Nhắc đến nhạc tiền chiến, người nghe vẫn không bao giờ quên nhạc phẩm Tiếc thu của nhạc sĩ (NS) Hoàng Dương, bài hát này đã "mất tích" từ lâu. Bỗng một ngày cuối thu, tình cờ tìm thấy Tiếc thu trong một CD cũ với giọng hát Lệ Thu: "Chiều tàn mây thu man mác buồn vương...". Bài nhạc buồn và người NS ngày ấy - bây giờ thổ lộ đôi điều về Tiếc thu...
- Nhạc phẩm Tiếc thu ngày ấy và tác giả Hoàng Dương bây giờ ?
- Đó là câu chuyện về cả cuộc đời... (Im lặng) ! Ngày ấy, khoảng mùa thu năm 1945 tôi cùng với hai người bạn đi chơi thăm chùa Thị Cấm (nay thuộc xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội) gặp một cơn mưa gió bão bùng, mịt mờ trời đất. Cả ba chúng tôi trú dưới hiên chùa... rồi cùng nhau thổn thức, hát Giọt mưa thu. Những kỷ niệm ấy đã đeo đẳng theo tôi suốt 9 năm trời, để sau cùng Tiếc thu ra đời. Còn Hoàng Dương bây giờ... (ngừng một lát...). Nói về mình thật là điều thiếu tế nhị, nhưng để trả lời anh tôi cũng mạnh dạn bộc bạch đôi điều, là từ sau những ca khúc thuở ấy, tôi ngày càng đi sâu và cảm thấy âm nhạc thật mênh mông vô tận.
Có một thời gian dài, tôi ít viết bài hát, nhưng trong những thập niên gần đây, cùng với khí nhạc, tôi trở lại với tình ca, và nói chung cái chất của tôi vẫn là nhất quán: đa sầu đa cảm, mơ mộng ưu tư. Những tác phẩm của tôi, như có bạn đồng nghiệp nhận xét: trong khí nhạc có chất thanh nhạc và trong thanh nhạc có chất khí nhạc - riêng tôi cũng cảm thấy như vậy, chẳng biết đó là ưu hay là khuyết. Tôi là người chơi đàn violoncelle nên dĩ nhiên thường được sống với thế giới âm thanh cụ thể của các bậc thầy, bởi vậy cũng ít nhiều có điều kiện biết được điều hay lẽ dở để có thể sửa mình và quan sát xung quanh, chỉ có điều nói ra hay không mà thôi...
"Cái thời mười chín đôi mươi đã qua, nhưng bây giờ nghe lại Tiếc thu và Hướng về Hà Nội tôi vẫn thấy mình dằn vặt bởi những kỷ niệm buồn vui vô cớ..." - NS Hoàng Dương
- Còn Hướng về Hà Nội nữa, bài nào được anh viết trước?
- Tiếc thu cùng với Cô đơn (An Phú xuất bản), Tiếng mưa rơi... được viết năm 1952 - 1953, còn Hướng về Hà Nội viết năm 1954 - ngay sau Hướng về Hà Nội là bài Quân về Hà Nội - một hành khúc hùng tráng được sinh viên học sinh Hà Nội hát vang trên các đường phố trong ngày tiếp quản thủ đô 10/10/1954.
- Thưa anh, có lẽ mùa thu là mùa đẹp nhất trong bốn mùa, nhưng tại sao Tiếc thu lại làm người nghe "buồn đứt ruột" vậy?
- Mùa thu vừa đẹp lại vừa buồn nữa chứ! Tôi vốn là con của nhà văn Trúc Khê Ngô Văn Triện, chịu ảnh hưởng rất sớm văn thơ của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Mạnh Hạo Nhiên cho đến Verlaine, Lamartine, Baudelaire cũng như của Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư..., và nhất là những nhạc phẩm bất hủ về mùa thu của Đặng Thế Phong luôn vò xé tâm hồn tôi mãi cho đến bây giờ. Và Tiếc thu là sự chưng cất vô thức những nỗi niềm tâm trạng của tuổi 19 sầu mộng của tôi mà chẳng thể lý giải, nhưng có cần lý giải không nhỉ? Nếu như anh - qua nhạc phẩm - cũng thấy thấp thoáng một điều gì đó man mác cảm hoài ?
- Trong nhạc phẩm Hướng về Hà Nội (do NXB Tinh Hoa ấn hành năm 1954) có đề: "Riêng tặng Hoàng Trọng, bạn thân yêu, gửi đây niềm thương nhớ một mùa chia phôi...", anh và cố NS Hoàng Trọng chắc có nhiều kỷ niệm và họ hàng với nhau?
- Hoàng Trọng là người bạn vong niên đáng kính của tôi. Tôi đã cộng tác với anh trong nhiều bài hát với phần ca từ được anh rất thích, trong đó có bài Nhạc sầu tương tư cũng được mọi người một thời yêu chuộng. Anh Trọng chính là người cùng ban nhạc của mình đã giới thiệu và danh ca Kim Tước hát đầu tiên bài Tiếc thu và Hướng về Hà Nội của tôi trên làn sóng radio Hà Nội, và sau đó mang bản thảo theo anh để xuất bản ở Tinh Hoa và phổ biến khắp nơi. Sau ngày giải phóng miền Nam, tôi có dịp vào Sài Gòn và gặp lại anh, xiết bao mừng tủi... Tôi không có quan hệ họ hàng với anh bởi lẽ tôi họ Ngô còn anh họ Hoàng.
- "Thu! Có người ôm đàn khóc mùa thu tàn nhìn lá úa, ngừng rơi đậu ngoài hiên song...". "Người ôm đàn" ấy trong Tiếc thu có phải là anh không?
- Có thể là như vậy, tôi vốn chơi đàn guitare, lúc sáng tác bài hát, thường ôm cây đàn này, chìm đắm với nó trong cảm xúc của mình.
- Xin anh một câu hỏi cuối. Ca khúc mới nhiều như nấm sau cơn mưa, nhưng khó hát, khó thuộc, hình như chỉ để dành riêng cho ca sĩ hát! Còn nhạc cũ dễ ca dễ thuộc, ai cũng có thể ngâm nga được. Riêng cá nhân anh, xin lý giải một chút về vấn đề này?
- Bàn về vấn đề này thật khó và rộng, nhưng dù sao cũng xin nói đôi cảm nghĩ của riêng cá nhân: tôi rất tâm đắc với ý tưởng của anh khi nói là "trong âm nhạc không có từ "nhạc cũ" "nhạc mới" mà chỉ có nhạc hay hoặc dở". Nếu mở rộng khái niệm này thì "nhạc cũ" có thể bao gồm âm nhạc từ thời baroque, cổ điển, lãng mạn, ấn tượng... với những vĩ nhân tiêu biểu như Palestrina, Bach, Mozart, Beethoven, Schubert, Schuman, Tchaikovski... Những "nhạc cũ" này đến nay vẫn đang tiếp tục gây xúc động cho cả triệu trái tim con người trên khắp thế giới. Vì vậy nó thậm chí còn "đương đại" hơn cả những loại "nhạc mới", "nhạc trẻ"... của những người đang sống cùng chúng ta!
Nhạc hay hoặc dở là do tự trái tim, từ cảm xúc có chân thành hay không, điều đó thật có ý nghĩa quyết định, dù chỉ là trong việc viết một ca khúc nhỏ nhắn, khiêm tốn chứ chưa nói gì đến những công trình nghệ thuật âm nhạc quy mô cả về thanh nhạc và khí nhạc (thực ra càng nhỏ càng cần sự kết tủa, thăng hoa !). Có một nhà nghệ thuật đã nói: "Tôi chỉ viết khi cảm thấy nếu không viết, mình sẽ chết mất". Giờ đây có hiện tượng về bài hát như anh nêu ra thì theo tôi, cũng chỉ là xoay quanh sự chân thành hay giả tạo mà thôi (ngoài ra, có lẽ cũng cần có thêm một chút học vấn) và cũng chỉ dám lạm bàn đến thế !
- Xin cảm ơn NS Hoàng Dương.
Trần Hữu Ngư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét