Trần Khải
Đón năm mới, truyền thống dân tộc Việt Nam là gửi cho nhau những lời chúc xuân, sau khi đưa tiễn một năm cũ, một năm khi nhìn lại thường được xem là chưa tốt đẹp, là để kỳ vọng một năm mới đầy hứa hẹn những điều tốt đẹp.
Do vậy, truyền thống là các lễ cúng giao thừa là chọn các trái cây có âm vang của những hình ảnh thịnh vượng, thí dụ cúng mâm trái cây “cầu, vừa, đủ, xài...” Nghĩa là trái mãng cầu, trái dừa, tráí đu đủ, trái xoài... Tương tự, dân Miền Nam cúng cơm ngày xuân thường có nồi canh trái “khổ qua...” nghĩa là những nỗi khổ đã qua rồi. Không hiểu lúc đầu ai đặt tên tráí này, nhưng thấy rõ là ước mơ cho một tương lai để tiễn đưa những ngày khổ nạn là ước mơ chung của nhân loại, vì cõi này quá đau khổ, đầy bất toàn, đầy bất công, đầy thiên tai bão lụt, đầy giặc giã chiến tranh...
Ước mơ đưa tiễn những nỗi khổ đau trong văn học Việt Nam đã được mô tả tuyệt vời qua câu đối xuân:
Sáng mồng một, rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.
Đó là văn chương của cụ Nguyễn Công Trứ, một cặp câu đối làm vào dịp tết lúc còn hàn vi. Thời của cụ đúng ra là còn thơ mộng, vì không có cường hào như kiểu Tiên Lãng, không có công an phi thân kẹp cổ dân biểu tình, không có xã hội đen vâng lệnh đảng ‘xử đẹp’ những người kêu gọi giữ gìn Biển Đông, và vân vân.
Đồng bào ở quê nhà đại đa số còn nghèo thê thảm lắm. Nơi đó, các quyền làm người căn bản đang bị xiết, quyền tự do phát biểu (bao gồm: tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do xuất bản) bị ngăn cản, quyền bầu cử và ứng cử bị kềm kẹp, quyền tự do kinh doanh bị hạn chế vì các ưu đãi về cơ hội và tài nguyên đất chỉ ưu đãi cho cán bộ và phe cánh...
Do vậy, hai lĩnh vực trực tiếp của đời sống là giáo dục và y tế bây giờ nằm ngoàì tầm tay của dân nghèo. Nơi đó, bước vào cổng trường là phải cúng tiền cho ‘sổ vàng’ và bước ra là phải dẫn con em tới nhà thầy cô học thêm để khỏi bị thầy cô trả thù, khỏi bị ghét bỏ, khỏi bị cho điểm xấu. Và vào bệnh viện, lối nào cũng cần có phong bì... Y đức bây giờ là chuyện xa xỉ.
Nghèo là chuyện thường ngày của đa số dân mình. Đặc biệt hình ảnh nghèo này không thơ mộng như được mô tả trong sách vở của thời cụ Nguyễn Khuyến, cụ Nguyễn Công Trứ... mà mang đầy vị đắng, vì chế độ đã lặng lẽ bỏ mặc những người bên ngoài đảng.
Nhà văn Tưởng Năng Tiến, trong bài viết nhan đề “Cuối Năm Nói Chuyện Cuối Đời” trên blog của đài RFA (http://www.rfa.org/vietnamese/) đã cho thấy chính phủ Hà Nội phủi tay với dân nghèo, trích:
“...Tương tự như hai bài phóng sự viết về cuộc đời của cụ Phạm Đờn và cụ Đặng Huần, bên dưới bài viết về ông Thành cũng có những dòng chữ cuối – chỉ dẫn cách giúp đỡ đương sự – như sau:
“Mọi sự hỗ trợ của cộng đồng, độc giả đối với trường hợp ông Nguyễn Văn Thành có thể chuyển đến tận tay ông trước cửa Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn, thuộc Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai, địa chỉ số 14, Bùi Văn Hòa, phường Hòa Bình - TP Biên Hòa.”
Không thấy ông nhà báo gì đến sự hổ trợ của Đảng, Nhà Nước, hay những ban ngành hội hè vớ vẩn gì đó – của Mặt Trận Tổ Quốc. Trong cả ba bài phóng sự thượng dẫn cũng đều không có một chữ nào đề cập đến nguyên nhân, và trách nhiệm – của bất cứ ai – về những mảnh đời te tua và bầm dập của những công dân lão hạng kể trên. Cứ như thể họ là những người thuộc một quốc gia hay hành tinh nào khác, chứ không phải là những công dân của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Tôi chợt nghĩ: lỡ sáng mai bà Phạm Đờn hay ông Nguyễn Văn Thành khi mở mắt ra và (bỗng) thấy mình đang sống trong một cái nursing home ở California – giường êm nệm ấm, cơm bưng nước rót, cam tươi sữa hộp cạnh bên, cả đống y tá bác sĩ lăng xăng kế cận – mà không dưng muốn... rơi nước mắt! Hai vị dám tưởng là mình đã lên tới thiên đường dù thực sự là họ vừa lạc vào tầng đầu địa ngục, theo như cách nhìn của nhiều người đang sống ở những quốc gia không có Độc Lập -Tự Do - Hạnh Phúc - như ở nước ta.”(hết trích)
Đó là, chỉ mới nói chuyện thoát nghèo. Nhưng để ăn canh ‘khổ qua...’ thì phải dám nếm vị đắng. Bởi vì, có vị thuốc thần nào mà không đắng, bởi vì, tận gốc rễ là để chữa ‘lỗi hệ thống’ thì không thể nào chỉ xoa dầu cù là ‘chỉnh đảng,’ một thứ thuốc đã xài quá nhiều lần, và thực tế chẳng công hiệu gì hết – hãy nhìn những Vinashin đốt tiền dân và ngập nợ, và được chính Thủ Tướng ‘ban phép lành’ bằng cách tách làm mấy phần, sáp nhập một số phân xưởng vào 2 đại công ty quốc doanh khác... nghĩa là, giúp xóa vết tích hồ sơ tham nhũng, trong khi, nếu chuyện này xảy ra ở Mỹ, lập tức FBI tới niêm phong văn phòng, tịch thu hết hồ sơ để điều tra xem tiền mất từng khoản là lỗi của ai.
Cũng những ngày cuối năm, một lời mời gọi từ nhà báo Bùi Tín trên blog Đaì VOA đã đề ra giải pháp chữa ‘lỗi hệ thống,’ qua bài nhan đề “Ước mơ Nhâm Thìn: Thời cơ và bẻ lái” để đưa đất nước đi thẳng vào hệ thống dân chủ đa đảng, trích:
“Về đối nội, lãnh đạo hãy tự tin và tin ở nhân dân, bẻ ngoặt vào con đường dân chủ đa đảng trong trật tự và luật pháp, như ở mọi nước dân chủ, tiến bộ, văn minh. Hãy dũng cảm chấp nhận “trò chơi dân chủ”, chấp nhận sự phán xét công bằng của cử tri qua lá phiếu. Đảng Cộng sản từng sống cùng đảng Dân chủ và đảng Xã hội, cũng đã từng cho phép đảng viên Quốc dân đảng, Đại Việt tham gia Quốc hội, nay sao lại có người sợ, một nỗi sợ quá đáng. Có đảng mới, cũng là của nhân dân, tham gia bầu cử, đảng CS sẽ có điều kiện để ganh đua, tự rèn luyện mình. Có như vậy, nghị quyết về củng cố đảng CS của Hội nghị trung ương 4/khóa XI mới có thể thực hiện được, tránh cho đảng bị tan vỡ, tiêu vong.
Về đối ngoại, lãnh đạo hãy sáng suốt quả đoán chủ động đưa nước ta gắn bó toàn diện keo sơn với thế giới dân chủ, trong khi vẫn giữ hòa khí quan hệ láng giềng tốt với Trung Quốc. Hãy khôn khéo tách dần khỏi “16 chữ vàng”, giữ vững nền độc lập và chủ quyền đất nước.
Thực hiện việc tận dụng thời cơ và bẻ lái trên đây, nước ta sẽ có một tư thế hoàn toàn mới, một bộ mặt hoàn toàn mới, vị thế chiến lược mới sẽ tạo nên lực mới.
Trên đây chính là 2 điểm then chốt để cứu dân cứu nước, thực hiện yêu cầu khẩn thiết của đông đảo tri thức là cần thay đổi hệ thống đồng bộ, thay hệ thống chính trị đi với thay hệ thống kinh tế - tài chinh - văn hóa, đổi mới đường lối đối nội cùng đường lối đối ngoại, hội nhập hoàn toàn với thế giới dân chủ văn minh.”(hết trích)
Không có đường nào khác hết, nếu muốn đưa tiễn những ngaỳ đau khổ của toàn dân cho qua đi.
Dân chủ đa đảng không là thuốc thần. Thực sự vẫn có những vị đắng nội tại. Nhưng trong nền dân chủ này, ai cũng có quyền nói, quyền viết, quyền in ấn xuất bản, quyền kinh doanh bình đẳng, quyền bầu cử và ứng cử bình đẳng, quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền bình đẳng hưởng dụng giáo dục và y tế...
Và lời cuối bài này, xin trân trọng kính chúc quê nhà năm mới hòa bình và thêm nhiều cơ hội tiến về dân chủ, kính chúc toàn dân và quý độc giả một năm mới an khang, thịnh vượng, hạnh phúc...
VIETBAO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét