Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

Tại sao chế độ cộng sản chỉ có thể thay thế chứ không có thể cải tổ

Ông Boris Eltsine, Cựu Tông thống Nga, cựu Ủy Viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Sô, đã từng tuyên bố :

« Chế độ cộng sản chỉ có thể bị thay thế, chứ không có thể cải tổ.

Tại sao ?

Thay thế có nghĩa là phải làm cách mạng để thay thế hoàn toàn chế độ, từ ý thức hệ, thể chế chính trị, bắt đầu bằng hiến pháp, tới giai tầng lãnh đạo, và trật tự xã hội. Khác với cải tổ là vẫn giữ chế độ, vẫn giữ giai tầng lãnh đạo và trật tự xã hội cũ; nhưng chỉ thay đổi một vài sự kiện nhỏ, như tu chính hiến pháp, thay một vài người lãnh đạo, và làm xoa dịu một vài bất công quá lộ liễu, trong khi đó thì đại đa số dân vẫn sống trong bất công.

Một trong những nguyên do chính của sự việc chế độ cộng sản chỉ có thể thay thế chứ không có thể cải cách là vì đó là một chế độ độc tài toàn diện, đi từ A tới Z.

Nếu nhìn trong lịch sử nhân loại cận đại, thì chỉ có 2 chế độ độc tài mà ngày hôm nay người ta gọi là độc tài toàn diện, toàn trị, có nghĩa là cai trị trên mọi lãnh vực của đời sống con người, đó là chế độ toàn trị phát xít Hitler và chế độ toàn trị cộng sản. Hai chế độ này, mặc dầu bề ngoài chống nhau, nhưng bản chất của nó giống nhau, chỉ là mặt trái, mặt phải của một đồng tiền. Cả hai đều là tàn dư của chế độ quân chủ phong kiến, cả 2 chỉ là đống tro tàn của chế độ quân chủ phong kiến, nhưng trước khi tàn, nó bùng lên ở bên phải, đó là chế độ phát xít, bùng lên ở bên trái, đó là chế độ cộng sản ; nhưng cả hai đều biết dùng những phương tiện khoa học hiện đại để tăng cường cho độc tài của mình. Đó cũng là ý kiến của nhà văn hào nổi tiếng Georges Orwells, tác giả quyển ( Animal Farm), xuất bản năm 1945, ví cộng sản như loài xúc vật, rồi quyển « 1984 », xuất bản năm 1949, nói đến độc tài cộng sản là một độc tài cực quyền và đã biết lợi dụng kỹ thuật của khoa học để tăng cường cho những hành động độc tài, như hành động dùng máy bay trực thăng nhòm vào cửa sổ người dân, để theo dõi đời sống tư nhân của họ. G. Orwells tiên đoán cộng sản sẽ sụp đổ năm 1984, vì vậy quyển truyện mang tên 1984. Chế độ phát xít Hitler cũng vậy, muốn kiểm sóat con người từ cách suy nghĩ cho tới hành động ngoài đời, chi phối đời sống xã hội trên mọi lãnh vực, từ tư tưởng, kinh tế, chính trị, quân sự, công an, tuyên truyền. Cả hai chế độ đều cai trị dân bằng cái loa, cái còng và cái súng. Cái loa chính là bộ máy tuyên truyền xảo trá, bôi bác sự thật và cho dân ăn bánh vẽ. Chính Goebel, Bộ trưởng Thông tin tuyên truyền phát xít, có nói : « Dù một sự việc không phải là sự thật ; nhưng chúng ta cứ nhắc đi, nhắc lại nhiều lần, lúc đầu dân không tin, sau trở nên bán tín, bán nghi, cuối cùng tin đó là sự thật. » Chúng ta chỉ lấy một sự kiện nhỏ là cả 2 chế độ, đều bắc loa ở mọi đầu phố, ra rả tuyên truyền, bắt dân phải nghe từ ngày này qua ngày khác, không muốn cũng phải nghe.

Về lãnh vực tuyên truyền, thì cộng sản học phát xít. Theo những sử gia, thì khi tiến vào Bá Linh năm 1945, việc đầu tiên Hồng quân Liên sô kiếm, ngoài những nhà bác học Đức, còn có nhật ký của Goebel, với mục đích để học hỏi cách tuyên truyền của người này.

Chính vì chế độ cộng sản cũng như chế độ độc tài phát xít là toàn diện, được ví như một tảng đá, người ta không thể tách nó ra để sửa chữa, cải tổ từng mảnh, từng phần, vì nếu tách ra, thì nó sẽ bể tan. Chỉ có cách là dùng nó, hay vất nó đi, dùng tảng đá khác.

Một nguyên nhân khác, đó là là chế độ được dựng trên sự không tưởng của lý thuyết Mác, lâm vào cảnh đẽo chân để đi vừa giày, từ đó kéo theo sự dối trá để lừa bịp, và dùng cái súng và cái còng để đàn áp, tạo nên một giai tầng lãnh đạo vừa gian manh, dối trá, vừa ác ôn, côn đồ, một bọn ăn cướp, giết người công khai, vì chúng mang danh chủ nghĩa và có quyền.

Ở đây, tôi không thể phê bình chi tiết lý thuyết của Marx, xin quí Vị xem những bài trước của tôi (1), tôi chỉ xin nêu ra một vài điều không tưởng và sai lầm. Chẳng hạn Marx chủ trương bãi bỏ quyền tư hữu. Đây là điều sai lầm và không tưởng : Sai lầm ở chỗ là quyền tư hữu không thể bãi bỏ mà chỉ có thể chuyển nhượng. Chính vì vậy, mà khi đảng cộng sản cướp được chính quyền, nói rằng bãi bỏ quyền tư hữu, đánh tư bản mại sản ; nhưng thực tế là tước đoạt quyền tư hữu của toàn dân, để trao vào tay một thiểu số cán bộ đảng đoàn, xã hội trở nên vô cùng bất công, trái hẳn với điều Marx mơ ước rằng xã hội cộng sản là một xã hội công bằng, cũng như trái hẳn với điều Marx nghĩ là quyền kinh tế quyết định ; nhưng trong xã hội cộng sản, chính quyền chính trị quyết định. Không tưởng ở chỗ là bãi bỏ quyền tư hữu chính là bãi bỏ một động lực giúp con người làm việc ; nên trong xã hội cộng sản bị lâm vào cảnh cha chung không ai khóc, ruộng chung không ai cày, nhà chung không người chăm xóc.

Những người cộng sản, bắt đầu từ Lénine, nhờ một đảng, dùng bạo lực cướp được chính quyền, áp dụng lý thuyết sai lầm và không tưởng của Marx, bị lâm vào hoàn cảnh « Đẽo chân để đi vừa giày « , dùng bạo lực để đàn áp, giết chóc những ai không nghe theo, đồng thời dùng bộ máy thông tin, tuyên truyền để nói dối người khác và lừa bịp dân.

Không phải là một sự tình cờ khi ông Gorbatchev, đã từng là Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Liên sô tuyên bố :

« Tôi đã bỏ hơn cả nửa đời người đấu tranh cho lý tưởng cộng sản ; nhưng nay tôi phải đau buồn mà nói rằng : Cộng sản chỉ biết tuyên truyền và nói láo. »

Ngày hôm nay, không những sự kiện tuyên truyền và nói láo, mà cả những việc giết người, không chỉ giết dân Nga, mà cả những dân tộc khác, như vụ giết hơn 20 000 sĩ quan quân đội Ba Lan trong thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến. Chính đương kim Tổng Thống Nga, Medvedev, trong dịp Kỷ Niệm 50 Chiến thắng Đệ Nhị Thế Chiến, đã tuyên bố :

« Chế độ cộng sản là một guồng máy sản xuất sự dối trá và giết người, không những giết chính dân mình, mà cả dân tộc khác. »

Nhà kinh tế học Nga, ông Girsh Itsykhovic Khanin, làm cho người ta ngạc nhiên về công trình nghiên cứu của ông về kinh tế Liên Sô suốt thời gian cộng sản nắm quyền. Theo ông, từ năm 1928 tới năm 1985, Tổng sản lượng quốc gia Liên sô không phải tăng trưởng gấp 84 lần, như giới lãnh đạo thường rêu rao, mà chỉ được nhân lên gấp 6,6 lần. Chẳng hạn từ năm 1928 tới năm 1940, Tổng sản lương chỉ tăng trưởng là 3,2%, trong khi đó chính quyền rêu rao là 13,9% ; từ năm 1980 tới năm 1985, tăng trưởng chỉ là 0,6%, trong khi chính quyền nói là 3,5% ( Theo Capital – Histoire – Les grandes Empires économiques – Hors série Mai-Juin 2011- Paris).

Một chế độ mà dựa trên một lý thuyết vừa sai lầm và vừa không tưởng, lại được áp dụng bởi một nhà nước độc tài, dựa trên độc đảng, chỉ dùng cái loa để tuyên truyền, bôi bác sự thật, cho dân ăn bánh vẽ, dựa trên cái súng và cái còng để dọa nạt, bỏ tù, giết những ai không nghe lời, thì chế độ này chỉ có thể bị thay thế, chứ không thể cải tổ, như chính lời một cán bộ cao cấp Đảng Cộng sản và đồng thời sau này là Tổng thống xứ Nga, ông Boris Eltsine, đã nói.

Paris ngày 30/04/2011
Chu Chỉ Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét