Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

Điểm chung giữa Gaddafi và Hà Nội

Thi hào Rabindranath Tagore có 2 câu thơ mô tả – và có lẽ nhằm lưu ý nhân thế đừng quên – rằng cuộc đời này chỉ là “cõi tạm”: “Tôi để lại chìa khoá ngôi nhà tôi đó Ngổn ngang qua tạm cuộc đời!”

Người dân ở thành phố Benghazi đốt tấm áp phích đại tá Moamer Kadhafi vào ngày 02 tháng 3 năm 2011. AFP photo
Thông điệp từ Lybia
Và vầng thơ ấy đã đậm nét trong tâm khảm của nhà báo kỳ cựu Lê Phú Khải như ông “Tâm sự cùng vong hồn Gaddafi” qua nhiều mạng nhật ký, khi tác giả nhìn hình ảnh nhà độc tài “chó điên bên bờ Địa Trung Hải” của xứ Libya chết thảm không đủ vải che thân, ‘bao nhiêu vàng bạc châu báu, bao nhiêu tỷ đô la không mang theo được”, “không thể đem đi hết những gì ông ta đã cướp bóc của nhân dân”.

Theo tác giả thì cái chết thê thảm và nhục nhã của Gaddafi từng “nhất hô bá ứng” hơn 4 thập niên đó chỉ là một phần của thông điệp “Cách mạng Hoa Lài” đang trên đà lan tỏa mạnh mẽ, và nhất là nhân loại “quyết không đi ngược chiều lịch sử”:
“Loài người đã đi một chặng đường hơn 2000 năm để có văn minh và nhân quyền. Loài người quyết không đi ngược chiều của lịch sử. Đó là thông điệp từ Lybia ở đầu thế kỷ 21 này. Những người cầm quyền ở các quốc gia độc tài lo ngại cho số phận của mình nên la lên rằng, người ta đã “xâm phạm chủ quyền” của một quốc gia độc lập!
Họ quên mất rằng chính họ đã ký vào Tuyên ngôn Nhân quyền của thế giới. Họ quên mất rằng hiến pháp 1792 của cách mạng Pháp 1789, một cuộc cách mạng được Marx gọi là “đầu tàu của lịch sử ”, đã nêu rõ: “Quyền nổi dậy của nhân dân”, một khi kẻ cầm quyền phản bội những gì đã cam kết với nhân dân…”
Nhân biến cố Lybia, blogger Hiệu Minh lưu ý rằng trước Gadhafi là Hosni Mubarak của Ai Cập, trước Mubarak là Saddam Hussein của Iraq, trước Saddam là phe Taliban từng cầm quyền vô cùng độc đoán ở Afghanistan, trước Taliban là nhà độc tài Slobodan Milosevic của Serbia , rồi Liên Xô và các xứ đàn em Đông Âu, tất cả đều lần lượt ra đi và không bao giờ trở lại. Và “những quốc gia đã trải qua cuộc cách mạng mầu hay không mầu thì chẳng ai muốn trở lại ngày xưa” cả.
Bài học cho VN
Trong mấy ngày nay, nhiều mạng nhật ký cũng phổ biến bài tưạ đề “Thư Gaddafi gởi Ba Dũng” của tác giả bút danh “Hồn ma Gadhafi” viết từ “một vùng sa mạc hoang vu trên đất nước Libya” rằng:
“Cuối cùng tôi xin nhắn gởi lại một câu để ngài suy ngẫm, có thực hiện hay không thì tùy ngài: Quyền lực, đồng tiền, ma mãnh và độc ác cũng không bảo vệ được những thể chế chính trị độc tài, những con người độc tài mà chúng chỉ nuôi dưỡng cái ác để rồi chính cái ác sẽ tiêu diệt cái ác. Cũng như câu nói trong kinh Phật:

Một cảnh bắt bớ người dân do biểu tình chống TQ ở Hà Nội. AFP photo

“Ác giả, ác báo”, trong kinh Thánh: “kẻ nào dùng gươm ắt sẽ chết vì gươm”.
Khi “Hương Lài” phát xuất từ Tunisia khiến nhà độc tài Ben Ali chạy trốn sang Ả Rập Saudi lan tỏa tới Ai Cập làm sụp đổ chính thể chuyên chế Hosni Mubarak và rồi lan nhanh tới Libya, thì Gaddafi – ‘vua của các vì vua” như 1 hội nghị Phi Châu khen tặng – cảnh cáo sẽ dốc toàn lực quân đội, kể cả không quân, chiến xa, để cho những người dân biểu tình chống ông ta phải “tắm máu”.
Và “con chó điên bên bờ Điạ Trung Hải’ ấy đã giữ lời khi cuộc biểu tình ôn hoà thoạt đầu ở Libya dần trở thành cuộc kháng chiến võ trang, mở đường cho cuộc nội chiến đẫm máu ở xứ Bắc Phi này trong 8 tháng khiến mấy chục ngàn người thiệt mạng, mà đoạn kết là cái chết nhục nhã và bi thảm của Gaddafi.
Theo nhận xét của blogger Hoàng Trường qua bài “Gaddafi: Lại một cái chết không cần thiết”, tác giả phân tích rằng chính cách ứng phó “hoang tưởng, ngoan cố, tàn bạo quyết liệt” của Gaddafi trước trận “cuồng phong cách mạng” phát xuất từ Tunisia khiến ông ta – và người thân – lãnh một kết thúc bi thảm. Vẫn theo tác giả thì dù nhóm nhà độc tài thứ nhất khôn khéo hơn biết nới lỏng ách thống trị kềm kẹp khắc nghiệt, tôn trọng một số quyền của người dân và thực hiện ít nhiều cải cách, hay nhóm độc tài thứ hai – như Gaddafi – quyết liệt trấn áp người dân tới giờ phút cuối, thì “hai khuynh hướng đó đều gặp nhau ở một điểm, đó là sự thắng thế của nhân dân trước những chế độ độc tài”.
Như vậy, “điểm gặp nhau” đó có liên quan gì tới VN không, nơi mà trong thời gian qua, giới cầm quyền dùng công an đàn áp mạnh mẽ – và đổ máu – những người biểu tình chống TQ xâm lược, những nhà bất đồng chính kiến ưu tư cho sự tồn vong của quê hương, dân tộc, những dân oan lâm cảnh lang thang vô định, những người dân bị chết oan uổng về tay công an…
Tác giả Hoàng Trường nhận xét:
“Nhìn về Việt Nam, người ta tự hỏi liệu những người lãnh đạo đảng Cộng sản VN hiện nay có rút tiả được bài học nào hay không từ cái chết của Gaddafi. Liệu họ có biết kịp thời thức tỉnh, hay chỉ biết dựa vào tay nghề duy nhất là bạo lực như Gaddafi đã làm? Điều người ta có thể thấy được là, từ những lệnh miệng của ban Tuyên Giáo Trung Ương cho báo chí trong việc đăng tải các tin tức về cuộc nội chiến ở Libya mấy tháng trước đây “để tránh tạo khó khăn trong quan hệ ngoại giao”, cho đến việc Hà Nội phản ứng rất chậm trễ về cái chết của Gaddafi, dù đó là một tin nóng bỏng trên thế giới, cho đến quan điểm rất chung chung và có ý bài xích sự can dự của các nước thuộc khối NATO, được đài Tiếng Nói VN đưa ra sau đó.

Tất cả thể hiện sự “tiếc thương” của Hà Nội đối với một chế độ cũng mang danh xưng “Xã Hội Chủ Nghĩa” ở Libya. Nhưng cũng chính bài bản tuyên truyền đó cho thấy sự lo ngại của các lãnh tụ Hà Nội về sự can thiệp của thế giới khi bàn tay của một chế độ dính quá nhiều máu. Hơn thế nữa, từng cá nhân trong giới lãnh đạo thượng tầng và từng quan chức công an cao cấp tại Việt Nam hiện nay chắc chắn đang suy tính cho mình khi nhìn thấy cái chết bầm dập của Gaddafi.”
Về “sự lo ngại của các lãnh tụ Hà Nội” như vừa nói, nhà báo Nguyễn Minh Cần từ Mascơva nhận xét:
“Riêng các nước có chế độc độc tài như TQ, VN, thì chúng ta thấy TQ có phản ứng khôn khéo hơn, nhưng vẫn không che giấu được sự sợ hãi. Riêng VN thì tỏ ra chậm chạp, hầu như không muốn lên tiếng. Điều này chứng tỏ rằng những người lãnh đạo VN run sợ trước cái chết của Gaddafi, và thấy rằng nếu không thay đổi thì tương lai của mình cũng sẽ có một kết thúc như vậy.”
Nhưng, theo blogger Hoàng Trường, thì rõ ràng là việc bỏ trốn ra nước ngoài sau khi chế độ độc tài sụp đổ không còn là một giải pháp trong bối cảnh thế giới hiện nay. Vì vậy, chọn lựa duy nhất là tiếp tục ở lại trong nước. Tuy nhiên, sự an toàn của họ khi ở lại quê hương cũng có điều kiện: Đó là mức tội ác của họ đối với nhân dân.
Và tác giả cũng không quên lưu ý rằng “hai thập niên vừa qua đã cung cấp nhiều bài học cụ thể và quý giá về sự sụp đổ của những chế độ độc tài”.
Đừng coi thường dân
Nhân chuyện Libya có thể có liên hệ ra sao tới VN, Đại Lão Hòa Thượng Thích Quang Độ, Tăng Thống GHPGVNTN khi lên tiếng mới đây với Đài ACTD cũng lưu ý nhà cầm quyền VN đừng coi thường người dân, và hãy trông cái gương ở Trung Đông và Bắc Phi:
“Tình trạng Libya mới đây thôi, dân tộc Libya chịu khổ, bị áp bức đoạ dày dưới sự thống trị của Gaddafi tới 42 năm trời. Họ đã nói nhiều mà nhà nước không đếm xỉa tới. Cho đến cùng thì họ không nói bằng lời nưã mà họ xuống đường. Cho nên tôi nói với các nhà lãnh đạo VN là phải coi chừng, đừng coi thường người dân. Dân hiền thì rất hiền, nhưng khi đã nổi cơn giận lên thì không có gì cản nổi. Cái chết họ không sợ thì còn sợ gì ? Súng đạn họ cũng không sợ nưã. Cứ trông gương ở Tunisia, Ai Cập và Libya.”
Biến cố Libya – với cái chết thảm nhục của Gaddafi – khiến Blogger Nguyễn Đình Đông không khỏi liên tưởng đến quê hương VN và nêu lên câu hỏi rằng “ Khi nào thì VN sẽ là Libya thứ hai?”
“Tôi còn buồn hơn, và cũng có hận ông nữa, vì đã có thời người của chúng tôi hay lấy ông ra học tập, nhất là chuyện ngồi lâu. Tất nhiên, chuyện ngồi lâu trên thế giới chẳng riêng gì ông, ngay cả ông Putin, một ngôi sao nước Nga cũng đang định “ngồi lâu”, khiến cho các quan chức nước tôi được dịp“đấy, nhìn Putin kìa!”. Nhưng tôi giận ông là vì chuyện khác. Ông là người sống lâu, ông thừa biết kết cục nào dành cho mình nhưng ông không muốn ra đi êm thấm, sợ bị cười, bị nhục. Vâng, ông cứ việc. Thế nhưng tại sao trong lúc gần chết rồi, ông lại muốn lôi chúng tôi vào chuyện của ông?
Chúng tôi đã khốn khổ khốn nạn với những “người bạn cùng chiến hào” của ông rồi. Vậy mà hồi tháng Ba, ông còn tuyên bố: Libya sẽ là một Việt Nam thứ hai ! Thế thì chết chúng tôi rồi còn gì ? Ông hô lên như thế, bên chúng tôi người ta đáp lễ, lên tiếng ca ngợi ông, bênh vực ông, ví dụ tờ báo dầu mỡ của ông Nguyễn Như Phong. Hôm nay, Báo Đất Việt vẫn : ‘Gaddafi anh hùng đến lúc chết’! Thậm chí có cái comment kia hồi tháng 8 : Tinh thần Gaddafi bất diệt! Vậy thì, cũng cám ơn ông, cái chết của ông làm nhiều kẻ ngu muội bên chúng tôi, và cả tôi, tỉnh ngộ. Giờ thì, học tập cách nói của ông, bên tôi người ta hỏi nhau: Khi nào thì Việt Nam sẽ là Libya thứ hai ?”
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh lên tiếng chia tay với bạn mạng bằng bài blog cảm động tựa đề “Lời cuối chân thành” cũng không quên lưu ý rằng “Bài học Gaddafi cho thấy, thế giới ở thời đại liên lập không để anh được tự do bắt bớ, đàn áp và bắn giết nhân dân tùy thích. Dân tộc nào bị áp bức quá rồi đến lúc cũng phải vùng dậy. 70 năm như Liên Xô, 50 năm như Đông Âu hay 42 năm như Gaddafi rồi cũng sụp đổ. Chính vì vậy mà tôi hy vọng rằng giấc mơ của tôi không mãi mãi chỉ là giấc mơ”.
Trong bối cảnh như vậy, có lẽ những người lãnh đạo VN, nếu thức thời, cần phải lắng nghe tiếng nói của những nhà dân chủ, những người yêu nước vốn đang ra sức bày tỏ nguyện vọng, ý chí của mình là muốn có một chế độ tự do, dân chủ và nhân quyền, muốn có 1 chế độ mà trong đó xã hội dân sự phải được tôn trọng, đất nước hướng tới con đường văn minh, và nhất là tạo điều kiện cho sự đoàn kết toàn dân để đối phó với nguy cơ mất nước, vì TQ tiếp tục mạnh mẽ hơn bao giờ hết mộng bành trướng bá quyền, qua đó, VN là nạn nhân trước tiên.
Thanh Quang, phóng viên RFA
02-11-2011
Theo RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét