Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Vị Thánh tổ của Ngành Chiến tranh Chính Trị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

NGUYỄN-TRÃI.
( 1380 – 1442)

Vị Thánh tổ của ngành Chiến tranh Chính Trị thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai , người gốc ở xã Nhị-Khê, huyện Thường- Phúc, tỉnh Hà-Đông.
Nguyễn Trãi là con trai cả của Nguyễn-ưng-Long và Trần-thị Thái và là cháu ngoại quan Tư đồ Trần-nguyên-Đán (Trần-nguyên-Đán là cháu bốn đời của Thái-sư Trần-quang-Khải, thuộc đời Trần).

Nguyễn-ưng-Long là con nhà dân dã, được Trần-nguyên-Đán mời làm gia sư, Trần-thị Thái là trưởng nữ của Quan Tư-đồ lại đem long yêu-thương người gia sư này. Trần-nguyên-Đán biết chuyện, cũng rộng lượng cho kết hợp nên duyên phu phụ. Nguyễn-Trãi được sinh ra ngay trong tư-dinh của Quan Tư-đồ, tại Thăng-Long thành (Thành Đông-Quan và là Hà-Nội ngày nay).

Nguyễn-ưng-Long thi đậu Thái Học Sinh đời nhà Trần, khi Trần-nguyên-Đán cáo lão hồi hưu về Côn-Sơn, Ưng Long theo đúng tôn chỉ của Nho-gia “Tấn vi quân, thoái vi sư” nên ông trở về Hà-đông dạy học. Lúc đó, Nguyễn-Trãi lên năm tuổi, theo mẹ cùng ông ngọai về cư-ngụ tại Côn-Sơn. Năm 1390 mẹ và ông ngọai mất, Nguyễn-Trãi lên mười tuổi và về ở với cha tại Nhị-Khê, Hà-Đông.

Nguyễn-Trãi thi đỗ Đệ Nhị Giáp Thái Học Sinh (tức Tiến-Sĩ, đời Trần và đời nhà Hồ gọi Tiến-Sĩ là Thái Học Sinh, sang đến đời Hậu Lê mới đổi thành Tiến-Sĩ) thuộc triều-đại Hồ-quý-Ly vào tháng tám năm 1400, lúc mới tròn 20 tuổi.

Hồ-quý-Ly cướp ngôi nhà Trần cũng vào đầu năm 1400, làm vua được một năm thì nhường ngôi cho con là Hố-hán-Thương để làm Thái-thượng-hoàng.

Nguyễn-Trãi được nhậm chức Ngự Sử Chánh Đài Chương và cha của ông cũng ra làm quan với đời nhà Hồ, lúc này ông đã đổi tên là Nguyễn-phi-Khanh.
Lấy cớ ‘phù Trấn, diệt Hồ”, Minh Thái tông (1402-1424) tức Vĩnh Lạc. tên tục là Chu-Lê sai Trương-Phụ, Chu-Năng kéo quân sang xâm chíếm nước ta. Thế giặc lúc đó rất mạnh, quân nhà Hồ không chống cự nổi, đất nước rơi vào tay nhà Minh.

Trương-Phụ bắt Hồ-quý-Ly cùng hai người con là Hồ-hán-Thương và Hồ-nguyên-Trừng giải về Tàu, cùng Nguyễn-phi-Khanh và rất đông nhân tài khác. Nguyễn-Trãi theo cha đến tận ải Nam-Quan thì Phi-Khanh nói : ‘Con theo ta nào có ích gì, hãy trở về tìm cách trả nợ nước, báo thù nhà” (nguyên văn là Tuyệt quốc-sĩ, báo phụ cừu – rửa nhục cho nước, báo thù cho cha - ). Hồ-quý-Ly bị bắt sang Tàu và bị xung làm lính thú, chịu trăm nổi nhục nhằn, đắng cay.

Nguyễn-Trãi vâng lời cha, trở về đến thành Đông-Quan thì bị Thái-thú Trương-Phụ bắt giữ và dụ-dỗ ông hợp-tác với quân Minh, nhưng ông khẳng khái từ-chối, Trương-Phụ bèn ra lệnh chém Nguyễn-Trãi. Tướng Minh là Hoàng-Phúc hết lời can gián nên Nguyễn-Trãi được tha và giam lỏng tại Đông-Quan.

Quân Minh đô-hộ nước ta làm rất nhiều điếu tàn-ác, bạo ngược, dân chúng lâm vào cảnh lầm than, ai oán. Đến năm 1417, Lê-Lợi (tự xưng là Bình-Định-Vương) cùng với các nghĩa quân khởi-nghĩa tại Lam-Sơn, Thanh-Hóa để chống lại quân Minh, dành lại quyền tự chủ cho đất nước. Nghe được tin này, năm 1418, Nguyễn-Trãi cùng người em họ là Trần-nguyên-Hãn bỏ trốn khỏi thành Đông-Quan, để vào phò Lê-Lợi. Sau một thời gian tìm hiểu, Nguyễn-Trãi thấy Lê-Lợi xứng đáng để mình phò-tá, nên ông dâng lên Lê-Lợi bản kế-sách bình Ngô (Bình Ngô Sách). Lê-Lợi xem xong rất cảm phục và mời Nguyễn-Trãi làm quân-sư và Lê-Lợi rất tin tưởng vị cận- thần này.

Trong bốn năm đầu kháng-chiến, Lê-Lợi bị nguy khốn nhiều lần, bị quân Minh tấn công dữ-dội. Lê-Lợi đã ba lần phải rút lui về Chí-Linh, một vùng đồi núi hiểm-trở, thuộc huyện Lăng-Chánh, về phía tây tỉnh Thanh-Hóa, nơi thượng nguồn của sông Chu (Chu Giang), văn-quan, võ tướng chỉ còn hơn chục người, nghĩa quân thì còn dưới một ngàn. Có lần bị vây khốn, Lê-Lai phải liều mình cứu Chúa và bị quân Minh bao vây, chém chết.

Nguyễn-Trãi và Nguyễn-Trích bàn thảo với Lê-Lợi nên đem quân chiếm lấy Nghệ-An trước, sau đó chiêu an đất Chiêm-Thành ở phía Nam,khống chế các Tù-trưởng ở biên-giới Ai-Lao, phát triển binh lực, lập kế sách an dân. Sau đó mới tấn công ra Bắc, đánh bại Vương-Thông,Mã-Anh, hạ thành Đông-Quan và đuổi quân Minh về nước.

Lê-Lợi theo kế-sách ấy, cho nên hơn bốn năm sau, quân Lam-Sơn với các danh tướng Lê-Xí, Lê-Sát, Đinh-Liệt, Trần-nguyên-Hãn … thắng những trận Bồ-Đăng, Trà-Lầu, nhất là trận Tụy-Động, quân Minh đại bại, thây chất đầy đồng, máu loang đầy sông. Sau đó là chiến-thắng Tây-Đô (Tây-Kinh) và Lê-Lợi cho quân hãm thành Đông-Quan.

Vương-Thông phải hỏa-tốc dâng biểu về Nam Kinh (Kim Lăng) cấu-cứu. Trước tình-thế dầu-sôi lửa bỏng đó, Minh Tuyên-Thông (1425-1435) tức Vua Tuyên-Đức, tên tục là Chiêm-Cơ khẩn cấp điều Đại-Tướng An-viễn-hầu Liễu-Thăng thống lãnh hơn 100 ngàn tinh-binh từ Quảng-Tây tiến sang. Một mặt sai Đại-Tướng Mộc-Thạch, một viên tướng lão-luyện, kéo năm mươi ngàn quân từ Vân-Nam theo đường thủy xuống giải vây cho Vương-Thông.

Trước tình-thế đó, các mưu-sĩ bàn với Lê-Lợi nên tốc chiến tốc thắng, hạ thành Đông-Quan, sau đó sẽ chia quân làm hai cánh lên đường cự địch.

Lúc đó mới thấy tài-năng xuất chúng của Nguyễn-Trãi. Nguyễn-Trãi cho là hạ thành Đông-Quan là kế hạ sách, vì sau khi chíếm được Đông-Quan rối, quân Lam-Sơn ít nhiều gì cũng sẽ bị tổn thất, binh-sĩ thì mệt mỏi, làm sao đương cự lại hàng trăm ngàn quân Minh hung hậu, đang hùng hổ kéo sang !!!.

Như vậy phải “vây Đông-Quan, diệt tiếp-viện”, Lê-Lợi nghe theo, để chín ngàn quân vây chặt thành Đông-Quan, sai các Thượng-Tướng Lê-Sát cùng Trần-nguyên-Hãn đem quân cự-địch từ Quảng-Tây kéo sang, sai Đại-tướng Phạm-văn-Xảo đem quân chống cự lại Mộc-Thạch.

Liễu-Thăng thống-lĩnh hơn một trăm ngàn tinh-binh từ Khâu-Ôn, Quảng-Tây kéo sang, chúng đi vào tỉnh Lạng-Sơn, qua ải Chi-Lăng và tiến vào giải vây cho thành Đông-Quan.

Lê-Lợi và Nguyễn-Trãi sai Đại-tướng Lê-Sát, Trần-nguyên-Hãn cùng Phó-tướng Trần-Lựu mang hơn muời ngàn quân cùng năm thớt voi trận lên đường cự địch.
Trần-Lựu giả thua, liên-tiếp thối-lui, Liễu-Thăng tiến quân như chẻ tre, tiến đến gần ải Chi-Lăng, khinh địch, Liễu-Thăng tự mình dẫn hơn một trăm quân kỵ tiến lên phía trước. Phục binh của Lê-Sát đã nằm chờ, dổ ra bao vây, chém chết Phó-Tướng Lương-Minh và chém đầu Liễu-Thăng tại núi Mã-Yên, gần ải Chi-Lăng. Tướng Lý-Khanh phải dung gươm đâm vào cổ tự sát.

Trận này quân Lê-Lợi đại-thắng, chém chết hơn hai mươi ngàn quân Minh, bắt sống hang ngàn người, ngựa, cùng rất nhiều vũ-khí, số quân Minh còn lại mở đường máu, chạy trốn về Tàu.

Đại-Tướng Phạm-văn-Xảo cùng Phó-Tướng Trịnh-Khả theo lệnh của Nguyễn-Trãi án-binh bất-động chờ Mộc-Thạch dẫn năm mươi ngàn quân, theo đường thủy, từ Vân-Nam kéo sang. Mộc-Thach là viên tướng già đời, lão luyện, khi thấy cánh quân của Liễu-Thăng đã đại-bại tại ải Chi-Lăng, Mộc-Thạch vội vã cho chuyển hậu-đội thành tiền-đội, ra lệnh rút lui. Phạm-văn-Xảo biết tin, hỏa tốc tíến-quân đuổi theo, chém hơn muời ngàn quân Minh, bắt sống hơn một ngàn người và ngựa chiến.

Đại-Tướng Mộc-Thạch may mắn chạy thoát được về Tàu. Với nhiều trận thảm-bại như vậy, người Tàu ngao ngán đặt mấy câu thơ:

“Lính già từng trãi mùi chinh chiến,
Nghe tiếng Nam chinh, bổng giật mình”.

Sau khi đánh bại viện binh do Minh Tuyên-Tông sai kéo sang, Nguyễn Trãi nói quân ta đưa ấn-tín, cờ-tiết của Liễu-Thăng cho Vương-Thông. Thấy tình cảnh không còn đường thoát, như cá nằm trên thớt, Vương-Thông không chờ lịnh của vua Minh Tuyên-Thông, vội vã xin đầu-hàng và xin được rút quân về nước.
Lê-Lợi và Nguyễn-Trãi đồng-ý thuận cho.

Vào ngày 16/12/1427 :Hội-thề Đông-Quan” được lập tại phía Nam thành Đông-Quan, nơi tả ngạn bờ sông Nhi-Hà, Vương-Thông cùng quân nhà Minh trân trọng tuyên-thệ rút quân về nước và xin Lê-Lợi cung cấp lương-thực cùng phương-tiện để đi về.

Ngày 29/12/1427 Phương Chính và Mã-Kỳ được cấp lương-thực cùng 500 chiếc thuyền, theo đường biển rút lui về Quảng-Đông.

Cùng ngày, bọn Vương-Thông, Hoàng-Phúc, Sơn-Thọ… cũng được cung cấp lương thực và một số ngựa rút lui bằng đường bộ về Kim-Lang. Còn một số không nhỏ xin ở lại nước Đại-Việt.

Mười năm gian khổ kháng-chiến, Bình định Vương Lê-Lợi cùng cận-thần Nguyễn-Trãi, từ mội ít quân khởi-nghĩa Lam-Sơn, đã dánh đuổi quân Minh về nước, mở ra triều-đại nhà Hậu-Lê kéo dài mấy trăm năm cho đất-nước chúng ta.

Nguyễn-Trãi, vị Thánh-Tổ của ngành CTCT/QLVNCH, rất xứng đáng được hậu-thế noi theo, cả cuộc đời của Ông cúc cung tận tụy vì dân vì nước, lúc đương thời làm quan đến cực-phẩm triều-đình, Ông ở dưới một mái nhà tranh giản dị tại một góc nơi kinh-thành, khi vế trí-sĩ tại Côn-Sơn cũng vậy, các bạn đồng-liêu khi đến thăm ông, đã tả lại : “Trong nhà trống trãi, nhìn các gian chỉ thấy toàn sách là sách ..”.

Nguyễn-Trãi không những là Vị Khai-quốc Công-Thần cho nhà Hậu-Lê, mà cuộc đời của Ông nếu muốn diễn-tả lại đầy đủ thì phải hang trăm pho sách.

1/ Nguyễn-Trãi trước hết là một người con chí hiếu, khi người cha là Nguyễn-phi Khanh bị giặc Minh giải-giao sang Tàu, hàng tháng trường, Ông theo hầu-hạ cho đến Ải Nam-Quan vì theo lời cha trở về “trả thù nước, báo thù nhà.”.

2/ Một kẻ-sĩ đầy tài-năng thao lược, một nho-sinh mới 20 tuổi đã đậu Tiến-sĩ, mang tài-năng cùng sở học của mình giúp dân, giúp nước. Mang mưu sâu, trí cả để đánh đuổi quân Minh, dành lại sự tự-chủ cho nước nhà.

3/ Một nhà trước-tác về văn-học rất uyên-thâm, có thể nói Nguyễn-Trãi là mộc trong những người khai sáng ra nền văn-chương Quốc-Âm của đất nước chúng ta.
Các tác-phẩm của Nguyễn-Trãi còn truyền đến nay bao gồm cả bằng Hán Văn lẫn Quốc-Âm:

- Quan Trung Tư Mệnh Tập (1423-1427) là những tập thư-từ gởi cho Vương-Thông, Vương Chính.. nói về chính nghĩa của quân khởi-nghĩa Lam-Sơn, những lời khuyên nhủ, phân biệt phải trái với các Tướng Minh, lời văn uyển-chuyển, lúc cứng rắn, lúc ôn- tồn khoan nhủ, lời văn chính-luận sâu-sắc, hàm-xúc, có mãnh lực làm lay chuyển sự suy nghĩ và ý-chí của đối-phương.. gồm tất cả 24 bài trong đó có cả những bài hịch tướng-sĩ do Nguyễn-Trãi sọan thảo trong vòng năm năm, từ năm 1423 đến năm 1427.

- Bình Ngô Đại-Cáo (1428)
Bài này do Nguyễn-Trãi sọan theo lệnh truyền của vua Lê-Thái-Tổ (Lê-Lợi) dể bá-cáo cho quốc dân thiên-hạ công cuộc 10 năm kháng chiến bình định đã hoàn thành .

Được mở đầu bằng những câu:

“ Thay trời hành hiệp, Hoàng-Thượng truyền rằng:
Việc nhân-nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt chỉ vì khử bạo ..”

Lời văn hùng-hồn, mạnh mẽ, cho biết nước Nam là một đất-nước tự-chủ từ ngàn xưa, có một lịch-sử lâu dài, một nền văn hiến riêng biệt, Những kẻ xâm lăng từ phương Bắc hãy nhớ đến lịch-sử đã biết bao lần thảm bại với mộng-ước xâm chiếm nước Nam.

Nêu rõ được chính-nghĩa của nguời nuớc Nam, Lê-Lợi là người thuận theo mệnh Trời để chống cự và đuổi giặc ngọai xâm.
Nêu rõ được lòng nhân-ái và đức-độ của Hoàng-Thượng đối với những kẻ đã cởi giáp quy hàng.

Binh Ngô Đại-Cáo với ý tứ rất rõ ràng, lời văn gọn mà xúc-tích, giản-dị khiến ai đọc cũng hiểu. Khi nói về các trận chiến thì lới văn sầm sập như trời chuyển mùa thu, như ngàn tiếng gươm đao xô xát, như muôn ngàn tiếng quân reo, ngựa hí:

“ Ghê gớm thay! sắc phong-vân cũng đổi
Thảm đạm thay! sáng nhật-nguyệt phải mờ
Binh Vân-nam nghẽn ở Lệ-hoa, sợ mà mất mật
Quân Mộc Thạnh tan chưn Cần-trạm, chạy để thoát thân
Suối máu Lãnh-câu, nước sông rền-rĩ
Thành xương Đan-xá, cỏ nội đầm-đìa ..”

Khi nói về sự tàn-ác của quân Minh:
“ Độc ác thay! trúc rừng không ghi hết tội
Dơ bẩn thay! nước bể không rửa sạch múi
Lẽ nào trời đất tha cho
Ai bảo thần-nhân nhịn được ..”

Thật đúng như lời Vũ-khân-Lan đã nhận định: Bình Ngô Đại-Cáo là một áng “ Thiên Cổ Hùng Văn ”.
Lê-qúy-Đôn nhận xét :” Viết văn, thảo hịch giỏi hơn hết một thời ”.
Tô-thế-Huy thì cho biết :” Trong thiên-hạ không ai hơn được nữa ”.

4/ Một quan-điểm rất mới mẻ so với các tư-tưởng thời bấy giờ, cách đây gần sáu thế kỷ. Nguyễn-Trãi cho biết phải tạo sự bình-đẳng trong xã-hội, phải tạo sực công bằng để mọi người dân có thể tham gia và thăng tiến trên mọi lãnh vực.

Thêm vào đó, không ai là không công nhận tấm lòng quảng-đại, nhân-ái của Thánh-tổ Nguyễn-Trãi luôn luôn lo lắng cho sự ấm no của người dân, mang lại sự tự-tin cho dân-tộc, khoán sức cho dân sau những năm dài chinh chiến, mau chóng mang lại sự thịnh-vượng cho dân Việt.

Vào cuối đời, Nguyễn-Trãi bị hàm oan và lâm vào thảm cảnh “tru di tam tộc” vì vụ án Lệ Chi Viên (vườn Lệ-Chi tức vườn cây vải), dân gian thường gọi là cái án Thị Lộ.

Hơn hai mươi năm sau, nhà vua Lê Thánh-Tông đã giải oan cho Ông và truy phong cho Ông chức-vụ Đặc Tiền Kim Tự Vĩnh Lộc Đại-Phu tước Tân Trụ Bá. Cũng chính Lê Thánh-Tông nói: “ Úc Trai tâm thương như Khuê tạo”, có nghĩa là tấm lòng của Nguyễn-Trãi sáng như sao Khuê.

Chính vua Lê Thánh-Tông cho người sưu tầm lại những tác-phẩm của Ông mà chúng ta còn được đọc vào ngày nay như bộ Ức Trai Thi Tập, Văn Loai (bao gồm Văn Bia Vinh Lang, Bảng Hổ di sử lục ..), tập Dư Địa Chí, kể cả tác phẩm bằng Quốc Âm như tập Gia Huấn Ca. Nhưng vẫn bị thất thoát như nay chúng ta chỉ biết còn lại các tên sách như: Ngọc đường di cảo, Luật thư, Giao tư đại lễ, Thạch bản đô hoặc Thạch khánh đô..

Để tạm kết luận, Nguyễn-Trãi là một bậc danh nhân, tài-trí vẹn toàn, một nhà tâm-lý-chiến đại-tài ( Thuận thiên Lê-Lợi hoặc Lê-Lợi Vi Quân, Nguyễn-Trãi Vi Thần), là một tấm gương sáng để hậu-thế noi theo. Năm 1980 Unesco đã vinh danh Ông là:

DANH NHÂN VĂN HÓA THẾ GIỚI

Trong bài diễn-văn ca-ngợi Nguyễn-Trãi, Ông Giám-đốc Unesco có nói sự-nghiệp, tài năng và long nhân-ái của Ông không những chỉ Việt-nam mà khiến cả thế-giới đều phải học hỏi và ngưỡng mộ.

VŨ-KHẮC-NAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét