THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 2.3.2012
Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ viết thư cho Tổng Thống Obama về trường hợp Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ - VOA - và hoàn cảnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
PARIS, ngày 2.3.2012 (PTTPGQT) - Từ Thanh Minh Thiền Viện ở Saigon, Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ vừa viết ba bức thư gửi đến Tổng Thống Hoa Kỳ Obama, bà Ngoại trưởng Hillary Clinton, và ông Chủ tịch Hạ viện John Boehner, và nhờ Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế chuyển đạt tới nơi gửi.
Ba bức thư viết từ Saigon ngày 27.2.2012 đều có nội dung tương tự trong việc can thiệp cho đài Tiếng Nói Hoa Kỳ - VOA - không bị cắt bỏ, do ngân sách thiếu hụt, đồng thời thỉnh cầu sự quan tâm và quả quyết của Hoa Kỳ trong vấn đề tự do tôn giáo, nhân quyền, dân chủ tại Việt Nam. Đặc biệt nói lên hoàn cảnh bức thiết của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Đức Tăng Thống viết rằng :
“Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất với số tín đồ và nhân sự rộng lớn, chúng tôi có thể đóng góp hữu hiệu cho sự phát triển quốc gia, nếu chúng tôi được tự do. (…) Tôi thỉnh cầu Tổng Thống thúc đẩy Việt Nam phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và các cộng đồng tôn giáo chưa được thừa nhận, và trả tự do cho tất cả công dân Việt Nam bị giam cầm vì biểu tỏ ôn hòa tín ngưỡng hay chính kiến họ”.
Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ cũng hoan nghênh chính sách mới của Hoa Kỳ cho tiến trình dân chủ hóa các quốc gia còn sống dưới chế độ độc tài toàn trị :
“Tôi thực tình phấn khởi nghe Tổng Thống và bà Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố Hoa Kỳ đặt nặng tiêu điểm Á châu và Thái Bình dương trong công tác đối ngoại. Thật là điều trọng đại, bởi vì tôi tin rằng sự thăng tiến dân chủ tại Á châu là chìa khóa cho hòa bình, thịnh vượng và ổn định, không riêng cho khu vực chúng tôi sống, mà còn tối hậu cho toàn thế giới”.
Sau đây là toàn văn thư gửi Tổng thống Obama do Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế dịch sang tiếng Việt :
THƯ GỬI TỔNG THỐNG OBAMA
Thưa Tổng Thống,
Tôi là Tăng sĩ Phật giáo Việt Nam, hiện sống trong tình trạng quản chế. Thực tế là ba mươi năm qua tôi bị tù đày, lưu xứ, hay quản chế chỉ vì lý tưởng từ bi, khoan dung và nhân quyền. Hôm nay đây, tôi vẫn tiếp tục bị quản chế mà không hề biết lý do, và thư này tôi viết từ Thanh Minh Thiền Viện ở Saigon gửi đi bằng đường riêng.
Trong những năm dài bị lưu đày, sống cô lập trong ngôi chùa nhỏ ở miền Bắc từ năm 1982 đến 1992, đài phát thanh là phương tiện duy nhất nối tôi với thế giới bên ngoài. Mỗi ngày, tôi theo dõi các đài quốc tế, trong có Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ - VOA. Đối với tôi, các đài ấy là cầu nối thực hữu đưa tôi về sự sống. Không những cung cấp cho tôi tin tức trong thế giới, mà chúng còn là người bạn đồng hành, giúp tôi thoát cảnh quạnh hiu. Trong những ngày đen tối ấy, cùng bị lưu đày theo tôi, mẹ tôi đã qua đời vì đói và lạnh, các đài quốc tế đã giúp tôi bớt cô độc, giữ vững tinh thần và đương đầu với hoàn cảnh.
Tôi vừa được tin Đài VOA sẽ bị cắt giảm ngân sách và có nguy cơ chấm dứt các chương trình phát thanh về Việt Nam. Đây sẽ là sự mất mát lớn, không những cho hàng triệu thính giả tại Việt Nam và tại các nước phi dân chủ khác, mà còn là sự mất mát cho Hoa Kỳ, vì đài VOA cưu mang cho cả uy thế của Hoa Kỳ.
Trong thế giới dân chủ, tin tức được xem như chuyện hiển nhiên. Từ những nguồn khác nhau, tin tức tràn ngập tới các quốc gia - bằng báo chí, đài phát thanh, Internet hay truyền hình - nhiều đến nỗi không biết nên chọn thứ gì. Tại Việt Nam thì không được như thế. Dưới chế độ độc đảng, nước chúng tôi chẳng có báo chí tự do, chẳng có đài phát thanh hay truyền hình tư nhân và độc lập. Đảng Cộng sản kiểm soát mọi nguồn tin. Ngay cả truyền hình vệ tinh quốc tế chỉ phát đi ba mươi phút sau, để cho Đảng Cộng sản có thể nghe trước và kiểm duyệt những chi không thích ứng. Đối với người dân sống dưới chế độ kiểm duyệt, nghe được các đài quốc tế như đài VOA là chuyện cực kỳ quan trọng. Sẽ là một bi kịch nếu Tiếng Nói Hoa Kỳ - VOA - bị giảm thiểu thành “tiếng thì thầm của nước Mỹ”. Tôi hy vọng rằng Tổng Thống sẽ khẩn cấp xét lại vấn đề này, và tiếp tục lưu giữ chương trình phát thanh cùng tiếng nói thiết yếu ấy.
Nhân cơ hội viết thư hôm nay, tôi tha thiết xin Tổng Thống hãy quả quyết trên vấn đề nhân quyền, tự do, dân chủ cho Việt Nam. Tôi thực tình phấn khởi nghe Tổng Thống và bà Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố Hoa Kỳ đặt nặng tiêu điểm Á châu và Thái Bình dương trong công tác đối ngoại. Thật là điều trọng đại, bởi vì tôi tin rằng sự thăng tiến dân chủ tại Á châu là chìa khóa cho hòa bình, thịnh vượng và ổn định, không riêng cho khu vực chúng tôi sống, mà còn tối hậu cho toàn thế giới.
Tổng Thống đã không ngừng nhắc nhở đến tầm quan trọng của xã hội dân sự trong tiến trình phát triển phi bạo lực và dân chủ hóa. Ngày nay, Việt Nam còn là một xã hội đóng kín, các tôn giáo, đặc biệt Phật giáo, tôn giáo của đại đa số có lịch sử 2000 năm, là xã hội dân sự còn tồn tại, và chế độ Cộng sản khó thành công tiêu diệt. Trong tư thế ấy, Phật giáo đóng vai trò chủ yếu trong sự chuyển hóa ôn hòa sang một xã hội đa nguyên, đầy sinh lực.
Từ năm 1975, khi chế độ Cộng sản xâm chiếm Miền Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không ngừng tranh đấu cho tự do và nhân quyền. Công cuộc vận động khởi từ ngày 2.11.1975, khi 12 Tăng Ni tự thiêu tập thể tại Thiền viện Dược Sư, tỉnh Cần Thơ, kêu gọi cho tự do tôn giáo. Đó đã là sự đối kháng ban đầu chưa hề xẩy ra dưới chế độ Cộng sản. Mặc dù chính quyền ra tay đàn áp, phong trào Phật giáo không ngừng lớn dậy. Tháng 5 năm 1993, bốn mươi nghìn (40,000) Phật tử xuống đường biểu tình tại cố đô Huế, phản đối đàn áp tôn giáo và yêu sách tôn trọng nhân quyền. Từ 1975 cho đến nay, đã có 22 Tăng, Ni, Cư sĩ Phật giáo tự thiêu để đòi hỏi chấm dứt đàn áp và tôn trọng Quyền con người.
Hôm nay đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị nhà cầm quyền cấm hoạt động, và thay thế bằng một cơ cấu Phật giáo do Nhà nước lập ra để kiểm soát. Dù vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục đấu tranh theo đường lối bất bạo động. Đầu năm 2001, tôi cất “Lời Kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam”, và đã được hàng trăm nghìn chữ ký (chính xác là 308,027, ba trăm tám nghìn hai mươi bảy chữ ký, PTTPGQT chú) của người Việt không phân biệt tôn giáo, chính kiến hậu thuẫn, và tôi tiếp tục thách thức nhà cầm quyền Cộng sản trên các lĩnh vực nhân quyền và cải tổ chính trị. Chính vì các “tội” này, nhà nước quản chế tôi tại Thanh Minh Thiện viện ở Saigon. Công an thường trực theo dõi tôi, không cho tôi tự do đi lại, mọi phương tiện liên lạc của tôi đều bị kiểm soát. Nhờ có mạng lưới to rộng và sự can đảm của giới Phật tử trong và ngoài nước mà tôi còn giữ được mối dây liên hệ với thế giới bên ngoài.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất với số tín đồ và nhân sự rộng lớn, chúng tôi có thể đóng góp hữu hiệu cho sự phát triển quốc gia, nếu chúng tôi được tự do. Thế nhưng chính quyền Cộng sản quyết tâm bóp nghẹt tiếng nói của chúng tôi. Mỗi ngày, chư Tăng Ni, Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị bắt bớ, sách nhiễu, công an theo dõi và hăm dọa không cho họ thực hành tín ngưỡng.
Tôi thỉnh cầu Tổng Thống thúc đẩy Việt Nam phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và các cộng đồng tôn giáo chưa được thừa nhận, và trả tự do cho tất cả công dân Việt Nam bị giam cầm vì biểu tỏ ôn hòa tín ngưỡng hay chính kiến họ.
Bà cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright đã thấu hiểu vai trò chủ yếu của Phật giáo trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam, khi bà bình luận trong sách “Những Kẻ mạnh và đấng Tối cao, Suy nghĩ về Hoa Kỳ” của bà (The Mighty and the Almighty, Reflections on America) :
“Ngay trong cuộc chiến tranh Việt Nam, chủ yếu là cuộc chiến đấu ý thức hệ chính trị và quốc gia chủ nghĩa, mà tôn giáo là một bô phận. Ngay từ lúc khởi đầu, mục tiêu chống Cộng đã bị suy yếu vì chính quyền Saigon [với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ] đàn áp Phật giáo, mà Phật giáo là cơ cấu không Cộng sản lớn nhất Việt Nam… Đó đã là nỗi khó khăn khiến Hoa Kỳ chúng ta không thu phục được trái tim và lòng người dân Việt”.
Tôi hy vọng rằng kinh nghiệm quá khứ ấy sẽ giúp Tổng Thống có tầm nhìn trong sáng về tiềm lực Phật giáo trong việc khai mở kỷ nguyên dân chủ mới, an ninh và hòa bình tại Châu Á và khu vực Thái Bình dương. Tôi hết lòng tin tưởng rằng Tổng Thống sẽ đứng bên cạnh nhân dân Việt Nam, và đặt nhân quyền, tự do tôn giáo, dân chủ vào trọng tâm quan hệ với Việt Nam.
Trân trọng kính chào Tổng Thống.
Đệ Ngũ Tăng Thống
Viện Tăng Thống
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
(ấn ký)
Sa Môn Thích Quảng Độ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét