Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

Vụ Đoàn Văn Vươn và 5 chữ “bất”

Sự kiện Đoàn Văn Vươn đã tròn một tháng kể từ sáng 5/1/2012 khi chùm đạn hoa cải nổ thẳng vào đám công an và quân đội bao vây chiếm đất tại Tiên Lãng. Đến nay đã có hàng trăm bài báo, hàng chục quan chức lên tiếng, người dân trong và ngoài nước xôn xao về một hiện tượng mới: Hiện tượng Đoàn Văn Vươn.
Vụ việc trở thành đề tài thời sự nóng bỏng trong cái tết vừa qua, khi rượu sớm, khi trà trưa, sau những lời chúc mừng năm mới là câu chuyện Đoàn Văn Vươn nổ thay pháo tết từ Nam đến Bắc.
Thế nhưng, một tháng trôi qua, ta thấy gì?
Cho đến nay, hầu như chỉ là việc bắt giam các bị can Đoàn Văn Vươn và anh em, ngoài ra chỉ là lời qua tiếng lại giữa quan chức Tiên Lãng, sự biện hộ thô thiển của quan chức Hải Phòng, sự lên án mạnh mẽ của công luận và sự phản ứng ngược chiều lỳ lợm và lẻ loi của tờ báo Hải Phòng, vài bài viết làm trò hề trên tờ Công an Nhân dân và mỉa mai thay lại cả tờ báo mang tên “Công Lý”… Ngoài ra, chưa có tiến triển gì hơn.

Thậm chí đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được ai đã phá nhà ông Vươn?
Vì sao có trình trạng này?
Quan chức bất nhân, bất nhất
Trước hết là sự bất nhân. Những người đã theo dõi vụ án hoặc đã đối diện với biển với nước không ai không biết rõ công sức mồ hôi xương máu của anh em nhà Đoàn Văn Vươn cũng như những người dân nuôi trồng hải sản ở đây đã đổ ra biết bao nhiêu để làm nên cơ nghiệp này. Họ đã không chỉ hi sinh công sức, tiền của mà cả máu, cả tính mạng con cháu mấy chục năm trời… Bỗng dưng bằng một mảnh giấy, tất cả mọi công sức bị cướp trắng trái pháp luật. Thậm chí trước đó, các cơ quan công quyền đã cùng hùa nhau để đưa những nạn nhân này vào vòng vây mê hồn trận của mớ pháp lý, tòa án và những lời hứa hẹn.
Không rõ ông Chủ tịch huyện Lên Văn Hiền có luôn em trai làm chủ tịch xã cũng như các quan chức Hải Phòng và những kẻ manh tâm đi bao che cho những hành động đó có thấy việc làm của mình là bất nhân?
Ngay sau khi những phát đạn hoa cải hạ gục mấy chiến sĩ công an và bộ đội, báo chí nhanh chóng đưa tin thì ông Lê Văn Hiền – Chủ tịch UBND Huyện Tiên Lãng lên tiếng khẳng định rằng đã phá nhà ông Vươn vì đó là nơi trú ẩn của những người chống lại lực lượng cưỡng chế.
Câu nói này ngay lập tức bị công luận lên án mạnh mẽ vì vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Khi đó một quan chức đàn anh khác là Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Đỗ Trung Thoại lại nói việc phá ngôi nhà của ông Quý là do “nhân dân bất bình”?
Câu nói này cũng lập tức nhận được sự phản ứng dữ dội của công luận và nhân dân Tiên Lãng, người ta nói rõ rằng chẳng có nhân dân nào bất bình, người dân chỉ bất bình với chính nhà cầm quyền Tiên Lãng vô đạo đức khi muốn cướp không công sức người dân mấy chục năm bỏ ra khai hoang, lấn biển và việc quan chức Hải Phòng cố tình vu vạ cho dân là điều không thể chấp nhận được.
Ngay sau khi bị dư luận chỉ rõ sự bất nhân và vô luật pháp trong các phát biểu này, cả UBND Huyện Tiên Lãng và Đỗ Trung Thoại đều leo lẻo nói ngược lại là không phá, không ra lệnh, không ai tham gia phá nhà ông Vươn và cuối cùng là “Chưa rõ ai phá nhà ông Vươn” (Sic).
Quả thật cha ông ta đã có quá nhiều kinh nghiệm khi đúc kết câu nói “Miệng quan, trôn trẻ”. Nếu như trôn một đứa trẻ nhiều khi làm nhọc lòng, xấu hổ đến bố mẹ và người thân, thì miệng quan chức này đã làm chán nản và nhận lấy sự khinh bỉ từ chính người dân.
Người nắm sức mạnh bạo lực lớn nhất Hải Phòng lúc bấy giờ là ông Đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an Hải Phòng – người mà cư dân mạng gọi là “Đại Ca” – có mặt tại chỗ chỉ đạo lực lượng Công an Hải Phòng vây bắt. Khi Công an, Quân đội nã súng với “phương án tiêu diệt” không thể thiếu vai trò ông Đỗ Hữu Ca. Để rồi sau đó ông chém gió rằng: “Phải nói rằng việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo, không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc diễn tập lần này”.

Ai cầm loa tay chỉ đạo bên cạnh ngôi nhà này?
Thế nhưng, khi được hỏi ai đã phá nhà ông Vươn, “Đại Ca” này cũng khẳng định không biết ai.
Chính từ sự bất nhân, không hợp lòng người, trái đạo lý đã đẩy đưa chính họ vào chỗ bất nhất theo đúng nguyên lý “Đường đi hay tối, nói dối hay cùng”.
Và họ đã thi nhau dẫm đạp lên vết trượt này không cách nào khác.
Khi đã có những lời bất nhất như vậy, liệu ai có thể tin được những lời nói tốt đẹp khác của các quan chức này như “Bản chất của chế độ ta không cho phép nhục hình bức cung. Nếu ai vi phạm điều này sẽ bị cách chức, ai không thực hiện đúng chính sách với phạm nhân thì chúng tôi xử lý nghiêm minh”?.
Đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an Hải Phòng người đeo kính đứng phía ngoài
Chính quyền bất minh, luật pháp bất ổn
Nói đến chuyện luật lệ liên quan đến đất đai, chuyện nhà nước quản lý, sử dụng, chuyển đổi, bán chác, thu hồi… là một mê hồn trận đã từng gây nên bao nhức nhối giai đoạn vừa qua. Luật pháp bất ổn, bất nhất đã đặt người dân không phải một nơi mà cả nước, không chỉ thành thị mà khắp thôn quê, không chỉ miền xuôi mà cả miền ngược đảo lộn cuộc sống, đảo lộn mọi giá trị truyền thống về đạo đức, về nhân cách qua những luật lệ này.
Từ khi thành lập nước VNDCCH đến nay, quyền hạn về đất đai cứ như một trò mèo vờn chuột. Đầu tiên là người cày có ruộng, cướp đoạt của chủ đất chia cho dân cày, rồi nhóm lại vào một lò chung là Hợp tác xã, rồi chia ruộng đất khoán sản, khoán nông. Rồi các đại gia lập dự án, rồi nhà nước dùng súng đạn cưỡng chế cướp của dân với giá rẻ mạt bán với giá trên trời bỏ túi chia nhau… đủ cả mọi cách cứ tít mù vòng quanh. Mấy chục năm qua, chuyện đất đai vẫn như mớ bòng bong càng gỡ càng rối. Khắp nơi người dân khiếu kiện, từng đoàn, từng lượt đổ về đầu não chính trị để kêu oan. Và như thế công an lại có việc để làm, để bắt bớ, để đàn áp… cứ như những cuộc chiến không hứa hẹn ngày ký kết thỏa ước ngừng bắn chừng nào còn đất.
Tựu trung lại cái luật lệ không giống ai cố tình không công nhận quyền tư hữu về ruộng đất với định nghĩa rất khác người là “Đất đai sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý…” đã tạo ra mớ bòng bong đó. Điều này đi ngược lại với nguyên lý cơ bản, quyền tư hữu về đất đai của người dân đã ngang nhiên bị tước bỏ, và có như vậy thì nhà nước mới dễ dàng thu hồi cái không phải của mình, lấy đi cái trong tay người khác.
Việc dùng công an, quân đội cưỡng chế đất đai, tài sản của nhà ông Vươn không có bồi thường là việc làm bất nhân. Như trên đã phân tích, để làm được những việc đó thì điều cần thiết là sự bất minh. Ngay sau khi xảy ra sự việc, báo chí đã trực tiếp hỏi quan chức chính quyền địa phương việc thu hồi nhằm mục đích gì? Câu trả lời là “không thể trả lời”, rồi sau đó là “để cho ông Vươn thuê lại” sau khi đã bị báo chí và dư luận vạch rõ việc làm không minh bạch của chính quyền Tiên Lãng. Cũng trước đó, báo chí đã đưa tin rằng UBND Tiên Lãng thu hồi nhằm phục vụ “dự án sân bay Quốc tế Hải Phòng”. Nhưng khi người ta vạch rõ việc thu hồi này có quyết định trước cả dự án, thì cái dự án đó không cánh mà bay trong lời nói quan chức Hải Phòng mà không được ai nhắc đến nữa.
Không chỉ là việc thu hồi để làm gì, mà ngay cả Tòa án Nhân dân TP Hải Phòng đã có những động tác mà qua đó, người dân thừa lòng tin đã tưởng rằng được luật pháp bảo hộ nên gia đình Đoàn Văn Vươn mới nên cơ sự này. Cuộc dàn xếp giữa UBND Huyện và gia đình người có đất được Tòa án ND Tỉnh tổ chức, đâu có ai nghĩ là sự lừa bịp hoặc đưa người ta vào một âm mưu. Nhưng điều đó đã xảy ra, chứng tỏ sự bất minh càng rõ ràng để phục vụ những mưu đồ đã có sẵn.
Không chỉ việc dùng công an, quân đội, chó, súng đạn… cưỡng chế phá nhà ông Vươn, bắt bớ đánh đập phụ nữ, con trẻ trước công chúng đã thể hiện bản chất sự việc, mà ngay cả việc để toàn bộ tài sản của gia đình ông Vươn trong Đầm bị cướp sạch, lấy sạch sau đó cũng đã nói lên sự bất minh của việc làm này.
Nhà nước bất lực
Đã một tháng tròn, từ Hà Nội xuống Hải Phòng chỉ hơn 100 km, nếu đi xe bình thườnghết 2 giờ ô tô, nếu đi xe có còi hụ dẫn đường như quan chức Việt Nam vẫn dùng hàng ngày ở Hà Nội thì chắc không đến chừng đó thời gian. Nhà nước Việt Nam “của dân, do dân, vì dân” có đội ngũ công an “vững mạnh, trong sạch và bách chiến bách thắng”. Vụ việc Đoàn Văn Vươn chỉ là một việc nhỏ trong muôn vàn vụ việc khác nhau, chỉ là một vụ “cưỡng chế” trong trăm ngàn vụ cưỡng chế đã và đang xảy ra trên đất nước này. Việc huy động một lực lượng mấy trung đội cảnh sát, các cơ quan đoàn thể, quân đội để tiến hành vụ việc, đập phá hai ngôi nhà giữa thanh thiên bạch nhật, trước hàng ngàn người dân… rõ ràng đến mức hỏi một nông dân mù chữ cũng có thể thuật lại được.
Vậy mà đến nay ba chục ngày trôi qua, vẫn cứ lùng nhùng trong những cuộc cãi vã, phân tích của báo chí về việc làm vô luân, vô pháp của nhà cầm quyền Tiên Lãng và Hải Phòng, vẫn lằng nhằng trong những phát biểu ngược dòng của các quan chức Hải Phòng và Tiên Lãng như cố tình thách thức và trêu ngươi dư luận.
Trước hết, dù cho ông Đỗ Hữu Ca có “chém gió” rằng: “Phải nói rằng việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo, không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc diễn tập lần này” thì khách quan mà nói, vẫn phải công nhận sự bất lực của hệ thống công an và quân đội hiện nay. Lý do để kết luận điều này là với lực lượng mà ông Ca đã tiết lộ bao gồm: “Trong sự vụ này, 2 trung đội cảnh sát đặc nhiệm đã được điều động xuống hiện trường phối kết hợp với lực lượng ở đồn biên phòng phục ngoài bờ sông. Ngoài ra còn lực lượng cảnh sát bảo vệ…” lại còn “có sự kết hợp giữa địa phương, giữa công an, quân đội, biên phòng…” nhưng chỉ có vài người trong căn nhà bị cô lập và thậm chí còn sử dụng cả “phương án tiêu diệt” mà không bắt được ai, đối tượng vẫn ra khỏi đó như chỗ không người thì quả là sự bất lực rõ ràng của lực lượng vũ trang không thể nói gì hơn.
Nếu đây không phải là anh em Đoàn Văn Quý chỉ là mấy nông dân, mà là một lực lượng vũ trang nào đó chính quy chẳng hạn, thì thử hỏi sự “bách chiến bách thắng” được bao nhiêu phần trăm?
Thứ hai, là dù ở đó có cả Giám đốc Công an TP, có cả các sĩ quan, chiến sĩ biên phòng, chính quyền cấp xã, huyện, Thành phố… nhưng đến nay vẫn chưa biết ai đã phá nhà ông Vươn, không biết việc mất mát tài sản trong đầm ông Vươn ra sao? vẫn loanh quanh lấp lửng thì rõ ràng đây là sự yếu kém, bất lực của chính quyền và lực lượng chức năng ở Hải Phòng mà trước hết là đám công an của ông Đỗ Hữu Ca.
Thứ ba, cơ quan Thành ủy Hải Phòng là cơ quan quyền lực nhất ở Hải Phòng theo thể chế chính trị hiện nay, lẽ ra là nơi người dân có thể đặt lòng tin vì đảng đã tự cho mình là cha mẹ của dân, “Dân tin đảng, đảng thương dân, tình đảng tình dân như tình mẫu tử” – Lời bài hát – nhưng qua cơ quan ngôn luận mình là báo Hải Phòng, cũng như bài phát biểu của Trưởng ban Tuyên giáo Huyện Tiên Lãng với 300 đảng viên, họ đang cố tình thể hiện rằng “ý đảng” ở đây đang đi ngược lòng dân Tiên Lãng và khắp nơi.
Thứ tư, các cơ quan Quốc hội, Chính phủ mà ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng chính phủ cũng là Đại biểu Quốc hội tại Hải Phòng, ngay sau vụ việc đã có công điện số 57 yêu cầu “Xử lý nghiêm trường hợp chống đối người thi hành công vụ”. Nhưng liên quan đến vụ việc quyền lợi công dân này, thì đến nay vẫn chỉ là chỉ thị và lời hứa làm rõ vụ việc sau tròn một tháng với tư cách Thủ tướng, còn lại các cơ quan khác của Hải Phòng chỉ nhằm bao che, giải thích loanh quanh hoặc lẩn tránh.
Giải thích việc chậm trễ này, ông Vũ Đức Đam cho là “Tất cả cơ quan Nhà nước cấp tỉnh hay, bộ, ngành đều làm việc theo quy định và trình tự”.
Điều này càng khẳng định sự cồng kềnh, của một bộ máy đồ sộ khổng lồ của nhà nước hiện nay nhưng kém hiệu quả.
Rõ ràng, trong khi các quan chức và cựu quan chức cũng đã phải thốt lên rằng việc này không giải quyết rõ ràng, nhanh chóng thì có hại lớn cho hệ thống chính trị hiện nay. Nhưng cách xử sự đến nay đã chứng tỏ sự bất lực của nhà nước. Đó là sự bất lực trong khả năng giải quyết nhanh chóng các vấn đề liên quan đến đời sống chính trị xã hội và tính mạng người dân.
Người dân bất an
Chính một thứ luật pháp bất ổn kết hợp với chính quyền bất minh gồm những quan chức bất nhân và bất nhất thì việcngười dân sống luôn thấy bất an là điều không có gì phải lạ.
Không người dân nào (trừ các quan chức có thế lực) có thể chắc chắn rằng ngôi nhà mình đang ở, mảnh đất mình đã chắt chiu bao đời nay mà có, ngôi nhà thờ, đình chùa miếu mạo đang thờ tự có thể ổn định và yên chí làm ăn. Khi mà sẵn sàng có một dự án nào đó của những kẻ lắm tiền nhằm vào chỗ của họ đang sống, thì có thể sau đó là công an, là chó, là súng đạn đến “cưỡng chế” họ ra khỏi nhà để giao đất cho người khác. Nếu họ không đồng ý, thì sau đó là nhà tù hoặc cùng quẫn lắm thì là súng đạn, hoặc tự thiêu.
Trong một xã hội công bằng, văn minh và luật pháp rõ ràng, thì người dân Cồn Dầu không bao giờ nghĩ là họ sẽ phải vất vưởng ngay trên mảnh đất tổ tiên của họ xây dựng lên bao đời. Giáo dân Thái Hà không bao giờ nghĩ rằng Tu viện của họ sẽ bị biến thành nơi chứa bệnh tật truyền nhiễm và nhục mạ nơi linh thánh. Những người như Đoàn Văn Vươn sẽ yên tâm mà khai hoang lấn biển nhằm đem lại lợi ích cho cộng đồng, cho gia đình.
Nhưng, khi tất cả những điều nói trên không đảm bảo, thì điều gì cũng có thể xảy ra, số phận những người dân và tài sản của họ luôn trong tư thế cá nằm trên thớt, vì các dự án bất thần đổ xuống, các quyết định bất thần tung ra, cảnh sát, quân đội bất thần kéo đến… hỏi tìm đâu ra sự “an cư” để mà “lạc nghiệp”?
Phải chăng, đó chính là đặc điểm của một nền kinh tế thị trường có kèm cái đuôi “Định hướng XHCN”?
Sự việc Đoàn Văn Vươn là một điểm mốc, là một tiếng bom cảnh báo một giai đoạn, một tình trạng xã hội mà nếu không có những điều chỉnh cần thiết, không có những thay đổi kịp thời thì sự bình yên giả tạo trong xã hội chỉ là sự bình lặng tạm thời của mặt biển trong mùa bão tố.
Bởi lòng dân là sóng biển.

Hà Nội, ngày 5/2/2012
Blog J.B Nguyễn Hữu Vinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét