Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

Những vần thơ Tưởng Niệm ngày Quốc Hận 30/4/1975

Ngày Quốc Hận năm nay như năm trước,
Vẫn là ngày Quốc Hận của năm sau!
Nếu mọi người còn chung một niềm đau,
Còn quay quắt ôm nỗi sầu vong quốc.
Vĩnh Liêm (Quốc Hận 2003)

Bốn câu thơ trên của nhà thơ Vĩnh Liêm sáng tác vào dịp tưởng niệm 28 năm Quốc Hận (30/4/2003), không phải chỉ là tâm sự của riêng cá nhân tác giả mà nó phản ảnh tâm tư của người dân miền Nam nói riêng và của cả dân tộc Việt Nam nói chung. Niềm đau chung nỗi sầu vong quốc đã được ghi lại bằng những vần thơ, câu văn hay dòng nhạc. Đối với nhà thơ Lê Chân, tác giả của “Bài thơ Tháng Tư Đen”, 30/4 là ngày đoạn trường, ngày phủ màu tang trắng trên quê hương dân tộc:

Anh ơi ! Tháng Tư đen
Ngày ba mươi đoạn trường !
Anh nuốt hờn tủi nhục,
Em suối lệ trào tuôn.
Anh ơi ! Tháng Tư đen
Tháng Tư cơn Quốc nạn
Trời đất cùng kinh hoàng,
Tháng tư phủ mầu tang.
"Tháng Tư đen không chỉ là buông súng,
Ngày toàn dân phải trả gía"hòa bình" .
Bằng tủi nhục bằng ngàn năm tăm tối,
Bằng đọa đày cả thế hệ tương lai ."
Tháng Tư ôi ! Nhục hình
Ngập trời cảnh điêu linh.
Khóc thương bao Anh Hùng,
Vì Tổ Quốc hy sinh.

Hay nỗi đau uất hận của nhà thơ  Dương Thượng Trúc được gói ghém trong bài thơ Tháng Tư Tổ Quốc Phủ Màu Tang

Tháng tư Tổ Quốc phủ màu tang.
Dân tộc đau thương oán hận tràn.
Tủi phận nam nhi đời lữ thứ.
Hướng về quê mẹ lệ chứa chan...

Không phải chỉ riêng có Dương Thượng Trúc tác giả của bốn câu thơ trên mang nỗi sầu biệt xứ mà còn có Vĩnh Liêm và rất nhiều nhà thơ khác cũng đã nói lên dùm tâm trạng của hơn ba triệu thuyền nhân tỵ nạn CSVN nơi xứ người :

Vẫn là chuyện tháng Tư buồn thảm ấy,
Thế mà sao tôi vẫn nhớ thân thương!
Vì tháng Tư nên tôi phải ly hương,
Nơi đất khách ôm nỗi sầu biệt xứ.
Chuyện bi thảm của Miền Nam bức tử,
Là chuyện buồn của lịch sử sang trang.
Là niềm đau uất hận đã dâng tràn,
Là ly cách muôn đời dòng sữa Mẹ.
Vĩnh Liêm (Vẫn chuyện tháng tư)

Chuyện buồn của lịch sử sang trang cũng đã được nữ sĩ Ngô Minh Hằng ghi chép lại khá đầy đủ qua bài thơ “Hỡi ai thương nhớ quê hương”:

Hỡi ai thương nhớ quê hương
Xin nghe tôi kể chuyện buồn tháng Tư
Tháng Tư, trời đất mây mù
Lệnh hàng, buông súng, thiên thu còn buồn!
Nghẹn ngào, nhục tủi, đau thương
Oan khiên máu đỏ ngập đường lui quân
Thân người đổ xuống theo thân
Không làn đất phủ, không lần tiễn đưa !
Xác người bón gốc rừng thưa
Nước tôi có một Tháng Tư kinh hoàng !
Tháng Tư nghe lệnh đầu hàng
Bao người thương lá cờ vàng, quyên sinh!
Nước nguy, vị nước, quên mình
Mất thành, anh dũng cùng thành, chết theo!
Tháng Tư khói lửa ngặt nghèo
Vô danh quốc sử bao nhiêu anh hùng!
Tháng Tư vợ trẻ khóc chồng
Mẹ già chan chứa giọt  hồng khóc con
Tháng Tư đại bác nổ giòn
Trẻ thơ chết thảm dưới cơn đạn thù
Tháng Tư rộng cửa lao tù
Nước tôi từ đấy đau nhừ nỗi đau
Núi rừng người nối chân nhau
Kiếp tù lạ nhất địa cầu, thảm chưa !
Trong tù, tù chết như mơ
Ngoài tù, dân chết bên bờ biển đông
Biển xanh pha đỏ máu hồng
Rừng xanh lệ đỏ từng dòng mồ hôi !
Tháng Tư ai biến nước tôi
Thành lò hỏa ngục thiêu người tang thương!

Đất nước VN đã được thống nhất 36 năm. Thời gian cũng khá đủ dài để xây dựng lại quê hương sau chinh chiến  điêu linh và đem lại cơm no áo ấm hạnh phúc cho muôn dân. Nhưng điều gì đã khiến cho hơn ba triệu người Việt tỵ nạn CS ở hải ngoại ưu tư trăn trở phải chọn lựa ôm mối sầu biệt xứ cách ly muôn đời dòng sữa Mẹ VN. Bài thơ ‘Quốc hận 30 tháng 4 cuả Sao Linh được Đỗ Quân phổ nhạc cũng là một trong những câu trả lời cho câu hỏi tại sao những người mang căn cước tỵ nạn chính trị CSVN vẫn chưa trở về quê cha đất tổ:

Anh hỏi em sao không về thăm mẹ
Ngày lìa đời mẹ nhắm mắt không yên
Vắng bóng em nên mẹ chết ưu phiền
Vầng tang trắng thiếu đưa con gái út
Em hỏi anh vì sao em bỏ nước?
Tại vì sao mẫu tử phải chia lìa
Tại vì sao chồng vợ phải phân chia
Ngàn người chết biển đông trong rừng thẳm
Em hỏi anh hơn ba mươi năm lẻ
Quê hương mình dân chúng vẫn điêu linh
Độc lập tự do sao dân không cơm áo
Hiếp đáp người, đàn áp bắt dân oan
Nào Biển Đông Nam Quan, Bản Giốc
Sao cắt dâng Tàu cuí mặt khom lưng
Cô gái thanh xuân nước mắt rưng rưng
Vì manh aó bán thân lìa cha mẹ
Trẻ thất học lang thang trên đường phố
Kiếm mưu sinh trong đống rác vĩa hè
Nguời dân oan mất nhà và mất đất
Nguời nông dân cày ruộng thiếu cơm ăn
Tuy xa quê nhưng lòng luôn khắc khoải
Vui sướng gì khi đất nước lầm than
30 tháng 4 anh ơi còn nhớ
Ngày đau buồn cả nước quấn khăn tang
Ba mươi tháng tư Việt Nam ngày Quốc hận
Ngày kinh hoàng rúng động cả năm châu
Giặc cộng xâm lăng bao nguời dân đã chết
Vì tự do ta làm thân viễn xứ
Em sẽ về khi quê hương bừng sáng
Ngày tự do dân chủ sẽ không xa
Tuổi trẻ Việt Nam kiên gan bất khuất
Sẽ dựng lại một mùa xuân nhiệm mầu

Nỗi lòng đồng bào hải ngoại nghĩ về Ngày Quốc Hận 30/4 đau xót như thế ấy. Thế còn đồng bào quốc nội nghĩ gì về ngày 30/4. Bài thơ dưới đây của một công dân mới 2 tuổi đời vào năm 1975 nay đã nghĩ gì trong mùa tưởng niệm 36 năm quốc hận 30/4

Tháng tư con hai tuổi
Ba bồng con đứng nép bên đường
Xích xe tăng rào rạo nghênh ngang
Con bật khóc ngực ba đau nhói

Tháng tư với mặt trời mọc ngược
Đêm thành ngày trắng bỗng thành đen
Gió không thổi người đi như chạy
Hầm hố nào thành luỹ tan hoang

Giờ cũng tháng tư
Con gần bốn mươi tuổi
Xích xe tăng vẫn nghiến mặt đường
Nghe rào rạo trong đêm tăm tối
Đường tự do nối mọi trái tim

Bị chặt khúc đào lên lấp xuống
Đường dân chủ vun vút dùi cui
Nòng súng nhắm vào từng khuôn ngực
Chúng muốn ta đi bằng đầu gối
Rụng hết tay chân biến thành lươn
Chúng muốn biến ta thành đinh ốc
Trong cỗ xe bọc thép tối om
Chúng muốn ta sống đời thực vật
Không biết đau la hét nói cười
Chỉ mở mắt nằm như cá chết
Trong nhà mồ lạnh lẽo trống không

Tháng tư trở lại làm cai ngục
Thay xích xiềng ổ khoá xà lim
Thay óc não buồng tim lá phổi
Thay con người thành lũ cừu non
Tháng tư đen tháng tư quỷ ám
Cả một bầy vượn cáo nhố nhăng
Kìa lũ sói đến từ phương bắc
Hú trên ngàn rớt rụng vầng trăng
Tháng tư đó làm đời con ngạt thở
Ba mươi sáu lần ba mươi sáu sợi dây
Mỗi lần đến lại siết thêm một chút
Ba già rồi ai cởi trói cho con!
Khuất Đẩu (Tháng tư đen)

Ngoài những vần thơ uất hận, những câu thơ châm biếm miả mai cuả ngòi bút Bút Trẻ trong bài thơ “Tháng tư đen” là những cái bạt tai ô nhục ngàn đời không rửa sạch dành cho những kẻ bán nước buôn dân:
Tháng tư đen như mực… Tầu
vấy lên cả nước… một mầu tang chung

Tháng tư đen như mặt… Hồ
Dân Ta ngồi…rửa nỗi nhơ ngàn đời

Tháng tư đen như…Bô Xi ( xít )
bưng Bô cho Hán tặc…Xi đầy nhà

Tháng tư đen như…đảng tà
đỉnh cao ngu tối, chuyên… “chà đồ Nhôm”

Tháng tư đen, xã hội đen
bạo quyền…cướp trắng , dân hèn… trắng tay

Dẫu rằng đất nước đang chìm trong đen tối trước nạn Hán hóa, nhưng 4000 năm lịch sử hào hùng của tổ tiên đã đem lại cho ngòi Bút Trẻ niềm tin:

Tháng tư đen , Đuốc Tiền Nhân

Bất Tuân Dân Sự!... toàn dân lên đường
Tháng tư đen, Sử vẫn Xanh
Anh Hùng Hào Kiệt !... quyết giành Giang Sơn

Riêng đối với nhà thơ Lê Chân dù mang tâm trạng u uẩn khóc đời lưu vong:

Ba mươi sáu năm qua,
Tháng Tư đau từng giờ .
Tháng Tư trong hơi thở,
Tháng Tư gợi hồn thơ .
Vần thơ ôm uất hận,
Ta khóc đời lưu vong .
Anh hùng há thua được,
Khí tiết còn Non Sông .

Tiết khí còn non sông còn, nhà thơ Lê Chân đã biến những đau thương thành xúc tác lên đường vang    lời thề rửa nhục giang sơn.

Hãy biến những đau thương,
Thành hành động kiên cường .
Hãy cất cao tiếng nói,
Vì tương lai xuống đường .

Tổ quốc Việt Nam ta
Hãy trả lại cho ta !
Vạn tấm lòng tha thiết,
Thề cứu lấy Quốc gia .

Anh ơi ! Tháng Tư đen
Hãy ngẩng cao cuộc đời .
Lịch sử đang gọi mời ,
Lịch sử chính tay người .

Hãy viết lên anh ơi,
Hoa Lài trang sử mới .
Hãy thét lên anh ơi ,
Hoa Lài réo hồn tôi .

Anh ơi ! Nước non dơ
Ta lấy gì rửa sạch ?
Cơn cuồng phong cách mạng ,
Ta rửa nhục giang san .

Máu Trung Tá Long đã thấm xuống lòng đất

Anh ơi ! Ngày tang chung
Thúc giục hồn Anh hùng
Anh Hùng nơi lòng đất
Khí phách còn Núi Sông
(bài thơ tháng tư đen)

Và dĩ nhiên lịch sử VN sẽ lật sang trang mới huy hoàng và tươi sáng vì ngọn lửa Diên Hồng đang bùng cháy trong lòng dân tộc VN

Đây quê hương bao năm dài tăm tối
Tủi nhục ơi ! Tang tóc đến ngất trời
Dậy ! Dậy ! Đi cách mạng khắp nơi nơi
Hoa Lài kia là chân lý cuộc đời

Giờ thái thú tham tàn đang thống trị,
Cam tâm cúi đầu bán nước cầu vinh .
Chúng hèn với giặc, ác với dân mình,
Hào kiệt ơi ! Sao anh nỡ làm thinh ?

Hỡi những trái tim thao thức Việt Nam,
Hỡi những trái tim khắc sâu lời nguyền .
Hỡi những trái tim kêu gào khẩn thiết,
Hỡi những trái tim chưa lần ngủ yên .

Không ! Ta không van xin bạo quyền .
Không ! Ta vươn vai phá tan xích xiềng

Không ! Ta biến mình thành ánh đuốc
Không ! Ta thề cứu lấy Non Sông

Lê Chân (Hào kiệt đâu ??)

Lịch sử hào hùng của giòng giống tiên rồng  rồi  cũng sẽ được lập lại.  Sẽ có một ngày màu tang quốc Hận 30/4 sẽ đi vào dĩ vãng khi mặt trời tự do dân chủ và tình người chan hoà khắp nẻo đường đất nước Việt Nam. Ngày ấy tất phải đến. Không một bạo lực nào có thể cản ngăn được bánh xe lịch sử đang chuyển mình theo khát vọng của toàn dân.

Nam Dao (Adelaide)
30/4/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét