Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

Đà Lạt – Phan Rang

Đây là con đường có từ trước 1975 đi từ Đà Lạt xuống Đơn dương (đi theo Quốc lộ 20 qua đèo Dran làm từ thời Pháp hoặc đi qua đèo Prenn đến ngã ba Phi Nôm thì rẽ theo Quốc lộ 27 làm thời Mỹ để đi Đơn dương), sau đó qua đèo Ngoạn Mục (còn gọi là đèo Sông Pha) để xuống Phan Rang (khoảng gần 120 Km).
Khởi đầu từ Phan Rang, Quốc lộ 1A, có bảng chỉ dẫn đường đi Đà Lạt, theo QL 27. Bắt đầu QL 27 chừng 5km tới ngã tư này :
 
 
 
Nhìn xa xa là thấy:
 
 
 
 
5km thì tới chùa :
Tên thường gọi: Chùa Thiền Lâm
 
Chùa tọa lạc ở thôn Đắc Nhơn, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, nằm cạnh đường từ Phan Rang đi Đà Lạt, cách Phan Rang khoảng 10km. . Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.
Thiền sư Đức Tạng (quê ở Phú Yên) khai sơn chùa vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Chùa được vua Bảo Đại ban tấm biển “Sắc tứ Thiền Lâm Tự”. Kiến trúc chùa hiện nay do Hòa thượng Thích Huyền Tân cho trùng kiến vào năm 1959. Ở điện Phật còn một số tượng cổ bằng đồng, đất nung.
Thêm 25 km tới Ninh Sơn có cái ngã ba quẹo phải đi Bác Ái ra lại QL 1A giáp ranh Ninh thuận – Khánh hòa (giữa đường này lại có ngã ba quẹo lên núi đi thác Tà gụ, Tô hạp, huyện Khánh sơn, Khánh hòa, trổ xuống ngay Ba ngòi – Cam ranh).
 
 
 
Trên tuyến đường này, chúng ta phải vượt qua đèo Ngoạn Mục mà đỉnh cao của nó và cũng là ranh giới giữa 2 tỉnh Ninh Thuận – Lâm Đồng là giao điểm Eo Gió.
Eo Gió trên đỉnh đèo Krôngpha chỉ là một khe núi rộng chừng 20m nhiều gió luồn qua mát lạnh, là mốc “ranh giới” đánh dấu chấm hết cho khí hậu nóng khô đồng bằng Phan Rang. Khí hậu dịu mát và khung cảnh đầy hoa vùng Đơn Dương (Lâm Đồng) vẽ nên bức tranh mùa xuân tuyệt diệu.
 
Đèo Ngoạn Mục hay còn gọi là đèo Krông Pha ( một địa danh của người Chăm) người Việt đọc là Sông Pha , người Pháp gọi là Belle Vue ( Ngoạn Mục ) là một trong những đèo đẹp nhất Việt Nam thuộc huyện Ninh Sơn tỉnh Ninh Thuận, nối thung lũng Ninh Sơn với cao nguyên Lang Biang ,dài khoảng 18km.

Con đường quanh co gấp khúc liên tục có 4 đoạn cua khuỷu tay rất gấp, uốn lượn mềm mại qua những đồi núi, sườn đồi lớn nhỏ khác nhau tạo hình vòng sóng, tạo nên những tầng đường mà nếu có dịp dừng chân trên đỉnh nhìn xuống, dễ thấy vẻ quyến rũ lãng mạn lẫn hùng vĩ của nó (mà cũng dễ lạnh gáy lắm a). Từ trên đèo nhìn xuống thấy bờ vực dốc đứng, sâu thẳm, lấp ló qua những rặng thông là con đường ngoằn ngoèo khúc khuỷu với những chiếc ô tô nhỏ xíu chậm chạp đang bò lên hay xuống.
 
 
 
 
 
 
Đèo dài 18,5 km, có độ dốc trung bình trên 9 độ. Do vậy đây cũng là đèo có độ dốc lớn nhất ở các tỉnh phía Nam. Đèo Ngoạn Mục là một trong những đường đèo hùng vĩ và đẹp nhất Việt Nam. Đúng như tên gọi, cảnh đèo Ngoạn Mục uốn lượn ngoằn ngoèo, nhiều khúc quanh co hiểm trở băng qua núi cao vực cả. Cảnh vật hoang sơ hùng vĩ mà đẹp như tranh vẽ, vừa thanh thoát lãng mạn, khiến lòng du khách không khỏi lâng lâng ngất ngây choáng ngợp.
 
 
 
 
 
Đèo Ngoạn Mục hấp dẫn du khách với cảnh sắc thay đổi liên tục theo thời gian và không gian. Lên Ngoạn Mục vào buổi sáng bằng xe gắn máy, du khách dễ bị choáng ngợp bởi những cụm mây mịt mù. Lên Ngoạn Mục những chiều đông, có thể đứng ở vực cao ngắm ra khoảng rừng những vách đồi trước mặt, thấy những mảng rừng đổi màu lá xanh, lá đỏ. Lên đèo Ngoạn Mục vào những đêm trăng sáng, dễ nhận ra một không gian ảo huyền giữa bao la núi rừng.
Với địa thế khá hiểm trở, Đèo Ngoạn Mục trở thành đoạn đường thú vị cho một tour bằng xe đạp, xe gắn máy trên đường từ phố núi Đà Lạt xuôi về duyên hải Phan Rang.
 
 
 
 
 
 
Khu bảo tồn thiên nhiên Đèo Ngoạn Mục thuộc xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, nằm ở sườn dốc hướng về phía Đông, trong khu vực chuyển tiếp giữa đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ và cao nguyên Đà Lạt. Vào những ngày đẹp trời, từ nơi đây người ta có thể nhìn thấy biển Đông.
 
 
 
 
Đường ống thủy điện Đa Nhim xa xa :
 
 
Xe chạy dưới đường ống:
 
 
Cùng nằm trên con đường từ Phan Rang lên Đà Lạt, Một hồ nước trong xanh được hình thành từ công trình thủy điện Đa Nhim và một ngọn đèo uốn lượn nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ với cao nguyên Đà Lạt hòa quện, kết hợp hài hòa với nhau tạo thành một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Bức tranh đó có đủ các non, nước, mây, trời, cỏ, cây, hoa, lá.
 
 
 
 
Hồ Đa Nhim có diện tích khoảng 9,7km2, là một công trình độc đáo của Đông Nam Á do người Nhật thiết kế. Từ xa xa cách gần cả mấy cây số, nhìn về hồ du khách có thể nhìn thấy hai đường ống rất lớn chạy song song nhau, dài khoảng gần 2km để dẫn nước từ trên núi xuống nhà máy nằm dưới chân đèo. Con đập thẳng tắp ngăn đôi bình nguyên Đơn Dương nối hai sườn núi dài 1.460m, cao sừng sững 38m, đáy rộng 180m, đỉnh còn 6m, tích nước từ hai sông Đa Nhim và Kronglet hòa vào càng khiến cho khung cảnh thêm ngoạn mục. Dưới đáy hồ là một đường hầm thủy áp dài tới 5km, rộng 3,5km chạy xuyên qua lòng núi đá graint đưa nước sông Đa Nhim từ sườn đông về sườn tây đến đầu dốc Eo Gió.
 
 
 
 
Đến ngã ba Đơn dương
Ngã 3 này 1 nhánh rẽ phải vào đèo D’ran để tới Dalat, rẽ trái vào thị trấn Đơn Dương. Còn lại sẽ đi ra ngã ba Phinom để giáp với QL 20 về Đà Lạt.
 
 
Tới đây tôi phân vân quá. Không biết nên viết về hướng nào. Vì cả 2 đều về Đà lạt, và cả 2 cùng đẹp hết hihi.
Đành phải viết cả 2, bắt đầu viết theo đường đèo Dran rồi sẽ tiếp tục đường Phinom
 
Đường Dran: Thác hang cọp. Trại mát, chùa Linh phước. ga Đà Lạt
 
1. Thác Hang Cọp
Nằm hút sâu trong vùng Xuân Thọ hẻo lánh của huyện Đơn Dương – thành phố Đà Lạt, Thác Cọp từ lâu được xem là điểm đến du lịch hấp dẫn nhưng cũng rất nguy hiểm của vùng Nam Tây Nguyên.
 
 
 
 
Con dốc ngày mưa khá trơn trượt, mức độ nguy hiểm đến rợn người. Thác Hang Cọp đón chào du khách trong tiếng thác ầm ầm vang vọng.
 
Theo truyền thuyết kể lại, thác Hang Cọp xưa kia được coi là lãnh địa, là vùng đất của “chúa tể sơn lâm” và người Cill (người bản địa xưa kia – người K’ho) rất sợ vào vùng đất này. Thấy người dân trong buôn làng mình đã khổ, lại thêm nỗi sợ cọp mỗi khi đi rẫy, một chàng trai đã cầm nỏ theo dấu vết đi tìm cọp. Khi đến dòng thác, chàng bèn bắn mũi tên từ bên kia dòng thác vào chỗ cọp nằm, mũi tên trúng chân cọp, làm “chúa tể sơn lâm” sợ bỏ chạy vào rừng, không dám về buôn làng phá quấy bà con nữa. Dòng thác hùng mạnh từ đó có tên Thác Hang Cọp.
Sở dĩ nơi đây được mang tên là thác hang Cọp là bởi vì: từ trên đồi cao du khách có thể nhìn thấy bức tượng hình con cọp cao 5m, dài 10m trên một gò đất rộng. Ngoài tên gọi thác hang Cọp được sử dụng bây giờ, thì trước đây vùng đất này còn có những tên gọi khác là Ông Cọp, Ông Thuận, Đạ Sar, Thiên Thai, Long Nhân.
 
 
Tiếng rừng thông lao xao, rì rào; tiếng chim bay về núi táo tác giữa không gian hoang sơ, u tịch và nổi lên, gờn gợn trong bóng chiều cô quạnh là tiếng “cọp gầm” đều đặn phát ra từ phía ngọn thác huyền thoại, có lúc ta giật mình tưởng như thật.
Đêm đến, khi ánh trăng nhô qua triền núi tỏa ánh sáng xanh trong huyền hoặc, sương mờ lãng đãng vấn vương trên ngàn cây ngọn cỏ…du khách đến đây có thể quây quần bên nhau trong ngôi nhà sàn đơn sơ với một vò rượu cần, thịt gà rừng luộc chấm muối ớt ăn kèm cùng măng chua. Cá lóc ở hồ, suối, thịt dẻ, ngon ngọt không thua cá ở đồng bằng… Một đêm trong rừng, bên thác Hang Cọp sẽ khiến cho du khách có nhiều cảm xúc lâng lâng trong giấc ngủ yên bình, sảng khoái với cái rét dìu dịu trên độ cao 1.500 m.
Nhưng mà cũng nói thiệt rằng, hiện nay thác hang Cọp quá chừng xuống cấp, cho nên bạn nào hào hứng với cảnh hoang sơ thì còn tạm chấp nhận được. Còn không thì … khỏi đi cho khỏe.
 
2. Trại mát :
Trại Mát là một trong những vùng canh tác rau chính của Đà Lạt, tuy nhiên nơi này ít được biết đến vì không phải là điểm du lịch.
 
 
 
Không ồn ào như khu trung tâm của Đà Lạt, nhịp sống Trại Mát bình dị và mộc mạc. Ở đây, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người nông dân cần mẫn trên các vườn rau trải dài khắp sườn đồi tựa như ruộng bậc thang ở vùng Tây Bắc xa xôi, đó còn là hình ảnh những cô gái má đỏ, môi hồng đội nón lá, mặc áo len nhổ cỏ bên luống hoa, hình ảnh học sinh đến trường trong chiếc áo len ấm áp, hay hình ảnh của những ngôi nhà gỗ có những cánh cửa màu xanh lẩn khuất trong làn sương mờ ảo giữa cánh đồng rau…
 
 
 
Ở khu trung tâm phồn hoa nhất (chợ Trại Mát) cũng khá nhộn nhịp vào buổi sớm mai. Cảnh mua bán, trao đổi hàng hóa nông sản khá tấp nập, ở đó còn có nụ cười tỏa nắng của chị hàng hoa đèo những bó hoa hồng, hoa cúc khổng lồ bán cho khách…
 
 
 
 
Chùa Linh Phước
Còn gọi là chùa ve chai, do Chùa được trang trí bằng những mảnh sứ nhiều màu, và đặc biệt có hình một con rồng lớn được gắn kết bằng nhiều chai lọ.
 
 
 
Có tháp 7 tầng (leo xong mệt thở khói lỗ tai luôn)
 
 
Một bên chùa
 
 
Quang cảnh xung quanh
 
 
Rồng miểng chai đây
 
 
Mỗi người viết 1 tờ giấy cầu nguyện, dán vô cái chuông (nghe nói là to nhất Đà Lạt) sau đó dộng 3 tiếng chuông
 
 
Rẽ trái về Phinom-QL20= 25Km.
 
 
Không theo đèo Prenn về Đà Lạt, mà từ Khu du lịch thác Prenn, đi theo hướng tay phải để đến Thung lũng Mimosa, một con đường đèo thơ mộng để vào Đà Lạt.
 
Thung lũng Mimosa
Bắt đầu từ thác Prenn, con đường lượn xuống một vùng lũng thấp rồi uốn lượn, vắt mình qua những đồi thông xanh, chênh vênh men theo những vực cao ngập trong gió sương trước khi mở ngõ vào phố hoa Đà Lạt…Hai bên đường những hàng cây mimosa mới trồng đâm chồi xanh non mơn mởn.
Trên đường đi, du khách có thể nhận thấy một hình ảnh Đà Lạt đầy trong trẻo và ban sơ, những mái nhà thấp thoáng ẩn hiện trong rừng thông xanh, những khu vườn hai bên đường lặng lẽ cho hoa trái mùa đầu.
 
 
 
 
Giữa đèo, trơ vơ một quán gỗ bán rượu cần nằm như neo trên lưng cánh đồi nho nhỏ ven đường. Những nhà dân đơn sơ, gỗ mộc ở đây thường được trang điểm bởi những sân hoa cúc, hồng, mimosa và cả những loài hoa không tên khoe sắc quanh năm.
 
 
 
So với đèo Prenn 1 thì Mimosa có nhiều điểm dừng chân để ngoạn cảnh. Mimosa ít có những đoạn cua hẹp và khúc khuỷu, đặc biệt, với thiết kế vòng ôm, lượn lờ băng qua những triền đồi điệp trùng, bậc thang, du khách có thể phóng tầm mắt xuống từng lòng thung lũng bao la lác đác những mái nhà ẩn chìm trong sương mù hay mơ màng khói lam chiều…
Chinh phục đèo Mimosa bằng xe đạp, xe gắn máy… trong lúc này, hẳn vẫn còn gợi cái cảm giác khám phá tuyệt vời- khám phá sự mới lạ của một cung đường lặng lẽ và thơ mộng là cửa ngõ thứ hai của thành phố hoa Đà Lạt. Và khi băng qua những đồi thông, nhìn xuống những dòng suối nhỏ hay nhà vườn trong thung sâu, có thể nghĩ đến những tour dã ngoại thú vị, du lịch vườn sinh thái đối với những ai muốn tìm về một Đà Lạt bình yên, không xi- măng, nhà hộp và bụi khói xe cộ.
 
 
Chùa Tàu (Thiên vương cổ sát , Chùa Phật trầm)
 
Chùa Thiên Vương Cổ Sát tọa lạc trên đồi Rồng, tại số 385 đường Khe Sanh, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 5km về hướng đông bắc.
Chùa theo hệ phái Phật giáo Huê Nghiêm của Trung Quốc.
 
 
 
Chùa Tàu hay chùa Phật Trầm có tên gọi đầy đủ là chùa Thiên Vương Cổ Sát. Chùa được Hòa thượng Thọ Dã thuộc Hội quán Triều Châu xây dựng năm 1958 gồm 3 gian nhà bằng gỗ lợp tôle. Năm 1989, ông Lê Văn Cảnh đã đứng ra trùng tu xây dựng. Lúc này ngôi nhà giữa đã được tháo dỡ nhằm tạo không gian thông thoáng cho hai tòa nhà còn lại.
Ngay giữa Từ Tôn Bảo Điện có điện phật Di Lặc, cao chừng 2,5m , trên tay cầm 1 cái túi lớn màu đỏ. Khách thập phương có thói quen xoa tay vào túi lấy hên.
 
 
 
Qua một khoảnh sân là đến Minh Quang Bảo Điện, tại đây thờ Tây Phương Tam Thánh gồm các tượng A Di Đà Phật ở giữa, Quan Thế Âm Bồ Tát bên trái và Đại Thế Chí Bồ Tát bên phải. Đây là những bức tượng quí được tạc từ gỗ trầm, cao 4m và nặng 1,5 tấn do Hòa thượng Thọ Dã thỉnh từ Hồng Kông năm 1958. (Sorry nếu như mình ghi tên các tượng không đúng, mình chỉ nghe nói thế vì mình đạo Chúa).
 
 
 
3 pho tượng Phật trầm tỏa ra mùi rất thơm, nên mọi người không ai thắp hương ở đây (thắp và cắm ở cái lư hương to thiệt to phía trước)
Phía sau chùa, nơi trước đây là cốc của nhà sư Thọ Giã, đã xây dựng Thích Ca Phật Đài cao chừng 10m thật đẹp giữa đồi thông lộng gió. Nơi đây rộng rãi thoáng mát, nhìn xuống thung lũng (không biết tên)
 
 
 
Nhưng mà xin lưu ý qúy khách coi chừng mấy con ngựa thả rông. Kẻ hèn này đã từng bị 1 con rượt chạy vòng vòng, sau cùng điên quá vác cây phang nó mới chịu bỏ đi. Hú vía.
 
Sẽ là thiếu sót nếu đến đây mà bỏ qua chiếc bàn xoay kỳ lạ.
 
Nhìn bề ngoài, bàn xoay giống như những chiếc bàn cổ dùng uống nước gồm có chân kiềng, thân hình trụ có lỗ để mặt bàn khớp vào, cho phép người sử dụng bàn có thể xoay bàn dễ dàng. Mặt bàn khá dày, được ghép đơn giản từ những tấm gỗ bào nhẵn mặt trên và còn để thô mặt dưới. Một điểm đặc biệt, toàn bộ chiếc bàn không hề sử dụng vật liệu gì ngoài gỗ, không dùng đinh, ốc vít mà chỉ dùng mộng để ghép các phần lại với nhau.
 
 
 
Nghe bảo là đặt hai tay lên mặt bàn, không nhúc nhích, trong đầu thầm nghĩ chiếc bàn hãy quay về bên phải và nếu thích, có thể nói ra miệng. Chỉ vài giây sau, chiếc bàn khẽ giật giật dưới tay và từ từ quay về bên phải, nếu yêu cầu bàn xoay nhanh hơn, chậm hơn hoặc đổi hướng, xoay về bên trái chiếc bàn cũng sẵn sàng chiều ý khách. Thậm chí, có thể nhiều người cùng quay một lúc hoặc quay một người một, kết quả cũng không khác nhau.
 
 
 
Thực tế thì không như thế. Chúng tôi đã phải theo đúng bài bản là phải đủ 8 người đặt tay lên. Chờ một lúc lâu cũng không thấy xoay. Nhưng khi một ông bác trong chùa (bảo vệ hay quản lý gì không biết) động vào cái bàn thì nó xoay thật, bảo trái theo trái, bảo phải theo phải, mà còn xoay rất nhanh, cả 8 người chúng tôi chạy vòng vòng theo toát mồ hôi nhưng lại thích chí cười hô hố.
Hiện nay dù đã có nhiều lời giải thích từ những người có trách nhiệm (hay hiếu kỳ) nhưng vẫn chưa có lời giải đáp khoa học hợp lý nhất về những chiếc bàn xoay. Riêng tôi (Anchu) cho rằng đây là sự tác động vật lý. Điều kiện là cần phải đủ số tay (trọng lượng) và 1 chút đà (trớn). Có thể trong 8 người chúng tôi có người đã mạnh tay giữ chặt bàn lại nên bàn không thể di chuyển. Cho tới khi có người dịch chuyển thì bàn chạy theo trớn. Chỉ là tôi không thể giải thích được vì sao nó đang chạy theo bên phải mà khi mọi người gào lên trái thì nó chuyển động ngược lại.
Mà thôi, không thèm quan tâm, bí mật chút cho thi vị, cái gì cũng huỵch tẹt ra hết thì hết vui

Vườn hoa Minh Tâm
Vườn hoa Minh Tâm tọa lạc tại 20A đường Khe Sanh, trong một khu vườn có diện tích khoảng 18 hecta đa số là rừng thông. Ban đầu , nơi đây là khu biệt thự của chủ nhân người Pháp tên David , được xây dựng từ năm 1938 .
 
 
Sau nhiều lần đổi ngôi đổi chủ , Vườn hoa này đã từng nằm trong tay những người danh tiếng, (cả tiếng xấu và tiếng tốt). Một thời gian dài còn gọi là Vườn hoa Trần Lệ Xuân, rồi Mười Vân, rồi Vườn hoa Bộ nội vụ.
 
 
 
Từ năm 1990 , khu biệt thự này được dung để khai thác du lịch . Vườn hoa Minh Tâm có nhiều loại hoa quý đẹp khoe sắc như Cẩm Tú Cầu , Cẩm Chướng , Mimosa lá bạc , hoa chống muỗi đa sắc ( pelargonium ) , Phù Dung , hoa xác pháo có màu đỏ rực , hoa hồng với nhiều màu sắc lai tạo … Đặc biệt , trong khu vực kinh doanh hoa của nhiều chủ nhân đang trưng bày nơi đây , có nhiều loài hoa quý tộc được giới thiệu để phục vụ du khách mang về trồng ở địa phương . Giữa khu vựờn hoa là khách sạn Minh Tâm được cải tạo lại từ ngôi biệt thự cũ để phục vụ du khách.
Du khách yêu thiên nhiên đến Đà Lạt thường lưu trú nơi đây để được mãn nhãn ngắm các loài hoa quý trong vườn ,vừa có thể thả hồn mình hòa với rừng thông xanh trải dài xa tít dưới thung lũng .
 
 
Một số ngôi chùa ở Đà Lạt
 
Chùa Linh Sơn
Linh Sơn được xây dựng vào năm 1938, ngày nay đây còn là trường đào tạo Phật học Cơ bản và nơi đặt văn phòng của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng (120 Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Đà Lạt). Quy mô và kiến trúc của Linh Sơn khá khiêm tốn, giản dị, không bề thế, thơ mộng như Thiền viện Trúc Lâm, Thiền viện Vạn Hạnh; không có bề dày lịch sử như Tổ đình Linh Quang là những tự, viện nổi tiếng khác ở Đà Lạt.
 
 
 
Chùa Linh Quang
 
 
Chùa Linh Quang được xem là ngôi Tổ đình đầu tiên của thành phố Đà Lạt. do Hòa thượng Thích Nhơn Thứ tạo lập vào năm 1931. Chùa được vua Bảo Đại ban biển ngạch Sắc tứ vào năm 1938. Kế tiếp trụ trì là Hòa thượng Thích Quảng Nhuận. Hòa thượng viên tịch năm 1951 tại Tổ đình Từ Quang, Huế.
 
 
Chùa được trùng tu vào năm 1958 và năm 1972 dưới thời Hòa thượng Thích Minh Cảnh trụ trì. Hòa thượng đã đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng trong Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng, như năm 1952, ngài là Tri sự trưởng Giáo hội Tăng già tỉnh Đồng Nai Thượng; năm 1982, ngài là Đệ nhất Phó Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng. Hòa thượng an nhiên thị tịch vào ngày 19 tháng 2 năm Bính Dần (1986), đúng vào ngày vía Bồ tát Quán Thế Âm, thọ 80 tuổi. Kế tiếp trụ trì là Hòa thượng Thích Đức Thiệu.
 
 
 
Thiền viện Vạn Hạnh
Thiền viện Vạn Hạnh là ngôi thiền viện tọa lạc tại địa chỉ :
39 Đường Phù Đổng Thiên Vương – Phường 8 – thành phố Đà Lạt.
Đây là ngôi thiền viện thu hút tăng ni khắp nơi, vừa là điểm tham quan hấp dẫn của thành phố Đà Lạt.
 
 
 
1952: Xây dựng Niệm Phật Đường Đông Thành. 1957: Đổi thành Khuôn Hội Vạn Hạnh. 1964: Đổi thành chùa Vạn Hạnh – Xây dựng chánh điện 9m6 vách gạch mái tôn. 1980: Giáo hội bổ nhiệm Đại Đức Thích Viên Thanh trú trì chùa Vạn Hạnh. 1983: Xây dựng tiền đường 4m x 20m mái ngói. 1991: Xây dựng cảnh Rồng thiêng Quán Thế Âm thị hiện. 1992: Đổi tên chùa Vạn Hạnh thành Thiền Viện Vạn Hạnh. 1994: Lễ đặt đá xây dựng Thiền Viện Vạn Hạnh (nhằm ngày 10/11/ Giáp Ngọ và ngày dương là ngày 12/12/1994). 2002: Ngày 2/2/ Nhâm Ngọ lễ đặt đá xây dựng Thích Ca Phật Đài. Khuôn tượng đúc bằng xi măng và bê tông cốt thép, cao 24 m, nặng trên 60 tấn. Dưới đài sen là một ngọn giả sơn, bên trong có hang động tôn trí hình tượng các vị tổ đang tham thiền nhập định. Công trình này do Thượng Tọa Thích Viên Thanh thiết kế và nghệ nhân Thùy Lam thực hiện với tổng kinh phí trên 1 tỷ 300 triệu đồng.
Và kho đá Thạch Anh qúy giá được cất trong thiền viện.
 
 
 
 
Chùa Sư Nữ
 
Chùa Linh Phong tên đầy đủ Chùa sư nữ Linh Phong, là ngôi chùa nằm trên một đồi cao ở số 72C đường Hoàng Hoa Thám, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 4km.
Chùa Linh Phong vốn là một nơi thờ Phật được dựng năm 1940, khi đó chỉ lợp tranh, vách bằng ván. Từ năm 1946, nơi thờ tự này được chuyển giao cho sư bà Thích Nữ Từ Hương. Dần từng bước, sư bà Thích Nữ Từ Hương xây dựng nên ngôi chùa như ngày nay.
 
 
 
Một vài hình ảnh đẹp của Đà Lạt:
 
 
 
 
 
Hẹn lần sau, Đà Lạt theo đường Hòn Giao – Nha Trang.
Anchu
29-04-2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét