Các ủng hộ viên Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ tại Rangoon ngày 30/03/2012.
REUTERS/Soe Zeya Tun
Trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung sắp diễn ra tại Miến Điện, La Croix ghi nhận một số thay đổi trong chiến lược nhân sự của đảng đối lập - Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ. « Zayar Thaw, ‘‘máu mới’’ cho đảng của bà Aung San Suu Kyi » là tựa đề bài viết. Tờ báo nhận định : Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đưa giới trẻ lên tuyến đầu.
Zayar Thaw, 31 tuổi, là một thành viên trẻ của đảng đối lập Miến Điện. Anh được đưa đến ứng cử tại Thant Zin Hla, một khu dân cư nằm trong địa bàn thủ đô Naypidaw. Ứng cử viên trẻ tuổi của đảng đối lập xuất hiện với một phong cách khác, đi xe hơi đời cũ, mặc đồ xà-rông truyền thống. Tại điểm hẹn gặp dân chúng, khoảng 200 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, vỗ tay nhiệt liệt và chờ đợi tiếp xúc với anh.
Theo nhận định của La Croix, Zayar Thaw chính là một hiện thân cho một « làn sóng những khuôn mặt mới » mà đảng của bà Aung San Suu Kyi cần đến. Dưới chế độ độc tài quân sự, phần lớn thành viên chủ chốt của đối lập là những người cao tuổi.
Theo nhận xét của đặc phái viên La Croix, ứng cử viên trẻ của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ biết cách thu hút cử tri. Zayar Thaw biết cách đặt câu hỏi, chờ đợi các câu trả lời và điều chỉnh giọng nói của mình như một diễn giả chuyên nghiệp, khác hẳn với dáng vẻ rụt rè của anh trên các tờ áp-phích tuyên truyền hồi đầu. Một đồng chí của Zayar Thaw nhận xét, người thanh niên này đã có những bước tiến quan trọng, so với cách đây ít lâu, khi anh chỉ dám nói gần như sách.
La Croix nhắc đến hoạt động ban đầu của Zayar Thaw trong một nhóm bí mật, mang tên Generation Wave, chủ yếu bao gồm các ca sĩ và nhạc sĩ, với sứ mệnh động viên giới trẻ Miến Điện tham gia vào cuộc dân chủ hóa đất nước. Bản thân ứng cử viên đối lập tương lai là một ca sĩ hip-hop. Các hoạt động này khiến anh bị bỏ tù từ tháng 3/2008 đến tháng 5/2011.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội được hy vọng sẽ diễn ra một cách tự do lần này, ứng cử viên trẻ tuổi của đảng đối lập rơi vào một vùng đất khó. Chính Zayar Thaw cũng công nhận rằng, có rất nhiều người trong bộ máy chính quyền tại đơn vị bầu cử này. Naypidaw là một thành phố mới, không khí thì ngột ngạt, vẻ ngoài thì lạnh lẽo.
Câu hỏi đặt ra là, liệu các nỗ lực truyền bá các giá trị của nền dân chủ của nhà đối lập trẻ tuổi, tại mảnh đất do chính những kẻ độc tài dựng lên, có thu hoạch được kết quả ? Ứng cử viên đối lập Zayar Thaw từ chối đưa ra dự báo về kết quả bầu cử ngày Chủ nhật tới.
Cuộc thanh trừng trong đảng Cộng sản Trung Quốc – một bộ phim nhiều tập
Le Monde chú ý đến cuộc thanh trừng đang diễn ra trong nội bộ giới cầm quyền Trung Quốc, với bài bình luận : « Ở Bắc Kinh, cuộc ẩu đả trong đảng Cộng sản Trung Quốc (hồi hai) ».
Hồi một của bộ phim dài nhiều tập về nội tình chính trị Trung Quốc nổi bật với biến cố Vương Lập Quân, một trùm cớm, chạy vào xin tỵ nạn tại lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Trùng Khánh, rồi bị chính quyền bắt đi. Vương Lập Quân đã từng là giám đốc công an và phó chủ tịch của Trùng Khánh - thành phố đông dân nhất Trung Quốc.
Hồi hai của bộ phim là vài tuần sau đó, Bạc Hy Lai, ủy viên Bộ Chính trị, một trong những ngôi sao trên chính trường Trung Quốc, có khả năng vào được nhóm 9 nhân vật có thế lực nhất trong đảng, bị cách chức.
Trùm cảnh sát Trùng Khánh đã tiết lộ gì với các nhà ngoại giao Hoa Kỳ, và đã khai báo gì với chính quyền ? Thông báo chính thức của Bắc Kinh không nói vì sao ông Bạc Hy Lai lại bị phế truất.
Trong khi hơn một tỷ người Trung Quốc chờ đợi những lời giải thích đầu tiên từ phía Bắc Kinh, nhiều bình luận xuất hiện trên các trang mạng và báo chí nước ngoài. Theo các tóm lược của Le Monde, việc phế truất Bạc Hy Lai không diễn ra đơn giản, mà có nhiều động thái căng thẳng trong nội bộ lãnh đạo Trung Quốc, như nhận định của bà Valérie Niquet (làm việc tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược). Tờ Financial Times (ngày 22/03) điểm lại tin đồn có mưu toan đảo chính. Trong khi đó, Luân Đôn đòi mở lại cuộc điều tra để làm sáng tỏ về trường hợp tử vong của một nhà tư vấn người Anh, có quan hệ thân thiết với gia đình Bạc Hy Lai. Theo kết quả điều tra từng được tiến hành, người này được coi bị thiệt mạng vì quá chén.
Le Monde nhận định, việc Bạc Hy Lai bị thanh trừng đụng đến cả một nhóm quyền lực trong đảng Cộng sản. Đằng sau Bạc Hy Lai là nhiều doanh nghiệp lớn của khu vực nhà nước (chiếm tới hơn 60% PIB). Theo quan điểm của nhóm bảo thủ, việc thay đổi mô hình kinh tế này sẽ để lại nhiều nguy cơ về chính trị.
Ngược lại, theo phái cải cách việc không cải tổ mô hình kinh tế sẽ khiến độc quyền của đảng bị lung lay, như lời cảnh báo của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo mới đây. Trong các phát biểu với báo giới, ông Ôn Gia Bảo đã nhấn mạnh đến nguy cơ xảy ra một cuộc « cách mạng văn hóa theo kiểu Mao », nếu không có các cải cách. Bạc Hy Lai đã từng được coi là một lãnh đạo theo chủ thuyết Mao-ít. Không lâu sau lời phát biểu của Thủ tướng Ôn, người đứng đầu Trung Khánh bị hạ bệ. Le Monde nhận định : Đây là một khúc quanh quan trọng đầu tiên trong bộ phim chính trị - trinh thám nhiều tập về những đấu đá trong nội bộ của triều đình Bắc Kinh.
Điều này hoàn toàn ngược lại với hình dung của rất nhiều người Trung Quốc trong những năm gần đây, những tưởng rằng quốc gia này đã tìm ra được một « cơ chế chuyển giao quyền lực trong hòa bình ». Chuyên gia Valérie Niquet thậm chí còn cho rằng, trong bộ phim nhiều tập này, biến cố vừa xẩy ra là một « trận đánh có tính quyết định » giữa các phe nhóm nhằm kiểm soát quyền lực trong đảng.
BRICS hối thúc Hoa Kỳ và Châu Âu ra các chính sách kinh tế có trách nhiệm
Về hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư của nhóm BRICS, bao gồm 5 cường quốc kinh tế mới nổi, diễn ra trong hai ngày 28 và 29/03 ở New Delhi, tờ Les Echos có bài : « Bài học kinh tế của khối BRICS đối với các nước công nghiệp hóa ».
Bài báo chú ý đến nhận định của năm lãnh đạo chủ chốt của các nước mới nổi, kêu gọi Hoa Kỳ và Châu Âu đưa ra các chính sách kinh tế có trách nhiệm và đừng bơm quá nhiều tiền mặt ra thị trường, đồng thời chú ý đến các cải cách cơ cấu để kích thích tăng trưởng và tạo việc làm mới.
Chiếm đến 25% PIB và 43% dân số toàn cầu, nhóm kinh tế mới nổi lên này hy vọng có được một tiếng nói quan trọng hơn trước các đối tác phương Tây. Tổng thống Brazil khẳng định BRICS là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế thế giới.
Trong số các thỏa thuận quan trọng đạt được tại hội nghị này, Les Echos nhấn mạnh đến hai thỏa ước giữa các ngân hàng phát triển của năm thành viên BRICS, nhằm tạo thuận lợi cho các giao dịch tài chính, không thông qua đồng đô la. Tuy nhiên, ý tưởng xây dựng một ngân hàng phát triển chung của các nước BRICS, được đồng thuận tại hội nghị thượng đỉnh này, còn cần phải nhiều năm nữa mới có thể trở thành hiện thực.
Một cuốn sách chỉ trích quan điểm nghi ngờ tác động con người đến biến đổi khí hậu
Về vấn đề môi trường, Le Monde hôm nay có bài phỏng vấn bà Naomi Oreskes, đồng tác giả cuốn sách « Các thương lái rao bán món hàng nghi ngờ », mà phiên bản tiếng Pháp « Les Marchands de doute » vừa mới được ra mắt, nhân dịp bà ghé qua Paris.
Trong cuốn sách này, bà Naomi Oreskes, một chuyên gia về lịch sử các khoa học địa cầu, giảng viên đại học California ở San Diego, Hoa Kỳ, (cùng với ông Erik Conway), đã mô tả cội nguồn của quan điểm nghi ngờ việc các hoạt động của con người gây ra biến đổi khí hậu.
Tác giả cuốn sách đưa ra nhận định về một phong trào tương tự với phong trào phủ nhận tác động của con người đến biến đổi khí hậu. Đó là trào lưu của nhiều nhà khoa học ủng hộ nền công nghiệp thuốc lá, cho đến những năm 1990. Theo tác giả cuốn sách, nhiều nhà nghiên cứu hiện nay « nhận được nhiều tiền để làm công việc tấn công vào khoa học ». Nhiều người đã được giới chủ ngành thuốc lá trả tiền thông qua các tổ chức vệ tinh mang nhãn hiệu khoa học (như Advancement of Sound Science Coaliation). Tuy nhiên, theo bài, đối với những người này, động cơ tài chính chỉ là một phần.
Nhà sử học nhận xét : động cơ chủ yếu của họ là về mặt chính trị và ý thức hệ. Đó là chủ thuyết xây dựng một thị trường tuyệt đối tự do. Rất nhiều người tham gia và các trào lưu này với nỗi lo sợ là, các quy định về môi trường mang tính ép buộc, dù liên quan đến các trận mưa axit, lỗ thủng tầng ôzôn hay đến việc chống thuốc lá, sẽ dẫn đến sự can thiệp ngày càng nhiều hơn và thô bạo hơn của nhà nước vào xã hội.
Trang nhất các nhật báo Pháp
Bầu cử tổng thống Pháp là chủ đề tiếp tục được nhiều báo Pháp quan tâm. Tờ Libération đưa lên một hình ảnh đặc biệt gồm các mảnh ảnh bị xé nham nhở : mảnh hình cặp mắt của ứng cử viên - tổng thống mãn nhiệm Nicolas Sarkozy, được đặt cùng mảnh hình trán của ứng cử viên đảng Xã hội François Hollande. Nổi lên phía trên là một câu hỏi lớn : « Cuộc khủng hoảng kinh tế đi đâu rồi ? ». Tờ báo nhận định, chủ đề kinh tế không còn nằm trong các phát biểu của các ứng cử viên chính. Tuy nhiên, mặc dù bối cảnh đã có thay đổi, cuộc khủng hoảng vẫn chưa được giải quyết.
Nhân tố trực tiếp chủ yếu khiến chủ đề kinh tế bị chìm xuống trong thời điểm tranh cử hiện nay là vụ án giết người hàng loạt tại Toulouse, mà thủ phạm đã bị cảnh sát bắn hạ sau hơn một ngày vây bắt. Về chủ đề này, Le Monde có hồ sơ trên trang nhất : « Những gì diễn ra trong đầu của một kẻ sát nhân ? ». Cũng về cuộc chiến chống khủng bố, trang nhất Le Figaro có hàng tựa « Bốn giáo sĩ Hồi giáo cực đoan bị cấm không được vào Pháp ».
Trong khi Libération lo ngại vấn đề khủng hoảng kinh tế bị sao nhãng, La Croix chú ý đến việc « Các chủ doanh nghiệp đối mặt với khủng hoảng như thế nào », qua một phóng sự điều tra nhân hội nghị quốc gia của các doanh nhân Thiên chúa giáo ở Lyon. Còn Le Figaro ghi nhận « Châu Âu tiếp tục vào cuộc để tránh một cuộc khủng hoảng mới », nhân việc các bộ trưởng Tài chính của khu vực euro họp tại Copenhagen để bàn về các đóng góp tài chính cho Cơ chế Bình ổn Châu Âu (MES).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét