Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Đức Phật nhà Văn hóa khai sáng nhân chủ đạo của nhân loại

LÝ ĐẠI NGUYÊN

Mừng mùa Phật Đản 2636 – 2556, toàn thể những người con Phật trên khắp thế giới, hân hoan mở lễ hội trọng thể để ghi nhớ công đức của vị Giáo Chủ của Đạo Giải Thoát, đã chỉ cho mỗi người con đường tự tu, tự thắng, tự thoát khỏi cảnh tự làm khổ mình, làm khổ người, làm hư vật, bởi sự Tham, Sân, Si của chính mình tạo ra, để an nhiên tự tại, cho tuệ tâm bừng sáng, nhận thức thực tại được mình đang bị sống trong cõi Vô Thường Hằng Hóa của Vũ Trụ, sống trong dòng Diễn Hóa mịt mù của Lịch Sử, sống giữa Thế Giới khổ đau đầy dẫy bất công, tranh giành, thù hận, chém giết, đầy đọa nhau vì quyền lực, vì quyền lợi riêng tư, vì chủ quan hẹp hòi, vì nhân danh đủ thứ lý tưởng, vì những nhu cầu thực tế thiển cận, mà xa rời Tình Người, vi phạm Quyền Người, quên đi thực thể Tâm Linh vốn là nguồn sống tinh anh của Con Người, là nguồn sinh hóa vĩ đại của Vũ Trụ và là nguồn Thăng Hóa đích thực của Thế Giới. Từ đó nhận chân được trách nhiệm cứu độ của mình đối với tha nhân và vạn hữu, góp phần thăng hóa cho tất cả.


Nhân loại xuất hiện trên trái đất này là kết tinh của cuộc hằng hóa vi diệu, vĩ đại của vũ trụ, có nguồn Tâm Linh phong phú tiềm ẩn nơi mỗi người, mà Đức Phật đã chĩ rõ rằng:“Chúng sinh đều có Phật Tính, nhưng chỉ có Con Người mới hội đủ điều kiện để tu chứng thành Phật”. Chính nguồn tâm linh của vũ trụ ở trong mỗi người, mỗi ngày một  Đẹp, Sáng, Tốt, Mới thêm ra, nên Con Người sớm thể hiện được Tình Người, Tính Người để quy tụ thành Xã Hội Người. Đi từ hình thái Xã Hội Mặc Thức Nhân Nhiên, của thời Bộ Lạc với nền Văn Hóa Đa Thần, tiến qua Xã Hội Ý Thức Nhân Loại, của thời Quốc Gia Phong Kiến với nền Văn Hóa Duy Thần, tiến lên Xã Hội Nhận Thức Nhân Văn, của thời Toàn Cầu Dân Chủ, với nền Văn Hóa Nhân Chủ Tâm Linh Thăng Hóa.

Đức Thích Ca là một Con Người Toàn Giác, một vị Giáo Chủ, một nhà Văn Hóa thể hiện trọn vẹn Nhân Chủ Tính là Tự Do, Tự Chủ và Sáng Tạo. Chính từ Ngài đã khai mở ra Nhân Chủ Đạo cho nhân loại, mà thời đại chúng ta hôm nay đang tuần tự thể hiện ra trong cuộc sống toàn diện, toàn cầu hóa của mình. Đức Phật tuy tuyệt đối đề cao Nhân Chủ Tính, nhưng Ngài không bao giờ phủ nhận sự hiện hữu của Năng Lực Siêu Nhiên Vũ Trụ, mà thế nhân thường xưng tụng là các vị Thần Linh, hay Thượng Đế, hoặc Thần Lực Vũ Trụ. Ngài gọi đó là hiện tượng Vô Sắc Giới, luôn luôn tác động tới cuộc sinh hóa của Vạn Hữu thuộc lãnh vực Sắc Giới, ảnh hưởng trực tiếp vào Tâm Linh của mỗi người. Trở thành Duyên Lành đối với những người gieo Nhân Lành để có Thiện Quả; là Ác Duyên đối với những kẻ tạo ra Nhân Ác để nhận Ác Quả. Luật Nhân Quả là luật tự nhiên phổ quát và phổ cập, tác động đối với mọi người, mọi vật sinh hóa trong Trời Đất. Như vậy Đạo Phật thuộc Hữu Thần, hay Siêu Thần chứ tuyệt đối không là Vô Thần. Với Đạo Phật thì vũ trụ là đa nguyên, bao gồm các hiện tượng vật lý, sinh lý, tâm lý, siêu lý, mà con người là kết tinh các nguồn anh linh cao diệu nhất của Trời Đất. Nên Đức Phật  khẳng định chỉ con người mới hội đủ điều kiện tự do, tự chủ, sáng tạo để tu chứng thành Phật.

Tính sáng tạo siêu việt trong giáo lý Đức Phật, là khi Ngài giác ngộ về nguyên lý vô thường hằng hóa, sinh, tử, luân hồi là nguồn cội của khổ đau triền miên của con người từ kiếp này sang kiếp khác, vô cùng bất tận, một khi đã mang thân phận làm một con người. Nhưng con người đã sẵn có nguồn lực tâm linh nội tại vi diệu của Năng Lực Siêu Nhiên Vũ Trụ, nên có năng lực Tự Do, có nội lực Tự Chủ, có năng khiếu Sáng Tạo. Chính nhờ Nội Lực Tự Chủ của Tâm Linh, mà Con Người mới ý thức được giá trị, trách nhiệm, quyền hạn về Năng Lực Tự Do của mình, không phạm vào quyền Tự Do của Tha Nhân. Khi con người có Tự Do mới phát huy được năng khiếu Sáng Tạo của mình, mà công cuộc sáng tạo vĩ đại nhất là Đức Phật đã tìm ra đường hướng và phương pháp tự tu, tự thắng, tự giác, tự vượt khỏi hệ lụy vô thường hằng hóa sinh tử luân hồi của luật tự nhiên, để vươn lên đạt cảnh giới Giải Thoát, Sinh Không, Trong Trinh của chư Phật. Như vậy, đối với các Bậc Toàn Giác, các Ngài đã tự thăng hoá Tuệ Tâm mình để góp phần sáng tạo thêm đẹp, đúng, tốt và mới cho nguồn Năng Lực Siêu Nhiên của Vũ Trụ. Ở đây được nói lên đặc tính không thể thiếu của Văn Hóa Nhân sáng tạo nơi Đức Phật.

Tuy chư Phật đều đạt tới cảnh giới Giải Thoát Sinh Không, nhưng với Tâm Từ Bi vô lượng, vô biên, chư Phật luôn luôn thị hiện giữa chúng sinh, trong cõi vô thường hằng hoá này, để tùy duyên hóa độ cho tất cả. Đây chính là cơ duyên cho những người theo Phật, không những chỉ tìm Phật Pháp trong kinh điển, chứng Phật Đạo trong tu hành, mà còn nhận được Phật Huệ trong chứng nghiệm tâm linh nữa. Đây cũng chính là lý cớ để cho Tứ Chúng tùy duyên, tùy hoàn cảnh thành lập Giáo Hội để xiển dương chính pháp tại các Quốc Gia, qua các thời đại. Nhưng nghiệp lực của nhân loại hãy còn nặng nề, trì độn, nên 27 thế kỷ qua đi, với bao nhiêu đau khổ chồng chất, với bao nhiêu mê lầm ngụy tín, với bao nhiêu chém giết hận thù, với bao nhiêu chiến tranh tàn phá, và cuối cùng với cuộc tận diệt nhân tính, tận diệt mọi giá trị tinh thần và các nền Văn Hóa truyền thống của chủ nghĩa cộng sản, mãi gần đây Nhân Loại mới bừng tỉnh để hiểu được rằng: “Cứu cánh của loài người là chính Con Người. Con Người phải tự làm chủ lấy mình, phải tự trách nhiệm về cảm niệm, suy tư và hành xử của mình, tạo thành nhân cách tự do cho chính mình, qua việc biết tôn trọng tự do của người khác, để cùng chung sức kiến tạo một thế giới Tự Do Công Lý Hoà Bình Thịnh Vượng, bằng chế độ Dân Chủ Điều Hợp Trọng Pháp do chính các công dân của mỗi Quốc Gia tự do lựa chọn. Tức là mỗi Quốc Gia tự chủ động gia nhập tiến trình Toàn Cầu Hoá và cùng giúp nhau Dân Chủ Hoá Toàn Cầu để nhân loại thực sự được sống trong Thời Đại Nhân Chủ Nhân Văn Toàn Cầu Hóa”.

Con Người là cứu cánh của Con Người, là cứu cánh của mọi vận động xã hội, cứu cánh của các chế độ chính trị, của các ngành sinh hoạt chính trị, luật pháp, cai trị, kinh tế, dịch vụ, giáo dục, văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, và của các chính sách nội trị, ngoại giao, tóm lại là Cứu Cánh của Văn Hóa. Chính Văn Hoá có sứ mệnh làm cho thân phận con người mỗi ngày mỗi đẹp, sáng, tốt, mới mãi mãi, làm cho lịch sử dân tộc và nhân loại thăng hoá không ngừng. Do vậy, Nhân Chủ Đạo đang là nhu cầu vươn lên của thời đại, và Nhân Quyền mới là một đòi hỏi quyết liệt và cấp thiết nhất của Thế giới. Một quốc gia không có Nhân Quyền thì Dân Quyền không được tôn trọng. Một quốc gia không tôn trọng Dân Quyền thì chủ quyền đất nước không còn thuộc về toàn dân nữa. Một nhà nước độc tài, một nhà nước cộng sản thì dứt khoát không có vấn đề tôn trọng nhân quyền. Đó chính là lý do toàn dân Việtnam trong, ngoài nước và các nước dân chủ, đang đẩy mạnh cuộc đòi hỏi Nhân Quyền cho Việtnam.

LÝ ĐẠI NGUYÊN  Mùa Phật Đản 2012.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét