Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

GÓP Ý VỚI SỬ GIA WILLIAM J. DUIKER VỀ CUỘC ÐỜI HỒ CHÍ MINH

Cách đây không lâu, giới nghiên cứu lịch sử hải ngoại có dịp đón chào một cuốn sách nghiên cứu về Hồ chí Minh của Học giả William J. Duiker. Học giả Duiker dã bỏ ra trên 20 năm trời, đi khắp các thư khố Pháp, Liên Xô và Việt Nam để tìm tòi những tài liệu liên quan đến Hồ chí Minh và từ đó vẽ lại chân dung Hồ chí Minh từ khi sinh ra đời cho đến khi qua đời. Cuốn sách được nhiều học giả nghiên cứu về Việt Nam hết lời khen tặng. Nhà báo Stanley Karnow cho rằng đã có nhiều cuốn sách viết về Hồ chí Minh nhưng chưa có cuốn nào có thể so sánh với cuốn sách viết về Hồ chí Minh của ông Duiker. Ông Duiker đã tìm tòi nghiên cứu tỉ mỉ, kỹ càng, nhận định sâu sắc và đọc nhiều nguồn tài liệu nên đã cuối cùng đã " giải mật " được một nhân vật được coi là độc đáo, bí ẩn gây nhiều tranh luận và ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20. Học giả Douglas Pike cho rằng, " Qua nhiều thập niên quả có một âm mưu ngăn chặn không cho chúng ta biết được sự thật chủ yếu của con người Hồ chí minh. Sự thật Hồ là một con người dễ ngưỡng mộ và là một người dễ ghét. Trong thời gian ông còn sống, ông cũng không giúp cho thế giới hiểu ông nhiều hơn vì ông muốn đóng một vai trò là người muôn mặt nên tạo hỏa mù cản trở những cố gắng của thế giới bên ngoài muốn tìm hiểu ông. Chuyện bạch hóa mọi sự thật không phải là một việc làm dễ dàng gì, nhưng học giả Willian J. Duiker đã làm được chuyện đó. Ông ta đã cung cấp đủ thông tin cho chúng ta để chúng ta tự quyết định chứ ông cẩn thận tránh lối kết luận giáo điều cứng ngắt mà nhiều người thường làm.
Ðây là một cuốn tiểu sử đầy tư liệu thông tin, có căn cứ đích xác và thẩm quyền, một loại hồi ký nghiêm túc." Nhà nghiên cứu Frances Fitzgerald nhận định ông Hồ là một nhà nhân bản Khổng giáo và là một nhà cách mạng Cộng sản, ông là kiến trúc sư của nền độc lập Việt Nam, đã tiến hành cuộc chiến đấu chống lại Pháp, Mỹ và chính quyền Sài Gòn, Hồ chí Minh quả là một nhân vật chính trị có ảnh hưởng nhiều nhất trong thế kỷ 20. Nhưng dù sau cái chết của ông năm 1969 - cùng trong những năm có quân đội Mỹ chiến đấu ở Việt Nam - ông vẫn giữ hình ảnh là cái bóng mờ, cuộc đời và nghề nghiệp của ông bao quanh bởi huyền thoại và đội lốt vô số vai trò mà ông phải đóng trong những năm lưu đày và trong đời du kích ở Việt Nam. Nhà báo Pháp Jean Lacouture viết như sau trong hồi ký xuất bản năm 1967 như sau, " Những gì chúng ta biết về ông Hồ trước năm 1941 đều là những mảnh rời rạc, gây nhiều tranh cãi và gần đúng thế thôi." Nhà nghiên cứu Frances Fitzgerald cám ơn ông Duiker bởi vì nhờ cuốn biên khảo tiểu sử Hồ chí Minh của ông, cuộc đời Hồ không còn tối tăm như trước mà đã tương đối sáng tỏ.
Duiker là một giáo sư đại học môn Sử đã về hưu, trước đây ông từng là viên chức phục vụ tại Tòa Ðại sứ Mỹ ở Sài Gòn vào giữa thập niên 1960. Ðể biên soạn cuốn sách về Hồ chí Minh, Duiker đã bỏ ra trên 20 năm thu thập tin tức mới từ những cuộc phỏng vấn và từ những văn khố ở Việt Nam, Trung Hoa, và Mỹ. Trước đây đã có những sử gia Tây phương nghiên cứu về Hồ như một con người và xem xét ảnh hưởng bối cảnh văn hóa của cuộc cách mạng do Hồ tiến hành, nhưng Duiker mới là người không những ghép lại những khoảng trống trong đời Hồ mà còn cung cấp những dữ kiện về Hồ như là một nhà ngoại giao và chiến lược gia.
Cuộc chiến tranh Việt Nam là một biến cố trọng đại trong lịch sử Hoa kỳ vào thế kỷ 20. Nhưng cuốn sách hồi ký về cuộc đời Hồ chí Minh của Duiker đã nhắc nhở chúng ta là vấn đề lớn cho người Việt Nam, cũng như cho những người khác trên hành tinh này, là phản ứng ra sao đối với sức mạnh thực dân và sự phá hủy của xã hội truyền thống. Hồ chí Minh đã dâng trọn đời mình cho nhiệm vụ ấy. 
Thời niên thiếu của Hồ diễn ra trong một thế giới loạn lạc và xáo trộn. Ông sinh năm 1890, chỉ 5 năm sau khi người Pháp thiết lập sự kiểm soát cai trị trên toàn cõi nước Việt Nam một cách vững chắc. Ông sinh ở vùng Nghệ An, một vùng núi non đẹp đẽ nhưng nhỏ hẹp và hiểm trở. Ðây là một trong những vùng đẹp nhất nước nhưng nó cũng là vùng nghèo khổ và có truyền thống cách mạng nổi dậy nhiều nhất. Cha của Hồ là một viên quan lại, đã dạy cho Hồ tiếng Hán và nhiệm vụ của một kẻ sĩ trong đạo Khổng. Theo Duiker, thân sinh ông Hồ là cụ Sắc có quen biết lâu năm với những người khoa bảng học rộng như Phan bội Châu và Phan chu Trinh, đó là những nhà tranh đấu quốc gia quan trọng nhất trong hai thập niên đầu của thế kỷ 20. Ông Duiker cho rằng cha Hồ bất mãn với quan triều và từ đó quyết định nghỉ việc nhưng các tài liệu sau này cho thấy cha Hồ bị cho nghỉ việc vì say rượu đánh chết người. Hồ được cha gửi vào trường Quốc Học ở Huế với ước mong là Hồ sẽ theo gương quân sư Nguyễn Trãi thời thế kỷ 15, nghĩa là học hỏi để hiểu kẻ thù thì mới đánh bại kẻ thù được.
Khi Hồ và học trường danh tiếng Quốc Học năm 1907, ông đã là một người có khuynh hướng nổi dậy. Có lời kể ông bị đuổi ra khỏi trường vì đã ủng hộ nhân dân xuống đường biểu tình chống lại thuế nông nghiệp cao và lao động khổ sai. Lại có dư luận giải thích rằng vì cha ông bị đuổi việc nên ông phải rời trường Quốc Học. Ông đi về phía Nam, làm đủ thứ nghề lặt vặt để sống qua ngày. 
Năm 1911, ông vào làm bồi bếp trên một chiếc tàu thủy dự định sẽ đi tới Pháp với cái tên là " Ba ", đây là biệt danh đầu tiên của ông trong số 50 biệt danh ông lấy sau đó trong quãng đời làm cách mạng. Ông tâm sự về sau với một nhà báo Liên xô là, " Tôi muốn trở nên quen biết với nền văn hóa Pháp để xem thực tế có giống như những lời hoa mỹ trên sách báo không "
Hồ đi khắp các hải cảng từ Á châu sang Phi châu, ghé New York và London. Ông có ở lại New York một thời gian, làm nghề lao động và có sinh hoạt với Hội Quốc Tế cải tiến sự tin tưởng cho người da đen của Marcus Garvey ở khu Harlem.
Tại London, ông làm bếp phụ cho ông đầu bếp Auguste Escoffier tại khách sạn Carlton. Tới cuối thế chiến thứ nhất ông định cư ở Paris, nơi được coi là trái tim của đế quốc Pháp. Trong khi làm nghề sửa ảnh, ông lập ra Hội Người Việt lưu vong, lên án sự đối xử tàn bạo của thực dân Pháp ở thuộc địa trong những buổi họp của Ðảng Xã Hội Pháp. Năm 1919 ông đưa một kiến nghị lên những chính phủ Ðồng Minh tại hội nghị Versailles, yêu cầu họ thi hành quyền dân tộc tự quyết cho Việt Nam mà Tổng Thống Mỹ Woodrow Wilson đề ra. Chỉ có cảnh sát Pháp là lưu ý đến bản kiến nghị và tác giả của nó là Nguyễn ái Quốc! Họ theo dõi Hồ khắp mọi nơi dù Hồ chỉ là một thanh niên yếu đuối, nghèo khổ giống như anh hề Chaplin trên màn bạc.
Duiker căn cứ nhiều vào những nguồn tin tình báo, phần lớn của Pháp, Anh, Trung Hoa và từ những điệp viên trong Quốc Tế Cộng Sản, dĩ nhiên là nhiều tin tức hơn là là từ FBI hay CIA. Từ những tài liệu ấy, Duiker đã tìm ra những chi tiết phong phú. Một gương mặt xuất hiện từ đống tài liệu ấy là Nguyễn ái Quốc, đây là biệt danh mà ông Hồ dùng trong 25 năm trời ,đi qua các lục địa, xây dựng liên minh, khắc chế kẻ thù và dần xây dựng nên một đảng để làm cho giấc mơ của ông được thành sự thật, ông là một nhân vật có hàng trăm biệt danh bị hàng ngàn cảnh sát ngày đêm dòm ngó và săn đuổi. 
Hồ lần đầu tiên nhắm tới viễn tượng một nước Việt Nam độc lập là vào năm 1919 tại Versailles, khi ông cầu khẩn những cấp lãnh đạo đồng minh phải thi hành lời kêu gọi của Woodrow Wilson nhắm tới chuyện làm sao cho xứ Ðông Dương của người Pháp được có quyền tự quyết ( self - determination ). Lúc ấy ông mới có 28 tuổi. Ông là con một viên quan tri huyện tên Nguyễn sinh Huy. Thật ra anh thanh niên Nguyễn tất Thành lên tàu sang Pháp năm 1911 không phải là để tìm đường cứu nước mà bởi vì bố anh, đầu năm 1910 bị một án kỷ luật nặng, mất chức tri huyện Bình Khê, bị hạ bốn cấp trong ngạch quan lại, bị đuổi ra khỏi giai cấp quan lại vì cái tội say rượu, đánh chết một nông dân tên Tạ đức Quang. Ông huyện Huy từ đó mất nguồn sinh sống, phải lang thang làm nghề thầy lang bốc thuốc khá mất thể diện, nên ông không bao giờ trở về Huế và về làng Kim Liên ( Nghệ An) nữa. Anh Thành đang học trung học, đành phải bỏ học tìm đường tự cứu mình và cứu gia đình. Anh làm bồi bếp tàu thủy, làm bánh ngọt ở Luân Ðôn, viết thư xin vào trường học Trường Thuộc Ðịa, gửi đơn xin viên khâm sứ Trung Kỳ để mong ông này rủ lòng thương mà cho bố anh đi làm lại, dù làm huấn đạo hay làm biện cũng được. Phải tới 7, 8 năm sau ở Pháp, sống bằng nghề rửa ảnh, tiếp xúc với một số người Việt như các ông Phan văn Trường, Phan chu Trinh, Nguyễn thế Truyền thì anh Nguyễn tất Thành mới dấn thân đi làm chính trị. Ở Paris, anh bắt đầu thăm dò dư luận quần chúng về những tội ác do thực dân Pháp gây ra ở Việt Nam. Anh tham gia Ðảng Xã Hội Pháp và có cảm tình nhiều với đảng này và sau đó trở thành đảng viên sáng lập Ðảng Cộng sản Pháp. 
Versailles là nơi đầu tiên mà Hồ nử lực thuyết phục những chế độ dân chủ Tây phương tôn trọng những tự do mà họ theo đuổi. Nhưng " những quyền thiêng liêng để quyết định số phận của riêng mình " ( chữ của ông Hồ năm 1919) đã không được áp dụng cho những người ở các nước nô lệ ở lúc đó và cũng không áp dụng cho đến cuối thế chiến 2, khi mà những lời hứa hẹn tương tự của Tổng thống Franklin Roosevelt được đưa ra. 
Ông Duiker hình như đã không chú ý nhiều đến giai đoạn ông Hồ ở Trung Hoa, nơi mà Hồ đã sống phần lớn thời gian trong thập niên 20, 30 và 40. Hồ làm việc với Mikhai Borodin, vốn là người buôn vũ khí của Stalin bán cho Tưởng giới Thạch. Trong thời gian này Hồ đóng vai một thương gia người Hoa mang tên Ling. Năm 1945 tại Côn Minh, là Tổng hành dinh của Không đoàn số 14 của Mỹ, Hồ gia nhập vào cơ quan tình báo Mỹ OSS, được đặt cho bí danh là Lucius. Ðể đổi lại tin tức tình báo về quân Nhật ở Việt Nam, người Mỹ cung cấp một số súng ống loại nhẹ cùng huấn luyện cho Mặt trận Việt Minh của ông. Ðây là một giai đoạn có nhiều chuyện lý thú nhưng ông Duiker dường như không mấy quan tâm đến.
Ðể tìm một phương tiện chống lại thực dân Pháp tại quê nhà Việt Nam, Nguyễn tất Thành đã tới với Quốc Tế Cộng Sản trong khi Quốc Tế Cộng Sản cũng đang muốn đi tìm một tổ chức Việt Nam để chống Pháp.Sau hội nghị Versailles năm 1919, chủ thuyết Cộng Sản của Ðảng Cộng Sản Nga dần dần thúc đẩy chuyện lật đổ những chính phủ thực dân hồi ấy không những ở Pháp mà còn ở Anh và ở Ý nữa. Vào lúc ấy Phi Châu bị chia thành những thuộc địa của những quyền lực Âu Châu, một số nước ở Ðông Nam Á cũng bị rơi vào hoàn cảnh tương tự. Miến Ðiện, Mã Lai, Singapore, Bắc Borneo ( ngày nay là tỉnh Sabah của Mã Lai ) và Hồng Kông trở thành thuộc địa của Anh. Indonesia là thuộc địa của Hòa Lan, Việt Nam, Lào và Cam bốt bị thực dân Pháp chiếm.
Vào lúc đó, trong Ðảng Cộng Sản Nga, không có sự liên minh chính trị nào với thành phần quốc gia hay những đảng không Cộng sản ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Trong hoàn cảnh đó, Hồ chí Minh được chú ý đến và mở đầu cho những hoạt động cách mạng sau này. Ðảng Cộng Sản Nga hồi ấy đề ra nử lực để lật đổ những chính quyền thuộc địa, đồng thời không muốn dính líu vào những hoạt động " quốc gia thuần túy ". Cho nên chủ nghĩa quốc gia của Hồ đã bị rơi vào quên lãng.
Trong những năm đầu thập niên 1930, Hồ không được các cấp lãnh đạo Nga sô ở Moscow sủng ái, bởi vì chủ nghĩa quốc gia trong đầu óc Hồ mạnh mẽ hơn nên đã đè bẹp chủ nghĩa Stalin ( Stalinism). Stalin thì lại đang củng cố quyền lực trong Liên Bang Sô Viết thời đó. Hồ có vẻ không thích những cuộc đấu đá chính trị xảy ra ở Moscow trong thập niên 1930 mà chỉ chú ý đến tình hình ở quê nhà. Vì thế Hồ bị Nga sô lơ là không để ý đến.
Lúc ấy hoàn cảnh chính trị ở Pháp không giống như những gì xảy ra ở Việt Nam, mà giống như những gì đang xảy ra ở phía bên kia biên giới Pháp, tức là ở nước Ðức. Chế độ Phát-xít Ðức ngày càng hiếu chiến, và viễn cảnh Pháp lại sẽ phải đối đầu với Ðức một lần nữa đã bắt đầu ló dạng cuối chân trời.
Vào cuối thập niên 1930 thì tại Moscow giới lãnh đạo Ðảng Cộng Sản Nga có sự thay đổi đường lối về chuyện hợp tác với " những người quốc gia ". Họ không còn ruồng rẫy những đảng phái quốc gia như trước nữa. Khoảng thời gian này là khoảng vào năm 1936 và Hồ lại được Ðảng Cộng Sản Nga ở Moscow tin dùng trở lại.
Quan trọng hơn nữa là chuyện cấp lãnh đạo Sô Viết ký hiệp ước " bất tương xâm " với Phát - xít Ðức vào tháng 8 năm 1939. Ðảng Cộng sản Nga đổi từ thái độ từ khước sang thân thiện với những đảng phái chính trị ở những thuộc địa Âu châu. Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi Liên Bang Sô Viết ký thêm một hiệp ước " bất tương xâm " với Thiên Hoàng Nhật vào tháng 4 năm 1942, khoảng chừng 1 năm sau khi Phát - xít Ðức tấn công Pháp. Người ta cho rằng Liên Bang Sô Viết lúc ấy cần tất cả tài lực, vật lực để trấn giữ biên giới phía Tây của mình. Hồ chí Minh lúc ấy đang làm công tác cho Borodin ở Thượng Hải, nghĩa là đang làm việc cho người Nga, dù Hồ đã dính líu với Ðảng Cộng sản Pháp từ lâu, Hồ là một trong những sáng lập của Ðảng này vào tháng 12 năm 1920. Từ đó ông ta hay tới những đại hội tổ chức ở Liên Bang Sô Viết trong thập niên 1920 với những câu hỏi về " vấn đề quốc gia ". Do đó, ông ta bị mất cảm tình với Ðảng Cộng sản Nga trong những năm đầu thập niên 1930 , nhưng lại được tin dùng trở lại khi Ðảng Cộng sản Nga thay đổi đường lối về chuyện hợp tác với những đảng phái không cộng sản, nếu những đảng này thật lòng muốn chống lại Phát xít Ðức. Chuyện diễn ra đâu đó trong khoảng thời gian từ 1936 đến 1939. 
Nói đến Stalin thì trong cuốn sách, Duiker có kể chuyện khi Hồ gặp Stalin, Hồ có yêu cầu Stalin ký trên một cuốn tạp chí " Nước Nga đang xây dựng " do Nga xuất bản để lưu niệm. Nhưng sau đó Stalin cho mật vụ đến phòng ngủ của Hồ để lấy lại cuốn tạp chí có chữ ký Stalin này. Nói như thế để thấy Stalin khinh thường và coi rẻ Hồ như thế nào. Thủ tướng Nga Krushchevs cũng có mặt lúc Stalin gặp Hồ và sau này viết hồi ký cũng nói lên chuyện Stalin đối xử tàn tệ và khinh bỉ Hồ như thế nào. Có lẽ nhà thơ Tố Hữu không biết chuyện này nên khi Stalin chết đã khóc Stalin mấy vần thơ tâng bốc lên tới trời xanh !( Mấy câu thơ ấy là: "Ông Xít-ta-lin ơi, ông Xít-ta-lin ơi, Nghe tin ông mất đất trời còn không. Thương cha thương mẹ thương chồng. Thương mình thương một, thương ông thương mười ( Tố Hữu )" ).
Trong hồi ký " Krushchev nhớ lại " ( Krushchev Remembers " xuất bản năm 1990 , Krushchev đã viết về Hồ chí Minh như sau, :
" Chúng tôi đã thành thật và không ngần ngại trong mọi nử lực để giúp Việt Nam, và sự căng thẳng đối với chúng tôi do những thành phần thân Trung Cộng ở Việt Nam gây ra quả là một viên thuốc đắng khó nuốt. Tại sao tôi lại mang chuyện này ra bây giờ? Tôi mang nó ra vì nó liên hệ tới một vấn đề chứa đựng những gì chúng ta có thể mong đợi hiện nay khi Hồ chí Minh đã chết.
Theo những gì tôi đọc trên báo, những quan hệ giữa Việt Nam và Liên xô đều thuận tiện, trôi chảy. Những phái đoàn Việt Nam đang thăm viếng Liên xô, và có những phái đoàn báo chí của chúng ta tới Việt Nam để tường thuật về cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Những bài tường thuật của họ được loan tải trên báo chí cũng như trên truyền hình và phim thời sự.
Nhưng có một vài thông tin cho tôi biết thật ra mọi chuyện không được trôi chảy và êm thắm như báo chí đã loan và truyền hình đã chiếu. Theo những tin tức tôi được biết, phía Việt Nam đang tỏ bày một sự tự chế không được bảo đảm lắm đối với chính phủ và Ðảng Cộng sản Liên xô. Ðiều đó có nghĩa là lực lượng thân Trung Cộng vẫn còn tồn tại trong chính phủ Việt Nam và ở trong tầng lớp lãnh đạo của Ðảng Lao Ðộng Việt Nam. Ở bên ngoài ai cũng nghĩ là những sự liên hệ thân thiện và sự hiểu biết hử tương đang phát triển giũa Việt Nam và Liên xô. Nhưng điều có thể xảy ra là sự biểu hiện bên ngoài này chỉ là cái vỏ bày ra do đám lãnh đạo Việt Nam tạo nên – ngay cả có thể có sự chúc lành của phía Trung Cộng – để không bị mất sự giúp đỡ của Liên xô và những Ðảng Cộng sản anh em khác. Tôi tin chắc đó không phải là chuyện đang xảy ra , dù tôi vẫn nghĩ là nó vẫn có thể xảy ra. Tôi muốn tin rằng Việt Nam thật sự muốn có những mối quan hệ tốt đẹp với Liên xô, nhưng tôi không nghĩ rằng Trung Cộng sẽ buông tha Việt Nam ra khỏi móng vuốt của họ, và như thế là những lực lượng thân Trung Cộng sẽ còn duy trì sức mạnh ở Việt Nam. Họ làm tất cả những gì có thể làm mà Trung Cộng muốn.
Giờ đây, với cái chết của đồng chí Hồ chí Minh, ảnh hưởng thân Trung Cộng lớn mạnh theo kiểu truyền nhiễm sẽ lan rộng ra một cách độc địa hơn bao giờ hết. Nếu nó xảy ra, thì đó là một điều đáng tiếc lớn, và nó sẽ là một thông điệp kém cỏi gửi đến đồng chí Hồ chí Minh, là người đã đầu tư nhiều suy nghĩ và nử lực trong chuyện tăng cường sự thân thiện của quốc gia ông với Liên xô.
Từ khi Hồ chí Minh chết, đã có nhiều diễn văn và bài tường thuậ tđược viết bởi những người có những chính kiến chính trị khác nhau, tất cả đều muốn trả lời những câu hỏi hiện nay đang làm nhiều người bận tâm: Việt Nam sẽ phát triển những mối quan hệ với Liên xô như thế nào? Với những quốc gia tư bản ra sao? Liên hệ kiểu gì với những Ðảng Cộng sản có quan điểm khác với Mao trạch Ðông? Những mối quan hệ của Việt Nam sẽ phát triển như thế nào dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Trung Cộng?Những thay đổi gì sẽ xảy ra ở đây trong những chính sách của Việt Nam? Giờ đây tôi muốn chia sẻ những cảm tưởng về những gì mà tôi đã được đọc và nghe cùng cố gắng diễn tả suy nghĩ của riêng tôi về những viễn cảnh của sự phát triển quan hệ giữa Liên xô và Việt Nam. 
Dĩ nhiên không ai tiên đoán được những gì sẽ xảy ra. Có những dấu hiệu cho thấy những gì mong đợi kế tiếp, nhưng chúng ta phải cẩn thận về chuyện tiên đoán vì không có gì là miên viễn, thường hằng cả. Mọi chuyện đều luân lưu, thay đổi liên tục. Mọi chuyện có thể chuyển biến bất cứ lúc nào. Chẳng hạn như trước đây Liên xô và Trung Cộng có một mối giao hảo tốt đẹp không lầm lửi. Ngay cả mối liên hệ giữa các cấp lãnh đạo Liên xô và Mao trạch Ðông cũng rất tốt đẹp. Nhưng bây giờ tất cả đều thay đổi. Chuyện tương tự có thể xảy ra với Việt Nam. Mối liên hệ của chúng ta lúc đầu rất tốt; và nếu rồi đây nó trở nên tồi tệ đi, thì đó không phải là lửi của Ðảng Cộng sản Liên xô. Ðúng hơn, tôi tin đó là hoàn toàn kết quả của bản thân Mao trạch Ðông và ảnh hưởng của ông trên Việt Nam.
Những văn kiện tạo cho tôi một sự căn bản trong chuyện tiên đoán tương lai của Việt Nam căn cứ vào cái gọi là " di chúc Hồ chí Minh " và bài diễn văn nổi tiếng của Lê Duẩn. Tôi đọc hai văn kiện kia đến hai lần, và tôi rán đọc kỹ để có thể diễn dịch đúng đắn chúng.
Trong Di Chúc của Hồ chí Minh không nói gì đến sự giúp đỡ to lớn, không tính toán mà Liên xô đã dành cho Việt Nam. Sự giúp đỡ của chúng ta là một nhân tố quyết định, vì nếu không có sự giúp đỡ của Liên xô, Việt Nam không thể sống còn dưới những điều kiện của chiến tranh hiện đại để chống lại một kẻ xâm lăng giàu mạnh như Mỹ. Ðể có thể nhận được vũ khí và dụng cụ, Việt Nam không có lựa chọn nào hơn là phải dựa vào Liên xô. Ðể có thể đạt được chiến thắng, họ phải có những vũ khí thích hợp, và những vũ khí này họ chỉ có thể có từ Liên xô. Trung Cộng không thể cho Việt Nam những gì Việt Nam cần hôm nay. Báo chí thế giới, ngay cả những kẻ thù của Chủ nghĩa Cộng sản, cũng phải công nhận rằng Việt Nam không thể tiến hành chính sách kháng cự võ trang chống lại xâm lược Mỹ nếu không có sự giúp đỡ kinh tế và vật chất từ Liên xô. Lấy ví dụ như quân đội Bắc Việt Nam bắn một hỏa tiễn vào một căn cứ không quân Mỹ. Thường thì những hỏa tiễn ấy không thể chế tạo từ trong những rừng Việt Nam. Chúng đến từ những cơ xưởng ở Liên xô. Liên xô thường giúp bất vụ lợi cho tất cả những lực lượng và cho tất cả những người chiến đấu cho độc lập , tự do kinh tế và chính trị của mình và chống lại sự xâm lược của đế quốc.
Mới gần đây, ngay cả những thành phần thân Trung Cộng ở Việt Nam đã bắt đầu hiểu được sự cần thiết của tình bạn với Liên xô và truyền thống Hồ chí Minh được phần nào tái lập. Người Việt Nam đã hành động khôn ngoan khi họ tái định hướng những chính sách của họ. Tôi nói " tái định hướng" vì họ không thay đổi chính sách một cách căn bản, họ chỉ" tái định hướng" nó- ước tính sự cần thiết của chuyện tiếp tục chiến tranh đến tương lai và ý thức được rằng chỉ có Liên xô, chứ không phải Trung Cộng, có thể giúp họ sự hử trợ mà họ cần đến.
Ngày nay, cuộc chiến đấu ác liệt vẫn kéo dài và chiến thắng vẫn còn xa. Nhưng ánh sáng của sự chiến thắng của Việt Nam đối với đế quốc Mỹ có thể dã được nhìn thấy ló dạng cuối chân trời. Cho nên nử lực của chúng ta không nên giảm. Mọi thứ đều phải được tận dụng để mang cuộc đấu tranh của người Việt Nam đến thắng lợi cuối cùng. Có nhiều nguy hiểm trong cuộc chiến này hơn là tương lai của người Việt Nam. Người Việt Nam đang đổ máu và mất mạng vì lợi ích của phong trào Quốc Tế Cộng Sản. Liệu những người kế thừa Hồ chí Minh có đủ sự thông minh đưa cuộc đấu tranh này đến thành công hay không? Chỉ có thời gian mới trả lời được điều này
( Hồi ký Khrushchev ( Khrushchev remembers ) trang 485, 486, 487) Bản tiếng Anh..xuất bản năm 1990
( Sau khi Hồ chết, trong khi Khrushchev viết những hàng này để tả lại không khí thời bấy giờ thì lúc đó, Thủ tướng Liên xô Aleksei Kosygin và Thủ tướng Trung Cộng Chu ân Lai gặp nhau ở phi trường Bắc Kinh. Kosygin vừa trở về từ đám tang Hồ. Không có kết quả tích cực nào từ cuộc gặp gỡ này, và những cuộc chạm trán giao tranh nhỏ giữa quân đội Liên Xô và Trung Cộng và từ từ biến thành những trận đánh lớn vào cuối năm 1969 và1970. Sự lo ngại của Khrushchev rằng Việt Nam sẽ ngả về phía Trung Cộng đã không thật sự xảy ra. Thay vào đó Việt Nam ký một hiệp ước thân hữu và cộng tác với Liên xô vào ngày 3 tháng 11 năm 1978. Ðể đổi lại viện trợ kinh tế và quân sự, Việt Nam cho phép Liên xô dùng căn cứ cũ của Mỹ ở vịnh Cam Ranh. Vào tháng 2 năm 1979, chừng 85000 quân Trung Cộng vượt qua biên giới Hoa- Việt để đánh vào Việt Nam. Bắc Kinh gọi cuộc xâm lăng là " đánh trả để tự vệ " chống lại " quân xâm lược Việt Nam ". Có người cho là lý do Trung Cộng đánh Việt Nam là để trả thù cho đàn em Khmer đỏ ở Kampuchia vì năm 1978 Việt Nam đem quân sang Miên đánh đổ chế độ đàn em của Trung Cộng là bọn Khmer đỏ Pol Pot. Trận chiến trừng phạt kéo dài 27 ngày trước khi quân Trung Cộng rút về để lại sự hoang tàn, phá hủy trong một khu vực rộng 30 dặm vuông cách biên giới Việt- Hoa. Mối quan hệ Việt _ Trung từ lâu được đánh giá là mối quan hệ khắng khít như môi và răng. Giờ đây thì răng cắn dập môi và nhìn thấy hai nước Cộng sản đánh nhau sứt đầu lử trán người ta mới thấy thế giới đại đồng còn lâu mới thực hiện được!) Hồ chí Minh cố gắng " đi dây " giữa Liên xô và Trung Cộng, không làm mất lòng bên nào để có thể nhận viện trợ của cả hai bên. Lê Duẩn thì chống Trung Cộng ra mặt nên mới có cuộc chiến Hoa,Việt (1979).
Lại có thêm 1 điểm liên quan đến Việt Nam và Mỹ nũa mà ai cũng biết là Trân Châu Cảng ( Pearl Harbor ) của Mỹ bị Nhật tấn công vào ngày 7 tháng 12 năm 1941. Mục tiêu của Mỹ trong Thế chiến thứ hai là phải đánh bại quân đội Thiên Hoàng Nhật Bản ở Thái Bình Dương. Có sự trùng hợp giữa mục tiêu chính trị và quân sự của Mỹ và Hồ chí Minh vào thời kỳ này. Không biết đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không mà Mặt Trận Việt Minh của Hồ chí Minh cũng được thành lập vào năm 1941.
Rõ ràng là cơ quan tình báo Mỹ thời bấy giờ là OSS ( tiền thân của CIA ) không những biết đến Hồ chí Minh trong thế chiến hai mà còn có mối quan hệ thân mật với ông nữa. Tổ chức Việt Minh của Hồ thường được ghi nhận công trạng là đã bỏ công tìm kiếm những phi công Mỹ cóphi cơ bị bắn rơi trong lúc dội bom quân đội Thiên Hoàng Nhật Bản, đó là một góc cạnh hợp tác giữa Mỹ và Hồ chí Minh được nhắc đến nhiều trong suốt thế chiến thứ hai. Rồi đến sự kiện gây nhiều nghi vấn là Hồ có trích dẫn Bản Tuyên Ngôn của Nước Mỹ vào trong Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập chống người Pháp mà ông đọc tại quãng trường Ba Ðình vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 .Nhưng liệu cái liên minh quân sự của Hồ và Mỹ trong thế chiến thứ hai có tạo nên được sự khác biệt nào không đến chuyện Hồ vẫn đang hợp tác với các cấp lãnh đạo Nga tại Moscow ? Liệu Hồ chí Minh trong giai đoạn này có đưa ra tuyên cáo nào chối bỏ tư cách hội viên lâu đời của ông trong Ðảng Cộng sản Pháp không? Liệu những hành động của ông trong thế chiến thứ hai không chỉ là vấn đề thuần túy của chuyện mở rộng liên minh giữa Mỹ và Liên xô hồi ấy trong chiến tranh ? Liệu có thể sự liên minh chính trị của Hồ chí Minh với Ðảng Cộng Sản Pháp thay đổi vì những biến cố của năm 1941 không? Ngược lại có thể nào thế đứng của Hồ chí Minh đối với Ðảng Cộng sản Nga được củng cố thêm vì những hành động Hồ làm trong thế chiến hai hay không? Duiker vẫn chưa đào sâu vào những vấn đề trên để đưa ra sự nhận định chính xác, dứt khoát.
Nhưng những câu chuyện cũ về sự hợp tác của người Mỹ với Hồ chí Minh không đưa ra được sự giải thích rõ ràng cho những biến chuyển bằng sự tập trung chú ý phân tích những tình huống xảy ra trên thế giới vào lúc thời điểm đặc biệt lúc bấy giờ, nghĩa là lúc đang có những sự xâm lăng của Phát - xít Ðức và Thiên Hoàng Nhật. Vào lúc ấy, phải nhận thấy rằng những mục tiêu chính trị và quân sự của Mỹ, Nga, Ðảng Cộng sản Pháp và bản thân Hồ chí Minh có sự trùng hợp nhau. Ðó là có một trận tuyến chống lại Nhật và Ðức. Hồ tình nguyện chiến đấu chống lại hai thế lực này và nhiều viên chức Mỹ còn khám phá ra đa số người Việt Nam có sự thân tình, tư cách và sự quyến rũ mà họ không tìm thấy ở những giống dân khác trên thế giới. Thật ra, đường lối chính trị của Ðảng Cộng sản Pháp và Nga có thay đổi vào cuối thế chiến hai, Hồ chí Minh may mắn có mặt đúng thời điểm này và phù hợp với sự thay đổi ấy nên đã được giao phó trọng trách chống Quân phiệt Nhật và Phát - xít Ðức.
Nhưng bất thình lình những ngày u ám cũ của thập niên 1920 lại tái xuất hiện vào năm 1946. Nó không xảy ra đầu tiên ở Việt Nam mà ở Âu châu . Ðó là chuyện quân đội Ðồng Minh phong tỏa Nga ở Berlin và mở đầu cho cuộc chiến tranh lạnh. Tổng thống bốn nhiệm kỳ Roosevelt qua đời năm 1944, trước khi thế chiến hai chấm dứt. Do đó cuộc chiến tranh lạnh và đường lối chính trị mới của Ðảng Cộng sản Nga và Pháp xảy ra đầu tiên không phải ở Việt Nam mà ở Ðức. Ðường lối " Mặt trận quốc gia " mà Ðảng Cộng sản Nga và Pháp đề ra giữa năm 1936 và 1939 một lần nữa lại trở về chính sách cũ là không cộng tác với những đảng phái không cộng sản. 
Có những cuộc thanh lọc lớn xảy ra tại Ðông Ðức trong hai năm 1944 và 1945, khi quân đội Liên xô tiến vào Ðức. Những người không Cộng sản không được dung tha. 
Lúc đó là lúc Tổng thống Mỹ Truman nhập cuộc với hòa đàm Berlin vào cuối năm 1945. Tại đó, Tổng thống Truman gặp lãnh đạo Nga Stalin. Vấn đề giải giới quân đội Nhật đang đóng tại Việt Nam được mang ra thảo luận cùng chung với những vấn đề khác khi thế chiến hai sắp đi đến giai đoạn cuối.
Ở Việt Nam vào cuối năm 1945 và 1946 quân đội Pháp đổ bộ trở lại . Chính phủ Truman cũng đang theo dõi những biến cố xảy ra ở Việt Nam cũng như ở Âu châu. Cục diện ở Việt Nam lúc đó có lẽ sẽ đổi khác nếu chính phủ Truman nghe lời Hồ chí Minh kêu gọi sự ủng hộ của Mỹ dành cho nền độc lập Việt Nam từ tay người Pháp. 
Nhưng nếu đường lối chính trị của Ðảng Cộng sản Nga và Pháp thay đổi một lần nữa năm 1946, đi theo đường lối cũ của thập niên 1920 thì điều đó có tạo nên được sự khác biệt nào không khi quân đội Pháp muốn trở lại vị trí cũ của họ ở Việt Nam? Có phải những sự quan tâm của chính phủ Truman đến những biến cố ở Âu châu đã không là chìa khóa của sự hiểu biết vì chính chính phủ này đồng ý và ngay cả hử trợ cho chuyện quân đội Pháp trở lại Việt Nam vào cuối thế chiến hai? Duiker cũng không đưa ra được một sự giải thích rõ ràng nào về những vấn đề nêu trên. 
Theo một chuyên gia khác nghiên cứu về Việt Nam là Frances Fitzgerald cho rằng cuốn tiểu sử Hồ chí Minh của Duiker đã có ưu điểm là phân tích rất rõ về con đường Hồ chí Minh đã đi đến chủ nghĩa Mác - Lê Nin như thế nào.
Hồ đến với chủ nghĩa Mác-xít vào mùa hè năm 1920, qua " Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa " của Lê Nin. Hồ đã đọc về lý thuyết Mác - xít trước đó nhưng theo sự giải thích của Duiker, những sự lý luận của Lê Nin về mối dây liên hệ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc và về sự quan trọng của những phong trào quốc gia ở Á châu và Phi châu ảnh hưởng đến cách mạng thế giới thật sự đã gây ra những sự chấn động dữ dội trong tâm thức Hồ, đã dẫn ông đến trạng thái chuyển biến. Từ một người yêu nước đơn giản với những hiểu biết sơ sài, đại khái về chủ nghĩa xã hội thành một nhà cách mạng Mác - xít. Vào năm 1921, khi Ðảng Xã Hội Pháp có sự chia rẽ về vấn đề có nên tham gia vào Quốc Tế Thứ Ba của Lê Nin hay không, Hồ trở nên là hội viên sáng lập của đảng này. Khi viết bài với bút danh Nguyễn ái Quốc, ông tranh luận không chỉ vấn đề chủ nghĩa Cộng sản có áp dụng được vào Á châu hay không mà liệu nó có giữ được những truyền thống Á châu vốn đặt căn bản văn hóa trên bình diện cộng đồng và bình đẳng xã hội.
Trong vòng 3 năm Hồ đòi hỏi đảng mới cần phải hành động về vấn đề thuộc địa, nhưng những người Cộng sản Pháp đã tỏ lộ ra là những người bênh vực Âu châu của họ, như ông Duiker đã nói trong sách, cho nên năm 1924 Hồ bỏ đi Moscow theo lời mời của Quốc Tế Cộng Sản. Tuy nhiên những cấp lãnh đạo Sô viết lúc này đang bận rộn với những vấn đề đấu đá nội bộ nên Hồ phải mất gần một năm mới thuyết phục nổi những viên chức trong Quốc Tế Cộng Sản gửi ông đến miền Nam Trung Hoa, nơi có một mối liên minh khó chịu giữa những người Quốc Dân Ðảng Trung Hoa và Cộng sản theo Mao, tại đây Hồ bắt đầu thuyết phục lôi kéo người Việt vào tổ chức của ông.
Hồ chí Minh trải qua 15 năm làm việc cho cách mạng Việt Nam với tư cách là một nhân viên của Quốc Tế Cộng Sản. Theo sự ghi nhận chính xác và tỉ mỉ của Duiker, trong giai đoạn này, Hồ nhấn mạnh nhiều đến chủ nghĩa quốc gia, cách tiếp cận kiên nhẫn và thực tiễn về chuyện tổ chức đã làm cho ông bị Moscow mất cảm tình. Ông vẫn cứ nhất định theo đuổi đường lối riêng của ông, chờ đợi cho qua những giai đoạn khó khăn, bị chống đối và nắm lấy ngay những cơ hội khi chúng trồi lên. Ở Quảng Ðông, Hồ xuất bản một tạp chí, dựng nên tổ chức Thanh Niên Cách Mạng Ðồng Chí Hội và thiết lập một cơ sở huấn luyện tạo nên nhiều sự hấp dẫn và chú ý trong giới học sinh, sinh viên khắp nướcViệt Nam.
Ngoài chủ nghĩa Mác - xít Lê-nin-nít, ông còn dạy đạo đức cách mạng do ông đề ra là : tiết kiệm, thành thật, quí trọng sự học hỏi, sự khiêm tốn và sự quảng đại. Những đức tính này, theo Duiker ghi nhận, đã mang màu sắc đạo đức Khổng giáo nhiều hơn là ý thức hệ của chủ nghĩa Mác Lê Nin.
Ðối với những người học trò theo ông, Hồ dường như là người biểu hiện cho những đức tính đó, và sự dạy dử của ông về những châm ngôn trên sau này đã trở thành một đặc điểm độc đáo của cách mạng Việt Nam. 
Năm 1927, khi Tưởng giới Thạch bắt đầu ruồng bố phe Cộng sản Trung Hoa, tổ chức của Hồ bị dẹp bỏ và Hồ bị cảnh sát Trung Hoa đuổi chạy đến Hồng Kông rồi sau đó đến Moscow. Quốc Tế Cộng Sản gửi Hồ đến Pháp và rồi theo lời yêu cầu của ông, ông được gởi đến Thái Lan, tại đây ông sống trong vòng 2 năm để tổ chức và huấn luyện những người Việt Nam biệt xứ . Năm 1930, ông trở lại Trung Hoa làm việc trong khi vẫn cố gắng tránh né sự truy nã của cảnh sát Trung Hoa và mật vụ Pháp. Ông bị người Anh bắt tại Hồng Kông và bị tù 1 năm, rồi sau đó ông đến Moscow. Nhưng ông khó tìm kiếm sự giúp đỡ dù ít ỏi tại đây. Trong khi Stalin thanh lọc những kẻ nào đi ngược lại đường lối của Lê Nin và ra lệnh cho những đảng Cộng sản Á châu phải theo đuổi một mục tiêu không tưởng là tiến hành một cuộc cách mạng vô sản quốc tế toàn diện và triệt để, đồng thời chỉ thị cho những người Cộng sản Việt Nam thành lập Ðảng Cộng Sản Ðông Dương - danh xưng như thế nhưng mục đích duy nhất là tìm cách phá vỡ chế độ thực dân Pháp trong vùng. Cá nhân Hồ bị phê bình, điều tra và bị hạ tầng công tác trong thời gian này.
Năm 1938 số phận Hồ được coi là có sự thay đổi một cách may mắn. Vì Phát - xít Ðức đang lớn mạnh nên Liên xô thay đổi lập trường về chủ nghĩa quốc gia, có nghĩa là họ chuyển hướng ủng hộ thay vì chống đối như trước, Liên Xô kêu gọi thành lập liên minh của những sức mạnh tiên tiến để chống lại chủ nghĩa Phát -xít. Ðồng thời lúc đó Tưởng giới Thạch thành lập một mặt trận đoàn kết với Ðảng Cộng sản Trung Hoa để chống lại quân xâm lăng Nhật. Chiến lược của Hồ được sáng tỏ trở lại, Hồ lại cầm đầu những hoạt động đấu tranh của người Việt,và với tình trạng Nhật xâm lăng Ðông Dương, Hồ thành lập một Mặt trận quốc gia gọi là Việt Minh bao gồm thợ thuyền và nông dân để tranh đấu cho nền độc lập của Việt Nam.
Năm 1941, Hồ trở về nước sau 30 năm xa cách để chỉ huy và điều động một cuộc chiến tranh du kích trên vùng núi non Việt Nam.
Vào tháng 8 năm 1945, ba tháng sau khi phe Nhật hạ bệ chính quyền Vichy của Pháp và chỉ hai ngày sau khi Nhật đầu hàng Ðồng Minh, Việt Minh tiến vào Hà Nội. Giữa tiếng hoan hô ngất trời của dân chúng, Hồ chí Minh đọc Tuyên Ngôn Ðộc Lập. Nhưng đó chỉ là giai đoạn mới bắt đầu.
Hồ chí Minh không muốn có chiến tranh với người Pháp. Ông đã làm bất cứ điều gì để tránh né chiến tranh. Qua cơ quan tình báo Mỹ OSS mà ông đã xây đắp mối quan hệ thân tình trong chiến tranh, ông kêu gọi chính phủ Mỹ ủng hộ - ông hứa là sẽ để cho Mỹ dùng vịnh Cam Ranh để Hải Quân Mỹ đóng quân. Ông lập ra một chính phủ liên hiệp, ông rán kiềm chế sự nóng nảy và đồng ý chấp nhận sự hiện diện quân sự của Pháp và Việt Nam chấp nhận làm hội viên trong khối Liên Hiệp Pháp, miễn sao cuối cùng rồi người Pháp đồng ý trao lại nền độc lập cho Việt Nam. 
Nhưng sau những thất bại nhục nhã mà Pháp phải chịu đựng trong thế chiến hai, ngay cả những người Pháp trong Ðảng Xã Hội cũng không chấp nhận nổi ý tưởng từ bỏ những thuộc địa cũ. Cho nên đầu năm 1947, Hồ rút vào rừng rậm để tiến hành cuộc chiến tranh du kích. Ông được ghi nhận có nói với người bạn Pháp Jean Sainteny như sau, " Pháp có thể giết 10 người Việt Nam trong khi Việt Nam giết một người Pháp, nhưng Pháp cuối cùng là phe sẽ mỏi mệt và thua cuộc ." Diễn tiến tình hình xảy ra sau này đúng y như thế.
Trong cuộc chiến tranh chống Pháp cũng như trong thế chiến hai, Hồ và những đồng chí của ông ta sống trong những hang động hay những túp lều tranh trên núi, phải di chuyển thường xuyên để tránh sự truy lùng của Pháp và thường xuyên chịu cảnh đói, bị bệnh sốt rét và kiết lỵ. Năm 1954, Việt Minh thắng trận chiến quyết định Ðiện Biên Phủ nhưng chiến tranh vẫn cứ tiếp tục. Mao trạch Ðông bắt đầu cung cấp chiến cụ và sự huấn luyện cho quân Việt Minh đang ở trong tình trạng trang bị kém cỏi. Trong lúc đó Mỹ bắt đầu chi viện cho những nử lực chiến tranh của Pháp. Những siêu cường giờ đây đã dính líu sâu đậm vào Việt Nam, và năm 1954 họ gặp nhau ở Genève để thảo luận, dàn xếp về vấn đề Việt Nam.
Dưới áp lực của Bắc Kinh và Moscow, Việt Minh đồng ý và chia đôi ở vĩ tuyến 17. Chuyện chọn vĩ tuyến 17 cũng không do chính phủ ông Hồ quyết định mà do Tàu và Nga định đoạt. Nói như thế để thấy chính phủ ông Hồ chưa có sự độc lập thật sự trong quyền hành mà hoàn toàn bị lệ thuộc vào hai nước Cộng sản đàn anh Nga, Tàu. Theo hiệp định, một cuộc bầu cử sẽ được tổ chức trong vòng 2 năm để thống nhất đất nước. Tuy nhiên Bắc Kinh và Mạc tư Khoa không bảo đảm chuyện bầu cử sẽ được tiến hành như dự tính, Mỹ không ký vào hiệp định và một thời gian sau hiệp định Genève không lâu, Ngoại trưởng Mỹ John Foster tuyên bố Mỹ sẽ bắt đầu bảo trợ một quốc gia không Cộng sản ở miền Nam. Dưới nhãn quan của những nhà cách mạng Việt Nam, hiệp định Genève là bước đầu đưa đến chiến tranh Ðông Dương lần thứ hai.
Vào năm 1954, sau khi Việt Minh cuối cùng đánh đuổi quân Pháp được Mỹ hử trợ ra khỏi Việt Nam. Nhưng chuyện đó cũng là lời cam kết của những đồng minh Cộng sản của Hồ, vốn thích hòa dịu với Washington sau chiến tranh Triều Tiên hơn là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Tại hiệp định Genève năm 1954, những nhà thương thảo Trung Cộng và Liên xô rút bỏ sự ủng hộ cho vấn đề một nước Việt Nam thống nhất và có ý muốn đi theo kế hoạch chia quốc gia này ở vĩ tuyến 17 cho đến năm 1956 hơn, khi mà những cuộc bầu cử được tổ chức ( thực tế là những cuộc bầu cử đã không xảy ra ) để quyết định phần còn lại của đế quốc gọi là miền Nam Việt Nam có muốn gia nhập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không, nơi mà Hồ đã tuyên bố độc lập từ năm 1945.
Theo nữ ký giả Carol Brightman, trong một bài điểm cuốn sách Hồ chí Minh của Duiker, đã nhận định là Sử gia Duiker đã cung cấp nhiều tin tức mới về những mối quan hệ đầy sóng gió mà Hồ có với cả Liên xô và Trung Cộng. Sự chú ý của Liên xô dành cho cách mạng Việt Nam đã ở mức độ sút kém, không chỉ sau thế chiến 2 và năm 1954 mà từ năm 1923, khi Hồ đến Moscow tập tành làm cách mạng và gia nhập vào cách mạng thế giới, và Stalin nghi ngờ Quốc Tế Cộng Sản ( Comintern ) đã mang một khuôn mặt quốc gia hơn là quốc tế. Năm 1924, khi Hồ rời Moscow để rán thành lập một đảng Cộng sản trong giới những người Việt Nam lưu vong ở Trung Hoa, Hồ làm điều này không có sự tán thành đồng ý của Stalin. Vào cuối thế chiến 2, khi Hồ thiết lập một mối quan hệ mong manh với Hoa Kỳ - một bước đi cực kỳ khôn ngoan, đã giúp Hồ chế ngự được phe quốc gia đối thủ, và sau khi Nhật đầu hàng, cho phép Hồ thâu tóm quyền lực nhanh chóng - Stalin nghi ngờ nhiều về sự trung thành của Hồ.
Vào năm 1947, hai năm sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập - khi Hồ giới thiệu nhà nước mới với những lời " Mọi người sinh ra đều bình đẳng. Họ được Thượng đế cho những quyền không thể chuyển nhượng được.." - Phe Trung Cộng công nhận tính chất hợp pháp của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong khi Liên xô không làm như vậy. ( Khi nhân viên tổ chức tình báo OSS của Mỹ tên Archimedes Patti đọc bản thảo bài Tuyên Ngôn Ðộc Lập của Hồ năm 1945, ông hỏi có vẻ ngạc nhiên là Hồ có thật tình muốn mượn câu viết trong Tuyên Ngôn Ðộc Lập của Mỹ để đem vào trong Tuyên Ngôn Ðộc Lập của Việt Nam không? Patti hỏi Hồ vì bản thân Patti cảm thấy cái gì đó lấn cấn không ổn trong người. Hồ ngả người trên ghế, lấy ngón tay đặt lên môi và hỏi nhỏ, " Tôi không nên dùng nó à ?"
Vào năm 1950, một năm sau khi Cộng sản lên nắm quyền ở Trung Hoa, Hồ được mời đi xe lửa cùng chung với Mao và Chu ân Lai tới Moscow, nơi mà Trung Cộng và Nga sẽ ký một hiệp ước kéo dài 30 năm. Hồ hy vọng sẽ " đối chất " với Stalin về cuộc chiến tranh chống Pháp và lấy cảm tình của Liên xô trong sự hử trợ. Nhưng theo lời thuật lại của Nikita Khrushchev, Stalin đã đối xử tàn tệ và khinh miệt Hồ. Tại buổi lễ ký kết, Khi Hồ đề nghị Stalin nên ký một hiệp ước tương tự với Việt Nam, Stalin trả lời rằng vì Hồ tới Moscow với tư cách viếng thăm không chính thức nên không Nga không ký với Việt Nam được. Hồ đề nghị một cách vui vẻ pha chút đùa cợt rằng ông sẽ bay quanh thành phố bằng trực thăng và sau đó sẽ đáp xuống phi trường với những nghi lễ long trọng thích hợp. Stalin cắt ngang lời , " Ồ mấy ông Á châu nhà ông bày đặt ra nhiều chuyện tưởng tượng quá. " 
Nhưng Hồ đã thuyết phục được Liên xô công nhận nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong năm ấy và cung cấp sự giúp đỡ vật chất cho Việt Minh với một điều kiện của Stalin là Trung Cộng phải đóng một vai trò chủ chốt trong việc hướng dẫn cuộc đấu tranh. Bây giờ nhìn lại người ta mới thấy Stalin đánh giá Hồ sai rất nhiều; Hồ là một người của quốc tế và trở thành một người Cộng sản vì ông cũng là người quốc gia. Giống như người đồng chí đàn em Phạm văn Ðồng từng nói, " Người Cộng sản là người yêu nước chân thành nhất."
Vấn đề thật sự của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa xảy ra sau này với phía Trung Quốc, là phía tin chắc là năm 1950 cuộc chiến với Mỹ có thể nổ ra bất cứ lúc nào ở bất cứ chử nào dọc theo những biên giới của họ. ( Ðúng vậy, sau cùng, đó là năm quân đội Trung Cộng vượt qua vĩ tuyến 38 ở Triều Tiên.) Cho nên điều quan trọng là phải xây dựng hàng rào phòng thủ Trung Hoa ở Ðông Dương. Quyết định này tự nhiên đã khiêu khích chính phủ Truman dính líu sâu đậm hơn vào Ðông Dương và vào tháng 4, cả Washington và Bắc kinh đều cung cấp vũ khí và gửi những công tác giúp đỡ đến đồng minh của họ ở Việt Nam. Nhìn lại những biến chuyển nóng bỏng vào năm 1950, người ta thấy rằng Trung Cộng và Mỹ đã có những chiến thuật ngăn chận tương ứng nhiều như thế nào ở Ðông Nam Á châu cho tới thử thách cuối cùng đưa tới đụng độ ở Triều Tiên và làm thế nào mà cuộc chiến của Mỹ đã bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh lạnh một thời gian dài trước khi quân Pháp bại trận ở Ðiện Biên Phủ năm 1954. 
Những rắc rối mà Hồ gặp phải với chuyện Trung Cộng xía vào những vấn đề nội bộ dần dần lớn dần lên. Bộ trưởng quốc phòng Võ nguyên Giáp đã dùng khuôn mẫu chiến tranh nhân dân của Trung Cộng để chống lại Pháp, và sự có mặt của những cố vấn Trung Cộng không phải không được tiếp đón niềm nở. Nhưng rồi chuyện dần dần sáng tỏ về vấn đề chỉ thị của Stalin gửi Mao trong đó bao gồm việc cần phải tái tổ chức Ðảng Cộng Sản Ðông Dương ( mà Hồ đã sáng lập ở Hồng Kông năm 1930) theo chiều hướng chính thống nhiều hơn.Dưới sự hướng dẫn của Hồ, mô hình Lê-nin-nít của cuộc cách mạng trải qua hai giai đoạn - trong đó một mặt trận liên kết rộng rãi sẽ hoàn thành công tác giải phóng quốc gia trước khi Ðảng bắt đầu sự chuyển hóa lên chủ nghĩa xã hội - đã xảy ra một cách chần chừ, dằng dai, đối với những người chủ trương cứng rắn như Trường Chinh ( cũng như Mao và Stalin), giai đoàn đầu đã kéo quá dài thời gian. Với sự chiến thắng của phe Cộng sản Trung Hoa trên đại lục và viễn cảnh chiến thắng quân Pháp của Việt Nam ngày càng tăng lên, những cấp lãnh đạo Ðảng bỏ phiếu năm 1951 để tiến vào giai đoạn hai.
(Nhắc đến Võ nguyên Giáp người ta chưa quên phe Lê Duẩn - Lê đức Thọ đã làm nhục Giáp sau này bằng cách phong cho ông cựu Tổng tư lệnh quân đội kiêm Bộ trưởng quốc phòng Võ nguyên Giáp làm chức " Trưởng ban sinh đẻ có kế hoạch " ( nói nôm na là " cai đẻ " ) vào tháng 4 năm 1984 . Giáp phải cắn răng mà nhận vì không dám chống lại liên minh Duẩn- Thọ. Sau này có dịp nói chuyện với nhà văn Sơn Tùng, Giáp phân bua, chống chế cho hành động hèn kém cúi đầu nhận chức " cai đẻ" của mình như sau:
" Tôi làm tất cả việc này vì tôi nhận được ở Bác Hồ một điều khi cùng ở với Bác ở hang Pắc Bó, khi lót cây Bác có nói như thế này, " Việc gì dù nhỏ đến mấy mà có lợi có ích cho nhân dân, cho tổ quốc thì làm. Việc gì dù nhỏ, nhỏ đến mấy mà có hại cho dân cho nước thì nên tránh. " )
Khi chiều hướng ngả sang bên tả rồi thì những cuộc vận động " tố khổ " kiểu Trung Cộng đã được tiến hành ở mức độ những làng xã, nơi mà những quy luật cải cách ruộng đất tập trung chú ý vào chuyện giảm thiểu ảnh hưởng kinh tế và chính trị của tập lớp địa chủ. Duiker căn cứ nhiều vào tình báo Pháp và những người Việt Minh hồi chánh để thấy những cuộc thảo luận phần lớn được coi như những sự đấu tranh quyền lực giữa những cấp lãnh đạo Ðảng, nó đi ra ngoài phạm vi đường lối mà trở thành một cuộc " cách mạng chống địa chủ " vào giai đoạn hai. Ðó là một cách để lôi kéo nông dân, một cách để thưởng nông dân vì sự trung thành và để cho những sự hy sinh thêm có ý nghĩa, đó là cách làm lớn cái " biển " lên để Ðảng và quân đội bơi trong đó. Lê đức Thọ có phát biểu về những nhu cầu thực tế như sau vào năm 1952, " Nếu ai muốn nông dân tham gia đấu tranh quân sự, điều cần thiết đầu tiên là phải gợi lòng căm phẫn kẻ thù trong lòng họ." 
Duiker đoán rằng Hồ vốn là một người thích làm từ từ, đã nổi cáu trước chiều hướng mới này vì nó giới hạn khả năng của ông để vận động tình hình quốc tế và bởi vì nó tạo nên một thái độ quỳ lụy trước sự dạy dử của Trung Cộng mà Hồ đã từng chống đối trong quá khứ qua câu nói để đời, " Thà phải hửi phân thằng Tây thêm một chút còn hơn phải ăn phân thằng Tàu suốt đời." (Hồ nói câu này vào khoảng năm 1946, đúng vào lúc ông cố gắng thương thảo với Pháp trong lúc đám quân Quốc dân đảng của Tàu đang đóng tại miền Bắc Việt Nam).Duiker ghi nhận khi Hồ lên tiếng ca ngợi chính quyền Cộng sản mới thành lập ở Bắc Kinh, ông chỉ đóng kịch tài tình để làm vừa lòng nước viện trợ mà thôi. Trong bất cứ tình huống nào, khi một chương trình được đưa vào hành động, nó chỉ có hình thức trình diễn bên ngoài nhiều hơn là thực chất lợi lộc bên trong; và chính sách của Hồ luôn đi theo con đường ôn hòa đã tiếp tục được tiến hành cho đến năm 1954, khi những tiếng nói đối lập được thúc giục bởi những cố vấn của Mao, đã dập tắt ý muốn của Hồ. 
Sau khi ý muốn Washington muốn ngăn chặn cuộc bầu cử ở miền Nam đã lộ ra quá rõ ràng, ở miền Bắc một cuộc cải cách mới với nhiều sự trả thù hơn được tiến hành, trong đó những địa chủ cứng đầu, đa số là người Thiên chúa giáo, đôi khi bị tra tấn và ngay cả bị giết. Hồ lên án những vụ tra tấn mà ông ta cho là trò mọi rợ của đế quốc. Ông đặt câu hỏi rằng, " Tại sao chúng ta đang tiến hành một chương trình công bằng chính đáng mà lại đi dùng những phương pháp tàn bạo ?" . Chỉ khi có những bộ đội Việt Minh phản đối những trận đấu tố gia đình họ thì cuộc cải cách mới thối lui và các viên chức thú nhận là " đã đánh giá quá cao quân thù ."Tuy nhiên đã quá trễ để giữ lại những người muốn Thiên chúa giáo di cư vào Nam. Có chừng 600000 người theo " Ðức mẹ đồng trinh " vào Nam trong khi chừng 900000 người Thiên chúa giáo ở lại.
Duiker phê phán nặng nề Hồ trong giai đoạn này chứ không đổ lửi cho cơ chế Cộng sản. Dù Hồ không trực tiếp thi hành cuộc cải cách ruộng đất hay vụ đàn áp những trí thức phản kháng trong " Nhân Văn Giai Phẩm " sau đó, ông sẵn lòng tha thứ cho những hành động tàn bạo của cấp dưới vì lợi ích của sự nghiệp cách mạng. Duiker nhận xét rằng, " Hồ chí Minh trở thành tù nhân của sự sáng tạo của ông ta.. vì trong khi uy tín đang xuống nên ông không tránh được đường đi cứng ngắt của một hệ thống tàn sát số phận của nhiều người để đạt cho được chỉ tiêu đạo đức cách mạng của kế hoạch của cấp trên"
Sự thận trọng của Việt Nam đối với ảnh hưởng Trung Cộng gia tăng thêm trong thời gian chiến tranh với Mỹ. Những viện trợ cho Hà Nội đôi khi bị tắc nghẽn vì sự tố cáo lẫn nhau giữa Moscow và Bắc kinh. Nga theo đường lối sống chung hòa bình với phương Tây năm 1956, trong khi Bắc Kinh vào cuối thập niên 1960 đã cổ súy cuộc cách mạng văn hóa. Duiker ngạc nhiên khi thấy lớp đàn em kế tục Hồ không phải là Phạm văn Ðồng và Võ nguyên Giáp mà là Lê Duẩn và Lê đức Thọ, Duẩn và Thọ là những kẻ giáo điều, những kẻ mà Tổng Thống Mỹ Johnson gọi là " những kẻ hiếu chiến từ miền Bắc." Những kẻ chủ chiến Lê Duẩn và Lê đức Thọ sau khi tước quyền Hồ chí Minh đã tiến hành cuộc chiến tranh nhuộm đỏ miền Nam cho đến ngày toàn thắng năm 1975.
Ở Hà Nội, Hồ sống đơn giản như khi còn sống trong vùng du kích kháng chiến. Ông từ chối dọn vào dinh toàn quyền mà sống trong một ngôi nhà sàn sau lưng dinh toàn quyền nằm cạnh một dòng suối. Ông là Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nhưng ông muốn người dân gọi ông là Bác Hồ. Người ta thường thấy ông bận bộ đồ Kaki, đi dép râu nói chuyện với nông dân hay với những trẻ em hớn hở. Ðối với những nhà quan sát bên ngoài thì cách sống của ông có vẻ như là một màn tự trình diễn màu mè giả tạo. Sau hết, ông là người chinh phục người nghe bằng cách nói nhiều ngôn ngữ khác nhau, thích sự khen ngợi và tình yêu phụ nữ dành cho ông. Duiker kể rằng lúc ở Trung Hoa ông đã lấy vợ hai lần và khi ở Hà Nội ông đã làm cha một đứa nhỏ. Duiker không giải thích nhiều về tài đóng kịch của Hồ, nhưng có nhiều điều đạo đức Khổng giáo mà Hồ chưa làm được. Theo truyền thống Khổng giáo, vua phải mẫu mực trong chuyện hành động đúng. Hồ chưa phải là người mẫu mực trong đời sống tình cảm cá nhân, có thể là do bản thân ông mà có thể là do tổ chức chính trị ( Ðảng) không cho phép ông công khai sống đời tình cảm bình thường của một người đàn ông vì Ðảng muốn biến ông thành một biểu tượng siêu phàm có lợi cho cuộc đấu tranh. Bằng cách từ chối nếp sống xa hoa vương giả, Hồ muốn chứng tỏ chính chân thực của cuộc cách mạng của ông đến toàn dân là đoạn tuyệt với quá khứ phong kiến.
Vào cuối thập niên 1950 và đầu 1960, Hồ đi nước ngoài nhiều để khéo léo vận động làm sao cho Liên xô và Trung Cộng viện trợ cho chính quyền của ông ta dù mối quan hệ Nga-Trung ngày càng đổ vỡ trầm trọng. Nhưng vai trò của ông ngày càng có tính cách nghi lễ nhiều hơn. Lê Duẫn, một người trải qua nhiều năm tù trong nhà giam thực dân Pháp, đã lên nắm quyền và hất cẳng ông Hồ ra rìa. Chịu chung số phận với ông là Ðại tướng Võ nguyên Giáp. Duiker cho rằng Hồ mất dần quyền lực từ cuộc cải cách ruộng đất tàn bạo vào những năm 1955-1956, vào lúc ảnh hưởng Trung Cộng đang đè nặng lên cuộc cách mạng Việt Nam. Theo Duiker, Hồ không trực tiếp dính líu đến cuộc cách mạng cải cách ruộng đất nhưng với danh tiếng của ông là một người lãnh đạo biết hết mọi chuyện và lo hết mọi điều, uy tín ông bị sứt mẻ nặng nề vì sự tàn bạo trong chiến dịch.
Ðầu thập niên 1960, Hồ cảnh cáo những đồng chí của ông về quyết định ra lệnh tổng nổi dậy quá sớm ở miền Nam và chống lại chuyện quá đề cao vấn đề đấu tranh quân sự. Hồ muốn tránh đem Mỹ vào cuộc chiến tranh, và cho đến khi chính phủ Johnson bắt đầu ném bom miền Bắc, Hồ vẫn tin tưởng Washington sẽ từ bỏ sự ủng hộ chính quyền Sài Gòn. Nhưng chuyện không diễn ra như thế. Khi quân Mỹ bắt đầu đổ vào Việt Nam năm 1965, Hồ đã 75 tuổi và không còn chút quyền lực gì trong chính quyền do ông tạo dựng nên.
Năm 1962, có một nhà báo Pháp tên Bernard Fall đến Hà Nội phỏng vấn Hồ chí Minh và mong sẽ tìm ra những câu trả lời cho những chuyện bí ẩn trong đời Hồ. Hồ cũng đã nói thẳng là ông không muốn nói hết những bí ẩn về mình, Hồ nói với Bernard Fall như sau, " À, như ông thấy, tôi là một người đã già, rất già.. Tôi muốn giữ lại một số bí mật nhỏ của tôi." Bản thân Hồ không muốn khai ra những bí mật về mình thì cũng khó mà bạch hóa tất cả những bí ẩn của ông được.
Duiker đánh giá Hồ chí Minh là " Một nửa Lê Nin và một nửa Gandhi " , có nghĩa là con người Hồ chí Minh vừa độc ác, tàn bạo như Lê Nin, vừa đạo đức, thánh thiện như thánh Gandhi. Phần tàn bạo Lê Nin trong người Hồ đã quá rõ ràng, nhưng phần thánh thiện Gandhi trong Hồ vẫn còn mờ nhạt tuy Hồ luôn tìm kiếm cách giải quyết vấn đề mà không cần đến sức mạnh quân sự và khác với những đồng chí của ông, ông có một tầm nhìn xa nhạy bén về những thực tế về quốc tế và quốc nội, từ đó đưa ra một giải pháp thực tiễn, khéo léo và kiên nhẫn để khôn ngoan tìm kiếm những giải pháp bằng đường lối ngoại giao. Không may thay, Duiker trách cả Pháp lẫn Mỹ đều không cảm thấy điều đó để đáp ứng đúng lúc, để cho vấn đề tranh chấp được giải quyết theo đường lối hòa bình và có thể đã tiết kiệm xương máu cả hàng triệu nhân mạng. 
Học giả Trần trọng Kim trong hồi ký " Một cơn gió bụi ", có kể lại chuyện năm 1946 có qua Hương Cảng ( Hong kong) gặp vua Bảo Ðại. Khi gặp nhau, lời đầu tiên mà vua Bảo Ðại nói với cụ Trần là:
" Chúng mình già trẻ mắc lừa bọn du côn."
( Trích từ cuốn hồi ký " Một cơn gió bụi " trang 146 của Trần trọng Kim )
Chữ" du côn" mà vua Bảo Ðại dùng để chỉ Hồ chí Minh và tổ chức Việt Minh ngay từ năm 1946 thật là quá đúng. Hồ chí Minh, qua tổ chức Việt Minh, ngay từ 1945 đã có những hành động bạo ngược, bắt người lấy của, giết hại những người không theo đảng họ, hay vì tư thù chém giết một cách tàn nhẫn. Họ đánh Pháp nhưng mục đích cốt yếu đạt được không phải vì quốc gia, nhưng họ phải lợi dụng hai chữ quốc gia để chống với quân địch mà đứng vào cái địa vị tranh đấu cho nền độc lập nước nhà. Chỉ trong mấy năm thành lập, Việt Minh do Hồ chí Minh lãnh đạo đã lòi ra nanh vuốt của loài quỉ dữ, của bọn người bất nhân tàn độc nên đã bị vua Bảo Ðại gọi là bọn du côn.
Ngay trong di chúc thật Hồ chí Minh cũng thú nhận ông không ngại làm việc ác vì muốn noi gương Trần thủ Ðộ ngày xưa, sẵn sàng làm ác mà vẫn làm cho nước giàu dân mạnh. Thật ra Hồ chí Minh có sự nhầm lẫn lớn lao khi so sánh chuyện làm ác của mình với Trần thủ Ðộ. Trần thủ Ðộ vì muốn bảo vệ ngôi báu cho nhà Trần nên đã tàn nhẫn ra tay tàn sát hậu duệ của nhà Lý. Nhưng đối với nhân dân Trần thủ Ðộ không có hành động nào có thể gọi là thất nhân tâm, giết người vô tội như Hồ chí Minh đã làm trong cải cách ruộng đất. Vì không làm điều gì sai quấy với nhân dân nên Trần thủ Ðộ đã đoàn kết được nhân dân chống giặc Nguyên và sau đó xây dựng một đất nước giàu mạnh. Hồ chí Minh thì ngoài nhiệm vụ giành độc lập dân tộc, ông còn có bổn phận đối với Quốc Tế Cộng Sản mà ông là hội viên, nên sau khi kháng Pháp thành công ông đã nghe theo lời Trung Cộng để làm cuộc cải cách ruộng đất tàn bạo, giết hại cả trăm ngàn dân vô tội.
Nhưng rồi cuối đời, ông sống những ngày thê thảm như ông đã trối trăn trong chúc thư thật và bị chính chế độ do ông dựng ra đày ải, giam cầm ông. Ông như một phù thủy ác độc tạo ra âm binh để dùng trong những việc mờ ám. Nhưng vì là loại phù thủy không cao tay ấn nên âm binh quay ngược lại hãm hại người phù thủy đã tạo ra chúng.
Cuộc đời của Hồ chí Minh là một bi thảm kịch. Thảm kịch không chỉ xảy ra cho bản thân ông mà còn cho cả dân tộc Việt Nam.
Bài học mà chúng ta có thể rút được từ cuộc đời Hồ chí Minh là đừng bao giờ áp dụng một cách máy móc một học thuyết ngoại lai nào ( Tây, Tàu, Nga, Mỹ ) vào đất nước Việt Nam mà không cân nhắc, cẩn thận vì học thuyết nào cũng có cái đúng, cái sai. Ðem áp dụng một cách mù quáng thì lợi bất cập hại như Hồ chí Minh đã đem với học thuyết Mác - Lê vào Việt Nam. Sai lầm của một thầy thuốc thì giết mất một con bệnh, sai lầm của một nhà chính trị là giết luôn không phải một thế hệ mà nhiều thế hệ người dân. Ðất nước Việt Nam ngày hôm nay vẫn còn tiếp tục chảy máu vì những di sản độc hại do Hồ chí Minh để lại. Máu sẽ phải chảy một lần nữa để rửa cho sạch những tàn tích độc hại của một chủ nghĩa ngoại lai và hy vọng đây là lần chót người Việt Nam sẽ tỉnh táo nắm giữ vận mạng đất nước mình, xây đắp một nền độc lập thật sự cho quê hương Việt Nam mến yêu chứ không còn làm bù nhìn và tay sai cho ngoại bang như Hồ chí Minh và những đám lãnh đạo hai miền Nam Bắc đã làm trong suốt thế kỷ qua.
Lawndale, Một ngày tạnh ráo có nắng vàng hoe đầu tháng 3 năm 2004
TRẦN VIẾT ÐẠI HƯNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét