Duy Minh
(NguoiViet.de) Tiến
sỹ Mai Hồng nguyên là Trưởng phòng Tư liệu thư viện của Viện Hán Nôm,
hiện ông đang là Giám đốc trung tâm nghiên cứu và ứng dụng phả học Việt
Nam. Hơn 30 năm gắn bó với công tác lưu trữ, Tiến sỹ Mai Hồng đã sưu tập
được rất nhiều tư liệu quý và có giá trị lịch sử cũng như giá trị thực
tiễn cao. Trong số này, ông đặc biệt chú ý tới một bức bản đồ cổ có tên
gọi “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” có xuất xứ từ Trung Quốc…
“Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (Toàn bộ bản đồ địa lý của đất nước) xuất bản tại Thượng Hải năm 1905
“Hoàng triều trực tỉnh địa
dư toàn đồ” (Toàn bộ bản đồ địa lý của đất nước) là tập bản đồ Trung
Quốc xuất bản tại Thượng Hải năm 1905 và tái bản năm 1910. Đây là một
trong những tập bản đồ Trung Quốc được vẽ và ấn hành vào cuối triều
Thanh, phản ánh nhận thức đương thời của người Trung Quốc, quan chức,
học giả đối với cương giới, lãnh thổ Trung Quốc thời điểm đó.
Điều đáng chú ý là: Trên
bản đồ toàn quốc và bản đồ tỉnh Quảng Đông chỉ vẽ đến đảo Hải Nam. Đảo
Hải Nam trên bản đồ là điểm cực Nam lãnh thổ Trung Quốc và bản đồ tỉnh
Quảng Đông, chứng minh các quần đảo ở Biển Đông nằm ngoài lãnh thổ Trung
Quốc.
Tấm “Hoàng triều trực tỉnh
địa dư toàn đồ” được in màu khá đẹp gồm 35 miếng ghép bằng giấy bồi dán
trên mặt vải bố, trong đó mỗi miếng ghép có kích cỡ khoảng 20x30cm. Nói
về cơ duyên có được tấm bản đồ này, Tiến sỹ Mai Hồng cho biết: “Khoảng
thời gian cuối những năm 1970 thế kỷ trước, lúc này đang công tác tại
Viện Hán Nôm và được cố Giáo sư Phạm Huy Thông giao cho việc trông coi
kho sách cổ, trong một lần có một cụ ông ở Phú Xuyên (Hà Tây cũ) gánh
sách lên bán cho Viện, trong hành trang cá nhân của ông có đem theo tập
“Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”, biết tôi là người yêu thích sưu
tập các văn tự cổ, ông lão đã bán tấm địa đồ này cho tôi…”. Sau khi có
được tấm bản đồ
ông
Hồng đã cất giữ trong kho tư liệu của mình. Đến năm 2002, ông Hồng về
hưu và cũng dần quên mất sự có mặt của tấm bàn đồ. Tình cờ trong một lần
gần đây sắp xếp lại kho tư liệu ông mới tìm lại được tấm bản đồ quý
này.
Phía trên của “Hoàng triều
trực tỉnh địa dư toàn đồ” có một văn bản bằng Hán tự cổ có nội dung đại ý
rằng từ đời xưa người Hán đã có các tấm bản đồ nhưng không được rõ
ràng, chính xác và không rõ ngọn nguồn. Đến đời Khang Hy thứ 47 Thánh tổ
nhân hoàng đế đã sai phái 2 giáo sỹ người nước ngoài làm ra tấm “Vạn lý
thành đồ” trong vòng hơn 1 năm. Sau khi các tỉnh đã duyệt quy mô như đã
định trên bản đồ, đến năm Tân Mão đời Khang Hy thứ 50 các giáo sỹ đã
tập trung ở Kinh đô cùng nhau vẽ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”
gồm 13 tỉnh của Trung Quốc, trong đó có nói rõ “Chỗ nào bị tàn khuyết
thì bổ sung, chỗ nào nhầm lẫn thì sửa lại cho đúng, khiến cho nó được rõ
ràng như
trong lòng bàn tay…”.
Nếu nhìn vào “Hoàng triều
trực tỉnh địa dư toàn đồ” có thể thấy đại đồ thể hiện cương vực Trung
Quốc xưa (có giá trị như bản đồ hành chính Trung Quốc ngày nay), đó là
cơ sở pháp lý để xác định chủ quyền cương vực quốc gia. Song trên tấm
“Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” điểm cực Nam của Trung Quốc chỉ
dừng lại ở địa giới của đảo Hải Nam ngày nay mà không hề có sự xuất hiện
các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở Biển Đông.
Ngược về quá khứ, có
thể thấy Trung Quốc là nơi có truyền thống lâu đời về sử học nói chung
và địa đồ nói riêng. Với những tấm địa đồ vẽ những địa phương nhỏ đã
xuất hiện và có niên đại từ rất sớm (năm 229 trước Công nguyên phát hiện
7 bức Bãi thả ngựa sông Thiên Thủy có niên đại thời Chiến Quốc). Song
địa đồ được xem là thể hiện cương vực quốc gia hoàn chỉnh sớm nhất xuất
hiện vào năm 1121 (đời Tống) và được khắc trên đá có tên gọi Cử vực thú
lệnh đồ. Giới hạn cương vực nhà Tống trong Cửu vực thú lệnh đồ về phía
Nam đến Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam ngày nay). Theo các nhà nghiên cứu,
các địa đồ sau này trải qua các đời Nguyên, Minh như Quảng dư đồ (hoàn
thành năm
1541, khắc in năm 1555), Hoàng triều chức phương địa đồ (khắc in năm
1636)… là những địa đồ hành chính
toàn quốc, được thực hiện theo chủ trương của chính quyền Trung ương các
đời. Những địa đồ này thực hiện dưới sự ảnh hưởng của kỹ thuật vẽ địa
đồ phương Tây, tuy nhiên điểm cực Nam của Trung Quốc trong cương vực
tổng thể vẫn không vượt quá Quỳnh Châu.
Theo Nhà nghiên cứu Nguyễn
Quang Hà thuộc Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa, Thành cổ Hà Nội,
“Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” được ấn hành vào năm 1905 và tái
bản năm 1910. Trước đó trên các bản đồ của Việt Nam như Hồng Đức bản đồ,
trong các ghi chép của Lê Quý Đôn trong “Phủ biên tạp lục”…chủ quyền đã
thuộc về Việt Nam. Điều này đã được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, luật
pháp chứng minh. Trao đổi với chúng tôi, Tiến sỹ Mai Hồng cho biết, tấm
“Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” là tấm bản đồ do người Trung Quốc
xây dựng và ấn hành thời gian đầu thế kỷ XX, do vậy bên cạnh giá trị về
mặt lịch sử nó còn là cơ sở giúp các học giả Việt Nam trong các nghiên
cứu chủ
quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa hoặc các nghiên cứu chung về Biển
Đông. Vì vậy ông sẵn sàng hiến tặng tài liệu quý này cho các cơ quan
chức năng có trách nhiệm để phục vụ vào mục đích chung.
D. M.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét