Vụ án bắn, nổ mìn, vào đoàn cưỡng chế ở Hải Phòng do một số người trong gia đình ông Đoàn Văn Vươn thực hiện, vì quá bức xúc “khi bị vào đường cùng”… đã hé lộ nhiều vấn đề. Nhưng còn bao nhiêu câu hỏi và tình tiết đặt ra cần giải quyết, rút kinh nghiệm…
Trước khi thực hiện hành vi “quá khích” đó (họ đang bị khởi tố vụ án giết người), họ không phải là “giang hồ đất Cảng”, mà nổi lên là những người nông dân chịu thương, chịu khó, hiền lành, làm ăn chân chính đến điển hình và rất có trách nhiệm với cộng đồng. Báo chí từng có bài khen anh Vươn là kỳ tài…! Trước khi thực hiện hành vi “quá khích” đó, họ cũng đã ý thức dùng pháp luật để đòi công lý, công bằng cho bản thân, gia đình và xa hơn là cho cả mấy chục hộ dân cùng cảnh ngộ. Nhưng, trước “rừng luật” và những “thủ pháp” tinh vi của những người “cầm cân, nẩy mực”, họ đã không kiềm chế được mà “quyết một phen sống mái”…
Gần 20 năm lăn lộn với những “đồng tiền xương máu” chân chính và đã trên 40 tuổi, chắc hẳn anh Vươn và gia đình mình ý thức rất rõ việc “bắn vào đoàn cưỡng chế” sẽ có hậu quả thế nào?! Nhưng, họ liều trong sự tuyệt vọng, khốn cùng vì những biện pháp đàng hoàng nhất, theo họ, đã được thực hiện mà chính quyền vẫn cương quyết không chịu nghe, thậm chí họ vào đường cùng, tay trắng sau gần 20 năm đổ ra không biết bao nhiều công sức, tiền của và thậm chí tính mạng người con gái 8 tuổi của anh Vươn. Luật pháp đã được vận dụng nhưng hình như với đa số người dân thì rất dễ… “bị lừa” (theo ngôn ngữ không ít người dân). “Bị lừa” vì nhiều khi là sự cố ý hiểu sai, làm sai của người có thẩm quyền nhưng lắm lúc cũng do lỗ hổng luật pháp: không quy định hoặc quy định không rõ ràng.
Trong vụ án này là…cả hai!
Đầu tiên có lẽ sai sót thuộc về thẩm phán xét xử phúc thẩm Ngô Văn Anh của TAND TP Hải Phòng. Từ năm 2007 – 2009, hộ các ông Vũ Văn Luân, Đoàn Văn Vươn đã khởi kiện các quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng ra TAND huyện. Yêu cầu của họ bị tòa sơ thẩm bác bỏ. Hai hộ này kháng cáo lên TAND TP.Hải Phòng. Ngày 9.4.2010, thẩm phán Ngô Văn Anh đã lập “Biên bản tạo điều kiện để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án”. Biên bản thỏa thuận này được thẩm phán Ngô Văn Anh lập, đóng dấu của TAND TP.Hải Phòng. Sau đó, những người khởi kiện đã rút đơn kháng cáo. …
Phải nói ngay rằng đây là việc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của thẩm phán Ngô Văn Anh. Nguyên tắc của tố tụng hành chính là không hòa giải, khác hoàn toàn với nguyên tắc lớn nhất tố tụng dân sự là hòa giải. Ở đây, thẩm phán nói rõ, không úp mở là “tạo điều kiện” để các đương sự thỏa thuận với nhau (tức hòa giải). Có lẽ đây là một sáng tạo về mặt tố tụng của thẩm phán Ngô Văn Anh vì trong tố tụng hành chính chỉ có “tạo điều kiện để các đương sự đối thoại về việc giải quyết vụ án thôi”. Và, trong tố tụng cũng chưa thấy tiêu đề “Biên bản tạo điều kiện…”. Sau khi “tạo điều kiện cho các bên hòa giải”, bên khởi kiện rút đơn, thẩm phán Ngô Văn Anh đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Vậy là án sơ thẩm “quay ra” có hiệu lực. Tức, yêu cầu khởi kiện bị bác bỏ…
Mặt khác, theo “Biên bản tạo điều kiện…” trên, đại diện UBND huyện Tiên Lãng là ông Phạm Xuân Hoa (Trưởng phòng TN – MT) đã hứa: “Nếu nguyên đơn rút đơn kháng cáo, UBND huyện Tiên Lãng sẽ tạo điều kiện cho người dân được tiếp tục thuê đất để nuôi trồng thủy sản”. Lại một lần “tạo điều kiện”! Người dân nghe nói “bề trên” tạo điều kiện bằng biên bản giấy trắng, mực đen hẳn hoi thì mừng húm. Họ đâu nghi ngờ việc chủ đích của các vị cán bộ này là biến từ “tạo điều kiện” giao đất sang “tạo điều kiện” cho thuê đất? Sâu hơn, có lẽ các vị đã tính toán rất kỹ rằng miễn là dùng từ làm sao cho người khởi kiện rút đơn, án sơ thẩm quay lại có hiệu lực… rồi tính?! Và đúng như thế, khi án sơ thẩm có hiệu lực, nghĩa là quyết định thu hồi đất trước đây có hiệu lực, mà người dân không chấp hành thì “tớ” (có chữ “đầy” phía trước) có quyền cưỡng chế! Nhé!…
Nếu xem xét dưới góc độ tố tụng hành chính thì việc giải quyết vụ án này đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Ngoài việc “tạo điều kiện” hòa giải thì thẩm phán lại “quên” “tạo điều kiện” để UBND huyện Tiên Lãng thực hiện các thủ tục cho thuê đất như trong biên bản. Nghĩa là, ý định “dụ” người dân rút đơn kháng cáo rất rõ. Trong khi điều kiện “đủ” là UBND huyện “tạo điều kiện cho thuê đất” chưa được thực hiện thì Tòa án đã vội vàng đình chỉ vụ án. Đúng ra, nếu chấp nhận biên bản “tạo điều kiện…” thì vụ án chỉ được tạm đình chỉ để chờ UBND huyện thực hiện hiện các thủ tục liên quan. Vì vậy, quyết định đình chỉ vụ án của TAND TP Hải Phòng cần phải bị kháng nghị…
Về các quyết định thu hồi đất và quyết định cưỡng chế thì sao?
Theo quy định thì khi nhà nước đang giao đất hoặc cho thuê đất dài hạn mà muốn thu hồi thì phải có quyết định thu hồi. Lý do thu hồi phải dựa trên quy hoạch được duyệt và nhằm thực hiện một dự án được duyệt hợp pháp…
Ở đây, có thông tin cho rằng “thu hồi để làm dự án sân bay” nhưng trong cuộc họp báo thì chính ông chủ tịch UBND huyện Lê Văn Hiền thừa nhận là“thu hồi để cho người khác có điều kiện hơn đấu thầu thuê lại”.
Không rõ ông Chủ tịch huyện bảo “cho người có điều kiện hơn” là điều kiện gì? Về tấm lòng gắn bó, sức lực bỏ ra cải tạo vùng đất và có thể cả cơ sở pháp lý về quản lý, sử dụng vùng đất này thì gia đình anh Vươn và các hộ như anh “ăn đứt”. Về kỹ thuật, kinh nghiệm và tài chính thì cũng chưa chắc họ đã thua. Có lẽ cái thua lớn nhất là “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu? Bởi vì, khi chủ tịch huyện và em trai là chủ tịch xã (nơi có vùng đất và tài sản mà gia đình anh Vươn đang sử dụng) quyết tâm giao cho ai thì “đâu khó gì”. Và đây, Báo Pháp luật TP.HCM đã nêu: “Trong khi đó, dư luận ở địa phương từ lâu đã râm ran chuyện chính quyền “quyết tâm” thu hồi đầm của anh Vươn, ông Luân để giao cho các ông K. (ngụ xã Tiên Hưng), H. (ngụ xã Vinh Quang), P. (ngụ xã Nam Hưng). Dư luận đó thực hư ra sao? Những ông này quan hệ thế nào với các cán bộ huyện, xã cũng là điều cần làm rõ”…
Vì hồ sơ vụ án chưa được công bố đầy đủ (chẳng hạn quyết định thu hồi đất hoặc quyết định cưỡng chế) nhưng xem ra UBND huyện Tiên Lãng đã bỏ qua một thủ tục, một công việc hết sức quan trọng. Đó là thống kê và định giá tài sản của các gia đình bị cưỡng chế. Ở đây, họ đã “san phẳng” và coi như các gia đình bị cưỡng chế mất trắng. Ở đây, “các nhà làm luật lớn” của nước ta hình như đã bỏ mất quy định về thống kê và định giá một tài sản dù nhỏ nhất của người dân trước khi cưỡng chế, đập bỏ… Trong quan hệ hành chính, hình như cơ quan nhà nước cho rằng là “bề trên” nên được quyền đập bỏ tài sản của dân mà mình cho là dân sai phạm và không cần thống kê hay định giá? Bởi thực sự không có quy định bắt buộc này! Điều này là rất không đúng và tạo nên sự tùy tiện trong xử lý hành chính. Người dân vẫn còn được khiếu nại, khởi kiện cơ mà. Nếu người dân sai mà nhà nước phải cưỡng chế thì cho phép thu tiền phí cưỡng chế. Nhưng, đặt trường hợp người dân sau một thời gian dài khiếu nại, khởi kiện đúng thì nhà nước lấy cơ sở đâu mà đền khi không thống kê, định giá những tài sản đã bị đập bỏ? Không ít người dân “ăn được vạ thì má đã sưng” vì điều này?… Vì vậy, theo chúng tôi là nhà nước cần bổ sung bắt buộc thực hiện ngay quy định về thống kê, định giá trước khi cưỡng chế, đập bỏ tài sản nào đó trong xử lý vụ việc hành chính.
Ở đây, gia đình anh Vươn còn khiếu nại, khởi kiện về giao đất, cho thuê đất, quyết định thu hồi, cưỡng chế…Vụ việc chắc chắn còn phức tạp, kéo dài và phần thắng chưa biết thuộc về ai mà đã “san phẳng, không đền bù một xu” tài sản của người ta, không thống kê, định giá là sai hoàn toàn. Nếu cho thuê đất có thời hạn ngắn thì tài sản trên đất của người thuê (cây cối, hoa màu, cá tôm trong đầm, nhà cửa…) trước khi chủ thuê lấy đất lại phải được tôn trọng chứ chưa chưa nói ở đây cho thuê dài hạn!
Một vấn đề nữa là việc thi hành bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật cũng không được quy định chặt chẽ. Ở đây, cho rằng án đã có hiệu lực nên quyết định thu hồi đất của huyện Tiên Lãng đương nhiên có hiệu lực; nếu người “thua” (dân) không tự nguyện thi hành thì UBND huyện “bồi thêm” quyết định cưỡng chế… Những việc này UBND huyện không cần làm đơn yêu cầu thi hành án để cơ quan này “theo dõi” như trường hợp người dân thắng kiện. Có lẽ Luật Tố tụng hành chính cho rằng trường hợp người dân khởi kiện quyết định của cơ quan nhà nước mà bị bác, án có hiệu lực thì đương nhiên phải thi hành và người có quyền yêu cầu, cưỡng chế thi hành không ai khác chính là cơ quan ban hành quyết định đó nên không quy định rõ việc tham gia của cơ quan thi hành án dân sự? Điều này dẫn đến sự lạm quyền của kẻ “đá bóng, thổi còi” như trong trường hợp cưỡng chế nhà anh Vươn là khá rõ. Bởi, nếu qua thi hành án dân sự thì chắc chắn việc kiểm kê, định giá tài sản trước khi cưỡng chế sẽ được thực hiện… Vì vậy, Luật tố tụng hành chính lại một lần nữa cần bổ sung quy định này mới tạo được sự công bằng với người dân.
“Đồng tiền liền khúc ruột”; máu, nước mắt, công sức , tài sản của người dân, của nhà nước và của các cán bộ công an, quân đội đã đổ xuống xung quanh vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng này quá nhiều rồi! Sẽ còn rất nhiều câu hỏi xung quanh vụ này: Liệu anh Vươn và những người bị bắt có bị xử lý tội “giết người” hay tội khác? Giả sử cơ quan thẩm quyền kết luận việc ban hành các quyết định là sai, túc việc tổ chức cưỡng chế cũng sai luôn, sai cả quy trình công tác khi sự việc phức tạp không dừng lại xin ý kiến như ông Giám đốc công an TP Hải Phòng phát biểu… thì việc trách nhiệm của những người làm sai thế nào?…
Tác giả gửi cho Quê choa
(Bài vở gửi đăng QC là chủ kiến riêng của tác giả, không hẳn là chủ kiến của QC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét