Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Vì Sao Ông Dũng Phải Nhắc Đến Việt-Nam Cộng-Hòa

Tâm Việt
Vì sao ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ-tướng CSVN, thứ Sáu vừa rồi, 25 tháng 11, đã phải nhắc đến ba lần đích-danh "chính-phủ Việt-nam Cộng-hoà" khi trả lời hai đại-biểu Quốc-hội ở Hà-nội về vấn-đề chủ-quyền của VN trên biển Đông?
Làm việc này, có người cho rằng ông Nguyễn Tấn Dũng đã tiến bộ rất lớn so với 3,6 triệu người đồng-đảng của ông trong hơn 36 năm qua kể từ khi CS miền Bắc cưỡng-chiếm xong miền Nam vào tháng 4/1975.  Để hiểu vấn-đề, ta nên nhớ lại là khi CS mới vào Sài-gòn, họ hoàn-toàn phủ-nhận chính-quyền miền Nam và gọi đó là "nguỵ-quân, nguỵ-quyền."  Cho đến khi Nguyễn Văn Linh quyết-định về chính-sách Đổi Mới (1986) thì mới có quyết-định tránh dùng hai chữ "nguỵ-quân, nguỵ-quyền" mặc dầu thỉnh thoảng rơi rớt, các sách báo Hà-nội và các cơ-quan tuyên-truyền của Hà-nội vẫn vô tình hay cố ý dùng hai chữ miệt-thị này.  Nhưng ngày nào Hà-nội còn không công-nhận chỗ đứng chính-danh của chính-quyền miền Nam, một quốc gia được 60 quốc gia khác trên thế-giới công-nhận trong một thời-gian dài (từ 1948 đến 1975), thì ngày đó Hà-nội không giẫy được ra cái nghịch-lý này:
Một là Phạm Văn Đồng, bằng công-hàm ngày 14/9/1958, đã (a) hoặc là "bán da gấu" cho Chu Ân-lai khi công-nhận định-nghĩa chủ-quyền của Trung-Cộng 10 ngày trước đó, nghĩa là bán một vật mà không thuộc quyền sở-hữu của Hà-nội lúc bấy giờ; (b) hoặc là đã trắng trợn dối trá, không nói sự thật, tóm lại là đã "bất tín" đối với Bắc-kinh khi biết rõ là mình viết một tờ giấy lộn.  Cả hai thái-độ đều không thể chấp nhận được trong đời sống quốc-tế và cũng chính vì thế mà Bắc-kinh đã nắm đầu được Hà-nội từ bấy lâu nay vào trong một cái vòng kim-cô không thể gỡ ra nổi.  (Cũng chính vì thế mà ông Lưu Văn Lợi, khi đã bỏ thời giờ ra viết nguyên một cuốn sách về chuyện này, vẫn không gỡ tội được cho ông Phạm Văn Đồng, và chúng ta cũng phải hiểu là cho ông Hồ Chí Minh bởi không thể nào ông Phạm Văn Đồng có thể tự ý mà viết được cái công-hàm "đưa đầu vào thòng lọng" kia.)
Hồ Chí Minh: "Thằng Đồng bán nước, không phải tớ đâu nhé!"
Nhưng khi công-nhận một sự thật hiển-nhiên như ông Nguyễn Tấn Dũng vừa làm hôm thứ Sáu vừa qua thì mọi sự sáng tỏ.  Tuy lời phát biểu long trọng của ông trước Quốc-hội CS  ở Ba Đình là một đòn trời giáng vào một vị tiền-nhiệm của ông, nó ít nhất gỡ được VN ra khỏi cái vòng kim-cô mà bấy lâu nay ông và các "đồng-chí" của ông không cục cựa ra khỏi được!
Nó cũng ít nhiều chứng tỏ là ông có bản-lĩnh hơn các cấp lãnh-đạo đồng-đảng của ông (dù cũng như nhiều phát biểu của ông trước đây, nó cũng tỏ ra ông có thể là một con người bất nhất--tựa như lời tuyên-bố của ông chống tham-nhũng khi ông mới ngồi vào ghế thủ-tướng).  Bất nhất nhưng biết sửa cái sai trước đây thì vẫn là một thái-độ can đảm, can đảm hơn 3,6 triệu con cừu trong đảng của ông!
Cái được
Cái được thứ nhất là ông chứng tỏ ông cao hơn các đồng-uỷ-viên Chính-trị-bộ của ông một cái đầu.  Song cái đó chỉ là một cái được cá-nhân, nó chưa ý nghĩa gì lắm khi, như ông Bùi Tín đã có hơn một dịp nhắc, cả cái Bộ Chính-trị ở Hà-nội là một đám người lùn!
Cái được hơn là qua lời phát biểu của ông, ông đã trả lại được danh-dự cho một chế-độ tưởng đã chết.  Không những chế-độ đó đã không chết, nó còn đang cần phải dựng lại để đem chính-nghĩa về cho Việt-nam, để đảm bảo sự liên-tục chủ-quyền lịch-sử của VN từ thế-kỷ thứ XVII (dưới thời các chúa Nguyễn, như chính ông Dũng cũng đã xác-nhận) qua thời thuộc Pháp sang đến thời Quốc gia VN của ông Bảo Đại (Hội-nghị San Francisco năm 1951), thời Đệ nhất Cộng-hoà của ông Ngô Đình Diệm và thời Đệ nhị Cộng-hoà kế-thừa đất nước từ chính-phủ Ngô Đình Diệm.  Có thế tháng 1/1974, Hải-quân VNCH mới dám chống trả (anh-dũng) tàu xâm-lăng của Trung-Cộng vào Hoàng-sa và có thế ta mới tin tưởng đủ ở chính-nghĩa của ta để xin đưa vấn-đề ra Liên-hiệp-quốc.  Xin nhắc lại ngay lời của ông Dũng ở đây: "Đến năm 1974 cũng Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý hiện tại của chính quyền Sài Gòn, chính quyền VNCH đã lên tiếng phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên Hợp Quốc can thiệp."
Nói như ông Dũng tuy là gan cùng mình song chính thật cũng là chỉ đi theo dân mà thôi.  Bởi chính người dân thường ở ngay Hà-nội, qua nhiều chủ-nhật trong tháng 6 tháng 7 năm nay, đã trưng tên và cả hình ảnh của các chiến-sĩ Hải-quân VNCH chết trong trận hải-chiến Hoàng-sa vào tháng 1/1974 để gọi họ là anh-hùng
Tóm lại, nói như ông Dũng chẳng qua chỉ là đi theo người dân để mua lại, vớt vát chút niềm tin mà người dân đã mất từ lâu vào đảng CS của ông!
Vì sao?
Thiết tưởng trả lời câu hỏi này cũng không khó.  Ông Nguyễn Tấn Dũng có thể mù mờ nhiều chuyện (như chuyện bauxit, chuyện PMU 18, chuyện Vinashin...) song ông chắc chắn là một con người chính-trị, nhìn ra được những nguy-cơ sắp đổ vào đầu chế-độ của ông--và thế cũng có nghĩa là vào đầu ông.
Một, chuyện Mùa Xuân Ả-rập đã từ tháng 2 năm nay đánh sập các chế-độ chuyên-quyền--tưởng vững như bàn thạch--ở Tunisie, Ai-cập, Lybia, sắp tới là Yemen (ông Saleh đã bằng lòng từ chức), và có lẽ không bao lâu nữa sẽ đến lượt Syria của ông Bashar al Assad (Liên-đoàn Ả-rập cấm vận chế-độ của ông, Thổ-nhĩ-kỳ kêu gọi ông từ chức).
Hai, Miến-điện đã ngưng dự-án đập Myitsore do Trung-Cộng tài-trợ, thả trên 300 tù-nhân chính-trị, sửa cả hiến-pháp để cho bà Aung San Suu Kyi có thể ra tranh cử trở lại mặc dù bà đã là một "tù-nhân" chính-trị trong hơn 20 năm.  Dựa vào những bước đầu ý nghĩa này, bà Ngoại-trưởng Hoa-kỳ Hilary Clinton sắp sang Miến-điện gặp cả phe chính-quyền lẫn linh-hồn của phe đối-lập là bà Suu Kyi.
Ba, tình-hình kinh tế VN hôm nay vô cùng bi đát, đầu tư ngoại-quốc cạn dần, thị-trường chứng-khoán thì coi như không có, lạm-phát ở mức trên 20 phần trăm (và cao hơn nhiều nữa trong nhiều mặt nhu-yếu-phẩm), hệ-thống ngân-hàng phải tái-cơ-cấu vì có nguy-cơ sụp đổ ngày một ngày hai và chính-quyền đang chuẩn-bị cho một đợt ăn cắp vàng và đô-la của dân... nghĩa là tuyệt vọng!
Trong khi đó thì Trung-Cộng đang ép cho đến tắc thở!
Chưa đủ
Trong thế này, ông Dũng đang tìm cách gỡ bí.  (Ta không nên tin những nguồn tin cho rằng giữa các ông Dũng và ông Sang, ông Trọng đang có những chia rẽ trầm trọng!)  Song cũng phải nói ngay là một lời tuyên-bố như của ông hôm rồi vẫn chưa đủ--dù như sự tương-đối yên lặng của Bắc-kinh trước lời tuyên-bố đó cũng chứng tỏ là nước bước mới của ông đang có hiệu-ứng, làm cho Trung-Cộng khá lúng túng, chưa biết trả lời làm sao.
Điều cần làm hơn nữa là để có hậu-thuẫn từ người dân, ông và những "đồng-chí" của ông cần bắt chước Miến-điện để mà nới lỏng dần chế-độ, đưa 90 triệu dân sớm đến một chế-độ dân-chủ thực-sự, có nhân-quyền, có tự do báo chí và ngôn-luận, có tự do hội họp và quyền thành-lập hội-đoàn, đoàn-thể, công-đoàn để có thể đi đến một chế-độ dân-cử đích-thực trong đó người dân, trong vài ba năm, có thể có được những cuộc bầu cử lương thiện nhằm chọn những đại diện xứng đáng cho 90 triệu dân--đưa đất nước vào một con đường xán lạn.

Dư luận sau phát biểu của TT Nguyễn Tấn Dũng

Tuesday, 29 November 2011 08:05
Written by Định Nguyên, thông tín viên RFA
Phiên họp Quốc hội khóa XIII.
Lần đầu tiên một trong những quan chức cao cấp nhất của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phát biểu một cách mạnh mẽ và công khai trên diễn đàn lập pháp, gây ngạc nhiên cho dư luận trong cũng như ngoài nước. Thông tín viên Định Nguyên có bài tìm hiểu và trình bày sau đây.
Bước đột phá ngoại giao
Dường như có tiếng thở phào khoan khoái đâu đó của những người hằng quan tâm đến vận mệnh đất nước, khi nghe nhà lãnh đạo cao cấp Việt Nam, TT Nguyễn Tấn Dũng, trả lời một cách mạnh mẽ và dứt khoát về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa trước Quốc Hội trong phiên chất vấn vào ngày 25/11/2011.
Việc Trung Quốc gây áp lực lên nhà cầm quyền, khống chế ngư trường thuộc lãnh hải Việt Nam, đẩy ngư dân vào cùng đường sinh kế, đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ đưa đến những cuộc biểu tình của người dân gần đây. Trong khi động thái của chính quyền có thể nói là “khá yếu”, ngoài những câu phản đối lấy lệ của người phát ngôn Bộ Ngoại Giao.
Lời tuyên bố này có thể là kết quả của những bước đột phá ngoại giao gần đây của VN. Từ cuộc Hoa du của ông TBT Nguyễn Phú Trọng, Ấn du và Phi du của ông Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang đến Nhật du của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhằm đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam cùng các nước nói trên đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Khi công bố với quốc dân đồng bào qua Quốc Hội cũng có nghĩa là công bố với thế giới, Việt Nam không còn muốn để anh bạn khổng lồ “phương Bắc” bắt nạt mãi, điều này càng ngày càng đào sâu thêm mâu thuẫn với người dân trong nước, khi nhìn vào một thành viên khác của ASEAN là Miến Điện đang dần tách ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc khá ngoạn mục và nhận nhiều sự ủng hộ của quốc tế.
Trong bài phát biểu của ông Dũng, điều gây ngạc nhiên cho mọi người là ông nói đến chính quyền Sài Gòn và nhấn mạnh là chính quyền Việt Nam Cộng Hòa với ý nghĩa là một chính phủ có đầy đủ pháp lý trong việc quản lý hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trước khi bị Trung Quốc Cưỡng chiếm vào năm 1974.
Phản ứng tích cực
Dư luận chung phản ứng như thế nào trước lời phát biểu mang tính chất lịch sử của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng? Chúng tôi tìm đến luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc Tp.HCM. Ông cho rằng điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các phong trào yêu nước trong nước, ông nói:
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 25/11. Courtesy chinhphu.vn
“Nói chung, phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, lần đầu tiên khẳng định Trung Quốc dùng vũ lực để đánh chiếm là một yếu tố rất mới. Trong phát biểu của mình, Thủ tướng nói đến chính quyền Sài Gòn mà còn nhấn mạnh Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Có nghĩa về mặt pháp lý mà nói chế độ Việt Nam Cộng Hòa có tư cách pháp nhân để bảo vệ vùng biển đảo đó. Dư luận trong nước, kể cả trên thế giới, người ta cũng rất hoan nghênh ý kiến này. Cho rằng đó là một bước ngoặt thì còn phải chờ thêm. Nhưng nói công khai như vậy cũng có cái thuận lợi là các phong trào yêu nước trong nước, ví dụ như các em học sinh mặc cái áo có chữ “Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam” thì có lý do gì nhà nước không cho mặc hoặc tịch thu. Thành ra nó tạo điều kiện cho phong trào đấu tranh trong nước có thêm cơ sở để tiến hành chuyện đấu tranh. Nói chung là rất vui về lời phát biểu đó và ủng hộ nếu quả thật đảng và nhà nước Việt Nam quyết tâm bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa và nhân dân cũng sẽ ủng hộ việc đó.”
Nhà ngoại giao Dương Danh Dy cho biết tiếp:
“Qua phát biểu của ông Dũng trước cơ quan lập pháp, một trong những người lãnh đạo cao nhất nước Việt Nam, công khai nói trước Quốc Hội về vấn đề Biển Đông như thế này là chưa từng có. Qua đó chứng tỏ tư thế của Việt Nam ở vị thế rất cao. Tôi nghị không phải tự dưng mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại nói những điều như vậy. Những điều rất đúng. Công khai nói vói toàn dân, trước hết là với toàn dân và sau đó là với thế giới và có thể là với ông bạn Trung Quốc nữa. Thêm một ý nữa là thường người Trung Quốc phản ứng rất nhanh, nhưng mà sáng hôm nay tôi theo dõi mạng truyền thông, báo chí Trung Quốc chưa thấy họ phản ứng gì cả, mai này họ có phản ứng gì không thì tôi chưa biết. Cách nói của ông Dũng nó thể hiện cả cương và nhu, trong nhu có cương cho nên tôi rất thích.”
Nhân chuyện không phải tự dưng mà ông Dũng phát biểu như thế, chúng tôi hỏi ông. Có phải xuất phát từ những động thái ngoại giao gần đây của Việt Nam kết hợp với sự quyết tâm và cứng rắn của Hoa Kỳ đối với vấn đề Châu Á Thái Bình Dương, chính phủ Việt Nam cảm thấy yên tâm nên công khai phát biểu với dân chúng và thế giới như vậy? Ông cho biết:
“Theo tôi nó thể hiện cả hai mặt. Một mặt nó là tư thế của dân tộc Việt Nam, nước Việt Nam. Thứ hai, qua đó ta thấy Việt Nam được sự đồng thuận của các nước trong khu vực, các nước ASEAN, các nước lớn có liên quan trên thế giới. Trong khi đó Trung Quốc bị dư luận qua hành động của Trung Quốc. Thế giới người ta phê phán, người ta tỏ ý không đồng tình, nhẹ ra người ta tỏ ý không đồng tình. Tôi xin nói thêm điều này vói ý kiến cá nhân. Tôi vừa dự hội nghị Biển Đông lần thứ ba, hầu hết các đại biểu quốc tế phát biểu trong hội nghị đề cập đến Biển Đông ít nhiều đều tỏ ý không đồng tình với Trung Quốc”.
Thêm một vị mà chúng tôi hỏi thăm ý kiến là Hải Quân Đô Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, cựu tư lệnh Vùng 1 Duyên Hải trước năm 1975, hiện đang định cư tại Hoa Kỳ. Ý kiến của ông như sau:
“Trước nhất tôi xin cảm ơn đài Á Châu Tự Do đã nghĩ đến tôi và hỏi ý kiến tôi về lời tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Vào thời điểm từ 1970 đến 1975 tôi chịu trách nhiệm quần đảo Hoàng Sa, đảo Trường Sa nằm về phía Nam thuộc vùng 3 Duyên Hải. Vấn đề Hoàng Sa bị Trung Cộng cưỡng chiếm vào năm 1974, sự cưỡng chiếm đó dân mình cho là một sự làm sai. Rất tiếc cho đến giờ pht1 này mới có tiến nói của chánh phủ Việt Nam hiện tại đồng ý với chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa là [Trung Quốc] cưỡng chiếm, mặc dù lời tuyên bố đã quá trễ.
Nhưng đó là một bước tiến rất lớn trong chuyện chánh phủ hiện tại xác nhận cũng như tất cả đồng bào tỵ nạn Cộng Sản và người Việt hải ngoại, đã tranh đấu, đã tuyên bố từ năm 1974 cho đến bây giờ, vẫn một mực cho Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.
Nhờ sự phản đối và đã có nhiều hình thức đấu tranh với Liên Hiệp Quốc để đòi lại Hoàng Sa cho Việt Nam, bây giờ đây Chánh phủ Việt Nam mới mạnh dạn tuyên bố công khai và dùng những bằng cớ, trong đó có sự cố gắng của nhiều giới chức Việt Nam Cộng Hòa ở hải ngoại bây giờ, đã đưa ra trước dư luận quốc tế cũng như đến Tòa Án Quốc Tế để xác nhận chủ quyền đó. Tôi thấy đây là một bước tiến rất quan trọng. Bây giờ, từ lời tuyên bố đến tranh đấu thật sự, dù là bằng hình thức hòa bình, cho đến khi đạt được kết quả là một bước khá xa và là hai chuyện khác nhau. Do đó tôi cũng cầu mong ráng làm thế nào để Trung Cộng trả lại Hoàng Sa và một dải thảo Trường Sa lại cho Việt Nam. Đó là điều ước muốn và cảm nghĩ của tôi hiện tại.”
Dư luận chung ghi nhận đây là thời cơ và vận hội mới để chính quyền và người dân Việt Nam thanh lý hồ sơ Biển Đông vốn có quá nhiều áp bức từ người bạn phương Bắc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét