Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Điện Nguyên Tử, Giáo Dục, và Công Tác Phát Triển Việt Nam Bền Vững Thế Kỷ 21

Kính thưa quý vị độc giả,
Cách đây một năm, ngày 11 tháng 3 năm 2011, cả thế giới đều kinh hoàng trước tin tức, hình ảnh về vụ động đất, sóng thần và nổ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi tại Nhật Bản.
Thiên tai là điều người ta khó đóan trước được và thiên tai có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Cách đây không lâu động đất tại Nam Dương kéo theo sóng thần khủng khiếp lan tỏa khắp Ấn Độ Dương khiến nhiều trăm ngàn người thiệt mạng. Mới năm 2008, một trận động đất lớn cũng xảy ra tại Tứ Xuyên, Trung Quốc khiến rất nhiều nhà cửa và trường học bị sụp đổ và gây tang tóc cho nhiều chục ngàn người. Tại Hoa Kỳ mỗi năm có cả trăm trận gió lốc xoáy ta thường gọi là “rồng cuốn” (tornado), có khi quét sạch cả một vùng nhiều chục cây số. Rồi thì các cơn dông bão, ngập lụt, đất lở, núi lửa vẫn xảy ra hằng năm trên thế giới, ngay cả ở Việt Nam . Ông Trời mà “ra oai” thì con người khó biết trước hoặc chống lại!
Nhưng phần lớn những thiên tai ấy chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn với sự tàn phá tức thời, và con người lại bỏ công của ra sửa chữa, hàn gắn vết thương, khắc phục hậu quả để đời sống trở lại bình thường.
Nhưng trận động đất và sóng thần tháng 3 năm 2011 tại Nhật thì thật là khủng khiếp vì không những gần 30 ngàn người chết và mất tích, nhiều thành phố ven biển bị quét sạch như những que diêm, mà nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi gồm 6 lò nguyên tử lại bị hư hại tới mức có ba vụ nổ và tuôn nhiều chất phóng xạ ra ngoài, khiến người ta lo hậu quả có thể kéo dài cả chục, thậm chí hàng trăm năm. Cả thế giới rung động vì sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân trở nên không thể tin cậy như người ta vẫn thường “bảo đảm.” Tương lai của điện hạt nhân bị nghi ngờ không những tại Nhật mà còn tại khắp nơi trên thế giới.
Chưa ai chết vì phóng xạ tuôn ra khi nhà máy Fukushima Daiichi bị hư hại nặng và bị nổ, nhưng số người bị nhiễm xạ thì lên tới cả ngàn, nhất là các nhân viên lo sửa chữa nhà máy và các nhân viên cứu hỏa và cứu thương cho những người sống gần nhà máy. Ngoài ra, đất cát, mùa màng, và các nguồn nước chung quanh nhà máy cả chục cây số cũng bị nhiễm xạ, khiến không thể dùng được trong nhiều chục năm. Điều mà người dân sợ nhất là phóng xạ như ma vô hình vô vị trà trộn vào không khí, nguồn nước, gia súc và mùa màng khiến con người bị nhiễm và có thể chịu ảnh hưởng tới sức khỏe nhiều chục năm, điều mà các nhà y tế gọi là “bệnh sẽ tích tụ và gây ung thư mai sau”.
Trong dịp kỷ niệm một năm tai nạn thảm khốc tại Nhật vào tháng ba này, đài truyền hình Pháp đã làm một phóng sự dài về hậu quả của vụ nổ nhà máy Chernobyl gần Kiev (Ukhraine) vào năm 1986 và những gì người dân Nga đã, đang và sẽ gánh chịu do bị nhiễm xạ. Phóng viên cũng nhắc đến các nhà máy điện nguyên tử của các nước khác trong đó có các nhà máy của Pháp. Tuy những nhà máy điện nguyên tử của Pháp chưa bị nổ lần nào, nhưng không ai chối cãi là cũng có rủi ro tai nạn như Fukushima Daiichi và Chernobyl . Trong năm 2011, chỉ có một tai nạn nhỏ tại nhà máy xử lý chất thải nguyên tử tại trung tâm Marcoule thuộc vùng Gard tại miền nam nước Pháp khiến 1 người chết và 1 người khác bị thương. Mặc dù tai nạn này không có phóng xạ tuôn ra môi trường, nó cũng đã làm người dân Pháp quan ngại về sự an toàn của các nhà máy điện nguyên tử hiện đang sản xuất 80% số điện của toàn nước Pháp.
Tại Đức, phong trào không dùng điện nguyên tử đã có từ lâu, nhưng ngay sau tai nạn xảy ra tại Fukushima thì bà thủ tướng Merkel đã tuyên bố là đến năm 2020 - 2022 nước Đức sẽ ngưng hoạt động tất cả các nhà máy điện nguyên tử. Sau tai nạn Three Mile Island tại Mỹ, dù phóng xạ rò rỉ ra môi trường rất ít, người ta cũng bỏ dở hằng trăm nhà máy điện nguyên tử đang xây. Lý do chính có thể là điện nguyên tử của các nhà máy đó không kinh tế, nhưng nhiều người vẫn cho rằng lý do là làm sao để các nhà máy đó thật an toàn là điều rất khó và rất đắt tiền.
Trong bối cảnh nghi ngờ và ngưng trệ xây dựng nhà máy điện nguyên tử như vậy tại các nước giầu, nước Việt Nam tuyên bố xây nhà máy điện nguyên tử bảo đảm “an toàn nhất thế giới” tại Ninh Thuận. Sự nghịch lý này là rất đáng để ý tại Việt Nam, nơi kinh tế của người dân thấp hơn kinh tế của Nhật và Pháp cả chục lần, nơi chưa có một đội ngũ chuyên viên nguyên tử làm điện và chưa có thể vận hành một nhà máy điện thông thường như Dung Quất.
Ông Phùng Liên Đoàn là một người có bằng tiến sĩ về nguyên tử tại trường nổi tiếng Massachusetts Institute of Technology và 40 năm kinh nghiệm hành nghề nguyên tử tại Mỹ, kể cả việc thiết kế nhà máy Brunswick cùng thế hệ với Fukushima. Mặc dầu năm nay ông không viết gì về Fukushima Daiichi vì “đã có nhiều người viết rồi”, ông đã có ý kiến về điện nguyên tử tại Việt Nam từ năm 1999 (khi ông thuyết trình về vấn đề điện nguyện tử tại Hà Nội). Chúng tôi xin đăng tải một vài bài viết của ông Đoàn trong tầm nhìn của một nhà khoa học chân chính hiểu biết về kỹ thuật và kinh tế của điện nguyên tử và rất tâm huyết với tương lại của nước Việt Nam . Ông Đoàn là chủ tịch ba hội từ thiện hướng về Việt Nam từ năm 1989. Đó là Quỹ Khuyến Học Việt Mỹ, Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lâp, và Viện Nghiên Cứu Việt Nam Tương Lai.
Ngoài TS Đoàn, cũng có rất nhiều khoa học gia Việt Nam trong nước cũng như ngoài nước có ý kiến về việc “nhờ ngoại quốc” xây nhà máy điện nguyên tử tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ lần lượt đăng lại các bài viết đó để người Việt chúng ta biết ý kiến của các khoa học gia Việt Nam về việc xây nhà máy điện nguyên tử tại nước nhà. Kính mời quý vị theo dõi.

Pháp Quốc, 19.03.2012
Quản Mỹ Lan
---------------------------------------------------------------

Điện Nguyên Tử, Giáo Dục, và Công Tác Phát Triển Việt Nam Bền Vững Thế Kỷ 21
TuanVietnam.net Bài đã được xuất bản.: 22/04/2009 17:20 GMT+7

Phùng Liên Đoàn
Ngày 7 tháng 10, 2007

Vào đầu tháng 10, 2007, tôi hân hạnh được Vựa Tư Tưởng (Think Tank) Howard Baker mời tham dự một cuộc họp về phong trào bành trướng xây nhà máy điện nguyên tử. Người ta gọi phong trào này là sự “Tái Sinh” (Renaissance) của điện nguyên tử, bởi vì suốt 25 năm qua, các nước tân tiến Âu Mỹ đều không xây thêm nhà máy nguyên tử tạo điện, trong khi đó thì kinh tế toàn cầu đã phát triển ào ạt, thải ra nhiều khí carbonic gây hiện tượng “nhà kiếng” làm cho khí quyển của trái đất càng ngày càng nóng và đe dọa an sinh của nhân loại trong một hai thế kỷ tới.
Điện nguyên tử không xa lạ gì với tôi, bởi vì vào năm 1958 khi bắt đầu bước chân vào đại học, tôi đã quyết tâm học về ngành này. Trước đó mới 13 năm hai quả bom nguyên tử đã tàn phá Hiroshima và Nagasaki, khiến quân phiệt Nhật phải đầu hàng Mỹ; và trước đó mới chỉ năm năm, tổng thống Eisenhower của Mỹ đã tuyên bố đem năng lượng nguyên tử phục vụ hòa bình. Mỹ đã tổ chức hội nghị tại Genève năm 1955, 1958 và 1964 cho toàn thế giới biết về phương pháp dùng năng lượng nguyên tử phụng sự hòa bình, như trị liệu bệnh tật, sản xuất vật liệu tinh vi, chạy tàu
ngầm và nhất là sản xuất điện. Tuy nhiên, việc xây các nhà máy điện nguyên tử một cách ào ạt vào những năm 1960s và 1970s đã gây nên một tác hại ghê gớm là các nhà máy này xây ẩu tả, không chạy tốt, quá tốn kém, không cạnh tranh được với giá dầu hỏa và khí đốt, khiến cho nhiều hãng xây cất bị lỗ vốn. Các tai nạn gây ô nhiễm phóng xạ và thiệt hại tài sản tại các nước tiền tiến như Anh (Windscale), Mỹ (Three Mile Island) và Nga (Chernobyl) đã làm quần chúng tại các nước này không tin tưởng vào những lời tuyên bố của chính phủ và các chuyên gia. Các nước khác như Trung Quốc, Israel, Ấn Độ và Hồi Quốc cũng lợi dụng các thông tin và vật liệu do các nước Anh, Mỹ, Canada tiếp tế mà làm được bom nguyên tử cho chính nước họ, gây cảm tưởng là bom nguyên tử và điện nguyên tử tuy hai nhưng là một. Đây là thời đại mà người ta gọi là Thời Đại Thứ Nhất hay Thời Đại Sơ Khai của điện nguyên tử.
Nhưng trí tuệ và nhất là lương tâm của con người đã giúp các nhà lãnh đạo của Nga và Mỹ đi tới nhiều thỏa ước là phải giảm bớt số lượng bom nguyên tử đi, nếu không chẳng bao lâu loài người sẽ tự diệt vong vì có lãnh đạo nào đó tính lầm thế cờ mà bấm nút cho hỏa tiễn phóng bom nguyên tử một cách không ý thức, rồi các nước khác trả đũa cũng bằng bom nguyên tử, làm trái đất bị bao phủ bởi bụi phóng xạ nhiều chục năm, và toàn thể sinh vật sẽ bị tiêu diệt vì không có ánh sáng mặt trời. Các nước Mỹ, Nga, Pháp, và Anh có trên 25 ngàn quả bom nguyên tử đặt sẵn trên hỏa tiễn hoặc trong kho, và như vậy triển vọng loài người tự hủy diệt rất cao. Nhờ trí tuệ và lương tâm, các nhà lãnh đạo thế giới đã đi tới thỏa ước “biến đao kiếm thành cầy bừa.” Họ thỏa thuận với nhau đem uranium và plutonium của bom làm nhiên liệu tạo điện, và nhờ vậy số lượng bom đã được từ từ giảm xuống; ngày nay chỉ còn vài ngàn trái bom tại mỗi nước. Người ta cũng đồng ý là cần phải tìm cách giảm bớt các khí thải có sức gây hiện tượng “nhà kiếng,” vì các chất khí thải này làm khí quyển của trái đất giữ nhiều chất nóng của ánh sáng mặt trời, có thể làm không khí nóng hơn 5-7 độ trong vòng 100 năm, gây tai biến to lớn về thời tiết (bão lụt, hạn hán...) và nạn lụt hồng thủy bởi sự tan rã của các băng sơn ở Bắc Cực và Nam Cực làm nước biển dâng cao. Phương pháp nhân loại phải thực hiện là giảm bớt việc dùng than đá, dầu hỏa và khí đốt, bởi vì khí thải carbonic là một thành phần quan trọng bậc nhất gây hiện tượng “nhà kiếng.” Người ta đã đồng ý được với nhau về Qui Ước Kyoto và Rio de Janeiro, yêu cầu các nước kỹ nghệ lớn giảm thiểu việc dùng nhiên liệu cùng là tăng việc sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng trái đất, và năng lượng nguyên tử. Các nước kỹ nghệ lớn như Mỹ và Trung Quốc đều không muốn tuân thủ yêu cầu của các qui ước trên, bởi các nguồn năng lượng đó đều đắt hơn nhiên liệu, và họ sợ rằng kinh tế của họ sẽ bị suy thoái. Tuy nhiên, đến năm 2006, thì Tối Cao Pháp Viện của Mỹ đã khuyến cáo để chính phủ Mỹ cũng phải tuân theo gương dẫn đầu bởi Liên Quốc Âu Châu và Nhật, trong khi các nước dẫn đầu phong trào bảo vệ khí quyển đang cố gắng tạo lập“thuế carbonic” đánh vào hàng hóa xuất cảng của các nước còn ích kỷ như Trung Quốc và Ấn Độ áp lực họ phải dùng bớt nhiên liệu đi. Hiện Trung Quốc thải 6.2 tỉ tấn CO2 ra khí quyển mỗi năm, ngang hàng với Mỹ, và hai nước này thải 40%-50% toàn thể CO2 trên thế giới.)
Hội nghị điện nguyên tử vào đầu tháng 10 năm 2007 tại Washington do Vựa Tư Tưởng Baker tổ chức chỉ mời khoảng 50 người. Đó là những người có ảnh hưởng lớn hoặc hiểu biết nhiều về năng lượng nguyên tử. Số người tham dự gồm 8 nghị sĩ làm luật của Mỹ; chủ tịch các đại công ty xây cất nhà máy nguyên tử của Mỹ, Pháp và Nhật; bộ trưởng bộ Năng Lượng và chủ tịch Cơ Quan Qui Luật Nguyên Tử; chủ tịch các hãng làm điện đang cần xây cất thêm nhà máy điện nguyên tử; và đặc biệt có cả các vị thủ lãnh nguyên tử của Pháp và Nhật. Sở dĩ tôi đựoc mời là vì tôi có quen với thượng nghị sĩ Howard Baker từ nhiều năm (nay đã về hưu sau khi làm đại sứ Mỹ tại Nhật), quen biết với các người làm việc tại Vựa Tư Tưởng Baker, và cũng vì tôi đã từng tham dự nhiều cuộc khảo cứu về điện nguyên tử và hiện tượng “nhà kiếng” từ những năm 1970s và 1980s. Đặc biệt tôi và một vài đồng nghiệp có viết một quyển sách với nhan đề là “Thời Đại Thứ Hai của Năng Lượng Nguyên Tử” xuất bản năm 1985, mà người viết chính là Alvin Weinberg, một khoa học gia được coi như là thủ lãnh trí tuệ bậc nhất của ngành nguyên tử áp dụng vào đời sống.[1]
Các cuộc thảo luận của hơn 50 người tham dự hội nghị xoay quanh các đề tài như (1) trong vòng
25 năm nữa sẽ có bao nhiêu nhà máy điện nguyên tử được xây cất, và chúng sẽ giảm ô nhiễm môi trường và hiện tượng “nhà kiếng” là bao nhiêu; (2) làm cách nào để có thể xây cất nhà máy điện nguyên tử cho các quốc gia đang phát triển mà không mắc vào hai vấn nạn lớn, đó là không cho phép họ làm bom nguyên tử và giúp họ điều hành được chất thải phóng xạ một cách an toàn; (3) giá thành của điện nguyên tử sẽ là bao nhiêu, và làm cách nào các công ty có đủ tiền để xây một nhà máy đáng giá 5 tỉ USD mà chỉ 10 năm sau ngày quyết định mới có thể sản xuất được kilowatt
điện đầu tiên; và (4) làm sao tăng trưởng được đội ngũ chuyên gia để tiếp tục sản xuất điện nguyên tử một cách xuất sắc như ngày nay, với các nhà máy chạy suốt đêm ngày, sản xuất 16% tổng số điện trên thế giới nghĩa là nhiều điện hơn bất cứ quốc gia nào khác trừ Mỹ.
Ông Shunsuke Kondo, chủ tịch Nguyên Tử Lực Nhật, người trẻ hơn tôi 2 tuổi, có nhắc tới Việt Nam một lần, trong nội dung “một vài nước đang phát triển như Việt Nam cũng đang muốn xây nhà máy điện nguyên tử.” Trong phát biểu này có hàm ý là các nước nhỏ và nghèo thì phải “coi chừng.” Coi chừng, bởi vì các nước đang phát triển này chưa khai thác hết những nguồn nhiên liệu bản xứ vừa rẻ tiền vừa hợp với đà kinh tế còn rất nhỏ chưa có ảnh hưởng gì tới việc gây ô nhiễm ào ạt của các nước lớn. Coi chừng, bởi vì nhà máy điện nguyên tử rất đắt tiền (5 tỉ USD hay 5000 USD/KW), làm sao một nước nhỏ và nghèo có thể đủ tiền để xây nếu không làm nhiều dự án khác bị trùn lại. Coi chừng, bởi vì các nước nhỏ và nghèo này không có một hạ tầng cơ sở tốt để phục vụ các việc xây cất tại địa phương, do đó từ con ốc đặc thù đến linh kiện kiểm soát chất phóng xạ, cái gì cũng phải nhập cảng. Và nếu sau này nếu có gì trục trặc thì sẽ phải “đóng cửa” chờ đợi vật liệu hoặc linh kiện đem từ ngoài vào, một việc có thể làm tê liệt mọi hoạt động vốn đã rất mong manh của quốc gia. Coi chừng, bởi vì các nước nhỏ và nghèo không có một đội ngũ làm việc thật qui củ và tốt, có thể gây tai nạn bất ngờ mặc dầu họ có thể là những người rất tài giỏi về toán và vật lý, nhưng việc điều hành một nhà máy nguyên từ không những cần tài giỏi mà còn cần có kinh nghiệm và nguyên tắc làm việc hết sức nghiêm túc.

Từ vấn đề “coi chừng” trên, tôi nghĩ đến vấn đề giáo dục, một phong trào đang được bàn cãi rất sôi nổi trong nhiều tầng lớp người Việt Nam, trong nước cũng như ngoài nước. Một mặt, bộ trưởng Giáo Dục Nguyễn Thiện Nhân là một lãnh đạo trẻ, có hiểu biết thực tế về nền giáo dục của các nước tiền tiến cũng như của các nước láng giềng, để biết rằng giáo dục của ta cần phải được sửa đổi mạnh bạo thì mới mong đáp ứng được nhu cầu phát triển. Một mặt khác, ngân sách giáo dục của ta rất thấp so với các nước láng giềng và các nước tiền tiến. Chưa ai cho tôi biết ngân sách giáo dục của nước ta là bao nhiêu, nhưng có người nói: “Tính phần trăm thì ngân sách giáo dục của ta cao hơn cả Trung Quốc!” Nhưng tính phần trăm sao được, khi ta bắt học sinh từ mẫu giáo lên đến đại học đều phải đóng học phí, và học phí đó chỉ vài đô la mỗi tháng nhưng nhiều người dân vẫn không đủ sức và vì thế, nạn “không đi học” của ta là rất cao. Phần trăm sao được khi đội ngũ giảng huấn của ta còn quá thiên ngoại, học trình của ta còn quá lý thuyết khiến người học ra trường không tìm được việc làm thực tế. Ta thường có khuynh hướng duy ý chí, chủ quan cho rằng người Việt Nam vốn rất tài giỏi và thông minh, vì vậy ta nhất định phải có một đại học trong số 200 đại học giỏi nhất thế giới và trong vòng 20 năm nữa ta nhất định phải đào tạo được 20,000 tiến sĩ. Môt số trí thức lại có đề nghị Việt Nam thành lập một trường đại học chuyên nghiệp dùng tiếng Anh làm chuyển ngữ, để ta dễ hội nhập với đà tiến triển quốc tế và dễ đào tạo cán bộ có tầm hiểu biết cao để làm việc với doanh thương sử dụng kỹ thuật cao.
Theo tôi, các ý kiến trên và nhiều ý kiến khác nữa cần phải được bàn luận thật nghiêm chỉnh và nhanh chóng vì thời gian không chờ đợi ta. Ta phải nghĩ đến việc phát triển đất nước một cách bền vững suốt thế kỷ 21 trong khả năng của ta, chứ không thể chỉ phản ứng theo nhu cầu ngắn hạn hoặc duy ý chí. Kiến quốc là một vấn đề mà người Việt Nam anh hùng nhưng nhiều tang tóc của chúng ta có rất ít kinh nghiệm, bởi vì ta có chiến tranh suốt chiều dài của lịch sử, và khi đất nước được an bình đôi chút giữa hai chiến tranh, thì các vị vua quan của ta lại quá thủ cựu, không học kinh nghiệm của những nước tiên tiến và không dùng trí tuệ Việt Nam để khai triển những việc thực tế quanh ta giúp cho người dân được càng ngày càng có ăn học nhiều hơn, có công việc lương cao hơn, có tự do phát triển cá nhân, và như vậy là được sung sướng hạnh phúc hơn.
Một quốc gia giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh phải là một quốc gia trong đó hầu hết người dân được ăn học tốt, có công việc làm tốt, có tự do mưu sinh, được luật pháp bảo vệ tốt, và sống tốt với người đồng loại. Ta không thể giầu mạnh và người dân không thể hạnh phúc nếu ta chỉ có một số lãnh đạo duy ý chí, một số quan chức thừa hành với bằng cấp “tiến sĩ”dựa trên sự phát triển của người nước ngoài rất xa với thực tế Việt Nam, và số đông 80 triệu người với dân trí ngang tầm tiểu học. Vì thế, khi ta nói “giáo dục” là quan trọng cho tương lai, thì ta phải định nghĩa rõ ràng hơn, là giáo dục những gì, giáo dục thế nào, giáo dục bao lâu, và giáo dục cho bao nhiêu người dân. Quản Di Ngô sống trước cả đức Khổng Tử thời Đông Châu Liệt Quốc đã nói rất đúng, cho rằng kế hoạch làm nước giàu mạnh là phải “trồng người,” và việc trồng người phải là “kế hoạch trăm năm.” Vì thế, tôi đề nghị ta phải nghĩ tới việc dùng ngân sách của quốc gia và đi vay thêm tiền để triệt để đào tạo công dân từ mẫu giáo trở lên, với trường sở tốt, giáo viên tốt, học trình khuyến khích suy nghĩ và làm việc thực tế. Nếu học sinh của ta được đào tạo tốt, đựoc khuyến khích năng động và tự lập từ thuở lọt lòng cho đến 20 tuổi, thì sau 5 thế hệ tức là 100 năm, nước Việt Nam sẽ có hơn 90% người dân có giáo dục vững vàng để thành các thành phần chỗ nào cũng tốt trong xã hội. Giáo dục căn bản vững vàng này cần hai đại bộ phận quan trọng áp dụng sát sao vào đời sống hàng ngày của xã hội ta chứ không phải là học vẹt. Đó là: văn hóa (gồm tất cả những ngành học làm trí tuệ được mở mang, hiểu biết được quảng bác) và kinh tế (gồm tất cả những ngành học làm đời sống vật chất được sung túc, nhanh nhẹn, hiệu suất cao.)
Có người nói, như vậy là ta không đáp ứng được với nhu cầu kinh tế hiện nay. Thưa rằng, nhu cầu này có thể tự thị trường giải quyết, bởi vì các doanh nghiệp Việt Nam trong nước cũng như ngoài nước có thể cộng tác với những người có nhiều kinh nghiệm thực tế và có tiền, mở các lớp huấn nghệ đào tạo công nhân một cách đặc biệt và nhanh chóng đáp ứng nhu cầu kinh tế ngắn hạn của doanh thương và lợi nhuận trước mắt. Chính phủ chỉ cần làm chính sách thông thoáng và tổ chức kiểm soát phẩm chất đồng nhất, nhậy bén, công bằng, không tri trệ, hối lạm. Ngay chi phí kiểm soát như vậy cũng có thể giải quyềt bằng phương pháp kinh tế thị trường.
Trung Tâm Việt Nam Phát Triển Bền Vững Thế Kỷ 21 phải dùng mọi phương pháp khoa học để thúc đẩy việc trồng người; hoạch định chính sách bền vững; dùng mọi bài học trên thế giới một cách rất Việt Nam để phát triển người Việt Nam và đất nước Việt Nam theo tài nguyên, môi trường và mục đích đặc thù Việt Nam. Các hoài bão to lớn như “điện nguyên tử,” “đại học nổi tiếng nhất thế giới,” “20 ngàn tiến sĩ,” “ khảo cứu khoa học cao siêu...” là những vấn đề cần phải được bàn thảo nghiêm túc, nhũn nhặn (ta phải biết ta là ai) với tâm niệm là “làm cách nào, với khả năng ít ỏi của ta, để nước Việt Nam nhanh chóng được dân giàu, nước mạnh, xã hội công bình, dân chủ, văn minh.” Viễn tượng có thể là vào năm 2100, 100% trẻ em và người già được chăm sóc tốt, 90% người dân đạt được mức lợi tức hàng năm trên 10,000 USD/người (tính theo giá USD năm 2007) và 70% người dân được học hết lớp 12 trung học. Đây là kết quả đã có tại hầu hết các nước văn minh ngày nay. Và viễn tượng này phải có lộ trình đi từng bước khả thi, như kế hoạch ngũ niên có kiểm chứng bởi những thành phần trí tuệ độc lập để tránh nạn “mèo khen mèo dài đuôi.” Lộ trình ta hoạch định chắc chắn sẽ có nhiều nan giải, chắc chắn sẽ có nhiều sai lầm, nhưng ta có thể dùng kinh nghiệm, trí tuệ và tâm niệm kiến quốc để sửa sai hàng năm. Như vậy người dân và các lãnh đạo tương lai sẽ luôn có chuẩn đich, giống như thuyền trưởng và khách đồng hành đều nhìn thấy được hải đăng để chung sức chèo lái đi tới bến bờ là Giấc Mơ Việt Nam.
Ta không thể nói hoài mà không làm. Ta không thể tranh cãi mãi về quá khứ mà không nghĩ tới tương lai thực tế và khả thi cho con cháu của chúng ta. Ta không thể chờ cho những người Việt sáng suốt như Nguyễn Trường Tộ chết đi rồi mới vinh danh nhưng vẫn không thực hiện ý kiến của họ. Ta cần bắt đầu làm việc với các phương tiện và hiểu biết mới, một sự kiện mà tổ tiên ta đã không có được bởi vì các cụ không may mắn có những kiến thức, phương tiện và cơ hội như
chúng ta ngày nay.
__________________________________________
[1] Weinberg, Spiewak, Barkenbus, Livingston and Phung, The Second Nuclear Era: A New Start for Nuclear Power. Praeger Publishers, 1985

Người viết
Vì minh bạch là rất cần thiết, việc đầu tiên là phải nói cho rõ ai là người đã viết ra bài này.
Ông Phùng Liên Đoàn, năm nay 68 tuổi, là một khoa học gia và doanh nghiệp tại Mỹ. Ông xuất thân người làng Bát Tràng nay thuộc Hà Nội. Ông học trung học Nguyễn Trãi ở Hà Nội và Petrus Ký (nay là Lê Hồng Phong) ở Sài Gòn. Ông đi du học năm 1958 ở Mỹ, đậu Cử Nhân Vật Lý và Cử Nhân Toán tại Florida State University; và Thạc Sĩ Vật Lý và Thạc Sĩ Nguyên Tử tại Massachussetts Institute of Technology (MIT). Ông về nước làm việc năm 1964 tại Trung Tâm Nguyên Tử Đà Lạt. Ông đi Mỹ lại năm 1967, vừa làm việc vừa đi học, và đậu bằng Tiến sĩ Nguyên Tử năm 1972 tại MIT.
Từ 1967 tới 1975 Ông Đoàn đã làm việc thiết kế 4 nhà máy nguyên tử tạo điện tại United Engineers and Constructors (nay thuộc Raytheon) cho hai tiểu bang New York và South Carolina. Từ 1975 tới 1983 ông Đoàn khảo cứu năng lượng tại một Vựa Tư Tưởng có tên là Institute for Energy Analysis tại Oak Ridge Associated Universities thuộc tiểu bang Tennessee. Từ 1983 cho tới nay, ông Đoàn là Tổng Giám Đốc công ty tư vấn kỹ thuật Professional Analysis, Inc.(PAI) có cơ sở làm việc về các vấn đề nguyên tử và môi trường tại nhiều trung tâm nguyên tử khắp nước Mỹ. Ông Đoàn đã từng làm việc với nhiều khoa học gia nổi tiếng, kể cả vài vị có giải thưởng Nobel và Fermi. Ông Đoàn cũng đã có nhiều giao kèo làm việc với US Department of Energy, US National Aeronautic and Space Administration, và US Nuclear Regulatory Commission, cùng là các công ty có dịch vụ nguyên tử như General Electric, Westinghouse, Babcock and Wilcox, Asea Atom, Bechtel, Lockheed Martin, Parsons, và Wackenhut.
Ông Đoàn đã từng là hội viên của các hội khoa học như American Nuclear Society, American Association for the Advancement of Science, New York Academy of Science, và là kỹ sư có bằng hành nghề tại các tiểu bang Pennsylvania, Florida và Tennessee.
Ông Đoàn tuy ở xa Việt Nam lâu năm nhưng luôn luôn hướng về Việt Nam trong các hoạt động từ thiện suốt 40 năm qua. Ông đã giúp đồng bào qua các tổ chức như Aide à l’Enfance du Vietnam, Save the Children, Social Assistance Program for Vietnam, East Meets West Foundation, Room to Read, American Helping Asian Children, Nom Preservation Foundation, Friends of Hue Foundation, Vietnamese Culture and Science Association, Institute of Vietnamese Culture and Education, Hội Khuyến Học Nam California, Hội Đọc Sách Giải Trí Giáo Dục (Saigon), Vietnamese American Scholarship Fund, và Fund for the Encouragement of Self-Reliance. Từ năm 1988 đến nay, chương trình Khuyến Học Việt Mỹ và Khuyến Khích Tự Lập của gia đình Ông đã giúp xây dựng được nhiều trường học, mổ xẻ cho nhiều trẻ em tàn tật, mổ bệnh mắt cho nhiều người già, và đặc biệt là giúp hơn 12,000 gia đình nghèo tại Thừa Thiên Huế tự lập bằng phương pháp Grameen mà người chủ chốt là ông Mohammed Yunus mới được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 2006. Chương trình của ông Đoàn tại Việt Nam cũng được Liên Hiệp Quốc trao giải thưởng UN- HABITAT Civil Society Innovation năm 2008.
Ông bà Đoàn có hai con và ba cháu. Ông và gia đình chưa hề tham dự một tổ chức chính trị hoặc đảng phái nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét