Ngô Nhân Dụng
Trong số
những người đi biểu tình chống Trung Cộng vào Chủ Nhật vừa qua, các bản
tin và hình ảnh cho thấy rất nhiều người là viên Cộng Sản, một số vị là
những nhân vật nổi tiếng.
Chúng ta rất kính trọng thái độ và hành động đó, vì họ can
đảm công khai bày tỏ ý kiến ngược lại với những người cầm đầu đảng. Nhưng
chúng ta không khỏi ngạc nhiên tự hỏi, tại sao cho đến giờ phút này quý vị
đó vẫn còn là đảng viên?
Trong đảng Cộng Sản Việt Nam hiện có không biết bao nhiêu
người đang chán ghét đảng, có người còn căm hờn đảng đã đánh lừa mình suốt
một cuộc đời. Nhưng họ không thể dứt khoát từ bỏ đảng. Không ai nghiên cứu
để biết được chính xác, nhưng tỷ số đảng viên cộng sản vừa chán vừa thù
đảng; nhưng có thể rất nhiều, trên một nửa, hoặc cao hơn. Nhiều người đã
phản đối thụ động bằng cách ngưng sinh hoạt. Và chờ đợi. Ở bên Nga, bên
Ðông Âu hồi xưa cũng vậy. Người ta chán nhưng chưa quyết định từ bỏ vì
không biết tương lai đảng còn ngồi trên đầu mình bao lâu.
Vì tâm lý chán ghét và thờ ơ chờ đợi tràn lan cho nên các
đảng Cộng Sản Nga và Ðông Âu tan rã rất nhanh. Chỉ cần nghe một tin “bức
tường Berlin sập đổ rồi” ở Ðông Ðức, hoặc “cuộc đảo chính chiếm tòa nhà
trắng thất bại” ở Nga; hoặc nghe tin “Ceaucesscu bị xử bắn,” ở Rumanie,
nghe tin “đảng đã hết thời” ở Hungary, ở Ba Lan, là hàng triệu đảng viên
thở phào nhẹ nhõm, trút được một gánh nặng trong đầu, trong tim họ. Họ
không còn phải đóng vai đồng lõa với bọn cường quyền vừa nhơ bẩn vừa bất
lực, qua vai trò đảng viên vô vị, vô quyền của mình nữa.
Nhưng ở Việt Nam chúng ta chưa thấy triển vọng một biến cố
nào giống như vụ tường Berlin hay cuộc đảo chánh ở Maskva. Chế độ Cộng Sản
ở Bắc Kinh và Hà Nội đã rút được kinh nghiệm của các đàn anh bên Âu Châu.
Họ sẽ không để cho những biến cố như vậy diễn ra. Cho nên không hy vọng có
một cuộc thay đổi lớn lao bất ngờ như ở Ðông Âu và Nga. Trung Cộng cũng
không khác gì Việt Nam.
Ông Ngụy Kinh Sinh, trong một lần đến trò chuyện với nhật
báo Người Việt, đã nói rằng ông nghĩ đảng Cộng Sản Trung Quốc không thể
nào tự thay đổi được. Bởi vì dù một hai lãnh tụ ở trên cùng muốn thay đổi,
họ cũng không thể phá vỡ được cả guồng máy cán bộ quan chức chằng chịt từ
trung ương đến các tỉnh, các huyện, các xã; tất cả đang sống với các đặc
quyền, cao sang hơn người, nhờ được guồng máy đó nuôi dưỡng, bảo vệ. Do
đó, Trung Quốc chỉ có thể thay đổi thể chế chính trị khi người dân phẫn
uất nổi dậy, mà Ngụy Kinh Sinh tin rằng việc đó sớm muộn phải xảy ra. Ông
tin ở dân tộc ông, ông tin người Trung Hoa không ngu mà cũng không
hèn!
Tôi đồng ý với cách phân tích guồng máy quyền lực của đảng
Cộng Sản của Ngụy Kinh Sinh. Nhưng là một người Việt Nam, tôi không quá bi
quan như ông. Ðảng Cộng Sản Việt Nam có nhiều lỗ hổng, chứa nhiều nhược
điểm, không cứng mạnh như Cộng Sản Trung Quốc. Tôi tin rằng trong số các
đảng viên cộng sản có nhiều người không nằm trong guồng máy chia chác; và
họ biết suy nghĩ, dám chống lại cả guồng máy. Họ cũng có khả năng mở đường
cho một cuộc thay đổi lớn, bằng hành động của chính họ. Hành động đầu tiên
có thể gây chấn động tâm lý là việc công khai, dứt khoát từ bỏ đảng, và hô
hào các đảng viên khác từ bỏ đảng như mình!
Chỉ cần bình tâm suy nghĩ một chút thì đảng viên nào cũng
thấy cần phải từ bỏ đảng.
Quý vị vào đảng Cộng Sản vì tin ở chủ nghĩa Mác, Lê Nin?
Bây giờ còn ai tin tưởng ở các lý thuyết duy vật biện chứng, duy vật lịch
sử của ông Karl Marx nữa hay không? Khoa học ngày nay cống hiến biết bao
phương pháp, kỹ thuật, mở ra bao nhiêu con đường cho chúng ta hiểu vũ trụ,
hiểu lịch sử và xã hội loài người sống theo những quy luật nào. Tại sao
mình phải tự bịt mắt, tự dối lòng mình mà đóng vai trò một anh ngu dốt mãi
như vậy?
Còn ai thấy các lý thuyết của Lê Nin có ích lợi cho dân
tộc mình, hay chỉ là cái gông xiềng buộc chặt lên đầu, lên cổ cả dân tộc?
Chủ thuyết quan trọng nhất của Lê Nin là “Nhà nước và Cách mạng,” là dùng
guồng máy nhà nước thực hiện cuộc “cách mạng vô sản”. Bây giờ ai cũng biết
cuộc cách mạng đó không có thật. Giai cấp vô sản hiện nay đang bị bóc lột
một cách triệt để dưới mối liên kết kiên cố giữa tư bản và nhà nước. Lý
thuyết nhà nước làm cách mạng chỉ đưa tới một hậu quả là thiết lập một chế
độ chuyên chế khắc nghiệt nhất trong lịch sử! Nhà nước càng ngày càng lớn,
càng kiểm soát, kìm kẹp dân kỹ hơn, còn cách mạng chẳng thấy đâu cả! Tai
họa của những nước Nga, Ðông Âu là chế độ chuyên chế đã làm cho kinh tế
trì trệ rồi sụp đổ và đạo đức suy đồi. Họ đã cố thoát ra được, tại sao
mình vẫn còn tin ở chủ nghĩa Lê Nin?
Tai họa của nước ta là do những người đã đem chủ nghĩa Mác
Lê Nin vào đặt lên đầu lên cổ cả dân tộc. Từ đó, họ đã đi tới những lựa
chọn sai lầm tàn phá đất nước, khi biết thì đã quá trễ. Tai họa thứ nhất
là tổ chức kinh tế theo lối Liên Xô, mà hiệu quả ai cũng biết. Tai họa thứ
hai là tổ chức chính quyền chuyên chế, lấy bạo lực, công an để bảo vệ
quyền hành; nhưng sau khi đã dựng lên rồi thì chính guồng máy chuyên chế
đó tự phát triển, tự bảo vệ nó; không thể nào nó tự thay đổi được nữa. Tai
họa thứ ba là chủ trương gây thù hận, phương pháp dùng dối trá để củng cố
quyền hành. Từ thói quen dối trá đó, cả xã hội suy đồi vì người lương
thiện không thể sống được. Lựa chọn theo chủ nghĩa Mác Lê Nin đã tạo ra
tất cả các tai họa trên.
Cũng vì theo chủ nghĩa Mác Lê Nin cho nên đảng Cộng Sản đã
phạm sai lầm ngoại giao lớn trong việc chọn đồng minh; mà không nghĩ tới
mối nguy hiểm trong tương lai. Trong cuộc gặp gỡ tay ba ở Maskva, khi
Stalin nói ông ta trao hết cho Mao Trạch Ðông sứ mạng dìu dắt đảng Cộng
Sản Việt Nam, thì lời phán đó quyết định số phận nước ta được đặt trong
bàn tay Trung Cộng. Từ đó mới sinh ra những chủ trương học tập Mao Chủ
Tịch, từ trên xuống dưới nhất nhất theo ý kiến các đồng chí “vĩ đại”. Vì
vậy mới giết hàng trăm ngàn người vì cải cách ruộng đất; vì vậy mới sinh
ra cái công hàm Phạm Văn Ðồng năm 1958. Từ đó mới ngậm miệng làm ngơ không
dám phản đối Trung Cộng chiếm Hoàng Sa năm 1974.
Những sai lầm lịch sử đó, cứ coi như là tội lỗi của những
thế hệ lãnh tụ đời trước. Nhưng có lý do nào các đảng viên cộng sản ngày
nay cứ phải nhắm mắt chịu đựng các hậu quả tai hại trên đây mà không dám
đòi thay đổi?
Người đảng viên cộng sản biết suy nghĩ phải bắt đầu bằng
việc từ bỏ tất cả hệ thống tư tưởng Mác Lê Nin; cũng như nhiều người đang
biểu tình phản đối cách lựa chọn đồng minh sai lầm trong quá khứ. Nhưng họ
phải chính thức, công khai rút ra khỏi đảng Cộng Sản Việt Nam! Tại sao còn
tiếp tục đứng làm bình phong, chịu đóng vai quân cờ; cho các lãnh tụ tham
nhũng và bất lực ngồi trên đầu mình đua nhau cướp đất, cướp cơm của dân
nghèo và chia nhau các chức quyền trong hệ thống doanh nghiệp nhà nuớc để
bỏ túi hàng triệu đô la rồi chuyển ra nước ngoài?
Nhiều đảng viên cộng sản có lòng nhưng không từ bỏ đảng vì
họ hy vọng sẽ giúp đảng thay đổi từ bên trong. Nhưng thử hỏi trong ba chục
năm nay họ đã thay đổi được những gì? Từ thời ông Nguyễn Hộ, ông Trần Ðộ,
đã bao nhiêu người thiết tha vận động việc thay đổi trong đảng. Nhưng tất
cả đều vô ích. Bây giờ có ai có thanh thế, có uy tín hơn các ông đó để làm
được giỏi hơn, có hiệu quả hơn họ hay không? Liệu những ông Nguyễn Hộ, ông
Trần Ðộ thế hệ mới có cam chịu đóng vai “phản biện” một cách vô ích như
vậy thêm 20 năm, 30 năm nữa hay không?
Cho nên các đảng viên cộng sản đã nhìn ra những sai lầm
của đảng mình, nếu bình tâm suy nghĩ sẽ thấy chỉ còn một con đường là phải
công khai, chính thức tuyên bố không chấp nhận đóng vai đồng lõa với băng
đảng cầm quyền nữa. Một số người đông đảo và có danh tiếng tuyên bố từ bỏ
đảng, họ có thể kêu gọi các đảng viên có lương tâm cùng dứt khoát rút ra
khỏi đảng. Khi số người bỏ đảng đông hơn, gây thành một phong trào, các
biện pháp trả thù và đàn áp của guồng máy sẽ mất hiệu lực. Các đảng viên
khác sẽ không sợ hãi nữa.
Khi số đảng viên bỏ đảng tăng lên, họ có thể châm ngòi tạo
ra biến cố trong đám đông dân chúng ngoài đảng. Người ta sẽ được giải
phóng về tâm lý, những dân oan không còn cảm thấy sợ hãi nữa, giới thanh
niên, trí thức, các người lãnh đạo tôn giáo, giới lao động sẽ cùng mạnh
dạn đứng lên đòi các quyền tự do căn bản của mình. Người dân không chấp
nhận nghe nói dối, nghe phỉnh phờ nữa. Một phong trào phản kháng bất bạo
động như thế chắc chắn sẽ làm cho guồng máy cường quyền phải chịu thua.
Lúc đó những ai còn thiết tha đến việc phục hưng đất nước trong thời “hậu
cộng sản” sẽ có cơ hội phục vụ.
Chúng ta đang có cơ hội để thực hiện cuộc đổi đời này.
Trên các mạng lưới đã xuất hiện bao nhiêu đảng viên viết lời chống lại
đảng. Trong các cuộc biểu tình có các đảng viên cộng sản nổi tiếng tham
dự. Một đảng viên ở bước đường cùng như Ðoàn Văn Vươn cũng phải buộc lòng
chống cự bằng chất nổ. Lòng dân chán ghét và oán hận đang lên cao. Những
phụ nữ như Trịnh Kim Tiến, Huỳnh Thục Vy đã phải đứng dậy lên tiếng. Không
thể chờ đợi đến ngày “Mỹ sẽ giúp một tay” hay “Trung Quốc sẽ thay đổi”.
Chính người Việt Nam có thể quyết định lấy số mạng của
mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét