Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Luật Cải Tổ Y Tế Và Tối Cao Pháp Viện

 
...Chế độ bảo hiểm y tế toàn dân thật ra là ý kiến chính của bà Hillary Clinton khi bà còn là đệ nhất phu nhân...

Trong tuần trước, chúng ta đã bàn về tương lai có thể nói mù mịt của luật Cải Tổ Y Tế -thường được gọi là Obamacare- của TT Obama. Sau khi đa số các tiểu bang thưa kiện, vấn đề đã ra trước Tối Cao Pháp Viện và đã được các thẩm phán ở đây bắt đầu cứu xét.

Như đã nói qua tuần trước, cho đến nay, ít ai dám khẳng định Tối Cao Pháp Viện sẽ biểu quyết theo chiều hướng nào, nhưng qua các câu hỏi các vị thẩm phán nêu ra, có nhiều triệu chứng cho thấy ít nhất điều luật bắt buộc mọi người phải mua bảo hiểm y tế có thể sẽ bị phán quyết là vi phạm Hiến Pháp và phải thu hồi.

Cũng trong bài tuần trước, có vài điểm tác giả đã không đào xâu hơn, gây thắc mắc cho độc giả: tại sao các tiểu bang thưa kiện chính phủ liên bang, và tại sao một luật tương tự khi ban hành tại Massachusetts trước đây đã không bị thưa trước Tối Cao Pháp Viện.

Nay xin nói cho rõ. Như tác giả có viết sơ qua, việc mua bán bảo hiểm được thực hiện trên khắp 50 tiểu bang, trở thành một giao dịch thương mại liên tiểu bang –interstate commerce- và do đó theo Hiến Pháp, chính quyền liên bang có quyền can thiệp và ra luật. Hai mươi sáu tiểu bang do Thống Đốc Cộng Hòa lãnh đạo đã thưa kiện, cho rằng chính quyền liên bang không có quyền xen vào chuyện nội bộ của các tiểu bang, chế tạo ra một giao dịch thương mại liên tiểu bang (bắt mọi người phải mua bảo hiểm), rồi ra luật áp đặt lên các tiểu bang.

Sở dĩ chỉ có các tiểu bang Cộng Hòa thưa kiện là vì trong quan niệm bảo thủ Cộng Hòa, quyền hạn của chính quyền liên bang giới hạn, trong khi quan niệm Dân Chủ cho phép chính quyền liên bang can thiệp mạnh hơn. Đây không phải là vấn đề phe đảng, cũng không phải vấn đề tranh đấu cho người nghèo hay bênh nhà giàu, mà thực sự là vấn đề quan điểm chính trị về vai trò và quyền hạn của Nhà Nước.

Tối Cao Pháp Viện trên căn bản sẽ cứu xét chính quyền liên bang có quyền hạn tới đâu dựa trên Hiến Pháp, so với quyền hạn của các tiểu bang, và so với quyền tự do cá nhân được Hiến Pháp bảo vệ.

Tại Massachusetts là tiểu bang cấp tiến nhất Mỹ, trước đây, luật cải tổ y tế của Thống Đốc Mitt Romney áp đặt bảo hiểm y tế lên dân của toàn tiểu bang được mọi người chấp nhận không ai phản đối và thưa kiện gì hết. Cho dù có thưa kiện thì cùng lắm chỉ lên đến Tối Cao Pháp Viện của tiểu bang chứ không thuộc thẩm quyền Tối Cao Pháp Viện Liên Bang. TĐ Romney đang gặp khó khăn với khối cử tri bảo thủ Cộng Hoà trong cuộc tranh cử tổng thống chính vì đã là cha đẻ luật bảo hiểm y tế toàn dân đầu tiên cũng là duy nhất trong 50 tiểu bang. Nhưng ta cũng cần ghi nhận ông Romney cho rằng luật cải tổ y tế của ông không giống luật cải tổ y tế của TT Obama, và nếu đắc cử, việc đầu tiên ông làm sẽ là thu hồi luật của TT Obama.

Trở lại việc Tối Cao Pháp Viện có thể ra quyết định thu hồi luật cải tổ của TT Obama, đây là chuyện rất có thể xẩy ra. Có một vài độc giả có nhận định lạ lùng, cho rằng cho dù Tối Cao Pháp Viện tuyên bố luật này vi hiến, TT Obama vẫn có thể cứ áp dụng cũng chẳng sao. Đây là lý luận theo sách vở của các “đỉnh cao trí tuệ loài người”, không hiểu mô tê gì về chế độ dân chủ Mỹ. Nước Mỹ có thể có một rừng luật nhưng không theo luật rừng. Tối Cao Pháp Viện phán quyết vi hiến thì tổng thống phải thu hồi thôi. Nước Mỹ không có chế độ hành pháp nắm quyền trong khi quốc hội là tay sai và tối cao pháp viện để làm cảnh.

Điều đáng nói là chẳng những có vài độc giả có phản ứng lạ lùng trước vấn đề trọng đại và phức tạp này, mà ngay cả TT Obama cũng có phản ứng còn … lạ lùng hơn nữa.

Tối Cao Pháp Viện ngày Thứ Sáu 30 Tháng Ba vừa qua đã họp để biểu quyết vấn đề. Nhưng kết quả đầu phiếu được giữ tuyệt đối bí mật trong khi các vị thẩm phán thảo ý kiến giải thích về quyết định của họ. Mọi chuyện sẽ chỉ được chính thức công bố vào hạ tuần Tháng Sáu tới. Tuy nhiên, trước những câu hỏi “hóc buá” của các thẩm phán, giới chuyên gia phần nào đã đoán được kết quả. Có lẽ TT Obama cũng đã đoán được kết quả, hay ông muốn “đánh phủ đầu” trước, nên đã có phản ứng thật mạnh và thật lạ lùng.

TT Obama công khai lên tiếng cho rằng nếu Tối Cao Pháp Viện bác luật Cải Tổ Y Tế, thì đây sẽ là một quyết định chưa từng xẩy ra –unprecedented- trong lịch sử khi mà các vị thẩm phán không ai bầu –unelected- lại có thể biểu quyết bác bỏ một quyết định của đại đa số dân biểu và nghị sĩ đã được dân bầu.

Lời tuyên bố đã gây sửng sốt trong giới luật gia. Đây là lời tuyên bố chẳng những của một tổng thống, mà cũng là của một giảng sư về luật Hiến Pháp Mỹ tại Đại Học Chicago. Sửng sốt vì chứng tỏ hai điều: 1) ông không hiểu rõ vai trò và quyền hạn của Tối Cao Pháp Viện, và không chấp nhận nguyên tắc phân quyền của chế độ chính trị nước Mỹ, và 2) không thuộc lịch sử Mỹ.

Điểm thứ nhất đáng chú ý vì lạ lùng nhất, lời tuyên bố này có thể được hiểu như TT Obama cho rằng các thẩm phán không có chính danh vì không được ai bầu, do đó không có quyền bác một quyết định của quốc hội do dân bầu.

Các thẩm phán không do dân trực tiếp bầu thật, nhưng do tổng thống đề cử và Thượng Viện phê chuẩn, tức là đã có bầu gián tiếp bởi tổng thống và các thượng nghị sĩ do dân bầu. Thật ra, ngay cả tổng thống Mỹ cũng không do dân bầu trực tiếp, mà là do dân bầu đại biểu đoàn, rồi đại biểu đoàn mới bầu tổng thống. Dù sao thì cũng không vì vậy mà các thẩm phán không chính danh và không có quyền bác một điều luật do quốc hội biểu quyết. Trong chế độ dân chủ Mỹ, vai trò của Tối Cao Pháp Viện rất rõ ràng: bảo đảm sự tuân thủ tuyệt đối Hiến Pháp, tức là cứu xét xem những quyết định của Hành Pháp và Lập Pháp có tuân theo Hiến Pháp hay không. Chuyện này là chuyện học sinh tiểu học ở Mỹ cũng đã phải học.

Tam quyền phân lập thực sự là nền tảng của chế độ chính trị Mỹ. Giữa tam quyền này từ trước đến giờ vẫn có quyền khác biệt ý kiến, thậm chí thỉnh thoảng chỉ trích lẫn nhau, nhưng chuyện Hành Pháp đặt vấn đề chính danh của Tư Pháp quả là “vô tiền khoáng hậu”. Nếu nói không chính danh thì chẳng phải chỉ có những thẩm phán “bảo thủ” do các tổng thống Cộng Hòa đề cử là không chính danh, mà ngay cả các thẩm phán “cấp tiến” do các tổng thống Dân Chủ đề cử cũng đều không chính danh hết, kể cả hai vị mới được TT Obama bổ nhiệm gần đây. Nếu không chính danh thì Tối Cao Pháp Viện cũng không còn lý do tồn tại, và cần phải hủy bỏ.

Lời tuyên bố của TT Obama đã khiến ba vị thẩm phán trong một toà kháng án liên bang tại Texas (Fifth Circuit Court) đang xử một vụ thưa kiện liên quan đến luật Cải Tổ Y Tế chính thức đòi hỏi Bộ Trưởng Tư Pháp trong vòng hai ngày phải trả lời bằng văn thư –giấy trắng mực đen- nêu rõ quan điểm của Hành Pháp Obama về vấn đề Tối Cao Pháp Viện có quyền cứu xét và bác bỏ luật do quốc hội biểu quyết hay không, để các ông biết đường phán quyết.

Hai ngày sau, Bộ Trưởng Eric Holden chính thức xác nhận Tối Cao Pháp Viện có tiếng nói cuối cùng quyết định mọi điều luật do quốc hội biểu quyết và tổng thống ký, và hành pháp Obama tuyệt đối tôn trọng mọi quyết định của Tối Cao Pháp Viện. Một cách rõ ràng bác bỏ lập luận của TT Obama là các thẩm phán không ai bầu không thể thu hồi một luật đã được quốc hội biểu quyết.

Điều hiển nhiên là thiên hạ có quyền không đồng ý với một phán quyết của Tối Cao Pháp Viện. Nước Mỹ phân hoá thành hai khối cấp tiến và bảo thủ rõ ràng. Ngay cả trong nội bộ Tối Cao Pháp Viện cũng có hai khối: bốn thẩm phán cấp tiến (trong đó có hai bà mới được TT Obama bổ nhiệm), bốn thẩm phán bảo thủ, và một vị đứng giữa, nay bỏ phiếu theo bên này, mai cho bên kia, là thẩm phán Anthony Kennedy, thường là tiếng nói quyết định. Chính vì thẩm phán Kennedy đã có những câu hỏi hóc buá nhất về luật Cải Tổ Y Tế nên mọi người cho rằng có thể ông sẽ biểu quyết theo khối bảo thủ chống lại Obamacare.

Những phán quyết có lợi cho cấp tiến đương nhiên sẽ bị phe bảo thủ chỉ trích, và ngược lại, những phán quyết có lợi cho khối bảo thủ cũng sẽ bị khối cấp tiến đả kích. Chuyện này bình thường. Nhưng đặt vấn đề chính danh và phủ nhận quyền hạn của Tối Cao Pháp Viện là điều chỉ có TT Obama là người đầu tiên dám làm.

Điểm đáng nói thứ hai là Tối Cao Pháp Viện từ ngày được thành lập đến giờ, ngay từ những ngày đầu Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ mới ra đời, đã có không biết bao nhiêu quyết định. Quyết định xác nhận việc tuân thủ Hiến Pháp, quyết định diễn giải Hiến Pháp, và cũng rất nhiều quyết định thu hồi những luật hay kết án những hành động vi phạm Hiến Pháp của lập pháp và hành pháp.

Đây là sự thực lịch sử. Không phải là lần đầu tiên Tối Cao Pháp Viện phán quyết bác một luật do quốc hội biểu quyết như TT Obama tố giác.

Điểm thứ ba nữa là TT Obama khi nói luật Cải Tổ Y Tế đã được đại đa số quốc hội thông qua là đã không nói đúng sự thật.

Luật này được cả thượng viện lẫn hạ viện thông qua tuyệt đối theo tính cách phe đảng, không có một phiếu Cộng Hoà nào. Đã vậy cũng không có đủ hết phiếu Dân Chủ vì một số dân biểu Dân Chủ bảo thủ cũng chống đối, khiến luật phải được thông qua tại thượng viện bằng một kẽ hở thủ tục biểu quyết của quốc hội. Tại hạ viện, luật được thông qua với số phiếu 219-212, chỉ qua khít nút với đa số 7 phiếu trong khi đảng Dân Chủ nắm đại đa số.

Thông qua bằng kẽ hở hay bằng bẩy phiếu đều không thể nói là thông qua bằng đại đa số phiếu được. Và hình như TT Obama cũng quên hiện nay có khoảng 60% dân Mỹ đang chống đối luật Cải Tổ Y Tế của ông, và 67% chống điều lệ bắt buộc tất cả mọi người mua bảo hiểm.

Việt Nam ta có câu “giận quá mất khôn”, không hiểu có thể áp dụng được trong trường hợp này hay không. TT Obama, xuất thân là giảng sư về luật Hiến Pháp (Constitutonal Law) phải là người hiểu rõ Hiến Pháp hơn ai hết, nhưng lại phát ngôn những lời tuyên bố hoàn toàn lạ lùng của một người không biết gì về cơ cấu chính trị Mỹ. Do đó, lời tuyên bố của ông quả là làm chấn động chính trường Mỹ.

Trong những ngày qua, báo chí, kể cả báo “phe ta” cũng đã phải lên tiếng đặt vấn đề. Nhà báo Jon Meacham của tuần báo Time đã viết bài dài khuyên nhủ TT Obama không thể công khai đánh nhau với Tối Cao Pháp Viện. Phát ngôn viên Toà Bạch Ốc trong mấy ngày liền, bù đầu tìm cách hoá giải vấn đề. Ông cho rằng báo chí và thiên hạ đã “hiểu lầm” (misunderstand), và TT Obama chỉ muốn nói đây là lần đầu tiên một luật thương mại bị bác vì Tối Cao Pháp Viện không can dự vào các giao dịch thương mại, cũng như TT Obama chỉ muốn lưu ý Tối Cao Pháp Viện nên tôn trọng quốc hội do dân bầu. Việc phát ngôn viên lúng túng bóp méo vấn đề không thỏa mãn được ai hết, nhưng rồi truyền thông phe ta cũng “thông cảm” với tổng thống và tránh đào sâu hơn câu nói hớ của tổng thống.

Nhiều chuyên gia cho rằng TT Obama không phải “nói hớ”, mà hiểu rõ ông đang làm gì. Trước nguy cơ bộ luật “để đời” của ông bị bác, TT Obama chuẩn bị thế tấn công Tối Cao Pháp Viện, đổ lỗi lên các thẩm phán bảo thủ, tìm cách kích động khối cử tri “nghèo” hay cấp tiến hăng hái bỏ phiếu bầu ông lại để ông có dịp bổ nhiệm thêm thẩm phấn cấp tiến, thay đổi thành phần Tối Cao Pháp Viện. Chiến thuật này là con dao hai lưỡi vì đồng thời nó cũng có thể kích động khối bảo thủ đi bầu đông đảo để không cho TT Obama đắc cử và thay đổi cấu trúc Tối Cao Pháp Viện. Một nước cờ nhiều rủi ro của một cao thủ.

Bà Maureen Dowd đã là nhà báo cấp tiến đầu tiên tiếp tay TT Obama trong tuần qua, khi bà viết bài trên báo “phe ta” New York Times sỉ vả Tối Cao Pháp Viện.

Có một điều rất trớ trêu mà rất lý thú mà truyền thông “phe ta” tránh nhắc lại. Chuyện thiết lập một chế độ bảo hiểm y tế toàn dân thật ra là ý kiến chính của bà Hillary Clinton khi bà còn là đệ nhất phu nhân cũng như khi bà ra tranh cử tổng thống năm 2007-08. Nhưng khi đó, bà bị thượng nghị sĩ Barack Obama chống đối và đả kích, cho rằng luật này đưa hành pháp đi quá xa, vượt quyền hạn do Hiến Pháp cho phép, cũng như tốn kém quá, không thực tế. Nhưng bây giờ thì chính TT Obama lại là người ôm lấy chủ trương của bà Hillary, và đang phải đối phó với những chỉ trích mà chính ông đã gán lên bà Hillary.

Đã có nhiều giả thuyết cho rằng TT Obama đã chuyển hướng trong vấn đề này để đổi lấy hậu thuẫn của cố thượng nghị sĩ Ted Kennedy cũng như hậu thuẫn sau này của bà Hillary Clinton. Thế mới nói trong chính trị Mỹ, “coi dzậy mà hổng phải dzậy chút nào”! Các chính khách thương thảo và trao đổi với nhau trong hậu trường, trong khi các đệ tử gân cổ chửi bới nhau ngoài đường.

Tối Cao Pháp Viện là nơi chỉ dành để giải quyết những vấn phức tạp và khó khăn nhất. Phán quyết về luật Cải Tổ Y Tế sẽ là một quyết định mang ý nghiã cực kỳ lớn lao, chẳng những vì đụng đến vấn đề sức khỏe của hàng trăm triệu người, mà còn đụng cả đến nền tảng cơ cấu chính trị Mỹ. (8-4-12)

Vũ Linh

Ghi chú: Có độc giả nhận định bài viết tuần trước chỉ là những tin vịt, “không có bằng chứng gì” về những điều tác giả viết. Trong tất cả mọi bài viết, những “dữ kiện” tác giả đưa ra đều là những sự thật mà tại xứ Mỹ này, ai cũng có thể kiểm chứng được qua hàng triệu websites, nhưng dĩ nhiên phần “nhận định, lý luận và bình luận” là ý kiến riêng của tác giả, không nhất thiết ai cũng đồng ý, kể cả Ban Biên Tập Việt Báo có thể cũng không chia sẻ quan điểm với tác giả, nhưng vẫn đăng vì muốn phản ánh tính đa dạng của báo. Nếu độc giả nào chứng minh được tin tác giả đưa ra là phịa, tác giả sẽ nhận trách nhiệm.

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét