Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Tên Anh ngời sáng giữa đêm đen - Dân biểu Huỳnh Văn Lầu - Người anh hùng nông dân Châu Đốc

Vũ Văn Quý
 
Hơn tám mươi nhân vật thuộc giới lập pháp của chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị việt cộng bắt tập trung cải tạo, trong đó có những dân biểu miền Tây thuộc Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo như các ông Lê Quang Liêm, Nguyễn Văn Ca, Bùi Văn Mỹ và bà Trần Thị Hoa tự Phấn (quả phụ của tướng Lê Quang Vinh tức Ba Cụt) v.v. là những người xuất hiện ngay những ngày đầu tháng 6 năm 1975 tại trại tập trung Long Thành. Vài tháng sau, một số các vị này bị việt cộng tách ra đem về giam tại Thủ Đức nhưng không có ai nói về cái chết của Dân Biểu HUỲNH VĂN LẦU sau khi việt cộng đánh chiếm tỉnh Châu Đốc.
Ông HUỲNH VĂN LẦU là một vị dân biểu nổi tiếng là người của giới nông dân tỉnh Châu Đốc, một chiến sĩ can trường một mình lãnh đạo các lực lượng Bảo An Hòa Hảo tại địa phương quyết chiến đến giọt máu cuối cùng không đầu hàng việt cộng. Ông đã cùng các chiến sĩ Hòa Hảo tiêu diệt khá nhiều việt cộng vào cuối tháng 4 năm 1975. Ông LẦU cũng là một chức sắc nòng cốt quan trọng cả về chiều sâu lẫn mặt chìm của Phật Giáo Hòa Hảo tại địa phương khác với các nhân vật có tiếng về mặt nổi như các ông Lê Quang Liêm và Lê Phước Sang.
Sau khi ông Lầu bị bắt và bị việt cộng trói thúc ké, bịt miệng, đem ra xử bắn tại sân vận động Châu Đốc, người dân địa phương đã xem ông như một vị thánh tử đạo và được những đồng đạo tôn thờ.
Hai ông Lương Trọng Tường và Dân Biểu Lê Quang Liêm là những nhà lãnh đạo cao cấp của Phật Giáo Hòa Hảo cũng bị giam tại Long Thành và Thủ Đức, cả hai cùng được việt cộng thả tại Thủ Đức khoảng tháng 10 năm 1975, cũng không hề tiết lộ gì về cái chết hào hùng bất khuất của ông HUỲNH VĂN LẦU. Có thể các ông biết mà không đề cập đến vì trong cảnh cá chậu chim lồng, tai vách mạch rừng, e liên hệ đến bản thân. Đại Tá Nguyễn Văn Của tỉnh trưởng Châu Đốc là nơi ông LẦU bị xử bắn, ông Của cũng bị giam chung với chúng tôi cùng buồng cùng trại trong nhiều năm tại Hà Tây và Nam Hà nhưng ông Của cũng không hề tiết lộ chi tiết nào về cái chết của Dân Biểu HUỲNH VĂN LẦU.
Ông HUỲNH VĂN LẦU sinh năm 1922 tại Châu Đốc, xuất thân từ nông dân, tín đồ trung kiên Phật Giáo Hòa Hảo. Trước khi làm Dân Biểu Hạ Nghị Viện, ông là đảng viên Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng (VNDCXHĐ) và là chủ tịch Hội đồng Tỉnh Chảu Đốc. Ông gia nhập Quân Đội Giáo Phái Hòa Hảo và đã từng giữ các chức vụ lãnh đạo Phật giáo Hòa Hảo và VNDCXHĐ ở cấp Quận và Tỉnh.
Từ năm 1966 đến năm 1975, ông làm dân biểu liên tiếp 3 nhiệm kỳ từ quốc hội Lập Hiến đến Lập Pháp. Ông được bầu làm chủ tịch Ủy Ban Canh Nông Hạ Nghị Viện niên khóa 1972-1973.
Cuối tháng 4-1975,ông điều động và chỉ huy các lực lượng võ trang tử thủ tỉnh Châu Đốc. Cuối cùng ông đã bị việt cộng bắt đem ra xử bắn khoảng giữa tháng 5-1975 trong thời gian việt cộng thực hiện những cuộc tàn sát đẫm máu để trả thù các viên chức chế độ VNCH sau khi chúng cưỡng chiếm được miền Nam.
Theo lời kể của Dân Biểu Dương Thanh Tồn, đơn vị Kiến Phong người gốc Long Xuyên thì tình hình ở Châu Đốc và Long Xuyên trong những ngày cuối tháng 4-1975 như sau:
Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo có trụ sở tại đường Bùi Thị Xuân Sài Gòn đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp vào cuối tháng 4-1975 đưa ra quyết định cuối cùng là tất cả các cán bộ Phật Giáo Hòa Hảo bằng mọi cách phải trở về ngay địa phương cùng các chiến sĩ tín đồ chiến đấu. Ông Lương Trọng Tường lúc đó tin tưởng rằng sẽ có một giải pháp cho Việt Nam qua trung gian của đại sứ Pháp và cựu thủ tướng Trần Văn Hữu.
Sáng 28 tháng 4-1975, các viên chức này cùng hai ông Dương Thanh Tồn và Dương Minh Quang đả tức tốc trở về miền Tây để củng cố binh bị ngõ hầu tăng cường trợ giúp cho các lực lượng QLVNCH tại Vùng 4 trong trường hợp rút bỏ thủ đô Sài Gòn. Mặc dầu đường xá di chuyển rất khó khăn trong cảnh cực kỳ hỗn độn nhưng các ông Tồn và Quang cũng đã trở về được Tây An Cổ Tự và sau đó tổ chức ngay một cuộc họp tại trụ sở trung ương Phật Giáo Hòa hảo vào sáng ngày 29-4-1975. Chùa Tây An Cổ Tự tọa lạc tại Long Kiến quận Chợ Mới tỉnh Long Xuyên. Trong cuộc họp này có mặt tất cả các chức sắc cao cấp Phật Giáo Hòa Hảo và lực lượng Bảo An, các dân biểu Hòa Hảo và ông Lương Trọng Tường.
Ông Lương Trọng Tường, Hội Trưởng Phật Giáo Hòa Hảo Trung Ương đề ra kế hoạch phân công, phân nhiệm cho các viên chức lúc đó như sau:
- Hai dân biểu Dương Minh Quang và Dương Thanh Tồn cùng với Trung tá Nguyễn Văn Tuội - chủ tịch Hội Đồng Tỉnh và ông Đào Khương Ninh sử dụng lực lượng Bảo An Hòa Hảo tử thủ tại Long Xuyên.
- Dân Biểu HUỲNH VĂN LẦU cùng với các ông Lê Chân Tình, ông Nguyễn Hiếu Thảo là chủ tịch và phó chủ tịch Hội Đồng Tỉnh tử thủ tại Châu Đốc.
Ngày 30-4-1975,trước khi nghe Dương Văn Minh đầu hàng thì các người cầm quyền ở địa phương đã bỏ chạy và quân đội bị rã ngũ. Ngay đêm hôm đó, đầu tỉnh Long Xuyên là Đại tá Khiếu Hữu Diêu đã trốn mất. Hai ông Tồn và Quang đã dùng chính chiếc xe Jeep của tỉnh trưởng để bắc loa chạy quanh trong thành phố kêu gọi các chiến sĩ Hòa Hảo tập họp lại để được cung cấp thêm súng đạn và cùng nhau chiến đấu tới cùng.
Tại Châu Đốc thì Dân Biểu HUỲNH VĂN LẦU cũng đã gom được một số khá đông chiến sĩ Bảo An Hòa Hảo,trong lúc đó thì vị tỉnh trưởng Châu Đốc là Đại tá Nguyễn Văn Của đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, tuy ông có mặt ở đó nhưng gần như bất động.
Trên đường đi đến kho tiếp vận của Tiểu Khu để lấy súng đạn phát cho chiến sĩ, ông Dương thanh Tồn thấy một người lạ mặt ngoắc xe ông lại và nói:
- " Ông Dân Biểu còn nhớ em không? Em là "trung tá Thọ" đây mà! Em làm bí thư cho tướng Nguyễn Khoa Nam ở Cần Thơ. Em thấy ông Dân Biểu xuống đó hoài mà không nhớ sao?"
Theo ông Tồn thì hoàn toàn chưa gặp hắn bao giờ và không biết hắn là ai. Dầu vậy ông vẫn lịch sự:
- "Vậy hả. Anh lên đây làm chi?"
Hắn nói: "Hai ông Nguyễn Khoa Nam và Lê Văn Hưng, mấy ông ấy đã tự sát hết rồi. Bây giờ em chạy lên đây nhập vào lực lượng Bảo An để mà tử thủ."
Không hề nghi kỵ, ông Tồn coi hắn như người cùng chiến tuyến. Ông khoác tay và nói:
- "Vậy anh leo lên xe tôi đi."
Thế là hắn đã theo ông và ông Quang đi đến kho tiếp vận lấy súng đạn phát cho anh em, lên Tòa Hành Chánh, lên Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu và đi khắp nơi, vừa đi vừa gọi loa kích động tinh thần chiến sĩ. Đi đâu tên "trung tá Thọ" này cũng bám theo. Đi lòng vòng một hồi lâu, ông Tồn nhìn lại thì hắn đã bỏ đi tự lúc nào không hay.
Ông Tồn và ông Quang ở Long Xuyên từ đêm 30 đến sáng ngày 2-5-1975. Tình hình địa phương bắt đầu căng thẳng từ lúc xảy ra vụ chiếc xe dodge 4x4 bị đốt cháy và mấy tiếng lựu đạn nổ trước cổng Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu. Thấy tình hình không yên, các ông tìm giang thuyền chạy sang bên thánh địa Hòa Hảo là nơi Bộ Chỉ Huy và ông Lương Trọng Tường đang ở đó. Lúc đó ông thấy Đại tá Của tỉnh trưởng mặc thường phục đi dép từ Châu Đốc đến.
Ông nói ông vừa rời khỏi Châu Đốc và ông sang đây để quan sát tình hình xem có thể cứu vãn được không. Ông cho biết bây giờ Dân Biểu HUỲNH VĂN LẦU vẫn tử thủ trên đó cùng với các chiến sĩ Bảo An Hòa Hảo. Sau đó ông Của đã xuống tàu hải quân bỏ đi và về tới Mỹ Tho thì bị việt cộng chặn bắt.
Sáng ngày 3-5-1975, Ông Lương Trọng Tường gọi điện thoại nói bây giờ không giữ được tỉnh thì trở về Tây An Cổ Tự. Khi ông Tồn và ông Quang chạy về tới Tây An Cổ Tự - cù lao ông Chưởng, nơi trước kia Đức Phật Thầy trụ trì -  thì lúc đó đã có hàng chục ngàn người, có ông Đại tá Trần Cửu Thiên, có nhiều quân lính thuộc Vùng 4, nhưng không ai chỉ huy, súng ống ngổn ngang, lính chẳng ra lính, dân chẳng ra dân. Tình hình tại đây rất lộn xộn và việt cộng đang bắt đầu xuất hiện tấn công. Hàng ngũ lực lượng kể như rã ngũ nhưng các ông còn ở lại Tây An Cổ Tự thêm mấy ngày sau. Một số viên chức và sĩ quan VNCH nghe việt cộng ra trình diện nhưng hai ông Tồn và Quang vẫn cương quyết không ra vì cho rằng ra là chết. Ông Tồn là mục tiêu trả thù của các sinh viên thiên cộng khi ông còn làm Giám Đốc sinh viên vụ của Viện Đại Học Hòa Hảo. Chính ông đã phát hiện ra những sinh viên nằm vùng được việt cộng đem đi huấn luyện ở Cà Mâu và ông đã yêu cầu chính quyền bắt giam. Sự việc xảy ra cách đây chưa đầy một năm thì những kẻ thù ông chưa dễ gì quên được. Một hôm bà Ba Phấn (tức Trần Thị Hoa, góa phụ của tướng Lê Quang Vinh tự Ba Cụt) viết cho ông một cái thư. Bà nói : "Chú Tồn ra trình diện đi. Tôi đã trình diện rồi không sao hết."
Sa chân vào bẫy, được chứng kiến hình ảnh Dân Biểu HUỲNH VĂN LẦU bị bắn.
Dân Biểu Dương Thanh Tồn chẳng ít thì nhiều cũng đã có thành tích diệt cộng và có ảnh hưởng lớn trong Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo. Đối với Dân Biểu Dương Minh Quang thì hơn thế nữa, thân phụ của ông Quang cũng từng là cấp chỉ huy trong quân đội Hòa Hảo và có mối tử thù với các tên cán bộ đầu sỏ việt cộng ở địa phương nên trước kia đã bị chúng sát hại hết sức dã man. Hai ông Tồn và Quang thường sát cánh bên nhau như bóng với hình từ các sinh hoạt tôn giáo đến các hoạt động quân sự , xã hội và chính trị. Trong giờ phút phải quyết định giữa sinh và tử, mặc dầu có lời khuyên của bà Ba Phấn nhưng hai ông vẫn ở Tây An Cổ Tự và thề chết chứ không ra trình diện.
Nhớ lại ký ức đen tối của đời mình, ông Tồn kể câu chuyện cũ nếu ông không bị bắt giam thì cũng không có cơ hội nào để được chứng kiến tận mắt cái chết của Dân Biểu HUỲNH VĂN LẦU.
" Chúng tôi không ra trình diện mà chúng nó cho người có liên hệ quen biết mời chúng tôi đến nghe nói chuyện và bảo đảm sẽ không bị bắt.
Từ Tây An Cổ Tự, anh em chúng tôi về thẳng nhà ông giáo Nguyễn Văn Mởn, ông thầy dạy Pháp văn đi theo kháng chiến hồi 1945 và có vợ cũng là giáo sư dạy ở trường nữ Long Xuyên. Chúng phái tên giáo sư Miễn thuộc thành phần thứ 3 ở Long Xuyên gặp chúng tôi tại nhà ông Mởn, nói chuyện lung tung, trên trời dưới đất, ca tụng Hồ chí Minh như thần thánh. Đầu óc chúng tôi lúc đó đâu còn muốn nghe những chuyện đó nữa. Trong lúc đang nói chuyện thì có một tên việt cộng mang dép râu, đội nón cối, đeo xà cột
bước vào trước sân. Chúng tỏi tự nhủ rằng mình bị gạt và tụi nó sẽ bắt mình nhưng ông Mởn vội đi ra gặp nó và sau đó nó bỏ đi. Ông Mởn nói với chúng tôi rằng người vừa vô đó là cán bộ tên Tam, ủy viên chính trị tại đây đó,
Khoảng 2 giờ chiều, ông Mởn mời chúng tôi xuống ty công an nội chính nghe nói chuyện. Tại đó đã có sẵn hơn hai chục người, toàn là những khuôn mặt quen thuộc phần đông là các sĩ quan ở Long Xuyên đã ra trình diện. Trong khi ngồi chờ thì ở trong bước ra một tên cán bộ làm tôi kinh hoàng. Chính nó là thằng việt cộng đã mạo nhận là "trung tá Thọ, bí thư của tướng Nguyễn Khoa Nam" đã leo lên xe đi với tôi cách đây khoảng một tuần, y là ủy viên chính trị kiêm trưởng ty công an tại đó. Nó không hỏi ai mà hỏi ngay tôi:
- " Anh Dương Thanh Tồn còn nhớ tôi không?"
Tôi trả lời là không nhớ. Nó nói tiếp:
- " Được! Nhớ cũng tốt và không nhớ cũng tốt. Cứ ngồi đó đi."
Tôi tự nhủ bữa nay chắc là đám giỗ của mình rồi. Chúng nó nói chuyện khoảng một tiếng đồng hồ. Cuối cùng nó nói tất cả mọi người cứ ra về hết đi và sẽ có thông cáo sau. Nó nhấn mạnh: "Riêng hai anh Dương Thanh Tồn và Dương Minh Quang ở lại để tôi làm việc với hai anh."
Vừa nói xong thì hai bên cánh cửa mở ra, 4 tên lính việt cộng cầm súng AK đến bắt chúng tôi đem nhốt vào cát sô.
Đêm hôm đó khoảng 9-10 giờ, ngoài trời mưa lâm râm. Việt cộng vào đem đến cái không khí nặng nề rùng rợn, đằng đằng sát khí, tiếng súng cắc bùng vẫn lẻ tẻ từ các thôn xóm dội về thật hãi hùng. Anh Quang nói chuyện với tôi thật nhỏ đủ nghe sợ nói lớn bên ngoài chúng nó rình:
- " Này Tồn. Có mang dây nịt theo không ?"
- " Làm chi ông nội ?"
- " Tồn ơi. Chắc thắt cổ tự tử quá ! Thế nào trước sau cũng chết. Chịu không nổi đâu."
Tôi nói tôi bình tĩnh lắm. Quả lúc đầu thì tôi sợ nhưng chừng 12 tiếng đồng hồ sau thì tôi nghĩ rằng con người ai cũng phải chết một lần, tại sao mình phải sợ. Không bây giờ thì vài chục năm nữa chứ có ai sống hoài mãi đâu?
Thoát không được, chết thì thôi. Tôi nói với anh Quang:
" Tôi thấy trước sau mình cũng chết, nhưng chết cho minh bạch. Mình không dám tự cho mình là anh hùng vì chưa làm được gì xứng đáng nhưng nếu chết, mình muốn theo kiểu chết của mình. Trừ ra chúng nó cho mình đi mò tôm thì không kể, còn nếu chúng nó đem mình ra sân banh mà bắn thì mình cũng phải ráng làm cái gì đó có ý nghĩa để cho con cháu mình sau này nở mày nở mặt chẳng hạn như hô Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm, Phật Giáo Hòa Hảo Muôn Năm v.v."
Anh Quang nói nhỏ với tôi :
- " Thôi chờ xem nó coi sao !"
Sau 7 ngày giam giữ, chúng nó đem tụi tôi ra một cái phòng có máy ti vi. Chúng nó quay lại khúc phim xử bắn anh HUỲNH VĂN LẦU. Mục đích của tụi nó là đánh thẳng vào tinh thần tụi tôi. Chính mắt tôi được chứng kiến:
Anh HUỲNH VĂN LẦU lúc đó cũng lớn tuổi rồi. Tôi thấy anh bị trói thúc ké, mái đầu trắng toát như một thúng bông gòn vậy. Năm tên lính dẫn anh LẦU ra sân vận động Châu Đốc. Tại chỗ hành hình, chúng nó đã chôn một cái trụ và 2 cái cọc sẵn. Nó trói thân mình anh vào cột trụ giữa và hai tay dang ra cột vào 2 cái cọc hai bên. Chúng nó đọc bản án trước khi bắn:
" HUỲNH VĂN LẦU là một tên cực kỳ phản động đã phục vụ đắc lực cho Mỹ Ngụy. Chẳng những làm tay sai cho CIA và còn thuộc thành phần Hòa Hảo điên cuồng. Suốt thời gian từ 1945 đến nay, tên LẦU đã giết biết bao nhiêu người cách mạng và sau này còn làm Hội Đồng Tỉnh và Dân Biểu của chế độ Thiệu chống lại nhân dân và cách mạng. Tới ngày mà cách mạng vào mà tên LẦU vẫn chưa thức tỉnh, chưa hồi tâm, còn ngoan cố chống lại cách mạng và gây chết chóc cho bộ đội và nhân dân tại địa phương. Tết Mậu Thân, chính tên này cũng kêu gọi Bảo An Hòa Hảo đứng lên chống cách mạng làm tử thương cho nhiều liệt sĩ. HUỲNH VĂN LẦU xứng đáng tử hình để làm gương cho kẻ khác."
Sau đó chúng nó bắn anh LẦU chết gục tại chỗ, không nói được điều gì hết vì bị chúng bịt miệng.
Tôi và anh Dương Minh Quang được chứng kiến cảnh này vô cùng tàn nhẫn. Chúng tôi nói với nhau rắng anh LẦU như vậy thì chúng tôi làm sao thoát được."
Cái may mắn cho hai ông Tồn và Quang thoát khỏi sự hành hạ của tên việt cộng mạo danh "trung tá Thọ" ác ôn là sau khi làm việc với tên này một đôi lần rồi không gặp lại hắn nữa. Sau đó các ông Tồn và Quang không bị đem ra cải tạo ở miền Bắc nhưng đã bị chuyển qua nhiều trại giam tại miền Nam như Cần Thơ, Bạc Liêu, Năm Căn, Cà Mâu ở chung với các ông Lê Tấn Bửu, ông Đạo Dừa, Chánh án Nguyễn Hữu Hùng, Đại Tá Nguyễn Văn Biếc BĐQ v.v. trong nhiều năm. Ông Tồn bị giam khoảng 6 năm và ông Quang khoảng 9 năm mới được tha. Sau đó hai người cùng gia đình vượt biên thành công sang tái định cư ở Hoa Kỳ. Ông Tồn hiện ở tại Houston và ông Quang đang ở Cali.
                                                    *
                                                   *  *
    Cám ơn anh Dương Thanh Tồn đã kể câu truyện đầy gian truân, bi đát và đen tối nhất đời của hai anh, đặc biệt là về cái chết của Dân Biểu HUỲNH VĂN LẦU. Anh Tồn nói : " Nếu tôi đã chết rồi thì không biết còn ai là những người được chứng kiến tận mắt cái chết bi hùng của Dân Biểu HUỲNH VĂN LẦU ?"
    Qua tấm di ảnh của người anh hùng nông dân Châu Đốc trong bài này, tôi cảm thấy như ông vẫn sống trong hàng triệu trái tim của người dân Việt mến mộ ông cũng như tên tuổi của ông ngời sáng sẽ trở thành bất tử trong lòng dân tộc. Dù năm tháng có phôi pha nhưng hình ảnh của ông vẫn không nhạt nhòa mà còn rõ nét hơn. Với dáng người cao cao, mái tóc dầy, nước da bánh mật, có một con mắt lé kim thật có duyên, nói năng bộc trực không rào đón, không văn hoa. Năm xưa, tại diễn đàn Hạ Nghị Viện, mỗi lần ông lên phát biểu, các bạn đồng viện thích lắng nghe những lời chân tình thẳng ruột ngựa của ông tuy giọng nói có khô khan. Các đồng viện thường dành cho ông cảm tình đặc biệt khi ông nhờ ký vào những kiến nghị bảo vệ quyền lợi chính đáng của đồng bào nông dân địa phương.
    Ông HUỲNH VĂN LẦU đã chết vinh quang cho Tổ Quốc Việt Nam, cho Tự Do Dân Chủ, cho Tự Do Tôn Giáo, cho những ngưởi Việt Nam dù trong hay ngoài nước không chấp nhận tà quyền buôn dân bán nước Việt Gian Cộng Sản.
   Cùng đồng bào cả nước và đặc biệt ở quê hương Miền Tây, tôi xin thắp nén tâm hương nhớ về ông trong ngày Quốc Hận 30-4.    
 
                VŨ VĂN QUÝ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét