi trên lưng con cọp
đó.
Dù giới lãnh đạo Trung Quốc
chọn đường lối nào đi nữa, họ vẫn tiếp tục tin rằng họ bị vu khống và
rằng Nhật Bản đã gây ra cuộc khủng hoảng này bằng cách đơn phương thay
đổi tình trạng của quần đảo. Nhật Bản quyết đoán rằng 40 năm kiểm soát
hành chính của mình đã giản dị phản ánh quyền sở hữu chính đáng trên
quần đảo Senkaku, một chủ quyền đã kéo dài từ một thế kỷ nay. Chiến
tranh bằng súng đạn dù có thể sẽ tránh được, nhưng cuộc chiến tranh lạnh
giữa Bắc Kinh vàTokyođã trở thành hiện thực và đang diễn ra trước mắt
mọi người. Dù cuộc khủng hoảng hiện nay được giải quyết bằng cách nào đi
nữa, một điều gần như chắc chắn là, quan hệ giữa hai nước chỉ có thể
trở nên lạnh nhạt hơn theo với thời gian mà thôi.
Tác giả: Michael Auslin, Foreign Policy, 4 tháng Mười 2012. Trần Ngọc Cư dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét