Tự phê bình và phê bình như thế nào, cho ai và để làm gì ?
Phong
trào Tự phê bình và phê bình do Nguyễn Phú Trọng đang phóng tay phát
động chỉ cốt đánh phá Nguyễn Tấn Dũng vì chỉ biết ăn mà không biết chia.
Chứ tuyệt nhiên Nguyễn Phú Trọng không có thiện ý và quyết tâm từ bỏ
những nguồn gốc đang gây nguy hiểm cho VN là chế độ độc tài toàn trị với
Kinh tế thị trường định hướng XHCN và cúi đầu trước Bắc kinh !
*
Đúng
vào dịp kỉ niệm 67 năm Cách mạng Tháng 8 thì xẩy ra vụ „bầu Kiên“ và
Tổng giám đốc Ngân hàng Á châu (ACB) Lý Xuân Hải bị bắt giam.[1]
Ông Kiên được coi là một đại gia, một trong vài người giầu có nhất dưới
chế độ toàn trị. Ông từng là người sáng lập Ngân hàng Á châu và đang
cầm đầu nhiểu cơ sở tài chính và kinh doanh khác. Giầu có nhanh dưới chế
độ toàn trị tất phải có thế lực chính trị đằng sau nâng đỡ và bảo vệ.
Vậy mà tỉ phủ Kiên vẫn bị bắt! Báo chí quốc tế đã gọi đây là „Biến động chưa từng thấy’“ [2].
Biến động này đang gây sốc rất lớn trong chính trị, kinh tế và giao
động mạnh ngay trong lòng chế độ. Điều gì đang xẩy ra: Chẳng lẽ luật
pháp của chế độ toàn trị đã trở lại nghiêm minh? Hay đang diễn ra một
cuộc thanh toán giữa các nhân vật và phe phái có quyền lực nhất hiện
nay?
Cuộc thanh toán lẫn nhau trong chế độ tư bản hoang dã đã đạt tới cao điểm mới
Quan
sát các vụ án từ Năm Cam (2003), PMU 18 (2006), tới Vinashine, Vinaline
và vụ án Bầu Kiên –đây là kết quả của xã hội đen dưới chế độ gọi là
Kinh tế thị trường định hướng XHCN, một biến tướng của chủ nghĩa tư bản
thời hoang dã của vài thế kỉ trước đây- thì thấy có những điểm chung rất
rõ ràng: 1. Đây là những vụ làm ăn theo kiểu mafia, tham nhũng, làm
giầu bất chính của các tham quan và đại gia dưới sự cấu kết, bảo vệ của
những người có quyền lực đứng đằng sau các cơ quan đảng và nhà nước. 2.
Từ chỉ liên quan tới một số cán bộ cấp trung (vụ Năm Cam) đã mở rộng lên
các bộ, ngành trung ương, kể cả Tổng bí thư (vụ PMU 18). 3. Nhưng hiện
nay các vụ Vinashin, Vinaline và bầu Kiên đã chui lọt lên tới cả Bộ
chính trị và các phe đang tìm mọi cách thanh toán, hạ bệ lẫn nhau, từ
các màn trình diễn tự phê bình và phê bình tới các vụ bắt giữ đàn em và
bôi xấu lẫn nhau.
Những hành động tấn công nhau, hạ bệ nhau,
bôi xấu nhau giữa những người có quyền lực cao nhất của chế độ toàn trị
đã được chính họ chuẩn bị và thực hiện và trong thời gian gần đây càng
gia tăng.
Sau khi quyền có trong tay từ Đại hội 11 (1.2011) ông Tổng Trọng đã mở cuộc tấn công vào „nhóm lợi ích“
ở ngay trong cấp cao nhất là Bộ chính trị đã từng tìm cách ngăn cản
không muốn để ông nhẩy lên ghế Tổng bí thư. Tức là những người có quyền
đang lợi dụng quyền lực để thao túng các tập đoàn, các tổng công ti, các
ngân hàng để thu lợi riêng; đồng thời còn cất nhắc, bảo vệ cho con cái,
bè cánh cả trong lẫn ngoài đảng để thao túng các cơ quan đảng, chính
phủ và rút ruột, xà xẻo các tập đoàn cũng như tổng công ty nhà nước. Vì
chưa đủ thế lực để tấn công trực diện, nên người cầm đầu chế độ toàn trị
phải sử dụng sở trường của mình trong ngôn ngữ để hạ uy tín của đối
thủ, trong đó đã dùng diễn đàn của Đảng nói bóng gíó, diễu cợt tới cả
nhạo báng một số đồng liêu đối thủ. Thật vậy, trước hơn 1000 cán bộ cao
cấp tại Hội nghị cán bộ toàn quốc 27-29.2.2012 Nguyễn Phú Trọng đã lên
giọng mỉa mai nhạo báng những đại quan đỏ chỉ lo „lợi ích nhóm“ là sắp tới đây các quan giầu và quan nghèo có còn tình đồng chí với nhau không: „Liệu rồi người giầu có nghĩ giống người nghèo không?“ [3]
Sau
khi hạ uy tín của đối thủ trong Bộ chính trị ông Tổng tiến tới bước nữa
là tước bớt quyền của ông Thủ bằng cách bắt Nguyễn Tấn Dũng phải trao
Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng cho chính mình. Như
thế vẫn chưa đủ, trong các cuộc Tự phê bình và phê bình ở Bộ chính trị
và Ban bí thư chia làm ba đợt kéo dài 16 ngày từ tháng 7 cho tới đầu
tháng 8, Nguyễn Phú Trọng và vây cánh còn trở lại hạch tội Nguyễn Tấn
Dũng trong vụ Vinashin, Vinaline –mặc dù việc này trước thềm Đại hội 11
các phe đã tuyên bố xí xóa và tha bổng lẫn cho nhau để cùng chia ghế ăn
phần tiếp tục trong Đại hội 11-.[4]
Đồng thời cũng trong Hội nghị này, ông Tổng còn chỉ trích chủ trương
gia đình trị của ông Thủ. Việc này chính ông Trọng đã nói rõ trước Hội
nghị cán bộ toàn quốc sau ba đợt Tự phê bình và phê bình trong Bộ chính
trị và Ban bí thư ngày 13.8 do chính ông chỉ đạo:
„Qua kiểm
điểm đã làm rõ hơn, sâu hơn ưu, khuyết điểm và hạn chế của tập thể và
các cá nhân trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên một số vấn đề quan trọng
cấp bách về xây dựng Đảng (về trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong
lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước, nhất là về các vụ việc
Vinashin, Vinalines; về thiếu sót, khuyết điểm trong công tác chuẩn bị
nhân sự Đại hội XI và công tác cán bộ; về thực hiện nguyên tắc tập trung
dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; về một số dư luận bức xúc
liên quan đến cá nhân, gia đình, vợ con“.[5]
Tuy không nhắc trực tiếp một lần nào tới ông Dũng, nhưng khi nêu ra các vụ Vinashin, Vinaline và „dư luận bức xúc liên quan đến cá nhân, gia đình, vợ con,...“
thì ai cũng biết ông Tổng đã chĩa mũi tấn công thẳng vào cá nhân ông
Thủ! Tuy chưa thể loại ngay Nguyễn Tấn Dũng khỏi chức Thủ tướng được với
lí do „ kiểm điểm nhưng vẫn bảo đảm công việc thường xuyên, không để ảnh hưởng đến công việc chung, phong trào chung. „[6],
nên Nguyễn Phú Trọng đã dùng chiến thuật đàn áp tâm lí, khủng bố tinh
thần liên tục và đe dọa tương lai chính trị của Nguyễn Tấn Dũng:
„Tổng
Bí thư giao Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thẩm tra, xác minh, làm rõ các
vấn đề liên quan đến một số đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị và báo cáo Bộ
Chính trị (trong tháng 9/2012) để có kết luận cụ thể.“[7]
Cũng
trong Hội nghị cán bộ toàn quốc ngày 13.8 Nguyễn Phú Trọng còn nói
thẳng, đó là những vấn đề gì và liên hệ trách nhiệm trực tiếp tới ai:
„Ủy
ban Kiểm tra Trung ương khẩn trương tiến hành thẩm tra, xác minh, làm
rõ một số vấn đề mà Bộ Chính trị giao, bảo đảm thật khách quan, đúng
nguyên tắc, nghiêm túc, kết luận rõ ràng và báo cáo Bộ Chính trị; đồng
thời Bộ Chính trị sẽ nghe Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo về kết quả
thực hiện chủ trương cơ cấu lại Tập đoàn Vinashin và về vụ việc
Vinalines theo ý kiến kết luận của Bộ Chính trị trong quá trình kiểm
điểm.“[8]
Chỉ
một tuần sau các lời hạch hội trên của ông Tổng, một độc thủ nguy hiểm
khác đã được thi hành là bắt giam „bầu Kiên“, một tỉ phú được dư luận
trong nước từ lâu biết là có liên hệ rất thân thiết với Nguyễn Tấn Dũng
và cả con gái của ông là Nguyễn Thanh Phượng, tuy mới đầu 30 tuổi nhưng
đã cầm đầu một ngân hàng và nhiều công ti tài chánh thương mại quan
trọng khác và giữa tháng 6 đã phải tạm thời rút lui chức Tổng giám đốc
một ngân hàng để bớt tai tiếng cho cha! Cũng đúng vào dịp bầu Kiên và Lý
Xuân Hải bị bắt thì các nhân vật thân cận của Nguyễn Tấn Dũng là Thống
đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình, Tổng Thanh Tra Nhà nước Huỳnh
Phong Thanh và Bộ trưởng Tài chánh Vương Đình Huệ đã phải trả lời chất
vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình quản lí tài chánh và
chống tham nhũng. [9]
Cũng
càng không phải tình cờ, vào đúng dịp này trong lúc Nguyễn Tấn Dũng và
vây cánh bị tấn công hoặc bị bắt thì Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước
–người đã từng chê ông Dũng bất lực nên tham nhũng đang trở thành „bầy sâu“- đã bồi thêm quả đấm vào mặt ông Thủ. Trong bài “Tương lai đang thúc giục chúng ta viết nên những trang sử mới „ [10] ông Chủ đã lên giọng dạy dỗ ông Thủ: „chúng
ta cũng cần phải biết hổ thẹn với tiền nhân, với những bậc tiên liệt về
những yếu kém, khuyết điểm của mình đã cản trở bước đi lên của dân
tộc.“ !
Tuy bị tấn công liên hồi từ nhiều phía, nhưng
Nguyễn Tấn Dũng vẫn chưa chịu nhượng bộ. Ngược lại ông Dũng đang tìm
cách cố thủ và tấn công ngược lại. Chỉ hai ngày sau khi Nguyễn Đức Kiên
bị bắt, Nguyễn Tấn Dũng đã mở cuộc họp lần thứ 18 của „Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng“ và hô hoán là cơ quan công an điều tra đã bắt giam bầu Kiên theo lệnh của Nguyễn Tấn Dũng:
„Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng biểu dương Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, đã
nghiêm túc chấp hành sự chỉ đạo của Chính phủ; đã khởi tố, điều tra để
đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm ngân
hàng, gây mất ổn định hoạt động ngân hàng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu
cầu Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh
theo pháp luật tất cả những người, bất cứ ai có hành vi vi phạm pháp
luật, bảo đảm công khai, minh bạch, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động
của hệ thống ngân hàng trong cả nước.“[11]
Với
cách hô hoán này ông Thủ không chỉ muốn đánh lạc hướng theo dõi của dư
luận mà còn tìm cách chấn an vây cánh, tỏ ra rằng trước sau ta vẫn nắm
chủ động và là người cương quyết chống tham nhũng! Không những thế,
Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp này còn trình diễn vẫn là người cầm đầu Ban
Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng. Trong thực tế, từ giữa tháng
6.2012 chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng „đã ký ban hành Kết luận (số 21-KL/TW) Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI)“ về „Kết
luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng
đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí“. Trong đó xác nhận chính thức „ thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban.“[12]
Như
vậy cho thấy Nguyễn Tấn Dũng đang cố tình chống lại quyết định của Ban
chấp hành trung ương và Bộ chính trị trong việc này. Cụ thể là công khai
chống lại Nguyễn Phú Trọng! Để bào chữa cho việc này, trong cuộc họp ngày 22.8 nói trên, ông Dũng đã gượng gạo nói là đang chuẩn bị „khẩn trương“[13]
đưa ra Quốc hội dự luật mới về chống tham nhũng vào tháng 10 sắp tới. Ý
ông ta muốn nói rằng, cho tới lúc đó ông –chứ không phải Nguyễn Phú
Trọng- vẫn là người đứng đầu Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham
nhũng.
Những sự kiện trên đã chứng minh rằng, cuộc thanh
toán chính trị một mất một còn đang diễn ra gay gắt ở cấp chóp bu chế độ
toàn trị đã đạt tới cao điểm mới. Chính ông Trọng đã xác nhận và báo trước tình hình này tại Hội nghị cán bộ toàn quốc ngày 13.8 „toàn Đảng đang bước vào thời điểm rất thiêng liêng và hệ trọng, đang làm những công việc rất thiêng liêng và hệ trọng“.[14]
Từ đó Nguyễn Phú Trọng còn ra lệnh và đe dọa:
„
Mỗi cán bộ, đảng viên có trách nhiệm rất lớn đối với đất nước, dân tộc,
đối với Đảng, chính vì thế phải phát huy đầy đủ tinh thần trách nhiệm
để làm tốt công việc này. Đây là thời điểm phải hết sức tỉnh táo, bình tĩnh, vững vàng…“ [15]
Nói
tóm lại, các cuộc đấu tranh nhằm khai trừ, thậm chí có thể cả thủ tiêu
lẫn nhau đang diễn ra rất gay gắt và tàn bạo ngay trong Bộ chính trị của
chế độ toàn trị. Trong đó các bên sẵn sàng sử dụng các thủ đoạn tồi
bại nhất để hạ đối thủ. Việc này không xa lạ mà chính là bản chất của
các chế độ độc tài toàn trị trước đây, đặc biệt dồn dập và tỏa rộng vào
thời kì theo Kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện nay. Trong Đảng
cộng sản Trung quốc cũng đang diễn ra các màn hạ bệ và thanh toán lẫn
nhau như mới đây ủy viên Bộ chính trị Bạc Hy Lai bị cách chức kéo đến vợ
là Cốc Khai Lai bị ra tòa!
Tự phê bình và phê bình như thế nào, cho ai và để làm gì ?
Các
giới trí thức, thanh niên, nông dân, công nhân và cả những đảng viên
tiến bộ theo dõi sát tình hình và các biến chuyển trong ĐCS. Mọi người
đặt câu hỏi, ba đợt Tự phê bình và phê bình kéo dài 16 ngày từ tháng 7
tới đầu tháng 8 có làm tình hình đất nước thay đổi không? Các vụ bắt
giam bầu Kiên, Lý Xuân Hải có phải là, những người có quyền lực của chế
độ toàn trị thực tình muốn chống tham nhũng? Các biện pháp hà khắc độc
tài, kiểm soát báo chí đã chấm dứt hay đang gia tăng? Các vụ cướp đất
của nông dân, cướp cơm của công nhân, đàn áp trí thức sẽ chấm dứt? Các
người đang nắm quyền lực đã trở lại dựa vào dân hay vẫn thần phục và quị
lụy thế lực bành trướng Bắc kinh? Nhóm cầm đầu đã dám từ bỏ chủ trương
tiếp tục dìm VN trong quĩ đạo toàn trị với chủ nghĩa Marx-Lenin làm kim
chỉ nam –mặc dầu nó đã chứng tỏ „hoang tưởng chỉ còn như cái xác ướp không hồn“ [16] - và kinh tế quốc doanh làm chủ đạo? Những
người cầm đầu chế độ toàn trị thừa biết rằng, đây mới là những nguồn
gốc đang đưa tới độc tài, tham nhũng, bất công, đàn áp, nghèo đói ở VN
và dẫn tới sự gia tăng lệ thuộc vào phương Bắc![17]
Khi
xác nhận phải thực hiện Tự phê bình và phê bình nghiêm túc ở cấp cao
nhất trở xuống thì đã minh thị thừa nhận ba điều: 1. Tình hình các mặt
từ trong Đảng tới ngoài xã hội đã phát triển đi ngược lại những gì chờ
đợi và hiện nó đã đạt tới mức nguy hiểm. 2. Những người ở cấp cao nhất
đã vi phạm những sai lầm rất nghiêm trọng trong nhiều lãnh vực 3. Phải
thấy rõ những nguyên nhân cội dễ đã đưa tới tình hình nguy hiểm này và
phải có can đảm cắt bỏ ngay.
Trong diễn văn rất dài ngày 27.2 Nguyễn Phú Trọng đã nhìn nhận tình hình cực kì nguy hiểm từ trong Đảng tới ngoài xã hội
„Bây
giờ trong Đảng cũng có sự phân hóa giàu - nghèo, có những người giàu
lên rất nhanh, cuộc sống cách xa người lao động; liệu rồi người giàu có
nghĩ giống người nghèo không? Nhà triết học cổ điển Đức L.Foiơ Băc đã
từng nói rằng, người sống trong lâu đài nghĩ khác người ở trong nhà
tranh. Mai kia Đảng này sẽ là đảng của ai? Có giữ được bản chất là đảng
cách mạng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc
không? Thực tế đã có bộ phận suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống.“[18]
Ông Trọng còn tả chân lối sống, cách cư xử của cán bộ đảng viên có chức có quyền:
„Sự
suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: sống ích kỷ, thực dụng,
cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, lãng phí; bè phái, cục bộ, mất
đoàn kết; phong cách quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc
của dân; lối sống xa hoa, hưởng lạc... Trong những biểu hiện đó, cán bộ,
đảng viên, nhân dân và dư luận xã hội quan tâm nhiều nhất, bức xúc nhất
là tình trạng tham nhũng, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm… ở một bộ phận
đảng viên có chức, có quyền, cả trong một số cán bộ cao cấp của Đảng,
Nhà nước, đương chức, hoặc thôi chức.“[19]
Nếu quả thực trong ba đợt Tự phê bình và phê bình vừa qua các ủy viên Bộ chính trị và Ban bí thư đã „thực hiện nghiêm túc, cẩn trọng, chu đáo, chặt chẽ và khoa học“,
như Nguyễn Phú Trọng tuyên bố tại Hội nghị cán bộ toàn quốc ngày 13.8
thì ngay sau đó phải diễn ra những thay đổi rõ ràng và nhanh chóng từ
trong cách cư xử của Đảng và Nhà nước với nhân dân các giới, tới việc
phải từ bỏ những chủ trương và chính sách sai lầm. Nhưng sự chờ đợi
chính đáng này đã không diễn ra, mọi việc đang diễn tiến ngược lại trên
nhiều lãnh vực quan trọng!
Thật vậy, sai lầm cực kì nguy hiểm trong chính sách hèn với giặc ác với dân vẫn còn được Nguyễn Phú Trọng ra sức bảo vệ. Ngay
trước mặt trên 1000 cán bộ cao cấp tại Hội nghị cán bộ toàn quốc cuối
tháng 2.2012 Nguyễn Phú Trọng đã gọi nhóm cầm đầu Bắc kinh là „Bạn“[20] , mặc dù chúng đang thực hiện chính sách thôn tính lãnh thổ và cướp giật tài nguyên cũng như giết hại ngư dân VN. Thái
độ cực kì sai lầm và đầy nguy hiểm của người cầm đầu chế độ đã làm tê
liệt ý chí cảnh giác và chiến đấu của đảng viên và bộ đội, đánh lạc
hướng của bạn bè quốc tế muốn ủng hộ VN. Nguy hiểm nữa là chính các lời
tuyên bố của Nguyễn Phú Trọng đã mở cửa cho Bắc kinh trong các tháng gần
đây càng ngang ngược trắng trợn, đẩy mạnh kế hoạch chiếm đóng các hải
đảo của VN với việc thiết lập cơ quan hành chánh quận Tam sa và chuyển
quân đội tới đồn trú để pháp lí hóa việc chiếm các đảo Hoàng sa và
Trường sa của VN; mở rộng bòn rút tài nguyên trên biển của VN bằng cách
mở thầu quốc tế để thăm dò và khai thác dầu khí ngay trên các hải phận
của VN; đồng thời tiếp tục bắt giữ các tầu đánh cá và ngược đãi ngư dân
VN!
Thái độ xâm lấn ngang ngược của Bắc kinh đã gây lo
ngại, bất mãn và phẫn nộ trong nhiều giới. Chính vì thế trong tháng 7
khi các ủy viên Bộ chính trị và Ban bí thư tổ chức Tự phê bình và phê
bình thì 42 trí thức, chuyên viên và nhân sĩ tên tuổi ở Sài gòn đã viết
thư công khai ngày 27.7 cho Bí thư Thành ủy Sài gòn kết án các hành động
xâm lấn trắng trợn của Bắc kinh và yêu cầu các cơ quan của thành phố
phải tổ chức các buổi hội thảo, biểu tình chống hành động của Bắc kinh
và đồng thời để cho những vị này đứng ra tổ chức biểu tình ôn hòa chống
những bành trướng ngang ngược của Bắc kinh. Đáng lẽ ra, để chứng tỏ là
đang Tự phê bình và phê bình nghiêm túc thì những người cầm đầu chế độ
toàn trị phải nhìn nhận chủ trương luồn cúi đã khiến Bắc kinh được đằng
chân lân đằng đầu và từ nay quyết tâm từ bỏ đường lối sai lầm này. Khi
đó những người cầm đầu chế độ toàn trị phải hưởng ứng lời kêu gọi chân
thành của 42 công dân có tên tuổi ở Sài gòn. Ngược lại, họ đã để thành
ủy Sài gòn không trả lời chính thức thư kêu gọi nói trên. Mặt khác họ
còn để cho công an ép từng người kí tên tới „làm việc“ với mục đích đe dọa, khủng bố tinh thần! [21]
Cũng
trong thời gian đó họ tìm mọi cách ngăn cản các cuộc biểu tình của phụ
nữ, thanh niên và trí thức ở Hà nội chống bành trướng của Bắc kinh.
Trong các hoạt động này họ còn sử dụng quen thuộc hành động tồi tệ bằng
cách cho công an đội lốt côn đồ đánh đập những người đấu tranh tích cực,
như LS Lê Quốc Quân „bị côn đồ tấn công“ ngày 19.8, đòi cụ bà Lê Hiền Đức phải lên công an làm việc, gây khó khăn và phạt tiền TS Nguyễn Xuân Diện….[22]
Trong
ba đợt Tự phê bình và phê bình, nếu những người khởi xướng biết thành
tâm nhìn nhận những sai lầm thì họ đã dám tuyên bố từ bỏ chủ trương độc
quyền của ĐCS và chủ nghĩa Marx-Lenin đã trở thành hoang tưởng và đã bị
chính nhân dân nhiều nước CS đứng lên lật đổ! Việc cực kì hệ trọng này
Nguyễn Phú Trọng cũng không dám làm. Ngược lại, ông còn vênh váo kiêu
ngạo tuyên bố trước Hội nghị cán bộ toàn quốc cuối tháng 2 là: „sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng VN“ và nhấn mạnh thêm „trước kia đã như vậy, hiện nay đang như vậy và sau này cũng sẽ như vậy“![23]
Thái
độ cứ nhắm mắt tiếp tục đi theo con đường mòn đang dẫn đất nước vào ngõ
cụt cũng được người cầm đầu chế độ áp dụng trong lãnh vực xây dựng kinh
tế. Trong Cương lĩnh chính trị 2011 mà ông Trọng là tác giả đã giữ tiếp
tục chủ trương Kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó duy trì sự
độc quyền và đặc lợi cho các tập đoàn và tổng công ti nhà nước. Mới đây
giữa lúc bắt vây cánh của Nguyễn Tấn Dũng, ngày 22.8 Nguyễn Phú Trọng
cho họp „Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương“ để lãnh
đạo các tập đoàn và tổng công ti nhà nước phải tới nghe chỉ thị, vì
thời gian qua nhiều người trong nhóm này đã chạy theo Nguyễn Tấn Dũng và
lơ là công tác Đảng. Ông Trọng đã ra lệnh cho họ phải tăng cường công
tác Đảng trong các doanh nghiệp nhà nước để thực hiện chủ trương „định hướng XHCN“ trong kinh tế!:
“Các
cấp ủy Đảng trong Khối cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa vị trí,
vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng, cả về
chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, phương thức lãnh đạo, quan hệ với
quần chúng... Làm tốt công tác xây dựng Đảng mới bảo đảm thực hiện nhiệm
vụ chính trị, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là yếu tố cực
kỳ quan trọng để giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm phát triển nhanh
và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ gìn con người…”[24]
Nguyễn
Phú Trọng không dám nhìn thẳng sự thực là, khi cho thực hiện Kinh tế
thị trường định hướng XHCN trong cơ chế của một đảng độc tài toàn trị
tất yếu dẫn tới tình trạng bóc lột, cá lớn nuốt cá bé, bắt con tép rui
thả con cá sộp. Nó là kết quả của chính sách „đổi mới“ từ 1986! Nhưng Nguyễn
Phú Trọng vẫn ngoan cố bảo vệ chủ trương này trong Cương lĩnh chính trị
2011. Trong thực tế, nó là chủ nghĩa phong kiến-tư bản không có một vua
mà là một nhóm vua tập thể. Nó đang chạy theo đuôi chủ nghĩa tư bản
hoang dã thời phôi thai hơn hai thế kỉ trước, trong đó bọn vua chúa và
bọn tư bản bóc lột cấu kết với nhau để bảo vệ quyền tiền trên sự bóc lột
xương máu, tài sản của nhân dân và đàn áp những người khác chính kiến!
Cho nên nông dân đang bị cướp đất, công nhân đang bị cướp cơm và trí
thức đang bị đàn áp!
Muốn chống tham nhũng, quan liêu cửa quyền
của bọn tham quan thì báo chí phải được tự do, các người cầm bút phải
được quyền thông tin, điều tra và phổ biến. Đây là nền tảng trong các xã
hội văn minh. Tại VN dưới chế độ toàn trị quyền căn bản này vẫn vắng
bóng. Mới đây nhất trong vụ bắt bầu Kiên các báo chí „lề phải“ chỉ được viết tin theo cách „định hướng“ của Ban Tuyên giáo của Đinh Thế Huynh, viết cái gì và như thế nào đều phải tuân lệnh cấp trên. Cuối tháng 8 Bộ Công an mở cuộc „Hội thảo phòng chống „tự diễn biến, „tự chuyển hóa“„ và trong cuộc họp bốn ngày Tự phê bình và phê bình Ban Tuyên giáo cũng chọn đề tài này làm trọng tâm.[25] Đây
không phải là tình cờ, mà nó chỉ phản ảnh tâm trạng lo sợ và tráo trở
của bọn tham quan độc tài rất sợ tiếng nói thật và thẳng thắn nhân dân,
kể cả những đảng viên còn biết quí tự trọng!
Tất cả
những điều dẫn chứng trên đây nói lên sự thực là, những gì Nguyễn Phú
Trọng nói về Tự phê bình và phê bình hoàn toàn khác xa với những gì ông
ta đang làm!
***
Nông dân bị cướp đất, công nhân
bị cướp cơm, thanh niên bị đầu độc chính trị sai lầm; trí thức, nhà báo
và văn nghệ sĩ bị bịt miệng, bịt mắt, bịt tai. Nay họ lại còn đang dở
trò Tự phê bình và phê bình để đánh lừa dư luận nhân dân và đảng viên,
mong gây lại uy tín. Nhưng qua phong trào Tự phê bình và phê bình lại
càng tự chứng tỏ các mâu thuẫn quyền-tiền giữa họ với nhau đang tới cực
điểm. Quyền tiền đang làm họ mù lòa và bán rẻ lương tâm, không thấy
được lối ra, không còn biết động lòng trước nỗi khổ của nhân dân, không
còn biết lắng nghe những cảnh báo chân thành của trí thức và đảng viên
tiến bộ về nguy cơ từ phương Bắc. Họ đang phản bội những lời thề của
người sáng lập chế độ trước đây 67 năm. Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn
Dũng và vây cánh của họ đã trở thành những người phản cách mạng chỉ vì
quyền tiền!
Các sự kiện chính trị dồn dập trong các tháng
gần đây xuyên qua các vụ bắt bầu Kiên, Vinashin,Vinaline.. và phong trào
Tự phê bình và phê bình ở ngay cấp chóp bu của chế độ toàn trị đã cho
thấy, lòng đố kị ghanh ghét giữa những người có quyền lực cao nhất đã
tới đỉnh cao mới! Một người thì tham nhũng trắng trợn, cho con gái lập
ngân hàng, con trai chọn chỗ béo bở trong chính phủ. Nó chính là hậu quả
của chế độ độc đảng với Kinh tế thị trường định hướng XHCN. Còn người
kia thì vẫn chủ trương tăng cường chế độ độc đảng, duy trì hệ thống
doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo, dù biết thừa chính nó là bà đỡ của tệ
trạng tham nhũng, tham quyền và xã hội vô pháp luật như hiện nay!
Điều
này cho thấy, phong trào Tự phê bình và phê bình do Nguyễn Phú Trọng
đang phóng tay phát động chỉ cốt đánh phá Nguyễn Tấn Dũng vì chỉ biết ăn
mà không biết chia. Chứ tuyệt nhiên Nguyễn Phú Trọng không có thiện ý
và quyết tâm từ bỏ những nguồn gốc đang gây nguy hiểm cho VN là chế độ
độc tài toàn trị với Kinh tế thị trường định hướng XHCN và cúi đầu trước
Bắc kinh !
02.9.2012
Âu Dương Thệ
[1] . Vietnam Net từ ngày 21.8
[2] . AFP 26.8
[3] . Âu Dương Thệ TBT Nguyễn Phú Trọng đã thuyết giảng gì cho trên 1000 cán bộ cao cấp?
[4]
. Cùng tác giả: Tự tha bổng về những sai trái cực kì nghiêm trọng trong
vụ Vinashin: Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng đã tự nhổ vào mặt, làm
nhục Đảng và tước đoạt quyền chính đáng của nhân dân! http://www.dcpt.org/thoisu/ baithoisu2011/vinashin.htm
[5] . Cộng sản điện tử (CS)13.8
[6] . như trên
[7] . như trên
[8] . như trên
[9] . Chính phủ điện tử (CP) 21-22.8
[10] . CS 23.8
[11] . CP 22.8
[12] . Nguyên văn Kết luận này xem Quân đội Nhân dân 15.6
[13] . CP22.8
[14] . CS138.
[15] . Như trên
[16] . Hà Sĩ Phu, 24 năm nhìn lại một bài viết
[17] . Cùng tác giả, Con đỉa hai đầu tiền thế kỉ 21 http://www.dcpt.org/thoisu/ baithoisu2012/condia.htm
[18] . Nguyễn Phú Trọng, diễn văn 27.2
[19] . như trên
[20] . như trên
[21] . Thư ngỏ của 42 công dân đề nghị tổ chức cuộc biểu tình tuần hành phản đối nhà cầm quyền Trung
Quốc, BVN 31.7;Lê Hiếu Đằng, Lãnh đạo TP HCM đã giải quyết như thế nào về đề nghị ngày
27/7/2012 của 42 công dân Thành phố? – Những ghi nhận bước đầu, BVN 6.8
[22] . BBC 20.8;Tôi quyết „phản cách mạng“ đến cùng, Blog Lê Hiền đức 27.8; TS.Nguyễn Xuân Diện: „Không phải ai cũng thích nghe sự thật“, Thụy My/RFI 19.8
[23] .Nguyễn Phú Trọng, diễn văn 27.2
[24] . CP 22. 8
[25] . Công an Nhân dân 29.8, CS 31.8 Mục Thời sự Tạp chí Dân chủ & Phát triển điện tử: www.dcpt.org hay www.dcvapt.net
Hiệp Hội Dân Chủ và Phát Triển Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét