Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

Hùng kê quyền vắng bóng truyền nhân

Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền VN lần thứ 4 tại Bình Định năm nay đã thiếu vắng một gương mặt quen thuộc của giới võ thuật VN. Ông được Liên đoàn Võ thuật VN tặng cho biệt danh “truyền nhân” của Hùng kê quyền - một thế võ độc đáo của Đông Định vương Nguyễn Lữ. Ông là võ sư Ngô Bông.
Võ sư Ngô Bông sinh năm 1929 tại thôn Điền Chánh, xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). Ông được xem như một tượng đài của võ thuật nước nhà, người đã phục dựng toàn bộ bài Hùng kê quyền - một thế võ dựa vào những đặc tính huyền ảo và dũng mãnh của gà chọi được Nguyễn Lữ khai sinh. Cùng với các thế võ đã song hành với nhà Tây Sơn chinh Nam dẹp Bắc như Tam bộ Tuyết hoa song kiếm và Song thượng kiếm của nữ tướng Bùi Thị Xuân; Nghiêm thương, Tứ môn côn, Tứ môn kiếm của Quang Trung - Nguyễn Huệ, thế võ Hùng kê quyền của Nguyễn Lữ đã góp phần làm nên những chiến công lừng lẫy của nước nhà từ hơn 200 năm trước. Thế nhưng, Hùng kê quyền đã nhanh chóng mất hút cùng sự sụp đổ của vương triều Tây Sơn.

 
Từ một bài thiệu
Võ sư Ngô Bông mồ côi cả cha lẫn mẹ từ rất sớm. Ông được bà ngoại cùng những người cậu nuôi dưỡng từ bé. Các cậu của ông: Năm Chót, Sáu Huy, Bảy Thủy đều là những võ sư lừng danh, không chỉ bó hẹp trong phạm vi tỉnh Quảng Ngãi mà cả khu vực miền Trung từ những năm đầu của thế kỷ trước. Ông kể, ông cố ngoại của mình vốn là một thầy dạy võ, lại tinh thông binh pháp. Đất nước tao loạn, ông gia nhập nghĩa quân Tây Sơn và nhanh chóng trở thành thuộc hạ tin cẩn của Đông Định vương Nguyễn Lữ. Chính bài Hùng kê quyền của Nguyễn Lữ đã được ông cố của Ngô Bông “giữ lửa” ngay từ thời ông còn đầu quân cho nhà Tây Sơn và truyền lại hậu bối của mình. Ngô Bông lớn lên cũng nối nghiệp võ của gia đình nhưng bài Hùng kê quyền thì chàng trai mê võ ấy lại không “đi” trọn. Ông chỉ nhớ nội dung văn bản của bài thiệu được các cậu ông truyền lại mà thôi.

Võ sư Ngô Bông với bài Hùng kê quyền - Ảnh: Trần Đăng

Truyền dạy thế võ độc đáo cho học trò - Ảnh: Trần Đăng
Năm 18 tuổi, Ngô Bông lang bạt vào Phú Yên rồi ngược núi lên tận vùng rừng miền tây tỉnh này để tầm sư học... võ. Tại đây Ngô Bông gặp người thầy dạy võ tên là Cưu Vàng. Thấy chàng trai khôi ngô, tráng kiện nhưng lại rất khiêm nhường - tiêu chí đầu tiên để các ông thầy dạy võ có thể dung nạp làm đệ tử, võ sư Cưu Vàng đã đồng ý nhận Ngô Bông làm môn sinh. Vừa học võ, Ngô Bông vừa phụ giúp thầy trong công việc hằng ngày để nuôi thân. Một chiều nọ, khi việc nhà đã vãn, hai thầy trò ngồi đàm đạo, Ngô Bông chợt thốt lên: “Lưỡng kê giao thủ thủy tranh hùng/ Song túc tề phi trảo thượng xung/ Trấn ải kim thương như Bạch Hổ/ Thủ quan ngân kiếm tựa Thanh Long/ Xuyên cung độc triểu tăng ư trác/ Hồi thủ đơn câu thọ tứ hung/ Thiểu, tẩu, vượt, trầm thiên sở tứ/ Nhu, cương, cường, nhược tận kỳ trung”. (Nghĩa là: “Hai con gà chọi nhau để tranh hùng; Hai chân cùng bay, móng chân đâm hất lên; Trấn biên ải, cây thương vàng như cọp trắng; Giữ cửa quan, lưỡi kiếm bạc tựa rồng xanh; Mũi tên độc đâm vào hầu được cất giấu như mỏ gà (mổ thóc); Quay đầu móc đâm vào ngực kẻ địch; Chạy, nhảy lên, luồn, hụp xuống là thế trời cho; Mềm, cứng, mạnh, yếu tất cả đều trong bài quyền này”). Lão võ sư Cưu Vàng nghe người học trò của mình đọc bài thiệu ấy, chợt lặng đi giây lát, rồi hỏi đệ tử: “Con học ở đâu bài thiệu này?”. Ngô Bông từ tốn: “Thưa thầy, đây là bài thiệu mà những người cậu đã dạy cho con!”. Thầy Cưu Vàng vỗ nhẹ vào vai Ngô Bông: “Đấy là bài thiệu mà bao nhiêu năm qua ta cất công tìm kiếm. Con hãy giữ lấy nó, đừng để thất truyền”.
Trở thành “truyền nhân”
Thực ra, thế võ Hùng kê quyền đã được nhiều thế hệ võ sư của các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi - những hậu phương tin cậy của phong trào nông dân Tây Sơn biết đến nhưng không “đi” trọn bộ, lại không rõ xuất xứ của nó. Khi có bài thiệu ấy rồi, các võ sư bắt đầu “chắp nối” lại những đứt gãy của thế võ mà mình từng biết và xâu chuỗi một cách có hệ thống. Sau 3 năm theo học thầy Cưu Vàng, Ngô Bông hồi hương.
Các cuộc chiến tranh liên miên cùng với nợ áo cơm đã không cho phép ông thực hiện trọn vẹn lời dặn của thầy là vừa phục dựng lại bài Hùng kê quyền vừa dạy lại cho các thế hệ học trò. Mãi đến năm 1989, nhân giải Võ cổ truyền toàn quốc tổ chức tại Bình Định, võ sư Ngô Bông biểu diễn bài Hùng kê quyền khiến giới võ thuật lúc bấy giờ lấy làm ngạc nhiên và thích thú. Họ lờ mờ nhận ra một thế võ mà mình “có biết chút ít” nhưng “đi” một cách có hệ thống như Ngô Bông thì không thể. Đến năm 1993, giải Võ cổ truyền toàn quốc được tổ chức tại TP.HCM, ban tổ chức yêu cầu các võ sư đi bài quyền nào thì phải có xuất xứ kèm theo. Bài Hùng kê quyền lại có dịp được trình diễn kèm theo bài thiệu. Cũng trong lần ấy, Liên đoàn Võ thuật VN đã chính thức công nhận võ sư Ngô Bông là “truyền nhân” của thế võ độc đáo này.
Nhân cách của người thầy
Đã qua tuổi bát tuần nhưng nhà võ sư Ngô Bông luôn có môn sinh theo học. “Học võ không chỉ là để “giữ thân”, rèn luyện thể lực mà còn rèn cả nhân cách trong việc ứng xử ở đời nữa. Nhà võ thực thụ là người phải biết giúp đời, cứu người”. Lão võ sư đã có lần tâm sự như thế khi chúng tôi hỏi ông về chuyện “học võ”. Đúng vậy, sau những giờ dạy võ cho học trò, lão võ sư rong ruổi khắp hang cùng xóm vắng để chữa bong gân, trật khớp cho người dân với số tiền thù lao hết sức “tượng trưng”. Hằng ngày, đúng 4 giờ sáng, lão võ sư ra trước cánh đồng làng và ngồi thiền, trước mặt ông là ngọn thương sáng quắc. Ông cứ ngồi như thế cho đến khi mặt trời lên, mắt nhìn thẳng vào mặt trời buổi sớm, cho đến khi mặt trời “cán” đỉnh thương ông mới ra về. Tập như thế được ông gọi là “luyện nhãn pháp”. Khi đã “ngộ” bài tập này, người học võ có thể “thôi miên” cả đối phương bằng đôi mắt của mình. Và lão võ sư không những từng thôi miên đối phương trên sàn đấu thời trai trẻ mà ông còn “thôi miên” bao nhiêu người trong làng bởi nhân cách “giúp đời” của ông. Bởi vậy, đám tang của ông (mùa hè năm 2011) có hàng ngàn người đưa tiễn như là một cách tri ân của dân làng và các môn đệ từ khắp nơi trong nước.
Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền VN lần này vắng bóng ông nhưng giới võ thuật cảm thấy như ông đang đi bài quyền Hùng kê quen thuộc, bài quyền từng làm “dậy sóng” đất Tây Sơn đã thất truyền ngót 200 năm được Ngô Bông phục dựng.
Trần Đăng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét