Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Nội bộ ASEAN bị chia rẽ về vấn đề Biển Đông

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đến dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Cam Bốt.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đến dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Cam Bốt.
Thanh Phương

Trong khi đạt được đồng thuận về vấn đề Miến Điện, hội nghị thượng đỉnh ASEAN kỳ này lại bị chia rẽ trên hồ sơ Biển Đông, đặc biệt là do việc Cam Bốt bị cho là đã mời Trung Quốc tham gia đàm phán với ASEAN về Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông.

Từ Phnom Penh, đặc phái viên RFI Thanh Phương tường trình:

Đặc phái viên Thanh Phương - Phnom Penh
04/04/2012

RFI: Trước hết, vấn đề Biển Đông đã được nêu lên như thế nào tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh?
Thanh Phương: Trong những ngày trước hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh, đã có nhiều lời đồn đoán về việc vấn đề Biển Đông có sẽ được đưa vào chương trình nghị sự chính thức hay không. Thực tế là hồ sơ này đúng là không nằm trong chương trình chính thức, nhưng cuối cùng đây lại là một chủ đề đeo bám các lãnh đạo ASEAN cho tới cả bên ngoài phòng họp. Nhất là khi gặp Tổng thống Philippines Begnino Aquino, hầu như phóng viên nào cũng hỏi về lập trường của Manila trên vấn đề này, do tại các lãnh đạo Philippines lên tiếng mạnh mẽ nhất.

Trong bản tuyên bố chung kết hội nghị thượng đỉnh, các lãnh đạo ASEAN đã cam kết sẽ tăng cường nỗ lực trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên Biển Đông, khẳng định tầm quan trọng của Bản tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) được thông qua năm 2002, tức là cách đây 10 năm tại Phnom Penh. Nhưng trong bản tuyên bố của riêng Chủ tịch ASEAN, tức là Cam Bốt, thì vấn để Biển Đông không phải là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Các nước ASEAN đã bất đồng như thế nào trên hồ sơ Biển Đông?
Bất đồng này xuất phát từ việc người ta nghi ngờ Bắc Kinh gây áp lực lên Cam Bốt, bởi vì Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã viếng thăm nước này ngay trước ngày khai mạc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh, và không ai nghĩ rằng đây là một sự trùng hợp về thời điểm. Do quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Phnom Penh với Bắc Kinh ( Trung Quốc đầu tư vào Cam Bốt đến 1,1 tỉ đôla trong năm 2011), nên một số người nghĩ rằng chính phủ Hun Sen không thật lòng khi nêu vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
Hôm qua, tại thượng đỉnh Phnom Penh, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario xác nhận đã có” bất đồng lớn” trong việc mời Trung Quốc tham gia đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), có tính chất ràng buộc hơn để thay thế cho Bản tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).
Phía Trung Quốc trước đây đã từng tỏ ý muốn cùng với ASEAN soạn thảo Bộ quy tắc COC, nhưng ngay từ lúc đó Philippines, với sự ủng hộ của Việt Nam, dứt khoát không muốn điều đó.
Theo Ngoại trưởng Philippines, Cam Bốt nay muốn mời Trung Quốc tham gia cùng với ASEAN soạn bản dự thảo Bộ quy tắc ứng xử. Nhưng tại thượng đỉnh Phnom Penh, Philippines và Việt Nam ( có thêm sự đồng tình của Thái Lan ) vẫn yêu cầu là các nước ASEAN phải họp riêng với nhau và khi nào đạt được lập truờng chung, thì mới nói chuyện với Trung Quốc. Trả lời phóng viên sau cuộc họp thượng đỉnh hôm nay, Ngoại trưởng Thái cũng nhắc lại rằng ASEAN phải thoả thuận trong nội bộ rồi mới đàm phán với Trung Quốc.
Trước những lời chỉ trích nói trên, Thủ tướng Hun Sen đã phản bác như thế nào?
Trong cuộc họp báo kết thúc hội nghị hôm nay, Thủ tướng Hun Sen, với tư cách chủ tịch ASEAN, đã phản bác những lời chỉ trích xung quanh vấn đề Biển Đông. Cũng xin nói thêm là những câu hỏi được đặt ra trong cuộc họp báo này có vẻ là những câu hỏi có tính chất cò mồi, để ông Hun Sen có dịp phản bác những lời chỉ trích nhắm vào Cam Bốt, nhất là những lời chỉ trích từ đảng Sam Rainsy đối lập. Thành ra, phần lớn thời gian họp báo gần như là ông Hun Sen độc diễn, để biện minh cho thái độ của chính phủ Cam Bốt tại cuộc họp thượng đỉnh ASEAN lần này.

Ông khẳng định là Cam Bốt không hề cản trở việc đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự. Nhưng ông nhắc lại lập trường đã được nêu lên trong bản tuyên bố chung Cam Bốt - Trung Quốc sau khi kết thúc chuyến viếng thăm của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Đó là trước mắt các nước ASEAN và Trung Quốc nên thực hiện nghiêm túc và đầy đủ bản hướng dẫn Tuyên bố chung về ứng xử trên Biển Đông, và tiến tới kỷ niệm 10 năm bản tuyên bố này nhân hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc vào tháng 11 tới tại Phnom Penh.Theo ông Hun Sen , đây là một tiến trình mà không ai có thể bỏ được.
Ông rất giận dữ bác bỏ những lời cáo buộc là Cam Bốt đã chịu áp lực của Trung Quốc. Ông khẳng định rằng Cam Bốt là chủ tịch của ASEAN và với tư cách này Cam Bốt có quyền đề ra chương trình nghị sự của cuộc họp thượng đỉnh, không ai xen vào.
Nhưng ai cũng thấy là ASEAN, dưới quyền chủ tịch của Cam Bốt, năm nay rất có thể sẽ không tiến nhanh trong việc soạn thảo một Bộ quy tắc về ứng xử trên Biển Đông COC, có tính chất ràng buộc hơn so với Bản tuyên bố DOC và như vậy, Trung Quốc sẽ tiếp tục khai thác tình hình này để lấn lướt hơn nữa trên Biển Đông.
Các nước ASEAN đã đề ra mục tiêu trở thành một cộng đồng hợp nhất vào năm 2015, nhưng với sự chia rẽ nội bộ do vấn đề Biển Đông, xem chừng khối Đông Nam Á khó mà đạt được mục tiêu này.
Nhưng dầu sao thì chúng ta cũng phải nói về mục tiêu 2015 của ASEAN. Cụ thể, hội nghị thượng đỉnh ASEAN đã cam kết những gì để thực hiện mục tiêu này?
Tại cuộc họp thượng đỉnh ở Phnom Penh kỳ này, các lãnh đạo ASEAN đã cam kết sẽ đẩy nhanh tiến trình hội nhập khu vực, nhất là cố rút ngắn sự cách biệt giữa các nước thành viên. Và cũng trong chiều hướng trở thành một cộng đồng hợp nhất, các lãnh đạo Đông Nam Á cũng sẽ cố gắng thực kế hoạch gọi là “ Kết nối ASEAN”, tức là phát triển hệ thống thông tin và viễn thông giữa các nước thành viên. Các nước Đông Nam Á sẽ cố gắng tận dụng Quỹ Cơ sở hạ tầng ASEAN để thu ngắn khoảng cách về phát triển cơ sở hạ tầng giữa các nước trong khối này.
Cũng nhằm cho ASEAN thật sự là một khối thống nhất, hội nghị thượng đỉnh Phnom Penh còn cam kết sẽ thực hiện chế độ miễn visa toàn diện cho công dân ASEAN, cũng như lập ra một visa ASEAN chung, dành cho những người không phải là công dân ASEAN xin nhập cảnh vào các nước Đông Nam Á.
Về mặt chính trị, các lãnh đạo ASEAN cam kết sẽ thúc đẩy dân chủ, Nhà nước pháp quyền cũng như bảo vệ nhân quyền và công bằng xã hội. Với tư cách Chủ tịch ASEAN, Cam Bốt cho biết là Ủy ban liên chính phủ về nhân quyền đã bắt đầu soạn thảo Bản tuyên ngôn nhân quyền ASEAN, mà theo dự kiến sẽ được thông qua tại cuộc họp thưọng đỉnh vào tháng 11 năm nay.

Đối với quốc tế, một trong những cam kết của các lãnh đạo ASEAN tại Phnom Penh là sẽ bảo đảm cho ASEAN thành một vùng không có vũ khí hạt nhân, cũng như những vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét