Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Lòng tự trọng dân tộc

Nếu một con người phải sống với lòng tự trọng, thì một dân tộc, một đất nước càng phải biết sống tự trọng, và tự trọng cao. Không phải bằng cách tự ca ngợi mình, "mục hạ vô nhân" - coi người khác "không có ký lô nào" mà ta sở đắc được lòng tự trọng.

Cách đây mấy ngày, đang uống cà phê, tôi được gặp và trò chuyện trong chốc lát với một em bé bán vé số. Khi em mời tôi, một người không mua và cũng không thích “trúng số”, tôi ngỏ ý: “Chú thấy cháu bán "món hàng" này ít người mua mà nhiều người bán, sao cháu không nghĩ đến một cách bán hàng khác tốt hơn?". Cháu bé lễ phép trả lời tôi: "Cháu cũng chỉ bán vé số một thời gian thôi. Khi nào có điều kiện, cháu sẽ làm việc khác".


Tôi ngạc nhiên trước câu nói tự tin của một cháu bé nghèo. Đúng là có những lúc, do hoàn cảnh, ta phải làm những việc nhọc nhằn, thu nhập thấp và có vẻ làm bé nhỏ con người mình đi. Nhưng nếu đó là việc làm lương thiện, và ta có lòng tự trọng như em bé bán vé số kia, thì có thể tự tin rằng trước sau gì cơ hội cũng sẽ đến với ta, và ta sẽ có điều kiện để thực sự là chính mình.

Một nhà nghiên cứu kinh tế người Mỹ cũng chân thành khuyên chúng ta không nên cứ mãi dựa vào ưu thế nhân công rẻ để may gia công và đóng giày dép, mà nên học cách của người Ấn Độ dám đi thẳng vào kinh tế tri thức để góp phần biến thế giới này thành "thế giới phẳng" - tạo một sự ngang bằng trong nắm bắt cơ hội và phát triển.

Thì đúng là như thế, nhưng liệu chúng ta có đủ tự tin như em bé bán vé số kia để trả lời: "Chúng tôi cũng chỉ làm những công việc này một thời gian, khi có điều kiện, chúng tôi sẽ làm những việc khác, những việc mà ngài đã khuyên". Nhưng làm sao để "có điều kiện" - nghĩa là "điều kiện cần và đủ" khi chúng ta cứ mãi thấy mình nhỏ bé, lép vế, khi ta chỉ muốn "xin" mà ít chịu nghĩ, ít chịu làm, bắt đầu từ những việc nhỏ, những việc “tầm thường"?

Đã có một thời chúng ta đã quá tự hào đến mức tự tôn, đến mức cao ngạo về mình, rồi giờ đây lại xuất hiện một tâm lý ngược lại, là quá tự ti, quá rụt rè và tự làm nhỏ mình đi mỗi khi xuất hiện trước người ngoài. Cả hai xu hướng ấy đều là kết quả của một cách nhìn nhận sai về mình, và đều dẫn tới sự thiếu tự trọng. Một con người khi đã thiếu tự trọng thường hành xử thiếu tôn trọng người khác, và thiếu tôn trọng chính mình, và do đó, dễ bị người khác xem thường. Mà khi người ta đã xem thường mình, thì làm sao mình tồn tại đúng với nhân cách mà mình muốn có được?

Nếu một con người phải sống với lòng tự trọng, thì một dân tộc, một đất nước càng phải biết sống tự trọng, và tự trọng cao. Không phải bằng cách tự ca ngợi mình, "mục hạ vô nhân" - coi người khác "không có ký lô nào" mà ta sở đắc được lòng tự trọng. Cũng không phải cứ ngồi mơ tưởng viển vông về những "đại sự" mình sẽ làm, mình sẽ hơn người, mà cứ thế ta sẽ hơn người, ta sẽ là "số một". Cũng không phải bằng lối so sánh giản đơn, cơ học giữa "mình ngày trước" với "mình bây giờ" mà vội tự thỏa mãn, cho là mình đã "tăng trưởng vượt bậc", và coi đó là biểu hiện của lòng tự trọng. Nhưng càng không phải nhìn ra ngoài đâu đâu cũng thấy "rồng" thấy "hổ" rồi nhìn lại mình thấy nhỏ nhít như mèo, như cheo để thở dài an phận mà run sợ khúm núm trước người ngoài, để đến nỗi bị người ta lừa cho, ép cho, đè cho mà cứ nghĩ mình khiêm cung.

Tất cả những biểu hiện dù rất trái ngược nhau ấy lại quy tụ ở chỗ thiếu lòng tự trọng. Một lòng tự trọng bình thường, không nống lên, vói lên, cũng không hạ xuống, xẹp xuống. Khi ta nói "tôi là người Việt Nam", thì dù tự hào, dù chua xót, câu nói đĩnh đạc một cách bình thường ấy đã ẩn chứa trong nó lòng tự trọng. Của một con người. Của một dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét