Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Trung Quốc sử dụng tập đoàn dầu khí để cưỡng chiếm Biển Đông ?

Giàn khoan của Tập đoàn dầu khí Trung Quốc CNOOC (REUTERS)
Giàn khoan của Tập đoàn dầu khí Trung Quốc CNOOC (REUTERS)

Trọng Nghĩa
Liên tiếp trong hai ngày hôm qua và hôm nay, 27/06/2012, Chính quyền Việt Nam đã lên tiếng phản đối dữ dội quyết định của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc, viết tắt là CNOOC, đã « ngang nhiên » mời các tập đoàn nước ngoài vào đấu thầu 9 lô dầu khí nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam chiếu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Đối với nhiều nhà phân tích, rõ rằng là Bắc Kinh đang thực hiện chiến lược cưỡng chiếm nguồn dầu khí tiềm tàng dưới Biển Đông bất chấp tranh chấp chủ quyền đang tồn tại với nước khác.
Ngay từ hôm qua, trả lời hãng tin Nga Interfax, ông Jonathan London thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học City University ở Hồng Kông đã nhận định : « Rõ ràng là thông báo mời đấu thầu 9 lô này là một hành động khiêu khích, mặc dù công việc này chắc chắn đã được dự trù từ trước ».
Đối với giới quan sát, động thái của CNOOC đánh dấu một bước leo thang mới làm cho quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh thêm căng thẳng trên vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, với tập đoàn dầu khí nhà nước của Trung Quốc được dùng như là công cụ để « nắn gân » Việt Nam, nếu được thì cưỡng chiếm luôn khu vực được rao thầu, nếu không được thì rút lui, đổ lỗi cho sáng kiến riêng của tập đoàn này, chứ không phải là chủ trương của Nhà nước.
Theo ông Rod Wye, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Chatham House ở Anh Quốc, nguyên là Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Anh ở Bắc Kinh, quan hệ chặt chẽ giữa tập đoàn dầu khí CNOOC và chính phủ Trung Quốc cho thấy rõ là quyết định gọi thầu thăm dò và khai thác các lô dầu khí ngoài khơi Việt Nam đã được chính quyền Bắc Kinh đồng ý.
Mối lợi đối với Trung Quốc, theo chuyên gia này, là khi để cho CNOOC xung trận, chính quyền Bắc Kinh hoàn toàn duy trì được khả năng chối cãi sau này là họ không hề bật đèn xanh cho việc mời thầu này nếu chẳng may tình hình xấu đi.
Ông Rod Wye cho rằng quyết định mời thầu khai thác được công bố hôm 23/06 vừa qua là bằng chứng cho thấy quyết tâm càng lúc càng lớn của Trung Quốc trong việc áp đặt các đòi hỏi chủ quyền của họ tại vùng Biển Đông, bất chấp các thỏa thuận từng được cam kết là giải quyết tranh chấp bằng đàm phán hòa bình. Theo chuyên gia này : « Thực tế là Trung Quốc đã trở thành một tác nhân quan trọng trong vùng, sức mạnh của họ đã gia tăng, và họ đang ngày càng có thêm năng lực áp đặt chương trình nghị sự của họ cho khu vực ».
Ý định dùng CNOOC làm công cụ chinh phục Biển Đông đã từng được bộc lộ gần đây, khi Trung Quốc bỏ ra gần 1 tỷ đô la để chế tạo cho tập đoàn này giàn khoan nước sâu đầu tiên đặt tên là Hải Dương 981. Ngay sau khi thử nghiệm, giàn khoan này đã được đưa xuống hoạt động ở Biển Đông, bước đầu là ở vùng ngoài khơi Hồng Kông, nơi không có tranh chấp với bất kỳ ai.
Thế nhưng các nhà quan sát không loại trừ khả năng tới đây Trung Quốc sẽ đưa giàn khoan này xuống hoạt động xa hơn về phía Nam, trong những vùng biển tranh chấp với Philippines hay Việt Nam chẳng hạn. Theo ông Lưu Phong, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Quốc gia Nam Hải, một cơ quan Nhà nước Trung Quốc, khả năng Trung Quốc tiến xuống hoạt động khai thác ở vùng miền trung hay miền nam Biển Đông « chỉ là vấn đề thời gian mà thôi ».
Tháng năm vừa qua, nhân lễ đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hoạt động, ông Vương Nghi Lâm, Chủ tịch tập đoàn CNOOC đã không che giấu nhiệm vụ mà ông cho rằng tổng công ty của ông phải làm : đó là nỗ lực bảo vệ lợi ích dầu khi của quốc gia, bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước cũng như chủ quyền Trung Quốc trên các vùng biển.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét