Trần Ngọc Cư dịch
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ đến Bắc Kinh có
lẽ vào thời điểm gay cấn nhất trong quan hệ Mỹ-Trung kể từ khi Richard
Nixon bắt tay Chu Ân Lai trong chuyến viếng thăm lịch sử tại một quốc
gia mà nhiều người Mỹ bảo thủ lúc bấy giờ còn gọi là Trung Hoa Đỏ (Red
China).
Trong mùa Thu qua, chính quyền Obama đã thực hiện
một cuộc cách mạng ngoại giao ngoạn mục trong khu vực biển châu Á — gồm
các quốc gia duyên hải và đối tác thương mại trên và chung
quanh lục địa châu Á, tạo thành một vòng cung chạy dài từ Hàn Quốc và
Nhật Bản, xuống tận Australia và Indonesia, rồi xuyên qua Đông Nam Á đến
tận Ấn Độ và Sri Lanka. Via Meadia [trang blog của Walter
Russell Meade] đã và đang chăm chú theo dõi diễn biến này; đây là một
biến cố địa chính trị quan trọng nhất kể từ vụ Khủng bố 11/9/2001 và,
mặc dù diễn biến này đặt cơ sở trên một loạt chính sách Mỹ chí ít bắt
nguồn từ Chính quyền Clinton và được triển khai thêm trong những năm cầm
quyền của Bush, nhưng sự kết hợp chính sách của Chính
quyền Obama tiêu biểu cho một bước ngoặt quyết định trong lịch sử thế
kỷ 21 của châu Á.
Báo chí truyền thống, vẫn còn mụ mẫm vì uống quá
liều lượng cái gọi là ‘nước Mỹ đang suy yếu’ được rao bán rộng rãi trong
những năm gần đây, vẫn chưa nắm bắt được mức độ táo bạo, đầy rủi ro và
nhất là mức độ thành công của chiến lược mới này: Mỹ đang xây đắp tình
hữu nghị [qua các hiệp định] trong khu vực Thái Bình Dương nhằm đối phó
những hậu quả do sự tăng trưởng kinh tế và thế đứng quân sự của Trung
Quốc (TQ) trong khu vực — mặc dù Mỹ không cố tình bao vây ngăn chặn nước
này. Mỹ đang công khai hậu thuẫn những nước nhỏ có tranh chấp biên giới
với Trung Quốc tại Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] giàu tài nguyên thiên
nhiên và có địa vị chiến lược quan trọng. Mỹ đã công bố triển khai
nhiều lực lượng
quân sự mới và ký kết nhiều hiệp ước quân sự mới trong khi nới rộng
mạng lưới quân sự từ Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, và các đảo quốc
Thái Bình Dương) xuống phía nam và đông đến Australia, Singapore và xa
hơn nữa. Mỹ tiếp tục củng cố quan hệ chiến lược với Ấn Độ — cũng là một
siêu cường hạt nhân với dân số trên một tỉ người và là một quốc gia từng
công khai tuyên bố rằng kho nguyên tử ngày càng hùng hậu của mình có
mục đích quân bình lực lượng với Trung Quốc.
Ngoài ra, Mỹ đã phát động một vòng đàm phán thương
mại mới, Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, hay TTP với mục đích mở rộng thị
trường một cách nhanh chóng hơn nữa giữa một nhóm quốc gia châu Á-Thái
Bình Dương. Trung Quốc chưa được mời tham gia nhóm này.
Đây là những động thái táo bạo. Nhiều chuyên gia
nghiên cứu tình hình Trung Quốc đã lấy làm bực bội khi chính quyền Obama
đưa ra chính sách mới này vào mùa Thu năm ngoái. Họ e ngại rằng việc Mỹ
cố tình đẩy lùi Trung Quốc sẽ giúp củng cố thêm sức mạnh cho những
thành phần cứng rắn tại Bắc Kinh trong việc theo đuổi một chính sách bài
Mỹ triệt để hơn.
Mối lo ngại này chưa trở thành hiện thực, phần lớn
chỉ vì, mặc dù có sự cường điệu sai lầm về sự vươn dậy không ngừng của
Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn không làm được gì trước những vận động mới của
Washington. Bắc Kinh càng đẩy mạnh những tuyên bố chủ quyền của mình
trong Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] bao nhiêu thì các quốc gia khác
trong khu vực càng bám lấy Mỹ chặt hơn bấy nhiêu. Nếu đem bán đổ trữ
lượng đôla có được trong tay, Trung Quốc đương nhiên phá hoại nền kinh
tế của mình. Nếu đi theo một đường lối về Syria và Iran siêu cứng rắn
[đối với Mỹ], Bắc Kinh sẽ làm phật lòng luôn cả các lãnh đạo Ả-rập vùng
Vịnh, mà dầu lửa của họ đang giúp các nhà máy Trung Quốc hoạt động. Việc
Trung Quốc tập trận với Nga
thậm chí không gây ấn tượng với cả Bắc Hàn, huống hồ làm cho Washington
nao núng.
Mặc dù trên nhiều phương diện Trung Quốc là một
cường quốc đáng nể sợ và mang tiềm năng một cường quốc có tương lai huy
hoàng, Bắc Kinh chưa phải là một địch thủ cân sức với Washington tại
châu Á vào thời điểm này. Những ảo tưởng và khoa trương của Bắc Kinh chỉ
phơi bày sự lúng túng của Trung Quốc khi cường quốc đích thực của thế
giới [tức Mỹ] hạ quyết tâm nâng trận đấu của mình lên một tầm cao mới
trong vùng Lòng chảo Thái Bình Dương (the Pacific Basin).
Rà soát chính sách ngoại giao là một điều khó khăn,
nhất là khi phải điều chỉnh các mối quan hệ giữa các cường quốc sao cho
thích hợp với tình hình. Từ khi Chính quyền Obama bắt đầu triển khai các
sáng kiến ngoại giao vào mùa Thu năm ngoái, một số vụ việc đã diễn ra –
có vụ việc diễn ra do trùng hợp ngẫu nhiên (coincidence), có vụ việc
chỉ là hậu quả không thấy trước của những bước đi mà Mỹ đã chọn – thực
sự khiến cho chính sách Trung Quốc của chúng ta trở nên vững mạnh hơn và
có hiệu quả hơn hoạch định.
Chính những hậu quả và những trùng hợp ngẫu nhiên
này chứ không phải những chính sách châu Á thực sự của chúng ta khiến
cho chuyến đi Bắc Kinh sắp tới của Bà Clinton chứa đầy ẩn số. Hãy nhìn
vào những gì đã xảy ra kể từ khi chính sách châu Á mới của Mỹ được phát
động năm ngoái: Miến Điện, một trong hai đồng minh khu vực duy nhất của
Trung Quốc, đã rời bỏ hàng ngũ và đang cộng tác chặt chẽ với những đối
tác của Mỹ trong chủ trương Hữu nghị Thái Bình Dương (the Pacific
Entente).
Philippines đã chọn thái độ đối đầu rất rõ ràng đối
với ‘bọn xâm lấn’ Trung Quốc trong các tuyên bố chủ quyền lãnh hải của
mình và đã toan tính cầu xin hậu thuẫn trực tiếp của Mỹ.
Mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại
và các công ty xuất khẩu Trung Quốc nhận thấy nhu cầu tiêu thụ ở nước
ngoài đang suy giảm ngay cả trong lúc các vụ bất ổn lao động trong nước
đang tạo thêm sức ép trên các công ty sản xuất.
Vụ Bạc Hi Lai (Bo Xilai) đã phơi bày những rạn nứt
trong ban lãnh đạo Trung Quốc, phá tan mọi hi vọng về một cuộc chuyển
giao quyền lực suôn sẻ, chiếu ánh sáng soi rọi vào tệ nạn tham nhũng đã
ăn sâu vào chế độ và vào cuộc xung đột và những đấu đá đang diễn ra ở
trung tâm của giới thống trị chóp bu Trung Quốc. [Mời bấm lên http://www.baomoi.com, ND.]
Bây giờ, cuộc vượt thoát táo bạo vào ban đêm của
[nhà tranh đấu khiếm thị] Trần Quang Thành (Chen Guangcheng) và cuộc
chạy đua 500 cây số của ông để đến tị nạn tại Sứ quán Mỹ vừa gây bực tức
vừa làm nhục chính phủ Trung Quốc — chỉ vài giờ trước khi Ngoại trưởng
Clinton đến Bắc Kinh theo thời biểu.
Chắc chắn rằng một số người Trung Quốc có tinh thần
dân tộc chủ nghĩa, kể cả các nhân vật có quyền cao chức trọng trong các
tổ chức nhà nước và quân đội đang run lên cầm cập vì giận dữ và thất
vọng khi chứng kiến những biến cố này. Các giả thuyết âm mưu (conspiracy
theories) đang phổ biến trong vài giới xã hội cho rằng có bàn tay của
Mỹ trong vụ Bạc Hi Lai — dẫu sao, chính lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô là
nơi [Giám đốc Công an Trùng Khánh] Vương Lập Quân (Wang Lijun) đã chạy
đến xin tị nạn và đây là nơi ông đã tiết lộ sự lộng quyền của Bạc Hi Lai
tại Trùng Khánh. Cuộc vượt thoát của Trần Quang Thành đến xin tị nạn
tại Sứ quán Mỹ sẽ đào sâu thêm tính đa nghi và sự phẫn nộ trong một số
giới chức; đối với một
số người, rõ ràng là nhà tranh đấu khiếm thị này không thể nào chạy
trốn nếu không có được một hậu thuẫn lớn hơn sự giúp đỡ của một nhóm bất
đồng chính kiến chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Thời điểm diễn ra vụ
việc trông ngoạn mục đến nỗi phải kết luận rằng nó nằm trong một âm mưu
bí mật, chuẩn bị lâu dài của Mỹ. Nếu kết hợp những “sự kiện” này với
hành vi quyết đoán của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhiều
người có thái độ nghiêm túc ở Trung Quốc sẽ rút ra kết luận là Mỹ đang
ra sức phá hoại nội tình Trung Quốc như Mỹ đã từng làm với Liên Xô trước
đây. Hơn thế nữa, họ còn cho rằng chúng ta đã gần kề với sự thành công ở
mức độ nguy hiểm — gần kề đến nỗi Trung Quốc cần phải chống
lại mọi khuynh hướng khoan nhượng thêm nữa, rút lui thêm nữa, vì đây là
một vấn đề sống chết của họ.
(Sự thể chỉ trong vòng vài tháng mà một viên chức
cao cấp Trung Quốc và một nhà bất đồng chính kiến hàng đầu Trung Quốc đã
phải dùng đến biện pháp cực đoan là tìm sự che chở của các nhà ngoại
giao Mỹ, do đó, đã làm cho người Mỹ ở khắp mọi nơi có thể ngẫng đầu cao
hơn một chút. Bằng cách này hay cách nọ, chúng ta đã có được tiếng thơm
về cách ứng xử lương thiện và thái độ chính trị can đảm tại Trung Quốc;
tiêu chí của chúng ta là phải duy trì thanh danh đó. Có nhiều khi, tự
hào về đất nước mình là điều chính đáng, và đây là một trong những thời
điểm đó).
Những vụ việc này đang đánh động những vết thương
nằm sâu trong ký ức lịch sử của người Trung Hoa. Nỗi lo sợ bị coi
thường, bị làm nhục và bị sai khiến bởi một phương Tây vừa tự cho mình
nắm lẽ phải trong tay vừa có đầu óc đế quốc, một nỗi lo sợ không bao giờ
chịu lắng sâu dưới bề mặt của một Trung Quốc hiện đại, đang lóe lên
nhức nhối. Nhức nhối hơn nữa là vì mới gần đây thôi Trung Quốc có vẻ như
ở thế thượng phong; nhiều người dân Trung Quốc đã tin tất cả những điều
cường điệu về sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự suy yếu của Mỹ, tin một
cách triệt để như bất cứ nhóm trí thức châu Âu nào. Do đó cú sốc khi
nhận ra mình đã sai lầm là rất nghiêm trọng.
Trong khi đó, chiến lược của giới lãnh đạo Trung
Quốc hiện nay là sử dụng vụ Bạc Hi Lai và hậu quả gieo gió gặt bão rất
đau đớn (the painful blowback) do hành động phiêu lưu của Trung Quốc
trong Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] để nắm thêm quyền lực và củng cố sự
tin tưởng của quốc gia vào đường lối cải tổ trong nước, “vươn dậy hoà
bình” đối với nước ngoài. Ôn Gia Bảo đã sử dụng sự sụp đổ của Bạc Hi Lai
như một cơ hội để tấn công toàn khối dân túy-dân tộc chủ nghĩa-tả
khuynh (the entire left-nationalist-populist bloc) trong hệ thống chính
trị Trung Quốc và để củng cố quyền lực cho cánh hiện đại hóa và cải cách
mạnh dạn hơn trong đảng cầm quyền. Sự sụp đổ của Bạc Hi Lai cũng cho
phép giới lãnh đạo chính trị tái xác
quyết quyền lãnh đạo của mình đối với quân đội, trong khi các lãnh đạo
quân sự bắt đầu đứng vào đội ngũ chống lại bất cứ kẻ nào trong quân đội
vốn hậu thuẫn cho chủ nghĩa dân tộc tả khuynh luyến tiếc dĩ vãng
(nostalgic, left-tinged nationalism) của họ Bạc.
Từ góc nhìn của Mỹ, điều này có vẻ là một kết quả
khá tốt. Chính quyền Obama sẵn sàng chào đón Trung Quốc với hai bàn tay
mở rộng, cống hiến giới lãnh đạo cải tổ vừa được củng cố một cơ hội để
tiến lên thậm chí cả khi Mỹ áp dụng một ít sức ép kín đáo trên những vấn
đề như Iran và Syria trong những trường hợp mà Mỹ hi vọng Trung Quốc có
khả năng giúp đỡ nhiều hơn.
Vụ trốn thoát của Trần Quang Thành làm phức tạp
chiến lược này một cách nghiêm trọng. Từ quan điểm của giới lãnh đạo
Trung Quốc, vụ này phơi bày một mức độ bất lực và lỏng lẻo gây nhục nhã
sâu sắc cho mọi giới liên hệ. Bằng cách nào mà một người đơn độc khiếm
thị thiếu sức khỏe có thể qua mặt mạng lưới an ninh của một nhà nước độc
đảng mạnh nhất thế giới? Bằng cách nào mà một nhà bất đồng chính kiến
bị quản chế tại nhà đột nhiên xuất hiện trong vòng tay che chở của người
Mỹ ngay trước khi các cuộc đàm phán quan trọng với Ngoại trưởng Mỹ diễn
ra?
Và sau cùng còn có một bóng dáng khác chờn vờn trong
tâm tư Ngoại trưởng Clinton tại Bắc Kinh. Thủ tướng Noda của Nhật Bản
sẽ gặp Tổng thống Obama trong khi Ngoại trưởng Clinton đang gặp các lãnh
đạo Trung Quốc. Hai nhà lãnh đạo Nhật và Mỹ chắc chắn sẽ bàn về gia
tăng hợp tác an ninh với triển vọng là quân đội Nhật được phép huấn
luyện trên các căn cứ Mỹ ngay cả trong khi đảo quốc này mở rộng các quan
hệ quân sự, chuyên chở vũ khí và viện trợ “chiến lược” khắp châu Á.
Chiếm ưu tiên cao trên chương trình làm việc của cả Tổng thống Obama lẫn
Thủ tướng Noda là: phát triển các chiến lược để kềm hãm đồng minh còn
lại cuối cùng của Trung Quốc trong khu vực châu Á, tức Bắc Hàn.
Sự kiện này không cho thấy việc mặc cả về số phận
Trần Quang Thành là dễ dàng, huống hồ đòi lãnh đạo Trung Quốc phải hợp
tác tức khắc trên các vấn đề khác mà hai bên đều có quan tâm. Chính
quyền Obama không thể buộc ông Trần Quang Thành phải rời Sứ quán Mỹ để
trở lại tình trạng quản chế mà không bị mất uy tín nghiêm trọng, kể cả
mất vốn liếng đạo lý của mình; nhà cầm quyền Trung Quốc không thể trả tự
do cho họ Trần mà không trả một cái giá rất đắt.
Khi Chính quyền Obama bắt đâu kềm chế Trung Quốc vào
năm ngoái, Mỹ không có ý định đưa Trung Quốc vào thế chân tường hay bao
vây ngăn chặn Trung Quốc. Nhưng hiện nay Mỹ đã mạnh thêm một chút và
Trung Quốc có phần yếu thế và bất ổn hơn mọi người đã tưởng trước đây,
và các chính sách của chúng ta đã thành công có lẽ nhiều hơn chúng ta
mong muốn một chút.
Kurt Campbell, phụ tá chính của Bà Clinton về tình
hình châu Á, đã lặng lẽ bay đến Bắc Kinh nhằm cố gắng ngăn chặn vấn đề
Trần Quang Thành làm hỏng cuộc họp thương đỉnh; rõ ràng là Ông Campell
và Ngoại trưởng Clinton sẽ phải đàm phán nhanh và đàm phán giỏi để trấn
an nước chủ nhà phần nào rằng Mỹ thực tâm muốn xây đắp quan hệ hợp lý và
trân trọng với Bắc Kinh.
Cái điều mà tất cả chúng ta có vẻ đang học được tại
châu Á là, các biến cố đi theo một lôgic và nhịp độ riêng của chúng nó.
Hoa Kỳ có thể khởi động một chính sách, nhưng chúng ta không thể kiểm
soát hay điều chỉnh hậu quả các chính sách của chúng ta khi những hậu
quả này lan toả khắp thế giới. Nhiều cuộc trao đổi với các quan chức Mỹ
trong chính quyền Obama hay các chính quyền trước đây giúp tôi tin rằng
Mỹ không có ý định bao vây ngăn chặn Trung Quốc như chúng ta từng bao
vây ngăn chặn Liên Xô trước đây. Mặc dù gần như tất cả các viên chức Mỹ
cấp cao tin tưởng rằng về lâu về dài tiến bộ kinh tế sẽ dẫn đến thay đổi
chính trị tại Trung Quốc, sở dĩ như vậy là vì đại đa số người Mỹ được
lập trình để suy
nghĩ theo chiều hướng này, nhưng niềm tin đặt vào sự tiến bộ tất yếu
(whiggish faith) trong tiến trình lịch sử không phải là một tuyên bố
chính sách hay là một ý định.
Các chính trị gia hàng đầu của Mỹ trong cả hai đảng
[Cộng hòa và Dân chủ] thường hi vọng về một sự cải tổ hoà bình và tuần
tự hơn là một tình trạng xung đột bạo động tại Trung Quốc; họ không muốn
chia năm xẻ bảy hay bần cùng hoá Trung Quốc và nhất định họ không vui
mừng trước sự tan rã của nó. Người Mỹ cũng không nhận thấy diễn biến của
một trật tự an ninh châu Á tương lai theo ý nghĩa “bên lở bên bồi”, bên
này được thì bên kia phải mất (in zero-sum terms). Hoa Kỳ muốn ngăn
chặn việc Trung Quốc thống trị châu Á nhưng bản thân chúng ta không muốn
khống chế khu vực này.
Trong những chuyến viếng thăm Trung Quốc, tôi nhận
thấy nhiều người dân bản xứ có một cái nhìn bi quan hơn nhiều về ý định
của chúng ta: họ thấy Mỹ và Trung Quốc vật lộn nhau trong một trận chiến
một mất một còn, để chỉ có một bên giành trọn quyền thống trị. Tạm
thời, lạ thay trước mắt một số nhà nghiên cứu Trung Quốc, Mỹ đang giành
được phần thắng trong cuộc đọ sức này. Chúng ta không nên trông đợi phe
cứng rắn Trung Quốc chấp nhận tình hình này bằng một thái độ thanh thản
và cam chịu, cho dù sự lựa chọn của họ hiện nay là rất hạn chế.
Ngoại trưởng Clinton sẽ bay từ Trung Quốc sang Ấn Độ
qua ngã Bangladesh. Với Thủ tướng Noda của Nhật Bản có mặt tại
Washington và Ngoại trưởng Clinton có mặt tại New Delhi, quan điểm của
Beijing rất có thể vẫn còn âm u. Thêm nhiều biến cố làm gai mắt Bắc Kinh
chắc chắn sẽ diễn ra. Vì lợi ích quốc gia, những tiểu cường như Việt
Nam và Philippines sẽ khai thác sự hậu thuẫn mới mẻ mà họ nhận đưọc từ
Washington để giành lấy những gì mà họ có thể; điều này làm cho họ trở
nên quyết đoán hơn trong Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] và thêm nhiều vụ
việc khác có thể diễn ra, đặt Trung Quốc trước một lựa chọn cay đắng:
hoặc trông nhu nhược hoặc phải đương đầu một cuộc khủng hoảng. Vấn đề
liên quan thương vụ vũ khí Mỹ bán cho
Đài Loan chắc chắn sẽ cộm lên. Sẽ có thêm nhiều hành động của nhiều nhà
bất đồng chính kiến Trung Quốc gây kích động cho dư luận trong nước và
ảnh hưởng đến thế đứng của Trung Quốc ở nước ngoài. Những bất ổn kinh tế
toàn cầu sẽ ép buộc bàn tay của Trung Quốc trong chính sách kinh tế
trong những cách thế làm phức tạp quan hệ của Trung Quốc với các đối tác
thương mại, kể cả Mỹ. Trong cuộc tranh cử Tổng thống dài lê thê đang
diễn ra tại Mỹ, hai ứng viên và đại diện của họ sẽ tranh nhau tuyên bố
cứng rắn về Trung Quốc trên các vấn đề thương mại, an ninh và nhân đạo.
Lập trường mới của Mỹ tại châu Á là có thực và nó sẽ
không thay đổi một sớm một chiều. Hậu quả của sự chuyển hướng chiến
lược này đối với chính trị châu Á và đối với quan hệ Mỹ-Trung là phức
tạp và không dễ gì nắm bắt đầy đủ trong một thời gian ngắn. Nhưng đây là
một thời điểm tranh sáng trang tối và thậm chí nguy hiểm; chúng ta nên
chúc Ngoại trưởng Clinton mọi thành công có thể có được khi bà ra sức
xây dựng những chiếc cầu cảm thông giữa hai nền văn hóa chính trị và thế
giới quan rất khác nhau.
Walter Russell Mead
Walter Russell Mead là Giáo sư môn Sự vụ Quốc tế
(Foreign Affairs) và Nhân văn (Humanities) tại Đại học Bard, bang New
York, đồng thời dạy môn Chính sách Ngoại giao Mỹ (American Foreign
Policy) tại Đại học Yale. Ông từng là chuyên viên nghiên cứu thâm niên
về chính sách ngoại giao Mỹ tại Viện nghiên cứu chính sách nổi tiếng
Council on Foreign Relations (Hội đồng Quan hệ Đối ngoại) — người dịch
giới thiệu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét