Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Bị oan là phải thôi


Tôi thì tôi cam đoan rằng ông Huỳnh Hồng Thắng sở dĩ bị kỷ luật, chỉ vì ông ở tận vùng Sóc Trăng, miền xa xôi khỉ ho cò gáy nên mới bị oan uổng thế mà không biết vận dụng chính sách, luật pháp. Nếu ông ở Hà Nội, Thủ đô văn hiến, đầu não chính trị của cả nước thì tôi tin ta sẽ biết vận dụng pháp luật theo cách hiểu ngôn ngữ của các quan chức ở đây và ông sẽ vô tội, chẳng hề hấn gì.
Trên báo nhà nước mấy hôm rồi liên tục có bài viết thông tin về việc đảng viên Huỳnh Hồng Thắng, Phó Chánh án TAND TP Sóc Trăng đã ôm vợ người khác và đã bị kỷ luật cách chức “về mặt Đảng và mặt chính quyền”. Nhiều người có thể thấy là bình thường, nhưng tôi nghĩ chuyện này không thể là bình thường bởi nhiều lẽ.
Đành rằng, việc ôm vợ người khác là chuyện không được chấp nhận trong xã hội, nhưng đó chỉ là sai phạm “lặt vặt” và nếu cứ sai phạm mà xử lý hết thì “lấy đâu ra cán bộ mà làm việc” như lời ông Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã nói trước Quốc hội. Trước đến nay, các đồng chí cán bộ vi phạm chuyện tương tự và nặng hơn tương tự có biết bao nhiêu mà đếm xuể.
Trong khi báo chí thi nhau đánh hội đồng ông ta, không một lời phản biện bênh vực, có lẽ cũng cần có đôi lời mách nước cho ông tự biện hộ cho mình.
Này nhé, báo chí đã nêu rõ rằng: “Nguyễn Thị Thu, là nhân viên thuộc quyền quản lý cùng cơ quan của ông Huỳnh Hồng Thắng”.
Với quan chức Hà Nội hiểu và làm, thì “quản lý”“sở hữu” là hai từ có nội dung và ý nghĩa tương đương nhau, dù từ điển có định nghĩa khác nhau cách nào đi nữa, thì quan chức Hà Nội cũng nhất định không chịu hiểu là nó khác nhau mà là đồng nghĩa. Dẫn chứng thì không thiếu:
- Văn bản nhà nước về đất đai quy định: “Đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý”. Chỉ cần có thế thôi, là mấy cán bộ nhà nước lập tức lấy quyền “quản lý” để cho, tặng, bán… hoặc muốn làm gì thì làm theo ý mình, chủ sở hữu chỉ còn là cái đinh gỉ. Chủ sở hữu có đòi, có kiện, có khiếu nại đến cả trăm năm cũng chẳng lay chuyển được ý niệm đó khác nhau.
- Các linh mục Vũ Ngọc Bích ở Giáo xứ Thái Hà, Nguyễn Tùng Cương ở Tòa Giám mục Hà Nội là người quản lý, vậy nên khi có văn bản kê khai, xác nhận những tài sản của giáo hội Công giáo vào cùng ngày 24/11/1961 liền được Nhà nước cấp cho cái quyền của người sở hữu tài sản là “bàn giao cho Nhà nước” dù các vị này có kêu trời kêu đất rằng “tôi chỉ là người quản lý, chẳng có quyền gì định đoạt”. Thế nhưng, kêu thì cứ kêu, cứ đạt được mục đích là làm, nói như cán bộ Quận Đống Đa với cụ Bích “Ông không có quyền thì chúng tôi có quyền”.

Chỉ tiếc cho quan chức Hà Nội là sau khi đưa văn bản đó ra, người ta vạch rõ nhứng thứ vớ vẩn trong đó bằng những câu hỏi: Các linh mục đó đã “bàn giao cho Nhà nước” thì bàn giao để làm gì? Ai nhận? Trong các văn bản đó, còn có cả Nhà Thờ Lớn, sao lại có “bàn giao” mà nhà nước không dùng làm phòng nhảy luôn cho tiện? Tại sao văn bản bàn giao từ những năm 1961 lại được đánh máy vi tính theo font chữ hiện nay? Khi không trả lời được những câu hỏi đó, thì giải quyết vấn đề bằng chó, công an và rào sắt là xong.
- Đất đai, tài sản của Dòng Chúa Cứu thế Hà Nội và nhiều nơi khác thuộc giáo hội Công giáo, thuộc diện được Hiến pháp, pháp luật bảo hộ, không ai được đụng chạm đến. Thế nhưng đã có câu “ Nhà nước thống nhất quản lý” là lập tức muốn làm gì là làm, lấy khi nào là lấy, không thèm có một văn bản đúng pháp luật.
- Đất nước này là của dân, nhà nước để phục vụ nhân dân, nhân dân giao cho Nhà nước quản lý đất nước, xã hội, tài nguyên khoáng sản, biên giới, hải đảo… Nhưng khi được giao quản lý thì có thể mời giặc khai thác bauxite, từng phần lãnh thổ như Ải Nam Quan, Bản Giốc, Hoàng Sa, Trường Sa… có thể biến mất mà đố ông chủ biết mất khi nào. Dù có biết, có kêu gào, kiến nghị gì gì đi nữa thì cái “anh quản lý” vẫn cứ làm, sợ gì ai.
Chính vì lẽ “quản lý” được cái quyền to như vậy, thì việc ông Huỳnh Hồng Thắng là người quản lý cô Nguyễn Thị Thu, nhân viên thuộc quyền, thì việc sử dụng cô ta có vi phạm gì đâu. Trong khi ông chỉ mới ôm, chứ nếu ông có bán, có cho, có làm gì thì cũng chẳng tội tình gì hết.
Ông ta là người “quản lý” mà lại.

Thậm chí, ông Thắng này cũng không biết cách lý luận mà tự bào chữa nên mới thế. Nếu ông chỉ cần “mượn” cô Thu này thôi, thì ông cũng đã có thể muốn làm gì thì làm, chẳng cần báo cáo hoặc xin phép ai. Ở ngay Hà Nội thôi, người ta mượn cả Tu viện Dòng Chúa Cứu thế, thế mà đòi không trả, lại đến “Thông báo” cho chủ nhà là “chúng tôi sẽ làm cái nọ, làm cái kia”, nếu không đồng ý thì đã có côn đồ, có cảnh sát bảo vệ cho mà làm, sợ gì.
Tôi thì tôi cam đoan rằng ông Huỳnh Hồng Thắng sở dĩ bị kỷ luật, chỉ vì ông ở tận vùng Sóc Trăng, miền xa xôi khỉ ho cò gáy nên mới bị oan uổng thế mà không biết vận dụng chính sách, luật pháp. Nếu ông ở Hà Nội, Thủ đô văn hiến, đầu não chính trị của cả nước thì tôi tin ta sẽ biết vận dụng pháp luật theo cách hiểu ngôn ngữ của các quan chức ở đây và ông sẽ vô tội, chẳng hề hấn gì.
Điều chủ yếu là sự không am hiểu luật pháp VN của hông Huỳnh Hồng Thắng, ông ở miền rừng mà chẳng biết sử dụng luật rừng thì bị oan là phải.
Hà Nội, ngày 19/11/2011
J.B Nguyễn Hữu Vinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét