Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

Tưởng Niệm Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy


(2/11/1924 – 28/7/1990)
 
TDDB7-TuongNiemGsHuy.jpg
 
 
Vào đúng ngày này 22 năm trước, Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy qua đời trên bước đường hoạt động tranh đấu cho một nước Việt Nam dân chủ tự do thực sự. Từ đó đến nay đã trải qua 2 thập niên, cứ đến độ hè về vào cuối tháng bảy hàng năm đều có lễ giỗ tưởng niệm đến Cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huỵ Chính sự kiện khác thường này cho thấy hậu thế không muốn quên một nhân vật đặc biệt trong lịch sử VN. Thực vậy sự ra đi vĩnh viễn của Gs Huy để lại biết bao nhiêu thương tiếc thực sự cho những người còn lại.
 
Cũng trong dịp này, Tự Do Dân Bản phát hành số đặc biệt để tưởng niệm đến Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy.
 
Lúc còn sinh tiền Gs Huy từng nhận định chính xác cho rằng với phương tiện truyền thông càng ngày càng tân tiến sẽ đẩy lui được bóng tối độc tài bưng bít khiến cho các chế độ này lần lượt phải cáo chung. Theo đúng tinh thần này, các hậu duệ của Gs Huy đã thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động hữu hiệu trên lãnh vực truyền thông và đặc biệt hướng về quốc nội . Điển hình nhứt là thành lập Ban Truyền Thông / Đại Gia Đình Nguyễn Ngọc Huy gồm 11 thành viên làm việc trong tinh thần đồng đội teamwork ròng rã trong gần 1 năm thực hiện được cuốn phim chiến lược và hoàn toàn biếu không với tựa đề "Đại Họa Mất Nước" tạo được ảnh hưởng sâu rộng trong dư luận trong và ngoài nước với cả triệu khán thính giả theo dỏi .
Thực vậy , một bằng chứng rất cụ thể: chỉ cần đánh 4 chử "Đại Họa Mất Nước" tìm trên Google thì sẽ thấy hiện lên trên 60 trang nói về cuộn phim này . Đặc biệt hàng chục tổ chức hội đoàn VN đã ưu ái để youtube về cuộn phim trên trang web của mình. Chỉ nội riêng 1 youtube trên trang web VIETVUNGVINH đã có đến 551,113 người (nội trong 6 tháng qua có thêm trên 400.000 người) vào xem .
 
Xin click xem :
 
 
Trong ý thức không cúi đầu chấp nhận làm nô lệ cho đế quốc Trung Cộng , cuốn phim đã tạo ra hàng loạt các cuộc Hội Luận, băng nhạc DVD và trang web đề cập đến đại họa mất nước này . 
 
 
0-TDDB-DaiHoaMatNuoc.jpg
 
                                                                                từng bước một, Trung Cộng đã & sẽ xâm chiếm VN
 
Đến nay có thể nói hầu hết mọi người dân VN từ trong và ngoài nước đều thấy rỏ đại họa mất nước đang xảy ra . Đáng kể nhứt lại có nhiều cuộc biểu tình chống Trung Cộng ngay tại quốc nội và họ đã cất tiếng ca bài hát Đáp Lời Sông Núi từ cuốn phim Đại Họa Mất Nước . Bất ngờ hơn hết , trong nội bộ đảng CSVN lần đầu tiên đã lên tiếng chính thức kết án Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền VN, điển hình gần đây với Luật biển Việt Nam .
 
TDDB7-HoiLuanDaiHoaMatNuoc.jpg
 
Tự Do Dân Bản hy vọng sẽ trở thành tờ báo của mổi gia đình Việt Nam với nội dung phong phú trên các lãnh vực đời sống & xã hội. Vì vậy luôn mong mỏi được cộng tác tích cực của mọi Độc giả & Thân hữu.
 
Thân ái
 
Nguyệt san Tự Do Dân Bản online
 
Nội dung trong số này :
 
1.-     Vài dòng về Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy
2.-     Phát biểu từ các nhân vật quốc tế
3.-     Phát biểu từ các nhân vật VN
4.-     Trần Nguyên: Tiểu Sử  & Tác Phẩm & Con Người Gs Nguyễn Ngọc Huy
5.-     PHỤC HƯNG: Hồn Thiêng Khi Đã Về Trời
6.-     Gs Nguyễn Ngọc Huy: QUỐC CA VIỆT NAM
7.-     Gs Nguyễn Ngọc Huy: Việc Mở Đất Nam Việt
8.-     Ts Nguyễn Văn Trần: Họ và Tên trên thế giới và ở Việt-Nam
9.-     Thái Bá Tân và dòng thơ đánh thức dân tộc VN
10.-   Bùi Tín: Về xác ướp của Lenin
11.-   Lâm Thế Nguyên: Khi chế độ độc tài chấm dứt...
12.-   Ts Nguyễn Thanh Giang: VỀ “PHONG TRÀO CON ĐƯỜNG VIỆT NAM”
13.-   Thư  Cho Con / Ðọc Lại Vài Bài Học Thầy Huy
14.-   Gởi các cô gái TNXP chặn biểu tình ngày 22-7-2012 tại Hà Nội
15.-   Ts Âu Dương Thệ: Con đỉa hai đầu tiền thế kỉ 21!
16.-   Truyện ngắn Nguyễn Thị Thanh Dương: ĐI THĂM NƯỚC MỸ
     
Vài dòng về Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy
 
0-TDDB-NguyenNgocHuy.jpg
 
Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy
 
Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy sinh ngày 2 tháng 11 năm 1924 tại Chơ Lớn, quê quán ở Tân Uyên Biên Hòa. Thuở nhỏ học tại Tân Uyên. Sau đó học ở trường Petrus Ký Saigon. Năm 1943, ông làm Thư ký Tòa Hành Chánh tỉnh Cần Thơ. Lúc còn trẻ, ông nuôi hoài bảo trở thành nhà thơ chuyên về loại thơ hùng tráng để ca tụng các danh nhân đã làm nên lịch sử, cũng như các công nghiệp lớn của dân tộc Việt Nam. Từ năm 1943-1945 ông đã sáng tác một số thơ loại này với bút hiệu là Đằng Phương như bài Anh Hùng Vô Danh, Dòng nước sông Hồng, Ngày tang Yên Báy, Chiến sĩ triều Trần, Lời sông núi… Đặc biệt, bài ANH HÙNG VÔ DANH đã được đăng vào Quốc Văn Giáo Khoa Thư để làm tài liệu giáo dục cho các thế hệ về sau.  Đầu năm 1945, ông gia nhập Đại Việt Quốc Dân Đảng để tranh đấu dành độc lập cho dân tộc Việt Nam. Từ năm 1946, ông về Saigòn làm việc trong Thư viện Quốc gia đồng thời được xứ bộ Nam Việt của Đại Việt Quốc Dân Đảng giao cho nhiệm vụ viết tài liệu chính trị cho đoàn thể cũng như biên tập cho các tờ Thanh Niên, Đuốc Việt. Các bài khảo cứu và chính trị của Ông được ký dưới bút hiệu Hùng Nguyên. Các bài trào phúng dưới bút hiệu Cuồng Nhân hay Ba Xạo. Các bài thơ với bút hiệu Việt Tâm.
 
Năm 1949, ông hoạt động toàn thời gian cho đoàn thể, làm huấn luyện viên chính trị cho Trường Cán Bộ Thanh Niên Nha Trang. Năm 1955, ông về Saigon dạy Quốc văn và Pháp văn ở Trường Trung học Lê Bá Cang. Năm 1955, ông được anh em trong đoàn thể chỉ định đi Pháp. Tại đây ông vẫn tiếp tục hoạt động chính trị và học thêm. Ông tốt nghiệp Viện Nghiên cứu chính trị Paris năm 1958, Cử nhân Luật khoa năm 1959, Cao Học Chính Trị năm 1960 và sau cùng là Tiến Sĩ Chính trị học tại Sorbonne năm 1963 với giải thưởng tối ưu hạng.
 
Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy trở về nước vào tháng 11 năm 1963. Sau cuộc chỉnh lý chính phủ Dương văn Minh ngày 30 tháng 1 năm 1963, Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn làm Phó Thủ Tướng đặc trách bình định, Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy là Đổng Lý văn phòng Phó Thủ Tướng. Khi Tướng Nguyễn Khánh tung ra Hiến chương Vũng Tàu với ý đồ thiết lập chế độ độc tài, Đại Việt Quốc Dân Đảng đã chống lại, nên GS Huy bị bắt buộc phải rời Việt Nam sống lưu vong ở Hồng Kông và Nhật. Khi Tướng Nguyễn Khánh trao quyền cho hai ông Phan Khắc Sửu và Trần văn Hương, GS Huy trở về nước để hoạt động với anh em và thành lập Đảng Tân Đại Việt.
 
Từ năm 1965, GS Huy vào làm Giáo sư ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và là giảng viên ở nhiều Viện Đại Học khác nhau như Viện Đại Học Đà Lạt, Huế, Cần Thơ, Vạn Hạnh, Minh Đức, Sư Phạm Saigon. Ông cũng là giảng viên các Trường Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp, Cao Đẳng Quốc Phòng, Đại Học Chiến Tranh Chính Trị.
 
Năm 1967, ông làm Khoa trưởng Đại Học Luật Khoa và Khoa Học Xã Hội tại Viện Đại Học Cần Thơ. Năm 1968, ông là thành viên của phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc hội đàm Paris. Năm 1969, nhận thấy miền Nam VN đã có một hiến pháp tương đối dân chủ, anh em Tân Đại Việt cùng một số nhân sĩ độc lập cũng như chiến sĩ quốc gia ở các Đảng phái khác, thành lập Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến. Giáo Sư Nguyễn Văn Bông là Chủ Tịch và Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy là Tổng Thư Ký. Năm 1973, ông là thành viên của phái đoàn VNCH tham dự Hội nghị La Cell Saint Cloud tại Pháp.
 
Quốc nạn 30-4-1975, GS Nguyễn Ngọc Huy phải sang tỵ nạn tại Hoa Kỳ, làm việc tại trường Đại Học Luật khoa Harvard.  Với lòng thương Dân Tộc, với ý chí quyết tâm tranh đấu cho một nước Việt Nam tự do, dân chủ và phú cường, ông đã cùng các anh em trong Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến và nhiều nhân sĩ độc lập khác hợp tác để thành lập Liên Minh Dân Chủ Việt Nam vào năm 1981 và GS được bầu vào chức vụ Chủ Tịch Ủy Ban Chấp Hành LMDCVN Trung Ương. Từ năm 1982, LMDCVN phát triển cơ sở khắp thế giới, ở những nơi có ngưòi Việt cư ngụ đông đảo như tại Hoa Kỳ, Âu Châu, Úc châu, và Gia Nã Đại.
 
Để tạo áp lực quốc tế yểm trợ cho công cuộc tranh đấu của người Việt quốc gia, GS Nguyễn Ngọc Huy đã đi từ Mỹ qua Âu châu, Úc châu, Gia Nã Đại để kêu gọi chánh khách ngoại quốc, dân biểu, nghị sĩ, tướng lãnh, báo giới… yêu chuộng lý tưởng tự do, giúp đỡ người Việt Nam dành lại tự do cho đất nước. Năm 1985, Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do (UBQTYTVNTD) chính thức đưa ra Bản Tuyên Ngôn đầu tiên để xác nhận sự ra đời của Ủy Ban này với trụ sở đặt tại Bỉ quốc. Vị Chủ Tịch đầu tiên của UBQTYTVNTD là dân biểu Nghị hội Âu châu- ông Paul Vankherkovan.
 
Song song với những cuộc vận động tranh đấu cho các nguyện vọng chánh đáng của dân tộc Việt Nam, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy còn là một học giả uyên bác. Ông đã viết, biên soạn, và dịch thuật nhiều tác phẩm nghiên cứu về chánh trị, luật pháp, sử liệu bằng các tiếng Việt, Anh, và Pháp. Một số tác phẩm tiêu biểu như:
- Dân Tộc Sinh Tồn, Chủ Nghĩa Quốc Gia Khoa Học.
- Lịch sử các học thuyết chính trị. Lịch sử tranh đấu cho Độc lập, tư do của dân tộc Việt Nam từ giữa thế kỷ thứ 19.
- Phê bình nhân vật trong Tam Quốc Chí, Tây Hán Chí, Đông Châu Liệt Quốc.
-Những hành động phạm pháp trong truyện Kiều xét theo luật pháp cổ Việt Nam và Trung Hoa.
- Lục Súc Tranh Công.
- Các ẩn số chánh trị trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung.
- Tập thơ Hồn Việt.
- Perestroika.
- Tái thiết cơ cấu hay Sự phục hận của chủ nghĩa Marx đối với chủ nghĩa Lenine.
- Quốc Triều Hình Luật.
- A New strategy to defend the Free Word against Communist Expansion.
 
Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy bị ung thư thanh quản vào năm 1982. Tuy vậy ông vẫn bất chấp lời cảnh cáo của các Bác sĩ vì nóng lòng lo cho đại cuộc.
 
Gánh nặng đường xa thân mỏi mệt,
Nhưng còn trách nhiệm vẫn còn đi ”
 
Với những cố gắng cuối cùng, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy tới Paris để cùng các chiến hữu duyệt lại kế hoạch cho Đại Hội lần thứ nhứt của LMDCVN tại Hòa Lan vào thượng tuần tháng 8 năm 1990.
 
Ngay sau khi máy bay từ Hoa Kỳ đáp xuống trạm đầu tiên tại Vương quốc Bỉ, người ta phải đưa Giáo Sư vào nhà thương cấp cứu vì ông bị ngất xỉu trên phi cơ. Sau khi tỉnh dậy, anh em đưa Giáo Sư về Paris. Thời gian trước ngày khai mạc Đại Hội một tuần, thay vì nằm dưỡng bịnh, Giáo Sư mời họp liên miên để cùng các cơ sở soạn thảo, sắp xếp chương trình làm sao cho Đại Hội được chu đáo.
 
Ba ngày trước khi Đại Hội thế giới khai mạc, Giáo sư đã gục ngã trong tay của trưởng nam Nguyễn Ngọc Quốc Thụy và các đồng chí chiến hữu của ông đang tề tụu về tham dự Đại Hội thế giới lần thứ nhứt LMDCVN.
 
Lúc đó là 9:30 tối ngày 28 tháng 7 năm 1990 tại Paris. Thật quả là:
 
“ Còn sống nửa giờ còn phụng sự,
Tàn hơi kiệt lực mới xuôi tay ”…
 
Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy mất đúng vào lúc công cuộc tranh đấu dành tự do và dân chủ cho nhân dân Việt Nam tiến vào một khúc quanh lịch sử đầy triển vọng, đúng vào lúc vai trò lãnh đạo của ông sáng tỏ và được công nhận rộng rãi trong hàng ngũ những người quốc gia. Niềm tiếc thương ngưỡng mộ ông không những của các đồng chí, chiến hữu của ông, mà còn là của nhân dân Việt Nam đối với một chiến sĩ quốc gia suốt cuộc đời tận tụy hy sinh, tranh đấu cho Đất Nước và Dân Tộc sớm thực sự có tự do, dân chủ và phú cường.
 
oooooooooo     00000     ooooooooooooooo     00000     oooooooooo
 
Phát biểu từ các nhân vật quốc tế
   
Dân biểu David Kilgour (Canada):
 
TDDB7-DavidKilgour.jpg
 
Hồi năm 1990, Dân biểu David Kilgour là Chủ Tịch Uỷ Ban Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do tại Canada, và ngày nay ông là Phó Chủ Tịch Quốc Hội Canada.
Nhân một buổi hội thảo của Uỷ Ban Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do tại Canada, dân biểu David Kilgour đã phát biểu như sau tại Castell Central, Library Theatre, Alberta, ngày 20/5/1989:
“Trước tiên, tôi xin chân thành cảm ơn quý vị đã dành cho tôi cơ hội được ngỏ lời cùng quý vị trong buổi hội thảo hôm nay, và một lần nữa, tôi xác nhận sự ủng hộ tích cực của tôi đối với UBQTYTVNTD.
Là một hội viên, tôi hậu thuẫn cho công cuộc vận động Uỷ Ban. Đó là đòi hỏi nhân quyền và sự tôn trọng các luật quốc tế, các hiệp định liên quan đến Việt Nam và cả Đông Nam Á.
… Cho đến nay, các nghị sĩ, dân biểu, nhân sĩ thuộc các quốc gia Bỉ, Cộng Hòa Liên Bang Đức, Pháp, Áo, Hy Lạp, Ý, Thụy Sĩ, Anh, Úc, Hoa Kỳ và Canada hưởng ứng tham gia với tư cách Hội viên Danh dự của Uỷ Ban càng ngày càng tăng. Một trong những hội viên danh dự của Uỷ Ban là Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, nguyên là giáo sư Đại học Luật khoa Havard, cũng hiện diện trong buổi hội thảo hôm nay. Giáo sư Huy rất xứng đáng là một “Gandhi Việt Nam” vì đã và đang đấu tranh không mệt mỏi cho Dân chủ, Tự do, Độc lập của Việt Nam hơn 40 năm nay.”
     (Báo Tự Do số 20, ngày 01/08/90)
 
 
Giáo sư Stephen Young:
 
TDDB7-StephenYoung.jpg
 
“Giáo sư Stephen Yuong, cựu Khoa Trưởng Đại Học Luật Khoa Hamline tại Minesota, đã lên phát biểu cảm tưởng. Bằng một giọng chân thành và cảm xúc, Giáo sư Young – nói rất thông thạo tiếng Việt – cho đồng bào biết sự kính nể của ông đối với một người đã hy sinh cho Tổ quốc, cho tự do của dân tộc. Giáo sư Young đã từng coi cố GS. Nguyễn Ngọc Huy không những chỉ là một người bạn đồng chí hướng mà còn là một bậc Thầy khả kính.”
(Trích tường thuật buổi lễ truy điệu Cố GS. Nguyễn Ngọc Huy tại Hoa Thịnh Đốn ngày 16/9/90 của Tuần Báo Thuận An, phát hành tại Hoa Thịnh Đốn, tháng 9/90).
Trong buổi lễ tường niễm GS Huy tại Nam California ngày 9/9/90, GS. Stephen Young đã khẳng định trong bài khóc bạn: “Tôi phải kết luận GS. Nguyên Ngọc Huy là một trong những chính trị gia và tư tưởng gia sáng tạo và đóng góp nhiều nhứt của người Quốc gia Việt Nam.”
    (Báo Tự Do Dân Bản bộ cũ số 56, tháng 11/90, trang 31)
 
     House of Representatives State of Washington (Olympia August 24, 1990)
     John L.O’Brien- Speaker Pro Tempore:
       …”I had the pleasure of knowing Dr.Huy and enjoyed very much our conversations. Dr.Huy   served the Republic of South Vietnam in many important roles, and certainly had a  distinguished career in law and international affairs…Dr.Huy lived a good and very rewarding life”.
     John L.O’Brien-Phó Chủ tịch Lâm thời Quốc Hội tiểu bang Washington:
    ”Tôi rất hân hạnh được biết Tiến sĩ Huy và rất thích thú những khi có dịp nói chuyện
     với Ông.
  Ông đã phục vụ trong chính quyền miền Nam Việt Nam qua nhiều vai trò quan trọng. Ông có một sự nghiệp nổi bật về luật pháp và các vấn đề qưốc tế…Ông đã sống một cuộc đời hữu ích thật tuyệt vời.
 
Ken Eikeinberry-Attoney General of Washington:
…”Dr.Huy’s death is a great loss to the Vietnamese American community. He was a very distinguished member of the law and education communities in the United States and orther countries, and will be greatly missed.”
Ken Eikeinberry-Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp tiểu bang Washington:
…” Sự ra đi của Tiến sỉ Huy là một mất mát lớn cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Ông là một nhân vật nổi bật trong giới luật pháp và giáo dục tại Hoa Kỳ cũng như tại các quốc gia khác. Ông sẽ được người đời nhớ đến mãi mãi.
 
Brian Boyle- Commissioner of Public Lands:
…” My symparthy goes out to the Vietnamese Community in Seattle in their loss of a friend, an advocate, and a scholar. Dr.Huy’s career in his homeland contributed a significantly to a greater understanding and deeper friendship between the peoples of Vietnam and the United States.”
Brian Boyle -Bộ trưởng Quản thủ đất đai công cộng:
…”Tôi xin bày tỏ niềm xúc động của tôi đối với cộng đồng người Việt tại Seattle về sự ra đi của một người bạn, một nhà hoạt động có chủ trương, và cũng là một học giả. Chính sự nghiệp của ông ngay tại quê hương ông đã làm cho tình bạn giữa 2 dân tộc Việt Nam và Hoa Kỳ đầy ý nghĩa và sâu đậm hơn.”
 
Cherry Chow – Seattle City Counsil:
…”The passing of Dr.Huy is a great loss to the community and his leadership and influence will be missed…”
Cherry Chow - Hội Đồng Thành Phố Seattle:
…”Sự ra đi của Tiến sĩ Huy là một mất mát lớn lao cho cộng đồng, và mọi người sẽ tưởng nhớ đến tài lãnh đạo cũng như uy thế của ông.”
 
             
Phát biểu từ các nhân vật VN
 
 
Cụ Trần Văn Ân (Pháp):
 
Cụ Trần Văn Ân đã gần 90 tuổi, trên bàn thờ những người bạn chiến đấu với cụ đã quá cố như Hồ Văn Ngà, Nguyễn Văn Sâm, Tạ Thu Thâu, sau ngày GS. Huy mất, cụ ghi thêm một tên mới: Chí sĩ Nguyễn Ngọc Huy, mất ngày 28/7/1990 tại vùng Paris.
Khi hay tin GS. Huy từ trần, cụ Văn Lang Trần Văn Ân đã viết hai câu đối tặng người khuất bóng như sau:
 
Vì nước vì dân đời tận tụy,
Không danh không lợi chí thanh cao.
 
Nhân ngày giỗ đầu tiên (1991) của GS. Huy, cụ Ân đã viết như sau:
“Ân tôi tưởng niệm chí sĩ Nguyễn Ngọc Huy. Tưởng niệm người quá cố là nhớ lại, là ghi lại những gì phải nhớ, phải ghi mà người quá cố đã diễn giảng, đã viết ra, những gì ta lấy làm bài học cho Nay và Mai.
Trước hết, phải nói Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đã tận tụy vì nước, vì dân và tận lực tuyên dương học thuyết Dân Chủ. Với bao nhiêu sách vừa khảo cứu vừa sáng tác của giáo sư, ta có thể gom trong câu:
Phục vụ Tổ quốc
Khai thác và Giảng giải Dân Chủ
Tôi cho là đủ. Có thể hơn đủ.
Giáo sư đã thành người thiên cổ, Những gì ông viết còn ở bên ta và sẽ còn cho con cháu ta. Tôi xin không tóm lược nơi đây những dòng tư tưởng bất hủ của bạn về chính trị và văn hóa.”
(Nguyễn Văn Trần, “Thiên hạ ai người chẳng nhớ anh”, Di cảo 5 Nguyễn Ngọc Huy, trang 185, Mekong Tỵ Nạn Xuất bản, 1994, California, USA)
 
Cựu Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc
…Thế rồi ngày đen tối 30 tháng Tư 1975 đã tới, khiến cho chúng tôi mỗi người sống lưu vong một nơi, Nguyễn Ngọc Huy ở Hoa Kỳ, còn tôi ở Pháp. Tuy vậy, tình bạn củ vẫn không thay đổi và những khi có dịp ghé Paris trên đường công tác, anh Huy thường ghé lại văn phòng tôi để thăm hỏi hàn huyên. Có khi anh thuật lại cho tôi hay những tiến triển trong cuộc vận động của anh trên thế giới; có khi anh đem lại biếu tôi những tác phẩm mà anh đã viết, từ những khảo luận về lịch sử và luật pháp đến những phiếm luận về triết lý chính trị của Kim Dung. Trong những buổi gặp lại ấy, thường được kết thúc ở một tiệm ăn Việt hay Tàu, Nguyễn Ngọc Huy lúc nào cũng tỏ ra tích cực và lạc quan: anh không ngần ngại tiên đoán một ngày về không xa trong danh dự, tự do và dân chủ…
Nguyễn Ngọc Huy và tôi không sinh ra ở cùng một miền đất, không học với nhau chung một thầy, không làm cùng một nghề mà cũng không hoạt động cùng một tổ chức. Tất cả những khác biệt ấy đã không ngăn cấm chúng tôi duy trì tình bạn trong thời gian hơn ba chục năm, qua bao nhiêu đổi thay của lịch sử và thăng trầm của kiếp người…
 
Hội Cựu Sinh Viên Viện Đại Học Đà Lạt
“Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy – một nhà thơ – một nhà văn – một nhà mộ phạm – một chính trị gia và cũng là một nhà cách mạng. Cả đời thầy đã đem thân thể để gắn liền với quê hương, đả đem tâm hồn để chí tình đun rèn cho hậu bối…”Sống bình dị, chết thanh khiết”, sự ra đi của thầy là một mất mát quá to lớn để thiên cổ ngậm ngùi!”
(Trích Phân ưu đang trên báo Phố Nhỏ số 105, ngày 03/08/90. phát hành tại Hoa Thịnh Đốn)
 
Điếu văn của ký giả Long Quân.
 
Hỡi ôi!
Trời Tây mây phủ giăng sầu,
Đất Mỹ bào trùm gió thảm,
Đã biết Sanh là Ký, Tử là Qui. Lại có câu Tử sanh hữu mạng, những ai còn ở thế, còn mang xáx trần gặp cơn vĩnh biệt ngàn năm, sao cho khỏi bồi hồi trong dạ, vừa thấy đó bỗng đâu mất đó, hình bóng còn đây mà người hãy về đâu?
Nhớ lính xưa,
Tính chất hiền lương, ôn hòa mềm dịu, giúp đoàn em vẹn nghĩa núi sông,
Tình dân tộc, Lý tưởng thanh cao, cả đời truyền tụng!
Trí thông minh còn rọi dấu thơ hương,
Mượn lời thơ qua nét bút Đằng Phương:
Ngợi ca gương tranh đấu tiền nhân, xây dựng nước, thanh sử còn lưu truyền hậu thế!
Mấy mươi năm xuôi ngược miền hoạn lộ, đủ kinh bang xây dựng quê hương,
Trọn một đời tranh đấu khắp bốn phương, dư tế thế giang san dân tộc.
Ôi hay! Núi sông Tiên Rồng còn đó!
Nhơn dân nhà cửu điêu linh!
Cơ đồ Đại Việt còn đây,
Liên Minh Dân Chủ còn đó không ngừng tranh đấu.
Than ôi,
Mây buồn giăng khắp nẻo,
Gió thảm quyện từng cơn,
Những tường tuổi anh còn hương thọ,
Nào hay đâu sớm vội về Tiên,
Để chiến hữu bơ vơ chiu chít.
Ôi, Bát Nhã thuyền chờ – Bồng Lai cảnh đợi !
Thảm là thảm hơn bốn mươi năm lo việc nước,
Bỏ ngủ, quên ăn, khiến bệnh tật phát sanh.
Thương là thương, sáu mươi bảy tuổi già,
Tóc đã bạc mà tấm lòng không mõiï.
Từ đây, trong đoàn thể vắng anh, nhưng bước đường tranh đấu nguyện xin có tay anh dìu dắt, chiếc thuyền nan thuận gió lướt giòng khơi, cuộc tranh đấu phải đến ngày thắng lợi…
Giờ đây,
Mây phủ trăng mờ, sao sa đêm tối,
Làng Mỹ Lộc, tỉng Biên Hòa, “Anh Ba” về chốn cũ
Giấc chiêm bao! Vắng bóng ngàn năm !
Chốn hồng trần, chiến hữu còn đây,
Sầu ly biệt chia lòng trăm mối.
Đường tranh đấu xin “Anh Ba” chỉ lối,
Dìu đàn em vững bước trọn niềm tin,
Dành thắng lợi, đem Tự Do về quê cũ,
Thật trước cảnh này, âm dương lưỡng lộ, liên tục đôi đàng,
Não nùng thay chiến hữu thở than, thống thiết bấy Cộng đồng tang chế!
Người tuy mất, nhưng phương danh không mất.
Xác dù tan, nhưng chí cả không tan!
Thôi, thôi!!!
Nguyệt khuuyết hoa tàn,
Mây trôi bèo dạt,
Trên Tiên giới anh vui cùng gió mát
Dưới phàm trần chiến hữu thọ tâm cang
Xin hộ trì chi đại cuộc thành công
Sớm đem lại ngày vui cho dân tộc Việt!
 
Hỡi ôi, thương thay! Tiếc thay!
Hiển linh chứng chiếu.
 
Long Quân kính điếu
(Báo Thời Báo số 305, ngày 25/8/90 phát hành tại Bắc California).
 
Ký giả Lô Răng (Úc châu):
“… Đề tài thảo luận của Trường Cao Đẳng Quốc Phòng không hoàn toàn lý thuyết mà rất cần đến kinh nghiệm thực tiễn. Cuộc bàn cãi nhiều khi rất sôi nổi giữa những đại ta già đời, giữa những vị giám đốc dân sự lão luyện. Có khi thảo luận căng thẳng giữa học viên và giáo sư thỉnh giảng. Trong những cuộc thảo luận này, mới thấy nổi bật lên khả năng thuyết phục đặc biệt của giáo sư Huy. Ông thuyết phục người khác không đơn thuần bằng lý lẽ mà bằng những ví dụ gần gũi mà sinh động, bằng cách nói ôn tồn, ấm áp, bằng trái tim bao dung và độ lượng của ông. Có nhiều vị thông minh tài giỏi, nhưng ta chỉ dám đứng xa mà cảm phục, còn GS. Huy, ông vừa khiến ta trọng nể về trí thức, vừa khiến ta muốn gần gũi về đức độ. Ông là tiến sĩ ở Paris, thủ đô văn hóa Tây phương, nhưng cách ứng xử của ông lại mang dáng vẻ nhà nho Đông phương thuần túy… Ông là một người quốc sĩ.
… Sau 10 năm cải tạo tôi được thả về. Nhà cửa ở thành phố đã bị tịch thu. Tôi và vợ con sống như cây cỏ trong một khi vườn thôn dã, trồng rau hái trái mà ăn. Thỉnh thoảng một vài người bạn thân, đi xe đò lên thăm viếng. Tôi có một mái lều cỏ bên gốc mít, trong vườn. Một hôm vào khoảng giữa năm 90, bạn già L.G, người viết sử lên thăm. Bàn già bữa nay nghiêm trọng trầm mặc, cứ nhìn mãi dòng nước chảy mà không nói năng gì. Lát sau mới nói trong hơi thở “Hùng Nguyên Nguyễn Ngọc Huy đã mất rồi”. Tôi nghe hụt hẫng trong người. Có lẽ trong số những mất mát của người quốc gia ở nước ngoài, mất mát này là to lớn nhất.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đã đi rồi. Như cách hạc vàng bay mất!
“Hạc vàng bay mất từ xưa,
Ngìn năm mây trắng bây giờ còn đâu.”
Mây trắng như một giải khăn tang, nghìn năm thương nhớ người quốc sĩ.
(báo Ngày Nay số 303, ngày 15/8/94) (Ký giả Lô Răng tức nhà văn Phan Lạc Phúc)
 
Giáo sư Nguyễn Toản (Viêt Nam Quốc Dân Đảng Úc Châu)
“… Trên đường chống độc tài, quân phiệt, tôi hân hạnh gặp gỡ giáo sư Nguyễn Ngọc Huy. Tuy gần gũi nhau quá ngắn ngủi và cách đây 24 năm mà tôi vẫn chưa quên được hình dáng của một người hiền hòa, vui tính nhưng dũng cảm, cương quyết, thông minh, linh hoạt nhưng từ tốn, nhã nhặn.
Ông Ngọc Huy là một chiến sĩ cách mạng đã hăng hái đấu tranh vì độc lập của tổ quốc, vì tự do của đồng bào. Suốt đời ông đã hy sinh cho lý tưởng chung cao đẹp. Ông là một vị Thầy khả kính, tận tụy với chức nghiệp của mình, đã hết lòng hướng dẫn lớp người sau. Chẳng những là một chiến sĩ cách mạng, một nhà giáo gương mẫu, mà ông còn là một thi sĩ dạt dào tình cảm và yêu đời. Cố GS. Nguyễn Ngọc Huy đã để lại cho chúng ta, ngoài những tài liệu nghiên cứu có giá trị viết bằng Anh ngữ và Pháp ngữ, ông còn để lại tập thơ Hồn Việt với bút hiệu Đằng Phương.
Đọc tập thơ Hồn Việt ta như thấy rõ cuộc đời đấu tranh của Người và biết rõ tâm sự của Đằng Phương, một kẻ luôn băn khoăn vì nỗi nước… Thật vậy, ông Nguyễn Ngọc Huy đã không rời đường cách mạng, đã không quên được lý tưởng cao đẹp của mình và suốt đời ông ông đã đặt nghĩa nước trên tình nhà. Khi thuật lại Ngày Tang Yên Báy, ngày 13 liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng lên đoạn đầu đài trả nợ cho Tổ quốc, ngày những người con yêu nước Việt ngạo nghễ xem thường cái chết, thi sĩ Đằng Phương đã viết:
Đã là kẻ dấn thân đền nợ nước
Tình thân yêu quyến thuộc phải xem thường
Éo le thay muốn phụng sự quê hương
Phải dẫm nát bao lòng mình kính mến
(Ngày Tang Yên Báy)
Quả thế, người làm cách mạng phải là những con người giàu tình cảm. Vì thế không yêu được Tổ quốc, quê hương, không yêu được đồng bào, nòi giống thì làm sao có được sự hy sinh cho lý tường cách mạng. Những con người ấy đã cố quên đi những tình cảm riêng tây để dấn thân chi đại nghĩa.
… Người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Ngọc Huy còn hô lớn:
Hãy qùi xuống ! Hởi ai người tráng liệt
Cúi nhận phần lửa tiết thiêng liêng
Của tiền nhơn từng thế hệ lưu truyền
Nung dòng máu giống Tiên Rồng mãi nóng !
(Anh Hùng Đất Việt)
Thời gian không đợi chờ chúng ta. Lịch sử đang thúc giục chúng ta. Nào chúng ta, những đồng chí, những chiến hữu của Người, có nghe chăng lời thiết tha nhắn nhủ đó? Hãy làm gì để chứng tỏ được mối cảm thông này? Hãy làm gì để khỏi thẹn với linh hồn người quá cố?”
(Nguyễn Toản, Diễn văn đọc trong lễ giỗ lần thứ 4 GS. Nguyễn Ngọc Huy tại Melbourne, ngày 31/7/94)
 
Hòa thương Thích Giác Nhiên:
Trong lần giỗ thứ nhì GS. Nguyễn Ngọc Huy vào năm 1992 tại chùa Ngọc Sơn, thành phố Portland, tiểu bang Oregon, Hoa Kỳ, Hòa thượng Thích Giác Nhiên khi thuyết giảng về sự sống chết liên quan đến sự ra đi của giáo sư Huy, đã nói: “Giáo sư Huy chết mà không chết!”, và Hòa thượng đã giải thích thêm:
“Giáo sư Huy tuy mất nhưng ông còn để lại tiếng thơm muôn thuở, để lại con đường chánh đạo tranh đấu cho Tự do, Công bình cho Nhân loại; Giáo sư Huy để lại những công trình biên khảo trên sách vở, trên lý thuyết của ông; ông còn để lại con đường đã vạch sẵn để người đi sau tiếp nối hoàn thành.”
(Di cảo 4 GS. Nguyễn Ngọc Huy, trang 135, Mekong Tỵ Nạn xuất bản 1996, California, USA)
 
Luật sư Phạm Nam Sách, Cựu Nghị sĩ VNCH trước 1975:
“… Năm 1950, mới hồi cư về Nam Định, tôi đã đọc say mê từng bài thơ yêu nước ký tên Đằng Phương, đặc biệt nhất là bài về Ngày Tang Yên Báy “… Mười ba người liệt sĩ Việt hiên ngang, thong thả tiến đến trước đài danh dự. Trong quần chúng đứng cuối đầu ủ rũ…” Nỗi vui của tôi biết lấy gì cân khi biết Đằng Phương chính là anh, ồ, anh, chắc ngày viết bài thơ ấy anh đang học ở Hà Nội. Phải có tâm hồn yêu nước trong sáng, chân thành và tuyệt đối như thế nào người ta mới viết được những câu thơ làm rung động lòng người. Anh chính là một trong những nhà thơ yêu nước dưới bút hiệu Đằng Phương. Hồn Nước đã hun đúc anh, tạo nên con người tuấn kiệt, đấu tranh không biêt mệt mỏi cho ngày mai. Lòng dân đã thúc đẩy anh đi lên và đi mãi. Cuộc hành trình của chúng ta chỉ ngưng lại khi sức cùng lực kiệt. Và anh đã ngưng cuộc hành trình vì sức anh đã cùng vì lực anh đã kiệt. Ở tọi, vẫn là “…Suối Tuôn Dòng Lệ…”
(Trích bài “Suối tuôn dòng lệ” đăng trên nhiều báo ở Hoa Kỳ trong tháng 9 và 10 năm 1990)
 
Nguyễn Đại Thắng, nhân sĩ lão thành
...Ông đã tập hợp đồng chí và một số tri thức thành lập LMDCVN, nhằm mục đích kết hợp những phần tử Quốc gia yêu nước để tiếp tục cuộc chiến chính trị chống Cộng Sản độc tài độc đảng trong nước. Và rồi “Một mình một ngựa”, ông lại bôn ba khắp năm châu bốn biển, tiếp xúc vận động các chính khách quốc tế, các nhà trí thức, nghị sĩ, dân biểu các nước tự do để thành lập “Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do”.
Nói tóm lại, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy là một nhà Ái Quốc, một nhân tài của đất nước Việt Nam, một chí sĩ cách mạng quốc gia chân chánh và bất khuất. Ông là một nhân vật đầy lòng hy sinh và quả cảm, luôn luôn đặt Tổ Quốc lên trên cả gia đình và bản thân.
… Tuy nay ông không còn, nhưng ý chí sắt đá suốt đời lãnh chịu gian nan vì một lý tưởng cao cả nhằm phục vụ Tổ Quốc và dân tộc Việt Nam của ông là một tấm gương vô cùng sáng chói, chẳng những cho đoàn hậu tấn mà đồng thời còn là một khích lệ cho những người đã được hân hạnh quen biết ông. Chắc chắn mọi người Việt Nam bất luận niên kỷ, có hằng tâm đối với Tổ Quốc và dân tộc cũng sẽ nhìn vào tấm gương kiên trì bất khuất của ông mà tiếp tục “chiến đấu đến hơi thở cuối cùng” cho quê hương đất nước như ông đã làm.
Đại danh của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy chắc chắn sẽ được liệt kê vào lịch sử Việt Nam bên cạnh những vị anh hùng và những nhà chí sĩ đã dâng hiến trọn cuộc đời cho Tổ Quốc Việt Nam và sẽ được “khắc ghi vào bia đá” để đời sau con cháu mãi tôn vinh.
 
Chu Tất Tiến, Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh
 
Anh Hùng Ca.
 
Người nằm xuống
Tưởng như đã qua.
Người đi xa
Tưởng chừng như mất
Nhưng với thầy
Chỉ nỗi đau là hiện thực
Chuyện cách chia mang tính chất bất ngờ
Những thiên hùng ca đâu có cũ bao giờ
Những trang sử hiển hách hiện sách lòa trước mắt.
Thầy dù đi
Dù ở lại
Dù xa khuất
Thầy vẫn là thầy- Một Hùng Khí Việt Nam
Một bó đuốc cao - Hay tiếng gọi vang âm
Một chí khí đấu tranh, miệt mài cho tổ quốc
Thầy mở đường cho người tiếp bước…
Phải Thầy là Gandhi tái sinh?
Hay Nguyễn Trãi đang đăng trình?
Hoặc Nguyễn Thái Học dỡ dang cơ nghiệp lớn?
Ôi Việt Nam đang chuyển mình đau đớn
Đang chờ ngày phục hận – ngày N
Lại phải chia tay một chiến tướng thân quen
Phải nhỏ lệ
Trước khi nhấp rượu mừng chiến thắng
Và chúng con
Đã từng say sưa nghe Thầy giảng
Lại nghiêng mình, tê tái, tiễn thầy đi!
Nhưng tử sinh là chuyện bất kỳ
Còn ý chí
Tinh thần
Trường cữu
Lời Thầy dạy
Ngày xưa
Hôm nay
Vẫn là lời hiệu triệu
Để anh em chung một mái nhà
Chung giòng máu quật cường, chung một lời Cha
Thề diệt Cộng cho nước nhà yên ấm
Xin Thầy nghỉ yên, nơi những anh hùng viên mãn
Nơi Mẹ Việt Nam tay mở rộng đón chào
Hùng Nguyên – Hùng Nguyên- Lồng Lộng chí cao
(California 1990)
 
Đáp từ của Nguyễn Ngọc Thúy Tần (Ái nữ của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy) trong buổi lễ truy điệu Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy tại Hoa Thịnh Đốn ngày 16 tháng 9 năm 1990.
 
Chúng tôi tin tưởng rằng Ba có mặt ở đây với chúng ta ngày hôm nay và rất cảm động về sự hiện diện của quý vị đã đến cầu nguyện cho Huơng Linh của Ba được siêu thoát về thế giới an lành cực lạc.
Chúng tôi thương tiếc là Ba không sống được thêm một vài năm nữa để thấy được ngày vinh quan của Tổ Quốc. Nhưng Ba đã tranh đấu hết sức của Ba. Đến mấy ngày chót mà nghị lực của Ba vẫn còn mạnh mẽ, trí óc của Ba vẫn còn sáng suốt. Nhưng than ôi! Thân thể của Ba khí cùn lực kiệt nên đành phải ra đi:
Lúc hết hơi mới biết đến mạng Trời
Và nhắm mắt mới đành thôi hoạt động
Như chính Ba đã nói trong bài thơ Quyết Sống.
Nhưng biết tánh của Ba lúc Ba còn sống, chúng tôi cũng nghĩ rằng bên kia thế giới, nếu đã có cách nào thì Ba sẽ hoạt động mạnh mẽ để thuyết phục các quyền lực thiêng liêng ủng hộ cuộc tranh đấu của chúng ta sớm đem lại độc lập, tự do, dân chủ thực sự cho Tổ Quốc Việt.
Ba sẽ phù hộ cho các bác, các cô, các chú, và các anh chị em chiến hữu cũng như tất cả những người thành thật yêu nước. Đồng thời chúng tôi tin tưởng rằng Ba sẽ hướng dẫ đến cuộc chiến thắng vinh quang cho những người ái quốc đã biết đặt quyền lợi quốc gia trê quyền lợi riêng tư của mình.
Riêng chúng tôi thì đã mất mẹ, mất em, và bây giờ mất Ba, là một mối đau buồn lớn lao và thấm thía. Nhưng trong lòng của, hình ảnh của Ba, MẹÏ và Em không bao giờ mất. Họ sẽ sống mãi mai, gần gũi chúng tôi và hướng dẫn chúng tôi trong cuộc sống hằng ngày. Đó là Lý tưởng, là Đức độ khiêm cung. Tận tụy huy sinh phục vụ cho Quốc Gia Dân Tộc.
(Báo Tự Do Dân Bản bộ cũ số 55, tháng 10/90)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét